Trước giao thừa tôi đã mua một giò thuỷ tiên, chư đã hơn hai
tháng, mãi cho tới hôm nay mới nở hoa.
Xuân năm nay khí hậu rất lạnh, cỏ cây hoa lá khác đâm chồi nẩy
lộc chậm, mà thuỷ tiên của tôi lại càng chậm hơn. Vì từ khi hoa đến nhà tôi,
hoa tình cờ gặp nhiều tai nạn, sức sống bị ngăn trở.
Tai nạn thứ nhất chính là hạn tai, tình hình như sau: Trước giao thừa, thuỷ tiên đến nhà tôi, lúc ấy, vì nơi tôi ở riêng, không có chậu cho thuỷ tiên, tôi đành chạy đến tiệm buôn đồ sành sứ mua một cái chậu trắng tinh để chư nó. Cái chậu này thì quá to, quá nặng vì đó không phải là chậu cho hoa thuỷ tiên. Căn cứ vào lời ông già tiệm sành sứ, đấy là hàng đời vua Quang Tự (2), người ta dùng trong yến tiệc nơi chốn quan trường để đựng món thịt nấu đặc biệt nào đó. Về sau không có người dùng nó nữa, và mãi tới nay không bán nó được. Tôi nghĩ rằng cái chậu cho hoa thường thường như hoa thuỷ tiên mà lại có hình chữ nhật, hình cánh quạt như trong tranh Trung Quốc xưa, thì rởm lắm, và xét theo hình thức, trông không đẹp bằng một cái chậu đựng đồ ăn. Và rồi cái gọi là đồ đựng đồ ăn này đã trở thành cái chậu cho hoa thuỷ tiên đặc biệt của riêng tôi mà tôi đã mua vì hoa thuỷ tiên của tôi ăn khớp với chậu, hình thái và sắc màu thật hài hoà. Xem chúng dưới khung cửa sổ lạnh xanh nhuộm nắng, thấy chúng chiếu vào nhau, mộc mạc, tươi đẹp làm cho lòng vui vẻ, ai mà tin được rằng một thời đó là cái chậu đựng đồ ăn nơi cửa quan? Thế rồi chúng bên nhau không quá một tháng, thì phải xa nhau. Lý do là tôi phải về quê ở vịnh Thạch Môn ăn Tết âm lịch, và tính sẽ ở ngôi nhà chính có cái tên là Duyên Duyên hơn một tháng, hi vọng sẽ mang được hoa thuỷ tiên về theo, cảm thấy rằng hoa sẽ nở đẹp vào dịp tết. Mang nó đi bằng cách nào? Phải chần chừ suy tính: Kêu anh đầy tớ A (2) Mao ôm cả chậu cùng hoa thuỷ tiên mà đi xe lửa, e rằng có người sẽ chê khéo anh đầy tớ là khách phong nhã; bỏ nó trong va li da, lại càng không thể. Vì thế A Mao đề nghị: ”Con đâu cần mang cả chậu đi. Lôi thuỷ tiên ra, rồi gói trong hộp bánh quy, cầm nó lên xe, tới nhà đâu quá ba giờ, không thể làm nó chết.” Tôi liền đồng ý. Thuỷ tiên tạm biệt chậu, nằm trong hộp bánh quy mà đi.
Khi về đến nhà, mọi người rối rắm, vội vã, và tôi cũng quên
luôn hoa thuỷ tiên. Sau ba ngày, A Mao bỗng nhắc, tôi hiểu ra ngay, hối hả tìm
kiếm xem hoa giờ này ở đâu; vì hoa bị người ta coi như là hộp bánh quy, nên bị
đặt trên cái chum làm bằng đá vôi. Lôi liền ra, lá xanh bị héo, rễ bị úa vàng.
A Mao nói: ”Không sao đâu.” Lập tức mang hoa bỏ vào trong hũ đựng hoa thuỷ tiên
nhà tôi có trước kia, rồi châm vào trong hũ một ít đường cát. May thay không
sao cả, qua được vài ngày hoa lại tươi tốt trở lại.
Đấy là tai nạn xảy ra tình cờ lần thứ nhất: hạn tai.
Tai nạn thứ hai là thuỷ tai, tình hình như thế này: Trong hũ
để cắm thuỷ tiên của gia đình có nhiều viên sỏi quý Vũ Hoa Đài, màu sắc rất đẹp.
Vào một sáng tinh mơ mấy đứa trẻ phát hiện ra là hoa thuỷ tiên bị nạn: Chúng nó
nói những viên đá quý bên trong hũ toàn là tro bụi, và phàn nàn với A Mao sao
không rửa cho sạch, rồi lanh chanh rửa thay. Chúng nó lôi hoa thuỷ tiên ra, tạm
thời bỏ trong một cái chậu rửa tay rửa mặt, bưng sỏi tới nơi có nắng nơi góc tường,
để mà kỳ cọ từng viên một. Sỏi Vũ Hoa Đài ngấm nước đã luôn, ánh nắng, tia lung
linh, sắc màu, hoa văn thảy đều đẹp đẽ. Có một số viên làm cho người ta cứ ngỡ
là ”ngọc quý Thông Linh” lận. Người xem càng bâu càng đông, con nít là nhiều
hơn cả, mấy đứa con gái hồ hởi nhất. Các chị đem sỏi phân loại theo hình thái
phản chiếu, phân loại theo sắc màu phản chiếu, phân loại theo hoa văn phản chiếu;
rồi khen chê tốt xấu, để ghi nhớ, cuối cùng dựa theo hình thể, màu sắc, xếp
chúng thành những cụm cân xứng, chỉnh tề. Xếp xong, tự kéo nhau đi ăn bánh tết
bột lọc (4), rủ nhau đi đá kiện (5); đá kiện xong, đi chơi dòng dòng. Mãi cho tới
chiều tối, A Mao mới phát hiện ra nơi góc tường những cụm sỏi, hô to lên: ” Ôi,
hoa thuỷ tiên đâu rồi!?” Kiếm đông, tìm tây, mới thấy hoa nằm ngang trong cái
chậu trên mép đôn, cả gốc lẫn ngọn ngâm trong nước. Từ sáng sớm cho tới chiều tối
ngâm cả mười tiếng đồng hồ. Lá xanh ngâm quá hoá phồng, thâm xì! A Mao phán:
”Không sao cả.” Rồi kêu Tiểu Thạch Tử giúp anh ta cắm hoa vào trong hũ.
Đấy là tai hoạ xảy ra tình cờ lần thứ hai: thuỷ hoạ.
Cuối cùng nó lại được ở trong nơi trú ngụ của riêng tôi,
trong cái chậu hồi trước. Tiết vũ thuỷ(6) đã qua, hoa không nở.
Tiết kinh trấp (7) cũng qua nốt, hoa vẫn không nở. A Mao
nói: ”Do không để dưới nắng!”, thế rồi mang để nơi ban công, mời nắng cho hoa.
Mùa xuân năm nay, trời lạnh thậm khác thường, ban công tuy có nắng, đồng thời
cũng có gió đông buốt giá, người ta trụ không được, cho nên ai cũng đóng cửa mà
ở trong nhà, không bao giờ ra nơi ban công để ngắm hoa thuỷ tiên. Trong phòng
mà thiếu đi một chậu hoa thuỷ tiên, thì cũng chẳng có ai thắc mắc. Mãi cho tới
ngày sau, sáng sớm, A Maola toáng: ”Trời đất ơi! Chiều tối hôm qua không đem
vào, chết cóng mất rồi!” Nhìn, thì thấy nước trong chậu hoa đóng băng đến tận
đáy, gõ tới gõ lui chẳng rã, nước ở trong cây thuỷ tiên nhả hơi, nhưng vẫn còn
lớp giá mỏng, củ đông lại như cục đá trắng, lá đông lại trông rất giống chim
bói cá (8). Lập tức bưng vào, đặt cạnh mép lò sưởi. Lâu thật lâu nước trong chậu
mới tan ra, nước trong thuỷ tiên cũng tan ra, nhưng lá thì mềm nhũn, từng chiếc
từng chiếc rủ oằn, đầu nhọn sà xuống tận mặt nước. A Mao nói: ”Ôi!” Tôi nghĩ là
có cái ”ôi” gì đây, nhưng nhìn sang, chỉ thấy bầu nhị của hoa còn đứng thẳng, sức
sống sẽ không hoàn toàn mất hẳn trong những ngày tới, vẫn còn có hi vọng. Khi hỏi
A Mao, A Mao lắc đầu, rồi chỉ một lát sau, lại nói: ”Chỉ cần mang nó vào trong
nhà bếp, sưởi ấm nó một chút, con cũng có thể chăm sóc nó hoài hoài mà.” Tôi
tán thành. Hoa thuỷ tiên đang hấp hối được chuyển vào trong nhà và được đặt
trong nhà bếp.
Đấy là tai nạn xảy ra tình cờ lần thứ ba: đông (cứng) tai.
Ai nói vứt quách thuỷ tiên? Nó cũng giống như con người thường,
kẻ cần mùi, vị của thức ăn được nấu, nướng chín (9). Từ khi thuỷ tiên được dời
vào nhà bếp, lá từ từ ngóc lên, nụ hoa từ từ hé mở. Hôm nay hoa đã nở ra thiệt
đẹp rồi! A Mao đưa trở lại phòng, lòng tôi thiệt là vui sướng. Niềm vui sướng
như vậy không chỉ dành cho hoa thuỷ tiên. Việc người, chỉ cần sức sống không
tàn lụi, thậm chí thiên tai, nhân hoạ cứ lặp đi lặp lại, tạm thời bị ngăn trở,
đè nén, vẫn sẽ có lúc ngẩng đầu lên. Việc cá nhân như thế, việc gia đình như thế,
việc quốc gia, dân tộc cũng như thế.
Phong Tử Khải (1898-1975)
Nguyễn Văn Thực dịch
Từng đăng tải ở ”Việt Phong”, 3. 1936
Chú thích: (ND)
(1) Thơ đề trong tranh:
此華韻清冷,
Thử hoa vận thanh lãnh
Hoa này hợp trong, lạnh
開與梅花俱。
Khai dữ mai hoa câu
Nở cùng với hoa mai
卻如孤性客,
Khước như cô tính khách
Nếu khách thích cô đơn
喜與高人居
Hỹ dữ cao khách cư
Vui cùng cao nhân ở
* 上款十八叔
Thượng khoản Thập Bát Thúc
Vẽ cho Thập Bát Thúc
** 署名洪綬
Trứ danh: Cảng Thụ
Người soạn: Cảng Thụ
(2) Vua Quang Tự (1875-1908), tức Thanh Đức Tông: 清德宗, hoàng đế thứ
11 của nhà Thanh.
Vua trị vì từ năm 1875 đến
năm 1908, chỉ với một niên hiệu là
Quang Tự nên thường được gọi là Quang Tự Đế: 光緒帝.
(3) ”A”: tiếng gọi thân mật người trong nhà
(4) Bánh tết bột lọc: niên cao:年糕
(5)毽子: kiện tử: Quả cầu bằng da
bọc lông hay giấy, đá bằng chân, một trò chơi thời xưa.
(6) Tiết vũ thuỷ: 19.2 – 15. 3 dương lịch
(7) Tiết kinh trấp: 3 – 20. 3 dương lịch. Lúc này có sấm chớp
làm kinh các loài ngủ đông (trấp) như côn trùng, giun, dế; người nhà nông ở
Trung Quốc bắt đầu làm mùa.
(8) Còn gọi là chim phỉ thuý, chim trả, chim chả.
(9) Nguyên văn chữ Hán: Yên hoả khí: 煙火氣có 3
nghĩa: *mùi, vị của thức ăn được nấu, nướng chín; **thói quen trần tục; **tính
thô tục. Nghĩa nào cũng đầy ý nghĩa triết lý nhân sinh.