Nằm một góc nơi đường Kim Long và đường rẽ vô Vạn Xuân, là
phủ thờ Đức Quốc Công Phạm đăng Hưng. Ông người gốc Gò Công, Tiền Giang, làm
Thượng thư bộ Lễ, thân sinh của bà Từ Dụ Hoàng Hậu, vợ vua Thiệu Trị. Phủ thờ
do vua Tự Đức lập nên, để thờ ông ngoại mình, vì thế dân Huế gọi là Ngoại tự đường.
Trong nhân gian, đi ngang phủ ai cũng nói là đi ngang Ngoại tự đường, và ít người biết thêm trong phủ thờ ai, ai lập ra. Trong vè lụt Quý Tỵ năm 1953, lúc còn nhỏ tôi nghe Mệ Ngoại nói vè có đoạn nước lũ cuốn qua Ngoại tự đường làm sập nhà tứ giác để bia đá, nhưng không nhớ rõ ràng. Ngoại tôi đã mất từ lâu và tôi, với lối tra cứu tài tử, từ xa… vẫn chưa tìm được đoạn vè đó.
Tôi học trường Tiểu học Vạn Xuân. Nghỉ hè thường cùng bạn
chơi trốn tìm, ù mọi, …dọc theo tường thành Ngoại tự đường, phía đường vô Vạn
Xuân, từ ngoài ngã ba đến nhà ông Phú Bò, vì ông chuyên nuôi bò. Con ông, tên
Tâm, học cùng lớp, rất tử tế với tôi, và chăm sóc tôi như một người chị.
Qua khỏi nhà Tâm là nhà của một vị thầy có tiếng ở Huế, thầy
Lâm mộng Toại. Nhà thầy là một ngôi nhà vườn kiểu mẫu Huế, với bao bọc khuôn
viên bằng hàng rào chè tàu thật cao, cắt tém đẹp đẽ. Vườn có nhiều loại cây ăn
trái.
Trước mặt nhà, băng qua đường Vạn Xuân, là một lối đi xuống
bến sông Kẻ Vạn với hai hàng cây im bóng. Bến xây gạch, có các trụ ngồi hóng
mát, dưới một cây sung lớn, nhánh tỏa bóng im bao trùm cả bến, thơ mộng.
Trong nhà có một chị đẹp xanh xao, hay ngồi dưới bến, nói một
mình về một anh chàng tên Đông nào đó hứa hẹn nhiều điều với chị. Chàng Đông,
đi Tây du học rồi không về. Chị vì quá yêu, quá thương nhớ đến loạn trí.
Bọn con nít chúng tôi, đứa nào cũng cái miệng tía lia, được
chị thương lắm. Chúng tôi hay hỏi han về anh chàng của chị, rồi vẽ vời có một
ông anh một đứa trong bọn, cũng du học ở Pháp hay gặp anh Đông. Vì đang làm mấy
cái bằng cao lắm nên anh chưa về đó thôi. Chị say mê theo những tung hứng hấp dẫn
của bọn tôi, và hay hẹn gặp nhau, thường buổi trưa nắng chói chan. Có thể chị
thương bọn tôi, có thể chị sợ bọn tôi quên hẹn, mất nghe những lời êm tai, chị
mang khi thì ổi, khi thì măng cụt…cho cả bọn.
Chúng tôi lại mở rộng trí tưởng tượng, nghĩ ra những câu
chuyện có lớp lang, và được ăn trái cây ngon suốt mấy mùa hè tuổi nhỏ. Sau này
mẹ tôi biết chuyện, rầy la cả bọn. Rằng chúng tôi dùng lời ngon ngọt phĩnh phờ
chị để ăn măng cụt, mãng cầu…là làm chuyện thất đức. Rồi lên Trung học, mỗi đứa
một trường, nhiều bạn mới, nhiều trò chơi vui hơn. Chúng tôi, cũng như anh Đông
nào đó, bỏ chị dài dài một mình nơi bến sông, lảm nhảm về những vô lý của cuộc
đời.
Ngoại tự đường là không gian thân thiết của tuổi ấu thơ tôi.
Từ giã trường Tiểu học Vạn Xuân, bạn bè lớp Nhất đi tứ tán. Đứa đậu càng cua vô
trường công, đứa rớt phải đi học trường tư, hay học một nghề như sửa xe, thợ
may, thợ nề…Những ngày vui đùa quanh Ngoại tự đường dọc theo đường Vạn Xuân, vô
xóm Phú mộng hay tuốt ra tới bến đò Ba bến, theo mấy tháng hè qua nhanh.
Lên Trung học tôi lại hay hớt tóc nơi quán anh Hai, dựng sát
tường thành Ngoại tự đường. Quán dùng tường thành làm nơi treo gương, sơn quét
đàng hoàng, trang trí tranh ảnh đẹp. Anh Hai là một trung niên vui vẻ chuyện gì
cũng biết, khách hàng rất thích. Với tôi, anh thường tâng bốc là ông Tú, ngay từ
những năm còn học Đệ Tứ, Đệ Tam. Cách làm PR này rất mới vào thời đó. Vì thế mà
tôi khoái tới anh Hai hớt tóc chăng ? Cho đến khi lên Đại học tôi không lui tới
quán nữa. Không phải ghét bỏ chi anh Hai, mà vì tôi để tóc dài ngang vai.
Đối diện tiệm hớt tóc, bên kia đường phía mé sông, có một
quán bánh bèo, nậm, lọc, ram ít, bánh ướt thịt nướng, bánh ướt nhụy tôm…rất hấp
dẫn của o Bê.
Năm cuối trung học đệ nhất cấp, tôi có một người bạn tuyệt vời.
Hắn dẫn tôi tiếp xúc với văn minh ẩm thực Huế. Từ cao lầu mỳ Châu Anh, ngả giữa,
đường Phan bội Châu, tới La Ích Hiệp mỳ gia, đường Chi lăng, Gia hội. Từ cháo
lòng Đồng ý cho tới bánh bèo Nghoẹo Giàng Xay, chổ nào cũng có tôi với hắn đeo
nhau hằng ngày trên chiếc Mobilette, tìm tới.
Tôi thường làm tài xế, và khi hắn nói qua Ngoại tự đường, có
nghĩa là ghé o Bê ăn bánh. Hắn rành ăn đến độ biết các món lươn ở Lưu Hương, một
tiệm rất quý phái ở Lục bộ, trong Thành Nội. Theo hắn, bánh khoái quán ông
Thân, dưới chân cầu Đông ba cũ, dòn hơn Lạc Thiện, tiệm bánh khoái nỗi tiếng
trước cửa Thượng Tứ.
Đến bây giờ, tôi cũng không biết kiến thức ẩm thực lịch lãm
đó của hắn do đâu mà có.
Xin đừng hỏi tôi, mới học Đệ Tứ làm chi ra tiền mà đi ăn dữ
rứa.
Tôi chỉ thuộc diện ăn theo…hắn. Tôi sẽ kể chuyện này vào một
lần khác. Bây giờ chỉ nói về Ngoại tự đường, nơi đã dính liền với tôi từ thời ấu
thơ đến khi lớn lên, với những kỷ niệm đẹp, ít ra là cho đến năm mười bảy tuổi.
Năm tôi 17 tuổi, một biến cố lớn xảy ra khắp miền Nam, mà Huế
là nơi tan nát nhất, người chết nhiều nhất. Đó là cuộc tổng công kích Tết Mậu
Thân 1968 của Bắc việt.
Xóm tôi tản cư lên Kim Long sáng mồng 8 Tết sau một loạt bom
của Mỹ thả xuống dọc theo quốc lộ 1 và kinh thành. Dân tản cư tập trung ở Đại
chủng viện Phú Xuân, hay Đại chủng viện Kim Long. Tên Đại chủng viện này đúng
ra là Xuân Bích, âm từ dòng tu Saint-Sulpice, nhưng đa số dân Huế vùng Kim
Long, Vạn Xuân, Phú Thạnh…gọi là Đại chủng viện Phú Xuân hay ngắn gọn Đại chủng
viện. Đại gia đình tôi lúc mới chạy tới, ở trong một nhà xe trong sân chính Đại
chủng viện, vì căn nhà 4 tầng to lớn, nguyên là phòng học, thư viện, đã chật
kín người.
Tạm yên chừng vài hôm. Một đêm, đạn pháo không biết của bên
nào, bắn sụp một góc toà nhà. Khoảng 50 người bị trúng đạn, hoặc bị các tầng sập
đè chết. Đó là một đêm kinh hoàng. Xác người bầy nhầy, trộn máu xương, bê tông,
vôi vữa…văng tứ tung.
Vì tu sinh về quê ăn Tết hết, đám thanh niên chúng tôi cùng
với Cha Cao như Sơn, và một vài Cha già, gần như kiệt sức sau khi nhặt gom thi
thể nạn nhân, khâm liệm trong các quan tài đóng tạm bằng gổ bàn, cửa nhà dòng.
Một số khác được gia đình, thân nhân lo liệu, mua hòm ở các tiệm hòm đọc đường
Kim Long. Tất cả được đem ra chôn đằng sau đất chủng viện.
Cha Sơn là một vị Linh mục người Pháp, Tu viện trưởng của Đại
chủng viện. Cha cao khoảng 2m nên có cái tên Việt rất tượng hình đó. Cha nói tiếng
Việt, giọng Huế rất sành sõi, có duyên, hóm hĩnh.
Tôi bị Cha hớp hồn ngay buổi sáng đầu tiên chạy loạn lên
đây. Hình ảnh một Linh mục, áo chùng cột ngang hông, tay xộc vào hai túi ni
lông đi lượm phân người trong sân Đại chủng viện, nơi bà con ta đã phóng uế bừa
bãi về đêm, làm lòng tôi xấu hổ lạ lùng.
Trong sương mai mờ mờ, vị Cha cao lêu nghêu khom lưng nhặt đồ
dơ làm tôi xúc động run rẫy. Tôi vơ vội hai cái bao thọc vào tay và chạy ra
cùng làm với Cha. Không ngờ đám bạn cùng lứa cũng chạy ra thêm mấy đứa. Từ đó
chúng tôi cùng với Cha như một nhóm tự nguyện làm bất cứ việc gì Cha đề ra :
đào thêm hố xí, kẻ chữ thập trên mái lầu để lưu ý máy bay…
Một thời gian sau Mậu Thân, tôi thỉnh thoảng ghé thăm Cha,
nhưng rồi thưa dần vì bận rộn thi liên tiếp hai cái Tú tài. Đến khi xong Đại học
tôi chỉ còn trong đầu câu chuyện Cha đi mua hương ở các quán mé bờ sông vào những
ngày rằm, ba mươi, mồng một. Một ông Cha người Pháp đi mua hương đã là chuyện lạ,
mà còn lạ hơn, xúc động hơn với câu trả lời của Cha khi có người hỏi Cha mua
hương làm gì.
Rằm, ba mươi, mồng một, mấy người chôn sau dòng đêm nào cũng
về lay cha, kêu van lạnh quá vì không ai hương khói.
Trước đây chừng vài năm, hỏi thăm mấy cha quen, tu dòng Xuân
Bích bên Paris, họ cho biết cha Sơn bị trục xuất sau 1975 về Pháp, ở một tu viện
gần Avignon và mất tại đó.
Sau trận pháo này, gia đình tôi lại dắt díu nhau lên hướng
chùa Linh Mụ, kéo vô dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
Ở đây chúng tôi chiếm hết một góc phòng lớn với 4 chiếc chiếu
cho đại gia đình gồm bà ngoại, ba mẹ tôi và các anh chị em, 2 gia đình khác của
hai người bà con cô cậu với ba tôi, chạy loạn từ ngoài Phong điền vào trước đây
cả năm. Tổng cộng gần 20 người.
Nấu cơm phải dùng nồi lớn. Cả nhà ngồi kín hành lang trước
phòng mỗi bửa ăn. Nghe có con nghé bị hạ thịt do trúng đạn, mẹ tôi kéo hai o bà
con đi, và mua về cả vài ký mới đủ xáo cho cả nhà ăn.
Đời sống tản cư quen lần. Đàn bà lo việc ăn uống, nghe chung
quanh có nơi nào xẻ thịt, hạ heo, bán bí bầu, rau…là tìm tới, mua chút thức ăn
cho gia đình. Đàn ông, lo lắng hơn, nghe lén các đài BBC, VOA, theo dõi tình
hình chiến sự.
Tôi cũng như hầu hết bạn trẻ, chúi đầu vào các cuốn sách
mang đi được, rồi trao đổi nhau. Tủ sách khá phong phú: tạp chí Tuổi hoa, truyện
kiếm hiệp, Tam quốc chí…Tôi quanh quẩn suốt ngày trên chiếc chiếu gia đình đọc
sách và mẹ tôi thích lắm vì bà bảo vệ được con, trước việc thường xuyên bắt tập
trung thanh niên đi tãi thương.
Mẹ tôi rất nhanh trong chuyện này. Khi có người mang AK vào
cửa dòng là tức thì có báo động giây chuyền. Mẹ tôi kéo tôi ra nhà sau, chạy
băng qua một đám cỏ tranh, chun vô dòng kín. Ở đó mẹ tôi có quen một bà sơ, và
tôi nằm trong phòng bà sơ đó cho đến khi mẹ tôi vào dẫn về. Nhiều lần trót lọt.
Liên tiếp mấy hôm không thấy bắt người đi tải thương, thiên hạ hết căng thẳng.
Nhưng rồi một hôm, đã sáu giờ chiều, một toán bộ đội ập vô. Không lẫn tránh kịp,
khoảng 15 người bị giữ lại ngồi một hàng ngoài sân, trong đó có tôi, đợi gia
đình lấy gạo, áo quần và đi ngay chiều hôm đó.
May mắn, đợt tải thương này chỉ đưa thương binh lên tới rú Bắp.
Ở đó vừa lập một trạm cứu thương mới, do các Bác sĩ bị bắt ở Huế phụ trách,
nghe có BS Đệ ở Tây Lộc. Thương binh khỏi chuyển ra Phong điền.
Nếu phải tải thương ra Phong điền, thì qua hết cả quận Hương
trà hàng chục cây số đường quanh co, để tránh máy bay. Hai người khiêng một
thương binh với đầy đủ tiêu lệnh chăm sóc. Nếu lạng quạng không lo cho thương
binh khi gặp oanh tạc, pháo kích hay địch tấn công…sẽ bị xử bắn.
Lên rú Bắp, giao thương binh xong, trời sáng, lại phải ẩn nấp
đến chiều nhá nhem mới cho đi trở về, và tới dòng, gần nửa đêm.
Mẹ tôi không tin mắt mình và thút thít ôm tôi không dám khóc
to. Sau chuyến đó, mẹ tôi canh chừng việc kêu người đi tải thương nhiều hơn.
Nhưng các toán mang súng vào nhà dòng thưa lần, cho đến cuối tháng Giêng không
thấy nữa.
Khoảng giữa tháng Giêng, người ta bắt đầu về nhà lấy thêm gạo,
rau trái trong vườn, dưới biền thêm vào bửa ăn cho có chất tươi. Cùng xóm với
nhau đi thành toán 5,6 người. Về nhổ được vài bẹ môn, chặt buồng chuối xanh là
vội vã trở lên dòng vì sợ bất trắc.
Có vài ngày phía bên kia sông Hương khoảng cầu Lòn đi lên
Phường Đúc, Long Thọ, ngang với Đại chủng viện, có đạn bắn sẻ qua, rất chính
xác. Có một cô trong xóm đem thau áo quần xuống giặt ở bến nhà dòng, đứng xây
lưng ra sông để chà áo quần nơi bậc cấp bến, bị đạn bắn vào lưng, gục xuống chết
nửa trên nửa dưới nước. Phải đợi hơn nửa ngày, đến nhá nhem người trong xóm mới
mò xuống, vừa kéo cô vừa bò băng qua đường, lọt vô nhà dòng.
Mấy ngày sau thêm một người bị trúng đạn ở chân khi vừa mới
ra khỏi cửa dòng, nên từ đó người ta không dám léo hánh phía mặt đường nữa.
Cách bắn chính xác làm người ta tin rằng Mỹ đã tiến quân lên phía bên kia sông
Hương. Dường như ai cũng mừng vì sắp chấm dứt những ngày tản cư, về lại nhà.
Nhưng không ai dám nói ra.
Một buổi sáng, đâu đó vào cuối tháng Giêng năm Mậu Thân.
Tính ra đã gần tròn một tháng kể từ tiếng súng mở đầu đêm mồng một Tết. Vài
toán người về nhà lấy rau, gạo, và món chi còn trong nhà, trong vườn ăn được. Ở
đó họ gặp vài người từ các vùng khác, cũng về nhà kiếm thức ăn và biết chính
xác Mỹ đã lên phía An cựu. Họ trở lại dòng và báo tin vui nầy. Trong số người
đó có ông Hoàng Tặng.
Ông Tặng không nói oang oang, mà chỉ há miệng nói mấy chữ “Mỹ
lên rồi” không phát âm, nhưng ai cũng hiểu vì mặt mày ông hân hoan. Chừng gần
trưa có hai người mang súng AK vào bắt ông Tặng đi. Thiên hạ tái mặt không tụm
năm tụm ba nữa. Mỗi người một góc, đầy lo âu, nhìn nhau nghi kỵ vì không biết
ai báo cáo lẹ thế.
Ông Tặng ở xóm phía cầu Kim long, nằm giữa đường xe lửa và
sông Kẻ vạn. Xóm này nhiều người đi làm sở Mỹ ở dưới Phú Bài. Sáng nào họ cũng
đứng một cụm, đợi xe đưa rước nơi ga Bạch hổ. Ông Tặng cao lêu nghêu, nổi bật
giữa đám người. Họ sống thoải mái vì đi làm cho Mỹ lương cao. Rồi đến quần áo,
mũ giày cũng rất Mỹ. Họ tiêu pha rộng rãi. Mớ cá, mớ tôm ngon ở chợ không ai mua
được, vì người bán nói thách bao nhiêu họ mua liền không cần mặc cả.
Khoảng 3 giờ chiều, một toán mang súng vào kêu bà con tập
trung trước sân nhà dòng, chỉ trừ ông bà già, con nít. Sau khi cho về phòng số
người bệnh, ốm yếu…còn lại khoảng 30. Đoàn người được dẫn ra khỏi dòng và đi về
hướng phố. Đi tới sân trước Ngoại tự đường, đã thấy lố nhố ở đó hai ba đoàn người
tương tự.
Sân trước mặt cổng Ngoại tự đường hôm nay được đặt một bàn
dài, không khăn trải, không ghế ngồi. Mé tường có chất một khoảng bao cát, người
ta thầm thì với nhau là pháp trường. Nói chung không trang hoàng, chuẩn bị gì đặc
biệt. Có lẽ vì hấp tấp hay vì tình hình chung quanh. Ba người đứng sau bàn
tuyên bố lý do và lần lượt giới thiệu là Chánh án và các Luật sư của phiên toà.
Bị can được dẫn ra là ông Hoàng Tặng với tội danh có tội ác với nhân dân, hoạt
động tình báo cho Mỹ Nguỵ.
Đang lúc ba người trên bàn thay nhau nói thì có tiếng động
cơ của máy bay. Trên trời một chiếc máy bay bà già bay cao tít, nhưng thiên hạ
sợ, dạt vô núp trong mấy lùm cây mé đường Kim long. Hàng ngũ rối loạn, chẳng ai
nghe buộc tội, kết án ra sao, chỉ thấy một toán 4 người, dẫn ông Tặng tới chổ
chất bao cát, bịt mắt ông ta, bước lui khoảng vài mét, đứng trước mặt ông Tặng.
Chiếc máy bay quần quần trên trời cao, nên sinh hoạt của Toà
án như một đoạn phim câm. Chỉ nghe rõ hai tiếng cuối của bản án là tử hình và
ông Tặng bị một loạt AK, gục người xuống dọc cây cột chôn giữa khoảng bao cát.
Loạt đạn AK kéo theo một đợt súng nổ nhiều hướng, phía dưới
Thành nội, phía bên cầu Lòn…và chiếc máy bay bà già quần trở lại. Thiên hạ được
lệnh giải tán và men theo bờ thành Đại chủng viện, nhà dòng mà về, không được
dùng đường lộ.
Ông Tặng chết chỉ trước một đêm. Sáng mai mọi người phát hiện
ra mấy chốt canh gác trước dòng vắng hoe, không còn toán bộ đội nào. Cờ xí, rào
cản cũng biến mất. Có người bạo gan đi lên chợ Kim Long coi, cũng không còn ai.
Thiên hạ bắt đầu chuẩn bị hồi cư. Phiên toà hôm qua ở Ngoại tự đường đúng là
phiên toà giờ thứ 25, và ông Tặng là người chết vào giờ thứ 25.
Phiên toà này nằm lâu trong ký ức tôi, đậm nét là hình ảnh
ông Tặng gục xuống từng nấc từng nấc khi trúng đạn. Phiên tòa này đè chồng lên
những kỷ niệm đẹp từ thời Tiểu học, Trung học với bạn bè trong các xóm quanh
Ngoại tự đường.
Nhiều năm sau, mỗi khi đi ngang Ngoại tự đường, tôi lại nhìn
vô góc ngày xử bắn, đặt tạm pháp trường. Bất kỳ sáng, trưa hay chạng vạng tối,
đoạn phim ông Tặng gục từng nấc, từng nấc lại chiếu ra rõ ràng trước mắt.