Sau 1975 đời như đứt ngang, mọi thứ đều dở dang. Tình trạng
bị kèm kẹp, ép buộc lên kinh tế mới, đói rách, nghèo cực kiệt quệ, ai cũng mơ
trốn thoát Việt Cộng bằng đường biển, giống năm 1954 miền Bắc di cư vào Nam.
Nói như câu “nếu cột điện biết di động thì cũng tìm đường mà đi ...”
Tôi quen Lộc vốn thầy giáo dạy môn Toán trường trung học Đà Nẵng, sau xin thuyên chuyển về trường Hàm Nghi (Quốc Tử Giám ngày xưa), trường bị xoá bỏ, nên được diễu cợt đắng cay cái từ là kẻ “vô lương, mất dạy” ( không có lương, không được đi dạy). Lộc thường bị chỉ điểm có tên trong danh sách đi rà mìn, đi công tác thuỷ lợi nên trốn vào Sài Gòn.
Tháng sáu năm 1979
tôi nhận thư Lộc gởi từ Tây Đức, quá sức bất ngờ... Lộc un đúc cho tôi bừng lên
niềm hy vọng mãnh liệt. Gia đình Lộc sống không được yên thân, sau khi nửa gia
đình đã vượt biên, ngày nào cũng bị công an đến hỏi số người vắng, nên Mẹ Lộc
bán nhà lẹ làng âm thầm với giá rẻ mạt để vào Nam, vì nếu không bán sớm cũng sẽ
bị tịch thu nhà cửa khi họ điều tra ra. Không biết Lộc có bàn tính gì với Mẹ,
trước hôm bà chuẩn bị vào Sài Gòn, nhắn cô gái Út gọi tôi lên dặn dò “nếu con
muốn đi theo Lộc thì nên vào Sài Gòn dễ có cơ hội, Lộc sẽ lo cho con…”
Tôi từ giã thành phố Huế, vào Nam tìm đường vượt biển dưới
vùng Rạch Giá , Rạch Sỏi. Ban đầu nhóm gồm có tôi, Thiện (em Xuân bạn hàng
xóm), Dũng( em họ Lộc), hai chú cháu Phan, Văn, hai O Loan, Hà con Ôn Mạnh (móc
nối vượt biên).
Sau nhiều chuyến đi bị bể chạy trốn về, mấy chị em cũng bị
vào tù. Hai O được thả trước, đến phiên tôi. Thiện và Dũng bị đưa về kinh làng
thứ 3 làm ruộng. Phan và Văn xuống kinh làng 11 (rừng U Minh) đốn củi.
Ngoài Huế công an đến điều tra cắt hộ khẩu, trong Nam không
giấy tờ phòng thân sau khi ở tù ra, tôi thành dân lậu trốn chui trốn nhủi,
nhưng vẫn quyết chí theo đuổi ước mơ.
Tôi xin kể chuyện đi cuối cùng của mình do Phan giới thiệu.
Đầu
Xuân 1985 khi mọi người đang chuẩn bị ăn Tết. Tôi xin chiếc quần đen cũ, cái áo
có vá của cô em họ, đội chiếc nón lá rách, một chiếc túi vải có dây đeo chứa cuốn
băng vệ sinh, chai thuốc đỏ, bộ quần áo cũ khác và một áo mưa được nhét dưới giỏ
lát, trên giỏ để ổ bánh mì. Ra ngã tư leo xe lam đậu sẵn, xe còn chờ khách thêm
vì chưa đầy chỗ. Loa phóng thanh cài trên các cột đèn vang vang
“Tại Châu Đốc khám phá ngôi Chùa ...có súng đạn và lương thực
giấu dưới ghè tương, tại nơi kia bọn phản động định chiếm đài phát thanh, tại
nơi nọ bọn Ngụy và tay sai rải truyền đơn khắp cùng, tại Vũng Tàu bắt được tàu
mang biển số đánh cá Phan Thiết ...v..v...”
Bình
thường các ông bà nói chuyện nhao nhao, hôm nay không nghe ai nói gì, xe đầy chỗ
mà ông tài xế cũng chẳng hay, nét mặt tư lự đăm chiêu, mỗi người khách đều chăm
chú lắng nghe với vẻ trầm ngâm buồn bã như niềm hy vọng nuôi dưỡng của người
dân miền Nam vừa bị dập tắt. Ngồi trên xe với bao nhiêu nỗi ngổn ngang trong
lòng, bên ngoài dòng người mua bán đông đúc, hoa Cúc hoa Mai sáng rực, bánh mứt
chưng đầy hai bên chợ, tôi có linh cảm như được nhìn lần cuối quê hương yêu dấu.
Bước xuống xe lam, đi bộ một đoạn đường mới đến nhà ông chủ tàu tên Thắng, ánh
mắt tôi lưu luyến những hình ảnh thân yêu nhất, quen thuộc nhất mỗi độ Tết về.
Ông Thắng cho biết Phan có công tác đã đi trước hai ngày và
giao cho tôi tấm thẻ đỏ. Tôi được đi chung nhóm bốn người, có cô Taxi (tiếng
lóng “đưa rước”) dưới miền Tây lên họp. Ngày sau chúng tôi làm mặt lạ đi riêng
rẽ dõi bám Cô Taxi về chợ Mỹ Tho. Đúng 5 giờ chiều lên Ghe chạy rất xa tới lúc
trời gần tối tấp vào một ghe khác đang đậu nơi vắng vẻ, anh chàng ngồi trên đầu
ghe đưa tay ra dấu hiệu mọi người sang qua. Chui xuống ghe có số người ngồi sẵn,
vài người vác con nhỏ khóc lóc, một bà la mấy người Mẹ
- Dỗ chúng nó đi, muốn chết hết cả đám hay sao
Các cháu vẫn vùng vằng khóc ré, người đàn bà đó hét lên “đưa
qua đây lẹ”, rồi bà đổ trong miệng trẻ thuốc bột trắng, tôi đoán là thuốc ngủ,
quả thật sau đó các cháu ngủ mê man không động đậy.
Lần lượt có nhiều toán khác tấp vào, khi có tiếng chân đi
trên đường thì thanh niên ngồi ngoài canh gác đập mạnh vào ghe
- Im lặng hết, đang có người đi tới
Tối đó hình như có đoàn cải lương về làng trình diễn, nên
nghe bước chân người đi rất đông, họ nói chuyện gánh hát nào đó, họ ca cải
lương, ngang qua ghe có tiếng hỏi:
- Ghe chở gì mà đậu ở đây vậy anh?
- Ghe chở muối anh ơi, ở làng bên qua đây vớt muối được hai
ngày đem ra chợ họ trả rẻ quá chưa muốn bán, định dừng đây nghỉ qua đêm có lẽ
mai trở lại bán
Tiếng chân gần rồi xa, xa rồi gần..., chúng tôi ngồi nín thở
bên nhau ngủ gật ngủ gù, nửa đêm người thanh niên mới cho từng người ra tiểu tiện.
Tôi nhìn những bà Mẹ ôm con bụng nghĩ dại... vì thấy các cháu ngủ li bì chẳng
thức dậy, đến nước liều rồi các bà Mẹ cũng như cái bóng không còn hồn nữa.
Một ngày một đêm
nhiều ghe tấp tới từng đợt. Đúng 5 giờ chiều ngày sau, ghe ông chủ tàu đến, nhảy
lên hỏi anh thanh niên
- Đủ cánh chưa
- Dạ còn thiếu một ghe nữa phe ông B …
Ông Thắng khua tay
- Bỏ ...không còn kịp giờ
Tiếng máy ghe nổ lớn, tiếng người khóc lóc van xin
- Đợi chồng con tôi tới với, trời ơi ...bị bỏ lại rồi
Mặc tiếng gào thét, tiếng máy vẫn nổ ồn ào trong đêm tối gió
lạnh ngắt… Lòng lo lắng kiểu đi hôi giành giựt dễ bỏ lại mình như nhiều người
thường kể, tôi bắt đầu mò lấy chiếc túi vải có dây quàng chéo vào người, bỏ lại
giỏ lát các thứ mua linh tinh nơi chợ và chiếc nón rách. Tôi mon men bước lần
ra phía cửa. Bỗng nhiên tôi thấy ghe kề một tường thành cao chót vót, thì ra là
tàu lớn, có những người mặc quần áo bộ đội rọi đèn pin xuống hét: “Cánh ai ? -
cánh Thắng, cánh B…” Tôi chồm đưa tay lên có bàn tay chụp lấy hỏi to và
tôi la lên “cánh Thắng”, được gã đàn ông kéo mạnh người tôi văng qua thành rớt
xuống, tôi thấy phía đàn ông không được kéo phải tự động bò leo lên, Nhìn quanh
thấy Nhung, vợ chồng Cường đi chung nhóm cũng có mặt, lòng thấy phấn khởi, sau
đó chúng tôi bị lùa xuống hầm sâu, chỉ trừ ai có con nhỏ không bị đẩy xô.
Trong chớp nhoáng
hầm đóng chặt kín mít, người chật cứng chẳng thấy ai là ai, tiếng máy nổ ầm trời,
tôi bị lớp người đè chần lên thân sát vào máy móc, mùi xăng dầu bốc ra nghẹt thở,
tiếng la hét, nhào qua lăn lại, nước vào ngâm nửa người lạnh ngắt, đầu óc lung
linh, muốn chống đỡ lớp người chúi qua chúi lại nhưng toàn thân mềm nhũn yếu ớt
không đưa tay lên nỗi, tôi bắt đầu ói vào mặt mũi ai đó, tất cả cùng nhau
ói...Tôi bỗng đau bụng dữ dội, đau kiểu mỗi lần có kinh nguyệt, buốt nhói tê lạnh
cả người, mùi hôi tanh của máu xông lên càng làm tôi nôn ọe, nhưng chỉ toàn
trào ra nước chua lè, có tiếng Nhung thì thào đâu đó
- Chị Minh cho em xin băng vệ sinh
Tôi
run tay cố mò mẫn nhưng túi xách đã dạt mất đâu, và hình như tôi cũng đang có
kinh, điều không thể ngờ được tôi vừa hết kinh tuần trước, tôi cố nói được chữ
“mất rồi”, ngực tức vì hơi khí của máy nổ, chung quanh toàn nước nhờn nhớt, họ
ói lên đầu tôi, tôi ọe vào người họ, tôi thở khó khăn, nghe bên tai những tiếng
hét:
- Mở nắp hầm ra, sắp chết rồi, mở ra, mở ra...
Tàu vẫn chạy hình
như bên ngoài chỉ có tiếng vũ bão quay cuồng, tôi mơ màng nhớ đến Ba, nhớ Mẹ
...hai khuôn mặt hiện ra trước mặt, tôi như đang thì thào “giờ này Ba Mẹ đang
làm gì, con sắp chết rồi Ba Mẹ có linh cảm gì không, con sắp chết rồi...ba mẹ
ơi...”. Tôi lụi sức chập chờn nửa tỉnh nửa mơ giữa tiếng nôn ọe liên tục, giữa
những cơn nhào lộn khi bị tàu lắc nghiêng ngả, nhồi tôi như mớ bông gòn..., tôi
mê thiếp đi với tấm thân mềm nhũn...
Thức giấc giữa phút im ắng,
không còn nghe động cơ ầm ỉ, ánh sáng lọt vào khi nắp hầm được giở lên, tiếng
chưởi rủa không ngớt, tôi thật sự không tin mình còn sống, còn thấy ánh nắng
chan hoà. Tôi nghe có tiếng chồm xuống hầm
- Cho tôi hỏi có chị nào tên Minh ở dưới hầm không? (nào ai
biết tôi?)
Tôi nhận ra giọng Phan nhưng không lên tiếng được. Mọi người
nhảy hết lên bong tàu, tôi cũng lết lên theo thì thấy Phan cùng nhiều người mặc
bộ xanh đậm như đội kỹ thuật, bà cho trẻ nhỏ uống thuốc mê lúc ngồi trong ghe
lên tiếng chỉ huy mọi điều, thì ra là bà chủ có phần hùn chung trong chuyến đi
này, gia đình bà ngồi tầng cao trên cabin. Tôi lựa gần cột sắt ngồi dựa vào hít
thở không khí thoáng đạt. Ông tài công cho biết tàu đã bị tắt máy (nghe đâu ông
là thiếu tá hải quân VNCH đi tù về), vài người loay hoay xem máy móc, xem địa
bàn, tuyên bố tàu đã ra khỏi hải phận sau hai ngày hai đêm chạy nhanh. Nước dưới
hầm vào nhiều, một số đàn ông nhảy xuống dùng gàu múc nước tát ra, số người đứng
xúm lại bàn tính tìm phương cách. Lúc đó mọi người mới nghĩ đến chuyện ăn uống,
họ kiểm soát lương thực thấy có củ đậu sắn đã bị hư hết, chỉ còn bánh tráng sống.
Một chị đứng ra lo ẩm thực lấy mỗi miếng bánh tráng xé làm bốn chia mỗi người một
phần tư, một ông kiểm soát nước chỉ có một thùng, ông lấy ống đựng thuốc bề cao
bằng ngón tay giữa, đổ nước đầy vào trong rồi tuyên bố
- Số nước quá ít, chỉ uống cầm cự thôi, ống này cho ba người,
mỗi người mỗi hớp.
Tôi thấy ông đưa chuyền từng người, họ làm đúng theo lời
ông, ông lại đổ đầy và đến phiên tôi, chẳng nói gì tôi uống ực hết cả ống, có mấy
người “..ô...ô..” và tiếng ông hét lên cùng con mắt trợn dọc:
- cái Cô này không nghe tôi dặn hay sao hả?
Tôi nhìn ông như người đang ngồi thiền, không nói, không
nghe, có nhìn cũng như không, vì thật sự tôi đã đuối quá, nếu không uống ống nước
đó có lẽ tôi sẽ xỉu, chỉ một ống nước như thuốc hồi sinh, trợ giúp cơ thể tôi tỉnh
táo vô vàn. Tình cờ có cô nào leo lên ngồi cạnh, cô nhìn tôi rồi mở gói đưa ít
Sâm lát bảo ngậm vào, cô hỏi chuyện làm quen, được biết tên cô là Phi bằng tuổi
tôi. Qua ngày thứ ba, thứ tư, tàu vẫn tiếp tục theo sóng lềnh bềnh khi dạt ra hải
phận, tôi thấy tàu lớn tàu nhỏ rất nhiều, niềm hy vọng vươn lên nhưng chẳng được
đến gần tàu nào, qua đêm tàu bạt vào hướng Cà Mau, sáng ra về hướng Bạc Liêu,
Phan ở trên tầng cao nhất lò dò xuống dặn tôi
- Nếu tàu có tấp về đâu, ai thoát được thì nhớ nhắn cho người
nhà biết
Tôi càng hồi hộp, lòng ngổn ngang và ước muốn như lời hằng
đêm khấn vái trước tượng Quan Âm là “một, cho lọt, hai, để chết sông chết
biển”.
Một tuần kế tiếp tàu vẫn lênh đênh… mọi người hầu như đuối sức
và tuyệt vọng, tiếng con nít khóc đến khàn hơi luôn, mấy chú thanh niên thèm
ăn, nói suốt ngày món này, món kia, uống ly bia, ly trà đá ....v..v...Tôi cứ mơ
màng thấy ly trà đá nhà Cô Nga mỗi trưa ngồi dùng cơm, ly trà đá ám ảnh chập chờn
khi thức và lúc mê đến nhức đầu vì khao khát, may bạn Phi cho tôi ngậm Sâm lát
tiếp tục. Nhiều lần tàu dạt tới mấy mỏm đá thật nguy hiểm, bà con vẫn nhận mỗi
ngày hai hớp nước và nửa miếng bánh tráng sống nhai cầm cự, tiếng người than,
tiếng kẻ muốn quay trở về thà bị tù nhưng còn sống, mà tàu không chiều theo
lòng ai, nhiều thanh niên đói quá muốn nhảy xuống biển bắt cá lên nướng ăn nhưng
bị cản lại.
Chiều ngày thứ mười, tài công đặt ống nhòm bỗng la lên “có
tàu rồi” , mọi người mừng rỡ, ai cũng mở lớn mắt theo dõi, chờ đợi tàu từ từ tiến
lại, nhưng khi tàu đến gần bỗng có người hét lên
- Chết rồi tàu Việt Cộng, bà con nằm sát, úp mặt xuống kẻo
trúng đạn
Tất cả mọi người
trên tàu tái mặt, nằm cúi sát, tôi chỉ biết nhắm ghiền mắt chờ chết nhưng hai
phút sau tôi cũng hé mắt tò mò nhìn ...tim đập mạnh, tay chân run rẫy ...trước
mắt toàn màu xanh bộ đội ra đứng nhìn chăm vào tàu chúng tôi, tôi lại nhắm mắt
tiếp tục “chuyến này chết thật rồi”. Chờ đợi ...đợi chờ hoàn toàn im lặng,
có tiếng người nói “họ đi rồi” tôi mở mắt ra thì thấy tàu hải quân Việt Cộng xa
dần, chẳng ai hiểu ..?!!! có những tiếng bàn luận
- Chắc họ bận đi công tác ở đâu nên không thể áp tải mình về
..
Một
phen hú hồn... tàu lại tiếp tục lơ lửng, bồng bềnh nổi trôi trên nước, mắt tôi
lạc thần, ngồi nhìn sóng nước như cái xác không hồn, trước mắt chỉ thấy ly trà
đá to màu vàng nâu tuyệt vời... tiếng người đàn bà nói lớn thức tỉnh tôi
- Tui đang ngủ mơ màng tự dưng thấy có con cá voi lớn lắm tới
bè tàu mình đi …
- Chắc có điềm tốt, thôi bây giờ chúng ta cùng cầu
nguyện theo đạo của mình …
- Để tui ngồi yên khấn Phật Bà Quan Âm, khấn Trời Đất
Họ bàn tán xong rồi cùng im lặng ...bên Công Giáo đọc kinh lớn,
bên Phật giáo niệm lâm râm ...
Buổi chiều vẫn còn
nắng gắt, từ xa thấy một chấm đen rất nhỏ, đàn ông lại đặt ống nhòm với niềm hy
vọng, mọi người hướng theo chăm chú, chấm đen từ từ lớn dần, đàn ông đốt giẻ
cũng như đàn bà bồng con nít đưa lên cao ra dấu hiệu cầu cứu...Chiếc tàu đến
nhưng giữ khoảng cách xa, hai người đàn ông quẳng thúng nhảy xuống chèo qua
quan sát, họ nhận ra người Việt Nam với nhau và nhảy lên, qua vài câu hỏi họ biết
là tàu vượt biên, trước tiên họ chở qua thùng nước. Thừa lúc mọi người xúm lại
nói chuyện, tôi chụp lon sữa bò của ai đã dùng sạch, nhào tới kéo vòi nước đổ đầy
lon uống một hơi hết cạn. Tôi không ngờ sau khi uống lon nước xong giống một
phép tiên, người hoàn toàn tỉnh táo ví như kẻ sắp chết đuối được hồi sinh, và
thích thú nhìn bà con xúm lại giành nhau rót uống sau đó. Thì ra đây là tàu
đánh cá của người Phan Thiết, mỗi năm họ đánh cá hai chuyến, trở về phải nạp
thuế cho cục hải quan. Nét mặt họ chất phát nói cho mọi người nghe
- Tàu mấy anh chị đi vượt biển không đúng tiêu chuẩn, vì là
tàu mui tròn chỉ dùng để đi sông, may mắn chưa bị lật hoặc tông vào núi đá.
Chúng tôi rất rành đường biển, có nhiều lối như ngả bảy là nơi tàu bè ngoại quốc
buôn bán rất đông, ngã hai, ngã ba là hướng cướp biển Thái Lan thường lộng
hành, chúng tôi có thể giúp kéo tàu ra ngã bảy, nếu quý vị đảm bảo lo cho chúng
tôi đủ tiền đóng thuế. Cả tàu mừng rỡ… có vài người đại diện kêu gọi gom tiền
và vàng biếu các anh. Đợt một, đợt hai, đợt ba… sau khi các anh đánh cá kiểm lại
số tiền vàng tạm đủ cho phần nộp thuế, họ vui vẻ chuyền thức ăn, nước uống và
dùng sợi dây thừng rất lớn nhảy qua tàu chúng tôi cột nối đuôi tàu họ, rồi yêu
cầu người già con nít qua bớt tàu họ vì thấy bên này người quá đông chật. Đêm
đó chúng tôi hơi bình tâm, vấn đề đói khát đã được thỏa mãn khi họ câu cá thu nấu
cháo, nấu bí đỏ chuyền sang, mọi người đều tỉnh táo tăng lên nguồn hy vọng.
Cũng nói thêm từ khi tàu tắt máy thì ban ngày tôi vẫn ngồi trên tàu tầng giữa kề
cửa của gian phòng trong (hình như gia đình bà con chủ tàu), đêm nhảy xuống hầm
để trọng tải chiếc thuyền được cân bằng, mọi người vẫn thay phiên nhau tát nước
ra.
Tàu đánh cá kéo tàu
chúng tôi ra khỏi hải phận đúng một ngày một đêm, các anh thả neo tàu chúng tôi.
Họ cũng tâm sự rằng quen nghề đánh cá, ít học nên sợ qua các nước không biết
làm gì sinh sống, vì vậy chưa bao giờ có ý định vượt biên. Nét mặt họ hiền hoà
chất phát, chuyền các thức ăn khô và nước uống đầy đủ thêm lần cuối trước khi
chia tay. Tàu đợi suốt ngày, dong bảng SOS, đốt vải đưa cao ...tàu bè quá nhiều
đủ cờ các nước qua lại, nhưng tàu nào cũng có vẻ tránh xa ...Tôi cũng từng nghe
tin tức khoảng thời gian này các trại tỵ nạn chứa người đông nghẹt, gây vấn đề
nan giải cho Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, nên có lệnh ngưng vớt người vượt biển.
Dù sao vẫn còn mầm hy vọng khi tàu đã đứng ngoài hải phận Việt Nam. Cả ngày nắng
rực, mắt không ngừng theo dõi những con tàu ngoại quốc loanh quanh vờn qua vờn
lại, lòng thoi lên thóp xuống, tinh thần phấn khởi rồi lại vụt tắt như ánh nắng
chiều lịm dần theo bóng hoàng hôn.
Trời bắt đầu nhá nhem thì tàu đánh cá xuất hiện trở lại, các
anh cho biết
- Tuy đã quay lưng, nhưng không yên tâm, nên tàu vẫn đậu xa
theo dõi, chờ nếu có tàu nước nào vớt, tụi tôi mới yên tâm đi về, thấy trời đã
tối vẫn chưa có kết quả nên tàu phải quay lại.
Tàu lại được cột dây thừng sau đuôi tàu đánh cá lần nữa, các
anh cho biết lần này sẽ kéo tới giàn khoan Mã Lai luôn. Chiếc tàu lớn kéo chiếc
tàu nhỏ lướt trong đêm, nước biển màu xanh đậm sâu hun hút… lần này tôi ngồi
cùng vài phụ nữ trên boong tàu, để cánh đàn ông dưới hầm phụ nhau tát nước. Nửa
đêm bỗng trời gió bão tơi bời, tàu chúng tôi chòng chành, mỏng manh giữa đại
dương bao la, như con thuyền giấy lúc nhỏ tôi vẫn thả mỗi khi mùa nước lụt ngập
sâu, tôi có cảm tưởng như chiếc tàu là món đồ chơi của biển cả lúc này. Từng
cơn sóng lớn cao gấp ba đầu tôi ào đến phủ con tàu, phủ trên đầu trên mặt tôi,
mỗi cơn sóng là tàu nghiêng hẳn bên trái bên phải như muốn lật úp, những lúc
nghiêng về bên tôi thành tàu nằm sát mặt nước, phản xạ tự nhiên tôi nghiêng người
ngược lại hướng kia, tiếng la hét hãi hùng, tiếng khóc dậy trời, kèm theo tiếng
trấn an:
- Bà con bình tĩnh, bà con bình tĩnh ...tát nước ra ..tát nước
ra ...tát nước ra ..
- Tàu nghiêng hướng nào thì mình nghiêng người ngược lại,
bình tĩnh ...bình tĩnh …
Tiếng kinh cầu râm ran pha trộn hai tôn giáo vang trên biển
cả
Tôi hết cảm giác…
người cứng đơ chấp nhận sự sống chết trong gang tấc, trong từng giây ngắn ngủi,
tôi ôm chặt khung sắt nhắm mắt niệm “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát” liên tục không
còn biết thêm điều gì nữa, bỗng có tiếng la to
- Dây thừng sắp đứt rồi, bà con ơi ...dây thừng sắp đứt ...
Tôi mở
mắt nhìn mọi người nhốn nháo sợ hãi, hình như tàu đã đi qua vùng bão gió, có vẻ
yên hơn, qua một đêm đùa giỡn với tử thần, bà con chưa hoàn hồn, tiếp tục lo âu
dây thừng bị sóng đánh mòn, nếu dây bị đứt lúc biển động sóng gió có lẽ tàu
chúng tôi đã bị lật úp...Và may mắn vô cùng tàu đã đến giàn khoan dầu (Oil
platform) ngoài bờ biển Malaysia đúng lúc trời gần sáng. Các anh đánh cá lại
thêm một lần lấy dây thừng khác cột chặt tàu chúng tôi vào những trụ sắt dưới
chân giàn khoan. Phút cuối cùng thật sự chia tay, bên các anh cũng như bên tàu
chúng tôi đều đứng nhìn nhau nói vài lời, nét mặt ai cũng cố đè nén cảm xúc,
nhưng không ngăn được những giọt nước mắt ân tình sâu nặng đã cứu thoát một
chuyến tàu
Trời còn mờ, chúng
tôi ngẩng lên thấy công nhân rất đông đứng nhìn xuống, họ đưa máy ra chụp hình
và bắt loa hỏi tàu có bao nhiêu người, anh đại diện trả lời “ Có tất cả chín
mươi hai người và chuyến tàu đã lênh đênh hơn mười hai ngày”.
Họ chuyền ống nước
xuống trước, sau đó tiếp tục chuyền cơm gà gói giấy bạc, trái táo và cam vàng,
loại cam đã gần mười năm tôi mới thấy lại.Đúng giờ nhân viên trở vào làm việc,
không còn thấy bóng người, thỉnh thoảng có những chiếc máy bay hạ xuống tầng
thượng lấy nhiên liệu rồi bay tiếp. Đến chiều có lẽ tan giờ làm việc, công nhân
lại xuất hiện lan can các tầng cao nhìn xuống, họ tiếp tục chuyền thức ăn và
nói qua chiếc loa là đã liên lạc tàu dầu Mã Lai đến đón.
Nửa khuya bỗng đâu có ghe tiến tới kề sát, hai tên đàn ông
Mã Lai mình trần xâm đầy người, đầu trọc da mặt đen thui, chúng ra dấu sẽ kéo
tàu chúng tôi đến đảo, đàn bà con gái tái mặt nhảy xuống hầm chui ẩn trong guồng
máy sâu nín thở. Phe đàn ông nhảy lên nhìn hai tên Mã Lai khoát tay ra dấu
không đi đâu hết, có lẽ hai tên này thấy đông đàn ông nên không dám nhảy qua
tàu bên này chăng ?!!, họ lặng lẽ chèo đi. Chưa hoàn hồn thì khoảng tiếng sau lại
thấy hai ghe khác đến vờn quanh, quan sát như muốn nhảy qua tàu chúng tôi, đàn
ông bắt phụ nữ xuống hầm hết và đứng dàn thật đông, hai bên diễn đạt sao đó các
ghe lại bỏ đi, mọi người tiếp tục dật dờ giấc ngủ và mong trời mau sáng...Màn
đêm dày đặc, nhìn mực nước sâu tím rùng mình, mực nước nhấp nhô con tàu với
làn sóng mạnh, bà con tuy đã có nguồn hy vọng nhưng vẫn còn thấp thỏm dưới ánh
đèn vàng của giàn khoan, đêm gió lạnh thổi phần phật …Sáng sớm, công nhân lại
xuất hiện chuyền thức ăn xuống, các anh đại diện tàu viết một thư với nội dung
vắn tắt như sau:“Nguyên đêm có mấy ghe vờn quanh tàu chúng tôi, khiến mọi người
sợ hãi cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng, xin bảo vệ mạng sống chúng tôi được an
toàn”
Thế rồi sau giờ làm việc chiều, có số công nhân bước xuống gần
tàu chúng tôi phát áo phao, bắt tất cả đều mặc, họ cột dây từ tàu bên này nối
qua cột sắc bên dàn khoan và cho biết lý do.
- Chúng tôi không được phép cứu người vượt biển. Chúng tôi sẽ
làm cách này ...từng người nắm chặt dây cáp, được đu dây đẩy qua lần lượt, cho
đến khi còn người cuối cùng biết bơi, sẽ đâm thủng tàu cho chìm rồi bơi lên
đây, chúng tôi sẽ trình lên cấp trên với lý do “vì tàu sắp chìm bắt buộc phải cứu
người” năm trước có một tàu đã chìm dưới giàn khoan này.
Được lên tàu dầu chạy một đêm một ngày, mọi người ra đứng
boong tàu nhìn cảnh vật chung quanh với lòng phơi phới. Tôi vẫn còn ám ảnh hãi
hùng của đêm giông bão và trầm tư suy nghĩ miên man...“Một phen hú hồn... con
tàu này sẽ đến bến bờ không còn đối diện bao nhiêu nguy hiểm nữa”. Nhìn nước biển
mênh mông, trời đất bao la, tôi bắt đầu tỉnh táo “Ra sông ...Biết mặt
trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viễn vông, biết ta hãi hùng… Ra đi
nước trời bao la, hết cuộc phong ba, đất liền Âu Á cũng không xa gì.” (Viễn
Du_Phạm Duy). Đang mơ màng bỗng có tiếng nói bên tai, ban đầu tôi tưởng mọi người
nói chuyện với nhau
- Cháu đi một mình thôi à ?
Tôi ngẩn người bắt gặp “ông phát nước” đang nhìn tôi hỏi
- Dạ đi một mình
- Trót lọt rồi sao nhìn cháu buồn quá vậy
- Dạ đâu có, đang ngắm biển mà
Rồi ông nói chuyện thân mật, tự giới thiệu ông đi tù cải tạo
về, ông ở đâu ...v..v... Tôi muốn nhắc chuyện “uống nước” cho vui nhưng rồi
cũng lười nói, chỉ ..dạ ..dạ ...cho qua chuyện.
Có tiếng lao xao nói “đến rồi bà con ơi .., tới đảo Pulau
Bidong rồi”
Bao nhiêu con mắt đổ xô nhìn hàng rào đang rõ dần, thấy lớp
người mặc đủ màu sắc đứng lô nhô rất đông.Tàu cập bến, tôi túm chặt lưng quần
quá lỏng lẻo theo đoàn người bước xiêng qua xẹo lại như kẻ say rượu, vì ngồi
hơn mười hai ngày trên tàu quay cuồng theo sóng biển, tóc ai cũng dựng đứng
vàng khè như bôi đất sét, như thần chết trở về đang đi qua cầu Jetty.
Tôi được đưa về khu Thanh Nữ nhập liên gia ở chung với cô Mẫn
khoảng hai mươi tuổi, và chị Tâm trên bốn mươi tuổi. Mẫn đưa đơn tôi điền tên,
tay tôi run run ghi tên với nỗi xúc động mạnh, vì từ nay tôi đã có “hộ khẩu”
(danh từ sau 75), đã được chứng nhận lưu trú đàng hoàng, từ đây sẽ được
an ổn tinh thần, không như bao nhiêu năm làm dân ở lậu sống trốn chui trốn nhủi.
Điều đầu tiên tôi thấy trên gác là Chuột rất to chạy qua chạy lại trước mắt, chẳng
nể nang người gì hết, chị Tâm nói
- Qua đây sống chung, ngủ chung với Chuột một nhà, từ từ sẽ
quen
Tôi nằm khép nép sợ hãi nhưng rồi mệt quá cũng thiếp luôn.
Thức giấc vì
loa phóng thanh vang lên mọi nơi sau giấc ngủ say buổi tối, đầu óc tôi đang còn
lơ lửng những ngày trên biển, chưa định thần mình là ai, đang ở đâu thì nghe tiếng
nói
- “Đây là đảo Pulau Bidong, tiếng nói của người dân Việt tỵ
nạn Cộng Sản...” , sau vài thông báo như kêu gọi số tàu MB297 (tàu chúng tôi)
sáng nay đi khám bệnh và lãnh lương thực, hoặc vài thông báo khác, kế tiếp bản
nhạc “Đêm Tàn Bến Ngự” với giọng hát Thanh Thúy vang lên “Ai về Bến Ngự
cho ta nhắn cùng, nhớ chăng non nước u hoài, có những ngày xanh ...thương nhớ
..bao tình ...” (Dương Thiệu Tước).
Tôi
chợt bừng tỉnh, biết chính xác mình đã thật sự xa rời quê hương, tim đập mạnh,
người run lên… lâu lắm rồi tôi mới biết khóc trở lại, tôi ôm mặt khóc nức nở
như chưa bao giờ được khóc… Chị Tâm nằm bên tôi cũng khóc… theo nỗi niềm của chị...Ở
đây như một làng nhỏ Việt Nam, nhiều nghề sinh sống, chợ, hàng ăn, quán cà phê,
giải khát ..v...v...có đầy đủ của những người sống lâu chưa có diện đi, hoặc
đang chờ cứu xét hồ sơ. Sáng đó tàu MB297 được lãnh thực phẩm, khám bệnh, bà
bác sĩ đều hỏi một câu giống nhau với tất cả những phụ nữ “kinh nguyệt ra chưa
?”, làm tôi nhớ lúc trên tàu, tâm lý căng thẳng đến mức nhiều phụ nữ ra kinh dầu
không ai đúng chu kỳ.” Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt. Dăm bảy nụ cười
không đủ xoá ưu tư” (Nguyên Sa). Nhiều tối chị em lên Chùa, đi ngang qua chiếc
thuyền lớn bị nát một nửa, sắt rỉ vàng khè. Người ta kể truyền miệng rằng...
Chuyến tàu đầu
tiên của người Tàu Việt đi lạc vào khu quân sự hải phận Mã Lai, người trên tàu
chết hết sau khi bị cảnh sát Mã Lai bắn đuổi đi nơi khác, không cho cập bến,
thân tàu được kéo ra giữa biển khơi cho chìm, nhưng chiếc tàu cứ vẫn trôi dạt về
lại Bidong, chỉ còn một ông già và cô gái còn sống sót, nhưng rồi cô gái cũng tắt
thở, ông lão bò tới ngồi nghỉ mệt dưới gốc cây, cũng bị dừa rớt xuống trúng đầu
gục chết tại chỗ luôn. Sau sự việc ấy, Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hợp Quốc ra lệnh đảo
Bidong mở cửa đón thuyền nhân vượt biển, và bệnh viện Sickbay được xây nên.
Nhìn chiếc tàu sắt đầy vết đạn tôi có cảm giác ớn lạnh, luôn thấy có hương đốt
ánh sáng lập lè.
Ngày
ngày tiếp tục những chuyến tàu tấp bến, tôi thường chạy ra xem có gặp người
thân hoặc ai quen, lắm lúc chứng kiến cảnh phụ nữ được khiêng băng ca vào bệnh
viện vì tàu bị hải tặc. Có em bé khoảng mười lăm , mười sáu tuổi ở đối diện trước
mặt nhà, nghe những người đi chung chuyến với em, to nhỏ kể chuyện tàu bị cướp,
vét sạch tiền vàng, lôi phụ nữ qua tàu họ làm chuyện tồi bại, khi lôi kéo dằn
co, em bé này đã khóc lóc gào to
“Lạy
Chúa tôi ...con đâu có tội tình chi”
Chị Tâm nằm chung gác với tôi ...kể chuyến đi của chị gồm mười
hai người, trên tàu chỉ có ba phụ nữ, trong đó một cô khoảng mười tám tuổi đi
cùng chồng chưa cưới, gặp hai tàu tới húc mạnh vào tàu của chị tưởng chừng muốn
bể đôi, hải tặc nhảy lên lôi ba người phụ nữ, nó giở trò nhưng thấy chị đang có
kinh nguyệt, tát mấy bạt tai xô chị xuống tàu, chị chỉ biết lạy lục liên hồi,
cô gái chống cự rất mãnh liệt, nó xốc lên, cô gái vật xuống, cứ như vậy vài lần
cô đuối sức, nó xé toạt áo cô ra, anh chồng chưa cưới chỉ biết ôm mặt gục đầu,
chúng bắt cóc hai phụ nữ đi luôn trong tiếng khóc nức nở của người chồng. Chị
còn kể chuyện em trai đi cùng cháu gái theo một tổ chức đường bộ qua Thái Lan,
đói rách tả tơi đến nơi là xỉu luôn sau nửa tháng băng rừng sâu nước độc.
Một tháng sống trên đảo
tôi được chuyển qua trại Sungei Besi thuộc ngoại ô thành phố Kuala Lumpur thủ
đô Malaysia, tôi được đưa về khu Thanh Nữ Độc Thân, phòng có mười người. Những
đêm thao thức không ngủ, chị em kể cho nhau nghe về chuyến đi của mình. Chị A
có đứa con trai bảy tuổi đem theo trên ghe chỉ mình chị là phụ nữ, bọn hải tặc
kéo chị qua tàu, dụ cháu nhỏ các món đồ chơi rồi hiếp chị, bọn khốn dội nước lạnh
vào mặt sau những lần chị ngất xỉu, rồi thay phiên nhau làm chuyện tồi bại cho
đến khi có tàu buôn đến, chúng nó muốn phi tang tội lỗi nên giao chị lại, tàu
buôn giúp đỡ hai mẹ con đưa về đảo. Chị được bệnh viện chăm sóc tận tụy sau thời
gian dài nằm liệt người, sáng nào tôi cũng nghe loa phóng thanh gọi tên chị lên
kiểm lại sức khỏe, lúc trở về chị cho xem thuốc ngừa thai cũng như thuốc đề
phòng bệnh aids, may mắn tinh thần chị cũng vững mạnh vượt qua chưa bị điên loạn.
Em C thường lên bệnh viện vì hay bị đau đầu, nguyên nhân tàu em gặp cướp, ba
tàu bao vây húc mạnh vào tàu em, phụ nữ chạy xuống hầm trốn, em bị một tên cướp
chụp đầu lôi lên, em ôm chặt song sắt ghì lại bị cướp túm tóc kéo giật mạnh,
đang lúc dùng dằn thì tàu tuần tra trên biển chạy đến, bọn cướp buông ra nhảy về
tàu mình phóng trốn nhanh. Chị H kể lại ...tàu bị lạc hướng lênh đênh hơn một
tháng, đói khát kiệt sức chết từ từ, chồng và đứa con trai chị H cũng bỏ mạng,
lúc gặp tàu quốc tế vớt chỉ còn lại vài người .
Ba tháng trôi qua tôi được phái đoàn INS (di trú Mỹ) mở hồ
sơ tỵ nạn, phỏng vấn đậu, nhờ tiêu chuẩn cha quân nhân.Thay vì qua Phi học khoá
Anh Văn trước khi đi Mỹ thì tôi được chuyển qua đảo Galang 2 vì tình trạng bên
Phi quá đông. Tại Galang 2 mỗi ngày đi bộ bằng đoạn dốc dài có khu Miếu được dựng
dưới gốc cây đa rậm lớn. Nghe kể lại miếu thờ hai chị em bị hải tặc hiếp, qua
đây chờ diện nhân đạo hơi lâu, thỉnh thoảng bị lũ con trai chọc ghẹo, buồn nhục
hai chị em rủ nhau ra đó treo cổ chết, bà con thương tâm nghĩ oan hồn uất ức
nên lập trang thờ. Chúng tôi hết sức bàng hoàng xúc động, mỗi lần đi ngang đều
dừng lại thắp hương cầu khấn cho vong linh họ được siêu thoát và lúc nào cũng
thấy hương khói trái cây người ta đặt cúng. Bạn Hồng, Bình chung phòng năm 1977
đi bán chính thức, gia đình chia hai tàu, giữa biển tàu ba mẹ hai cô bị đắm
chìm trước con mắt chứng kiến của các con. Hồng Bình nói hình ảnh ấy luôn hiện
lại trong giấc mơ.
Tháng mười hai năm 1985 tôi đến
Mỹ vào buổi chiều trời mưa lạnh, nhân viên hội USCC đứng chờ sẵn đoàn người để
phát áo, bước đầu tiên đặt chân xuống phi trường San Francisco cho tôi cảm giác
thật ấm áp dù trời đang rất lạnh, ấm thể xác với chiếc áo jacket dày màu cà phê
sữa, tinh thần thoải mái đón nụ cười thân ái của nhân viên xã hội. Sau đó tôi
thấy ba Lộc, ông Bác, anh Cả và Lộc đứng nơi hàng cổng đón. Về đến ngõ nghe mùi
phở bay ngào ngạt do mẹ Lộc nấu. Bữa ăn đông đủ đại gia đình sum họp.
Ngày thứ hai vợ chồng
người em chủ lò bánh French Croissant ở vùng Sunnyvale, vừa bỏ mối vừa mở tiệm,
công việc bề bộn nên xin chở tôi lên làm. Tôi được dạy roll bánh Croissant và
các loại bánh khác, soạn tủ Sandwiches bán lunch, chung quanh hãng xưởng nên đa
số khách Mỹ đến rất đông, lần đầu tiên nhận lương $4/ 1 giờ bằng check thật quý
hoá.
Ngày
25 đúng lễ Noel đám cưới tôi và sau đó tiếp tục đi cày tháng ba mươi ngày, mỗi
ngày mười hai tiếng. Năm năm nơi tiệm bánh bị dị ứng mùi phấn bột suốt ngày nhảy
mũi đến long đầu, tôi đổi công việc và được vào làm company Kyle Design về
ngành mỹ thuật (các mặt hàng trang trí nhà cửa, bông tai, dây chuyền, các thứ
trang sức) do cô Mỹ trắng điều hành, đúng sở thích và tôi được may mắn với công
việc này hơn hai tám năm (28) cho đến ngày về hưu.
Tôi thấy hãnh diện
vì không là gánh nặng cho đất nước Hoa Kỳ, luôn sống với ý chí mạnh mẽ, siêng
năng cần mẫn, một tinh thần tươi vui thoải mái, đầy đủ no ấm và quan trọng nhất
là được hít thở không khí tự do.Tôi có hai mươi năm được sống dưới chế độ Cộng
Hoà của miền Nam hạnh phúc no ấm, nay chỉ còn trong hoài niệm thời hoa mộng để
nhớ để thương. Mười năm của sự hãi hùng căng thẳng, tâm trí rối loạn, thân xác
rã rời, sống như bóng ma dật dờ cuối đường hầm đen tối, tôi đã đánh đổi bằng mạng
sống với sự liều lĩnh, sẵn sàng chọn cái chết để tìm hai chữ tự do “tự do
ơi tự do, em trả bằng nước mắt, tự do hỡi tự do, anh trao bằng máu
xương...” (Nam Lộc), 10 năm có vết thương cắt sâu tâm hồn, đâm nhói trái
tim. Hơn ba mươi lăm năm trôi qua như giấc mơ, tôi có được tất cả...thẻ An sinh
xã hội, bằng lái xe, bằng quốc tịch của một nước nhân đạo che chở đùm bọc. Giấc
ngủ mỗi đêm bình an, hít thở không khí tự do nơi xứ sở văn minh tiến bộ bậc nhất
thế giới, nơi không bị đe dọa ép buộc đi kinh tế mới, không nhìn cảnh gian trá
chụp mũ, nói một đường làm một nẻo của lãnh đạo Việt Cộng, 35 năm sống đời lưu
vong, tôi được hồi sinh và đã xem đây là quê hương thứ hai của mình, 35
năm của niềm hạnh phúc hàn gắn cuộc đời còn lại.Tôi bắt tay vào công việc như
những người Việt Nam khác bằng tất cả sự cố gắng và siêng năng, biết giá trị của
sự sống còn, biết đất nước Mỹ đã cho mình có điều kiện thể hiện những ước mơ…
Tôi biết
mang ơn nên vẫn thường góp lòng chia sẻ gởi hội Hồng thập Tự khi nước Mỹ có tai
họa, hoặc hội Thương phế Binh Hoa Kỳ, Homeless. Tôi luôn nhớ Xuân và Cô Nga vào
dịp Tết từ ngày mới qua cho đến bây giờ. Tôi mang ơn chị Phi cho ngậm sâm , chị
Nguyệt, Ôn Mạnh và nhất là gia đình Lộc đã hết lòng hỗ trợ. Tôi còn nhớ anh chị
Tư Cầu đưa rước vượt biên dưới Rạch Giá lúc bị vào tù, tuy chuyến đi không
thành, nhưng tình cảm họ cho là đã nhận, tôi nhớ các anh đánh cá… đó là điều
làm tôi thấy buồn ấm ức vì chỉ biết ơn mà không trả ơn được.
Bao
nhiêu năm cơn ác mộng luôn in sâu trong tâm trí tôi, ám ảnh từng chi tiết, vẫn
luôn trở về trong giấc mơ từng giai đoạn. “Thời gian như bóng câu vụt
ngoài song cửa sổ”, đã hơn 35 năm trôi qua nhưng cuộc vượt biển tìm tự do thì
như mới xảy ra hôm nào… còn rất mới...Tôi đã giật mình suy nghĩ: “..tại sao
mình không để ngòi bút ghi tạc lưu lại cho con cháu đọc về sau, đây là kỷ niệm
đáng giá của một đời người thập tử nhất sanh mà”. Nhắc những nhân vật có tên
trong này, nhất là với các em nếu có dịp đọc, chắc sẽ giật mình ngạc nhiên thấy
bà chị mình còn trí nhớ rất tốt phải không? Nhớ tất cả mọi chi tiết của tháng
ngày tìm tự do, nhớ con tàu khi lên đảo được mang tên MB 297. Mời các em cùng sống
lại với chị, trầm tư về hai chữ “tự do” và sự trả giá của nó, có điều may mắn
là nhóm “vào tù” năm xưa đều vượt biển trót lọt, chỉ là kẻ đến trước, người
đến sau...Thiện nay đang sống bên Thụy Sĩ. Dũng cũng như hai chú cháu Phan, Văn
đều ở Mỹ. Gia đình Ôn Mụ Mạnh (O Loan, O Hà định cư Tây Đức. Ôn đã qua đời,
O Loan cũng mất vì bệnh tim. Các em Dũng Thiện, Văn đều ăn học thành tài
lương cao, job lớn, cuộc sống ổn định vững vàng.
Tháng
ngày tìm tự do tôi đã viết xong, nhìn ra khung cửa mấy chậu Cúc, Mẫu Đơn, khóm
hoa Hồng nở nụ khoe sắc hồng, tím, vàng đang là đà trước gió. Nắng nhạt nhòa,
tôi luôn mê những buổi chiều vàng, hình như tâm hồn tôi đi rất xa, nơi thế giới
của suối thơ và âm nhạc… Bản nhạc “Hương Xưa” của Cung Tiến tôi mê từ thời đi học,
đang ru tôi mơ hồ hình ảnh thân yêu của quê hương, nay đã xa vời vợi…
“Người ơi một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa
Người ơi đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru
Còn đó bóng đa hẹn hò
Minh Thúy Thành Nội
Tháng 3/2021