27 March 2021

TỪ TỪ 漸 - Phong Tử Khải 豐子愷 | Nguyễn Văn Thực dịch

Anh nông dân Chi Lãnh và cũng là bạn/ Tranh Tử Khải

Yếu chỉ vi diệu làm cho cuộc sống của con người được diễn ra trơn tru, không gì hơn là “từ từ”; cái thủ đoạn của Con Tạo hay lừa người, thì cũng không gì hơn là “từ từ”. Đám trẻ ngây thơ, trong sáng “từ từ” biến thành bọn thanh niên bừng bừng khí thế mà không hay biết; bọn thanh niên hào kiệt, hiên ngang “từ từ” biến thành những người lớn lạnh lùng, tàn ác; những người lớn khí huyết linh hoạt “từ từ” biến thành những lão già ngoan cố vì tiến trình biến hoá của Con Tạo được tiến hành năm này qua năm khác, tháng này tới tháng khác, ngày này tới ngày khác, giờ này tới giờ khác, phút này tới phút khác, giây này tới giây khác, như một cuộc đi bộ thật chậm rãi trên một lối đi thật dài, thật xa, từ trên núi đồi mà xuống, làm cho người ta không để ý tới vết chân lần lượt dẫm xuống của mình, không thấy các giai đoạn của cảnh giới, mà hồ như thấy vị trí cứ vẫn như một và thật giống nhau, hằng cữu bất biến; các giá trị, ý vị của một cuộc sống không biến động, mỗi ngày như mọi ngày, nên cuộc sống sẽ tiến hành trơn tru, không trật vào đâu được.

Giả như sự tiến hành ta không ví như núi đồi mà ví như bàn phím đàn phong cầm: bỗng nhiên chuyển từ đô tới , thì giống như đứa bé từ đêm tới sáng biến thành thiếu niên, hoặc như một giai điệu có ghi dấu biến tấu comodo: vừa phải, mà đột nhiên từ đô nhảy lên mi, thì cũng như sáng đang là thiếu niên mà tối đã thành bô lão, người ta nhất định sẽ sững sốt, than thở, buồn bã, hoặc đau xót cho cái chóng qua của kiếp người và người ta không cách chi mà vui cho được. Cho nên mới biết cuộc sống con người có được gìn giữ hay không là do “từ từ” vậy. Điều này e rằng lại rất quan trọng cho bọn đàn bà: thiếu nữ đẹp như hoa trong ca kịch, trên sân khấu, nay mai sẽ là bà già ngồi bên bếp lửa cời than, cái câu này, chợt nghe thì khó mà tin, và các cô gái trẻ không chịu thừa nhận, nhưng quả thật các bà già của bây giờ là từ thiếu nữ tươi như hoa “từ từ” mà biến thành cả.

Con người có khả năng chịu được sự biến suy của cảnh ngộ là hoàn toàn nhờ sự giúp đỡ của “từ từ”. Con em ăn trắng mặc trơn của những người giàu có phá của dần dần mà “từ từ” làm cho cha mẹ mình phải tán gia bại sản, khiến cho các vị trở thành kẻ nghèo khó, kẻ nghèo thì chỉ có thể làm thuê làm mướn, làm thuê làm mướn dần dà rồi làm nô lệ, nô lệ thì dễ thành kẻ bất lương, bất lương rồi đi ăn mày thì cũng không còn bao xa, ăn mày rồi thành bọn trộm cắp thì cũng dễ thôi... đại loại là như thế, trong tiểu thuyết, trong thực tế thì cũng rất giống nhau. Nhân vì sự biến suy thì chậm chậm và dài lâu trong 10 năm, 20 năm, và “từ từ” từng bước một thì cũng tới đích bởi vì người ta không nhận ra được sự lay động mãnh liệt nào của sự biến suy. Cho nên, chỉ cho tới khi sa vào cảnh đói, lạnh, bị giao cho lính đánh đòn, thì lúc ấy mới hớn hở mà ôm vào lòng những niềm vui của cuộc sống trước mặt. Giá thử có người có con ngàn vàng mà bỗng nhiên thành kẻ ăn mày, đứa ăn cắp, ắt kẻ ấy tất sẽ uất ức, không muốn sống mà làm gì nữa.

Đấy là một nguyên tắc bí mật của Đại Tự Nhiên, là ngón nghề vi diệu của Đấng Sáng Tạo! Âm, Dương ngầm biến hoá, xuân thu thay nhau, cũng như vạn vật tàn-tươi, sinh-hoại, không gì lọt qua được nguyên tắc này. Do mùa xuân mang mầm mống mà xuân “từ từ” biến thành mùa hạ xanh thắm, mùa thu tàn tạ nên “từ từ” biến thành mùa đông héo hắt, đìu hiu. Chúng ta mặc dù đã trải qua mấy mươi mùa đông, mùa hạ mà lòng vẫn mến yêu những đêm đông đốt lò, trùm chăn, bao quanh lò, rồi những ngày hạ, khó mà tưởng tượng được, vừa ăn cà rem vừa quạt mát; và trái lại. Tuy nhiên vì mùa đông từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây quay về mùa hạ, và do mùa hạ từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây quay về mùa đông, trong khi đó quả thực chẳng có dấu vết gì mà người ta có thể tìm kiếm thấy trong tiến trình này. Ngày và đêm thì như thế này: Chiều tối ngồi bên cửa sổ đọc sách, trang sách “từ từ” tối dần, nếu không ngừng đọc (thị lực, nhân vì ánh sáng yếu dần, mà “từ từ” tăng lên), gần như vẫn còn nhận ra được mặt chữ mà không biết là ngày đã biến ra đêm. Rạng đông, tựa cửa sổ, nhìn đăm đăm trời phía đông mà chẳng phân biệt được dấu tích của đêm chuyển dời ra ngày. Con trai, con gái“từ từ” lớn lên, thế mà cha mẹ ngày đêm trông thấy con mình, mà nào có biết con lớn lên hồi nào; rồi những người bà con chẳng mấy khi gặp nhau, gặp nhau mà chẳng nhận ra. Giao thừa năm ngoái, chúng tôi cầm đèn cầy mà chờ hoa thuỷ tiên nở, đúng là chuyện ngớ ngẩn! Nếu hoa thuỷ tiên nhờ chúng tôi có mặt ở đó để ngắm thì hoa mới nở, thì đấy là một sự phá hoại Đại Tự Nhiên, lay động gốc rễ của vũ trụ, là ngày tận thế đã đến!

Cái tác dụng của “từ từ”, ấy là nếu sử dụng phương pháp dùng những bước đi khác nhau thật nhỏ, thật chậm mà che giấu vết tích của sự qua đi của thời gian và vết tích của sự vật vốn thay đổi, thì phương pháp này sẽ làm cho con người hiểu lầm là sự vật có hoài, không thay đổi. Đây chính là trò chơi khăm của Con Tạo hay lừa người! Điều này giống như trong một truyện cổ tích: Có anh nhà nông kia mỗi sáng sớm cứ cõng con nghé mà nhảy qua lạch để ra đồng cày cấy, tối đến lại cõng nó nhảy qua lạch mà về nhà. Mỗi ngày cứ như thế, chưa từng ngơi nghỉ. Qua được một năm, con nghé “từ từ” lớn lên, “từ từ” nặng thêm, gần như biến thành trâu, và vì anh nông dân không nhận ra điều đó, nên cứ cõng nó mà nhảy qua lạch, nhưng có một ngày anh ta có chuyện phải nghỉ làm đồng, ngày kế tiếp, anh ta không thể nào cõng trâu mà nhảy qua lạch được nữa. Con Tạo hay lừa người cứ làm cho con người mãi mãi vui vẻ để sống từng ngày của đời mình mà không nhận ra sự biến đổi và những cay đắng của cuộc sống, thì cũng dùng cách ấy. Con người cứ cõng con trâu mỗi ngày mỗi nặng thêm mà nhảy qua lạch mà không tự cho phép mình ngừng lại. Tự mình cứ tưởng lầm là nghé mãi là nghé, nhưng thực ra chuyện cõng nghé mỗi ngày mà không hay biết nghé đã lớn thành trâu, mỗi ngày mỗi làm cho người cõng mệt nhọc hơn.

Tôi thấy rằng cái đồng hồ báo thức tượng trưng cho con người thì thật là ăn khớp. Cái kim chỉ giờ, bình thường, nhìn qua loa thì thấy kim này chẳng chuyển động gì cả, nhưng mà con người quả thực chuyển động rất nhiều giữa vạn vật không khác gì kim dài chuyển động trên mặt đồng hồ. Sự sinh hoạt thường ngày của con người cũng thế, mỗi lúc nghĩ mình vẫn là mình, như thể cái “mình” ấy mãi mãi không chuyển biến, nhưng thực ra nó cũng chuyển biến như cái kim chỉ giờ! Bao lâu còn thở được, nhìn qua loa thì thấy mình vẫn là mình, mình không thay đổi, nên con người vẫn cứ bám vào cuộc sống của mình; thật đáng thương cho cái mình ấy bị lãnh đủ cái trò lừa đảo của “từ từ”.

Bản chất của “từ từ” là thời gian: Cái thời gian, tôi nhận ra, cũng giống như không gian, chẳng dễ gì mà hiểu được. Âm nhạc là nghệ thuật trong thời gian so với hội hoạ là nghệ thuật trong không gian, âm nhạc lại càng thần bí bởi vì không gian thì chúng ta có thể nghiên cứu xem nó rộng bao nhiêu, hoặc là nó vô hạn, chúng ta luôn luôn có thể nắm nó ở một đầu mối, nhận ra nó ở một điểm, còn thời gian thì hoàn toàn không thể cầm giữ, không thể kéo lại, chỉ có quá khứ và tương lai rượt đuổi nhau; tính chất của thời gian thì mênh mông bát ngát không cùng, bất khả tư nghị, mà phân chia thời gian ra thì thời gian có vẻ nhiều trong một đời người. Đối với một số loại người, để hiểu được thời gian, thì họ chỉ cần sắp xếp thời gian mà đi xe một lúc là đủ hiểu, trong khi bọn dân thường không thể có khả năng hiểu biết cái thọ mệnh của mình, nên thường lạc vào cục bộ mà không thể nhìn ra được cái toàn thể. Cứ thử nhìn đám khách đi xe lửa, có những người hiểu biết sự đời, họ thà tạm hi sinh sự an ổn, thoải mái, mà nhường cho chỗ cho những người già, kẻ yếu, để đổi lại sự bình an trong tâm hồn, (hoặc đổi lại tiếng khen); cũng có kẻ thấy người ta tranh nhau xuống xe trước, thì lùi lại phía sau, hoặc hô to: “Này ông bà ơi, chớ có làm nghẽn cửa ra như thế, trước sau gì cũng xuống được cả mà” hay “Mọi người phải xuống hết.” Trong số hành khách đi lâu trên cuộc đời của đoàn xe lửa lớn của xã hội, của thế giới, thì chẳng có mấy người hiểu lý lẽ chuyện đời. Cho nên tôi thấy tuổi thọ trăm năm thì cũng là quá dài. Con người trong thế giới hiện tại, nếu tuổi thọ của họ ngắn như thời gian đi trên chuyến xe, có lẽ con người có thể giảm đi những cuộc chiến đấu hung ác, hiểm độc, tàn bạo trong xã hội, nhưng khổ nỗi: những kẻ biết khiêm nhường, có lòng an hoà thì ta chưa kịp biết đến. Dĩ nhiên có một số người thọ cả trăm năm hoặc sống lâu thiên cổ. Đấy là những người có nhân cách lớn, có một đời lớn. Các vị này không bị sa vào cái “từ từ”, bị Con Tạo lừa, mà các vị vo nhỏ cái thời gian lẫn không gian vô hạn vào trong trái tim chỉ một tấc vuông (3,7cm2) của mình. Cho nên các phật gia xưa tóm núi Tu Di vào trong hạt cải. Một thi nhân Trung Quốc (Bạch Cư Dị) có câu: “Oa-ngưu giác thượng tranh hà sự?/ Thạch-hoả quang trung ký thử thân: Trên sừng ốc-sêu tranh gì đấy?/ Trong lửa đá quẹt gởi thân nầy.”*

Nhà thơ Anh Quốc (William Blake) cũng có câu: “Nhất lạp sa lý kiến thế giới/ Nhất đoá hoa lý kiến thiên quốc/ Thủ chưởng lý thình trụ vô hạn/ Nhất sát na tiện thị vĩnh kiếp: Trong một hạt cát thấy thế giới/ Trong đoá hoa dại thấy thiên đường/ Trong lòng bàn tay cầm Vô Hạn/ Và một giây, ấy cũng Vô Cùng”*

Năm 1925

Phong Tử Khải 豐子愷 (1898-1975)

Nguyễn Văn Thực dịch

 

Chú thích (ND) :

*Nguyên bản tiếng Anh :

To see a World in a Grain of Sand,

And Heaven in a Wild Flower,

Hold Infinity in the palm of your hand,

And Eternity in an hour.

-- Auguries of Innocence

William Blake

 

**Thạch hoả : lửa từ đá quẹt, tượng trưng cho sự ngắn ngủi của đời người.