10 April 2021

SỐNG NHƯ LẦN NỮA - Sun Yata

Có bao giờ bạn trải qua cảm giác này chưa? Mà chắc là rồi: Bạn soạn sành, sắp xếp lại sách vở, hoặc đem sách ra khỏi thùng để giải ẩm, bỗng dưng bạn gặp lại một tựa đề từng quen, và nhớ rằng mình đã đọc quyển ấy từ lâu lắc xa xưa. Bây giờ lướt lại vài trang –và do đó buổi soạn sách của bạn bị đình chỉ ít nhất một ngày– tim bạn khẽ rộn ràng khi bắt gặp vài đoạn văn đằm thắm mà mãnh liệt, mãnh liệt vì chúng lập tức lôi bạn tuốt trở về hơn nửa thế kỷ trước.

Khẽ rộn ràng như vậy, rồi sau đó tôi xao xuyến nhớ lại lần đầu làm quen với những đoạn trích mà cô giáo đọc cho nghe hồi thời học lớp 3. Nhớ lại phòng học nhỏ xíu, hẹp, dài, và nóng, với cô giáo lúc nào cũng rịn mồ hôi ở màng tang, cô giáo với cây thước kẻ vuông, bằng nhựa trong suốt…

Cô đọc vài đoạn văn. Với học trò lớp 3 thì không hiểu hết văn chương của những cây bút lỗi lạc đâu, nhưng chữ nghĩa, nhất là không khí của những đoạn hay đẹp ấy, đã âm thầm ghi lại dấu ấn của chúng. Tấm lòng của học trò đã nhiễm phải những cái hay cái đẹp như phiến trinh bạch nhuộm màu. Rồi quên. Tưởng đã quên. Để hơn nửa thế kỷ sau tình cờ gặp lại thật se sắt tâm can, khi đó là…“…ngày đẹp nhất buổi cuối mùa thu. Không khí thật sắc, thật trong, nhưng nắng vẫn còn nóng và trời không mây. Ta nghe tiếng chim sáo bay trong đám cây bách xù. Một con thỏ rừng màu hung ngạc nhiên dừng chân giữa vùng đất truông gai, rồi nhảy phóc thật mạnh sải nhanh sát đất. Lũ quạ gọi nhau; có tìm chúng thì cũng không thấy đâu. Có thể nói rằng đó là sành sứ xanh lơ của bầu trời rạng vỡ. Trong đám giậu trụi lá, những trái của cây tầm xuân đã mềm và dịu vì đẫm sương đêm.” (trang 177)Gặp lại những đoạn văn như vậy, mà ngày xưa ta từng nghe cô giáo giảng, hoặc đọc viết chính tả, làm sao mà không khiến ta xao xuyến?

Tất nhiên tôi không dám tự cho rằng mình đã lột tả được hết cái ‘nhã’ khi dịch văn của Giono. Nếu chỉ được cái ‘tín’ thì đã là khá rồi. Bởi vì văn Giono là một thách thức cho người dịch. Không, văn của ông không khó hiểu như văn của James Joyce với Ulysses, cũng không phải kiểu mệnh đề nhỏ lồng trong mệnh đề lớn, rồi lại lồng trong các câu dài cả trang giấy kiểu như Marcel Proust khi ông đi tìm ‘thời gian đã mất’. Văn của Giono bình dân, loại bình dân thôn dã, chứ không bình dân phố thị như Simenon. Thể hiện lại cái khẩu khí bình dân đã là khó cho người dịch, ngoài ra văn của Giono còn rất địa phương, cái địa phương Manosque mà nhà văn sinh ra, lớn lên, và qua đời ở đó, mà chưa hề rời khỏi. Mà không chỉ từ ngữ địa phương… bình thường, Giono dùng tiếng lóng, loại tiếng lóng cách nay hơn thế kỷ, mà ngay cả người Pháp đương đại cũng khó mà hiểu hết. Tôi có vài người bạn ở Lyon, tôi đem những tiếng từ này hỏi họ. Họ thú nhận là không hiểu, bảo rằng ‘Để tao hỏi ba tao, may ra…’Còn lại thì những tiếng từ phổ thông cũng khó dịch, không phải vì chúng khó hiểu, mà vì chúng giàu nghĩa quá. Ngay cái tựa đề của tác phẩm. Trong tiếng Pháp, nghĩa đầu tiên của Regain là loại cỏ dại mọc trở lại sau khi nông dân đã gặt xong. Nghĩa thứ hai là sự cánh sinh của một vùng đất mỏi. Nghĩa thứ ba mở rộng từ nghĩa thứ hai, nói về sự phục hồi, chẳng hạn như phục hồi sức khoẻ sau cơn bạo bệnh. Nhưng đọc tác phẩm, ta biết là ‘hổng phải vậy đâu’, khi bắt gặp thân phận đớn đau của những nhân vật, mà nếu không có Giono, lẽ ra họ đã lặng lẽ tàn phai ở miền đồi núi vùng sâu nghiệt ngã. Những thân phận ấy tưởng đã bị đóng đinh rồi, nhưng một phần nhờ sức bật của họ, một phần do tình cờ (chăng?), mà họ sống lại, làm lại, hay nối lại ước mơ dang dở một cách được chăng hay chớ. Nhìn chung, là họ ngẫu nhiên sống thêm lần nữa.

Chính vì vậy mà tôi chọn dịch ‘Regain’ là ‘sống như lần nữa’.Thật ra trong số cư dân của cái làng quê bé xíu đang bám víu cộng sinh ở sườn cheo leo đồi núi ấy, vẻ như chỉ có chàng Panturle lực lưỡng và nàng Arsule hoa dại là thực hiện được ước mơ tại bước ngoặt của cuộc đời. Còn thì tất cả cư dân đều không gặt hái được gì vui. Dân làng bắt đầu bỏ đi sau khi ông thợ đào bị cát chôn dưới giếng; vợ ông trở thành nửa tỉnh nửa rồ, để dân làng xem như mụ phù thủy dị hợm một cách cô đơn. Nhưng ai mà chẳng cô đơn trong làng quê đó nhỉ, như lão ông thợ rèn, yêu nghề đến mức khi buộc lòng rời khỏi làng, bỏ lại nguyên cả cơ ngơi, thì vật duy nhất ông muốn mang theo là cái đe; đe nặng đến nỗi ông không thể tự khiêng, mà phải nhờ Panturle đèo giúp. Cô đơn như mụ ‘phù thủy’, cô đơn như chàng thợ săn Panturle phải luôn độc thoại (trước khi gặp Arsule). Hoặc cô đơn như nàng Arsule, mặc dù phải sánh đôi với ông thợ mài dao để kéo chiếc máy mài qua truông cỏ.

Khuôn khổ bài này không cho phép tôi nói hết những điều thú vị của tác phẩm, chỉ nêu lên rằng xuyên suốt là khát vọng sống của các nhân vật, mà họ không đủ chữ nghĩa đến nói ra. Regain không phải là tác phẩm trữ tình hay lãng mạn theo nghĩa mà chúng ta từng gặp. Mà là bối cảnh của bản năng. Bản năng sống, sống còn, và tính dục. Mặc dù sặc mùi mồ hôi (nói chính xác là phéromone), Regain dung, nhưng không tục.

Chẳng hạn“Luồn vào áo cánh của nàng, luồng gió cứ như đi vào nhà mình. Gió chảy giữa hai bờ ngực, xuống tới bụng như một bàn tay; gió trôi giữa hai đùi, gió sũng hết cả hai, gió như tắm mát nàng. Hông và thắt lưng nàng đẫm những gió là gió. Cơ thể nàng cảm được gió, mát, vâng, nhưng cũng ấm áp như đầy những hoa, toàn những nhồn nhột, tựa rằng ai đó phẩy vào người nàng bằng những lọn rơm.” (trang 60)Vừa rồi là lúc mà Arsule tạm rũ khỏi đôi vai ê ẩm những sợi đai kéo chiếc xe gỗ chở máy mài dao, ngồi nghỉ ngơi giữa cao nguyên cao ngất cỏ bồng. Cơ thể của người phụ nữ mạnh mẽ này bỗng dưng lên tiếng, một loại ngôn ngữ mà nàng không tiện đặt tên.

Ngay từ những trang đầu tiên, Regain đã dành một sân chơi rộng rãi cho gió miền Nam, khi viết rằng “ Gió làm bầu trời dậy như biển, gió khiến trời sôi sục đen ngòm, nổi bọt như núi […] có những lúc, gió ấy lặn xuống, đè nặng cánh rừng, vụt lên con lộ và cuồn cuộn thắt lấy những bím bụi dài.”Nếu sử dụng gió để mô tả sức sống của các ước ao mãnh liệt như vậy thì hình tượng lắm, loại ngôn ngữ của những người muốn quật cường, là tiếng nói chung của Arsule và gã thợ săn Panturle cường tráng. Cả hai cơ thể bần bật ấy gặp nhau thật tình cờ, làm quen nhau thật lặng lẽ, không chút thô tục giữa bao bụi bặm và mùi vị một miền quê bị lãng quên. Nồng nàn một cách đằm thắm, để rồi“Anh đang đứng trước đồng ruộng của mình. Anh cúi xuống. Anh vón lấy một nắm đất thịt ấy, đất có nhiều gió và đất đã mang mầm.”

Bạn cảm được điều đó không?

SUN YATA