Năm ấy Giang qua Á Châu trong ba tháng hè, cô làm việc cho một
tổ chức bất vụ lợi của tư nhân, mục đích chính là tìm cách trợ giúp nông gia, từ
việc chọn giống lúa đến việc chăn nuôi.
Gia đình Choen có hai con trâu. Con Tờ Ru mình mẩy xám xịt,
lông ngắn, cặp sừng cong và nhọn như lưỡi mác. Tờ Ru to lớn khỏe mạnh, thân
mình chắc nịch, nó kéo chiếc cày đi phăng phăng trên thửa ruộng ngập nước. Bốn
chân trâu xem ra nhỏ so với kích thước thân mình, nhất là cẳng chân dưới, giông
giống bốn khúc củi chống đỡ một khối thân vạm vỡ. Con trâu cái A Hù cũng phụ…
chồng kéo cày nhưng chắc phải nuôi con nên sức kéo cày không mạnh mẽ bằng?
Giang nhìn ngắm con vật lúc nó kéo cày, thỉnh thoảng lại dừng chân thở phì phò,
bong bóng nổi lên từ cái mũi thâm đen ướt nhẹp. A Hù lông màu nhạt hơn, sừng ngắn,
đôi mắt nó rất đẹp, Giang nghĩ như thế. Con mắt tròn, to, hai mí mắt dày, chung
quanh là những vằn da xếp lớp. Lớp lông mi dày, loại lông mi ước ao của phái đẹp,
che phủ đôi mắt. Tròng mắt A Hù đen nhánh, ít tròng trắng nên trông con vật
tinh anh lắm. Nhất là lúc nó nhìn Giang, ánh mắt loang loáng trong ánh nắng.
Đôi mắt kia hình như biết nói, A Hù “nói chuyện” với Giang và Suchin mỗi khi
hai người đứng quanh con vật. Giang vuốt ve đỉnh đầu A Hù, lông con vật đem lại
cảm giác nham nhám dưới bàn tay. A Hù đứng im, cái đuôi ngắn xòe mấy chùm lông,
thỉnh thoảng đong đưa xua đuổi ruồi bọ trong khi Suchin nhẹ nhàng vắt sữa từ mấy
bầu sữa căng phồng và Ahura, con nghé tuổi khoảng 7 tuần, bận rộn mút sữa mẹ.
Con trâu cái khỏe mạnh nên nhiều sữa lắm, chỉ chừng nửa tiếng là cái thùng sắt
đặt dưới chân đã lưng lửng. Hôm nào vắt sữa A Hù là cả gia đình Suchin được tẩm
bổ bằng món sữa tươi. Mấy đứa trẻ hân hoan nhắp từng ngụm sữa, mắt chúng long
lanh những tia nhìn ấm áp, mừng rỡ. Giang ngắm nhìn mấy đứa trẻ mà vui lây. Từ
một thứ nhỏ nhoi như thùng sữa trâu, niềm vui dễ dàng mọc cánh rồi lan tỏa!
Mùa hè của Giang thong thả đi qua. Ahura đã được hơn ba
tháng, nó lớn như thổi, đã biết chạy quanh con trâu mẹ sau mỗi lần bú no nê. Tuổi
mới mười lăm nhưng Suchin tỏ ra là một tay chăn nuôi rành rẽ, con bé chăm mấy
con trâu như một bà mẹ trẻ chăm con thơ, cẩn thận, nâng niu với cả tấm lòng. Hỏi
ra Giang mới biết là con bé đảm đang ấy đã nuôi mấy con trâu như thế từ khi lên
11 tuổi. Nó không được đến trường, chỉ được học đủ để biết đọc và biết viết. Việc
học hành của con bé chấm dứt, nó còn phải phụ việc nhà, chăm lo đồng áng, đỡ đần
cha mẹ.
Suchin chẳng bỏ phí một thứ gì, nó gom từng đống phân trâu
vương vãi, nhồi nắn thành từng “bánh” vừa đủ cỡ rồi đem phơi nắng cho khô để
dùng thêm với củi khi đốt lò thổi cơm ngày hai buổi. Phân trâu cháy rất lâu, sức
nóng âm ỉ dưới cái cà ràng ba chân. Khói lò bay tản mát, mùi khói hăng hăng như
dấu hiệu gọi chiều về lúc nắng vừa tàn. Lúc đầu mùi khói nồng làm Giang khó chịu
nhưng rồi cô quen dần. Lúc khói lò đốt phân trâu tản mát cũng là lúc người xe
ôm ghé thôn làng đón Giang về quán trọ trong thị xã.
Giang thân thiết với Suchin, cô thỉnh thoảng giúp con bé gội
đầu, săn sóc mái tóc cháy nắng vàng hoe. Giang dạy con bé mấy câu tiếng Anh phổ
thông và con bé dạy Giang phát âm những lời chào hỏi tiếng Thái. Cứ như thế họ
trở thành đôi bạn lúc nào không biết. Đôi lần Giang mang đến vài món hoa quả và
cô chia với Suchin và gia đình ấy mấy hộp chocolat mang theo từ Hoa Kỳ. Nhìn ngắm
ba đứa trẻ cẩn thận bóc lớp giấy bạc của viên kẹo, ánh nhìn tò mò, lạ lẫm khiến
cô ấm áp. Cảm giác hạnh phúc bình dị lan tỏa trong lòng.
Rồi một hôm có người ghé thăm gia đình Choen từ làng bên. Họ
ra đồng nhìn ngắm hai con trâu và người khách lạ săm soi chân cẳng con nghé
Ahura. Giang nghe loáng thoáng về việc mặc cả bán nghé. Hình như con A Hù hiểu
được tiếng người, hiểu được việc chủ nó đang dạm bán đứa con thơ. Nó buồn ra mặt,
mấy ngày liền nó nhơi cỏ chút xíu rồi đứng tần ngần. Giang nhìn vào đôi mắt
loang loáng kia, từ mắt nó chảy dài những hạt lệ. Hình như con trâu đang khóc.
Dòng nước mắt ấy khiến Giang xao xuyến, băn khoăn quá. Lòng cô nhói lên một niềm
thương cảm. Như thể để chia sẻ nỗi lo âu của con trâu mẹ, cô xoa xoa bàn tay
trên mặt A Hù, vỗ về con vật rồi thì thào hứa hẹn bằng tiếng… Việt, tao
sẽ cố giúp mày, A Hù… dù chưa biết làm thế nào để giúp con trâu. Cảm giác tần
ngần băn khoăn ấy theo đuổi Giang mấy ngày liền. Cứ nghĩ đến A Hù và Suchin là
cô không đành lòng.
Trở về nhà trọ, mở cuốn chi phiếu xem xét mấy con số nhỏ
nhoi trong trương mục. Giang cũng nghèo nhưng cô nhất quyết tìm cách giữ con
nghé cho con trâu mẹ, nhìn A Hù chảy nước mắt mà Giang xốn xang, áy náy chịu
không được. Con nghé được ngã giá là tám ngàn Bhat, khoảng 200 mỹ kim năm ấy,
cũng là một món tiền khá khá cho một người trẻ còn cơm cha áo mẹ chữ
thày như cô.
Giang muốn mua con nghé và để nó lại làm quà cho Suchin. Cô
nhờ bạn bè bản xứ giúp đỡ việc ngỏ ý, chuyển lời. Ông bà Choen thoạt tiên ngỡ
ngàng nhưng khi hiểu ý Giang thì họ bằng lòng, chịu nhận món quà lạ đời kia.
Suchin nhảy cẫng hân hoan. Nó không phải xa rời con nghé vừa quện hơi người.
Người mua không đến nữa.
Lúc thấy ông bà Choen gật đầu là Giang chạy ù ra chuồng
trâu. Cô ôm cổ con A Hù khét nắng, hôi hôi mùi đồng ruộng, tay vỗ vỗ lên đầu
con vật … Tao giữ Ahura lại với mày, đừng khóc nữa nhé… Lạ lắm, lần
này mắt A Hù cũng loang loáng nước nhưng miệng nó phát ra những âm thanh
bebebe… hoan hỉ, in hệt những âm thanh mỗi khi con Ahura rúc đầu vào vú mẹ bú sữa.
Miệng con trâu mẹ hé ra, hàm răng khập khễnh với những bợt nâu nâu. Lòng Giang
rộn lên… à, con trâu biết cười? Nó hiểu được những gì cô vừa
thủ thỉ?
Biết bao câu chuyện về sự trung thành, quyến luyến chủ nhân
của chó và chó được xem là “bạn” của con người hay “pet” để nâng niu chiều chuộng.
Những mẩu chuyện của người thành thị, phố sá. Ở miền quê như nơi này, gia súc
là một tài sản lớn, một nguồn năng lực quan trong trong việc đồng áng. Ngựa kéo
xe, vận chuyển nhưng không chịu được đồng lầy ướt át, chỉ có trâu là chịu
thương chịu khó kéo cày giúp sức chủ nhân. Trâu bò gắn liền với đời sống
nông dân, nhất là tại những vùng đất xa xôi như nơi này. Điện lực chưa đủ soi
rõ mặt đường đất khúc khuỷu, gồ ghề trong đêm tối; trong thôn xóm, nhà nhà còn
dùng đèn dầu. Mấy con trâu kéo cày trong bùn đất chẳng nề hà quản ngại. Chúng đắc
lực tựa hồ chiếc máy cày.
Giang ngẫm nghĩ … vợ chồng con Tờ Ru – A Hù chẳng những đắc
lực mà còn quấn quýt với gia đình Choen, nhất là với con bé Suchin… Trâu
ngựa cũng có tình lắm chứ…? Thân thiết như thế mà sao người ta nỡ
đem trâu đi chọi, rồi giết thịt sau khi hành hạ con vật đã đời? Chữ “thân trâu
ngựa” bạc bẽo xuất phát từ cách con người đối xử với gia súc? Người ta kể chuyện
rồi chụp hình ảnh chó mèo hà rầm mà chẳng mấy ai nhắc đến trâu bò thì không
…công bằng chút nào? Hoặc giả người thành thị mới có thể viết và trưng bày hình
ảnh thú cưng còn kẻ dân giã thì chỉ giữ trong lòng sự yêu thương trâu bò của họ?
Nhiều mùa hè đã trôi qua, thời đi học của Giang cũng qua lâu
rồi. Cô đã gặp khá nhiều con trâu trong đời sống, nhiều lần thoáng nhìn khi đi
qua những cánh đồng lúa nước nhưng mùa hè ngắn ngủi ở thôn làng hẻo lánh trên đất
Thái năm nọ với mối thân tình từ gia đình ông bà Choen, con bé Suchin và mẹ con
con A Hù thì in sâu trong tiềm thức. Mỗi lần nghĩ đến Suchin và mẹ con con A
Hù, lòng Giang lại rưng rưng ấm áp một cảm xúc êm ả. Quả thật Giang học được
khá nhiều thứ, cô nhận ra sự may mắn của mình và nếp sống giản dị, bình yên của
người miền quê. Suchin đảm đang chịu thương chịu khó. A Hù với những hạt lệ ứa
ra từ khóe mắt.
Ôi, Ahura của Suchin, A Hù của Giang một thủa!
Trần Lý Lê