Nhà văn Huỳnh Phan Anh (1940-2020)
Sau tháng 4-75, trong số các nhà văn, nghệ sĩ, nhà giáo chế
độ cũ về cộng tác với nhật báo Tin Sáng (*) ở Tp. HCM – như Hoàng Ngọc Biên,
Cao Thanh Tùng, Đinh Cường, Cao Huy Khanh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Nhật Duật…,
nhà văn/nhà giáo/dịch giả Huỳnh Phan Anh đến với tờ báo khá muộn. Trong 6 năm tờ
báo tái bản (1975-1981), anh Huỳnh Phan Anh chỉ góp mặt khoảng hơn 1 năm.
Một sáng nọ, còn khá sớm, tôi vừa đạp xe đến tòa báo (đường
Cống Quỳnh, Q.1) thì thấy anh Huỳnh Phan Anh ngồi quán cà phê vỉa hè đối diện
tòa báo. Anh vẩy tay gọi. Đẩy gói thuốc lá về phía tôi, tân trưởng ban vui vẻ
nói: “Chào mừng Phạm Nga về ban xã hội nhé. Nay bên ‘đất’ xã hội thì không
còn đề tài về văn hóa, văn nghệ quần chúng như cậu từng‘chuyên trị’ nữa, nhưng
tôi lại thấy cũng về lớp quần chúng công nhân, người lao động thành phố, cậu có
thể viết sang các khía cạnh có tính xã hội về đời sống vật chất, tinh thần và cộng
đồng của đối tượng này – gọi chung là ‘đời sống công nhân’. Cậu chịu thì tôi
giao một mình cậu lo mảng này.”
Khi ấy tôi rất hoan hỉ, khoái tân trưởng ban Huỳnh Phan Anh,
bởi vừa hân hạnh được sếp mời chẩu cà phê sáng vừa được sếp phân công đúng vào
công việc tôi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm để thực hiện. Thật khỏe!
Nhớ hồi còn ban văn xã (cũ), trong một buổi họp ban, Cao Huy
Khanh đã chỉ cho tôi một người gầy gầy mới xuất hiện lần đầu tiên, “Huỳnh
Phan Anh đấy!”. Khi đó tôi mới kiến kỳ hình một nhà
văn/nhà giáo/dịch giả mà từ lâu tôi đã rất mến mộ tuy chỉ mới văn kỳ
thanh. Lý do có vẻ cảm tính nhất khiến tôi mến trọng anh Huỳnh Phan Anh là
vì đây là vị đàn anh đã học/tốt nghiệp triết Tây năm 1964, trước tôi đến 6 năm.
Anh Huỳnh Phan Anh từng viết, dịch nhiều tác phẩm có giá trị sâu sắc về triết học
mà tôi thích nhất là cuốn Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô (NXB Hoàng Đông
Phương, 1968).
Đến khi tiếp cận anh Huỳnh Phan Anh qua môi trường làm báo
Tin Sáng, tôi có dịp cảm nhận thêm về tính điềm đạm, tinh tế và sâu sắc của
anh.
Có lần, khi tình cờ đi ngang cổng một hội chợ về các mặt
hàng tiểu thủ công nghiệp được tổ chức ở công viên Tao Đàn, tôi thấy nhiều gia
đình, vợ hoặc chồng – vẫn mặc áo công nhân đi làm – bồng bế con cái hớn hở, nô
nức bước vào hội chợ, hẳn để mua được hàng giá rẻ, cũng là để gia đình đi chơi
ngày cuối tuần, tôi nảy ý viết một phóng sự ngắn về tình hình vui chơi, giải
trí của giới công nhân thu nhập thấp. Vấn đề là phải viết sao cho ra vấn đề xã
hội, bởi các sự kiện “hội chợ”, “hàng tiểu thủ công nghiệp”, “giới thiệu sản phẩm
mới”… vốn thuộc phần hành của phóng viên ban kinh tế. Nên khi vào hội chợ, tôi bỏ
qua các gian hàng giới thiệu hàng hóa sản phẩm, chỉ chú ý quan sát. ghi ảnh
khách chơi trò chơi tại các gian hàng trò giải trí, chụp cả ảnh trẻ em được tặng
bong bóng ở vài gian hàng quảng cáo sản phẩm mới. Viết xong bài, tôi ghi nhẹ bằng
bút chì cái tựa “Gia đình công nhân vui chơi ở Hội chợ hàng tiểu, thủ công nghiệp”,
bởi tòa soạn có qui định phóng viên để trống chỗ đầu mẫu tin hay đầu bài, tựa sẽ
do trưởng ban chọn, còn nếu người viết có đề xuất thì có thể ghi tựa bằng bút
chì.
Xem qua bài phóng sự, anh Huỳnh Phan Anh bảo tôi: “Được,
bài này cần thiết bởi đã lâu chẳng báo đài nào, kể cả Tin Sáng, thèm để ý và
nói tới chuyện đám công nhân nghèo có thể giải trí như thế nào sau giờ lao động.
Riêng cái tựa ‘Gia đình công nhân vui chơi ở Hội chợ hàng tiểu, thủ công nghiệp’
cậu đề nghị thì không dở, nhưng đâu cần nêu rõ vanh vách ‘hàng tiểu, thủ công
nghiệp’, khiến bài về đề tài xã hội, mới cái tựa thôi mà đã bay mùi kinh tế, sản
xuất, kinh doanh quá! Để coi…, tựa sẽ là ‘Cho những ngày hội vui’ nhé”.
Chỉ qua một cái tựa bài phóng sự, nhà văn Huỳnh Phan Anh khi
làm nhà báo đã truyền cái tinh tế, bóng bẩy của văn phong viết truyện, dịch
sách sang văn phong báo chí vốn chỉ cần chính xác + kịp thời + đầy đủ theo thực
tế sự kiện. Tuy vậy, khoan nói nhà trí thức này có thể chỉ quen suy nghĩ theo lối
‘tháp ngà’ bay bổng, xa thực tế đòi sống. Một lần khác, đến lượt ban xã hội phải
thực hiên cả một trang tin+bài theo chủ đề nhất định, tôi đề nghị chủ đề “Bữa
ăn tại chỗ làm của người lao động” thì được cả ban tán thành. Sau khi ra quán
cà phê cùng tôi thảo ra đề cương bài vở cho chủ đề, trưởng ban phân công: cô KH
vốn chuyên về mảng y tế thì viết về nhà ăn tập thể trong các bệnh viện, anh PTV
chuyên về mảng giáo dục thì đi tìm hiểu bữa ăn trưa của các thầy cô giáo, cô TT
chuyên về phụ nữ và trẻ em thì đến các nhà trẻ.v.v… Tôi thì đương nhiên lo bên
đối tượng công nhân các xí nghiệp, nhà máy, nhưng trưởng ban còn căn dặn tôi một
điều rất thực tế, sát sườn cuộc sống: “Bên cạnh chuyện về nhà ăn tập thể của
các công ty, nhà máy quốc doanh, cậu ráng tìm hiểu thêm, như trong cái
lon gô đựng cơm mang đi làm của dân lao động làm thuê làm mướn, làm công nhật
cho các công ty, tổ hợp tư nhân, xem có được cái gì trong đó nhé”.
Đó là tính cách nghiêm cẩn, tinh tế của anh Huỳnh Phan Anh
trong làm việc, còn ngoài giờ làm việc thì đúng là “làm đã giỏi” thì “chơi
cũng lịch”, anh hào phóng và ung dung phớt đời.
Đã hơn 36-37 năm vể trước, sau giờ làm việc, ngoài những chầu
bia bọt ít khi kéo dài tại căn-tin Tin Sáng, nhóm đi chơi thường ít người (anh
Huỳnh Phan Anh khá kén bạn), quanh quẩn thì cũng sếp Huỳnh Phan Anh, tôi cùng
1-2 đồng nghiệp thân thiết nữa, hay kéo nhau đến quán rượu hà thủ ô của ông Năm
ở đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao (Q.1). Cũng không phải là ít những lần sếp Tâm
nói nhỏ, riêng với tôi: “Quán Ông Năm đi!”. Giữa lúc cưa đôi xị rượu, tôi không
thể không thầm quan sát người đối ẩm. Nhâm nhi cốc rượu, anh Huỳnh Phan Anh lặng
lẽ chuyện vãn, rất hiếm khi thấy anh sôi nổi, lớn tiếng vì chuyện gì, dù là
chuyện đang thời sự hot đến mấy.
Sau khi Tin Sáng dẹp tiệm (tháng 6-81), anh
Huỳnh Phan Anh chuyển công tác về phòng Kịch bản phim, còn tôi chuyển về tạp
chí Điểm Phim. Từ đó, chúng tôi có thêm một bãi đáp mới: quán
Rượu Rắn hay quán cô Liên trong hẽm dẫn vào trường Lasan Đức Minh cũ, số
146/21Võ Thị Sáu (Q.1). Lúc này có thêm hai người bạn mới rất thân thiết cùng
tên Nhân, là đạo diễn Hồ Nhân và biên kịch Tám Nhân. Cả hai quán đều đã đóng cửa
lúc nào không rõ. Riêng vợ chồng cô Liên đã đi Mỹ, hiện sống ở California. Theo
lời cậu em chồng cô Liên – người đang trông coi quán cà phê đã thế chỗ cho quán
rượu, rằng khi về thăm nhà, nhiều lần cô đã thố lộ rằng trong số khách quen hay
đến quán Rượu Rắn ngày xưa, đến bây giờ cô vẫn nhớ nhất là “nhóm làm báo, làm
phim”, hay ngắn gọn, trìu mến – “nhóm anh Tâm”.
(*) Nhật báo Tin Sáng do ông Ngô Công Đức sáng lập năm 1968 ở
Sài Gòn, đình bản năm 1972; sau ’30 thâng 4′ đến tháng 8-1975 được phép tái bản,
đến tháng 6-1981 thì “hoàn thành nhiệm vụ”.