Tôi rời tay Liên lúc chúng tôi bước ra vùng ánh sáng thành
phố. Dãy đèn đêm nghiêng ngả chiếu ánh vàng vọt xuống chúng tôi thành những
hình thù quái dị trên đường lồi lõm, lúc thu ngắn, lúc dãn ra dài dặc. Tôi hôn
lên chùm tóc Liên xõa xuống vai, mùi đất ẩm lẫn hương cỏ nhàu nát còn vương vấn.
Liên rùng mình nắm tay tôi. Những cái run nhè nhẹ của bàn tay nhỏ bé, với những
ngón gầy guộc truyền qua. Tôi mân mê những ngón tay có móng dài mười lăm phút
trước vừa bíu vào vai tôi đau rát. Tôi lần tìm ngón trỏ, rà lên chiếc móng bị
gãy cụt lúc sáng Liên rê bao than từ cửa hàng chất đốt về nhà. Liên rụt tay lại,
cô bé có vẻ ngượng với một cái bất toàn của thân thể, dù chỉ là một cái bất
toàn tạm thời. Giọng Liên ngập ngừng:
– Anh chắc đi lọt không?
– Chắc chớ. Tụi công an bãi bật đèn xanh rồi. Tôi trả lời
không suy nghĩ.
Liên thở dài:
– Anh đi ráng coi chừng...
– Thì em nhớ cầu nguyện cho anh.
– Em nhớ mà. Nhưng em lo sức em không đủ mạnh. Liên hạ giọng
nói nhỏ vào tai tôi: sau này em hư quá, lỗi em đối với má quá lớn. Chỉ tại
anh...
Tôi cười trấn an:
– Em đâu có lỗi gì, mình thương nhau mà.
– Em không biết nữa...
Tôi đổi chiếc xe đạp sang tay kia:
– Em ngồi lên đi anh chở về..
– Thôi, để em về một mình cũng được mà. Anh đi kẻo tối rồi.
Tôi ràng cuốn tập nhàu nát vào yên xe, vuốt vài nếp áo bà ba
nhăn cạnh sườn. Liên nói không nhìn lại:
– Thôi em đi.
Bàn tay tôi chợt rời vạt áo bà ba trắng. Chiếc xe đạp nhỏ loạng
choạng từng vòng lăn, nhỏ dần, nhỏ dần rồi khuất vào rừng xe lạng qua lại trước
mắt tôi. Tôi cố nhìn theo cái đốm trắng nhỏ cho đến khi không còn phân biệt chiếc
áo của Liên với những đốm đèn lập lòe phía xa. Lần đầu tiên tôi nhìn Liên lâu
như vậy, và lần đầu tiên tôi chợt thấy Liên đẹp hơn những khi tôi nằm mơ trong
giấc ngủ một mình.
Nhưng tôi không có thời gian suy nghĩ về những cái lẩm cẩm ấy.
Thót lên chiếc xích lô vừa trờ tới, tôi hối hả bảo đạp sang con hẻm tối om dốc
chợ Trương Minh Giảng. Căn nhà cửa đóng im ỉm. Qua phên lá sách phất phơ tấm
màn cửa kéo kín. Tôi nín hơi gõ lên khung cửa ám hiệu. Cóc-cóc... cóc...
cóc-cóc. 2, 1, 2, ám hiệu nhận diện ngày hôm nay. Cửa mở hé vừa để tôi chui tọt
vào trước khi sập lại câm nín. Tôi nhìn quanh. Trên bộ ngựa lỏng chỏng một đội
ngũ chén bát nham nhở như quân tan hàng. Ba bốn chai đế và rượu cà phê lăn lóc
bên đống xương gà xương heo cùng hai cái đầu bánh mì cháy đen. Mọi người đã tề
tựu đông đủ. Có lẽ chỉ còn thiếu có mặt tôi. Tiếng nói chuyện rì rầm chợt ngưng
bặt. Tôn – anh Hai – trừng mắt hỏi:
– Chú mày đi đâu mà tới trễ dữ vậy?
– Dạ.. dạ... tại em có vài chuyện cần giải quyết giờ chót.
Anh thông cảm cho em út.
Đôi mắt anh như tóe lửa:
– Chuyện chi? Có mấy con đượi chứ chuyện chi. Nè mày láng
cháng tao cho leo cây nghe. Ráng ở lại mà đội quần mấy con đĩ ngựa đó. Đù má.
Có tiếng cười rúc rích của ai đó. Tiếng cười đào thêm cái hố
chôn tuột chút can đảm của tôi còn sót lại. Tôi rón rén leo lên sập, cố tránh
đôi mắt anh Tôn đang đảo theo. Đầu óc trống rỗng. Anh hỏi:
– Mầy ăn chưa?
Tôi không có can đảm nói sự thực:
– Dạ.... rồi.
–Ăn đâu?
– Dạ em mua bánh mì thịt dọc đường.
Anh không hỏi tiếp mà quay lại bàn nhậu:
– Rồi anh em thấy tui phân công như vậy được chưa. Thôi tan
hàng.
Móc bịch nylon sau lưng thảy ra hai cây Samit, giọng anh dịu
xuống:
– Có chút xíu cho anh em dằn túi.
Anh thọc tay trong túi quần sau lấy ra cọc bạc, xỉa mỗi người
một xấp. Tôi chóc mỏ chờ. Anh dúi vào tay tôi tờ giấy bạc năm mươi đồng, 'bác Hồ
ngó ngay':
– Còn mày ở lại đây lát tao chở xuống thăm cá lớn lần chót.
Tối mai xuống dầu, khuya đánh rồi. Cho mày làm kỷ niệm. Mày đâu còn dịp nào nữa
mà xài tiền.
– Lần này chắc không anh Hai? Tôi hỏi vớt vát.
– Họ bật đèn xanh hết ráo rồi. Nè mày từ giã đâu đó xong
chưa? Đừng có lấn cấn mệt tao lắm à nghe. Thôi ra ngoài chờ tao một chút để tao
còn soạn đồ với thằng Tài.
Tôi lẻn ra phòng ngoài, thở ra, nhưng trong lòng thì đang tiếc
đã không thể đưa tờ bạc cho Liên để cô nàng mai này có chút tiền chợ. Lát sau
anh Tôn cùng thằng Tài khệ nệ khiêng ra một túi quân trang nhóc ké đồ nghề. Anh
Tôn kéo chiếc ghế xếp, ngồi vắt cẳng phì phèo thuốc, còn thằng Tài thì ngồi phịch
ngay xuống túi đồ.
Tài là dân bản địa bãi đánh. Nó rành các con lạch, đường
mương chằng chịt trong vùng như tài xế tắc xi thuộc bản đồ vùng quận nhất. Quen
địa thế, lại là dân cá lăn lóc từ nhỏ, cha mẹ già yếu, con tin có sẵn đó, mà
không sợ bị cuỗm địa, cuỗm khách dọt, nên Tài chiếm được cảm tình của anh Tôn.
Những chuyện tay hòm thìa khóa của Tôn, Tài rành rẽ còn hơn người đầu gối tay ấp
của anh suốt ngày chỉ ngồi sòng tứ sắc làm bù nhìn che mắt các hoạt động của chồng.
Chuyến đánh này, ghe tắc xi nó lái sẽ chở một phần dầu sớt qua cá lớn đầu tiên
hết, xong nó sẽ quay vào bờ rước tốp khách đổ bộ cuối cùng.
Anh Tôn ngó tôi như ngó con mèo ướt nước. Anh bảo:
– Hai đứa bây ngồi đây chờ tao đi đằng này chút xíu tao kêu
thằng Thắng tới rồi mình lên đường. Ô kê.
– Dạ! Để tụi em dẹp đám đồ ăn, anh Hai.
– Khỏi. Để chừng chị Hai về chỉ lo, tao đi chút xíu về liền
hà.
Anh không nói gì thêm, dụi điếu thuốc cháy dở rồi thoắt ra
ngoài. Tiếng xe Honda nổ máy lạch bạch, vọt ra đường. Chúng tôi nhìn nhau chốc
lát. Tài ngập ngừng nói:
– Mày có đi được chuyến này nhớ viết thư về thăm tao thường
nghe.
Hắn nói mà như khóc. Tôi cầm tay nó, nhìn ra khoảng không:
– Tao hứa nhiều lần rồi mờ.
– Phải chi má tao đừng đau rề rề, tao xúi bả đi cho rồi. Tao
ở đây có ngày tụi nó cũng bắt đi nghĩa vụ quân sự sang Căm Bu Chia thì tàn đời
luôn.
– Thì mày đánh vài chuyến khá xong chung tiền cho tụi xã làm
giấy giả, hay lên dì Hai mầy trên Sài Gòn nói bả mua hộ khẩu cho hai má con mầy.
Tao nói nhiều rồi mà mày không nghe.
– Bị bả hổng chịu đi.
– Mầy ăn nói như con cặc tao. Đó lên Sài Gòn mà bả còn hổng
chịu đi nói gì mầy nài bả qua tới bên Tàu bên Tây.
Nó nín lặng. Hồi lâu hết chuyện, tôi hỏi nó:
– Hồi nãy mầy rị mọ gì với anh Hai trong buồng lâu quá vậy?
– Ảnh dặn tao về mấy cái thùng dầu. Tối nay tụi nó chở ra một
mớ nữa. Tao phải đi theo đánh dấu địa điểm.
Tài rút điếu thuốc trong túi, châm lửa rít một hơi rồi chìa
sang tôi:
– Hút điếu thuốc chung nhau mậy. Hổng chừng tối nay tụi mình
gặp nhau lần chót.
– Nói chi xui vậy mày? Mai mình còn gặp nhau mà.
– Sanh nghề tử nghiệp. Nó thở dài. Biết đâu chừng mai có gì
lộn xộn công an nó rỉa cho một tép đạn về chầu ông bà ông vải thì sao. Lần nào
đánh má tao cũng vái ông địa.
Tôi cười hắc lên:
– Sao không vái mấy cha công an biên phòng mấy cây để mấy chả
nới tay cho?
Tài có vẻ phật ý:
– Nè chuyện vượt biên vượt biển linh lắm á nghe mậy. Đừng có
nói tầm xàm Ông hay được Ông vật chết hổng có trối được nghe.
Tôi ngồi im, nhưng vẫn còn lấn cấn những lời úp mở của thằng
Tài lỏi con nhưng thông minh này. Hồi lâu tôi day qua hỏi nó, đo lường:
– Hay mầy tính dọt?
Nó giựt mình ngó tôi trân trân:
– Mầy nói gì?
– Bộ mầy tính dọt hả. Tôi lửng lơ nhắc lại.
– Tao mà dọt gì. Mầy rành tao sáu câu mà mậy.
– Hay anh Hai bỏ nhỏ cái gì với mầy hồi nãy đó? Tôi bắt tẩy
nó.
Tài lặng im. Không khí như sệt lại. Chúng tôi ngồi hút thuốc
nghĩ vẩn vơ. Đầu tôi rối như bòng bong. Bỗng nó day qua tôi:
– Mai tao đi theo ghe Sáu Đậu.
–Ờ. Thì sao?
– Anh Hai ảnh nghi Sáu Đậu kiếm chác thêm. Bởi vậy ảnh mới dặn
tao chỗ cá lớn ăn ngày mai. Sáu Đậu nó đâu có biết.
– Rồi sao?
– Ghe Sáu Đậu chở mười tám người. Tao phải coi chừng nếu nó
chở hơn số đó thì cứ để nó chèo tới chỗ nó nghĩ là có cá lớn cho bà hú nó. Còn
như nếu nó chở đủ số thì bật mí cho nó biết.
– Nó đâu có tin mày!
– Chừng đó tin hay không tin là tùy nó.
– Mày biết nó có chở thêm người không?
– Biết thì tao mới lo.
– Sao?
– Thằng Bé con ông chủ lò gạch hôm rồi nhậu xỉn tự dưng nó
khai ra tao mới hay. Nó chung nửa cây cho Sáu Đậu để được đi. Mà thằng Sáu nó
đâu được quyền kêu khách.
– Vậy mày tính sao?
– Tao cũng chưa biết.
Tôi biết nó đang suy nghĩ lung về chuyện này nãy giờ. Thằng
Bé là bạn học trường xã với nó, lúc nó chưa bỏ học đi bụi. Hai đứa hồi đó chơi
thân với nhau như bóng với hình. Tôi biết nó đang nát óc với câu hỏi xem thằng
Sáu Đậu chỉ kêu mình thằng Bé hay còn kêu thêm nhiều người khác. Có lẽ giả thuyết
thứ hai đúng hơn. Như vậy chuyện gì rồi sẽ xảy ra. Nó sẽ phải cho Sáu Đậu rơi.
Và rồi sẽ ra sao? Không gặp cá lớn dám Sáu Đậu cho hắn về chầu Hà Bá. Chưa kể
thằng Bé, bạn chí cốt với nó, mà nó sẽ phải cho lỡ tàu.
Tôi bảo nó:
– Thì mày cứ cho nó ra cá lớn đi, rồi nói anh Hai là nó hăm
dọa mầy.
– Hổng có được. Ảnh tính đâu đó kỹ càng lắm rồi. Thằng Sáu
nó đâu dám làm gì tao. Nó có giết tao thì nó cũng đâu biết được cá lớn nằm đâu.
Tức là tao trên cơ nó. Mà tới chừng đó tao nhảy xuống nước lặn vô bờ thì có trời
kiếm. Nó lặn đâu có lại tao.
Tôi rùn vai:
– Mày nói ấm ớ quá chừng đi. Không cho nó ra được thì cho nó
chết mẹ nó trong vàm đi, thắc mắc cái nỗi gì. Còn thằng Bé nó không đi được là
số trời chưa cho nó đi lọt. Mày cứ tin như vậy đi, đừng có nghĩ tùm lum tà la
chi cho mệt óc.
Nó không trả lời mà hỏi lại tôi:
– Rủi nó gạt khách anh Hai lại, chỉ cho khách nó xuống thì
sao?
– Thì cho nó ra cá lớn. Lỗi đâu tại mày. Mày đâu biết ai là
khách, ai là đám canh me. Tôi trả lời thẳng tuột. Mà thằng Bé nó đi được nó còn
cám ơn mày nữa.
– Tao nghĩ như vầy. Làm nghề này tao tin ở Trời Phật lắm.
Trước sau gì cũng tới lúc tao sẽ dọt. Mình làm ác có ngày cũng bị Trời hại. Tao
nghĩ đến những người họ phải bán đồ bán đạc hết để vượt biên mà còn bị gạt, rồi
họ sống ra sao. Mấy người họ đóng cho anh Hai ba bốn cây núi nhỏ núi lớn thứ
thiệt mà bị gạt, đóng cho thằng Sáu nửa cây vàng chưa đủ tuổi lại được đi, mầy
nghĩ có ức không chớ. Mà tao đâu có làm gì cho họ được. Còn bà già tao nữa chi.
Láng cháng anh Hai ảnh cạo đầu bả thì tao mang tội bất hiếu chết.
Tôi trấn an:
– Thì mày cứ để mai tới đâu thì tới, nghĩ làm chi cho mệt.
Tôi trấn an nó mà như trấn an tôi. Qua nó, giờ tôi mới biết
là có hai điểm hẹn. Điều này anh Tôn không một lần hé miệng với tôi. Tức là tôi
hoàn toàn tùy thuộc vào anh. Mà chuyện của tôi thì không thể lui được nữa rồi.
Ba người khách 'canh me' đã đưa tôi phần tiền lót đường. Hai trong ba người đó
nghe thiên hạ bàn ra tán vào cứ theo tôi đòi riết số tiền đã chung. Rốt cuộc
tôi đành phải hứa liều với họ về chuyến đi mai này. Đâu đó xong xuôi, nếu trời
cho tôi 'dọt' được thì họ chỉ còn nước ngồi ngáp gió. Vậy mà... Nếu anh Tôn mà
bỏ tôi?... Tôi không dám nghĩ đến điều này. Soát lại thời gian vừa qua, tôi
phân vân không biết đã vô tình làm điều gì thất lợi cho anh không. Công việc
tôi chỉ có chạy vòng ngoài, tính ra bạc chưa đủ mấy bữa nhậu ké với đám đàn
anh, dám ảnh cho de hồi nào không biết. Tôi chỉ còn biết cầu trời cho anh Tôn
thương tôi, hay đúng ra là trời thương tôi cho tôi đi trót lọt. Có lẽ cũng vì vậy
mà chuyến đi xuôi rót, ít nhất là về phần tôi. Hôm sau tôi không gặp lại thằng
Tài. Nơi điểm hẹn lấy dầu chỉ có hai tên đứng chờ. Một tên lạ hoắc lạ huơ, một
tên tôi dòm mặt quen quen. Dường như nó ở xóm trên. Mặt nó hầm hì thấy sợ. Tôi
không dám hỏi tiếng nào, chỉ lẳng lặng cùng hai đứa nó vần dầu ra cá lớn. Chúng
tôi chắt nước, châm dầu đầy hầm. Tôi lom lom ngó quanh thăm dò địa thế. Hình ảnh
đám nô lệ xây lâu đài thành quách cho vua chúa xưa, bị chôn sống làm thần giữ của
khi cục đá cuối cùng vừa được vần lên làm tôi bồn chồn không yên. Dầu xuống hết,
chúng tôi tháo dây thả máy nho nhỏ theo con nước đang lên, lần vào điểm đánh. Đầu
tôi như toé lửa. Tôi hỏi thằng mặt quen:
– Sao thằng Tài không ra anh?
– Tài nào?
Đã lỡ, tôi đành đưa theo:
– Tài con bà Ba bán quán đầu cầu Bóng đó.
– Tui hổng biết thằng đó. Anh Hai kêu thì tui ra. Nè ra trước
chống sào coi chừng mắc cạn giờ. Sắp tới rồi đó.
Tôi bò ra mũi xuồng, cầm sào dắt ghe, vừa lén dòm ra sau
canh tình thế. Chưa tàn điếu thuốc thì khách lục tục đổ tới. Phận sự đã xong,
tôi chui tuốt trong khoang sau, thủ chỗ mà tôi đã để ý từ những lần trước đi
thăm cá. Tiếng người lao xao, tiếng chửi thề, giành chỗ. Tôi lắng tìm trong đám
hỗn độn ấy giọng ồ ề của thằng Tài nhưng không thấy. Ngoài xa dường như có
tràng súng bắn, tiếng lạch tạch làm ruột tôi co lại. Quá nửa đêm tàu nổ máy,
day mũi ra khơi. Tôi mất định hướng, nằm gục trong khoảng sàn tàu chật chội tôi
bỗng bật khóc ngon lành. Tôi nhớ đủ thứ, nhớ thằng Tài, nhớ ngôi nhà ngói đỏ của
anh tôi và đám cháu mới lẫm đẫm biết đi, thỉnh thoảng phủ lên đó là hình ảnh buổi
tối hôm trước tôi ôm Liên trong công viên Vạn Xuân có những cặp thú mặt người
làm chuyện công an cấm. Sau này hỏi về thằng Tài, anh tôi kể là nó đi về bình
yên chuyến đó. Một nửa bãi bị bể. Anh không rành chuyện đánh để có thể kể từng
chi tiết cho tôi nghe. Tôi cũng không hỏi thêm. Thằng Bé không có mặt trên ghe
để tôi có thể chia sớt những gì tôi biết được về chuyến đi. Đời tôi đã bứt ra
khỏi mảnh đất quê hương từ ngày đó. Như người ta bứt phăng một cọng cỏ dại. Một
tuần lênh đênh trên biển cho tôi ngẫm lại thân phận mình. Ba người khách tôi giả
đóng kịch lén kêu thêm nhưng giờ chót bỏ lại. Số vàng đặt cọc của họ tôi vẫn bọc
nguyên trong lưng quần, chung với cái vé xi nê buổi trưa cuối cùng tôi đi với
Liên, lúc lấy ra đã nhầu nát, biến hình thành những mảnh vụn giấy nhão nhoẹt nước
biển. Tấm giấy bạc anh Tôn cho tôi, nhờ phẩm chất khá hơn, còn nhận ra được
hình một ông già cười méo mó. Tôi liệng mớ giấy xuống biển, chấm dứt phần đời
tuổi thơ.
*
Có lẽ đúng như lời ba má tôi nói, tôi là thằng đầu đường xó
chợ. Phần đời tuổi thơ tôi đã ném xuống biển như một chối bỏ. Chối bỏ dĩ vãng.
Bằng chấm dứt những liên lạc. Bằng quên đi dĩ vãng trong những ngày lăn lóc ngập
ngụa những thú vui. Nghĩ lại những ngày cũ, tôi thỉnh thoảng bắt gặp một nỗi hối
tiếc vô cớ vẩn vơ trong đầu không biết do đâu và cũng không thể định nghĩa rõ
ràng. Nhưng tôi vội vã xua đuổi nó. Những người quanh tôi làm chuyện ác nhơn ác
đức gấp mười lần tôi, họ vẫn nhơn nhơn ra đó. Mắt ông Trời chắc là còn mải theo
dõi những chuyện trọng đại hơn là để ý đến đám người ở cái mảnh đất nhỏ nhoi
này. Lúc hiểm nguy hứa cạo đầu ăn chay, lên bờ rồi cũng có cạo đầu, cũng ăn
chay đó, xong một tuần trăng là bắt đầu xa xả đòi ơn nghĩa, kiếm mớ bạc làm vốn
mua chui bán nhủi, lại tạo được môi trường để có dịp kể lể lòng tốt thương người
giữa cơn khó ngặt. Hay ông Đại Tá đầu xóm nhà tôi, khi xưa ngày ngày cho đàn em
chở gạch, chở tôn xây khu gia binh đi bán, sang đây tình cờ gặp tôi lại giữa
đám tiệc đầy dẫy lâu la, một điều đại ca, hai điều đại tá. Đụng tôi bất ngờ, ổng
lảng luôn, làm bộ không nhớ. Những chuyện gặp hà rầm đó đưa đến cho tôi cái ý
tưởng tuổi thơ tôi đã bị cướp một cách trắng trợn và bất công bởi đủ hạng người.
So với họ, chuyện tôi hứa cuội lấy mấy miếng vàng chỉ là chuyện tép riu. Với
Liên, tôi đã đền bù một cách khá sòng phẳng. Tuổi thơ với những tự do và tươi đẹp,
đã đến lúc tôi cần phải được lấy lại, bằng chuỗi ngày sống gấp rút nơi xứ lạ.
Nhưng sao dĩ vãng vẫn cứ thỉnh thoảng len lén bò về rình rập những khi tôi bỏ
lơi đè nén. Trong sợ hãi áp lực nội tâm, chúng trở về bằng những ngõ ngách vô
hình trong óc não, bằng biến hình thành những mảng hình ảnh hỗn độn dần mờ nhạt
như những lá bài vật lên vật xuống bằng những bàn tay thành thạo trong sòng.
Duy chỉ có hình ảnh ngày cuối cùng của tôi ở phố cũ là thỉnh thoảng còn hiện rõ
mồn một. Buổi chia tay Liên ngoài phố đêm tù mù ánh đèn. Lần cuối gặp thằng
Tài, rồi chuyến đi. Mặc dù tôi đã tự nhủ những chuyện đó chẳng qua chỉ là những
điểm tô trong cuộc đời. Con nhỏ Liên nào đó với tôi bây giờ cũng không khác nào
những 'con ngỗng ngu ngốc' (1) đã đi qua cuộc đời ban đêm của tôi. Thằng Tài chẳng
qua chỉ vì công việc mà quen nhau chớ nó nào có tình nghĩa gì với tôi đâu. Thế
nhưng càng xua đuổi, chúng càng lì lợm chơi trò cút bắt trong trí não. Và chúng
lại một lần nữa nhào ra chắn đường tâm thức tôi trong chuyến bay trở về thăm
gia đình ông anh, sau nhiều lần nhắn nhủ: Chú mày xem tình thế sao, về một chuyến
anh em ngồi nói dóc chơi. Cả gia đình nay còn mình chú mày lang thang bên ấy....
Thế là tôi, trong một phút bốc đồng, với những tò mò qua những
chuyện nghe lóm đầu này đầu nọ, khăn gói về quê xưa. Trong cái nắng nhễ nhại mồ
hôi, tôi gặp lại anh tôi, đang chen trong đám người xô đẩy nhau sau tấm rào cản
rỉ sét. Anh đứng chờ cùng đứa cháu, nay đã lớn trộng, đôi mắt hấp háy nắng nhìn
tôi tò mò. Tôi quên cả chào hỏi. Hai anh em tôi ôm lấy nhau khóc ngon lành, mặc
cho thằng bé đứng ngó cảnh kỳ lạ. Tôi nhìn mái tóc anh, lơ thơ xác xơ, nửa đầu
đã bạc, hàm răng vẩu rơi mất một chiếc. Qua phút xúc động, tôi nhìn anh, ngượng
nghịu. Nhưng anh khoát tay trong một cố gắng lấy lại bình tĩnh mà anh nghĩ là cần
có để chứng tỏ cho thằng em thấy:
– Thằng này. Giờ lớn dữ hè...
– Còn em trông anh lạ quá chừng đi. Chị đâu anh?
– Má nó còn mắc trông sắp nhỏ. Tao mướn xe của chú ba Hội.
Chú chờ mình ngoài kia. Chèn ơi, chờ mày nãy giờ đứng muốn cóng giò. Sao đồ đâu
hổng thấy?
Tôi giựt mình nhìn lại thân tôi, bơ vơ với chiếc túi xách nhỏ
đựng ít kẹo bánh tôi cóp nhóp trong giây phút vội vàng cho mấy đứa cháu. Tôi cười
bẽn lẽn:
– Em hổng có mang đồ gì nhiều. Bị nổi hứng bất tử gom mớ quần
áo về thăm anh chị...
Hình như thằng bé cháu lõ mắt nhìn tôi. Tôi quay ra đường
như tuồng không thấy, xách túi đồ nhẹ tênh theo anh ra sân ngợp nắng...
*
Buổi tối hôm sau anh chở tôi sau xe Honda từ khu chợ Hòa
Bình xuyên thành phố vào Ngã Bảy giao hàng cho người nào đó. Đường phố chông
chênh, tôi bám eo ếch anh lóng cóng như hơn chục năm về trước. Anh quay lại cười,
trong khu phố cúp điện tôi chỉ thấy hàm răng anh với lỗ hổng kỳ dị:
– Mày ôm tao chi dữ thần vậy. Nhột muốn chết.
– Bị lâu hổng ngồi Honda. Mà họ chạy xe sao ớn quá anh?
– Cái thằng... Mày ngồi xe hơi bên bển quen rồi giờ chê xe
dân nhà nghèo hả.
Anh cười và nói tiếp:
– Giờ thiên hạ chơi dữ lắm hổng như hồi đó đâu. Mày coi quán
xá mọc tùm lum kia. Anh đưa tay chỉ làm chiếc xe lắc lư.
Qua khu Vườn Chuối, nhớ lại những ngày xưa, tôi hét vào tai
anh:
– Hồi này anh còn hay đi uống cà phê không? Em nhớ hồi đó
anh hay ngồi quán Mây Bốn Phương Trời, có mấy anh chàng Không Quân trồng cây si
mấy cô bán quán đó, anh nhớ không?
–Ôi thôi. Mấy cổ giờ đâu còn đó nữa. Mà nếu còn thì chắc mày
phải kêu bằng má. Dân quán mà, nó xuống sắc lẹ lắm.
Tôi ngồi im, ngó mông những cửa hàng lạ lẫm đóng chặt cửa sắt,
hai ba ổ khóa vòng quanh, những bảng hiệu xa lạ với tầm ký ức nhỏ bé. Giây lát
anh day lại nói:
– Mi thấy giờ chỗ nào cũng bia ôm, cà phê ôm hết trọi. Mấy
con đĩ ngựa nó nhỏng nha nhỏng nhảnh thấy mà bắt mệt. Ờ mà thôi chừng về tao chở
mi vô mấy quán cà phê con cóc đường Nguyễn Thiện Thuật uống đỡ ghiền.
Tôi vừa tính nói anh cho vô coi mấy cái cà phê ôm, nhưng
nghĩ bụng 'đánh đĩ mười phương còn phải chừa một' chớ. Vả chăng, thời gian thay
đổi, anh giờ đèo bồng hai đứa, chị dâu tôi tất bật chạy mối thuốc chợ trời, biết
anh chị nghĩ sao về mình đây. Thằng em ăn hại, chắc chị rủa thầm tôi cả bữa nay
lúc ngồi lê đôi mách với bạn hàng chờ mối bán mua. Mỗi lần nghĩ tới tôi lại
không quên vẻ mặt chưng hửng của thằng bé cháu nơi phi trường khi thấy tôi chỉ
xách theo một cái bị nhỏ chưa đầy một ôm. Thì ra sự ngay thẳng nhiều lúc làm
lương tâm con người không yên ổn.
Sau cuộc thăm viếng chớp nhoáng với những câu hỏi đã trở nên
quen thuộc với tôi, chúng tôi trở về trong dòng xe đã bắt đầu thưa dần trong
cái nóng bứt rứt. Anh tôi rẽ vào con đường nhỏ. Cảnh vật chìm xuống. Một vài xe
bánh mì, sinh tố lẻ loi vàng vọt ánh đèn mời gọi khách chơi khuya. Chúng tôi
tìm một quán vắng, những bộ ghế mây ọp ẹp đang được chủ nhân thu dọn. Tiếng nhạc
ray rứt một điệu trầm buồn. Hai ly cà phê. Một gói thuốc tôi thủ sẵn, giờ chỉ
còn vài điếu dẹp lép. Chúng tôi ngồi im lặng. Những chuyện cần nói tạm thời đã
trao nhau. Tôi hỏi thăm một vài người quen. Anh tôi bảo: chú mày muốn biết cứ
ra chợ trời. Tôi chán nản: cứ nghĩ mình về bạn bè còn đủ cả. Không dè. Anh tôi
cười cười:
– Còn tụi tao thì cứ nghĩ là sang Mỹ đi thăm một vòng bạn bè
chơi cũng mất cả mấy tháng.
– Anh cứ nghĩ vậy. Qua bển cày muốn chết chưa để dành nổi tiền
mua vé máy bay. Nói chi Mỹ. Bên Hòa Lan đất nhỏ bằng sản nghiệp của mấy ông đại
điền chủ bên này, mà em đâu có mấy dịp đi chơi. Tôi chắt lưỡi: chỉ thèm cà phê.
Cà phê bên đó dở như hạch, mà họ vô quán chỉ có uống bia.
– Bên đây thì lại không có bia mà uống. Mỗi lần ngóng chừng
có độ, mình bóp bụng trả một chầu bia nghe đau thốn tới trong ruột. Tiền đồ mồi
không sợ, chỉ sợ tiền bia.
– Sao anh không kêu bia uống.
Nói đoạn, tôi day vào trong kêu lớn:
– Cô chủ cho hai lon bia nghe.
Có tiếng dạ và giọng nói của cô bán quán đang bước ra:
– Bia gì hai anh?
– Heineken.
Trong chớp mắt, cô bán quán đã mang ra hai ly sủi bọt. Mấy cục
đá kêu lanh canh. Hai chiếc lon xanh rêu sóng đôi trên khay nhôm rẻ tiền. Cám
ơn, tôi nói không nhìn lại. Bỗng tôi nghe tiếng chiếc khay rớt, và tiếng kêu
kinh ngạc:
– Anh! Anh Linh đó phải không?
Tôi sững người. Liên. Liên một dạo nào, như từ chỗ thinh
không bước ra. Tôi nghe tim thót lại một nhịp hẫng hụt. Không. Tôi không ngờ. Không
tin ở mắt, ở tai. Liên òa khóc:
– Trời! Anh Linh! Anh Linh!
Tôi chỉ vừa kịp đỡ Liên ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Bàn
tay tôi run lên trong cảm giác xưa hiện về. Tôi im lặng, bối rối. Bỏ mất sự hiện
diện của người anh đang tròn mắt kinh ngạc. Đầu Liên rúc vào ngực tôi ướt đẫm một
cảm giác nóng. Tôi vuốt những lọn tóc quăn, nhám và rít mồ hôi. Nhưng tôi chợt
nhận chân thực tế. Người tôi sợ gặp nhất, có lẽ là cái cô gái nhõng nhẽo này.
Anh tôi vẫn ngồi đó. Tôi nói anh về, lát tôi kêu xe ôm hay xích lô về sau. Anh
cười thông cảm, dắt xe ra lộ, còn dặn với:
– Nhớ coi chừng họ móc túi.
Tôi gật đầu. Trong quán chỉ còn tôi và Liên. Không khí bỗng
dưng ngượng ngùng lạnh tanh không như năm phút trước. Tôi bảo bằng giọng đầu
môi: anh gởi thư sao không thấy em trả lời. Liên kể, gia đình ly tán, má Liên mất
không lâu sau ngày tôi đi, sau đó là những phiêu bạt cuốn đời cô cho tới bây giờ.
Liên bảo: bây giờ đời em đã tạm ổn. Nhà này của con bạn cho ở chung, trông
hàng, tối khuya nó mới về. Liên hỏi tôi về cuộc sống bên đó, tôi ậm ừ, nói cũng
tạm đủ, chật vật lắm. Đêm bắt đầu đổ sang ngày mới, nhạc đã tắt hồi lâu. Tôi
nói thôi anh về, mai chiều gì anh ghé thăm nói chuyện nhiều hơn. Liên bảo: mốt
chủ nhật sáng anh lại chơi, em có thời giờ nhiều nói chuyện với anh. Cô bạn đi
làm về, sẵn xe đó, Liên nói anh chàng đạp xích lô chở tôi về, trên đường đi anh
ta càu nhàu cuốc đường xa, tôi hứa trả tiền gấp đôi. Ngồi trên xe, sờ lại lưng
áo ướt đẫm.
Tuy thế tôi cũng đến quán cà phê Mây Hồng tìm Liên sáng chủ
nhật đó như một định mệnh lôi cuốn, mặc đôi mắt nửa dò xét, nửa đồng tình của
anh tôi: thằng này lù khù chớ mà đấm chết voi hồi nào hổng hay. Liên gọi hai
đĩa bánh cuốn. Cô nàng gắp mấy lát ớt bỏ vào dĩa cho tôi như ngày xưa. Chúng
tôi ăn như mười năm trước ăn với nhau, chỉ thiếu nụ hôn mà cả hai đều thấy gượng
gạo không muốn trao. Liên nói trong một kẽ hở của câu chuyện: anh ăn xong em với
anh đi chỗ này chút.
Tôi sững người, hỏi Liên:
– Em tính đưa anh đi đâu?
– Bí mật mà, chút anh biết.
Giọng nói cùng khóe cười mỉm càng làm khơi đống dấu hỏi đang
móc vào nhau rối nùi trong óc. Tôi không nói thêm, lẳng lặng leo lên xe. Liên
ngồi sau, mười năm qua, với những va chạm đã biến người con gái thành một người
đàn bà chững chạc. Mùi hương xưa không còn nữa. Đôi quầng mắt bắt đầu răn. Tôi
lái xe đi như cơn mộng du theo hướng Liên chỉ. Tôi chợt giựt mình. Hay là...
hay là chúng tôi đã có con với nhau mười năm trước. Hay là... Liên là cô gái Thổ
lừa ông Ba Đi Ghệt (2) đến nơi định mệnh. Chẳng lẽ nào. Tôi lại đã không có can
đảm từ chối. Cũng không có lý do từ chối nữa. Thôi đành. Tôi nói bâng quơ: Liên
hồi này dạn ghê, ngồi chàng hảng hổng sợ thiên hạ cười. Liên ghé đầu lên vai
tôi, làn gió ngược thổi bay mùi hương tóc, chỉ còn tiếng nói sót lại: anh nhìn
mọi người coi, giờ ai cũng vậy hết mà.
Xe lên gần dốc chợ Thủ Đức thì quẹo vào một con lộ ngoằn
ngoèo dẫn đến một nghĩa trang nhỏ. Nơi đây cỏ voi mọc ngang lưng, đám xanh, đám
cháy vàng, chỉ ngã rạp chừa con đường nhỏ dẫn đến từng khu mả ngổn ngang, những
bia đá mốc rêu chen lẫn những nấm mồ sạch sẽ và một vài gò đất đắp nông.
Tôi ngừng xe theo lời Liên bảo. Chúng tôi sánh vai nhau đi
trong từng vạt cỏ, cạnh sắc cứa vào làn da nham nháp mồ hôi bứt rứt. Nghĩa địa
chủ nhật vắng tanh. Tôi liếc nhìn lượng định tình hình. Chắc cô nàng không dắt
dao theo. Nhưng biết đâu được. Cuộc đời dậy tôi đàn bà toàn là thứ đồ giả trá.
Tôi đánh bạo dừng lại, cầm chặt tay Liên, nhìn vào đôi mắt kẻ chỉ đen sắc lẻm:
– Bộ mình có con với nhau hả?
– Không.
– ....?
– Mà nếu mà em có con thì...
Liên chợt dừng lại. Tôi còn đang ngạc nhiên thì Liên kéo tay
tôi, giọng cô nàng bây giờ trở nên bâng khuâng.
– Anh nhìn kia.
Tôi nhìn theo tay Liên chỉ. Không thấy gì. Liên kéo tôi rẽ
theo con đường nhỏ, đến gần hàng cây cổ thụ trồng dọc làm ranh nghĩa trang với
xóm nhà lúp xúp sau đó. Trên một thân cây già cỗi hiện hình hai chữ LL lồng
nhau như bóng đứng cạnh người. Liên kéo tay tôi ngồi xuống gốc cây:
–Để Liên nói hết cho anh nghe. Anh đừng cản kẻo Liên lại
khóc giờ.
Tôi chẳng biết gì hơn là rút thuốc đốt. Vuốt tóc hay ôm vai
cô nhỏ là những chuyện tôi đã thôi làm từ lâu lắm. Liên vẫn cúi mặt, cô nàng cầm
một cọng cây nhỏ vạch vạch trên đất, giọng đều đều:
– Anh đi không có tin gì về. Em tưởng anh bỏ xác trên biển rồi.
Hỏi thăm mấy người quen cũng không được chút gì hơn. Em nghĩ: thôi thì mình vô
phước, duyên không thành, nhưng em vẫn không thể nào quên những ngày chúng mình
đi chơi với nhau. Anh đừng ngắt lời, để em nói hết đã. Anh đi được hai tháng,
em đi xem bói, thầy nói là anh đã chết rồi. Em không buồn, lời thầy bói chỉ là
một xác nhận cho những gì em đang nghĩ. Em chỉ buồn là mình đã không có đứa con
với nhau cho em còn nhìn con mà tưởng đến anh. Em chọn ngày anh đi làm ngày giỗ.
Hồi đó khu đất này còn bỏ trống nhiều vuông. Em chọn một góc, khắc tên anh trên
miếng gạch. Mỗi tuần em lên thăm một lần. Có thời gian em coi sóc giùm mấy ngôi
mộ của những người giàu tiền ít lòng và ít thời giờ để ý đến người đã mất. Thời
gian đó em cứ tưởng như mình sống với nhau trong một mái nhà, em dẫy cỏ bên này
còn anh ngồi hát bên góc đó. Anh đừng cười. Bây giờ em nhớ lại mới thấy hồi đó
mình có những ý tưởng không giống ai. Nhưng thôi kệ. Ai cũng có những phút và
những đam mê riêng tư anh nhỉ. Nhưng rồi cũng không được bao lâu. Người ta có
chương trình làm sạch đường phố, những ngôi mộ không chủ dần dần bị giải tỏa.
Chỗ anh ở không còn yên ổn nữa. Em khắc tên chúng mình và ngày anh đi lên khúc
cây này, thỉnh thoảng rảnh rang em lại lên đây ngồi. Lúc đầu còn khóc, sau cạn
nước mắt chỉ ngồi nhìn suông. Hay là tâm mình đã lặng...
– Nhưng anh đã về đây rồi mà... Tôi vớt vát.
– Anh để yên em nói hết đã. Hôm kia lúc gặp anh em tưởng như
người trong mơ. Nhưng em bỗng chợt hiểu. Lão thầy bói nói đúng. Người em gặp mấy
hôm nay không phải là anh, mà là một người khác. Có thể em đã nhẹ dạ nghe lời
ngọt của anh bọc trong viên thuốc sự thật đắng nghét. Nhưng em hài lòng. Tình
yêu em trao cho người em tin tưởng. Người ấy vẫn còn đây, vẫn sống với em, dù
chỉ là trong mộng.
Giọng Liên ráo hoảnh. Tôi không nói gì thêm. Chẳng có gì phải
giãi bày. Vả lại đầu óc tôi đang trống rỗng vì những chuyện bất ngờ dồn dập xảy
đến trong một buổi chiều. Chúng tôi lên xe trở về lại thành phố. Những căn nhà
xiêu đổ trước mắt tôi. Tôi thẫn thờ trả Liên lại quán Mây Hồng. Dựng xe, tôi
kéo ghế. Liên pha cho tôi một ly cà phê và mang ra một bình trà nhỏ. Chúng tôi
ngồi với nhau câm lặng không lời. Quán chiều chủ nhật không mở, một vài người
đi ngang ngó vào khung cửa sắt khép một nửa, che nắng cho một đôi trai gái, tôi
và Liên, uống nước với nhau như hai pho tượng đối ẩm. Thời gian khó nhọc trôi từng
giọt keo. Tôi thở dài:
– Chắc Liên giận anh lắm?
Tôi cũng biết câu hỏi thật thừa, nhưng không còn cách nào
hơn. Liên chậm rãi rót trà ra tách, đẩy một chiếc tới trước mặt tôi thay cho ly
cà phê vừa cạn.
– Em không giận anh đâu. Tối qua em mở lại cuốn nhật ký em
viết, trong đó còn kẹp hai tấm ảnh em với anh chụp chung, và một lá thư hiếm
hoi anh đã gởi. Em phân vân, không biết nên đốt chúng đi hay giữ lại. Nhưng
thôi, dù sao cũng là kỷ niệm. Lúc mình quen nhau, có bao giờ em hỏi anh vì sao
anh cần em đâu. Em coi chuyện yêu nhau như trao và nhận một cách tự ý, chứ
không phải cuộc đổi trao có điều kiện. Nhưng có lẽ anh đã không nghĩ như vậy.
Đó là quyền tự do của anh, em luôn tôn trọng. Em nghĩ thế nên em thấy lòng
thanh thản. Chỉ có điều, như em đã nói hồi trưa với anh. Em và anh đã qua lối rẽ.
Đã chín chắn và đã biết nhìn lại quá khứ. Em chỉ chúc anh bên ấy được yên bình.
Câu chuyện đã đến trang chót. Tôi đứng dậy:
– Thỉnh thoảng anh ghé...
Liên không trả lời câu tôi hỏi, chỉ nói nhỏ: anh đi ráng giữ
mình.
Đó là lời tiên đoán, hay là Liên đọc thấu tâm can tôi. Trong
suốt hai tháng ở lại Saigon tôi lúc nào cũng tránh một khoảng đường rộng khu chợ
Bàn Cờ như tránh một vết nhơ dĩ vãng. Ngày trước khi lên đường, tôi kêu xe ôm
đi ngang quán cà phê Liên bán. Liếc mắt nhìn ngang, tôi thấy dáng Liên trong bộ
áo đen, lưng quay ra đường. Tôi không thấy được khuôn mặt ngày xưa, mặc dù lúc
xe đi quá rồi tôi còn cố ngoái cổ lại một lần chót. Cho tới bây giờ, hình bóng
buổi chiều Saigon đó vẫn thỉnh thoảng đến với tôi, một người con trai độc thân
lang thang trên đường phố xa lạ. Nhất là khi tôi trực nhận thấy một điều: cho tới
lúc này, chữ tình yêu, với tôi, còn là một từ tôi chưa bao giờ biết.
Nguyễn Hiền
___________
(1) Domme gansje: Tiếng Hòa Lan chỉ những cô gái nhẹ dạ.
(2) Nhân vật trong truyện 'Một Đêm Trăng' – Thế Lữ