Ðúng 2 giờ đêm 2/10/1965, Cộng quân dưới quyền chỉ huy trực
tiếp của tên thượng úy Sáu Bích, đã mở cuộc tấn công từ hai mặt đánh vào Đồn Giồng
Ðình, với sự tin tưởng điên rồ, rằng chúng sẽ thanh toán cái tiền đồn nhỏ xíu này
trong một thời gian ngắn. Chiến thắng dường như là chắc chắn, vì với quân số mười
lần hơn. Nghĩa Quân Giồng Ðình thuộc tỉnh Gò Công bi áp lực rất nặng của quân địch
khi hứng chịu cuộc cường kích của 300 bộ đội Việt Cộng. Ðây là một lực lượng
chính qui Cộng Sản Bắc Việt với hỏa lực rất mạnh, chúng quyết tâm hủy diệt đồn
Giồng Ðình nhỏ bé nằm ở một vùng thôn ấp hẻo lánh trong tỉnh Gò Công, chỉ có vỏn
vẹn một Trung Ðội Nghĩa Quân với 24 tay súng trấn giữ, thành phần chỉ huy gồm
có anh đồn trưởng Nguyễn Văn Thi, đồn phó Lê Văn Hùng, truyền tin Lê Văn Mẫn và
với quân số quá ít ỏi phải trấn thủ một vị trí hung hiểm như vậy, nên tất
cả những người vợ lính trong đồn đều đã được chồng huấn luyện sử dụng thành thạo
những loại máy móc truyền tin và vũ khí. Như vậy số tay súng đã được nhân lên
như gấp đôi.
Bọn cán binh Bắc Việt là những con ác quỷ hung tợn và thâm độc, chúng bố trí ở
hướng có nhiều nhà dân chúng, vừa làm bia đỡ đạn cho chúng, vừa ngoác miệng
tuyên truyền gây căm thù nếu quân ta bắn trả… Sau ba đợt tấn công hung bạo, tưởng
gạch đá cũng phải nát thành tro, chúng đã chiếm được 2 trong số 3 lô cốt trong
đồn, Cộng quân vẫn phải rút trở ra vì sự chống trả rất mãnh liệt của Nghĩa Quân
trong đồn. Cuộc tấn công lần thứ tư được hối hả tổ chức và thực hiện, với quyết
tâm san bằng Giồng Ðình. Trong nhiều trường hợp, đến những giây phút tử
sinh tuyệt vọng nhất, những em bé con của Nghĩa Quân trú phóng cũng cùng chiến
đấu với cha mẹ chống trả Cộng quân, các em gan dạ bò dưới lưới đạn của giặc để
đem tiếp tế đến cho cha mẹ chiến đấu. Không ai buộc những người vợ lính, con
lính cầm súng đánh địch. Nhưng chính những người vợ lính, con lính ấy làm sao
có thể ẩn náu tìm cái sống trong khi chồng và cha của họ sắp ngã gục ngoài chiến
hào… !
Khi chấm dứt đợt tấn công thứ ba mà không thể chiếm được Đồn Nghĩa Quân, địch tạm
rút để tái tổ chức tấn công, thì tình trạng bên trong đồn Giồng Ðình đã khá là
bi đát. Ðã có đến 16 chiến sĩ Nghĩa Quân bị thương, chỉ còn 8 Nghĩa Quân còn
chiến đấu được, nghĩa quân truyền tin Lê Văn Mẫn bị thương ở đầu trong lúc anh
đang cố gắng gọi máy liên lạc cho Tiểu Khu. Anh Mẫn gục xuống buông chiếc ống
liên hợp. Chị Trần Thị Tâm, vợ anh Mẫn vội đặt con bên cạnh anh và chộp lấy ống
liên hợp tiếp nối liên lạc với cấp chỉ huy Tiểu Khu, chị Tâm nghiễm nhiên trở
thành một âm thoại viên, và là cứu tinh của đồn Giồng Ðình. Ở một góc đồn, anh
Lê Văn Hùng và chị Phạm Thị Thàng, vợ anh và hai đứa con nhỏ đang phải đối đầu
với một lực lượng quá đông của địch… Bên ngoài vòng rào kẽm gai phòng ngự, giặc
đã đã tràn vào đen ngòm như những con quái vật hung hãn. Anh Hùng chỉ còn trong
tay cây tiểu liên Thompson và 16 trái lựu đạn, chị Thàng tay vẫn còn cầm chặc
khẩu Carbine. Thật tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, sức ép của bộc phá và súng SKZ của
Cộng quân bắn vào quá gần, các em không còn có sức tiếp viện được nữa mà đã nằm
bất động dưới chân hai vợ chồng anh Hùng. Chị Thàng vợ anh Hùng thì thào:
- Chúng đang phá lô cốt chánh, để em bắn yểm trợ anh bò về giữ… Lô cốt mất là đồn
mình mất, em nằm tại đây giữ mấy đứa nhỏ, nếu chúng tràn vào thì... thì... em
ném lựu đạn ra, có thể cầm cự đến sáng được.
Anh Hùng ngần ngừ, mắt rưng rưng nhìn vợ con, rồi nhìn về phía lô cốt. Tiếng
súng từ lô cốt cuối cùng đã yếu ớt lắm, có lẽ mấy Nghĩa Quân cố thủ ở đó đã kiệt
quệ quá rồi. Số phận của anh Thi Ðồn Trưởng thế nào rồi ? Anh Hùng lắc đầu
không dám nghĩ đến chuyện xấu nhất đã xảy ra cho đồng đội ! Nhưng nếu Cộng quân
chiếm được lô cốt ấy, thì coi như hết cuộc kháng cự. Anh Hùng phải quyết
định, dù quyết định đó quá đau xót, là bỏ lại vợ con, mà trong lúc quân giặc đã
hò hét ngay sát bên tai rồi. Anh đưa cho vợ hết 16 quả lựu đạn và chần chờ
không nỡ để vợ lại một mình trấn thủ vị trí … Vợ anh hối thúc:
- Anh chạy theo giao thông hào, em bắn yểm trợ cho anh…!
Anh Hùng nhìn chị Thàng và hai đứa nhỏ lần cuối cùng.Trong lòng anh quặn lên một
nỗi bi thương “trời ơi, vợ con mình, hai đứa nhỏ chẳng biết còn sống hay đã chết”
! Anh phóng mình xuống giao thông hào chạy băng băng về hướng lô cốt. Chị
Thàng xiết cò cây Carbine trên tay bắn đạn rải vào những cái bóng đen đã quá gần.
Anh Hùng đã bò vào được lô cốt, giữa những tiếng đạn nổ rền trời… May quá, anh
Thi trưởng đồn vẫn nguyên vẹn. Súng trường SKZ của địch bắn ầm ầm vang dội… !
Anh Hùng vẫn còn có thể nghe được từng tiếng lựu đạn nổ từ phía công sự của vợ
mình, anh cố nén nỗi lo lắng để nghe tiếng nổ lựu đạn từ phía vợ mình và đếm được
đến con số 15, mà tiếng súng của địch vẫn nỗ vang ngay sát tuyến phòng thủ của
vợ. Anh biết giây phút định mệnh thảm thiết nhất cũng đã điểm, chị Thàng
sẽ làm gì với quả lựu đạn thứ 16 ? Anh Hùng đau đớn nấc lên trong lòng:“Chỉ còn
một trái lựu đạn nữa thôi, làm sao em cầm cự được đến sáng” ? Chính anh cũng
không có thể nghĩ tiếp cái gì sẽ xảy đến cho vợ con mình, vì dưới chân lô cốt
anh tử thủ đã đông nghẹt quân giặc. Ðủ mọi thứ loại súng nỗ chát chúa khắp đồn,
anh Hùng không biết chắc là mình đã nghe được tiếng nổ của trái lựu đạn thứ 16
chưa …?
Cuộc chiến đấu đã kéo dài được một tiếng đồng hồ, quân địch đã phá được lớp kẽm
gai cuối cùng và sắp tràn ngập đồn Giồng Ðình. Lúc đó là 3 giờ sáng rạng ngày
2/10/1965. Tình hình đã quá nguy ngập. Anh Nguyễn Văn Thi, Ðồn Trưởng, quyết định
thà hy sinh còn hơn là để đồn lọt vào tay địch. Anh giật lấy ống liên hợp từ
tay chị Tâm và thét lớn:
- Hãy bắn lên đầu chúng tôi ! Bắn vào giữa đồn... Hai lô cốt thứ nhứt và thứ
hai đã thất thủ…. Tụi tui ở lô cốt thứ ba… .Hãy bắn lên trên đầu chúng tôi, Việt
Cộng đông lắm… Bắn đi... bắn...!
Sau tiếng gọi thống thiết của người Ðồn Trưởng, Pháo Binh Tiểu Khu Gò Công lập
tức bắn vào đồn với loại đạn đầu nỗ bung cao, loại đạn đặc biệt này nổ khi cách
mặt đất chừng 4 - 5 thước rất hữu hiệu để tiêu diệt số đông địch quân tấn công
biển người, quân ta núp trong lô cốt vẫn có hy vọng sống sót. Những cái bóng
đen như những cương thi chập choạng dưới ánh sáng hỏa châu nỗ văng tung tóe… !
Hàng tràng đạn đại bác vẫn nổ bùng nháng dội xuống đồn.Chiếc lô cốt cuối cùng vẫn
đứng vững, anh Thi cùng anh Hùng từ trong những lổ châu mai bắn tỉa từng tên địch.
Giữa tiếng súng nổ dòn, thì âm thanh xé gió trên bầu trời của phi tuần Khu Trục
Skyraider A-1 của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa xuất kích bắn phá và đánh bomb
diệt địch… Ðến đây thì tên sĩ quan Việt Cộng chỉ huy trận đánh đã có thể
nhận thấy rằng cuộc tấn công đồn Giồng Ðình đã thất bại!
Lúc 4 giờ 30 trời chưa sáng, chiến địa hoàn toàn im tiếng súng. Quân địch đã
kéo những xác chết và những tên bị thương chạy trốn lẫn vào phía bóng tối nhá
nhem… Khi ánh hừng đông của ngày mới đã lên, hai Ðại Ðội Ðịa Phương Quân do
chính Trung Tá Tiểu Khu Trưởng Gò Công chỉ huy đã đến và tổ chức bung quân ra lục
soát. Cộng quân đã để lại trận địa 23 xác chết, ở giữa đồn có 6 xác khác nằm
bên cạnh lô cốt thứ ba, nơi mà anh Ðồn Trưởng Thi, Ðồn Phó Hùng và chị Tâm giữ
máy truyền tin đã kháng cự mãnh liệt thà chết không hàng. Những tên Việt Cộng
này mang trên mình rất nhiều lựu đạn và bộc phá, chắc là chúng quyết thí mạng để
phá cho bằng được ổ kháng cự cuối cùng này. Ngày hôm sau, một người thường dân
bị Việt Cộng bắt đi tải thương lén trốn về được đã cho biết số bị thương của
chúng chở đầy sáu chiếc ghe tam bản. Nhưng đối với anh Hùng, thì tất cả những
gì mà Viêt Cộng đã trả giá cho cuộc tấn công không làm anh quan tâm. Ngay khi
tiếng súng vừa chấm dứt, Cộng quân cộng rút đi, thì anh đã vội lao mình ra chỗ
chiến hào mà vợ anh đã một mình, một súng với 16 trái lựu đạn trấn giữ ở đó, với
một niềm hy vọng mỏng manh, rằng đừng bao giờ trái lựu đạn thứ 16 được rút chốt.
Anh Hùng bò vào khúc hào mà anh đã nuốt nước mắt chạy đi khi vợ thúc giục vừa
qua… Trước mắt anh, chị Thàng cùng hai đứa con của anh nằm chết bên cạnh 3 xác
Việt Cộng. Anh gục ngã xuống như thân cây chuối bị đốn đỗ ! Anh biết,
nếu trái lựu đạn thứ 16 nổ thì chị Thàng cũng đi vào cõi chết, vì chị quyết chí
không bao giờ cho phép giặc bắt giết chị và các con của mình… Chị Thàng
đã chọn cho minh cái chết thật dũng cảm và cao cả, chị ôm hai đứa con vào lòng
bình tĩnh chờ cho những tên Việt Cộng nhào vào, chị rút chốt ! Tiếng nổ kinh
hoàng cùng với xác thịt và máu của người nữ chiến sĩ vợ Nghĩa Quân cùng với 2
con nhỏ đã được đánh đổi với ba xác giặc tại vị trí tử thủ. Anh Hùng ôm xác vợ
con vào lòng và như chết lịm ! Bên ngoài xác giặc thù nằm ngỗn ngang khắp
nơi… ! Sự hy sinh của chị Thàng đã cứu sống được tất cả những thương binh
Nghĩa Quân cùng vợ con các anh, nhưng trên hết là cứu sống chính sinh mạng của
người chồng mà chị yêu thương đậm tình nghĩa Phu Thê . Những viên đạn Carbine
và 15 trái lựu đạn của chị đã đóng góp vào sự tồn tại kỳ diệu của đồn Giồng
Ðình.Một người lính chuyên nghiệp và thiện chiến nhất cũng chỉ làm được đến ngần
ấy. Nếu cái lô cốt thứ ba không đứng vững, thì chắc chắn tất cả sinh mạng Nghĩa
Quân và vợ con của đồng Giồng Ðình đều sẽ chết hết… ! Ôi, … những người vợ
của lính trong thời chinh chiến khói lửa: Chị Phạm Thị Thàng, chị Trần Thị Tâm,
chị Thạch Thị Ðịnh, chị Bùi Thị Xiếu, chị Am Reng và còn nhiều nữa trên khắp
chiến trường miền Nam… Những người vợ Lính đã cùng chia sẻ với chồng những nỗi
bất trắc, hiểm nguy trên chiến địa từ ở một góc hầm tối tăm, một chiếc ghế bố
cũ, vài cái nồi, chảo nhem nhuốc, những cái chén sành và những đôi đũa tre mộc
mạc, cùng tiếng cười của lũ trẻ thơ cũng đủ làm nên thành niềm hạnh phúc vĩ đại
của những người vợ lính trong cái khó nghèo, hiểm nguy bủa vây … Nhưng trên hết
là dòng máu anh hùng của nòi giống Việt đã hun đúc nên khí tiết của phụ nữ Việt
còn luân lưu trong trong lịch sử chiến đấu không ngừng vì bảo quốc, thù nhà
trong cơn binh đao đã có Nữ Nhi Chinh Chiến Kỷ Nhân Hồi.
Phạm Phong Dinh