Thượng Nghị Sĩ Joe Biden trên xe lửa đi làm hàng ngày
Kỷ niệm thời nhỏ với xe lửa chỉ là chuyện bên ngoài xe như vậy.
Và chỉ kéo dài tới cuối năm 1945 khi gia đình tôi phải vội vã tản cư ra khỏi Hà
Nội vào một đêm giá rét. Khi trở về thì chúng tôi không còn được ở căn nhà cũ
vì lý do an ninh. Gia đình tôi lên ở trên khu Chợ Hôm trong lòng Hà Nội. Xe lửa
không còn ở trong đầu tôi.
Lần tôi được thực sự ngồi trên một chiếc ghế gỗ trong xe lửa
là lần tôi được bà nội cho đi Hải Phòng thăm ông trẻ, em bà tôi. Tôi nhớ cái cảm
giác lâng lâng sung sướng khi thấy nhà cửa, cây cối vùn vụt chạy ngược chiều
xe. Khi về, tôi kể chuyện đi xe lửa cho lũ bạn với bộ mặt nghênh lên hết cỡ. Chắc
lúc đó nhiều đứa muốn đấm tôi quá! Rồi di cư, xe lửa Sài Gòn cách xa nhà tôi
nên xe lửa mất dấu trong tôi. Ga xe lửa gần chợ Bến Thành vẫn còn hoạt động
nhưng sự chậm chạp của thứ xe dài ngoằng cổ lỗ sĩ khiến xe lửa mất khí thế nặng.
Ga xe lửa cuối cùng trở thành ga chuyển tiếp của Hàng Không Việt Nam.
Đi xe lửa là thứ di chuyển nhẩn nha trong khi cuộc sống mới
đòi hỏi tốc độ. Có mai một dần cũng chẳng trách ai được. Tôi không còn dịp ngồi
trên xe lửa cho tới khi qua Đại Hàn. Trong một lần đi công tác vào năm 1973,
tôi được mấy ông Đại Hàn cho đi xe lửa từ Hán Thành tới Cheong Ju, dài khoảng
400 cây số, tôi mới lại tìm được cái thú đi xe lửa. Trong một du ký viết về
chuyện này hồi đó, tôi tả tình tả cảnh như sau: “Xe lửa Đại Hàn cũng từa tựa
như xe lửa Việt Nam trước đây. Ghế ngồi có thêm miếng gỗ nhỏ bên cạnh để đồ uống
và cái để chân bọc nhung xanh ở phía trước. Qua từng ga những người dân quê
trong bộ quốc phục Đại Hàn tất tưởi lên xuống. Những anh chị bán hàng rong đi
đi lại lại trong toa, bán bánh kẹo, báo, thuốc lá, nước ngọt… Đặc biệt là khi gần
tới giờ cơm họ bán những chiếc hộp bao giấy hoa rất đẹp thắt nơ xanh nơ đỏ như
một món quà tặng quí giá. Thoạt đầu tôi cứ tưởng đó là những hộp kẹo bánh đặc
biệt của vùng xe lửa đi ngang qua để khách mua về làm quà cho bà con. Nhưng khi
thấy hầu như mỗi người đều mua một hộp tôi đã cố tình để ý. Khi tôi từ toa hàng
ăn trở về sau bữa cơm no nê trước khung cảnh thay đổi liền liền trước mắt, tôi
thấy khách đi tàu lần lượt bóc những chiếc hộp đẹp đẽ đó ra. Sau lần giấy hoa
là một chiếc hộp gỗ mộc mạc. Phía trong, nằm giữa lần giấy trắng tinh khiết sạch
sẽ là những nắm cơm xếp đều đặn và mỹ thuật. Mỗi nắm cơm được bao quanh bằng một
lớp rong biển khô màu xanh. Hai đầu nắm cơm được rắc một thứ trông giống như ruốc
chà bông của Việt Nam”.
Qua định cư tại Canada, tôi có lần thử đi xe lửa từ Montreal
tới Edmonton. Xe lửa Canada dĩ nhiên đẹp đẽ và tiện nghi hơn xe lửa Đại Hàn. Có
toa được thiết kế nhô lên cao, chung quanh toàn bằng kính trong vắt, để ngồi ngắm
cảnh, uống cà phê. Nhưng chậm ơi là chậm. Xe lửa thì phải chậm, nhanh sao được,
đó là…luật! Nghĩ vậy nhưng không phải vậy. Tôi đã bé cái lầm.
Du lịch qua Nhật Bổn vào năm 2016, tôi sống chết với xe lửa.
Trong hai tuần lễ, tôi dùng toàn xe lửa siêu tốc shinkansen đi
từ thành phố này qua thành phố khác với tốc độ kinh hồn 320 cây số/giờ. Ngày
nào cũng cưỡi con quái vật có cái đầu như đầu cá mập. Ngày đó, tôi đã ghi lại
kinh nghiệm ngồi xe lửa shinkansen: “Lòng tầu như trong một
chiếc máy bay với những hàng ghế sang trọng và tiện nghi y như ghế máy bay. Phải
nói hơn ghế máy bay mới đúng vì dưới chân ghế, phía ngoài, có một bàn đạp nhỏ,
dùng chân đạp nhẹ bàn đạp, người ta có thể xoay cả hàng ghế ba chỗ ngồi từ trước
ra sau. Nếu sáu người trên hai hàng ghế sát nhau là bạn bè thân hữu thì hai
hàng ghế xoay mặt vào nhau tha hồ chuyện trò rôm rả hoặc đánh bài hay ăn uống với
nhau. Các tiếp viên trên tầu cũng ăn diện đẹp đẽ như các tiếp viên hàng không.
Có nhiều nàng rất bảnh gái. Tôi có gặp một cô nàng đẩy xe đi bán đồ ăn xinh
như…robot. Tôi nghĩ các nhà sáng chế ra búp bê robot đã dựa vào nhan sắc này để
tạo thành khuôn mặt thơ ngây, ngơ ngác như thiên thần. Tất cả các tiếp viên, dù
nam hay nữ, mỗi khi vào hoặc rời toa tầu để làm phận sự đều cúi đầu chào các
hành khách. Tôi thích phong cách điều hành tầu, chẳng phải vì cô tiếp viên búp
bê tôi gặp, mà vì một câu nhạc mở đầu trước khi có thông báo chạy trên màn ảnh
của tầu. Đó là một câu nhạc cổ điển tây phương nghe rất phấn khởi. Hàng chữ
thông báo ga tới hoặc thông báo hành trình của tầu bằng tiếng Nhật và tiếng Anh
rất tiện lợi cho du khách mù tiếng Nhật. Tầu tốc hành shinkansen có tốc độ đáng
nể 320 cây số/giờ. Nghe thấy mà chóng mặt. Nhưng khi ngồi trên con tầu lướt
nhanh, người ta không cảm thấy chóng mặt. Phong cảnh hai bên đường vụt qua khá
nhanh nhưng mắt vẫn ngắm cảnh được một cách bình thường”.
Nếm mùi tầu tốc hành shinkansen, tôi mới nhớ lại
chuyến xe lửa Thống Nhất được quảng cáo rùm beng sau năm 1975 của nhà cầm quyền
Cộng sản. Khi đó, cuộc sống khó khăn vất vả, tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ ngồi
trên đoàn tàu được mệnh danh là Thống Nhất này. Nhưng rồi số phận cũng bắt tôi
leo lên tầu. Tôi đem gia đình ra Nha Trang để tham dự một chuyến vượt biên.
Lòng tầu chen chúc những người là người. Cả gia đình tôi gồm hai vợ chồng và
hai đứa con nhỏ phải đứng. Kiếm được một chỗ đứng gần cửa sổ cho thoáng thật vất
vả. Vất vả còn vì những con buôn hàng chuyến ngang nhiên thảy đồ qua đầu mình
vù vù mỗi khi xe ngừng tại một ga. Rồi còn nạn móc túi và ăn cắp. Chiếc áo mưa
của tôi để trong túi đeo vai đã không cánh mà bay lúc nào không biết. Đoạn đường
dài vài trăm cây số như một sạn đạo, nhất là có con nhỏ. Chuyến vượt biên thất
bại, về lại Sài Gòn , tôi không dám mạo hiểm thêm với xe lửa, leo lên xe đò quy
hồi thành phố cũ trong mất mát, cả vàng ròng lẫn ê chề tinh thần.
Vậy mà hồi đó xe lửa Thống Nhất là niềm tự hào của nhà cầm
quyền. Báo đài ra rả tuyên truyền về thành công vượt bậc này. Sau này, khi sự
việc được tiết lộ, người ta mới thấy đây chỉ là một công trình vá ráp, giật đầu
này vá đầu kia, của những người nhắm mắt làm bừa cho có thành tích khoe với
công chúng.
Khi Việt cộng chiếm được Đà Lạt, ông Phạm Khương là người tiếp
nhận ga Đà Lạt. Khúc đường xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt là một tuyến xe lửa leo
núi đặc biệt, có đầu máy răng cưa và có đường rầy cũng có răng cưa. Đây là loại
xe lửa leo núi, trên thế giới chỉ có hai nơi có: Đà Lạt và Turka của Thụy Sĩ.
Đường xe lửa Đà Lạt ngầu hơn Turka vì dài hơn và có độ dốc lớn hơn. Phải mất 30
năm, từ năm 1902 đến 1932, đường xe lửa này mới hoàn tất với chỉ sức người và
những vật dụng thô sơ. Ngoài những kỹ sư người Pháp và Thụy Sĩ, còn có hàng chục
ngàn công nhân Việt Nam leo đèo xẻ núi vất vả không kể xiết. Khoảng một nửa số
công nhân đã vĩnh viễn nằm xuống trên con đường này vì gian nan, bệnh tật, thú
rừng và khí hậu khắc nghiệt. Thảm kịch này đã được các công nhân ghi lại trong
một bài vè được phổ biến vào năm 1922:
Năm 1932, Toàn Quyền Pháp René Robin và vua Bảo Đại khánh
thành đường xe lửa độc đáo nhất thế giới này với tổng chiều dài 84 cây số, 9
nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là Ngoạn Mục và Dran, chi
phí hết 200 triệu franc. Từ ngày đó, trung bình mỗi ngày có hai
chuyến chạy tuyến Đà Lạt-Nha Trang, Đà Lạt-Sài Gòn và ngược lại. Tổng cộng có
11 đầu máy chuyên vượt núi và có răng cưa do Đức chế tạo. Chính đoàn tầu này đã
tạo thuận lợi cho sự bùng nổ xây dựng thành phố Đà Lạt từ năm 1935 đến 1945.
Năm 1968, tuyến đường này bị Việt Cộng phá hoại nên ngưng hoạt động. Tháng 5
năm 1975, tàu chạy lại nhưng chỉ từ Đà Lạt tới Phan Rang giúp vận chuyển nông
lâm sản rất hữu hiệu. Nhưng tầu chỉ chạy được đúng 27 chuyến. Cuối năm 1975,
nhà cầm quyền ra lệnh ngưng chạy, tháo toàn bộ tà vẹt để mang ra Bình Định và
Quảng Nam tu bổ tuyến đường sắt Thống Nhất. Nhà cầm quyền tỉnh Lâm Đồng tá hỏa
tam tinh, tiếc một công trình vào loại hiếm trên thế giới sẽ mai một. Họ đề nghị
hạ cây rừng để làm tà vẹt mới thay vì tháo dỡ. Đúng 230 ngàn thanh tà vẹt gỗ mới
tinh đã được giao thay thế nhưng gỡ vẫn cứ phải gỡ. Tà vẹt của toàn bộ tuyến đường
từ Trại Mát về Tháp Chàm bị gỡ sạch. Những thanh ray và hơn chục cây số đoạn
răng cưa được đưa về các nông trường và sau đó thành phế liệu.
Không còn đường ray, bảy đầu máy Fuka nằm phơi sương tại nhà
ga Đà Lạt. Chúng trở thành những thứ vô dụng nhưng, dưới con mắt những kỹ sư Thụy
Sĩ, nơi cũng có tuyến đường tầu răng cưa mà không còn đầu máy răng cưa chạy hơi
nước nào còn vận hành được, thì đây là những báu vật. Đầu năm 1988, kỹ sư hỏa
xa Ralph Schorno của Thụy Sĩ, tìm tới ga Đà Lạt để thăm dò. Ông chấm được bốn đầu
máy còn tốt. Sau đó, tòa Đại sứ Thụy Sĩ tại Hà nội ngỏ ý muốn mua. Hà Nội mừng
vì có thể bán được những thứ phế thải này. Họ ra giá một triệu đô Mỹ. Sau cuộc
đàm phán nhanh chóng, số tiền bán cuối cùng được ấn định là 650 ngàn đô. Do sự
quản lý tùy tiện và dốt nát của nhà cầm quyền Cộng sản, đất nước mất đi một
công trình vô tiền khoáng hậu của…thực dân Pháp!
Chỉ hai tháng sau khi những chiếc đầu máy răng cưa rời Đà Lạt
về Thụy Sĩ, kỹ sư Ralph Schorno đã gửi từ nhà ga Jungfraujoch về cho ông Phạm
Khương một cuốn sách dầy in những tấm ảnh mầu trên giấy tốt. Nội dung kể lại
hành trình tìm ra đầu máy răng cưa ở Đà Lạt và mang về Thụy Sĩ cùng hình các đầu
máy này đang nhả khói trên đường đèo vượt dẫy núi Alpes. Trên đầu máy có một tấm
bảng ghi mốc thời gian chiếc đầu máy từng chạy trên tuyến đường Đà Lạt-Phan
Rang. Như một nhắc nhở về nguồn cội nhưng cũng hàm ý nhắc nhở về nỗi đau trong
lòng những người Việt Nam đã từng yêu mến và tự hào về con đường răng cưa đã mất.
Tôi tiếc là chưa được ngồi trong những toa tầu quý hiếm này
trong suốt thời gian dài khi chúng còn phun khói trên quê hương. Chuyện cá nhân
này, tôi nghĩ có thể làm được nếu qua Thụy Sĩ. Nhưng còn đâu cái cảm giác khi
được nhìn qua cửa sổ trên con tầu hì hục leo đèo dốc, những bát ngát rừng
thông, những chập chùng đồi núi quê hương. Giận thiệt giận nhưng biết sao khi đất
nước bất hạnh sản sinh ra những đứa con chẳng biết giữ gìn và trân trọng tài sản
quốc gia!