02 March 2021

KHI LÁ XANH RỒI 1 – Ngọc Ánh

Giới thiệu: GSC kính mời quý vị cùng theo ngòi bút quen thuộc của Ngọc Ánh để trở về tuổi học trò của mình với những bước không cần phải e dè, rón rén trên một hành trình đầy khắc khoải dầm thắm kỷ niệm qua Tập truyện “Khi Lá Xanh Rồi” được GSC đăng lại trong mục ‘Truyện nhiều kỳ’ lần nầy. Khác với tác phẩm “Ngày Tháng Buồn Hiu” đã đăng trước đây Tập truyện nầy Ngọc Ánh với giọng văn dễ thương vô cùng hồn nhiên chắc chắn sẽ làm quý vị không khỏi ngạc nhiên. Xin mời.

Vô đề

Kỹ niệm bao giờ cũng đẹp dù thật tế không hẳn như vậy nhưng đối với tôi, ký ức về một thời mới lớn luôn là cầu vồng rực rở nhất trong tâm hồn, mà may mắn tôi còn níu giữ được cho tới bây giờ.

Một ngôi trường tỉnh nhỏ, một thưở học trò êm đềm, một nhóm bạn bè nhí nhố hồn nhiên, khu vườn tuổi thơ của tôi có hoa có bướm, có cu gáy có ve sầu có phượng đỏ..Tôi đã đắm mình trong không gian tự tình lãng mạn đó mà mấy mươi năm sau vẫn còn mơ màng nghe tiếng guốc khua vang thời con gái trong buổi tựu trường năm cũ.

Kỹ niệm thời áo trắng thì có biết bao nhiêu điều để kể để nhắc, nhưng gom lại trong quyển sách mỏng này là những câu chuyện còn đọng lại của nụ cười thân thương ngày hôm qua, chắc là không đủ một vòng tay ôm nhỏ nhoi của tác giả, nhưng tạm gọi là chút quà dành cho bạn bè gần xa nhân ngày hội ngộ, để nhớ về Trường xưa, nhớ về Thầy Cô, về những tháng năm bình yên nhất tụi mình được làm học trò.

 

Bạn và một thời đáng nhớ

Tôi đọc ở đâu đó câu này mà thấy đắc ý “đừng coi của cải là bạn, hãy coi bạn là của cải” Khi mà người ta đã đến cái ngưỡng “lục tuần” thì chuyện của cải này cần thiết biết bao nhiêu, bởi vì nếu không có nó, trước lúc ra đi người ta sẽ ấm ức nhận ra rằng mình quá nghèo, quá cô đơn.

Tôi có nhiều bạn, tôi tự hào để nói như vậy.

Hồi nhỏ má tôi hay bị mấy bà hàng xóm rù rì “con gái con đứa gì mà đánh đôi đánh đọ” Má tôi cười hiền “tui biết tánh con tui mà”, có lẽ bà thông cảm tôi là con một, không chị em trong nhà để chơi nên cũng buồn…Đầu làng cuối xóm tôi đều có bạn, đi học về là tót qua nhà đứa này đứa kia, học hành cũng có mà “tám” chuyện trên trời dưới đất cũng có..

Lớn lên một chút cũng không thay đổi được tánh nết ham vui, cũng bạn bè tụ năm tụ ba cuối tuần đèo nhau trên xe đạp đi tuốt ra ngã ba An Trạch, vô Vũng Thơm (mà không thấy thơm chút nào, chỉ có hàng tre mát rượi đường quê) học trò nghèo đâu nhiều tiền rủng rỉnh mà ăn hàng, chỉ ghé được quán sinh tố của nhỏ bạn,  được nó thương tình cho uống ly trà đá là mát ruột rồi, nói tiếng “cắm trại” cho oai chớ vài ổ bánh mì, mấy trái mận … đủ cả ngày để chơi trong vườn nhà bạn.

Thưở ấy hồn nhiên tung tăng, chúng tôi vô tư hát đồng dao ngoài đường.

Những ngày tháng êm đềm đó luôn theo tôi vào trong giấc mơ sau này, đến nổi nửa đêm thức dậy bàng hoàng, tôi giận con tắc kè kêu to làm vỡ tan kỹ niệm một thời mới lớn, vỡ tan mối tình học trò khi tay vừa nắm được bàn tay.

Thời gian qua đi mấy mươi năm, bạn bè tan tác, thầy trò mất hút ở cuối nẻo đường, trường cũ thay tên đổi họ mấy bận, vẫn nằm đó im lìm nhưng sao thấy như lạ lẫm trong từng bước chân hối hả kiếm tìm. Người ở lại vẫn thấy ngày hôm nay giống như hôm qua, nhưng người đi xa thì ngược lại..Cái nôn nao khi nhớ về ngày xưa bổng chốc rạng rở trong nụ cười ánh mắt lúc gặp lại chính mình áo trắng tinh khôi

Tôi chăm chỉ như con ong thợ xây cái tổ mật ngọt cho mình và bạn bè trú ngụ. Tôi lần từng trang Album vàng ố để nhận diện khuôn mặt ngày hôm qua, tôi gọi đứa này tôi réo đứa kia, tôi mon men vào ngôi trường mới sửa sang lạ hoắc để mong tìm lại dáng ai ngồi bên hồ sen ngày nọ, dáng ai đứng dưới gốc cây còng rợp bóng sân chơi , ngập ngừng chờ em đi qua để đưa vội cuốn tập ép thư tình…

Tôi hay ví von trái đất hình vuông mà mỗi người núp trong một góc nào đó tưởng như là xa lắm. Thời đại tiến bộ hơn với Internet có voice chat,  Email , Facebook và những phương tiện thông tin nhanh nhất bằng cell phone, chúng tôi liên lạc được với nhau dù đang ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, sự nối kết càng ngày càng nhiều, bạn bè gặp lại càng lúc càng đông..Chỉ gọi tên thôi là bạn đã bước ra khỏi cái góc để thấy nhau rồi, hỏi sao không vui , không reo hò hớn hở sau ngần ấy năm biền biệt?

Nhớ hoài bài thơ của Hoàng Minh tặng bạn ngày đầu hội ngộ, nhớ  Vạn khi mò lên tận Thủ Đức tìm nhà cô bạn cũ, hai đứa đứng nhìn nhau cười trừ vì không tài nào nhận ra khuôn mặt đã khác xưa. Rồi những cuộc hẹn hàng năm, tôi về ngủ trong cái mùng túm húm, rù rì với nhỏ Hai, nhỏ Chuôn, nhỏ Bạch Thủy đến nửa đêm, bạn bè lúc đầu lèo tèo ở quán cóc, sau đông dần hàng chục, rồi hàng trăm…Mỗi cuộc họp cười vui nghiêng ngã quên cả lối về. Vậy đó, mọi người đều cố gắng để đến với nhau bằng nhiều cách, kể cả tụ tập uống cà phê cuối tuần, chờ dịp đám ma đám cưới, đầy tháng thôi nôi của cháu nội/ngoại… Rồi trang Web, trang Blog được mở ra, hồi đi học môn Việt Văn là ngồi ôm đầu nhíu mắt, rặn mãi vẫn không xong phần nhập đề, vậy mà về già “anh hoa phát tiết ra ngoài” nên bổng nhiên đứa nào cũng một bụng văn, một túi thơ lủng lẳng, có tên chỉ qua một đêm mất ngũ đã mần một hơi mấy bài tùy bút post ngay lên mạng cho bà con đọc chơi…Quả là siêu văn!

Tôi chưa kịp mừng cái gia tài rủng rỉnh của mình thì phải chia tay lần nữa, cuộc đời mà, ai đâu biết được rủi may phía trước. Rời xa tỉnh lỵ SócTrăng nhỏ xíu mà vương cả một trời thương nhớ, rời xa Sàigòn phồn hoa đô hội, hành trang tôi mang theo đầy ắp những yêu thương trĩu nặng.

Ngày lên máy bay, Sàigòn đang vào mùa mưa, xe đi ngang qua con đường có nhiều hoa phượng đỏ ối sũng nước, tôi buồn và tự hỏi “Bao giờ mình trở lại?Quê hương chỉ là nơi để nhớ thôi mà!”

Bạn bè ở khắp mọi nơi, tiểu bang tôi sống có nhiều người Việt Nam, nghe tiếng Việt đã thấy muốn làm quen, huống chi gặp người cùng quê, rồi cùng trường, cùng lớp…Niềm vui nhân lên gấp bội, ai cũng thấy mình trẻ lại như thời còn đi học. Cái gạch nối quả là tuyệt diệu để chúng tôi có cơ hội ngồi lại bên nhau rôm rả tiếng cười, Hồng Nhan, Lệ Toàn, Ngọc Thủy, Thu Hương, Thành, Thủy Lê, Tuyết Hạnh, Cẩm Nhung, Thắm…bạn đâu mà nhiều vậy, Má tôi còn sống chắc bà sẽ nói: nhóc nhà!

Nhớ lần đầu lên nhà nhỏ Hương, nó không cho ngũ, hai đứa ôm gối qua phòng khách nói chuyện rỉ rả suốt, lâu lâu nhắc lại chuyện xưa đắc ý phá lên cười vang rân. Cali nắng ấm và những khuôn mặt thân tình  hơn ba mươi năm mới gặp lại mừng mừng tủi tủi, tưởng đâu đã ò- í- e trên biển cả mênh mông, Cám ơn đời bạn bè còn sống sót, còn có dịp để nói cười hồn nhiên thân thiết hôm nay.

Tôi lang thang qua nhiều thành phố trên nước Mỹ bao la này để tìm bạn Hoàng Diệu bốn phương, có thể hồi đi học chưa bao giờ quen biết, nhưng bây giờ thì náo nức trong mỗi cuộc hẹn hò, Phú ở TX, Thạch ở NJ, Thoại ở WC, Phúc ở NJ,  Yến ở NV, Thu Hà ở CA…giống như hồi nhỏ tôi có bạn từ đầu trên xóm dưới thì bây giờ bạn từ Đông sang Tây …

Mỗi kỳ đại hội Hoàng Diệu, Thầy trò khắp nơi bay về tụ họp đông nhưng mà chưa đủ, tôi nghĩ như vậy vì hầu hết ở hải ngoại, thời gian và điều kiện cho một chuyến đi chơi không phải lúc nào cũng thuận tiện như ở quê nhà. Nhưng dầu sao gặp được là vui lắm rồi, mấy anh chị khóa lớn hơn, lớp đàn em sau này…Tất cả đều hân hoan trên gương mặt dù rằng  sờ tóc –tóc đã bạc, hỏi lòng-lòng chưa già” Chị Bạch Mai gọi phone tâm tình “ Chị bị đau tim nhưng lâu lắm mới gặp lại bạn cũ, nên vui quá chừng, báo hại đêm về tim co thắt lại đau vì ..mừng!”, BHai thì reo lên “Ê cám ơn nhe, nhờ nhóm HD mà tôi gặp lại mấy đứa chung lớp hồi xưa..” Kim Yến thì “sốc” hơn, cô nàng bỏ ra mấy ngày để vô mạng tìm cho được đứa bạn thân thời đệ lục.Vậy đó, bạn bè tôi đều hào hứng khi nhắc về trường xưa, về kỹ niệm áo trắng học trò.

 Có người gọi cái thời đi học là thiên đường cũng đúng, bởi vì ở đó đâu có quỷ dữ, đâu có chiến tranh, đâu có phân chia Nam Bắc, đâu có bất đồng chính kiến về chủ nghĩa này nọ..Chỉ ăn, đi học và vui chơi.

Tạo một sân chơi lành mạnh như sân trường ngày xưa coi dễ mà khó, lúc trẻ mình tìm đến nhau vì vô tư, còn khi về già người ta lại sống quá nhiều với ưu nên vui thì vui vậy mà lắm lúc cũng cố chấp phát ghét…Thôi thì chín bỏ làm mười, mình còn có bao nhiêu thời gian để sống cho đáng sống, đừng để lúc gần thăng lại thều thào ân hận “Tôi ước gì giữ được liên lạc với bạn bè”. Thế thì tại sao mình không làm điều đó ngay từ bây giờ?  Chúng ta hãy đi tìm từng viên gạch để lót lại nền một sân trường từ lâu đã mất bởi cuộc sống bề bộn áo cơm…

Nếu xem “Bạn là của cải” thì có lẽ tôi là người giàu có nhất , vốn quý cần giữ chặt. Nhưng nếu bạn đang cô đơn, đang cần một sự chia xẻ, đừng ngần ngại khi gõ cửa, tôi sẽ dang rộng vòng tay thân thiết để đón bạn. Hãy tin tôi đi, rồi bạn sẽ giàu lên cho mà xem!

Ngọc Ánh