09 March 2021

GIỚI TRÍ THỨC CHỐNG BẠO QUYỀN - Ngô Nhân Dụng

Anastasia Vasilyeva biết đám công an của ông Putin sẽ đến bắt mình. Vì Alexei Navalny và nhiều nhà đối lập chống Putin bị bắt cả rồi. Bà Vasilyeva, chủ tịch Nghiệp đoàn Y sĩ, đã sẵn sàng.

Không biết khi biết mình sắp bị công an đến gõ cửa, các cô Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vi, Phạm Đoan Trang, ở nước ta, đã chuẩn bị như thế nào? Rất nhiều người sống dưới chế độ cộng sản luôn lo sẵn khăn gói, lương khô, áo quần, vân vân, chỉ chờ công an đến là lên đường vào tù!

Anastasia Vasilyeva không chuẩn bị theo lối cổ điển như vậy. Theo bản tin Reuters, bà đang ngồi trước cây đàn piano màu trắng, dạo bản đàn rất phổ thông, “Tặng Elise” (Für Elise) của Beethoven lúc 9 giờ sáng ngày 27 tháng Giêng 2021. Mật vụ ập vào, một cô công an trịnh trọng cầm đọc bản án lệnh. Anastasia vẫn tiếp tục đàn. Cho đến lúc hết bài, đứng dậy, bà nói với đám công an đến bắt mình: “Vỗ tay đi chớ?”

Không ai vỗ tay.

Đoạn video dài mấy phút được đưa lên mạng, hàng triệu người khắp thế giới hoan nghênh – và vỗ tay. Anastasia Vasilyeva may mắn sống trong thời đại tin học. Nhờ internet, mạng xã hội và điện thoại di động có thể chụp hình, quay phim, giới đấu tranh ở Nga bây giờ không bị cô lập tuyệt đối như Anna Akhmatova, Osip Mandelstam trong thời Stalin; Andrei Sakharov và Aleksandr Solzhenitsyn thời Khrushchev, Brezhnev; hay như Nhà văn Lưu Hiểu Ba, Luật sư Trần Quang Thành ở bên Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.

Giới trí thức thường thay miệng người dân lên tiếng chống bạo quyền. Đặc biệt là ở nước Nga. Chữ “intelligentsia,” giới trí thức, được dùng trong nhiều ngôn ngữ Âu châu, gốc tiếng Nga. Hoàng đế Đỏ Stalin kiêng nể giới trí tức, không như đám bạo chúa Á châu. Mao Trạch Đông thì nói thẳng rằng giới trí thức không ích lợi bằng cục phân. Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng vẫn học tập tư tưởng Mao Chủ tịch từ thời đó.

Dân Nga tiếp xúc với Âu châu nhiều thế kỷ, các hoàng đế vẫn mời các triết gia, các nhà khoa học Tây Âu làm quốc khách, rất trọng vọng. Có lẽ vì thế người dân cũng kính trọng các thi sĩ, các nhạc sĩ, các nhà khoa học.

Năm 1934, thi sĩ Osip Mandelstam viết một bài thơ chế nhạo Stalin, chỉ đọc trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, đọc thuộc lòng, không ai chép ra. Nhưng cuối cùng mật vụ cũng có một bản. Bị hỏi cung, vì danh dự thi sĩ nhận mình là tác giả. Thay vì tìm cách lên án tử hình Mandelstam, Stalin đã gọi điện thoại cho Boris Pasternak, hỏi ông có mặt khi Mandelstam đọc bài thơ đó không. Pasternak lảng tránh không trả lời. Stalin lại hỏi Mandelstam có phải một thi sĩ lớn hay không. Pasternak chỉ nói mình với Mandelstam làm thơ khác nhau, các chuyện khác không quan trọng. Cuối cùng, Stalin dằn mặt: “Nếu anh muốn cứu bạn anh thì anh đã không nói như thế!” Pasternak sau đó đã đi vận động với nhiều người trong Bộ Chính Trị xin cứu Mandelstam. Nhà thơ không bị giết, chỉ bị đưa đi đầy, 4 năm sau mới chết.

Ngay cả ông Hoàng đế Đỏ cũng nổi lòng ganh tỵ khi thấy các nhà thơ được hoan hô. Trong thời Đại chiến Thứ Hai nữ sĩ Anna Akhmatova và Boris Pasternek được mời tới trình diễn trong một nhà máy. Các công nhân chăm chú nghe họ đọc thơ. Có lúc họ cất tiếng đọc cùng thi sĩ, những bài thơ mà nhiều người Nga đã thuộc lòng! Cuối cùng tất cả đứng dậy vỗ tay. Ngày hôm sau, Stalin hỏi một cận thần: “Đứa nào bày ra cái trò đứng dậy vỗ tay thế?” Có lẽ vì thời niên thiếu Stalin cũng từng là một thi sĩ đang lên, viết bằng tiếng Georgia, thơ đã được in trong nhiều tạp chí có giá trị– nhưng sau này ông ta tuyệt đối không muốn nhắc tới tiếng mẹ đẻ.

Nhạc sĩ Dmitri Shostakovich đã từng là một nạn nhân của Stalin. Ông nổi tiếng trong âm nhạc không khác gì Pasternak trong thi ca. Ông đã viết các bản giao hưởng ca ngợi cách mạng, nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phê bình là có khuynh hướng văn nghệ tư sản, xa rời quần chúng.

Tai nạn đã giáng xuống năm 1936 khi Stalin mang cả Bộ Chính Trị đến coi vở nhạc kịch Lady Macbeth của Shostakovich, đang được khắp nơi hoan hô. Nửa chừng, Stalin đứng dậy ra về. Ngày hôm sau, nhật báo đảng Pravda đăng một bài đả kích kịch liệt vở opera, coi như không phải là âm nhạc nữa. Các báo khác, cả tờ báo của hội nhạc sĩ cũng chỉ trích, bạn bè bắt đầu xa lánh nhạc sĩ. Lợi tức của ông bị giảm ba phần tư!

Shostakovich biết rằng mình sẽ bị trừng phạt. Khác với Anastasia Vasilyeva năm nay, năm 1937 Shostakovich chuẩn bị sẵn sàng chờ công an đến bắt đưa lên Siberia, như thi sĩ Osip Mandelstam đã chết ở đó. Ông được mời tới trụ sở Mật vụ NKVD (tiền thân của KGB). Sau khi “làm việc” cả ngày, ông được viên công an thẩm vấn cho về, hẹn một tháng sau tới hỏi cung tiếp. Ông sợ đến nỗi đêm ra ngủ một mình ở gầm cầu thang. Người em của vợ ông, nhà vật lý học Vsevolod Frederik, bà mẹ vợ, cùng vài người bạn nhạc sĩ đã bị bắt đi trại cải tạo.

Đúng ngày hẹn, Shostakovich đến trụ sở NKVD, mang theo cái va ly chứa đủ quần áo, khăn tắm, bàn chải và thuốc đánh răng, đứng xếp hàng chờ đến lượt mình được hỏi cung. Ông nói với viên thư ký mình đã có hẹn, đọc tên họ viên chức mật vụ đang đợi mình. Người thư ký mở sổ ra coi, rồi bảo: Đồng chí đó hôm nay bận việc. Anh về đi. Chúng tôi sẽ cho gọi anh sau.

Nhưng Shostakovich không bao giờ bị gọi lại. Về sau ông dò hỏi những người quen trong guồng máy công an, họ bảo cái anh công an mật vụ hỏi cung ông đã bị bắt trước ngày ông tới hẹn lần thứ nhì. Sau đó Shostakovich lại tiếp tục soạn những bài ngợi ca các cuộc chiến thắng của Hồng quân và được yên thân. Sau khi Stalin chết năm 1953, không khí dễ thở hơn. Năm 1957 ông viết Giao Hưởng Khúc số 11, đặt tên là “Cách Mạng 1905,” cuộc cách mạng chống Nga hoàng thất bại năm đó. Nhưng ông nói riêng với bạn bè rằng ông thai nghén bản nhạc đó sau cuộc cách mạng Budapest cuối năm 1956, khi dân Hungary nổi lên đòi độc lập tự do rồi bị quân Nga tàn sát đẫm máu.

Khi Stalin đang tính toán cách trừng phạt Osip Mandelstam, một nhân viên đã báo trước với bạo chúa rằng, “Lịch sử bao giờ cũng đứng về phía các thi sĩ. Họ lúc nào cũng nói sự thật.”

Các thi sĩ sẽ sống mãi mãi, sau khi các chế độ đàn áp họ tàn lụi.

Alexei Navalny, nhà tranh đấu chống tham nhũng của chế độ Vladimir Putin cũng nói tương tự khi bị bắt giam. Ông tuyên bố, “Các ông không thể nào làm cho hàng chục triệu người sợ hãi, những người đã bị chính quyền của các ông ăn cướp. Các ông nắm được quyền hành để còng tay tôi, nhưng cái quyền đó không thể kéo dài mãi mãi.”

Ông Navalny, 44 tuổi, đã trở thành người lãnh đạo phong trào đòi dân chủ tự do ở Nga. Ông bị ngộ độc ngày 20 tháng Tám năm ngoái, được đưa qua Berlin chữa trị. Các phòng thí nghiệm ở Đức, Pháp và Thụy Điển xác nhận ông bị đầu độc bằng chất Novichok, thứ độc dược KGB vẫn sử dụng để thủ tiêu những người đối lập. Ông được chữa trị, quyết định bay về nước ngày 17 tháng Giêng, rồi bị bắt. Ông bị đem ra tòa án xử, hàng ngàn người biểu tình phản đối ở nhiều thành phố khắp nước Nga.

Sau khi Navalny bị bắt, các tổ chức tranh đấu ở Nga đã truyền trên YouTube một video dài hai tiếng, mô tả một biệt thự bên bờ Hắc Hải, được giới thiệu là xây dựng làm nơi nghỉ ngơi cho Vladimir Putin. Trong biệt thự sang trọng này có những phòng khiêu vũ, “phòng nghe nhạc với nước” (aqua-discotheque) và cả sòng bài. Hàng trăm triệu người đã chuyển đoạn phim cho mọi người cùng coi với những lời bình phẩm cay đắng.

Chế độ Putin không mạnh bằng thời Stalin, vì các phương tiện truyền thông hiện đại tạo thêm sức mạnh cho lớp người thấp cổ bé miệng. Giới trí thức Nga vẫn tồn tại, họ không sợ hãi như trong thế kỷ trước. Hàng ngàn nhà tranh đấu vẫn chứng tỏ tư cách chững chạc, như Bác sĩ Anastasia Vasilyeva tiếp tục bản đàn của Beethoven trong khi chờ bị bắt.

Dưới chế độ Nguyễn Phú Trọng ở nước ta, các nhà trí thức vẫn không ngừng tranh đấu. Những giáo sư, học giả, nghệ sĩ tập họp trong các nhà xuất bản, trên mạng internet tiếp tục lên tiếng đòi tự do ngôn luận, tự do hội họp. Một Phạm Đoan Trang này bị bắt thì sẽ có nhiều Phạm Đoan Trang khác đứng lên. Họ sẽ cho tất cả mọi người thấy tư cách dũng cảm của người trí thức. Giới trí thức lấy nhân cách của mình làm tấm gương cho cả xã hội. Đó là niềm hy vọng của dân tộc.Trong một bài viết về “Văn Nghệ và Chính trị,” nhà phê bình Lê Ngọc Trà nhận xét, “Trong xã hội ta, có… chỗ đứng trong tổ chức, đoàn thể, không khó bằng có nhân cách. Điều đó ai cũng thấy rõ và càng ngày càng rõ.” Bài này in trong cuốn Lý Luận và Văn Học xuất bản năm 1990. “Không khó bằng có nhân cách!” Nhận xét đó, đến bây giờ vẫn đúng!

Ngô Nhân Dụng