NHẶT KHOAN CHO NGÀY SINH NHẬT
Cho ngày 20-12.
Hãy thổi tắt dùm ngọn nến vàng
Cho qua cơn bão giông ngày ập tới
Khai sinh ta, trở lại tháng ngày vui
Lửng lơ trôi trên dòng sông chảy mãi
Khai sinh ta, trở lại tháng con người
Bắt đầu niên kỷ xanh diệu vợi
Ta khai sinh ta, về với nụ cười
Dù vì em, héo khô ta một dạo
Nay cõi tình xanh bay đậu trong tôi
Trên vuông chiếu em trải mềm dưới gối
Mùi gối thơm, ngải cứu của đời
Bừng tỉnh những mộng đầy huyễn ảo
Bừng mắt trông vời vời nghiệp kiếp
Cõi ngàn xưa gầy dựng cơ ngơi
Mắt đắm em trùng trùng điệp điệp
Với cơ man phù thủy quanh tôi
Em phù thủy, nên (ta) đành mắc đọa
Ta phù sinh trả Nghiệp cho người
Gặp gỡ nhau cuối trời xa lạ
Ràng rịt đời bằng sợi chỉ trời ơi
Mai ta sẽ bước ra và sẽ khóc
Tiếng o oe âm điệu khai mừng
Ta quẳng gánh giữa muôn trùng khó nhọc
Khai sinh ta làm lại cuộc con người
Em có phải? (em sau hay em trước)
Em là em anh gầy guộc đi tìm
Và bỗng thấy bên góc đời đơn độc
Có em nằm vuông chiếu trải quanh tim
Góc trời ấy anh cùng nằm xuống chiếu
Trời bỗng dưng tỏa sáng ánh dị thường
Khu vườn nhỏ với kỳ hoa dị thảo
Ta cựa mình ôm ấp dáng người thương
Đó là những đêm ngời trăng loáng bạc
Trời bên em sáng đượm một mùi hương
Con cá quẫy dưới mặt hồ ngọc thạch
Anh mềm trong hơi ấm của môi hường
Mai khai sinh ta những vần thơ mới
Có em cùng đứng đó tựa bên hiên
Ta huýt sáo kêu con người trở lại
Vui cùng ta trải ấm khắp mọi miền
Huớ em tôi, những ngày tình với Nẫu
Những ngày tình chan chứa nụ hương quê
Những ngày tình trở về như máu thịt
Chan hòa em rộng bước dưới trăng thề
Huớ em tôi, hãy bỏ xa tiền kiếp
Nghiệp xưa anh đã trả hết nợ nần
Vay ngắn hạn giữa bộn bề trời đất
Xin ta cùng tay ngoéo chớ phân vân
Huớ em tôi, mùa xuân xanh lại đến
Riêng một góc trời ta sống cùng nhau
Vuông chiếu em và tôi cùng vá lại
Khâu cho lành những vết tích thương đau
Huớ em tôi, ngày mai anh sinh ra
Anh dài hơi lên tiếng huớ con người
Loài người đã dang tay ra nhận lấy
Hình hài anh như thuở mới ra đời
Huớ em tôi, không quay lui lại nữa
Chỉ còn nghe thầm thĩ tiếng chim uyên
Đang đậu giữa vườn uyên ương mộng thực
Và bài ca tình tự của chim hiền
Loài chim lạ, anh và em đó nhé
Ta cùng nhau ngậm ngải để tìm trầm
Trầm hương ngực em, ngải vai anh rộng
Ta hòa mình trầm ngải một đời nhau
Ta hòa mình trầm ngải suốt đời nhau…
(Anaheim, Calif, USA)
THỊT DA ẤY
Em nguyên vẹn bài thơ da thịt ấy
Rải xuống đời hy vọng cháy đam mê
Trong đêm tối lửa hồng hoang trổi dậy
Mịt mùng em thanh sắc cõi đi về
(Ta hoang tưởng có em trong đời sống
Bỗng cháy lòng ngự trị vết chim xưa)
Mưa mười tám khắc ghi lời thánh thiện
Chuỗi bình an ẩn hiện cuối dòng sông
Da thịt mướt như suối nguồn ẩn hiện
Một mùa xuân trổ nụ dáng thiên thần
Có một thuở anh qua cầu Tân Định
Thấy bướm vàng bay đầy ngõ em qua
Anh nhìn bướm ngẫn ngơ lòng đá tảng
Tỏ cùng em nồng mặn chút tình xa
Có một thuở anh qua Trương Minh Giảng
Thấy nhấp nhô da thịt hiện ngời ngời
Anh quýnh quáng trông người như Bùi Giáng
Đeo đá sầu điên loạn suốt canh thâu
Đến một lúc em bắt đầu hóa đá
Anh tàn xương trong trại cải tạo buồn
Ôi da thịt đã oằn mình thánh nữ
Khi trở về đành nắm lấy tay không
Thịt da ấy không còn riêng anh nữa
Mở toang hoang há hốc một mùi rêu
Yêu thục nữ thuở em mười tám tuổi
Đến bây giờ …còn nặng đến ngàn sau
Da thịt ấy thơm lừng nên nguyệt thẹn
Bao nhiêu năm nhớ mãi cội trăng rằm
KHI ANH CHÌA TAY RA
Khi anh chìa tay ra em không nắm lấy
Là lòng anh đau đớn biết bao nhiêu
Những mơ ước ban đầu tan biến
Đành lui về thế giới của cô liêu
Anh vẫn nói cầm tay anh thật chặt
Để dắt em về, vô thủy đến vô chung
Trong vùng riêng tư gió mưa cũng mặc
Lòng dặn lòng thương mãi…đến vô cùng
Anh không nắm được tay em bước qua bờ bến lạ
Là tan hoang một cõi đi về
Là một mình, một mình anh, lặng lẽ
Dựng lại đời… với bao nỗi nhiêu khê
Anh lạ hoắc và em cùng…lạ hoắc
Ta nhìn nhau như chưa biết bao giờ
Năm tháng cũ là một thời hoang tưởng
Giữa đời mình, ngày đó cũng trong mơ
Thôi thì thôi…những buộc ràng ngày cũ
Đã lặng nghe cánh cửa. Khép lại rồi
Một giấc mơ hoa…như là giấc mộng
Tan vào trong hơi thở của loài người
Thôi thì thôi. Xin em lần cuối
Như một lời chia biệt cuộc tình ta
Trần Yên Hòa