Trời bắt đầu âm ấm, đôi khi ánh sáng ùa vào cửa sổ làm tôi
chợt thức rất sớm, sớm hẳn hơn mọi khi. Cái lạnh của mùa đông đang lùi dần vào
dĩ vãng và mọi người như quên cách đây chưa đầy một tháng, tuyết vẫn lất phất
bay. Cùng với vạn vật xung quanh vặn mình chuyển mùa, tôi cứ thấp thỏm chờ nó
dù biết rằng thế nào rồi nó cũng đến.
Tôi thấy nó lần đầu hơn ba chục năm trước. Khi từ trại tị nạn bước xuống đất Mỹ — chính xác là phi trường Hartford, Connecticut vùng New England — trời vẫn còn khá lạnh. Như bất cứ người tị nạn nào, tôi đầu óc lơ mơ trước mọi sự, đi bước thấp bước cao,l òng phấp phỏng trước một tương lai đầy bất trắc. Ông Nguyễn Tuyển đón tôi, cười ha hả “Mẹ, sang đây làm đếch gì, sao mày không ở cha bên đó có phải khỏe không?” Câu chào kiểu đó như đẩy tôi trở lại cái tình bạn đầy ắp xa xưa và bỗng thấy đổi dời đâu thì đổi, tụi tôi vẫn thế. Tôi bật cười “Mẹ, sang đây ăn báo cô mày, được không?”
Hôm đó đã khá khuya, con đường từ phi trường về chỗ ông bạn ở
xa lắc xa lơ, hai bên đường tối om chỉ toàn là cây trơ lá, vệ đường đôi chỗ còn
loáng thoáng những mảng tuyết chưa tan hết.
Khi bước qua cửa căn chúng cư, tôi thấy nó.
Ông Nguyễn Tuyển cười bảo :
- Hoa mai Mỹ. Đẹp không?
Tôi biết chắc không phải hoa mai vì nó rực rỡ hơn nhiều,
không có cành chĩa ngang chĩa dọc, nhất là không thấy chiếc lá nào. Tôi hỏi :
- Mày chôm ở đâu mà cả một bó to thế?
- Tao đếch biết tên nó là gì. Đáng lẽ cả tháng nữa nó mới nở
nhưng tao chặt về cắm trong nhà, ấm nên nó nở sớm. Nhìn nó để nhớ Tết Saigon,
nhớ hoa mai chợ Nguyễn Huệ.
Tôi bước lại gần nhìn kỹ. Những đóa hoa nhỏ, dày cánh – có
thể hơi thô nữa – vàng rực. Tất cả như bày bướm đậu chi chít trên những cành thẳng
đuột.
Tuyển bảo tôi :
- Mẹ, cái thứ này Mỹ nó trồng làm hàng rào, Mít đem về trưng
ở phòng khách. Tao ở đây hơn ba năm rồi vẫn chưa có dịp hỏi, nhưng cứ thấy nó
là biết hết mùa đông nên tao đặt tên Việt cho nó, Hoa Báo Xuân.
Dần dần tôi cũng quen với cái lạnh lê thê của Bắc Mỹ và đã
biết tên nó là Forsythia. Tra tự điển của ông Nguyễn Văn Khôn thì thấy chua là
hoa Liên Kiều. Liên Kiều? Tên nghe Tàu quá, chắc ông Khôn dịch từ Từ Nguyên ra
và như vậy, hẳn bên Tàu cũng có hoa này? Thú thật, tôi không biết bên Tàu có
không nhưng bên ta thì không. Nhất định là không, vì tôi chưa thấy nó bao giờ.
Trong cuộc sống tất bật, đầu tắt mặt tối để sinh tồn, tôi vẫn bật cười mỗi khi
mùa xuân đến, nhìn thấy những bụi hoa vàng trồng thành hàng rào có cắt tỉa hẳn
hoi hay đôi khi um tùm bên đường, nhớ đến ông bạn và hôm đầu tiên đến Mỹ. Nhưng
nhớ vậy thôi chứ tôi chưa bao giờ giữa lúc trời còn lạnh cóng vào dịp Tết ta,
lui cui lo đi chặt đem nó về trong nhà ấm, ép nở sớm để tự lừa mình rằng Tết
thì phải có mai, dẫu là mai giả. Vả lại, thì giờ đâu cho những suy nghĩ xa xỉ
đó? Buổi sáng bò dậy, tạt vào tiệm 7-11 mua ly cà phê, hôm nào nhớ đến bữa sáng
thì cầm thêm cái bánh đo-nứt rồi lao động cật lực. Tối về rạc cả người, cơm nước
xong là hai con mắt nhíu lại. Hai ngày cuối tuần tưởng là nghỉ, nhưng có khi bận
tíu tít đủ thứ lỉnh kỉnh, từ chuyện đi chợ, đi sửa xe, đem quần áo bẩn cả tuần
ra máy giặt công cộng hoặc phải đến chỗ họp cộng đồng để gặp người này người nọ.
Cuộc sống lúc nào cũng như ma đuổi, thì giờ đâu mà hoa với kiểng — nhất là ở tận
lầu ba chúng cư làm gì có đất với cát để trồng để tỉa. Căn phòng khách kê bộ sa
lông cũ và cái ti-vi là chật ứ rồi còn đâu chỗ mà trưng mà bày hoa hòe. Vả lại,
quanh mình chẳng đầy hoa sao? Tứ phương tám hướng đủ thứ từ tu-líp đủ màu, hoa
cúc, hoa vạn thọ đến những thứ chả biết tên là gì tưng bừng khắp nơi. Hơn nữa
giống hoa Forsythia - Báo Xuân - Liên Kiều này nở rộ, bùng ra nhưng độ vài ngày
là mất tăm mất tích chỉ còn thấy lá xanh um trông như những bụi dại tua tủa.
Sao so được với tu-líp vương giả? Phải chăng vì thế thiên hạ mới trồng nó làm
hàng rào?
Lâu thét rồi cũng quen để rồi một buổi sáng nghe đứa em bảo “Hôm
nay ấm, ba mươi bốn độ lận.” Ba mươi bốn độ F tức cỡ hai ba độ C có
nghĩa là nếu ở Việt Nam có thể cả đống người sẽ chết vì rét. Tôi im lặng ngó ra
ngoài không trả lời. Đứa em còn nhỏ quá nên dễ thích nghi hơn so với tôi chăng?
Tôi bắt đầu sợ khi thấy những cây phong rụng hết lá, bắt đầu run khi ngửi thấy
cái lạnh từ phía Bắc tràn xuống trong những cơn gió rít qua kẽ hở của chiếc cửa
phòng ngủ cũ kỹ vênh váo. Những ngày ngắn ngủn và những đêm dài dằng dặc. Ban
ngày là lao động. Ban đêm là những dằn vặt của Việt Nam cả quá khứ lẫn hiện tại,
nhất là tương lai. Cái ngõ cụt của suy nghĩ khiến đêm đông dài hơn và đáng sợ
hơn. Ôi những mùa đông trắng xóa tuyết, những mùa đông trời u tối, những mùa
đông dài bất tận. Tôi như bừng tỉnh khi nhìn thấy lốm đốm một chút vàng non nhú
lên trên hàng rào chúng cư. Tôi như trút khỏi cơn mê sảng khi thấy những chút
vàng nhen nhúm, e ấp đó bùng lên rực rỡ, tưng bừng vì biết mùa xuân thực sự đã
khởi đầu với những buổi sáng mặt trời mọc sớm và buổi tối lặn trễ. Trong tôi
như có lời cảm ơn những nhánh từ trong bụi vươn cao như muốn ngóc đầu lên vàng
tươi rói. Tôi thấy tự nhiên lúc nào không biết nó, vâng, nó Forsythia - Báo
Xuân - Liên Kiều, trở nên thân thuộc với tôi, trở thành tín hiệu của cuộc sống
dậy, của tái hồi.
Tôi rời khỏi vùng Bắc Mỹ bao lâu rồi nhỉ? Virginia cũng lạnh,
mùa đông cũng có tuyết nhưng không khắc nghiệt quá, không thê lương ảm đạm và
kéo dài như những mùa đông đầu khi ông Nguyễn Tuyển đón tôi. Và may quá, nơi
đây cũng có hoa Báo Xuân. Lúc mà vợ chồng và ba đứa con trở thành một tập thể
quá lớn trong căn chúng cư hai phòng, tụi tôi đành phải đi mua nhà. Nếu không,
ông chủ người Do Thái không biết tên biết mặt cũng tống tụi tôi ra mất. Tiến
trình mua nhà mới đầu tưởng nhanh tưởng dễ nhưng rốt cuộc phải ba bốn tháng mới
xong. Rất nhiều yếu tố cần phải nghĩ đến. Khu có ngon không, trường học có tốt
không, có tiện đi làm, có xa khu chợ Việt Nam không, đủ thứ nhì nhằng. Tôi nhớ
có một căn vừa tới chưa bước vào tôi đã bảo Mai “Mua căn này đi.” Vợ
tôi ngạc nhiên “Sao chưa vào coi đã đòi mua?” Tôi nhìn bụi Báo
Xuân xanh um ở góc vườn và chỉ biết cười không giải thích. Khó mà nói với ai kể
cả vợ về cái liên hệ dấm dớ giữa tôi và bụi cây um tùm đó, loại cây hoặc mọc dại
ở vệ đường hoặc chỉ trồng để làm hàng rào. Cuối cùng, căn nhà tôi mua không có
bụi cây xanh um cành lá lộn xộn đó. Tôi nghĩ và làm liền. Không có thì mình trồng.
Tôi đi hỏi thì được biết loại cây này trồng dễ ẹc, chỉ cắm xuống tưới nước ít
lâu là nó lên vù vù. Nhưng rồi tôi đành phải ra vườn ươm mua vì thử trồng kiểu
đó không thành công. Cẩn thận, tôi bấm bụng mua hai bụi. Không rẻ gì, 22 đồng
99 xu mỗi bụi. Chọn một góc vườn có nhiều nắng, tôi gom cả hai bụi lại bỏ xuống
cái hố hì hục cả giờ mới đào xong, đổ đất màu và phân xuống.
Bây giờ nó đã lớn bộn, xanh um một góc, cành chĩa tua tủa từ
gốc lên. Bây giờ thì hàng năm tôi mong ngóng đợi chờ những búp hoa vàng nhú lên
từ các cành cây trơ khấc sau mùa đông như tín hiệu của một khởi đầu mới. Ông bạn
Nguyễn Tuyển đã rời khỏi Hartford từ lâu để về California cho ấm áp. Một hai
năm chưa hề thấy nhau một lần. Tuyển gặp nhiều sóng gió trong đời sống và tim
phải thay van nối mạch, sức khỏe đã có phần kém. Nhưng gặp nhau, ngay cả khi điện
thoại hoặc nguệch cho nhau vài hàng, ngôn ngữ giữa chúng tôi vẫn như xưa.
Hôm qua mở e-mai và thấy thư bạn :
- Ê mày, mùa xuân gõ cho mày mấy chữ, mong vợ chồng con
cái nhà mày cả lũ khỏe. Mấy đứa nhỏ lớn chưa? Mè nheo mày lái xe chưa? Có đứa
nào vào đại học chưa? Tao vẫn thế, bèo nhèo đếch ra thống chế gì cả. Vẫn làm
cu-li ở tờ Người Việt, cố sống qua ngày. Nguệch vài chữ thăm hỏi vậy thôi. Tao.
TUYỂN.
Đọc xong, tôi gõ lại :
- Ê mày, bèo nhèo, cu li thì được nhưng qụy thì rất không
nên. Tao vẫn thế, tái nạm gầu gân sách, ngày ngày chia động từ “To Bưng”, bê phở
cho bá tánh. Mày nhớ hoa Báo Xuân không? Hôm nay nó hơi nhú vàng rồi. Chắc vài
hôm nữa thì bung ra. Hết đông thì đến xuân. Cố lên. Tao. THIỆP.
Tôi tự hẹn sáng sớm mai chủ nhật sẽ vác cái ghế ra ngồi uống
trà bên bụi cây ở góc vườn dẫu trời còn hơi lạnh. Để nhớ ông bạn Nguyễn Tuyển
và ngày đầu tới Mỹ.
Lê Thiệp
Trích từ Lững Thững Giữa Đời