Tôi xin kể bạn nghe "một chuyện tình". Đương
nhiên, chuyện tình bao giờ cũng phải dang dở, chia lìa, cho đúng kiểu của tiểu
thuyết, vì nếu là chuyện đời thường, yêu nhau, cưới nhau, sống với nhau đến đầu
bạc răng long thì đã thành "ác mộng" rồi, tình tang gì nữa! Vì mấy
mươi năm sống với nhau, dung nhan ai cũng xuống cấp thê thảm. Tình yêu cũng xuống
đến số không. Bạn thử liếc nhìn người phối ngẫu của mình mà không thở dài mới
là giỏi. Dù xưa kia, anh, chị (còn xinh đẹp), có mê nhau, ham nhau đến cỡ nào
đi nữa thì giờ đây cũng chẳng buồn nhìn nhau. "Bi kịch của tình yêu là sự
lãnh đạm" (Somerset Maugham). Tâm trạng ông nào cũng não nề nhưng vẫn làm
như rất hạnh phúc để sống cho qua những ngày cuối đời.
Chết là thoát. Bởi vậy mới có chuyện "thật" sau đây: Một ông hấp hối, đang thở những hơi thở cuối cùng để tị nạn qua bên kia thế giới. Bà vợ khóc lóc "Ông ơi! Ông đừng chết. Ông mà chết thì tôi chết theo ông". Ông chồng hoảng kinh vùng dậy la lên "Tôi lạy bà, để tôi đi một mình" rồi lăn ra chết thiệt. Thời gian rất công bình. Vua chúa hay ăn mày đều phải già lão. Quý bà có đem tiền nộp cho các mỹ viện thì cũng chống cự ít lâu rồi già vẫn hoàn già! Vì chuyện tôi kể sau đây là chuyện thật của hai người lớn tuổi, có thể khiến bạn, đọc đến hết chuyện, sẽ lắc đầu chán nản "Chẳng hay ho gì! Tình yêu đâu? Dở dang, chia lìa đâu? Mà cũng chẳng thấy vận tải, chuyên chở triết lý, ẩn dụ gì để người đọc suy tư! Cha nầy (tác giả) đánh lừa mình. Mất thì giờ !" Nhưng tôi biết, mấy ông bà tìm đọc tôi để "giết thì giờ" mà! Cứ đọc đi. Cuối chuyện sẽ có một câu "trích dẫn" rất thâm thúy.
*
Chuyện như thế nầy. Sau năm 1975, mấy ông bà quân, cán chính
Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù cải tạo. Nghĩa là khổ sai biệt xứ (đày ra vùng núi rừng
Tây Bắc Việt Nam) hàng chục năm, chết như rạ vì lao động quá sức, vì đói lạnh,
vì bịnh tật mà không thuốc men. Nhưng quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa, còn
may mắn, vì sau hàng chục năm tù, ai sống sót, ra tù thì được chính phủ Mỹ đón
qua Mỹ sinh sống. Khoảng đầu năm 1990, chương trình HO bắt đầu. Người tù trẻ nhất
cũng trên bốn mươi, nhưng trông đã hom hem, ốm yếu vì ở tù Cộng Sản đâu phải đi
nghỉ hè. Qua đến xứ Mỹ, ai cũng lăn lưng vào việc kiếm sống cho bản thân và vợ
con. Ông bà nào tha một lũ con qua thì khổ. Làm bao nhiêu cũng không đủ bỏ vào
mấy cái tàu há mồm chờ sẵn. Nhưng đáng sợ nhất là mấy cái bills. Cuối tháng ký
check mệt nghỉ. Mấy ông bà HO chỉ làm được những nghề chân tay, tiền công rất
thấp. Có người làm 70, 80 giờ một tuần. Sáng tinh mơ đi, khuya mới về. Vậy mà
không đủ trả cho các chi phí. Riêng tiền nhà đã trên nghìn đô rồi! Có mấy ông độc
thân là hạnh phúc nhất. Chỉ cần kiếm đủ bỏ mồm, trả tiền thuê phòng trọ là có
quyền thảnh thơi, cà phê cà pháo với bạn bè.
Chuyện nầy kể về một ông HO độc thân như vầy.
Anh ta tên Tư được gọi là Tư Móm, vì lúc còn trong tù Cộng Sản,
bị vệ binh dộng báng súng vô miệng. Cả hàm răng rụng ráo trọi. Bạn sẽ hỏi
"Tại sao bị dộng báng súng?". Tù ngụy thì "cách (cái) mạng"
muốn bắn bỏ lúc nào chẳng được. Dĩ nhiên phải có lý do.
Tù đi lao động ngoài rừng. Vệ binh kêu một tên tù mà mình
không ưa "Ê. Anh kia đến đây bảo" Tù đến. Vệ binh bảo "Lại đằng
kia bẻ cho tôi nhánh cây" Tù quay lưng đi một quãng thì được tặng nguyên một
băng AK. Vệ binh bình thản giải thích "Tù trốn, bỏ chạy, kêu không chịu đứng
lại".
Lịch sử đi tù của ông Thiếu tá bác sĩ nầy cũng không giống
ai. Năm 1975, Dương Văn Minh lên làm tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa, chỉ làm
một việc duy nhất là giơ hai tay lên trời và hát bài Biệt Kinh Kỳ "Giữa
đoàn hùng binh có tôi đi ... Đầu hàng!". Cổ kim, Đông Tây, chưa có ông tổng
thống nào quái đản như Dương Văn Minh! Mất nước! Quân đội tan rã. Quân, cán,
chính, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, thậm chí nhà buôn, nhà thầu, nhà tu ... đều
được đảng và nhà nước ta lùa vô một "nhà” duy nhất có tên là "nhà tù
cải tạo". Trong nhà tù, ông bà nào chịu đựng không nổi thì thành "quá
cố”, đưa qua "nhà xác"... Ông Thiếu tá bác sĩ Thạch trốn đi tù, mò xuống
miền Tây, giả dạng thường dân, đổi tên họ, làm tên khờ, thất nghiệp, đi bưng
tô, chùi bàn cho một tiệm hủ tiếu ở một xó chợ nhỏ nghèo nàn, heo hút. Được ít
lâu, tưởng yên thân, không ngờ một buổi sáng, đang bưng hủ tiếu cho khách thì một
cậu khách mừng rỡ kêu lên "Thiếu tá mạnh giỏi ? Thiếu tá không đi tù cải tạo
sao còn ở đây ?" Trong quân đội, tất cả binh lính thuộc đơn vị đều là thân
chủ của ông bác sĩ quân y nên gặp là nhận ra ngay. Thế là ông ta bị hốt vô trại
tù Vườn Đào(miền Tây), rồi được đưa lên trại tù Xuyên Mộc.
Trở lại hàm răng giả của Tư Móm. Qua Mỹ, tiểu bang
California, anh ta làm việc tà tà, buổi sáng cà phê, tán láo với bạn bè, trưa
đi làm đến tối. Anh ta làm đủ nghề. Bạn ra đường, vào quán cà phê mà thấy một
ông tuổi khoảng năm mươi ốm nhom, đầu tóc bờm xờm, mặc quần jeans, áo lính rằn
ri (mua ở chợ trời, quân đội Mỹ thải ra) hai mắt láo liên như mắt khỉ, mồm miệng
tía lia, vẻ bất cần đời. Đó là một ông HO Việt Nam độc thân tiêu biểu ở hải ngoại.
Riêng ông bạn tôi có cái miệng móm nên dễ nhận ra. Bạn bè bảo "Đi làm hàm
răng giả đi cha nội. Em nào thấy cái miệng ông cũng phát nản" Anh ta cười
như ông lão "Vậy mà có bà khoái cái miệng móm của tôi mới kỳ. Bả không cho
đi trồng răng, bảo là "cản trở lưu thông" (?) lại sợ các bà khác thấy
đẹp trai, dụ dỗ mất".
Nhưng đó là nói về vật chất, còn về tinh thần, tình cảm
không đơn giản như thế. Làm người mất nước làm sao quên được "cố quốc"
rồi những kỷ niệm về đồng đội, về mấy cô hàng xóm, bạn học, bạn tù... Bây giờ họ
ở đâu, ra sao? Anh chàng Tư của tôi cảm thấy cô đơn, nhất là khi cô bồ của anh
ta bỏ đi lấy chồng vì anh ta có lần tuyên bố "Anh chỉ sống qua ngày, chờ
qua đời. Anh sợ bị ràng buộc. Lấy vợ, sinh con, đẻ cái. Trách nhiệm phiền phức"
Từ khi bị người tình cho "de" chàng Tư rất buồn. Chàng làm thơ. Đề
tài, nội dung cũng giống như những cô, cậu thất tình khác là cảnh cũ, người
xưa. Thơ chàng hay đến độ chàng thành "thi sĩ”, được các báo đăng, được
ngâm trên đài phát thanh địa phương.
Đang vô danh bỗng nổi danh, chàng sướng tê người lại được mấy
ông bạn xúi in những bài thơ của chàng thành "Thi Phẩm". Chàng làm
ngay. Vài nghìn đô. "Nhằm nhò gì, như Tề Thiên mới rụng cái lông"
Phét lác là bản tính mấy cậu độc thân. Tập thơ rất đẹp, được gửi bán ở các tiệm
sách (nhưng mấy tháng sau vẫn còn nguyên!). Chàng tặng mỗi người bạn mươi tập
"Để ông muốn tặng ai thì tặng. Nếu cần thêm, cứ cho biết". Bạn bè còn
xúi tổ chức ra mắt thơ. Chàng "Tới luôn!". Có ăn uống, ca nhạc và tặng
thơ miễn phí. Khách đến khoảng vài trăm người, vì thân tình chứ không phải vì mến
mộ nhà thơ. Vậy mà vẫn không "tiêu thụ” hết năm trăm tập thơ! Sau đó thì tất
cả rơi vào yên lặng. Chẳng ai hỏi han đến chàng Tư Móm, thi sĩ nhà ta! Chỉ một
lần duy nhất, có người gọi đến nhà thơ. Đó là một phụ nữ. Chị ta gọi đến không
phải để khen thơ Tư Móm mà để tìm người quen. Chuyện nầy khiến cho nhà thơ Tư
Móm và chị ta dính nhau như cục sắt và thỏi nam châm.
Tôi xin kể tiếp.
"A lô. Xin cho tôi được gặp anh Lê Văn Tư ạ !" Đó
là vào một buổi tối, chàng Tư Móm đang nằm xem Video "Dạ, Tư tôi nghe
đây!" "Phải anh Tư trước bảy lăm, nhà ở trước chợ Phan Thiết
không?" "Dạ. Đúng rồi. Có việc gì không cô?" "Vậy là sau mấy
mươi năm, anh em mình mới tìm thấy nhau. Anh bây giờ ra sao? Có mạnh khỏe
không?" "Dạ. Tôi vẫn như xưa. Dung nhan phong nhã, cốt cách phi phàm,
tinh thông kinh sử, xuất khẩu thành thơ..." "Em biết rồi. Nhờ tập thơ
của anh mà em tìm thấy anh. Anh còn nhớ em không?" "Có trời mới biết
được cô là ai!" "Em là con Tâm hàng xóm với anh. Nhà sát vách. Tâm
khóc nhè đây. Ngày xưa anh xưng mi, tao với em..." Chàng Tư "A
!" lên một tiếng muốn bể cái điện thoại "Tâm đó hả mi? Xin lỗi, quen
miệng. Bây giờ phải gọi là cô, xưng tôi mới đúng" Bên kia đầu dây có tiếng
cười thân ái "Anh em mình... Gọi sao cũng được".
Tình thân như anh em, cả hai mừng rỡ. "Tha hương ngộ cố
tri" (nơi xứ người gặp bạn cũ). Chuyện trò, chàng mới biết nàng đã lập gia
đình, được hai con thì chồng chết, sau khi qua Mỹ được năm năm. Chàng độc thân,
nàng gái góa. Họ chẳng có gì phải e ngại khi chuyện trò thân mật. Tối nào hai
người cũng ôm điện thoại nói cười đến khuya mà không muốn rời. Ai cũng vậy, đã
là bạn thì phải gặp mặt. Nàng chờ chàng hẹn nhau đi điểm tâm, ăn trưa hoặc mời
nàng đi xem ca nhạc. Có gợi ý mánh mánh nhưng chàng cứ phe lờ. Vì chàng kẹt cái
miệng móm, rất khó coi. Nàng càng khen chàng thời học sinh đẹp trai, mong gặp để
xem có thay đổi gì không? khiến chàng càng mất tinh thần, vì trước mình đẹp
trai mà bây giờ thành ông già móm sọm, nên đành tìm cách hoãn binh "Anh bận
tối ngày. Sáng sớm đã dậy đi làm, tối mịt mới về. Hay là, để tháng sau, có Hội
Xuân hội Sĩ Quan Thủ Đức, anh mời em đến dự. Có con, cháu thì dẫn theo cho đông
vui. Em cho anh địa chỉ, anh gửi vé đến" "Nhưng đến đó làm sao anh em
mình nhận ra nhau, mấy mươi năm, ai cũng đổi khác" "Phải tìm nhau mới
hồi hộp và vui" "Hay quá! Anh làm cho em hồi hộp ngay giờ phút nầy rồi.
Bữa đó, đố anh nhận ra em!"
Nhưng, một việc bất ngờ xảy ra. Khi cô ta sắp bước lên sân
khấu để tặng hoa là lúc anh chàng hát đến câu "Êm êm ... Ngoài kia nhạc đêm
đông..." Chàng cao giọng, miệng há ra, gân cổ nổi lên. Đột nhiên, hàm răng
giả quái ác vọt ra khỏi miệng chàng, bay vút như một UFO (dĩa bay) rồi rơi xuống,
nằm tênh hênh trên sàn gỗ, khoảng trống trước sân khấu, nơi dùng để khiêu vũ.
Miệng chàng móm sọm, môi trên thụt vô, môi dưới trề ra. Chàng buông tay đàn, bụm
lấy miệng. Chúng tôi lặng người, bất động, quên cả thở!
Trong khi mọi người bàng hoàng thì cô bạn của chàng Tư Móm
bình tĩnh quay lại, cúi xuống, lượm hàm răng giả, lấy khăn đang cầm trong tay
lau hàm răng rồi bước lên sân khấu, ra dấu cho anh ta há miệng ra, nhét hàm
răng giả đó vào, "chàng" trở lại đẹp trai như cũ. Tiếp theo, cô trao
đóa hoa hồng và nhón gót, hôn đánh chụt một cái lên má anh ta, rồi hai người nắm
tay nhau cúi chào khán giả và bước xuống sân khấu. Tiếng vỗ tay, cười nói lúc
đó mới rộ lên.
Rồi sao nữa?
Cả tuần sau đó, không thấy anh bạn Tư Móm của chúng tôi ra
tiệm cà phê. Tôi gọi điện thoại "Mấy bữa nay ông đi đâu?" "Bà xã
pha cà phê, làm điểm tâm ở nhà…" "Ủa! Bà xã nào? Sao không mời tụi nầy
đi ăn đám cưới?" "Cưới hỏi gì. Rổ rá cạp lại. Bà bữa hôm Hội Xuân đó.
Mấy đứa con xúi bả rủ tôi đến ở chung. Chúng có gia đình, ở xa, sợ mẹ sống một
mình buồn, sau nầy già cả, bịnh hoạn không ai săn sóc" "Có gia đình rồi,
phải lo làm ăn mà trả mấy cái bills. Ăn uống đầy đủ vô…" "Khỏi lo.
Cơm ngày ba bữa, tắm rửa một lần, áo quần mặc cả ngày. Tiền mua nhà trả hết rồi.
Điện nước … mấy đứa con trả. Bà xã tôi biểu tôi mời mấy ông, bữa nào đến ăn bún
cá. Dân Phan Thiết nấu món nầy ngon lắm" "Muốn mấy người đến dự?"
"Nhiêu cũng được, miễn báo trước để tụi nầy chuẩn bị”
Bọn tôi, khoảng mươi ông hẹn nhau đến thăm nhà thơ kiêm ca
sĩ Tư Móm để chúc mừng anh ta, nhờ chỉ một bài hát mà vớ được một chị đàn bà
ngon lành.
Khi sắp ra về, một ông bạn tôi đứng lên, có đôi lời
long trọng "Thay mặt các bạn, chúng tôi cám ơn anh chị đã cho thưởng thức
mấy món ăn truyền thống của Phan Thiết. Cũng cám ơn riêng với chị là từ nay bạn
tôi sẽ không còn cô đơn, sẽ được ăn uống tử tế, được chị săn sóc với sự thương
yêu. Chúng tôi chỉ xin chị, vì nhân đạo mà lưu ý một điều: là, trước đây, các
cháu còn sống trong gia đình, chị thường nấu nhiều món, nồi lớn, nay chúng là
lũ chim đã bay khỏi tổ, chỉ còn hai anh chị. Xin chị nấu ít lại, đủ chỉ một bữa
thôi, bữa sau nấu món khác. Chúng tôi hiện đang ở trong hoàn cảnh đau khổ đó mà
không dám hé môi với vợ. Bà nào cũng nấu một nồi bự (cho bầy con), như thói
quen trước đây. Thế là ông chồng phải ăn ngày nầy qua ngày khác những món hâm
đi, hâm lại. Đau khổ lắm. Ngậm đắng nuốt cay!..." Bạn tôi làm bộ mếu máo
cho chúng tôi cười. Chị chủ nhà thì "Dạ! Dạ! Tôi nhớ" Còn Tư Móm thì
ngơ ngác như con nai vàng. Có trải qua cảnh "bổn cũ soạn lại" bao giờ
đâu!
Chúng tôi ra về mà ngậm ngùi cho thân phận mình và cảm
thương cho người bạn đã làm một việc thiếu suy nghĩ là đã lấy vợ. Vở kịch mới
diễn màn một, các màn sau mới bi thảm. Tôi nhớ đến lời dạy của đấng chí tôn của
tôi "Này, tên đàn ông xấu số kia. Ngươi sẽ phải bì bõm trong bể khổ cho đến
chết … kể từ khi ngươi lấy vợ".
Phạm Thành Châu