Sáng ngày 30-4-1975, gia đình ông Huỳnh Kim Sơn cả thảy 11
người đang ở trong nhà thì nghe tiếng ồn ào ngoài đường Phạm Thế Hiển. Ông Sơn
là một thiếu úy cảnh sát, làm việc tại Quận 8 thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia
VNCH. Mặc dù ông đã dặn các con, các cháu không đứa nào được ra khỏi nhà, nhưng
cậu bé Tú, khi ấy mới bảy tuổi, con trai thứ ba của ông vẫn rình lúc ông không
để ý, rón rén mở cổng vọt ra ngoài. Từ nhà ông Sơn ra đường Phạm Thế Hiển đâu
khoảng dăm trăm mét.
Cậu bé Tú thấy họ, những người mặc áo xanh, đội nón cối, đông lắm. Lớp thì đi bộ, lớp ngồi trên xe lam. Ai cũng vác theo súng. Có người còn mang cả cành cây cắm trên balo nữa. Cậu bé chưa từng chứng kiến cảnh tượng như thế tại Sài Gòn. Họ reo hò, la hét và ca hát vang cả phố phường, đại loại như: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù”, “Sài Gòn đây rồi”, “Đập tan bè lũ ngụy quân ngụy quyền”… Đó cũng là lần đầu tiên Tú nghe đến cái tên Hồ Chí Minh phát ra từ giọng nói rất khác của lũ người xa lạ kia.
Tú không phải đứa trẻ duy nhất hiếu kỳ đứng xem. Mấy đứa trẻ
cùng xóm chen chúc trong đám đông, mắt ngơ ngác, láo liên nhìn ngó. Có mấy cái
bàn ai đó đã kê sẵn trên vỉa hè, đặt những thùng bìa các-tông. Trong các thùng
bìa ấy là những lá cờ xanh đỏ, không giống như lá cờ vàng ba sọc đỏ quen thuộc
treo ở trụ sở cảnh sát, nơi ba của Tú làm việc, hay ở trường học mà cậu vẫn
nghiêm trang giơ tay chào mỗi thứ hai đầu tuần.
Những nhóm người mặc áo xanh, đội nón cối hoặc đeo khăn rằn,
vai mang súng bắt đầu đi phát cờ cho mọi người. Họ phát cả cho bọn con nít. Tú
cũng được một cái. Cậu bé Tú mang lá cờ xanh đỏ ấy về, vừa đi vừa nhảy chân
sáo. Mới bước vào nhà, chưa kịp khoe với ai thì ông Sơn đã giật phắt lá cờ trên
tay thằng con, ném nó xuống đất rồi lấy chân giẫm lên. Vợ ông tái mặt, vội chạy
ra cổng xem có ai đi ngang qua không. Tú ngơ ngác, tim đập thình thịch tưởng là
sẽ bị ăn đòn can tội trốn đi chơi.
– Mày có biết cái này là cái gì không mà tha về đây?
Ông Sơn rít lên, cố nén cơn tức giận. Giẫm giẫm mấy cái cho
bõ ghét rồi nhặt lên, vo viên lá cờ giấy trong tay trước khi mang xuống bếp,
châm lửa đốt. Mới bảy tuổi, Tú chưa đủ khôn để biết chuyện gì đang xảy ra.
Nhưng cậu bé đã lờ mờ cảm nhận về những điều bất thường đang đến với gia đình
mình. Thảo nào mấy bữa nay ba không tới nhiệm sở, các anh chị em Tú cũng không
đi học.
Sau ngày 30-4-1975, giống như các quân nhân cán chính chế độ
VNCH, ba và ông ngoại của Tú đều phải đi “học tập cải tạo”, nghĩa là đi tù. Cả
ba và ông ngoại của cậu đều là sĩ quan cảnh sát với cấp bậc thiếu úy, do đó bị
chính quyền mới liệt vào thành phần “ác ôn”. Ông ngoại Phạm Văn Vinh từng là
“Trưởng ban Tình Hình Ban Chỉ huy Cảnh sát quận 4”, một chức vụ thuộc bên tình
báo. Cậu bé Tú còn nhớ, hàng ngày ông ngoại đi làm đều có xe của nhiệm sở đến
đưa đón. Ông ngoại Phạm Văn Vinh bị lưu đày ba năm ở nhà tù Hàm Tân. Trong Giấy
Ra Trại mà nhà tù cộng sản cấp cho ông có ghi rõ: “Họ tên: Phạm Văn Vinh, sinh
năm 1922. Trú quán tại: số 3 Cư Xá, Bến Vân Đồn – quận 4. Số quân, cấp bậc, chức
vụ trong bộ máy chính quyền, quân sự và các tổ chức chính trị phản động của chế
độ cũ: thiếu úy, Trưởng ban tình hình B.C.H.C.S quận 4”.
*Cơn thảng thốt của ngày 30-4
Ông Huỳnh Kim Sơn may mắn hơn nên chỉ đi tù vài tháng rồi được
tha, do từng cứu mạng một viên cán bộ cộng sản Bắc Việt. Đó là một cuộc cứu mạng
“bất đắc dĩ” xảy ra vào năm 1972. Một viên Việt cộng bị cảnh sát truy đuổi,
trong lúc cấp bách đã chạy vào nhà ông trốn. Lúc cảnh sát ập vào, họ hỏi bà Kim
Anh – vợ ông Sơn – xem có người lạ nào chạy vô không. Bà Kim Anh, khi ấy đang
mang bầu người con thứ tư, dù sợ hãi nhưng vẫn cố trấn tĩnh, trả lời gọn lỏn một
câu “không!”. Vừa lúc ông Sơn ở nhiệm sở về tới nhà, trên người vẫn mặc sắc phục.
Vì nể đồng nghiệp nên nhóm cảnh sát chỉ khám xét qua loa rồi
bỏ đi. Bà Kim Anh vội ra đóng cổng, rồi trở lại vào trong nhà, lắp bắp nói với
chồng “ổng… ổng… trong hồ nước”. Ông Sơn chết lặng người. Ông chạy ra sau nhà,
thấy người đàn ông kia đang lóp ngóp từ trong bể nước ngoi lên. Bị vợ đặt vào “sự
đã rồi”, ông không còn lựa chọn nào khác là phải thuận theo. Nếu kêu cảnh sát tới,
vợ ông sẽ mang tội che giấu Việt cộng, mà thả đi cũng không cam lòng. Bà Kim
Anh van lơn: “Em sắp sinh con, thôi thì mình làm phước cứu một mạng người.
Để đức để phúc cho con sau này”.
Trước khi đi, viên cán bộ Việt cộng quỳ xuống, vái lạy hai vị
ân nhân cứu mạng. Rồi ông ta đưa cho ông Sơn mảnh giấy, có ghi chép ký hiệu gì
đó, dặn rằng nếu sau này có bề gì, tìm ông ta sẽ trả ơn. Đúng như lời đã hứa
trước đó ba năm, viên cán bộ cộng sản trả ơn cho ông thật. Ông Sơn thoát cảnh
tù đày, nhưng không thoát được cơn đau mất nước, không thoát được cảnh sống bị
bủa vây với vô vàn tủi hờn, căm hận. Và chính đứa con còn trong bụng mẹ ngày
nào, cái cớ để vợ ông lấy đó mà tha cho viên cán bộ nọ, 42 năm sau đã chết thảm
trong tay nhà cầm quyền cộng sản. Trí chết sau khi vừa kết thúc 14 năm dài bị cầm
tù. Cái “phúc” mà ông bà Sơn tạo dựng cho con, không lớn bằng cái “họa” của
“bên thắng cuộc” giáng xuống gia đình họ.
Giấy ra tù của ông ngoại Phạm Văn Vinh
Những gì tôi vừa kể là một phần câu chuyện diễn ra trong và
sau ngày 30-4-1975 của gia đình chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú, do chính anh kể lại.
Tất nhiên, ngày ấy anh Tú còn nhỏ nên có chuyện anh nhớ được, có chuyện phải hỏi
lại ba anh. Chuyện nhà chồng tôi, không chỉ có thế. Nếu viết đủ, theo trình tự
thời gian, nó sẽ là một cuốn sách dày, đẫm nước mắt. Cuộc “giải phóng” của người
cộng sản miền Bắc không chỉ khiến gia đình anh Tú lâm vào cảnh khốn cùng, nó
còn khởi đầu cho những rạn nứt, ly tán và nhiều biến cố đau thương sau này. Số
phận của gia đình chồng tôi, của ba má, của từng anh chị em bên chồng là những
câu chuyện buồn trải dài trong suốt cuộc đời mỗi người. Đó là câu chuyện của một
gia đình trong hàng vạn gia đình miền Nam khác đã bị một thứ “nhân mệnh” giáng
xuống khi cơn thảng thốt của cái ngày 30-4 còn chưa kịp cất lời.
*Ly tán trong cái gọi là nền “hòa bình” mới
Bi kịch của gia đình chồng tôi, của cả dân tộc này suốt 46
năm qua vẫn chưa chấm dứt. Gốc gác VNCH (người cộng sản gọi là “ngụy quân, ngụy
quyền”) như một dấu gạch chéo trên gương mặt , ký hiệu để nhận biết về một hạng
người phải bị loại trừ, phải bị vùi dập, phải bị khinh ghét dưới cái gọi là “chế
độ XHCN”. Sau năm 1975, ba má chồng tôi phải bán dần bán mòn tài sản, của cải để
lấy tiền nuôi các con. Đầu tiên bán nữ trang, rồi bán xe, sau đó bán nhà. Dần
dà không còn thứ gì có thể bán ra tiền.
Sau gần 20 năm làm lụng cực nhọc, cố gắng đến kiệt lực vẫn
không ngóc đầu lên nổi, gia đình chồng tôi lần lượt vượt biên sang Campuchia, rồi
Thái Lan.
Duy nhất có một người chị ở lại Sài Gòn. Sau này, trong thời
gian sống bên Thái Lan, chồng tôi cùng anh trai là Tuấn và em trai là Trí đều
tham gia một tổ chức chống cộng. Năm 1999, trong lần nhận nhiệm vụ về nước, chồng
tôi và Trí bị bắt, mỗi người bị kết án 14 năm tù. Trong thời gian ở tù, Trí bị
nhiễm bệnh AIDS – hậu quả của những lần bị cùm chân có dính máu, thịt của người
tù mang bệnh bị cùm trước. Ra tù được sáu tháng, Trí chết. Một cái chết đầy đau
đớn, oan khuất và tức tưởi. Sau khi chồng tôi và Trí bị bắt, anh Tuấn mất tích.
Một số người hoạt động cùng anh nói rằng anh bị cộng sản giết. Vài năm sau khi
anh Tuấn chết, vợ anh cũng qua đời để lại đứa con mồ côi cho cô Trang, em chồng
tôi nuôi dưỡng. Má chồng tôi bị bệnh tiểu đường, do không đủ tiền thuốc thang
nên bà qua đời tại Thái Lan năm 2010, khi anh Tú và Trí thụ án được 11 năm. Lúc
còn sống, má chồng tôi bị cưa hai chân do bị hoại tử. Sau thời gian sống ở Thái
Lan, ba chồng tôi lưu lạc sang Malaysia, thỉnh thoảng qua Thái Lan thăm má. Em
chồng tôi lập gia đình, sinh được ba đứa con nhưng khi đứa út còn nhỏ, chồng cô
ấy bạo bệnh rồi qua đời.
Sau khi lấy anh Tú, tôi những muốn đón ba chồng tôi về ở hẳn
Việt Nam để thuận tiện cho việc phụng dưỡng. Ở trọ cũng được, khi nào có đủ tiền
thì xây nhà. Ba tôi chấp thuận. Ông đặt vé về Sài Gòn vào ngày 9-2-2017, nhưng
buổi chiều hôm trước, mồng 8-2, ông đột ngột qua đời tại Malaysia. Vuốt mắt cho
ông cũng là một người lưu vong khác. Tháng 4-2016, khi chúng tôi chuẩn bị làm
đám cưới, người em trai út của anh Tú đã hẹn sẽ về tham dự vì nhiều năm rồi cậu
ấy chưa trở lại Việt Nam. Nhưng rồi lại là một giấc mơ không thành khác. Trước
đám cưới chừng một tháng, chúng tôi nhận được tin Quốc bị tai biến. Suốt mấy
năm nay, Quốc phải ngồi xe lăn, không thể đi làm kiếm tiền nuôi con. Mọi gánh nặng
đổ dồn lên cô Trang, em gái chồng tôi.
Anh Tú kể, từ năm 1981 cho đến mãi về sau, gia đình anh chưa
bao giờ có một ngày sum họp kể cả vào những sự kiện trọng đại nhất của đời người
như cưới hỏi, tang chế. Cả ba và má đều chết trên xứ lạ quê người mà con cháu
không thể đến tiễn đưa, vĩnh biệt. Anh Tú lấy tôi, lại cũng là một người tù, một
kẻ “phản động” theo cách kết tội của nhà cầm quyền. Thỉnh thoảng tôi nói đùa “vợ
chồng mình tiền án nhiều hơn tiền mặt”. Và “nếu xét theo bên ngoại, bé Tôm là cộng
sản con. Xét theo bên nội, nó mang gốc gác “ngụy quân ngụy quyền”. Tôm có ba mẹ,
có chú đều là tù nhân chính trị dưới chế độ cộng sản. Tức là nhà tôi vừa có tù
anh, tù em, tù vợ, tù chồng, vừa có tù em, tù chị, đủ cả. Nếu nhắc thêm sự kiện
nhà tôi ở Vườn rau Lộc Hưng bị đập, thì bé Tôm cũng là một “dân oan nhí”. Vợ chồng
tôi vừa là cựu tù chính trị, kiêm luôn danh hiệu bất đắc dĩ “dân oan”. Số phận
cứ buộc chúng tôi vào cảnh ngộ éo le, bi đát.
***
Khi viết những dòng này, vào dịp tháng Tư năm 2021, chồng
tôi vẫn là một người vô tổ quốc, vẫn phải sống lưu vong trên chính quê hương ruột
thịt mình. Từ khi ra tù vào tháng 12-2013, anh Tú vẫn không có nổi một mảnh giấy
tờ tùy thân. Gia đình tôi vẫn tiếp tục sống, cuộc sống của những phận người Việt
với điệp trùng khốn khó, hiểm nguy vây bủa. 46 năm là một khoảng dài trong đời
người, vậy mà nỗi đau cứ như vừa mới hôm qua. Làm sao quên được khi thế lực tà
ác thay vì sám hối, lại reo rắc tư tưởng thù hận, vùi dập nạn nhân tới tận cùng
của mọi nỗi đau. Nạn nhân nào có phải vài chục con người, đấy là triệu triệu
con người. Biết bao giờ đất nước này mới thay da đổi thịt, người người mới biết
ăn năn?
Cưu mang nỗi đau quá khứ không phải để thù hận, mà để nuôi
dưỡng ước vọng tương lai. Tương lai cho gia đình bé nhỏ của tôi. Tương lai cho
người Việt.
Sài Gòn, tháng 4-2021
Phạm Thanh Nghiên