Thuở trời đất nổi cơn gió bụi.
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
( Chinh Phụ Ngâm Khúc)
Trong cuộc sống có những ân tình, nhưng vì hoàn cảnh, hay vì
lý do nào đó không trả được, tôi ghi mãi trong lòng, ấp ủ sâu thẳm tận trái tim
như báu vật để rồi một lúc nào đó chợt nhớ lại, trân trọng với lòng tri ân vô bờ
bến.
Câu chuyện tôi muốn kể sau đây xảy ra sau biến cố 1975, đánh
dấu một giai đoạn thê thảm nhất đời tôi, tưởng có thể gục ngã, nhưng chính vào
lúc như thế, chỉ cần một bàn tay, một chút ân tình, cũng có thể cho ta sức sống,
hy vọng, niềm tin để vượt qua những chông gai, vươn vai đứng vững trên những thử
thách.
Như hôm nay trên xứ lạ, bâng khuâng nhìn những sợi tuyết mong manh thật nhỏ như tơ trời, nhẹ nhàng rơi trông như cơn mưa phùn Hà Nội. Mưa tuyết lê thê dai dẳng, không biết bao giờ dứt. Trời u ám một màu xám tro, ảm đạm, dễ khiến lòng người tha hương vốn u uẩn càng u uẩn hơn. Nỗi buồn xa xứ dai dẳng như bám sâu từ lúc nào trong tâm khảm, chỉ chờ một cơn gió nhẹ, một chiếc lá rơi hay như bầu trời ảm đạm hôm nay cũng gợi lại bao nỗi niềm xưa cũ.
Tôi nhớ rõ lắm, cũng thời tiết này, cũng với cái giá lạnh của
mùa Đông, ngày đó, tôi đã trải qua bao gian truân, khổ ải. Cho đến bây giờ, ngồi
trong căn nhà ấm áp bình yên nơi xứ lạ, ngồi nghĩ lại, tôi tự hỏi từ đâu, từ sức
lực nào, từ nghị lực nào tôi có thể vượt qua mọi thử thách để tồn tại.
Ngày đó, tôi còn trẻ, mới chỉ 23 tuổi đời. Cơn bão thời cuộc
ập tới, quất vào mặt tôi những cái tát nảy lửa, bỏng rát và phủ lên cuộc đời
tôi một màu xám ảm đạm. Cũng như bao thân phận của những phụ nữ miền Nam sau
1975, tôi sống kiếp “Hòn Vọng Phu„ vì chồng tôi khăn gói vào tù mịt mờ không biết
ngày trở lại.
Ở nhà lủi thủi một mình với cụ bố chồng, cuộc sống lê thê ảm
đạm, ngày này qua tháng khác, năm này sang năm kia. Cho đến khi biết Huy, đấng
lang quân của tôi bị đày ra Bắc, tận Lào Cai, vùng rừng sâu nước độc, tôi coi
như chết cả cuộc đời. Như cái án tử hình treo lơ lửng trước mặt. Cái án dành
cho chàng và cả cho tôi. Tôi sống mà như cái xác không hồn, buông xuôi, thả đời
cho số phận.
Ở nhà mãi với cụ bố chồng đáng tuổi ông nội, mà lại là một
nhà nho…chùm, cực kỳ phong kiến, khó tính. Hai thế hệ như hai thái cực. Tôi buồn
hiu hắt. Nỗi buồn âm ỉ, thấm sâu, đốt dần từng tế bào trong cơ thể tưởng như
không còn sức sống. Tôi rũ xuống, mềm nhũn như một con giun đất. Để giải khuây
vơi bớt nỗi sầu, hay nói đúng hơn muốn thoát thân, thay đổi chút không khí cho
dễ thở, tôi vùng dậy lấy cớ đi thăm nuôi chồng, mặc dù tôi biết cực kỳ vất vả
khổ sở, nhưng với tôi, cái khổ thân xác vẫn chịu được, không ăn thua gì so với
cái khổ tinh thần. Lại nữa thăm nuôi để chia sẻ nỗi khổ nhục của chàng. Là động
cơ thúc tôi tiến tới. Không cần những bức thư chàng viết về bóng gió, tôi vẫn
biết chàng đang đói khổ, rét lạnh đang chết dần với cái án…thật, lao động khổ
sai vô hạn định, không biết ngày trở về. Sự sống như mành treo chuông. Chàng
đang mong mỏi sự tiếp tế của gia đình, vợ con…!
- Ra Bắc một mình nguy hiểm lắm con ạ. Con nên ở nhà cho bố
an tâm. Một đứa đi tù đã khổ rồi. Còn một đứa bố không muốn khổ thêm.
Câu nói như một điệp khúc, cụ Lý, bố chồng tôi nhắc nhở nhiều
lần mỗi khi tôi đòi ra Bắc thăm nuôi. Tôi nghe quen tai hay nói cho đúng hơn
lòng tôi chai đá không còn biết sợ là gì, ngoài nỗi chán chường hiện tại.
- Bố ạ, sau biến động biên giới với Trung quốc, nhà con đã
chuyển từ Lào Cai xuống Nghệ Tĩnh (thành phố Vinh). Nghệ Tĩnh không xa nữa, con
có khổ một chút cũng không sao, con chịu được , bố ạ.
Rồi không đợi cụ lên tiếng cho phép, tôi cứ lặng lẽ sắm sửa
quà cáp, sắp xếp chuyến đi và đi một mình.
Chuyến tàu Sài gòn - Hà nội lăn bánh khi phố xá vừa lên đèn,
bỏ lại sau lưng tôi bao nỗi ưu tư, phiền muộn của tháng ngày buồn chán. Ngồi co
ro trong chiếc ghế chật hẹp, xung quanh tôi toàn cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Bắc
và dân buôn hàng chuyến ngồi la liệt xếp lớp dọc lối đi; nỗi ưu tư khác lại bắt
đầu ùa đến cùng với nỗi cô đơn trống vắng lạ thường. Trên tàu, tôi không gặp được
bất cứ người thân quen hay người đồng cảnh ngộ nào để hy vọng làm bạn và nương
tựa giúp đỡ nhau mang xách khi thăm nuôi, mặc dù lúc này, phong trào thăm nuôi
tù miền Bắc đã được nới lỏng. Tôi lo lắng ra mặt.
Ngồi đối diện tôi, một thanh niên trẻ lên tiếng:
- Chị ra Bắc thăm thân nhân cải tạo, phải không?
- Vâng. Sao anh biết?
- Nhìn cung cách chị, tôi đoán thế. Chị xuống ga nào?
- Tôi xuống Vinh.
- Tôi cũng xuống Vinh. Hành lý chị nặng nề, tôi sẽ giúp chị
một tay.
Tôi nhìn sững anh ta, âm thầm nhận xét. Nét mặt anh hiền
hòa. Lời nói nhẹ nhàng từ tốn. Tôi an tâm nhưng cũng nói:
- Vâng. Cám ơn anh. Nếu tôi không gặp được bạn nào, tôi sẽ
phiền anh.
Con tàu vẫn sình sịch nghiến đều trên đường sắt. Cứ tới mỗi
một ga, hành khách lại ồn ào nhốn nháo. Kẻ xuống người lên, hốt hoảng gọi nhau
ơi ới. Những lúc như thế, tôi cố đưa mắt tìm kiếm người nào có bộ dáng đi thăm
nuôi để làm quen, nhưng tuyệt nhiên không gặp ai. Cuối cùng, sau ba ngày ba
đêm, con tàu cũng tới Vinh mà tôi không tìm ra được người thân quen nào cả.
Tới Vinh, trời còn nhá nhem tối của 3 giờ sáng. Trên sân ga
vắng lặng. Hiu hắt vài bóng đèn vàng đủ soi rõ lác đác vài bóng người lầm lũi
lên tàu và xuống tàu. Mưa đêm lất phất rơi, nhẹ lắm; chỉ như sương thoảng trong
không gian nhưng cũng len được cái hơi lạnh làm buốt thịt da. Tại Vinh, giờ này
mọi nhà đang an giấc ngủ, phố xá im lìm vắng tanh. Không một chiếc xích lô hay
phương tiện giao thông nào. Anh bạn đi đường nói với tôi:
- Chị thấy đấy, giờ này nhà trọ đều đóng cửa. Nếu chị không
ngại, xin mời chị tạm nghỉ nhà chị gái tôi, như tôi đã thưa với chị.
Không còn sự lựa chọn nào khác hơn, tôi gật đầu.
Suốt ba ngày ba đêm trên tàu, vào những lúc tàu dừng ở ga để
lấy nước, cho hành khách xuống xả hơi, ăn uống…tôi có dịp hàn huyên, chuyện trò
cùng anh. Anh là thanh niên xung phong, tình nguyện vào Nam công tác và có người
nhà từng “di cư„ năm 1954. Anh kể thì tôi biết nghe, còn sự thật thế nào tôi
không quan tâm, chỉ thấy là trông bộ dáng anh hiền lành, ánh mắt không láo
liên, tròng đen nhiều hơn tròng trắng, khuôn mặt phúc hậu…nên tôi tin cậy thôi.
Mà không tin không được. Tới Vinh, trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không còn lựa
chọn nào khác, không thể một mình ngồi đây đợi sáng giữa mùa Đông giá rét như
thế này.
Tôi liều nhắm mắt đưa chân, đánh cá số phận. Cái số phận, mà
xã hội đương thời và cả chính tôi vốn coi rẻ hơn bèo!
Tôi xuống tàu đứng trông hành lý của tôi và của anh, trong
khi đợi anh đón chiếc xe đạp mua từ miền Nam đem ra Bắc. Rồi cứ thế, anh chất hết
hành lý của anh và của tôi lên xe. Anh kéo phía trước, tôi đẩy phiá sau, lặng lẽ
theo con đường dẫn về nhà chị anh.
Trời đêm vẫn lất phất mưa, thấm dần trên chiếc áo len dày.
Dù vận động đi bộ và đẩy xe, tôi vẫn lạnh run, răng đánh bò cạp.Trên đường
không một bóng người, ngoài anh và tôi. Hai chiếc bóng lầm lũi chầm chậm đi
trên con đường đất sỏi, nhầy nhụa bởi cơn mưa.
Gọi là thành phố Vinh, nhưng nơi đây, hai bên đường toàn những
căn nhà lụp xụp, cũ kỹ, mái tôn nhiều hơn mái ngói. Không có hàng quán nào,
không có cái sinh động của một thành phố. Không phải vì đang nửa đêm, cho dù có
là ban ngày, nơi đây vẫn vắng vẻ tiêu điều. Cũng không hẳn vì chiến tranh mà ra
thế, mà vì chính sách ngăn sông cấm chợ, buôn bán chỉ tập trung vào nhà nước
nên phố sá thiếu đi cái sinh lực của cuộc sống. Tôi chả nói chả rằng, cứ lầm
lũi đi sau lưng anh giữa phố đêm buồn ảm đạm.
Nhà người chị khá xa, phải mất non tiếng đồng hồ, băng qua
nhiều hàng cây âm u, cánh đồng lúa, và cả những mái tranh xiêu vẹo thấp thoáng ẩn
hiện dưới ánh đèn đường. Cuối cùng len theo con đường mòn, nhỏ, quanh co, rồi
cũng đến nhà chị anh.
Đó chỉ là căn nhà tranh ba gian, thấp lè tè. Người chị thức
dậy châm ngọn đèn dầu hớn hở đón khách. Nét chất phác đôn hậu thân thiện hằn rõ
trên nét mặt chị giúp tôi an tâm. Đám con năm đưá, toàn gái không, như anh kể,
còn đang yên giấc ngủ. Tôi không thấy chồng chị, nhưng cũng không hỏi. Có thể
ông đi công tác xa.
Có khách, người chị lăng xăng xuống bếp châm củi đun một ấm
nước sôi, đổ ra lu rồi gọi tôi đi tắm.
Ba ngày ba đêm trên tàu, chỉ rửa mặt không, giờ được tắm còn
gì hơn.
Buồng tắm chỉ là 4 vách tre nan, dựng sau vườn, không có cửa.
Trời đêm âm u, chỉ le lói lờ mờ bằng chiếc đèn dầu từ nhà trước hắt ra. Nhưng
không sao. Một liều ba bảy cũng liều! Tôi dội nước giữa cái giá lạnh của thời
tiết, cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng không chỉ trút bỏ bao bụi đường mà còn thấy
ấm áp trong cái tình của con người với con người đối xử nhau lúc khó khăn, hoạn
nạn!
Tắm xong bước vào nhà, nơi căn bếp, tôi thấy người chị đang
lui cui làm gà nấu cháo. Gà chị nuôi thả rong trong vườn, ngoài việc tăng gia để
thỉnh thoảng góp phần phong phú vào cái ăn cho gia đình còn đáp ứng khi hữu sự.
Chẳng bao lâu chị bưng lên hai tô cháo gà nóng hổi cho tôi
và cho cậu em chị. Tô cháo nóng làm ấm cõi lòng, nhất là đang mùa Đông giá rét.
Tôi vừa ăn vừa cảm kích tấm lòng tốt của gia đình chị, vừa áy náy không biết lấy
gì đền ơn. Thế nhưng, khi ăn xong lên giường chùm chăn ngủ trên chiếc chõng tre
đặt sát cửa sổ ngay phòng khách được ngăn bởi một chiếc màn thô, những nan tre
mong manh không ngăn nổi gió lùa nhè nhẹ len vào. Dù đi đường ngủ gà ngủ gật vô
cùng mệt mỏi, tôi vẫn không cách nào chợp mắt được. Phần vì lạnh, phần lạ nhà,
phần…sợ nữa! Sợ vu vơ! Mắt tôi mở thao láo.
Trong bóng đêm mịt mờ, tiếng ếch nhái ễnh ương sau vườn tấu
lên một khúc nhạc nghe thật ma quái. Tôi vốn sợ ma, ma sống lẫn ma chết. Một nỗi
lo sợ vu vơ, cảm giác bất an lại ùa về. Những câu chuyện giết người trong đêm
khi nạn nhân ngủ say làm cho tôi thấp thỏm.Tôi đưa tay nắn túi quần. Một lạng
vàng lá và chút tiền đi đường vẫn nằm yên trong đó. Khi đi thăm nuôi, bạn bè chỉ
dẫn tôi làm ăn. Mang vàng ra Bắc bán được giá cao hơn rồi mua đường hóa học, vải
“va li gie„ đem về Nam kiếm lời. Phải suy tính mua bán thế nào để gỡ gạc tiền
tàu xe vốn mua chợ đen rất mắc và cả sinh kế cho gia đình giữa thời buổi kinh tế
khó khăn gạo châu củi quế. Chính lạng vàng là nguyên nhân khiến tôi lo sợ. Chỉ
cần anh lẻn vào nhấn cổ tôi, lạng vàng sẽ tiêu tùng mà mạng tôi cũng khó thoát.
Càng nghĩ, tôi càng thấy tôi liều thật. Nhưng biết sao giờ. Tôi đem số mạng
đánh loto. Mạng tôi vốn rẻ hơn bèo mà. Mắt thao láo nhìn bóng đêm, tôi cố lắng
nghe tiếng rù rì trò chuyện của hai chị em, nhưng không sao nghe được. Tôi trăn
qua trở lại nhiều lần, cho đến khi quá mệt mỏi, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Tờ mờ sáng hôm sau, có người lay tôi dậy:
- Chị, chị ơi, dậy đi. Đã gần 7 giờ sáng rồi. Tôi đưa chị ra
bến xe Vinh để còn tiếp tục đến chỗ trại thăm nuôi.
Tôi mở choàng mắt. Thấy anh đang đứng ở đầu giường. Vẫn nét
mặt hiền hòa, vẫn nụ cười dịu dàng, đôn hậu, lòng tôi dấy lên một chút ân hận
đã nghĩ quấy cho anh.
Tôi lồm cồm ngồi dậy xỏ chân vào dép, dọn dẹp chăn gối, xếp
lại cho ngay ngắn, xong, bước ra nhà sau rửa mặt rồi chuẩn bị thu vén hành lý
lên đường.
Cũng như lúc đến, bây giờ khi đi, anh lại cẩn thận chất hành
lý của tôi lên chiếc xe đạp. Anh kéo phía trước, tôi đẩy phía sau theo con đường
cũ ra bến xe Vinh.
Bến xe đã đông đúc người qua kẻ lại. Tiếng rao hàng, tiếng hỏi
han, trò chuyện cứ ì xèo cả lên. Anh chạy mua giúp tôi một vé xe đò lên huyện
Thanh Chương, nơi giam tù cải tạo, để từ đó tôi còn phải tiếp tục hơn 20 cây số
đường rừng nữa mới tới trại thăm nuôi.
Có vé trên tay, anh còn chạy tìm xe nào đúng chuyến để đưa
hành lý của tôi lên mui. Còn tôi, tôi chỉ đứng giữ chiếc xe đạp của anh. Sau
khi đã hoàn tất đâu vào đấy, anh mới đến bên tôi, chúc tôi lên đường thượng lộ
bình an.
Xe vẫn chưa lăn bánh, nên tôi vẫn còn đứng bên dưới lóng
ngóng nhìn người qua kẻ lại. Anh biến đi đâu mất, lúc trở lại, để trước khi tôi
chia tay anh với lời cám ơn…suông, anh chìa ra cho tôi một gói xôi nhỏ với một
bình nước anh vừa chạy đi mua. Trước sự quan tâm tỉ mỉ quá chu đáo tế nhị của
anh, tôi cảm động thật sự, thật ấm lòng khi tôi đang buồn tủi, cảm thấy bơ vơ lạc
lõng giữa xứ lạ quê người. Nước mắt tôi rưng rưng quanh khóe, chực trào ra,
nhưng tôi cố kìm lại để dấu nỗi xúc động trong lòng, lẫn một chút xấu hổ, ân hận
tôi đã nghĩ quấy cho anh trước đây. Tôi chỉ biết nhìn anh, chưa kịp thỏ thẻ vài
lời cám ơn…suông, anh móc trong túi áo, đưa tôi mảnh giấy nhỏ, anh viết tự lúc
nào, rồi nói:
- Đây là địa chỉ nhà chị tôi. Khi chị trở lại, cứ đến đấy.
Chiếc xe đạp này tôi mua về cho chị tôi. Nếu chị cần, cứ dùng làm phương tiện. Ở
Vinh, xích lô chỉ nằm ở bến xe, không nhiều lắm nên ít thấy chạy ngoài đường.
Phương tiện mọi nhà chỉ toàn xe đạp.
Tôi cầm mảnh giấy, cẩn thận cất vào túi áo, và lại lần nữa,
tôi chỉ có lời cám ơn suông!
Tôi lên xe. Quay xuống nhìn anh. Anh vẫn còn đứng đó đưa tay
vẫy vẫy cho tới lúc xe lăn bánh và bóng anh khuất sau rặng tre xanh.
Ngồi trên xe, tôi miên man nghĩ về anh, về cử chỉ ân cần chu
đáo của anh và của chị anh, nói lên tình cảm chân thành và sự cảm thông của đồng
bào địa phương dành cho gia đình người tù miền Nam. Lòng tôi chùng xuống với những
cảm giác lâng lâng khó tả. Chiếc xe đò cà tàng, lôi thôi luộm thuộm nhét cứng đầy
người, bồng bềnh, vồng lên hục xuống nhồi thật mạnh khi gặp trúng ổ gà làm cho
tôi ngất ngư. Cuộc đời tôi, tâm trạng tôi hiện tại cũng bềnh bồng như thế.
Nhưng chiếc xe còn có đích để tới, còn tôi, con đường trước mắt chỉ thấy toàn
ngõ cụt, loanh quanh trôi nổi mãi, không biết sẽ ra sao, về đâu với một tương
lai vô định mịt mờ. Ngoài kia, mưa vẫn lất phất rơi, dai dẳng, như khóc thương
cho những cánh đồng lúa mênh mông xanh tươi chìm trong một màu xám âm u, âm u
như tuổi đời thanh xuân của tôi hiện tại. Tôi chợt thở dài, co mình lại để chống
cái lạnh của thời tiết. Không khí ẩm hơi sương càng lạnh thêm, cho dù mặc chiếc
áo len dày vẫn không đủ ấm, nhưng nghĩ đến anh, đến ân tình của anh, sự tử tế của
chị anh, lòng tôi chợt ấm lại.
Sau lần ra Vinh đó về lại Sài Gòn, trước những lo toan bận rộn
của cuộc sống, cùng sự đưa đẩy của giòng đời, tôi lênh đênh trôi dạt sang xứ
người, cũng một mình, trong tay trắng trơn, tâm trạng hoang mang khủng hoảng,
ngay cả một tấm giấy hộ thân cũng không có, tôi đã lạc mất địa chỉ anh cho. Tôi
không còn cơ hội gặp lại anh nữa, cũng không biết anh hiện giờ ra sao, ở đâu,
làm gì…nhưng tôi tin một cách tuyệt đối, một người như anh, Trời Phật sẽ thưởng
cho anh một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng. Riêng tôi, hình ảnh với tấm lòng tốt
của anh, của chị anh, tôi khắc cốt ghi tâm, luôn in sâu trong tâm khảm, để bây
giờ, mỗi khi nhìn tiết trời lất phất mưa, như cơn mưa (tuyết) hôm nay, tôi chợt
nhớ cơn mưa thuở nào với bao hình ảnh xa xưa sống dậy ghi đậm nét ân tình của
anh.
Và hôm nay khi kể lại, viết ra, tôi vẫn còn xúc động, trân
trọng tấm lòng vàng quí hoá đó và luôn tự nhủ, tôi sẽ sống tốt với đời, với người
như anh đã đối xử tử tế với tôi, đó là cách đáp đền, tri ân anh, tri ân đời sâu
xa nhất.
Trần Thị Nhật Hưng