GỞI NGƯỜI GIẤU MẶT…
Ta có thể nhìn thẳng vào mặt trăng
Ta cũng có thể nhìn thẳng vào mặt trời
với đôi kính đen.
Nhưng ta không thể nhìn thẳng vào lòng người
dù bất kỳ loại kính nào.
Tự ái giống như một con vật
Bị đánh bầm dập nhưng không chết
Có khi chỉ một vết xước nhỏ thì lăn đùng ra chết.
Dối người thì được
Nhưng chắc chắn ta không thể dối mình
Có thể để chảy máu – nhưng chữ tín thì phải giữ
Con người khác với thánh hiền ở chỗ nầy
Quản Trọng từng nói.
Kế hoạch một năm thì trồng lúa
Kế hoạch mười năm thì trồng cây
Kế hoạch trọn đời thì trồng người
Nhưng xem ra trồng người khó quá
Vì có ai nhìn được vào lòng người đâu
Harvey Mackay từng nói
Con người ta sẽ thay đổi
qua những người ta thường gặp
Và qua nhiều quyển sách.
Người đọc thơ ta quá nhiều
Mà có thay đổi gì đâu ?..
NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU...
Ngôn ngữ là thủ pháp, là công cụ,
là chất liệu cơ bản của văn học.
M.Gorki khẳng định :
“Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”
Trong lao động nghệ thuật
Phong phú nhất là ngôn ngữ của tình yêu
Vừa mông lung, huyền hoặc,
không có khởi đầu và chấm hết.
Hàm xúc, đa nghĩa.
Nổi bậc nhất là tính thẩm mỹ
Ngôn ngữ về tình yêu đầy chất trữ tình
Nhịp điệu ngọt ngào dễ phổ thành ca khúc.
Song song với tính nghệ thuật của tình yêu
là tưởng tượng :
“ Nàng đẹp như đóa hoa rừng – Tiếng nàng
thanh thoát như chim sơn ca –
Suối tóc nàng là dòng nước uốn quanh –
Trái tim nàng là hơi ấm sưỡi nồng nàn
cho cả mùa đông v.v..”
Thế đấy.
Trong thế giới tình yêu thì ngôn ngữ
là tín hiệu chuyển tải những nồng nàn
mật ngọt hay oán trách tình si.
Ta đang bơi trong đó.
Sắp tàn đời mà chưa thấy lối ra…
ĐỒNG PHỤC...
Theo Kinh Dịch thì chúng ta đang ở vào
thời kỳ Thiên Địa Bĩ
Theo triết học phương Tây thì chúng ta
đang bị bỏ rơi trong cô đơn giữa cái
hiện hữu thù nghịch.
Cuộc sống dần dần trở nên vô nghĩa
« Sự vô nghĩa sinh ra từ sự đối chiếu
giữa lời kêu gọi của con người
và sự im lặng của cuộc đời »(*)
Những khái niệm dấn thân, nhập cuộc
chỉ là biểu đạt về tự do sáng tạo
về con đường lựa chọn của mình
Với một xã hội đầy bi kịch
Bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích
Không có tiêu chuẩn nào về lòng nhân
Chỉ thấy sự vượt lên chính mình
Trước sự nằm xuống của kẻ khác
Trong văn học
Sự sáng tạo được xem như một cuộc nổi loạn
về ngôn ngữ, siêu hình thuần túy.
Rồi dòng chảy nầy, kết cuộc cũng mang dáng vấp
của đồng phục.
Những hình tượng biểu trưng, liên tưởng, ám thị
ngụ ý phóng đại và khoa trương
Nếu đúng chỗ, đúng lúc thì vô cùng tuyệt diệu
Và ngược lại thì vô cùng lố bịch.
Tôi làm thơ khi chưa biết thơ là gì
Và bây giờ thì…cũng vậy thôi…
Hồ Chí Bửu
02.04.21
(*) A.Camuy.