Khi mọi chuyện qua rồi, tâm trí mờ ảo, ký ức không nguyên vẹn,
tôi vẫn tin rằng ngôi trường của tôi, thầy và bạn, cũng như ngôi nhà của cha mẹ
tôi, sẽ ở lại sau cùng. Kỷ niệm bao quanh những con người ấy, đường đi học,
dòng sông tập bơi, trang sách dưới hiên thơm lài lý, sẽ dẫn tôi về chốn cũ.
Một buổi trưa, tôi đứng trên hành lang nhìn qua cửa sổ phòng học. Ngoài trời, mưa tầm tã. Tôi nhìn thấy thầy đứng quay lưng về phía lớp, viết lên bảng đen mấy câu thơ. Mấy chục năm xa cách, tôi vẫn nhận ra cái dáng của thầy, gầy, cao cao, mái tóc. Tôi chờ ông quay lại, mừng thấy mình đoán đúng: thầy Đỗ Tư Nhơn. Thầy dạy văn của tôi, cũng là giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Tứ. Phòng học im phăng phắc, nghe rõ tiếng lật sách vở. Hình ảnh thật lạ lùng, như bộ phim quay ngược lại hai mươi năm, những khuôn mặt ấy, những bàn ghế ấy, lớp học sáng ấm áp, ngoài trời mưa to, những giọt mưa thu ướt nhưng không lạnh, quyến rũ, nhảy nhót trên sân. Tiếng giảng bài của thầy đều đều vang lên, câu Kiều đẹp lộng lẫy, tình yêu say đắm mà người giảng bài dành cho văn chương không thay đổi. Thầy rời bục giảng đi xuống giữa hai hàng ghế, cúi nhìn tập vở các em. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của thầy, đổi thay theo năm tháng, nhưng vẫn còn nét trẻ trung, tươi cười ngày nọ. Tôi chưa vội lên tiếng. Tôi muốn nhìn các em học trò, tưởng tượng thấy cảnh lớp học Đệ Tứ dấu yêu của tôi ngày trước.
Mùa hè năm ấy, chiến tranh tang tóc, tôi vội vã xa thầy xa bạn,
không kịp chào nhau. Đứng giữa sân trường ngơ ngác nhìn mỗi người đi một ngã,
tôi cứ tưởng ngày gặp lại không xa lắm, lại cùng nhau cười đùa trước cổng trường,
dưới hàng sầu đông, phượng vĩ. Tưởng vài ngày mà hóa hai mươi năm, dài như
chính cuộc chiến tranh, một đời gạch tan ngói vỡ, tuổi trẻ chỉ còn là kỷ niệm.
Tôi nhớ ngày đầu thầy đến lớp chúng tôi, đó là buổi chiều
tháng chín nhưng trời mưa, mái tóc bồng bềnh, thầy tự giới thiệu mình là “con
ngựa hoang” từ những ngày rong chơi Đà Lạt về. Cách nói chuyện thân mật, cởi mở,
hài hước, làm chúng tôi thích ông thầy trẻ ngay từ buổi học đầu. Thầy cũng là
giáo sư cố vấn, sau này gọi là giáo sư hướng dẫn. Chương trình quốc văn năm Đệ
Tứ khá nặng so với những lớp khác, gồm các bài tập làm văn nghị luận, phân tích
trích đoạn tiểu thuyết, học văn chương trung đại, Chinh phụ ngâm, Kiều. Sau khi
giới thiệu qua chương trình, thầy ra đề cho bài nghị luận đầu tiên, làm một tiếng
rưỡi, đến nay tôi vẫn nhớ: Nhà triết học Vương Dương Minh có nói “Người không
có chí như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi dạt lông bông không ra
thể nào cả”, em hãy bình luận câu nói trên. Một đề bài mời gọi, kích thích sự
tưởng tượng, phán đoán. Bài luận ấy không những có ích cho học sinh, mà cũng là
lời giới thiệu đối với người ra đề, lý tưởng giáo dục của thầy. Thầy có nhiều bạn
bè trong giới văn học nghệ thuật, những lúc rảnh cũng hát, tập cho chúng tôi những
bài ca sinh viên thịnh hành hồi đó, Việt Nam quê hương ngạo nghễ của Nguyễn Đức
Quang, các bài trong tập ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn, Đàn bò vào thành
phố, Nối vòng tay lớn. Đệ Tứ là năm cuối cùng tôi học văn trọn vẹn nhất, mỗi tuần từ sáu đến tám giờ, vì sau đó tôi học ban
toán. Dưới sự dìu dắt của thầy, chúng tôi học lối nghị luận, kể chuyện, nghệ
thuật hành văn, thể thơ lục bát, song thất. Học Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh, Nguyễn
Văn Vĩnh, Thơ mới, Tự Lực văn đoàn. Đọc trở thành một nghệ thuật, đọc cũng sáng
tạo như viết. Trong khi đọc, bạn tham gia vào quá trình hình thành chữ nghĩa.
Mê văn chương trở thành tình yêu đối với cuộc sống. Nhờ đọc sách, nhờ học những
giờ quốc văn, chúng tôi biết cách diễn tả một ý tưởng bằng tiếng Việt rõ ràng,
cách quan sát thiên nhiên, cách nhận xét về người khác, như kiểu tác giả nhận
xét về nhân vật. Những giờ học thật thú vị, nghiêm khắc mà vui tươi, sâu xa,
hào hứng. Học sinh chìm trong lời giảng của thầy, trong tình yêu mà thầy mang đến
từ văn học. Qua văn chương, chúng tôi yêu mến cuộc đời, yêu mến nền tự do phóng
khoáng này, yêu mến nhân loại công chính này. Tác phẩm văn học không phải là
chuyện cổ tích trong đó người tốt bao giờ cũng gặp may, kẻ xấu bao giờ cũng bị
trừng phạt, khi bạn khổ đau liền có bà tiên xuất hiện với bàn tay mát rượi đặt
lên trán. Không, văn học buồn hơn thế, khắc nghiệt hơn thế, như chính cuộc đời
đầy chia ly, bất công, tan vỡ, có khi cái xấu chiến thắng, cái tốt đẹp bị dập
vùi. Ngày ấy khi học Kiều tôi tưởng tượng thêm rằng Kim Trọng không về quê để
tang cho người chú ruột, Từ Hải không đầu hàng, hoặc khi chết rồi một hôm trở lại
vì trước khi bị chém, với sự giúp sức của Kiều, chàng kịp thời bỏ trốn. Năm tôi
học lớp chín, trường tổ chức số báo đầu tiên, đặc san Xuân 1971. Thầy gọi tôi
viết bài, tôi liều mạng làm một bài thơ lục bát, không dám lấy tên thật vì mắc
cỡ, mà lấy biệt hiệu Nguyễn Thị Thái Hư, hình như bắt chước tên một nhân vật của
Nguyễn Thị Thụy Vũ. Anh Dũng tôi khen đó là một bài thơ có triển vọng, mặc dù
anh ấy chưa bao giờ đánh giá cao năng khiếu văn học của tôi. Năm sau, đặc san
Xuân 1972, tôi có thêm bài thơ lục bát thứ hai, bài Thiên Nhiên được thầy Phạm
Sửu diễn ngâm trong đêm văn nghệ tất niên 1972, trước tết. Thầy dạy văn hình
như lớp trên, mắt sáng, tóc mướt nghệ sĩ. Giọng thầy ấm áp, sang trọng. Thầy Phạm
Sửu mất trên đường di tản trong mùa hè đỏ lửa, ba tháng sau. Cả hai số báo xuân
ấy là công sức của nhiều thầy trò, nhưng thầy Nhơn, trưởng ban báo chí, chịu
trách nhiệm chính. Hai số báo non trẻ ấy là hai cánh cửa mở vào thế giới văn
chương đối với tôi, đối với nhiều người khác.
Cuối năm học 1971, kết thúc lớp Đệ Tứ, nhà trường tổ chức lễ
mãn khóa, phát phần thưởng cho học sinh giỏi và có thành tích trong các môn
khác nhau, ở rạp Kim Châu, trung tâm thị xã. Nếu tôi nhớ không lầm, ngày thứ bảy
mười hai tháng sáu, buổi sáng. Đó là lần đầu tiên trường Nguyễn Hoàng tổ chức lễ
mãn khóa lớn như vậy. Rạp Kim Châu là rạp chiếu bóng duy nhất của một tỉnh lỵ
nhỏ nhưng là một toà nhà được xây dựng có mỹ thuật, thanh nhã, khang trang. Mái
nhà cao, nền cũng cao, hành lang ba bên thoáng mát, sân trước rộng rãi có quán
bán nước mía và xe hủ tiếu, phía sau là tháp nước của thị xã. Tôi ngồi ở hàng
giữa, bên phải, sát lối đi. Hôm ấy ba tôi dẫn tôi đến, ngồi cạnh tôi, phía quan
khách có ông phó tỉnh trưởng, các vị phụ trách ngành giáo dục của tỉnh, thầy hiệu
trưởng Thái Mộng Hùng, thầy tổng giám thị Hồ Ngọc Thanh, thầy giám học Nguyễn
Thiện, hầu hết thầy cô của tôi đều có mặt. Mỗi lớp tôi đều có một hay hai thần
tượng: thầy Hoàng dạy toán hấp dẫn, cao, đẹp trai, thầy Bảo dạy sử địa hay mê mẩn,
cô Thu Cúc làm tôi yêu côn trùng, cây cỏ, mặc áo dài đẹp hết biết, cô Châu hiền
và đẹp như tài tử, thầy Ngân dạy Pháp văn thương tôi nhưng hay nhéo tai tôi, thầy
Thị dí dỏm, cô Hoắc Hương hay cười. Những đứa học sinh xuất sắc từ Đệ Thất đến
lớp tú tài lên nhận phần thưởng. Sau khi nhận phần của mình, tôi lại được gọi
lên lần nữa. Tôi thật bất ngờ, vì không biết trước. Đó là phần thưởng đặc biệt
của giáo sư Đỗ Tư Nhơn. Tôi ngỡ ngàng bước lên sân khấu, thấy người thầy của
mình từ đằng sau cánh gà bước ra với một chồng sách nặng trên tay. Tôi cảm động
quá, lí nhí cảm ơn rồi quay về chỗ. Không ai hiểu đúng sở thích của tôi hơn thầy.
Tôi ngồi ôm chồng sách trên đùi, sung sướng tới nỗi tay chân run lên. Ba tôi ngồi
bên cầm chặt tay tôi, không nói gì, có lẽ giờ phút ấy ông cũng xúc động lắm.
Tám cuốn sách mà thầy cho tôi hôm ấy, tôi để cẩn thận trên bàn học bên cửa sổ,
ngày nào cũng mở ra nhìn chúng, đọc đi đọc lại. Mỗi cuốn đều có chữ ký của thầy.
Tôi nhớ cuốn Ảo tượng, một tập truyện nhiều tác giả, Cõi người ta của Antoine
de Saint Exupéry do Bùi Giáng dịch, Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền, Tùy bút của
Mai Thảo, Mối tình màu hoa đào của Nguyễn Mạnh Côn. Tôi tự dặn lòng là những cuốn
ấy sẽ vĩnh viễn nằm trên bàn học của tôi, trong tủ sách của tôi, đi đâu tôi
cũng mang theo cho đến cuối đời. Không biết rằng chưa đầy một năm sau tôi đã phải
từ giã chúng ra đi, và khi tôi trở lại, chúng không còn nữa. Những quà tặng vùi
trong gạch đá, tro tàn. Giờ đây tôi muốn đi tìm chúng, mở ra, úp mặt vào đó, ngửi
mùi thơm của giấy, của dạ lý hương đêm đêm bay vào sách, nhưng không cách nào
làm được nữa. Nhiều đêm tôi đi tìm chúng bằng ký ức của mình.
Trong chồng sách tặng thưởng năm đó, tập truyện Ảo tượng tôi
đọc kỹ nhất. Truyện ngắn của Nhất Hạnh, làm nhan đề chung, với câu mở đầu tôi
nhớ. "Sáng nào cũng vậy, tôi dậy trước anh Hưng nửa giờ đủ để rửa mặt, chải
đầu, trang điểm và lo điểm tâm cho hai anh em và cháu Yên Chi". Câu chuyện
bất ngờ, giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, như lối trò chuyện tâm tình của tác giả
trong những bài giảng về đạo Phật. Những truyện khác trong tập đẹp phơi phới
như cánh đồng mạ non, như mùa thu chín tới, từ một nền văn học tươi trẻ nhân
văn, bừng bừng sức sống.
Năm đó, thầy Nhơn lập gia đình với cô Tú, cũng là cô giáo dạy
văn. Một lần tôi thấy cô và thầy đi ngang trường, người mặc âu phục, người mang
áo dài với chiếc dù xanh sọc, hình ảnh thật đẹp. Mấy mươi năm sau, khi gặp lại,
tôi vẫn nhìn thấy thầy cô trong hình ảnh đầu tiên của mình, một buổi trưa trời
mưa xuân lất phất trên con đường gần bên cổ thành, phía trước mặt Nguyễn Hoàng.
Thầy đã sống và làm việc qua bao nhiêu thay đổi của thời cuộc, chắc chắn đã trải
qua những ngày hạnh phúc và những ngày đầy lo nghĩ, nhưng lúc nào cũng gắn bó với
trường, lớp, với học trò cũ. Tôi nghĩ thầy đã cố gắng ở lại với mảnh đất nghèo
khổ này, cố giữ cho mình một tiếng nói trung dung, hiểu biết, như một chiếc cầu
nối lại những bến bờ chia cách. Tôi không biết quan hệ thầy trò hiện nay ra
sao, so với chúng tôi thời ấy thì nghiêm khắc hơn hay cởi mở hơn, nhưng nếu có
dịp trò chuyện với thế hệ học sinh của thầy những năm gần đây, tôi sẽ kể lại những
kỷ niệm của mình cho họ nghe. Kể về một thành phố nhỏ, bụi bặm xe nhà binh, tiếng
pháo kích vọng về đêm đêm, không được thanh bình như bây giờ nhưng đường phố lại
đông vui tấp nập hơn, và chúng tôi vẫn có được những sinh hoạt học đường đàng
hoàng, của thầy và trò, và dòng sông quê hương dù không phải là dòng sông đẹp
nhất trên thế gian vẫn là dòng sông đẹp nhất trong lòng tôi, trong trẻo nhất,
thơ mộng nhất chảy qua tuổi thơ hạnh phúc và bất hạnh. Những cuốn sách thầy tặng
tôi không còn, nhưng tôi đã đọc chúng. Đi đâu tôi cũng mang chúng theo trong ký
ức. Văn cũng là sử. Lịch sử của cái đẹp. Tôi mang lịch sử ấy đi theo tôi qua suốt
những tháng năm gian khổ và may mắn, mất mát và tìm lại. Không biết lịch sử,
các em nhỏ không lớn lên thành người lớn. Không biết sử, không biết quy luật,
con người mãi là nô lệ. Nhưng đó phải là lịch sử ngay thật, không giả dối, đó
phải là lịch sử của một đất nước tươi đẹp, một cuộc chiến tranh tàn khốc, lịch
sử của những nhầm lẫn và bạo động, lịch sử của tình yêu. Môn văn được dạy trong
nhà trường, thời chúng tôi gọi là môn học quốc văn, tức là văn học nước nhà, đã
tìm được đại diện xứng đáng của nó ở những người thầy giáo cô giáo của chúng
tôi thời ấy. Văn học mô tả cặn kẽ cho chúng ta bản chất của lý tưởng, khuôn mặt
của trí tuệ, hành trạng của tội ác, tính cách hai mặt của ngôn ngữ. Văn học dạy
con người cảnh giác trước cái xấu, thương xót cái đẹp bị tàn phá, tạo cho học
sinh sự miễn dịch. Văn học là ngôn ngữ của ẩn dụ, đi tìm sự so sánh để nói về một
điều gì sâu xa mà tâm hồn con người muốn vươn tới. Người đọc trung thành của
văn chương là học sinh trung thành của trường, của lớp, của thầy và bạn, của đất
nước.
Trong mắt một học sinh như tôi, trong mắt cha mẹ tôi, các thầy
các cô là những tấm gương mẫu mực. Trước những hoạn nạn, chiến tranh, thiên tai
hay sự đàn áp, con người thường có hai phản ứng: chống lại hoặc bỏ chạy. Có những
người đã chọn con đường thứ ba, ở lại với mảnh đất đã từng vui buồn sướng khổ,
nhặt lại gạch đá, vỡ lại đất hoang, trồng lại từng gốc cây ngọn lúa, xây lại cơ
đồ. Thầy Nhơn và cô Tú, người bạn trăm năm của thầy, đã làm như vậy. Nhờ thế mà
khi tôi trở về như một người học trò cũ, tôi lại được đi con đường xưa, mặc dù
con đường không còn là con đường xưa ấy nữa, được thăm lại ngôi nhà khang trang
của thầy, mặc dù đó không phải là ngôi nhà cũ, được đứng lại trên sân trường học,
dù đó là ngôi trường khác, được ngồi xuống với bè bạn, những kẻ hiếm hoi còn
sót lại, bên một dòng sông giờ đây không còn là dòng sông ấy nữa. Nhờ có những
người như thầy, như em gái tôi, như bạn tôi, như làng xóm của tôi, mà tôi vẫn
còn một quê hương để trở về, một cái sân rêu để tưởng nhớ, một nền nhà cũ để ngắm
trăng lên, một cái giếng nước để nhìn mây trắng bay qua.
Có lần tôi ngồi quán cà phê với thầy Nhơn và bạn bè cùng lớp
trên bến sông cũ. Khi chúng tôi trò chuyện thì mặt trời đang lặn về phía làng
tôi, sau lũy tre, bỗng sáng bừng lên. Vào lúc ấy một bầy chim bay qua. Đã lâu,
về quê nhiều lần, tôi ít thấy chim chóc, mùa xuân không thấy bướm bay trên đường
làng, nên cảnh tượng thật đẹp, lạ mắt. Một đàn chim bay lướt qua mặt trời, xòe
cánh, xếp thành chữ V, như gợi lại giấc mơ xưa, những người con của quê hương kẻ
ra đi, kẻ ở lại, những người trẻ tuổi lớn lên. Bầy chim bay vút qua bầu trời
như một chữ ký của thượng đế. Những người nghi ngờ nhất cũng lấy lại niềm tin,
là dù có bao nhiêu đổ vỡ phai tàn, cái còn lại vẫn chờ ta ở đó, quê hương đã
khác nhưng vẫn còn chờ ta ở đó. Chỉ cần những người ra đi tìm được cách trở về,
chỉ cần chúng ta ngồi lại bên nhau, mặt trời sẽ mọc lên và lặn xuống mỗi ngày,
làm lành những vết thương tưởng như không lành được, mở lại cho chúng ta nguồn
suối ngọt của tình yêu đầu. Bến đò cũ không còn nữa. Người ta thay thế nó bằng
một chiếc cầu. Trước đây tôi đã thất vọng vì điều ấy, nhưng bây giờ tôi tin rằng
nhiều năm sau thế hệ trẻ hơn tôi sẽ tìm được câu trả lời, làm được những việc
mà thế hệ trước đó chưa làm được, cho một đời sống mới tiện nghi hơn, mà vẫn giữ
được bản sắc của thiên nhiên, của cái đẹp từng nuôi nấng tâm hồn thầy trò chúng
ta.
Đôi khi tôi nhớ lại phòng học của thầy, nơi tôi trở về hai
mươi năm sau khi kết thúc chiến tranh. Tôi nhìn thấy trong phòng học ấy những
khuôn mặt trẻ thơ như chúng tôi ngày trước, các em ngồi yên lặng bên nhau, mắt
mở to, trên bảng đen là những câu Kiều được viết bằng phấn trắng, đẹp huy
hoàng. Thực ra những câu thơ ấy thật buồn. Một tác phẩm đệ nhất của dân tộc được
mọi người yêu mến lại là một tác phẩm buồn, kể một chuyện tình tan vỡ, đầy rẫy
những bất công, cái đẹp não nùng của hoa cỏ, tôi tự hỏi phải chăng con người
sinh ra lúc nào cũng phải sống giữa hai thái cực, giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa
mất và được, giữa quá khứ và tương lai, chính chúng làm nên ý nghĩa của đời sống
chúng ta. Nhìn thấy người thầy học cũ đứng giảng bài trước những em học sinh
sau mình cả một hai thế hệ, tôi nhìn ra sự liên tục của lịch sử, bài học của sự
kế thừa, sức mạnh của ngôn ngữ và văn chương, nỗi buồn của Kiều nối chúng ta lại
với nhau, số phận bão táp của một quê hương nối chúng ta lại với nhau. Vài phút
đứng trên hành lang lớp học, trong ngày mưa thu ấy, nhìn qua cửa sổ thấy bảng
đen phấn trắng, thấy người thầy học cũ của mình, thấy câu thơ diễm ảo, các em
ngồi cắm cúi học trong lớp, tưởng như một giấc mộng, đó là một trong những giây
phút hạnh phúc nhất của đời tôi.
Nguyễn Đức Tùng