02 March 2021

CÁI BẪY CỦA SỐ PHẬN - Vương Hoài Uyên

Rồi cuộc thi cũng kết thúc. Bạn bè chào nhau hẹn mùa thi sang năm sẽ gặp. Mỗi mùa thi họ được điều đến một ngôi trường làm một công việc nhàm chán: giám thị phòng thi, đó cũng là dịp gặp lại những người bạn lâu ngày không gặp. Những giờ gác thi dài lê thê, căng thẳng như bị tra tấn trước đám học trò với những khuôn mặt hốc hác, phờ phạc vì thức đêm, Kim như thấy lại thời niên thiếu xa xưa của mình. Mọi người về cả rồi. Chị chậm rãi xuống cầu thang. Bannãy lúc nộp bài chị cũng không cần phải vội vàng mặc dù anh bạn đồng nghiệp đã nhường cho chị, đặt xấp bài của chị lên trên với nụ cười nửa miệng:

- Ưu tiên cho phụ nữ.

Bất đắc dĩ chị phải cười đáp lại:

- Cảm ơn anh Duẫn. Nhưng tôi không vội. Anh khỏi phải nhường.
Và chị quay đi, tránh cái nhìn khó hiểu của Duẫn.

Bãi đậu xe rộng thênh thang chỉ còn vài ba chiếc xe của những giáo viên làm công tác lãnh đạo ở lại sau cùng để làm thủ tục niêm phong bài thi. Kim gặp một cô bạn dạy khác trường đang hấp tấp quay đầu xe. Cô bạn nhoẽn miệng cười vui vẻ:

- Mình đang vội về đi biển, trời nóng quá. Ông xã và mấy nhóc đang chờ ở nhà, gia đình Kim có đi không?.

Chị lắc đầu vẫy tay đáp lại:

- Chúc vui vẻ.
Chị đã ngồi yên trên xe khởi động máy, nghe tiếng máy nổ đều đều nhưng vẫn chưa muốn đạp số. Đi đâu bây giờ? Chị thẫn thờ tự hỏi. Người ta có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, lúc nào cũng muốn tranh thủ để về nhà. Còn chị, chị cũng có một chỗ để trở về nhưng chị biết chắc chỗ đó không có gì vui vẻ dành mình, trừ mấy đứa con. Tuy có một gia đình, sống bên cạnh người thân, nhưng bao giờ chị cũng có cảm giác bơ vơ như một người không chốn nương thân.
Kim đi loanh quanh một lát trên những con phố ồn ào. Bốn giờ chiều nhưng cái nắng của một ngày hè miền Trung vẫn còn rực rỡ chói chang. Cho đến khi nghe tiếng sóng vỗ rì rào chị mới chợt nhận ra xe mình sắp rẽ vào một con đường mới mở chạy quanh co ven biển. Con đường quá đẹp và hiện đại ôm lấy bờ biển xanh bát ngát trở thành niềm tự hào của người dân thành phố biển này. Một vài cây dừa còn sót lại rủ những cành lá xơ xác trên bãi biển vàng óng nắng chiều. Kim khóa xe cẩn thận để bên lề và lần theo bậc tam cấp để đi xuống bãi cát. Ngồi trên một ghềnh đá dưới bóng dừa chị thấy lòng yên tĩnh đôi chút.
Một điệu nhạc xa xăm từ một quán cà phê nào đó vẳng đến bên tai chị: “ Khi tôi về, con chim câu nằm trong tổ ấm, dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự, và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa…” Bài hát thịnh hành từ thời xa xưa, khi Kim còn là một nữ sinh trung học. Giữa thời bom đạn ác liệt, nó là viễn cảnh hòa bình không biết bao giờ mới đạt đến. Nó là khát vọng cháy bỏng của không biết bao nhiêu triệu con tim. Người ta hát mà rưng rưng nước mắt: “ Khi tôi về, con diều bay đùa bay trong gió, chốn quê nhà trên thảm cỏ xanh có đứa trẻ để bụng lòi rốn đen, cười thanh bình…” Chị như trôi theo bài hát quay về với thời bom đạn xa xưa.

Những năm chiến tranh ấy bao trùm trên thời mới lớn của Kim như tấm áo choàng đen của mụ phù thủy. Hồi ấy những giấc mơ thời con gái của Kim thường bị đánh thức bởi tiếng bom đạn ì ầm cùng với tiếng gọi hốt hoảng của mẹ:

- Dậy! dậy! Vào hầm.
Nhà ở thành phố không có chỗ đào hầm, người dân thường dùng một phòng chất bao cát làm hầm nổi. Ngồi co ro trong xó hầm chật hẹp, Kim thấy rõ hai đứa em run lập cập trong tiếng súng nổ rất gần. Cảm giác lúc đó mạng sống của mình thật mong manh, phó mặc cho rủi may. Mẹ Kim lại cho đó là căn hầm may mắn, vì có lần mẹ gói ba lượng vàng trong miếng vải, nhét sâu vào ngách bao cát, vài hôm sau không hiểu vì sao ba lượng vàng biến mất. Chỗ dấu vàng chỉ có mình mẹ biết, không có lý do gì kẻ khác biết được.
Cứ đinh ninh là mất hẳn số vàng ấy rồi, nhưng vài tuần sau trong một đêm vào dọn hầm, mẹ bàng hoàng thấy ba lượng vàng nằm trong một gói giẻ rách te tua trên nền hầm. Theo Kim, thủ phạm vụ nầy chắc chắn là mấy con chuột chứ không ai khác. Vậy mà mẹ cũng cảm ơn lũ chuột đã biết nghĩ lại. Mẹ gọi lũ chuột là “ ông Tý” và theo mê tín của mẹ thì chuột cũng biết trả thù hẳn hoi, cho nên không được xem thường.

Mỗi lần ngồi trong hầm nghe bom đạn nổ, Kim hay nghĩ về Khoa.
Giờ nầy nơi hải đảo hoang sơ ấy Khoa có bình yên không. Là lính đảo, Khoa hiếm khi có dịp về thành phố, chỉ còn những bức thư vượt trùng dương xa xôi: “ Kim biết không, anh đã đi qua rất nhiều ngày chưa có một giọt mưa. Chưa bao giờ anh thèm một giọt mưa đến thế. Mỗi buổi sáng thức dậy trên tàu mây biển pha màu ở cuối chân trời rực rỡ báo hiệu một ngày nắng gắt, hy vọng về một cơn mưa rào mùa hạ càng bị đẩy lùi xa xăm. Giá như có một ngày nào đó Kim ra đảo thăm anh chắc sẽ không còn nhận ra anh nữa. Lính đảo không có nước ngọt để tắm nên đành phải tắm nước biển, da sạm đen và tóc rụng dần…” Nhưng Kim không bao giờ còn có dịp gặp lại Khoa nữa. Khoa đã vĩnh viễn ra đi không về trong cuộc chiến khốc liệt trên đảo Hoàng Sa xuân 1974. Năm ấy Kim mới hai mươi tuổi.

Nỗi đau quá lớn đổ ập xuống đầu người con gái đang học năm thứ hai đại học.Trong đám tang của Khoa, Kim thấy có người con gái trạc tuổi mình, xõa tóc ngồi lặng lẽ khóc bên quan tài. Chị Khanh của Khoa đã kéo Kim ra một chỗ khuất nói nhỏ:

- Em đừng hiểu lầm, cô bé nầy yêu Khoa đơn phương nhưng tha thiết lắm. Giờ phút ấy Kim không hề thấy một chút ghen tức gì với người con gái kia, chỉ thấy thương cô ấy như thương chính bản thân mình. Người ra đi có đau buồn không? Hay tất cả chỉ là nỗi mất mát quá lớn của người ở lại.

Cú đấm đầu tiên của cuộc đời quá mạnh khiến Kim thấy thật sự hụt hẫng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Người ta thường nói những mối tình đầu thường không đi đến đích, có lẽ Kim và Khoa cũng nằm trong cái qui luật chung ấy. Mặc dù chưa hề có sự đính ước nào nhưng Khoa từ lâu đã trở thành thân thiết với gia đình Kim. Kim xin ba mẹ cho phép Kim lập bàn thờ Khoa trong phòng mình. Đêm đêm Kim nằm nhìn lên ảnh Khoa nhớ lại những lần hai người hẹn hò nhau đi chơi trong những buổi chiều lộng gió. Thật vô lý khi bỗng chốc Khoa đã ra người thiên cổ. Sao nhanh đến vậy?

Có nhiều lúc Kim vẫn không tin rằng Khoa đã mất. Sao đời người lại ngắn ngủi quá vậy, khi mắt Khoa còn sáng, tóc Khoa còn xanh thế kia! Nhớ những lần cuối mùa đông Khoa đến giúp Kim trẫy lá mai trong vườn nhà. Vườn nhà Kim trồng nhiều mai, nhưng ba Kim chỉ trồng mai để thưởng xuân chứ không hề bán. Vì vậy chú Năm nói ba Kim có máu lãng mạn, ngay trong cách đặt tên con cũng không giống ai. Kim là Sao Kim, em gái là Sao Mai, em trai út là Kinh Luân. Trồng mai thì dễ nhưng trẫy lá cho mai ra hoa thì mệt phờ. Ba Kim là công chức ngày hai buổi đi làm, thời gian đâu mà trẫy lá. Cậu em trai ham học hay đùn đẫy, má thì bận bịu việc mua bán.
Rốt cuộc chỉ còn mình Kim và cô em gái. Cô nầy thấy có Khoa đến giúp thì mừng quá bèn bỏ cuộc, thay đồ đi chơi. Kim thấy vậy hét lên:

- Ê, Mai ơi đi đâu đấy? Sao không trẫy lá?.

Mai vừa đạp xe vừa ngoảnh đầu liến thoắng:

- Để cho hai người tự do đấy. Em không làm muốn kỳ đà cản mũi đâu.

Khoa thấy vậy vội nói:

- Kim đừng lo, anh làm nhanh lắm. Phân công Kim trẫy cành thấp, anh phụ trách những cành cao. Hai con én làm một mùa Xuân. Ý nghĩa quá còn gì!
Khoa vừa trẫy lá vừa hát nhạc Trịnh Công Sơn. Giọng Khoa trầm ấm nhưng buồn mênh mang. Những lúc Khoa đến sớm, Kim và Khoa hay đi tìm nấm mối trong vườn nhà. Khi trời se lạnh và tạnh ráo sau những ngày mưa, nấm mối nở trắng cả một vạt trong bụi tre cuối vườn. Khi ấy phải nhổ rất nhanh, không thì mặt trời lên cao nấm sẽ tàn mất.

Những khi tìm thấy một vạt nấm mối như vậy Kim rất vui, cũng như những khi tình cờ tìm thấy một cái trứng gà đẻ rớt trong bụi cỏ, hay tình cờ nhìn thấy một con cút hoang mập ù lủi nhanh trong hàng rào cây rậm rạp. Có cái gì hoang dã hay hay, hơn là nhìn thấy một rỗ trứng gà, hay nhìn một chuồng cút được nuôi theo kiểu công nghiệp mà sau nầy thường thấy. Những lúc đó Kim lại hì hụi đỗ bánh xèo nhân nấm mối. Nấm mối ngon kỳ lạ, đỗ bánh xèo và nấu canh với rau khoai lang rất ngọt. Ăn xong hai người lại hì hụi trẫy lá cho mai.

Có lần Kim thắc mắc không hiểu sao ba lại trồng mai ở vườn sau mà không trồng trước sân nhà cho đẹp. Nhưng ba nói mai trồng trước nhà con cái hay bị tuyệt tự, bằng chứng là đã có nhiều nhà trong làng bị như vậy, trong đó có nhà cô Bốn của Kim. Cô Bốn có ba người con trai, nhưng cả hai đều chết bất đắc kỳ tử khi chưa có gia đình, người con trai út tên An nghe nói bị cùi và bỏ đi biệt tích không biết sống chết thế nào.
Trong ba người con cô Bốn, anh An không đẹp trai như anh Bình, anh Hòa, nhưng tính tình rất hiền. Kim nhớ hồi Kim còn nhỏ, có lần bị ba la vì chuyện gì đó, Kim ngồi buồn thiu dưới cây phượng đầu ngõ, trời thì mưa, nước ngập con ngõ. Anh An thấy vậy dắt Kim đi bắt cá. Kim quên ngay chuyện buồn và thấy anh An thật dễ thương. Cây mai lão trước sân nhà bị đốn bỏ. Cô Bốn tóc bạc trắng vì buồn, một mình trong gian nhà rộng thênh thang, lúc nào cũng nghe cô thở dài ảo não. Thỉnh thoảng Kim qua thăm, thấy cô hay ngồi tựa cửa nhìn xa xăm như đang đợi đứa con đi biệt không về.

Vườn mai trẫy xong lá còn trơ lại những cành cây khẳng khiu trơ trụi như những ngón tay gầy guộc quờ quạng trên nền trời xanh. Lá mai xanh phủ dày khắp vườn, Kim và Mai quét gom lại từng đống, đợi lá khô đốt đốt lên làm phân bón cho cây. Cho đến bây giờ khi đã xa quê rất lâu Kim vẫn còn nhớ cái mùi lá mai đốt lên hăng hắc trong gió chiều. Gần giáp tết thì cả vườn mai ra hoa vàng rực. Kim và Khoa hay lang thang trong vườn mai tìm cành mai đẹp nhất cắt ra chưng trong phòng khách. Nhưng những ngày vui đó cũng qua mau. Khoa đang học đại học thì bị động viên vào lính. Khoa vốn có máu mơ mộng nên thi vào binh chủng Hải quân. Kết thúc khóa học, Khoa về thăm nhà mấy hôm trước khi ra đảo. Lần ấy một trận lũ kinh hoàng tràn qua tỉnh nhỏ, nước ngập trắng xóa cả vườn mai. Ba mẹ lo vườn mai ngập nước lụt thế nào cũng chết.
Khoa giúp cả nhà hì hục khuân đồ đạc lên gác. Ngồi trên lan can nhìn nước lũ ngập khắp vườn, Kim buồn buồn:

- Tết năm nay không còn ai giúp Kim trẫy lá cho mai rồi nhỉ.

Khoa an ủi:

- Anh sẽ về phép vào dịp tết. Lo gì.


Kim vẫn biết đó chỉ là một lời hứa mơ hồ. Đúng như vậy, những ngày giáp tết năm ấy Kim mong Khoa cháy lòng nhưng Khoa đã không về, cho đến ngày nghe tin Khoa mất. Một đời lính ngắn ngủi, một đời người mong manh!
Mấy năm sau Kim đi lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình. Thấy Kim không hề yêu ai sau cái chết của Khoa, ba mẹ Kim nhận lời mai mối gã Kim cho Nam, một người mà ba mẹ thấy tương xứng. Nhưng thật ra đó chỉ là một sự “tương xứng” trong quan niệm của những bậc cha mẹ. Nhưng rồi Kim vẫn gật đầu lấy Nam, một phần như đánh cược với số phận, một phần vì chán nản buông xuôi, không thiết tha gì nữa.

Sau nầy Kim mới nhận thấy rất rõ giữa hai người có một sự khập khiễng lớn về tâm hồn, về quan niệm sống…Nhưng nghĩ lại Kim mới thấy cái bẫy của số phận hồi đó giăng ra thật ngọt ngào, đến khi sập bẫy rồi mới thấm thía đau đớn. Nam hồi đó không có vẻ gì là một người đàn ông cực kỳ ích kỷ và cực kỳ gia trưởng như sau nầy. Khi quen nhau người ta thường che dấu bản chất mình trong những cái vỏ bọc đẹp đẽ, hào nhoáng. Nam có học, đẹp trai, lại biết chìu chuộng. Lũ bạn Kim mừng cho Kim. Nhưng không ai biết Kim đã phải trả giá như thế nào cho sự lựa chọn mà số phận đã dành cho mình.
Những năm tháng đầu của cuộc hôn nhân tương đối thuận buồm xuôi gió. Mặc dù có khi xào xáo nhưng Kim nhẫn nhục chịu đựng, vì con. Nhưng Kim càng nhẫn nhục càng ngày Nam càng tỏ ra quá quắt. Nam ghen bóng ghen gió, Nam khó chịu vì mối tình đầu của Kim, mặc dù Khoa đã mất khá lâu. Là một con người cực kỳ ấn tượng, Những khi xích mích nhau Nam hay đem chuyện cái bàn thờ Khoa mà Nam một lần nhìn thấy trong phòng Kim khi hai người mới quen nhau ra dè bỉu:

- Gia đình cô kỳ lạ thật đấy. Chưa phải vợ chồng mà đã thờ tự. Sao lại có thể như thế được nhỉ.

Hoặc:

- Tôi biết cô sống với tôi nhưng hồn vía thì để đâu đâu.
Có khi cả hai cùng đi biển, Kim mê mãi nhìn một con tàu phía xa xa. Nam khó chịu ra mặt:

- Cô yêu biển, yêu con tàu lắm nhỉ!
Câu nói nhằm ám chỉ Khoa. Chỉ một câu nói cay nghiệt đã phá tan giờ phút lẽ ra là êm ấm giữa hai vợ chồng.

Quá thất vọng trước người chồng ích kỷ, vụn vặt, nhiều khi Kim đã nghĩ đến giải pháp ly hôn. Nhưng Khi nghĩ đến các con, Kim lại âm thầm chịu đựng. Kim nghĩ mình đã phải trả giá cho quyết định của mình, các con nào có lỗi gì. Thôi thì cứ ráng mà đi cho hết cuộc đời. Nhưng Kim càng chịu đựng Nam càng lấn lướt. Kim nhớ đã đọc một truyện ngắn của Nam Cao có cảnh một anh nông dân bị lính lệ vuốt má vợ ngay trước mặt thì cúi đầu lầm lũi đi, không dám nói một tiếng.
Nhưng khi về đến nhà thì “ bao nhiêu hằn học trút cả vào má vợ”. Anh nông dân kia không có học, hành xử như thế đã đành.Tiếc thay, Nam có học nhưng cũng thuộc loại người ấy. Có lần Kim đọc một cái tin trên báo, đại để trong một đêm văn nghệ ở nông thôn thời nay, trong khi cô vợ lên sân khấu hát xong một bài đơn ca, một anh thanh niên láu cá đã nhân cơ hội ấy lên sân khấu ôm cô ca sĩ nghiệp dư hôn ngay trước mặt công chúng để… tỏ lòng hâm mộ. Lập tức anh chồng phóng lên đấm một phát vào mặt anh chàng láu cá làm gẩy hai cái răng cửa! Kim nghĩ giá như ghen như vậy còn đúng đối tượng hơn kiểu ghen chì chiết chỉ vì muốn trả thù, muốn đay nghiến làm khổ vợ.

Cứ thế, Kim lang thang đi trong cõi đời như một cái xác không hồn. Bạn bè thường nhận xét lúc nào cũng thấy Kim buồn. Làm sao không buồn khi đứng trước nghịch cảnh ấy - nhất là với những người quen sống nột tâm như Kim. Có những mùa hè con cái được nghĩ học, Kim thường lấy cớ đưa con về thăm ngoại. Đó là những phút thư giản hiếm hoi của Kim giữa những căng thẳng của cuộc sống có khi lên đến đỉnh điểm. Nhiều khi chị thấy mình y hệt như anh chàng Socolop trong tác phẩm “Số phận con người” của Mikhain Solokhop(1), lang thang cùng đứa con nuôi bé bỏng cuốc bộ khắp nước Nga cho quên nỗi buồn vì mất cả vợ con trong thế chiến thứ hai.
Đúng là trong hoàn cảnh đó Socolop chỉ có đi mới khuây khỏa nỗi buồn sâu thẳm. Vì nó, đêm đêm anh đã khóc trong giấc ngủ, trong vô thức đến nỗi khi thức dậy nước mắt thường ướt đẫm gối.

Về thăm lại vườn xưa, những cây mai vẫn còn sống sót sau những trận lũ kinh hoàng. Hoa mai vẫn vô tư nở rực rỡ. Khung cảnh vẫn như ngày xưa nhưng trong lòng thì có quá nhiều mất mát. Kim đi lang thang trong vườn trong buổi chiều tắt nắng, suy gẫm về cuộc đời và nhận thấy dường như ai cũng có số phận của riêng mình. Và có lẽ không ai vượt qua được những cái bẫy của số phận.

Vương Hoài Uyên

*(1): Mikhain Solokhop: Văn hào Nga