Mỗi tháng Tư về, những người con Việt Nam tha hương như bị
rơi vào hố khủng hoảng, những mộng mị đã trải qua sau 75, bị đi kinh tế mới hay
nỗi hãi hùng khi vượt biển trước khi đến bến bờ tự do. Nhiều chuyện cũng phôi
pha theo thời gian nhưng có những chuyện vẫn khắc sâu vào tâm khảm không thể
nào quên.
Tôi cũng không ngoại lệ, lớn tuổi rồi nên cũng đã buông bỏ được nhiều hỉ nộ ái ố
cuộc đời, có cái mình tự buông, có chuyện thì trí nhớ như đám mây mù bảng lảng,
lúc nhớ lúc quên. Nhưng rồi có vài mảnh đời trong quá khứ, chợt hiện lên mồn một
như mới xảy vào hôm qua. Thôi thì ghi lại một lần để khép lại một trang đời
chơi vơi buồn bã. Những quyết định xé lòng người khi phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt
rốn, xa hết người thân yêu không mong một lần gặp lại. Đau lòng lắm chứ nhưng
quê hương đã không cho mình một nơi chốn dung thân. Một lần đi là một lần vĩnh
biệt!
Cô gái ấy rời khỏi Việt Nam trong chuyến vượt biên định mệnh cuối cùng, một
mình.
Lẽ ra nàng cũng muốn yên thân sau khi đất nước thống nhất một mối. Nhưng số cô
truân chuyên, năm 76 đậu vào ĐHSP ban Anh Văn, học chỉ được nửa năm thì nhận được
tờ quyết định cho nghỉ học vì lý lịch bằng giấy pelure xanh mỏng tanh mà thay đổi
một phận người. Cô không bỏ cuộc, về lại địa phương miệt mài đi lao động rồi
sang năm thi lại CĐSP AV, xong hai năm học nàng cũng không được bổ nhiệm vì lý
lịch. Biết không còn đất dung thân trên chính quê hương mình nên cô và các em
đã mơ đến một phương trời xa.
Mấy chuyến trước cô từng đi chung với các em của mình, bị bắt, bị bể. Cô đã từng
bị giam ở Lao Thừa Phủ, từng chạy thục mạng đến bong cả da chân dọc theo bờ cát
nóng đầy cây xương rồng ngoài cửa Tùng, cửa Việt, và suýt chết trong một chuyến
đi bị bể ở Thuận An!!!
Cô được một bé gái đưa ra tàu lớn bằng chiếc xuồng nhỏ, không ngờ bị lộ, công
an đã phục kích đầy trên tàu. Nhờ có người la lên nên cô bé xoay mũi xuồng và
chèo lại vô bờ. Đêm 30 tối đen như mực, mái chèo khua tạo nên một làn lân tinh
sáng loáng nên công an bắn súng theo. Tiếng đạn bắn chiu chíu trên đầu, cô cúi
rạp xuống thuyền nghĩ rằng chắc đợt ni khó qua khỏi. Cô bé chèo thuyền vẫn mải
miết, gần đến bờ, có lẽ cô sợ nếu có nàng là cô bị liên lụy nên cô đạp xuồng
dìm nàng xuống nước và thoát thân một mình.
May sao, hồi nhỏ ở nhà Ngoại, đã từng bơi qua lại sông Hương và cồn Hến như rái
nên cô trồi lên và cật lực bám theo vệt nước loang loáng đằng trước. Lên đến bờ
vì quen địa hình nên cô bé lủi mất để cô đứng lơ ngơ giữa đêm đen không biết
đây là chốn nào. Định thần một lát, cô thấy có bóng đèn xa xa nên đi lần tới.
Tiếng đàn bà ru con ầu ơ trong nhà, cô đánh liều bước vào thú thật là vượt biên
bị bể và xin trú nhờ. Người đàn bà nhân hậu đó đã nhen bếp lửa củi để cô hong
khô quần áo. Ngoài đường tiếng súng ống lẻng xẻng, du kích chạy rầm rập, tiếng
chó sủa tạo nên một âm thanh hỗn loạn. Người phụ nữ vẫn bình tĩnh nói với cô:
Em ngồi hong khô áo quần đi, nếu tụi nó vào soát nhà thì em vào giường ôn mà nằm,
để tui lo cho. Bấy giờ cô mới để ý đến cái giường có giăng mùng ở gian bên. Chị
đàn bà vẫn ầu ơ ru con cho đến khi ngoài đường lặng im. Tờ mờ sáng, chị đưa cho
cô một cái nón rách và bảo đi theo để chị đưa ra bến đò qua Thuận An lên Huế lại.
Chuyến đó, một em gái cô bị bắt vì cá nhỏ đưa lên tàu sớm quá, cậu em trai út
thoát được ở cửa Tư Hiền khi chủ tàu lên trình giấy tờ và bị tình nghi.
Lần cuối cùng là một chị hàng xóm quen, buôn bán hàng máy móc ở chợ trời Tây Lộc
về báo tin có chuyến đi chắc chắn nhưng chỉ còn một chỗ và phải đi liền. Theo ước
hẹn, cô về đứng gần nhà máy xay gạo ông Cúc, tay cầm cái nón, nghe xe máy nào dừng
lại, bấm 3 tiếng còi là tự động leo lên không biết người dẫn đường là ai, phó mặc
cuộc đời đưa đẩy đi bất cứ nơi đâu.
Qua đò Thuận An, về đến thôn Hoà Duân, được ém trong nhà một đêm để sáng mai đi
sớm. May sao, người tổ chức chuyến đi là vợ chồng anh Lợi chị Anh, giáo viên và
bạn thân dạy cùng trường với chị đầu của cô. Chuyến đi này khác hẳn những chuyến
vượt biên thường tình khác vì đi vào buổi sáng lúc thanh thiên bạch nhật.
Kể ra thì cũng ly kỳ! Người tổ chức và ghe là của gia đình anh Lợi. Vì anh muốn
đưa vợ và hai con trai cùng cậu em đi nên kế hoạch phải bảo đảm an toàn tuyệt đối
với sự góp sức của một ông già khá giả trong làng để gởi gắm cô con dâu và cháu
nội. Con trai của ông đã sang đến Mỹ hơn năm rồi, sợ lâu thì anh ấy thay lòng đổi
dạ lấy Tây lấy Mỹ nên gấp rút đưa con dâu và cháu nội sang.
Vì sao phải đi ban ngày? Hồi đó phong trào vượt biên nở rộ, bờ biển được canh
phòng cẩn mật nên khó đi thoát ngoại trừ mua bãi. Ông già và vài người khác lập
mưu phao tin đêm đó có chuyến vượt biên nên du kích, công an ra đi tuần cả đêm,
gần sáng mỏi mệt lết vô thì ngang nhà thấy ông đang làm thịt con chó sẵn tiện mời
mấy chú ghé nhậu chơi. Khi thấy đủ mặt bá quan văn võ của đội đi tuần thì ông
cho cô con dâu bồng con đi báo và lên thuyền luôn. Và cũng vì đi ban ngày nên
có nhiều người đi hôi chật cứng cả ghe. Ra khỏi bờ một đoạn người ta mới bốc bớt
những người đi hôi thả xuống biển cùng với một chiếc xuồng con để chèo vào.
Thuyền an toàn ra khỏi cửa biển và đi mấy tiếng thì ra khỏi hải phận quốc tế, bấy
giờ mọi người mới nhẹ nhõm và bàn tán râm ran. Cô được ngồi chung với gia đình
chủ tàu, ăn uống thì khỏi lo nhưng mới đi được mấy tiếng là cô đã mửa ra mật
xanh mật vàng. Thuyền đi được hai ngày thì gặp bão. Những con sóng lớn nhồi chiếc
thuyền con như mèo vờn chuột. Ngọn sóng cao mấy thước tưởng chừng ập xuống là sẽ
nhấn chìm tất cả vào lòng đại dương. Vậy mà không, con thuyền vẫn nhấp nhô trên
mặt biển mặc cho mọi người nằm la liệt trên sàn, ói mửa vào nhau, chú thợ máy
hét đến khản cổ để điều động một số thanh niên múc nước tát liên tục. Đến khuya
bão lặng, mọi người nằm im tạm nghỉ đôi chút. Sáng ra, anh thuyền trưởng định
hướng lại để tiếp tục cuộc hành trình thì mới khám phá ra cái la bàn không điều
chỉnh được. Người tổ chức đã mua nhầm cái la bàn dổm đưa ra phía nào cũng chỉ
hướng Nam cả.
Khi hiểu ra thì đã muộn, thuyền đã ra đến vùng biển nước màu tím thẫm, thả neo
không đụng đáy. Chủ thuyền là anh giáo viên tin mình đọc được la bàn là ổn chứ
không có kinh nghiệm đi khơi xa. Thợ máy thì có mà dân đi biển nhà nghề kinh
nghiệm thì không. Con thuyền khi đó như một ngọn lá tre giữa biển cả mênh mông.
Nhìn thấp thoáng xa xa như có con tàu lớn nên hy vọng lái tới gần để được cứu vớt.
Đến gần thì đó là một trạm khai thác dầu của Trung cọng (vì nhìn thấy nhiều người
đội nón có sao vàng trên đầu). Khi đến gần thì trên tàu phun vòi rồng xua đuổi,
trong cái cảnh chín phần chết một phần sống, nước vòi rồng phun trúng thì chìm
thuyền là cái chắc. Hắn nhìn thấy những chuyên gia người ngoại quốc đứng ở bong
tàu làm dấu thánh giá là hiểu rồi. Đành phải lùi ra xa, mất phương hướng giữa
biển cả mênh mông, thả neo lờ lững vì chạy nữa thì sợ hết nhiên liệu. Mọi người
trên thuyền khi đó lặng im vì tình hình bế tắc, bi đát không lối thoát. Có một
bà mẹ trẻ kiếm đoạn dây dài cột chặt tay của mình và ba đứa con nhỏ để có chết
thì chết chung cả mẹ lẫn con, bà nói. Cô chỉ cảm thấy bình thản. Ừ, may mà mình
đi một mình, có chết cũng không sao, chứ dẫn theo em út thì có phải ân hận
không?
Con thuyền thả neo giữa biển hơn một tiếng đồng hồ thì bỗng đâu một đàn cá heo
lượn đến bơi giỡn trước mũi thuyền, bên hông thuyền rồi lòn qua lòn lại dưới
đáy thuyền. Những con cá heo khổng lồ, tưởng chừng chỉ cần hắn đội lưng lên là
lật thuyền. Đàn cá heo bơi lượn khoảng 15 phút xong rồi tự dưng xếp hàng theo một
hướng, trước mũi thuyền, sau đuôi thuyền, hai bên hông thuyền. Mấy người miền
biển tin rằng cá heo đem điềm lành đến nên nổ máy đi theo hướng cá heo đã vạch.
Chạy hú họa như vậy đâu cũng gần một tiếng bỗng dưng đàn cá heo lặn đâu mất
tiêu không còn một con. Mọi người hoang mang, lại tắt động cơ và thả neo để con
thuyền lênh đênh trên mặt biển.
Một lúc lâu sau, mọi người thấy xuất hiện một tàu đánh cá xa xa. Khi tới gần
thì ngư dân biết là thuyền bị nạn vì không nổ máy và người say sóng nằm la liệt
dọc ngang. Sau một hồi, tàu đánh cá thả xuống biển hai túi bóng lớn, một cái chứa
mấy can dầu và túi kia có lẽ là thức ăn xong rồi đi mất. Mọi người trên thuyền
bàn bạc với nhau. Nếu chèo tới lấy hai túi bóng cứu trợ thì cũng chỉ sống thêm
mấy ngày, lấy dầu thì cũng chẳng biết chạy hướng nào mà những người trên tàu
đánh cá sẽ an tâm và không cứu giúp mình nữa. Vì vậy nên mọi người cứ nằm yên
chờ đợi và không nổ máy. Hai túi bóng cứ trôi dập dềnh mỗi lúc một xa.
Quả thật, vài tiếng sau, chiếc tàu đánh cá quay trở lại và ngạc nhiên khi thấy
đồ cứu trợ vẫn còn trên biển. Họ cố gắng tiến lại gần để tìm hiểu nguyên nhân,
họ là những người Hoa nói tiếng Cantonese. Trên thuyền thì không có ai biết tiếng
Hoa, chỉ có một mình hắn biết tiếng Anh mà thôi nên anh trưởng thuyền nói hắn
trình bày hoàn cảnh hiện tại và xin cứu giúp. Gió biển rạt rào và khoảng cách
giữa tàu và thuyền quá xa nên nói không ai nghe ai được. Cuối cùng, họ ra hiệu
thả dây xuống đưa cô lên tàu để nói chuyện. Cô sợ không dám lên một mình thì
anh trưởng thuyền cử thêm 1 anh thanh niên lên chung với cô. May sao, ông chủ
tàu đánh cá có cô con gái đi theo phụ việc nhân dịp nghỉ hè nên biết nói tiếng
Anh. Sau khi trình bày, ông hỏi trên thuyền có bao nhiêu người. Con số 52 người
làm ông sững sờ. Ông nói vừa mới ra khơi cho chuyến đi đánh cá 1 tháng nên
không thể cứu giúp được nhưng ông sẽ cho người sửa máy (cô bịa là máy hư), cho
lương thực, dầu và la bàn để có thể tự đi đến Hồng Kông.
Khi hai người thanh niên từ tàu ông mang đồ nghề lái xuồng nhỏ để sửa máy thì
cô hoảng hồn, cô dùng hết sức bình sinh gào lên báo cho người trên thuyền biết
để tìm cách tạm hủy máy. Anh thợ máy lành nghề không biết làm cách nào mà hai cậu
kỹ thuật viên mày mò cả tiếng đồng hồ vẫn không sửa được cho máy nổ. Khi trở lại
báo tin xấu thì ông chủ tàu suy nghĩ lung lắm. Ông nhờ cô con gái giải thích
cho cô biết là cả tàu đánh cá của ông chỉ có 8 người: Ông, cậu con trai, cô con
gái và thêm 5 bạn đi nghề thôi. Ông không thể đem 52 người lên tàu ông được.
Sau một hồi thảo luận, ông bằng lòng chỉ cho phụ nữ và trẻ em lên tàu và buộc
cô phải cam đoan an toàn, không cho phép người nào bén mảng đến khoang tàu của
gia đình ông. Cô có trách nhiệm phải quản lý gần 30 người đàn bà con nít. Ông
cung cấp gạo và cá, cô phải nấu cơm kho cá cho 52 người ăn nên năn nỉ ông xin
thêm 1 cô gái chung thuyền phụ việc cho mình. Nấu xong chia đôi rồi phải thòng
xuống cho mấy người đàn ông còn lại dưới thuyền. Tàu trực chỉ Hồng Kong kéo
theo chiếc thuyền, đến nửa đêm cô nghe tiếng kêu gào tên mình: "Chị Sương
ơi! Cứu tụi tui với, tụi tui sắp chết rồi!"
Thì ra, với vận tốc của tàu khi kéo theo chiếc thuyền nhỏ, con thuyền tròng
trành lắc lư với vận tốc nhanh nên mọi người xâm xoàng, say sóng, mửa cả mật
xanh mật vàng. Lại đi tìm ông chủ tàu thương lượng, xin ông cho mấy người thanh
niên lên tàu và nói ông chủ thuyền của cô là một thầy giáo, có đem theo vợ và
con nhỏ, sẵn sàng kết hợp với cô để giữ kỷ luật trên tàu.
Rồi ông cũng xiêu lòng, giăng dây trên bong, nhích đám đàn bà con nít vào sâu
trong một tí, nhường phía bên ngoài cho đám đàn ông. Cô lại phải giải thích với
anh trưởng thuyền để nhờ anh kết hợp giùm. Sau khi đưa hết mọi người lên tàu
thì ông xả hết tốc lực trực chỉ Hồng Kong. Ba ngày sau thì đến trạm hải cảnh, tất
cả mọi người được đưa lên xà lan nổi ở tạm. Cả gia đình ông chủ tàu đánh cá
cũng bị tạm giữ để lấy cung vì họ sợ ông tổ chức đưa di dân lậu lấy tiền.
Ngày thuyền cô đến Hồng Kong (tháng 6, 1983) cũng là giai đoạn chính phủ bắt những
dân tị nạn VN phải vào ở trại tù (closed camp) ở đảo Chimawan thay vì ở tự do
và được phép đi làm việc ở trại Argyle (open camp).
Cũng chính vì vậy mà các đoàn báo chí đến tìm hiểu và cô được phỏng vấn ngay
ngày đầu tiên vì biết tiếng Anh. Đại khái họ hỏi là lý do nào cô phải rời bỏ
quê hương, cô có biết khi đến HongKong là phải ở trại tù không và cô mong ước
gì cho tương lai.
Cô trả lời với phái đoàn CBS News và sau đó bản tin được phát đi bởi
broadcaster nổi tiếng thời ấy là ông Dan Rather. Khi cô trả lời là vì muốn đi
tìm tự do để có thể học hành, làm việc theo khả năng mình mà không bị giới hạn
bởi sự trù dập xét theo lý lịch của chính quyền mới. Và tuy biết qua đây sẽ bị
giam giữ trong trại tù trước khi được nước thứ ba nhận cho tỵ nạn nhưng cô vẫn
bằng lòng đánh đổi để có thể tự do tiếp tục học hành theo ý muốn.
Sau này cô mới biết bản tin được phát đi khắp thế giới. Một người chị ở Mỹ và một
người bạn ở Đức đã nghe bản tin và thấy cô trên TV. Và cuộc đời cô đổi thay qua
lần phỏng vấn định mệnh đó. Một giáo sư người Mỹ đang giảng dạy ở Alberta
University môn Chính trị Xã hội học cũng đã xem bản tin đó và có ý muốn giúp đỡ
cô định cư để tiếp tục việc học hành. Ông đã gởi thư về ban giám đốc trại hỏi
xem cô có muốn đi Canada không thì ông sẽ bảo lãnh. Vì nôn nóng đi định cư ở nước
thứ 3 càng sớm càng tốt để làm lại cuộc đời nên cô bằng lòng. Thư qua tin lại rồi
cũng đến ngày cô đến được Canada tại thành phố Edmonton thủ phủ của tỉnh
Alberta.
Sáu tháng đầu cô được đi học Anh Văn để hội nhập. Xong rồi cô kiếm việc làm, lập
gia đình, sinh con và có một cuộc sống hạnh phúc ở Canada - A truely paradise -
Một đất nước yên bình.
Những tháng ngày ẩn mình ở trại tỵ nạn, cô khắc khoải nhớ thương những người
còn ở lại và không bao giờ có hy vọng được gặp lại người thân yêu trong gia
đình. Cô liên tục viết thư về cho người mẹ yêu quý đã hy sinh cả cuộc đời cho bầy
con. Cô viết cho mấy đứa em tương lai bất định vì không được học hành. Đã lý lịch
của Ba rồi thêm chị vượt biên thì mong chi mà vào đại học. Cô còn nhớ trong những
lá thư viết về bao giờ cũng là nỗi nhớ quắt quay.
... Nằm ngửa nhớ nhà
Nằm nghiêng nhớ mạ
Nôn nao ngồi dậy
Nhớ hết mọi người ...
Mạ cô xót lắm nhưng đây là quyết định sinh tử đổi đời mà cô tự chọn. Cô tưởng
trải qua bao cam go, tù tội chắc hẳn cứng cỏi, can trường hơn. Nhưng không, cô
vẫn hiện thân là một cô bé mẫn cảm, dễ dàng rơi nước mắt khi thấy con ve ve bị
tụi bạn nghịch chơi ngắt trụi cánh.
...Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!
(Phạm Hữu Quang )
Cô gái nhỏ bé đó, bao nhiêu năm qua vẫn không quên được cái chết oan khuất của
Cha mình, mỗi lần Tết đến là cô đã khóc thầm ướt bao nhiêu gối, vết thương
trong lòng cô chưa bao giờ lành. May sau này người chồng khuyến khích cô viết lại
câu chuyện "Đi Tìm Xác Ba" như một liệu trình chữa bệnh và quả thật công
hiệu. Giờ vết thương của cô đã thành sẹo!
Một hình ảnh đã khắc sâu trong tâm khảm cô mãi mãi trên đường vượt biển là sau
khi đưa hết những người từ thuyền nhỏ lên tàu lớn, ông chủ tàu đánh cá đã ra
boong cúng vái và tự tay thả xuống biển những tờ giấy cúng như hình nhân thế mạng
cho 52 người ông đã giành giựt từ tay thủy thần. Người đàn bà đã từng cột tay
mình và 3 đứa con để cùng chết chung cũng quỳ xuống dưới chân ông và dâng hai
tay một số nữ trang đem theo như một lời cám ơn cứu mạng. Ông từ chối không nhận
một món quà nào hết.
Đến bây giờ lòng cô vẫn luôn ân hận đã không hỏi rõ tên ông để liên lạc sau
này. Mỗi đêm tụng kinh và nguyện cầu trước khi ngủ, cô luôn cầu mong gia đình
ông hưởng được phước lành cho cái ơn cứu mạng không biển trời nào sánh được. Những
người đi chung thuyền sau này đã cám ơn cô, nói nhờ cô biết tiếng Anh nên cả
thuyền được cứu vớt. Riêng cô, luôn nhớ đến ông chủ tàu người Hồng Kong như một
ông Bụt, một Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ra cứu độ cho 52 mạng người đã lâm đến bước
đường cùng. Cô cũng nghĩ rằng có một bàn tay siêu nhiên huyền bí nào đó đã phù
hộ mình và mọi người đến bến bờ tự do, vượt qua bao giai đoạn nằm chờ chết
trong vô vọng. Cô nhớ đến ba, biết đâu ông linh thiêng ở cõi vô hình, dõi theo
đứa con gái bé bỏng ông rất đỗi thương yêu đang gặp nạn. Không dưng mà đàn cá
heo lại dẫn dắt con thuyền nhỏ của cô đến nơi các tàu đánh cá hay qua lại.
Không dưng mà cô con gái ông chủ tàu biết tiếng Anh lại theo gia đình đi biển một
chuyến cho biết để có thể làm sợi dây liên lạc giữa ba mình và cô.
Sống mỗi ngày, mỗi giờ, cô tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với ân huệ được gặp
trên đường vượt biển và đường đời. Có lẽ người cha đã chết oan ức năm Mậu Thân
luôn dõi theo và phù hộ cho cô?!?
Cuộc đời cô còn trải qua những cuộc tử sinh vì bệnh tật sau này nữa nhưng rồi
cũng vượt qua hết.
Vì thế, cô sống thật nhẹ nhàng. Được mất hơn thua không còn ý nghĩa chi đối với
cô cả. Sống khiêm tốn, ăn mặc đơn giản, niềm vui là thỉnh thoảng giúp được người
này một ít, người kia một ít. Những cảnh đời bất hạnh vẫn đầy rẫy quanh đây. Cô
thấy mình đã nhận được đầy ơn phước để vượt qua mọi nghịch cảnh, cô biết mình
may mắn hơn người để có được một cuộc sống bình an như hôm nay nhưng trong thâm
tâm vẫn là một người di tản buồn như lời bài hát của nhạc sĩ Nam Lộc mỗi tháng
Tư về.
" ... Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa...
Tháng Tư nhìn lại.
Susan Nguyen