Cali đang chuyển dần vào tiết trời thu lành lạnh, những cơn
gió heo may thổi dàn dạt, cây trong mùa thiên hóa vàng rực từ gốc đến thân, những
người thuộc lớp tuổi “lục thập” như tôi, đêm ngủ đã phải sùm sụp mũ len trên đầu
và sáng ra còn luyến tiếc với nệm êm, chăn ấm, mặc tấm thân lười nhác làm chủ
cái đầu ù lì trống rỗng của mình, không muốn dậy. Bỗng…
– Cộc! Cộc! Cộc!
– Ai đấy? Ai mà dám đánh động sự yên tĩnh của tôi trong lúc
sáng sớm này, đặc biệt giữa mùa covid, tất cả như gấu ngủ hè, nghĩa là cả đêm lẫn
ngày chỉ quanh quẩn trong lòng hang, không dám ló đầu ra ngoài vì sợ bị thằng
Covid nó hít, nó hôn. Vậy mà, tôi buông tiếng thở dài, tần ngần ra mở cửa, thằng
cháu quý tử của tôi thò đầu vào, nhấm nhẳn thông báo:
– Thằng Thịnh bạn cháu muốn gặp bác trước khi về Việt Nam.
– Về Việt Nam? Tôi ngạc nhiên…Tay chân bỗng cứng nhắc như thừa
toàn thân đông cứng…Khó khăn lắm mới lê nổi đôi chân cứng ngắc lên phòng khách
…
– Cháu chào cô ạ! Thằng Thịnh ngồi ủ rũ bên cạnh hai chiếc
vali to tướng cất tiếng chào
– Sao thế, tôi hỏi : – Chán sống trên đất Mỹ rồi hay sao mà
lại đòi về Việt Nam giữa mùa cách li này?
Mặt nó buồn rười rượi, miệng méo xệch:
– Đâu có cô, tại bố mẹ cháu phá sản, không đủ tiền gửi tiền
học mỗi tháng 3 nghìn USD cho cháu nên bắt về phụ giúp bố mẹ.
…Trong cơn ngái ngủ tôi lờ mờ hiểu ra mọi chuyện:
Gia đình thằng Thịnh làm chủ một quán lẩu dê tại phố chợ
Khâm Thiên Hà Nội, bình thường khách ra vào tấp nập, mỗi ngày trừ tiền thuê cửa
hàng, tiền trả điện, nước, trả lương cho nhân viên giúp việc, cộng cả tiền thuế
má v.v mất hơn một triệu đồng Việt Nam, còn lại bỏ túi từ 3 đến 4 triệu mỗi
ngày, nghĩa là mỗi tháng kiếm từ 4 đến 5 nghìn USD là chuyện bình thường…Sợ nó
hư hỏng, đua đòi như đám bạn giàu có, lại muốn mở mặt với hàng xóm, láng giềng
nên bố nó có ý “khuyến cáo” bắt nó phải sang Mỹ du học. Hai năm đầu, học cao đẳng
cộng đồng, mỗi năm chỉ phải trả 18 nghìn đồng tiền học và ăn uống sinh hoạt
hàng ngày, nên tiền gửi đều tăm tắp, mỗi năm hai mùa , mỗi mùa 4.500 USD tiền học
và 5.000 USD tiền nhà cộng tiêu vặt. Ngoài ra mùa hè nó cũng có thể làm chui tại
các tiệm ăn của người Tàu hoặc người Việt nên cũng túc tắc kiếm được, đủ để chi
tiêu ngoài kế hoạch với mấy thằng bạn Việt Nam cùng diện du học như nó. Chỉ vì
con cúm Tàu chết tiệt mà cửa hàng của bố nó phải đóng cửa vĩnh viễn, vì càng
kinh doanh càng thua lỗ nặng. Cụ thể cả tháng 9 vừa rồi, bố nó thu được 4 triệu
bạc, nghĩa là không nổi 10% doanh thu , trong khi điện tăng giá gấp đôi, thịt lợn,
thịt gà đều tăng gấp 6, 7 lần, rác thì chuẩn bị tính theo cân…Trả tiền thuê mặt
bằng còn không đủ, lấy gì nuôi vợ con, gia đình, rồi trả tiền cho “cậu ấm” du học
tại Mỹ?
Nhìn điệu bộ ủ ê của nó, tôi chỉ còn biết thở dài, hỏi “vuốt
má” mấy câu:
– Thế còn thằng Sơn, thằng Tùng, bạn thân của cháu thì sao?
Câu trả lời làm tôi chưng hửng:
– Chúng nó là những con ve chó sống đời cô ạ. Bao giờ chế độ
Cộng sản sụp đổ thì bố mẹ chúng nó mới chấm dứt cuộc đời ăn bám, ký sinh, còn
hiện tại cứ vung tay quá trán luôn.
– Thế là thế nào ? Tôi gặng:
– Thì thằng Sơn có bố làm ở bộ tư lệnh bảo vệ lăng, kiếm bộn
tiền, bao giờ Lăng Bác bị phá sập hoặc bố nó buộc phải về hưu khi đã hết tuổi
lao động, phải vào bệnh viện tiêu tiền triệu mỗi ngày cho tới lúc chết thì nhà nó mới
hết tiền cô ạ.
Xa Việt Nam lâu ngày, không am hiểu sự việc, tôi thể hiện sự
“ngớ ngẩn “ của mình
– Ôi, dù cho bố nó có là lãnh đạo Bộ Tư lệnh đi chăng nữa
thì lương cũng chỉ 15, 16 triệu một tháng là cùng, làm sao có thể lo cho con mỗi
tháng vài nghìn USD ở Mỹ được?
Giọng thằng Thịnh trùng xuống, nét mặt căng thẳng:
– Làm nghề gì ăn nghề ấy, cô ơi. Cô không biết lãnh đạo Việt
Nam mình bao nhiêu năm vẫn ăn quẩn vào cái xác chết của bác Hồ đấy à?
“Biết thì thưa thớt, không biết phải dựa cột mà nghe” Tôi từ
tốn phân trần:
– Từ hồi còn làm báo Đảng trong nước, Cô chỉ biết mỗi năm
lãnh đạo Việt Nam lại phát động phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh” một lần, tới mọi tầng lớp nhân dân , đặc biệt áp dụng “tư
tưởng vĩ đại “của người vào mọi cấp bậc, ban ngành, từ thủy lợi đến giao thông
vận tải, y tế, giáo dục rồi văn hóa, văn nghệ, chăn nuôi v v. Vì vậy cứ đến hẹn
lại lên, cánh văn nghệ sĩ thủ đô bọn cô từ nhà văn, nhà báo đến diễn viên, nghệ
sĩ … Mỗi năm vào dịp 19 tháng 5 lại vác mặt đi dự, vác miệng đi ăn, vác thân đi
ngủ…gật. Đúng quy định, mỗi người được phát một tập giấy năm hào hai, ba cái
bút bi, một túi ni lông trong suốt đựng tài liệu cùng một phong bì 30.000 Việt
Nam mỏng quẹt để ăn trưa. Tổng cộng mỗi đợt 3 ngày. Chỉ cần có mặt, ký tên vào
danh sách rồi lĩnh tiền …nhuận ngủ, cuối đợt nộp kết quả thu hoạch là xong. Cả
10 đứa đều thu hoạch giống nhau như đúc, không sai một dấu chấm, dấu phẩy, mà
cũng chẳng biết ban tổ chức sau khi thu những bản thu hoạch nhăng nhít, vớ vẩn ấy
có thèm đọc lại không nữa?
– Bây giờ khác rồi cô ạ, thằng Thịnh bổ sung: – Trước ban tổ
chức nhân cơ hội đục nước béo cò, mỗi năm tổ chức một đợt, tốn cho văn nghệ sĩ
các cô khoảng vài triệu bạc thì báo cáo cả trăm triệu để lấy tiền bỏ túi chia
nhau. Hãng phim truyện hoặc phim tài liệu cũng vậy, làm mấy bộ phim vớ vẩn về
bác: Nào “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, nào “Hẹn Gặp Lại Sài Gòn” rồi “Đi tìm Út
Huệ”* v.v … cũng khai khống lên cả vài chục tỷ để rút lõi, trong khi phim làm
xong chẳng ma nào xem cả, phải phân phát xuống tận cơ quan, xí nghiệp, trường
học bắt cán bộ công nhân viên chức, học sinh, sinh viên vào xem miễn phí. Nếu
là lãnh đạo các cấp, các ngành trực thuộc Bộ Văn hóa còn được hưởng phong bì cả
triệu VND để lôi kéo hoặc hướng dẫn dư luận quần chúng…
– Nhưng tôi thắc mắc…Bố thằng Sơn thì liên quan gì đến đây,
không lẽ canh lăng bác lại xà xẻo, cấu véo xác Bác ra mà ăn hoặc bán cho Trung
Quốc à?
– Cô đúng là ở Mỹ lâu rồi có khác, chả hiểu gì về tình hình
Việt Nam cả. Thật ra cái xác ấy đã bị lãnh đạo Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng bí mật
thay lâu rồi, chỉ nặn bằng sáp, rồi tô son, đánh phấn thôi, nhưng hàng năm vẫn
báo cáo lên là xác thật do chuyên gia Liên Xô ướp và bảo quản, vì vậy theo đúng
quy định cứ sáu tháng phải tẩy rửa thay hóa chất một lần, tốn mỗi năm vài chục
tỷ VND, cô biết không? Trong khi toàn bộ số tiền ấy , lãnh đạo Bộ tư lệnh ỉm đi
hết, cho nên thằng Sơn mới được ăn theo số tiền “ỉm”ấy mà sang Mỹ du học.
– Ôi, thằng “bạch diện thư sinh” nhà tôi ngồi bên tấm tắc:
– Nó học 7 năm rồi mà không thèm tốt nghiệp bác ạ, lại còn
mua nhà cửa đàng hoàng và bao gái Mỹ thả giàn luôn.
– Trời đất ! Tôi lăm lăm nhìn vào khuôn mặt trẻ thơ, thoáng
hằn những nét già cả, u uẩn của cả hai đứa , hỏi: -Chẳng lẽ hơn nửa thế kỷ
rồi, từ ngày bác mất, đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam không hề biết điều hệ
trọng này sao?
Thằng cháu tôi ngồi bên cười lệch miệng:
– Cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra nữa là cả thân
hình nặn bằng sáp của Bác? Có điều ở Việt Nam mình tất cả đều sống vờ , nên cứ
nhắm mắt làm ngơ, “mặc thây sáp ướp, miễn có tiền vơ là được: cứ “ Bác
Hồ ơi, xác bác im re trong lòng mả lớn, xác bác chết khô trong lăng mỗi ngày”… Dù
khó chịu đến đâu thì bác cũng nên chịu khó làm cái xác chôn nổi để bọn cháu
muôn đời được hưởng lây bác nhé”
– Trời đất ! Tôi rùng mình nhớ lại hồi còn là phóng viên báo
Đảng, tôi đã nghe dân tình kêu ca : “Chỉ một mình ông cụ mà nuốt không biết bao
nhiêu tiền của dân? Nào là hóa chất bảo quản 6 tháng một lần, nào tiền điện làm
lạnh khu vực lăng 24/24 giờ mỗi ngày, rồi trả lương từ vài triệu đến cả chục
triệu cho cán bộ chiến sĩ bảo vệ lăng mỗi tháng (thời điểm trước năm 2000).
Ngay cả khu đất vàng của thủ đô cũng bị biến thành khu tập thể cho Lãnh đạo Bộ
tư lệnh bảo vệ lăng và các chiến sĩ dưới quyền ở . Chỉ một cái xác của ông Hồ
mà hút không biết bao nhiêu mồ hôi và máu của người dân, đã thế Tố Hữu còn vung
bút ngợi ca “bên bác lòng con trong sáng hơn” còn các văn nghệ sỹ từ trong Nam
đến ngoài Bắc cùng đồng ca : “Con ở Miền Nam ra thăm Lăng Bác, đã thấy trong
lăng hàng tre bát ngát, ôi hàng tre, xanh xanh Việt Nam. Rồi “Bâng khuâng
con đến bên người” v.v và v.v. Trong khi tất cả những bài hát, bài thơ về người
đều được trả theo thang nhuận bút đặc biệt, gấp 15 đến 20 lần bình thường.
Nhìn nét mặt nhợt nhạt, căng thẳng của thằng Thịnh, tôi nhắc
cậu cháu quý tử của mình dọn cơm cho bạn ăn… Được cái , đồ ăn ở Mỹ rất sẵn, thịt
cá chất đầy tủ lạnh, chỉ cần cho vào microway hâm nóng vài phút là xong ngay, y
như trong truyện cổ tích vậy.
Đang đói, thằng Thịnh bập vào mâm cơm không khách sáo, nó bảo:
– Từ hôm nhận lệnh “truy nã khẩn cấp” của bố cháu, bắt quay
về Việt Nam , cháu chán, chả thiết đi chợ nấu ăn gì , cả tuần rồi chỉ có mỗi hộp
sữa ông Thọ với dăm cái bánh mì nguội lạnh hoặc pha gói cà phê rẻ tiền chấm mút
với bánh qua ngày.
Hôm nay mới được chút hơi cơm cô ạ.
Hiểu rõ tâm trạng hụt hẫng , hơ hoảng của nó, tôi bảo:
– Ờ, cô vẫn dạy thằng Thiện nhà cô là “tha phương ngộ cố
tri”( xa quê hương gắng tìm người tốt). Thấy mấy đứa cùng từ Hà Nội sang Mỹ du
học thân quen bảo ban nhau, cô vui lắm. Thôi cứ ăn cho lại sức, rồi tính sau. Tạm thời không có tiền share
phòng, thì ở lại đây với thằng Thiện. Nếu bất đắc dĩ phải trở về giữa chừng thì
cô cũng giúp cho vài trăm đô mua quà Mỹ biếu bố mẹ.
– Dạ! Thằng Thịnh xuýt xoa vì ớt cay, canh nóng, hay vì xúc
động mà mặt đỏ ửng lên như con gái 18, cải chính:
– Chỉ có cháu và Thiện thân nhau thôi cô ạ, còn hai thằng
kia chỉ là bạn son phấn , xã giao thôi, chúng nó có sẵn tiền bẩn từ bố mẹ nên
cao giá lắm, Đúng kiểu xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mình: “Nghèo thì hèn,
giàu thì hợm”.Chẳng qua cháu hay đi cùng vì chúng nó có ô tô, nhà riêng, lại
lười học, lười làm nên đưa cháu đi chợ, nấu ăn ,dọn dẹp nhà cửa và làm homework
cho tụi nó ấy mà . Đẳng cấp phân biệt rõ lắm, thân sao được mà thân?
Nén mọi cảm xúc, tôi tranh thủ hỏi :
– Nếu về Việt Nam cháu định làm gì?
– Bố cháu bảo sẽ cố gắng mở một trung tâm tiếng Anh tại nhà
để cháu dạy học cô ạ, mỗi tháng cũng kiếm khoảng chục triệu nuôi thân và lo
thêm cho bố mẹ nuôi em nữa.
– Ờ, tôi trả lời: Có vốn ngoại ngữ như cháu, về Việt Nam kiếm
tiền không khó nhưng ở Việt Nam chỉ số an toàn thấp lắm, nào tệ nạn cướp giật ,
nào ô nhiễm môi trường, nào tai nạn giao thông, rồi mua bằng chức rởm, ăn cướp
ngang nhiên giữa ban ngày, ban mặt từ Trung Ương xuống địa phương.
– Vâng, Thằng Thịnh lí nhí : – Cháu sợ nhất là mối quan hệ
giữa người với người , không còn chút nhân tính, mầm thiện nào hết, chỉ có đồng
tiền là chi phối tất cả…
Như nhớ lại nỗi đau, thằng Thịnh buông đũa, bần thần:
– Biết tin cháu phải về, mẹ cháu đêm nào cũng khóc, rồi một
mực xin lỗi cháu… cứ như mẹ cháu là người cản trở hoặc gây ra mọi bất hạnh cho
tương lai của cháu vậy .
Không khí lặng đi, đông đặc, lạnh cứng, như có thể cầm dao cắt
ra từng miếng một… Hít một hơi thở thật sâu để tìm lại thế cân bằng cho mình,
tôi hỏi :
– Còn thằng Tùng thì sao, Nghe nói nó sang đây cả 10 năm rồi
không kiếm nổi tấm bằng cử nhân ?
– Vâng! Thằng ấy có chị làm giám thị trại giam cô ạ, lương mỗi
tháng chỉ vỏn vẹn 12 triệu thôi nhưng “lậu” thì nhiều lắm, Mười năm nay không
những nuôi thằng Thịnh ăn chơi dư dả, mỗi tháng năm, bảy ngàn USD mà còn nuôi cả
đại gia đình ở Việt Nam nữa .
Đã từng ở tù, từng làm báo Đảng, từng tiếp xúc với hàng chục
giám thị ở các trại trong Nam, ngoài Bắc, tôi đáp :
– Đành rằng làm nghề gì ăn nghề ấy thật, làm giám thị thì ăn
quẩn vào túi tiền của tù nhân là cái chắc rồi, nhưng làm sao có cả núi tiền như
thế được ?
Nó kể:
– Sở dĩ nó lông bông ở Mỹ cả chục năm nay cũng chỉ vì chị nó
bật đèn xanh , bắt nó bằng bất cứ giá nào cũng phải ở lại Mỹ, lấy vợ để đưa bố
mẹ và mấy anh chị em qua, cấm không được về lại Việt Nam vì sợ sớm hay muộn
cũng sa chân vào tù. Còn chị nó lúc ấy cũng rũ bỏ tấm thẻ đảng để sang Mỹ kiếm
tấm chồng già.
– Thế chị nó kiếm tiền bằng cách nào? … Đang ngồi cúi mặt buồn
thiu, như thương cho tình cảnh không may của bạn, cũng như cả khoảng trống vắng
khi chỉ còn lại một mình trên đất Mỹ, thằng Thiện, cháu tôi quay sang hỏi.
– Ôi mỗi tháng kiếm năm, bảy chục hoặc trăm triệu dễ như bỡn
, chị nó quản phòng tù khoảng 80 đứa, đứa nào muốn nằm cạnh quạt, gần cửa sổ, cửa
chính, cho thoáng gió cũng phải nhả tiền ra, muốn làm trưởng buồng chỉ huy cả
phòng thì chi 5, 7 triệu một tháng, còn muốn được làm bảo vệ phòng để không bị
bắt nạt thì 3, 4 triệu, Còn nếu muốn giảm án từ 20 năm xuống còn 3, 4 năm thì cứ
đến hẹn lại lên , mỗi năm “bắn” vài chục triệu, càng nhiều tiền bắn thì càng giảm
nhiều. Có khi chỉ chuyển từ đội lao động vất vả như khiêng gạch, vác đá, tôi
vôi sang đội trồng rau, nuôi cá cho nhàn hạ cũng phải bộn tiền, càng nhiều cơ số
đạn thì càng dễ thở… Chưa kể buổi tối muốn ăn các món ngon ngoài xã hội như xôi
lạp sườn, trứng ốp lếp, bánh mì kẹp thịt, hay giò chả v.v thì đưa tiền cho quản
giáo mua…Mỗi tối khoảng chục suất ăn tươi như thế là quản giáo bỏ túi cả nửa
triệu đồng rồi vì cứ một gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 5. Như một hộp chocopie ở
ngoài chỉ 20 nghìn, qua tay quản giáo thành 100 nghìn VND, hay cái bút bi ở
ngoài rẻ rề, chỉ 1.000 đồng một cái mà vào tù thành 50 ngàn, rồi lưỡi dao lam ở
ngoài vất đi không hết, lết được vào buồng cũng thành 3, 4 chục ngàn như chơi.
Bộ tú lơ khơ cũng vậy, ở ngoài 12 ngàn, vào tù thành 120 ngàn… Tóm lại nhiều
chiêu trò lắm, cứ có tiền là có tất cả. Quy luật giá trị chi phối ở ngay trong
tù rất cụ thể, rõ ràng, đứa nào vào tù mà còn muốn nghiện hút , chích choác
cũng được quản giáo tiếp tay, miễn là tiền phải nặng, phải đầy…
– Đúng rồi đấy! Tôi dễ dàng xác nhận : – Cô đã từng chứng kiến,
chỉ một cú điện thoại gọi về nhà thôi mà cán bộ thu 200 ngàn VND , còn tiền gia
đình đưa vào cho con em mình trong trại thì cứ cưa đôi ,quản giaó một nửa, phạm
nhân một nửa . Đó là chơi đẹp, chơi sạch, còn không, có khi đưa vài ba triệu mà
chỉ được vài bộ quần áo cũ, tấm chăn rách của tù cũ đi trại để lại hoặc một suất
cơm hộp giá 15 , 20.000 đồng để ăn trước khi ra tòa xử án mà thôi.
– Khiếp, “bạch diện thư sinh” nhà tôi lên tiếng: – Ăn ngập mặt
như thế chả trách vài chục năm làm giám thị, chị nó kiếm biết bao nhiêu tiền
trên mồ hôi xương máu của tù nhân.
Cơm nước đã xong, chuyện trò cũng vãn, thằng Thịnh chủ động
bê mâm bát đi rửa, tiện tay lau chùi ngăn bếp đến sáng choang, sạch bóng rồi lặng
lẽ lôi hai cái vali to đùng vào phòng thằng Thiện, cháu tôi ở tạm trong thời
gian chờ nước Mỹ mở cửa, thông thương với thế giới để mua vé về Việt Nam.
Từ hôm đó, tôi -vốn là mẹ đơn thân- hai cô con gái đi học,
đi làm xa, bỗng vui vẻ, bận rộn hẳn lên vì có thêm một thành viên mới trong
nhà. Được cái thằng Thịnh rất ngoan, cứ thấy việc là làm, quét nhà, nấu cơm làm
vườn, cọ rửa buồng tắm, toilet , giặt quần áo, cái gì cũng làm…Vài lần tôi kéo
hai đứa đi nhà hàng cải thiện, nó nhất định không chịu mà một mực đòi trổ tài nấu
nướng theo nghề “gia truyền” của bố , vừa tiết kiệm tiền, vừa đảm bảo vệ sinh.
Thương tình , tôi đưa nó đến “xóm người Việt” là khu apartment gần nhà gồm toàn
các cụ trên 60, tóc bạc, răng rụng, ngực hép mông lép, chân ống sậy, ống giang
mà bụng thì lại thừa ra cả đống mỡ, đi đứng khó khăn, quên quên nhớ nhớ. Thậm
chí không phân biệt nổi ngày, đêm , sáng tối để nó take care…Mỗi ngày, trừ mọi
khoản ăn uống, xăng xe, thuế má đi rồi cũng cầm về khoảng 60 đến 70 USD. Thời
gian đầu, sợ nó ngại việc, tôi cố động viên nó chuyên tâm vào việc tắm rửa, hầu
hạ các cụ cho chu đáo, không ngờ nó tỉnh bơ:
– Cô đừng lo cô ạ, mẹ cháu gọi điện thoại sang biết cháu
đang chăm sóc người già từ A đến Z, mẹ cháu mừng lắm, bảo “tất cả những gì thuộc
về con người không xa lạ với chúng ta con ạ. Hiện tại ở Việt Nam cũng có cả
ngàn người như thế, chỉ chăm chăm có người thuê để được nhận 400.000 VND một
ngày mà đất chật, người đông, mật ít, ruồi nhiều nên có phải ai cũng may mắn có
được việc đâu”? Cháu được cô tin tưởng, tìm việc cho làm mỗi ngày cả triệu rưỡi
bạc như thế này là may mắn lắm rồi…
Chăm chỉ, tích cực nhận việc, kiếm tiền là vậy nhưng hai thằng
Tùng, Sơn đến tìm, nó nhất định lẩn trốn, tò mò tôi hỏi:
– Sao thế, chính cháu kể là mẹ cháu vẫn khuyên : “Người
nghèo thì nhiều con đường kiếm ăn mà”. Trước chúng nó đưa rước, nhờ vả thì tự
nguyện giúp, bây giờ nó trả lương đàng hoàng sao lại không nhận lời?
Nó buồn bã:
– Chúng nó nòi Đảng viên ích kỷ, xấu xa lắm cô ạ. Biết cháu
thất thế không nhà, không học, cũng không có cả cái xe đạp để đi, chúng cười hô
hố , bảo: – Bây giờ thì hết mèo khen mèo dài đuôi rồi nhớ , trước cứ tưởng con
ông chủ tiệm lớn, đu càng sang Mỹ học, bây giờ thì tiu nghỉu như mèo bị chặt đuôi,
đuối nước rồi, cố mà bò về ao nhà thôi… Chúng có còn coi cháu là bạn học nữa
đâu?
– Ơ hay! Cô nghe lóang thoáng là chúng nó đồng ý trả cháu
1.500 USD một tháng cơ mà, dù sao bạn bè có công có việc giúp nhau cũng đỡ vất
vả, nặng nhọc mà lại sạch sẽ hơn là chăm sóc người cao tuổi con ạ.
Mặt thằng Thịnh buồn thiu:
– Mọi việc không đơn giản như cô nghĩ đâu ạ, thời gian đầu mất
phòng vì không có tiền trả , cháu định đến ở nhờ hai đứa mà cả hai kiếm cớ đuổi
khéo như thể sợ cháu xin xỏ, ăn bám, ăn vạ chúng vậy. Còn bây giờ, chúng quay lại
tìm cháu là muốn cháu giúp chúng nó rửa tiền, và mua, bán ma túy cho hội bạn trồng cỏ của nó đấy. Khi cháu không
đồng ý, nó còn bảo:
– Đ.mẹ, đằng đ** nào mày chả phải cút về Việt Nam “bắt chuột
nhắt”, vậy thì ngại gì mà không ok đi? Có tí tiền còm làm lưng vốn không hơn à?
Mẹ kiếp, đã ăn mày mà còn đòi việc sạch sẽ, thơm tho.
– Không thế được cháu ạ. Tôi khuyên: “Về thì về nhưng hễ có
cơ hội là cháu phải quay lại học nốt chương trình đại học ở Mỹ đã, nếu thế , hồ sơ, lý lịch
phải sạch.
– Vâng nó kể: – Cháu cũng nghĩ thế nên cương quyết từ chối,
chúng cười khẩy bảo: – Này Tôi nói cho ông biết nhé, vào tù Mỹ còn được nuôi mỗi
tháng 3.200 USD đấy nhé. Sướng hơn ở ngoài làm homeless nhiều, mà hơn hẳn cảnh
chân lấm tay bùn của cả triệu người ở Việt Nam nữa.
– Thôi thôi, tôi an ủi: “Ngưu tầm Ngưu, Mã Tầm mã”. Đời người
lên thác , xuống ghềnh, chẳng ai nắm tay từ tối đến sáng được đâu, rồi xem
chúng nó đắc thắng đến bao giờ? Không khéo mọi tài sản, nhà cửa của bố mẹ nó gửi
sang Mỹ lại bị ông Trump ra lệnh đóng băng hết, còn cấm mọi Đảng viên Đảng cộng
sản bước chân sang Mỹ nữa.
Nó cúi mặt, lặng lẽ:
– Cháu cũng mong thế, còn bây giờ chúng nó đắc thắng tiểu
nhân lắm, thằng Tùng tuyên bố : “Khi nào Việt Nam hết tù thì chị tao mới hết tiền”.
Thằng Sơn còn khùng hơn, nó bảo: “Nay mai bác Trọng chết, Việt Nam mình sẽ xây
lăng to đẹp, đàng hoàng gấp đôi lăng cũ của bác Hồ, vì chủ tịch Hồ Chí Minh từ
khi thành lập nước đến khi mất chỉ đảm nhận một cương vị duy nhất là chủ tịch
nước, còn bác Trọng, sáng suốt, vĩ đại hơn, từ 2010 đến nay, một mình đảm nhiệm
hai trọng trách nên công lao với Đảng và Chính phủ cũng nhiều gấp đôi. Vì vậy
chính phủ nếu không xây lăng to gấp đôi lăng cũ thì phải xây liền hai cái…Bố
tao cứ tha hồ mà xà xẻo , còn tao ở lại xứ “giãy chết” này cứ tha hồ mà “quẩy”,
“lắc”, hút, hít , hí hí !
– Trời! Nghe chuyện của nó, hai bác cháu tôi hết thở dài thườn
thượt lại…“ đứng như bóng dừa, tóc dài bay trên… trán hói…
Sacramento- Cali- Oct. 10.11.2020
Trần Khải Thanh Thủy