06 April 2021

VIẾT CHO AI? - Orhan Pamuk | Nguyễn thị Hải Hà chuyển ngữ

Orhan Pamuk, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2006

Ông viết cho ai? Hơn ba mươi năm lẻ – từ khi tôi trở thành nhà văn – đây là câu hỏi tôi nghe nhiều nhất, từ cả hai giới ký giả và độc giả. Động cơ của câu hỏi này tùy theo thời điểm và nơi chốn, cũng như mức độ tò mò, nhưng tất cả đều có chung một giọng nghi ngờ khinh khỉnh.

Vào giữa thập niên bảy mươi, khi tôi quyết định trở thành người viết văn, câu hỏi này phản ảnh một quan điểm khá phổ thông, nghệ thuật và văn chương là thứ xa xỉ mà một quốc gia nghèo nàn, không nằm trong cộng đồng Tây phương, đang gắng gượng gia nhập thời hiện đại, không đủ sức trang trải. Cũng có người đề nghị “một người có học vấn và văn hóa như ông” có thể phục vụ tổ quốc hữu hiệu hơn bằng cách làm bác sĩ để chống bệnh dịch hay làm kỹ sư để xây dựng cầu. (Jean-Paul Sartre đã củng cố quan niệm này vào đầu thập niên bảy mươi khi ông tuyên bố ông chẳng tham gia chuyện văn chương nếu ông có thể làm một nhà trí thức đấu tranh dành độc lập cho xứ Biafra.)

Về sau, những người nêu các câu hỏi này thường chỉ cố tìm hiểu là tôi hy vọng thành phần nào trong xã hội sẽ đọc và yêu thích tác phẩm của tôi. Tôi biết những câu hỏi này rất “nguy hiểm”, bởi vì nếu tôi không trả lời là, “tôi viết cho những người nghèo khổ nhất và kém may mắn nhất trong xã hội!” tôi sẽ bị cáo buộc là bảo vệ quyền lợi của giới địa chủ và giới trung lưu tiểu tư sản của Thổ Nhĩ Kỳ – dù rằng tôi vẫn luôn được nhắc nhở là bất cứ nhà văn nào có tư tưởng trong sạch và một tâm hồn nhân hậu tuyên bố là viết cho nông dân, công nhân, và những người cùng khổ có nghĩa là viết cho những người hầu như mù chữ. Những năm bảy mươi khi mẹ tôi hỏi tôi viết cho ai, qua giọng nói đầy vẻ buồn bã và lo lắng bà thật sự muốn hỏi tôi là, con sẽ làm gì để tự nuôi sống bản thân? và khi bạn tôi hỏi tôi viết cho ai, vẻ mỉa mai nhạo báng trong giọng nói của họ ngầm bảo chẳng có ai đi đọc một tác giả như tôi.

Trải qua ba mươi năm, tôi càng được nghe câu hỏi này thường xuyên hơn bao giờ. Điều này xảy ra là vì sách của tôi đã được chuyển ra bốn mươi ngôn ngữ. Đặc biệt là mười năm gần đây, những người phỏng vấn tôi, càng lúc càng nhiều hơn xưa, đã lo ngại là tôi có thể hiểu lầm ý của họ, vì thế họ có khuynh hướng hỏi thêm, “ông viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa là ông chỉ viết cho dân tộc của ông hay hiện nay ông hướng đến thị trường đọc rộng lớn hơn bằng bản dịch tác phẩm của ông?” Cho dù chúng ta đề cập vấn đề này trong nước hay ở hải ngoại, câu hỏi này luôn luôn được đi kèm bằng một nụ cười đầy vẻ nghi ngờ và khinh khỉnh, làm tôi phải đi đến kết luận là, nếu tôi muốn tác phẩm của tôi được chấp nhận là trung thực và chân chính, tôi phải trả lời, “Tôi chỉ viết cho dân tộc tôi.”

Trước khi chúng ta mổ xẻ câu hỏi này – bởi vì nó không chân thật mà cũng chẳng nhân đạo – chúng ta phải nhớ rằng một tác phẩm văn học được biết đến cùng lúc với sự xuất hiện và vươn lên của một quốc gia. Khi những tác phẩm lớn của thế kỷ thứ mười chín được viết ra, nghệ thuật văn học được trân trọng như là nghệ thuật của toàn quốc. Dickens, Dostoyevsky, và Tolstoy viết cho một giai cấp trung lưu vừa mới xuất hiện, người trong những tác phẩm của các tác giả này, có thể nhận ra mỗi thành phố, đường phố, nhà cửa, phòng ốc, ghế ngồi; nó (giai cấp trung lưu này) tận hưởng những lạc thú như thể đã hưởng thụ trong đời sống thật và thảo luận những ý tưởng giống nhau. Vào thế kỷ thứ mười chín, tác phẩm của những tác giả lớn xuất hiện trước tiên trong phần nghệ thuật và văn hóa đính kèm với tờ báo, để những tác giả này nói với toàn thể quốc gia. Qua giọng nói bằng văn học của họ chúng ta có thể nhận thấy sự bất an của những người yêu nước quan tâm đến vận mệnh quốc gia, mơ ước sâu đậm nhất của họ là làm cho quốc gia được thịnh vượng. Vào cuối thế kỷ mười chín, đọc và viết truyện là tham gia vào cuộc thảo luận của toàn quốc về những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc gia.

Nhưng ngày nay viết tiểu thuyết hay đọc tiểu thuyết mang một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Sự thay đổi đầu tiên đến vào phân nửa đầu của thế kỷ hai mươi, khi sự gắn bó của một tác phẩm văn học với chủ nghĩa hiện đại giúp tác phẩm này chiếm được địa vị trong sự cao quý của nghệ thuật. Cũng quan trọng như những thay đổi trong ngành truyền thông chúng ta đã nhìn thấy trong khoảng ba mươi năm vừa qua: trong thời đại truyền thông toàn cầu, nhà văn không còn là người lên tiếng đầu tiên cũng không là giai cấp trung lưu độc nhất trong quốc gia của họ, mà chỉ là những người có thể nói, và nói tức khắc, với độc giả “văn chương” trên toàn thế giới. Độc giả văn chương hôm nay chờ một quyển sách mới của Garcia, Marquez, Coetzee, hay Paul Auster cũng giống như thế hệ trước họ đã chờ những quyển sách mới của Dickens – như chờ đợi tin tức mới nhất. Lượng độc giả trên thế giới dành cho những nhà văn danh tiếng này thật là nhiều hơn số lượng độc giả biết đến sách của họ trong chính quốc gia của họ.

Nếu chúng ta tổng quát hóa câu hỏi – Nhà văn viết cho ai? – Chúng ta có thể nói rằng họ viết cho một độc giả lý tưởng, những người thân yêu, cho chính họ, hay không viết cho ai cả. Đây là một sự thật nhưng là sự thật không toàn vẹn bởi vì nhà văn hiện đại cũng viết cho những người đọc tác phẩm của họ. Từ điều này chúng ta có thể suy ra rằng nhà văn thời bây giờ dần dần ít viết cho độc giả trong quốc gia của họ hơn là viết cho độc giả trên toàn thế giới. Vì thế mà chúng ta có nó: Cái câu hỏi châm chích, và vẻ nghi ngờ về dụng ý của nhà văn, phản ảnh một sự bất an về trật tự của nền văn hóa mới đã tham gia hiện trường trong ba mươi năm qua.

Những người cảm thấy bị xáo trộn nhiều nhất là những người hay phát biểu ý kiến và những cơ quan văn hóa của những quốc gia không thuộc về cộng đồng Tây phương. Không biết rõ vị trí của mình trên thế giới, cũng không sẵn sàng thảo luận về những khủng hoảng của quốc gia hay những vết đen trong lịch sử của quốc gia trước quảng trường quốc tế, những thành phần chính trị như thế thường cảm thấy cần phải nghi ngờ nhà văn, những người đã nhìn lịch sử và chủ nghĩa quốc gia từ một quan điểm không nằm trong chủ nghĩa quốc gia. Trong quan điểm của họ, các nhà văn không viết cho một độc giả trong nước, những người đã “thần thánh hóa, lý tưởng hóa” quốc gia của họ cho “sự tiêu thụ của người ngoại quốc” và bịa đặt ra những vấn đề không có căn bản thực tế. Ở Tây phương cũng có một sự nghi ngờ tương tự, nơi nhiều độc giả tin rằng văn học địa phương nên được giữ trong vòng địa phương, tinh chất, và xác thực với cội nguồn quốc gia họ; nỗi sợ hãi thầm kín của họ là khi trở nên một nhà văn của thế giới, người rút chất sống để viết từ những tập tục và truyền thống bên ngoài văn hóa của quốc gia họ sẽ làm cho nhà văn đánh mất đi cái tính chất độc đáo của họ. Người cảm nhận được nỗi sợ hãi này nhạy bén nhất thường là một độc giả; một người rất muốn khi mở một quyển sách và bước vào một quốc gia bị cắt rời khỏi thế giới, được nhìn thấy những dằn xé vật lộn bên trong quốc gia này, cũng nhiều như một người được chứng kiến gia đình bên cạnh đang gây gổ với nhau. Nếu một nhà văn, diễn thuyết với một khán giả rộng lớn, bao gồm cả độc giả của nhiều nền văn hóa với nhiều loại ngôn ngữ, thì cái mơ ước hoang đường này cũng sẽ chết.

Đó là vì tất cả những người viết văn đều có cùng một mơ ước thâm sâu được là chính mình, trung thực và độc đáo, cho nên – trải qua bao nhiêu năm, bây giờ – tôi vẫn thích được người ta hỏi tôi là tôi viết cho ai. Nhưng khi mà sự trung thực và độc đáo của một nhà văn tùy thuộc vào khả năng lôi cuốn cái thế giới mà hắn đang sống, nó cũng tùy thuộc vào cái khả năng hắn có thể hiểu được sự thay đổi của vị trí của chính hắn trong thế giới này. Không có cái gọi là một độc giả lý tưởng được giải thoát khỏi những cấm đoán của xã hội và những huyền thoại của quốc gia, cũng như không có cái gọi là một nhà văn lý tưởng. Tất cả các nhà văn đều viết cho một độc giả lý tưởng – cho dù hắn ta là người quốc gia hay quốc tế – trước nhất bằng cách tưởng tượng độc giả này là một người có thật, và sau đó bằng cách viết những tác phẩm với độc giả này trong trí tưởng của nhà văn.

Orhan Pamuk
Nguyễn thị Hải Hà chuyển ngữ