06 March 2021

THEO DẤU ÁO VÉT XANH LỤC - R.K. Narayan | Phạm Đức Thân dịch

R.K. Narayan
Phạm Đức Thân dịch từ nguyên tác Trail of the Green Blazer của tác giả

R.K. Narayan (1906-2001) là nhà văn Ấn Độ hiện đại (viết truyện English) nổi tiếng nhât cùng với M. R. Anand và R. Rao. Tốt nghiệp đại học 1930, ông đi dạy có 5 ngày, bỏ ngang, chuyển sang viết văn. Nhưng lận đận mãi đến khi nhờ Graham Greene giúp đỡ mới in được tác phẩm đầu tay Swami and Friends (1935). Sau đó ông nổi tiếng, được S. Maugham, J. Updike… ngưỡng mộ, cũng như được nhiều giải thưởng. Năm 1982 là tác giả Ấn đầu tiên được làm hội viên danh dự của American Academy of Arts and Letters.

Các truyện ông diễn ra trong bối cảnh là thành phố tưởng tương Malgudi, mô tả những đặc thù của liên hệ con người, các trớ trêu của đời thường ở Ấn, cho thấy tồn tại của đô thị hiện đại đụng chạm đến truyền thống cổ xưa. Phong cách đơn giản, nhẹ nhàng, dí dỏm. Ông thường được ví với N. Gogol, A. Chekhov, O. Henry… cũng như với W. Faulkner (cùng tạo thành phố tưởng tượng, khám phá cái năng lực của đời thường một cách dí dỏm, nhân tình) và G. de Maupassant (cùng có tài cô đọng thuât sự trong truyện ngắn).

Cái trớ trêu, mỉa mai trong Trail of the Green Blazer là Raju làm việc thiện (trả lại ví) lại có hại cho hắn nên từ nay quyết định thôi, khiến ta nhớ đến lời chua chát của Thúy Kiều, “Tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa.”

oOo

Cái Áo Vét Xanh Lục nổi bật dưới mặt trời chói chang và bầu trời xanh lam. Giữa cả đám đông đang chen lấn, người ta không thể không chú ý đến nó. Dân quê áo sơmi, dân tỉnh áo ngoài với mũ, ăn mày cởi trần và phụ nữ quấn saris đủ mọi mầu sắc đang xúm xít ở những lối hẹp giữa các gian hàng và di chuyển thành những đám người lộn xôn, nhưng Áo Vét Xanh Lục vẫn không thể bị lẫn trong đó. Khu chợ huyên thuyên náo nhiệt, người ta quảng cáo, trả giá, mặc cả hoặc chào hỏi nhau; và át hẳn tất cả là oang oang giọng của môt ông thuyết giảng Kinh Thánh, và khi ông ngừng lại để lấy hơi thì từ một góc khác, cái loa của một xe van y tế ré lên nói về bệnh sốt rét và bệnh lao phổi. Trên tất cả những thứ này hình như có sự kêu gào mời gọi chú ý của Áo Vét Xanh Lục. Raju không thể bỏ qua nó. Tánh hắn là không bỏ qua mời gọi dai dẳng như vậy. Hắn tách mình ra khỏi đám đông một chút; hắn không thể hoàn toàn tách hẳn khỏi đám đông và cũng không được để mình trong đó quá lộ liễu. Bất cứ ở đâu hắn đều lo lắng sợ bị cảnh sát phát hiện; hôm nay hắn đóng khố, mình trần, và quấn một khăn to trên đầu che khuất hoàn toàn khuôn mặt, và hy vọng thiên hạ nghĩ hắn là một nông dân từ làng lên.

Hắn ngồi trên đống buồng chuối vứt bỏ cạnh một quầy, vừa ngáp vừa ngó đám đông. Khi hắn ngó một đám đông hắn ngó hết sức chăm chú. Đó là thói quen nghề nghiệp của hắn. Trông dáng dấp bên ngoài, hắn có vẻ là tay lang thang, có khả năng ở trong đám đông thò tay vào túi người khác. Dĩ nhiên đây là canh bạc. Đôi khi phiêu lưu mà chẳng được gì, ắn tự coi như may mắn nếu kết quả là các ngón tay còn nguyên vẹn. Đôi khi hắn vớ được cái bút máy. và “phía nhận” nằm ở đắng sau Tòa Thị Chính cũng không buồn trả giá bèo chỉ có 4 anna (anna=1/16 rupee) mà lại luôn luôn có nguy hiểm bị truy xét. Raju đã tự hứa một ngày kia sẽ không dính tới bút máy; cho dù bút tặng được đặt trên một đĩa đàng hoàng hắn cũng không đụng tới. Chúng gây nhiều phiền phức – nào mực, nào rò rỉ và chẳng chút giá trị, nếu như có thể tin vào lời phía nhận đã nói chúng như vậy. Đồng hồ đeo tay cũng thuộc loại này.

Cái Raju thích nhất là một ví tiền căng phồng, ngon mắt. Nếu hắn thấy một ví như vậy, hắn móc một cách hết sức tài tình. Hắn lấy tiền trong đó, thẩy ví đi và về nhà, mãn nguyện đã hoàn tất tốt việc trong ngày. Hắn xấp chút nước lên mặt và tóc, sửa sang cho tươm tất trước khi bước lại ra phố, như một công dân bình thường. Hắn mua kẹo, sách và bảng đá cho con, và đôi khi cũng mua 1 áo vét cho vợ. Hắn không phải lúc nào cũng yên tâm về mụ vợ. Khi hắn về nhà với quá nhiều tiền, hắn luôn luôn cẩn thận dấu vào phong bì và nhét dưới mái ngói. Nếu không ả sẽ hỏi nhiều câu và tự ả làm khổ mình. Ả thích tin rằng hắn đã cải đổi và tiền kiếm được đưa ả là tiền môi giới, huê hồng, ả không bao giờ buồn hỏi huê hồng của việc gì: với ả huê hống hình như là một cái gì tuyệt đối khỏi thắc mắc.

Raju nhẩy xuống khỏi đống buồng chuối và bám theo Áo Vét Xanh Lục, luôn luôn ở sau 3 bước. Đó là khoảng cách tốt đã tính kỹ, có được nhờ trực giác và kinh nghiệm. Khoảng cách không được xa quá vì trở ngại không nhìn thấy cử động tay của người kia lấy ra và cất vào ví; cũng không được gần quá vì gây khó chịu và tạo nghi ngờ. Nó phải được tính toán, cân nhắc chính xác – giống như kiểu tính toán của người săn thú lớn khi theo dấu con mồi, để thấy rằng mình còn được bình an trở về nhà. Chỉ có điều là săn lùng này phức tạp hơn. Người săn trong rừng coi như ngày đó thành công nếu đã hạ gục con mồi; còn ở đây người săn phải thọc vào tim con mồi mà không làm nó bị thương.

Raju kiên nhẫn chờ đợi, giả vờ xem xét mấy cuộn chiếu cói trong khi Áo Vét Xanh Lục kề cà rất lâu uống nước dừa tại quầy bên cạnh. Có vẻ như ông ta chưa chịu di chuyển đi đâu cả. Sau khi hút hết nước dừa, ông hình như chờ đợi bất tận cho quả dừa bị chẻ đôi và cùi dừa mềm trắng nạo ra bằng con dao. Cảnh cùi dừa trắng bị nạo và biến mất vào miệng ông kia làm Raju cũng phát thèm. Nhưng hắn gạt phăng ý nghĩ: thật là tắc trách nếu để ăn uống xen vào trong khi đang chú tâm hành nghề; người kia có thể vuột mất và biến đi vĩnh viễn…Raju thấy ông kia lấy ra cái ví đen và bắt đầu cò kè với người bán về giá quả dừa.

Giọng ông khàn nặng, khó nghe làm Raju cảm thấy hơi khựng lại. Nó giống tiếng gầm gừ của hổ, người đi săn trong rừng dạn dĩ cũng từng thối lui 1 bước vì tiếng hổ gầm gừ làm tim tự động đâp nhanh!  Kiểu ông kia mặc cả cũng không hấp dẫn Raju, nó cho thấy tánh nhỏ nhen, bần tiện….quá chú ý đến tiền bạc. Đây là những kẻ gây phiền phức, đầu óc hẹp hòi, khi mất ví tiền thì làm toáng lên… Sau cùng Áo Vét Xanh Lục cũng phải dời đi. Ông dừng trước một quầy treo bong bóng nhiều mầu bay lượn. Ông mua 1 bong bóng sau khi cò kè không dứt với người bán  – lần nữa chứng tỏ tánh bủn xỉn. Ông bảo, “Đây là cho một đứa trẻ mồ côi mẹ. Tôi đã hứa với nó. Nếu bóng bị nổ hay bay mất trước khi tôi về nhà, nó sẻ khóc suốt đêm, và tôi thì không thích chút nào.”

Cơ hội đến với Raju khi ông kia đi qua một bậc thang hẹp, nơi người ta đang chen lấn để xem mẫu hình bằng sáp ông Mahatma Gandhi đọc báo.

Mười năm phút sau  Raju đang kiểm soát đồ trong ví. Hắn đã ra một chỗ hẻo lánh, sau một cái giếng hoang. Cái tường rào miệng giếng đang sụp lở tạo một che chắn lý tưởng cho hoạt động của hắn. Ví có 10 rupee tiền cắc và 20 rupee tiền giấy và một ít đồng kẽm anna. Raju nhét số đồng anna vào thắt lưng khố. “Phải cho mấy ăn mày,” hắn ngẫm nghĩ rộng lượng. Có một tay mù kêu gào hết hơi ở lối vào khu chợ mà không ai thèm để ý.

Ngày nay người ta hình như mất hết tình cảm. 30 rupee hắn cuộn bỏ vào nút thắt ở đầu khăn quàng và quấn lại trên đầu. Tiền đó sẽ hỗ trợ tới hết tháng. Hắn có thể sống lương thiện ít ra trong 2 tuần và đưa vợ con đi xem xi-nê.

Bây giờ cái ví nằm xẹp trong lòng bàn tay. Hắn chỉ việc thẩy nó xuống giếng và phủi tay, rồi hắn có thể đi giữa các quý tộc, kiêu căng như ai. Hắn dòm xuống giếng. Dưới đáy có chút nước nông. Cái ví có thể nổi lên, và cái ví nổi lềnh bềnh có thể gây ra phiền phức tai hại nhất trên đời. Hắn mở nắp ví để nhét sỏi đá vào trước khi liệng xuống nước. Lúc này, qua cái khe ở cạnh ví hắn phát hiện một bong bóng gấp lại, cất ở đó. “Ồ, cái này ông ta đã mua…” Hắn nhớ lại chuyện ông nói về đứa trẻ mồ côi mẹ. “Rõ là ngốc đem cất cái này trong ví,” Raju ngẫm nghĩ. “Chính cái bất cẩn của bố mẹ đã làm khổ con trẻ”, hắn trầm ngâm giận dữ. Trong thoáng chốc hắn ngừng lại, hình dung người cha lầu bầu trở về nhà và đứa trẻ mồ côi mẹ đợi ở cửa cái bong bóng đã hứa, và cái ông lầu bầu này lần tìm ví….và, ôi! Đau đớn quá!

Raju gần như muốn khóc nghĩ tới đứa trẻ thất vọng – thằng bé mồ côi mẹ. Không ai dỗ dành an ủi nó. Có lẽ tay vũ phu sẽ đánh nó nếu nó khóc dai dẳng. Áo Vét Xanh Lục trông không có vẻ gì là tay hiểu biết ngôn ngữ trẻ con. Raju tràn ngập thương cảm nghĩ tới đứa trẻ – có lẽ cùng tuổi với con trai thứ hai của hắn. Giả sử vợ hắn chết….(riêng với hắn, việc này có thể làm cho mọi sự dễ dàng hơn, hắn không còn cần phải dấu tiền dưới mái ngói); nhưng hắn khắc phục ngay ý tưởng này, xem như là chuyện bên lề không đáng để ý. Thật vậy nếu vợ hắn chết thì sẽ làm hắn rất khổ sở, và phải vận dụng hết khả năng để cho mấy đứa con im tiếng…Bằng mọi giá thằng bé mồ côi phải có trái bong bóng, Raju quyết định. Nhưng cách nào? Hắn dòm qua bức tường, nhìn khoảng cách ngăn với đám đông ở xa. Không thể giao tay trở lại. Việc phải làm là nhét bong bóng vào lại cái ví rỗng và dúi lén váo túi ông kia.

Áo Vét Xanh Lục đang quan sát cuộc chất vấn diễn ra khi ông giảng Thánh Kinh đã hâm nóng đề tài. Đám đông quây nửa vòng đang hỏi, “Chúa của ông đâu?”. Có tiếng ồn ào bàn tán. Raju lẻn tới cạnh Áo Vét Xanh Luc. Cái ví chỉ có cái bong bóng nhét bên trong nằm trong lòng bàn tay hắn. Hắn dúi lén nó lại vào túi ông kia.

Trong thoáng chốc, Raju nhận ra lỗi lầm của mình. Áo Vét Xanh Lục nắm chặt cánh tay hắn và kêu ầm lên, “Ăn cắp!”  Mấy người chất vấn hết quan tâm đến Thánh Kinh và xoay chú ý vào Raju, đang cố làm ra vẻ tức giận một cách chính đáng. Hắn kêu lớn, “Buông tôi ra.” Ông kia không hề tỏ dấu hiệu nào đáp ứng yêu cầu của hắn, vung cánh tay đấm vào má hắn. Hắn tá hỏa tam tinh. Trong khoảnh khắc Raju không còn biết đang ở đâu và mình là ai. Khi màn bóng tối cất lên và hắn có thể phục hồi thị giác, cái hình ảnh đầu tiên đập vào mắt hắn là Áo Vét Xanh Lục hiện ra lờ mờ trên toàn cảnh. Cánh tay ông dơ lên sẵn sàng đánh tiếp. Thấy vậy Raju giật lui. Hắn nói, “Tôi đang cố để lại cái ví.” Ông kia nghiến răng thích thú một cách độc ác và bóp nghiến xương cánh tay hắn. Đám đông cười rộ và cổ võ ông. Có người còn đánh vào đầu hắn.

Ngay trước Quan Tòa, Raju không ngớt kêu ca, “Tôi chỉ cố để lại cái ví.”  Và mọi người cười ầm. Chuyện này trở thành chuyện cười lưu trữ trong thế giới cảnh sát. Vợ Raju thăm hắn trong tù nói, “Anh làm chúng tôi xấu hổ,” và khóc.

Raju phẫn nộ đáp lại. “Tại sao? Tôi chỉ cố để nó lại.”

Anh thọ án 18 tháng tù, rồi hội nhập lại với thế gian – chả biết quyết định mình sẽ làm gì. Anh tự nhủ, “Từ giờ nếu ta có chôm được cái gì, ta nhất định không phải trả nó lại.” Vì bây giờ anh tin rằng Chúa đã cho bọn người như anh tài khéo léo đó chỉ dùng một chiều. Những ngón tay này không phải để trả lại cái gì cả.

R.K. Narayan
Phạm Đức Thân dịch