Thư qua thư lại
đâu cả năm trời, thật tình tôi cũng không biết gì để tám ngoài
chuyện trời trăng mây nước, .”. hôm
nay bé đi học, sáng sớm trời mờ mờ sương, bé đi ngang qua con đường
Giao Hạ thấy hoa bằng lăng nở tím, bé chợt nhớ anh .” chời ơi cải
lương hết biết!! Nhưng anh chàng thì rất chân tình, thư nào cũng dài mười
mấy trang giấy học trò kể lể nỗi niềm tâm sự của lính nơi tiền đồn
xa xôi, và dĩ nhiên là luôn kèm theo đôi vần thơ làm tim tôi nhúc nhích
“ Em có về qua con đường Giao Hạ,
ngắt dùm anh đôi cánh lá me xanh,
viết yêu thương trãi đầy trên trang
lá.. Không biết tôi tả con đường Giao Hạ ở Sóc Trăng ra sao mà anh
chàng tưởng tượng nó thành con đường Duy Tân cây dài bóng mát tuốt trên Sàigòn có lá me bay bay, nhưng
không sao, đường nào cũng đẹp cũng thơ trong tuổi học trò
Và dĩ nhiên tôi
cũng đâu dấu kín mối tình lãng mạn người
yêu của lính này với đám bạn nghịch ngợm, những lá thư được
chuyền tay nhau đọc rồi cười khúc khích, có đứa còn thuộc thơ chàng
hơn là thuộc bài trong lớp, có đứa ái mộ xin làm em gái hậu phương.
Mùa Noel năm đó
chàng có mấy ngày phép để bay về gặp bé, dù hơi run nhưng
phải đối diện sự thật thôi, hên là thời gian này Ba Má tôi đi vắng,
tôi bèn rủ mấy đứa bạn tới nhà bày đặt nấu nướng ăn Reveillon cho có vẽ trịnh trọng ấm cúng với đèn cầy
lung linh và bình bông bụp, bông giấy màu sắc tá lã (nhà có gì bứt
nấy mà). Tôi và lũ bạn hồi hộp chờ đến giờ hoàng đạo, tôi hình dung một chàng lãng tử khoác áo trây di, dáng cao lớn hiên ngang với đôi giày đinh bết bùn đất hành quân.
Rồi nhà thơ
cũng xuất hiện trong bóng đêm mờ ảo, tôi thì thào “chời ơi sao mà ..” chàng không giống người trong mộng của tôi, nhưng nhỏ Huỳnh đã nháy mắt “suỵt để đón khách đã”, thật tình
chàng cũng dễ thương với giọng Huế nhỏ nhẹ và đôi mắt ướt buồn. Cả
bọn hào hứng nhập tiệc vì ..quá đói. Thật là một đêm Giáng Sinh đầy ấn tượng!
Mặc dù
chiều cao của tôi không tăng nhưng tình yêu của chàng thì mỗi ngày mỗi lớn, những bài thơ vượt không gian cách trở để bay vào cặp tôi trĩu
nặng, đến nổi tôi
phải tự hỏi lòng mình
đã thật sự yêu chưa hay chỉ là những xao xuyến đầu đời của tuổi mới lớn?
Mùa hè 1974 trong một chuyến về phép, chàng nhất định vào nhà gặp Ba Má
tôi để bàn chuyện cưới
xin, phượng đỏ có chàng tới hỏi
thiệt sao? Ba tôi thì ưng bụng cái thằng hiền lành, nhưng Má tôi lại
nhất quyết nói không, bà bảo tôi còn nhỏ phải xong chuyện học hành,
vã lại anh lính tráng rày đây mai đó ..lấy chồng chiến binh mấy người đi trở lại, tuy bà không
nói ra nhưng tôi biết Má sợ út cưng của Má lấy chồng khổ sớm. Anh
buồn hiu ra về, tôi tưởng cuộc tình đầy thơ đầy nhạc suốt hai năm ba
tháng mười bảy ngày của tôi tới đây là chết ngắt khi tôi thấy Má
mình có lý!Vậy mà anh cũng nán lại Sóctrăng suốt mấy ngày phép
đó, chỉ để hẹn nhau ở đầu đường Giao Hạ rồi đi uống cà phê, hay ăn
mì ở mấy tiệm vắng trong chợ (sợ Má thấy), bên anh tôi vẫn cố nói
cười ríu rít hồn nhiên cho nguôi ngoai nỗi hụt hẩng trong trái tim
chàng. Một lần hai đứa đang ăn kem vui vẻ, bổng anh
nắm chặt tay tôi hỏi “ bé có yêu anh không ? dạ có, vậy bé
có chịu trốn nhà theo anh không? Tôi như sắp khóc “dạ không”. Anh có đem theo cây súng, bây giờ anh bắn bé chết và anh tự tử
theo, vậy bé có còn yêu anh không?”
tôi hốt hoảng bật khóc”dạ
không” một cách cương quyết trong khi anh cười phá lên.
Có thể anh đang
thử lòng tôi mà cũng có thể tình yêu của tôi chưa đến độ chín rục
để chuẩn bị cho cuộc sống lứa đôi mật ngọt, tôi thấy áy náy như
mình có lỗi trong cuộc tình tan này, biết sao giờ?
Thời gian còn
lại tối nào anh cũng đi ngang hẻm nhà tôi huýt sáo bài “Hạ trắng” vu vơ như một ám hiệu để
tôi bước ra sân cho anh ném bài thơ bay vèo qua hàng rào bông bụp, hên
là cổng rào đã khép chớ con Mực mà nhào ra thì chắc anh phải chích
ngừa..Những bài thơ được viết nắn nót trên tờ giấy bạc gói thuốc
lá, nhưng tôi nhớ hoài lời thơ cuối cùng này.
Hai đứa chia tay
lặng lẽ, tôi khóc thút thít cả tuần mà không hiểu sao mình khóc,
mới yêu chút xíu thôi mà, nếu nói như Má tôi chuyện vợ chồng phải
có duyên nợ thì cũng đành thôi, tôi nghĩ chẳng bao giờ ta gặp nhau
lần nữa, Pleiku xa xôi nắng gió! Rồi tàn cuộc
chiến, chắc số phận anh cũng như bao người lính khác phải vào tù,
tôi cũng có chồng sau đó ít lâu, trong dịp lên Đàlạt chờ sinh đứa con
đầu lòng, tôi tìm thăm nhà O dượng của anh,
nghe kể Ba Mạ anh mất sớm ngoài Huế, mấy anh em phải vào đây sống
với người thân, nên ở Đàlạt anh có nhiều kỹ niệm.
Ngôi nhà nhỏ
trên đồi và bên bếp lửa ấm cúng, tôi lại ngỡ ngàng nghe chuyện của
anh, người phụ nữ dí dí que củi trong lò than như đang nén sự tấm tức về nổi buồn của mình “ anh ấy vẫn còn yêu chị, anh ấy đã
làm biết bao nhiêu bài thơ cất trong ngăn kéo mà em vô tình đọc được,
anh ấy còn dành đặt tên con bé là Trần thị Giao Hạ, em biết ngay anh
ấy chỉ nghĩ tới chị mà thôi..” Ôi cái anh chàng này! tôi kêu lên khi nắm đôi tay thô ráp nhọc nhằn
của Thu chia sẻ, lấy chồng nhà thơ thật bất hạnh, tình yêu anh ấy đã
làm tổn thương trái tim người vợ trẻ như Thu
“ chuyện qua lâu rồi Thu ơi, bây giờ mình đã
có chồng và sắp sinh con, mình cũng quên đi những lãng mạn thời còn
trẻ, mình xin lỗi đã làm Thu buồn, thật tình mình không nghĩ là anh
ấy tệ như vậy” Tôi an
ủi Thu và lại thấy mình như người có lỗi!
Tình Yêu thật
kỳ lạ, nó không thể giống như một cái bánh to để chia đều sự ngọt
ngào cho những người mình thương mến, mà chỉ là cục kẹo nhỏ để
dành tặng riêng cho ai đó thôi, nên kẻ đến sau thường bị nghe bài “anh còn nợ em” hổng biết khi nào
mới trả dứt.
Hơn bốn mươi năm
trôi qua, Love Story của tôi là một kỹ niệm đẹp đáng nhớ đời, lúc
còn ở Sàigòn thỉnh thoảng tôi gặp anh,
như hai người bạn thân thiết lâu ngày, chúng tôi kể nhau nghe
những buồn vui được mất trong cuộc sống thăng trầm của mình, Thu đã
ly dị sau đó vài năm, anh cưới thêm bà vợ nữa cho đời bớt buồn, con
bé Giao Hạ đã mất trong một tai nạn năm nó 16 tuổi khiến anh như bị
điên, suốt ngày lang thang trong rừng thông trên Blao, anh nuôi ong lấy
mật mà sao đời anh cay đắng quá. Anh lại tiếp tục làm thơ tình khi
bà vợ sau bỏ anh để lấy một tên Giám đốc giàu sụ..Thơ anh lại chất
đầy ngăn tủ mà không có ai lén coi để biết anh viết gì trong đó.
Rồi tôi theo
chồng xa xứ, trước ngày đi anh còn nhắn vào phone tôi hai câu thơ “ ngỡ rằng ong bướm đã say, em qua bến
lạ còn quay quắt buồn”. Mãi cho đến bây giờ ngồi nghĩ lại, không
biết ngày xưa mình có yêu anh nhiều như anh đã yêu mình không, hay chỉ
là thoáng bâng khuâng của mối tình đầu. Ôi “mối tình đầu của tôi, là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp.”
Bây giờ hai đứa
đều già theo năm tháng, ở bên kia nữa vòng trái đất, anh đang thoi
thóp từng ngày đếm bước thời gian, không biết anh có còn nguồn thơ
để tặng người phụ nữ nào yêu anh tình cuối? Nhưng trong trái tim tôi, mối tình đầu
của năm 17 tuổi vẫn luôn tươi trẻ, hồn nhiên và tinh khôi như ngày nào.
Một thuở dại khờ
Trong lúc rảnh rổi lục lọi lại “ngăn
ký ức”, cái ngăn mà tui đựng hằm bà lằng đủ thứ từ hồi năm
nẳm, những bài thơ tình chép nắn nót bằng mực tím đến mấy tấm ảnh
đen trắng nhạt nhòe, từ tang vật
đến kỹ vật, từ chiếc lá ép khô đến đôi bông tòn teng rớt mất hột
bẹt, cái kẹp ba lá đến cuốn lưu bút rách bìa, nói như thơ Nguyên Sa “
con búp bê gãy tay trên gác bếp”
chắc cũng nằm đâu đó
trong dĩ vãng một thời để nhớ của tui.
Hồi đi học ai
mà chẳng từng dại khờ để đứng giữa sân trường “ngọng nghịu làm thơ” như mấy thằng bạn tôi, để bây giờ
tóc đã bạc màu, tụ nhau cà phê cà pháo nhắc chuyện xưa mà tiếc hùi
hụi “ Ờ phải chi...”, cái ngọng
nghịu ngày xưa sao mà dễ thương quá đổi.
Trong thời chinh
chiến khoảng 72-73, ngôi trường tỉnh nhỏ của tui cũng
bị vướng vào làn sóng phản chiến để thành lập một
đoàn du ca với cái tên nghe cũng ngược đời “ Sỏi Đá Trổ Bông”, do vị
giáo sư “lãnh đạo” . Mới biết
hồi đó tuổi trẻ mình dại khờ đủ thứ, hát nhạc Tôn thất Lập, ngâm
thơ Giang Nam ra rả như là mình yêu nước thứ thiệt.
Cuốn sổ nhỏ
cũ mèm được lật ra, hồi đó học trò làm gì có cái bàn phím gỏ
lốc cốc như bây giờ, những bản nhạc du ca toàn chép tay chuyền nhau
hát, nói thiệt mấy bài ca thời đó hùng hồn hết sức, như có lửa
bật ra từ trái tim, như bước chân rầm rập đi tới “dậy
mà đi- dậy mà đi
hởi đồng bào ơi, bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà, bao nhiêu năm
qua dân ta chết xa nhà” (TTL) “cho đồng bào tôi ngồi
nghếch mắt trông chờ, nghe những ủy ban hội đồng nói vu vơ, nuôi cho
sâu mọt chúng đông thêm, trong xương trong tủy chúng xông lên, moi tim dân lành
đau nhức từng cơn..”(NĐQ) Ta như nước dâng dâng
tràn có bao giờ tàn...còn ViệtNam triệu con tim thành một khối kiêu
hùng Những lời hát
hay ở chỗ là hơn mấy chục năm qua nó vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa của
nó, tính thời sự được cập nhật y chang! Mà thôi, tạm quên cái dại khờ của cả bọn khi gia nhập đoàn du ca
hồi đó đi, cũng may là không có đứa nào bị bắt bỏ bót ba bốn bữa, nghĩ cho cùng tại mấy chú bác “trào ngụy” hiền quá, đấu tranh xuống
đường tá lã mà chỉ trầy da tróc vảy chút đỉnh, chớ bây giờ thì có
nước mà “tự tử trong đồn côn an”!
Cuốn sổ rách
bìa chợt rớt ra mấy tấm hình đen trắng của thời đi học khiến tui
ngẩn ngơ, nhìn mặt đứa nào cũng ngây ngô dễ thương cách gì, còn giữ
được mấy ảnh phai màu này cũng là nhờ Má tui và nhỏ Hà cất dùm
trong thời kỳ khó khăn di tản, nên bây giờ mới có mà post lên mấy cái
trang web của trường, nhưng đó là chuyện nhỏ, chẳng là trong số bạn
bè đồng chí hướng du ca xưa, theo
thời gian cũng tứ tán đứa còn đứa mất, mãi đến mười mấy năm sau
này nhờ Internet toàn cầu mà cả bọn mới có cơ hội kết nối được
với nhau, phải nói đó là niềm vui hết lớn của tụi tui từ bốn phương
trời bay về quê xưa hội tụ, điểm danh có vài tên “hưởng dương”trong thương tiếc của bạn bè như MTL, TVS..nhưng
số còn lại thì vẫn sống vui sống khỏe dù sự thật thời gian có tàn
phai nhan sắc, nhưng không hề gì đối với những ông bà nội /ngoại ham
vui như bọn này.
Thời đi học
chắc ai cũng có vài ba mối tình ...đầu để làm kỹ niệm, dĩ nhiên
nhóm du ca tụi tui cũng vắt vai mấy cặp đi về có đôi, mà hồi xưa
tình yêu học trò nó thanh cao lãng mạn như trong nhạc trong thơ, chỉ
nắm tay thầm lặng thôi cũng đủ cho con tim rộn ràng rồi, mà đám bạn
tui cũng nhát hít không dám, nói chi yêu như thơ Trần Dạ Từ “lần đầu ta ghé môi hôn, có con ve nhỏ
hết hồn bay lên” chắc về bị Má uýnh nát đít.
Nàng là cô em
Bắc Kỳ nho nhỏ còm nhom như con cò ốm, bay xuống đậu ở lớp tui, tánh
hiền lành ít nói nên bị tụi tui rủ rê vô nhóm du ca hát bè, chàng
là cậu út miền Tây cũng ốm nhách như cánh vạc bay, hay ôm đàn nghêu
ngao mỗi lần đốt lửa trại , trong khi nhiều cặp bồ nhau ai cũng biết vì họ luôn líu lo khi gặp, hay nhắc nhớ khi xa..nhưng “con cò con vạc” này thì âm thầm để ý nhau suốt mấy năm trong sinh hoạt nhóm mà hổng ai hay.
Cuộc chơi nào rồi cũng tàn, bổng một ngày cả bọn ngộ ra chân lý, lấy lý do rong chơi hát hò hoài mà học
hành xao lãng thì tương lai cũng tối hù, chưa kể tụi con trai cũng lo
chuyện lính tráng tổng động viên ..nên đồng loạt xin rút tên ra khỏi
nhóm, dĩ nhiên điều này khiến Thầy Ph vô cùng thất vọng trong khi
phong trào phản chiến với sinh viên biểu tình khắp nơi đang ở thời kỳ
sôi nổi nhất, tiếng hát những đêm
không ngũ đã làm bao thanh niên lúc đó thức trắng và dĩ nhiên
trong số này không ít là ViCi nằm vùng hay thân Cộng...
Chiến tranh
ngày càng khốc liệt, bạn bè có đứa xếp
bút nghiên theo việc đao binh, hôm tiễn hai thằng nhập ngũ thấy buồn não nuột, cầu trời cho tụi
nó không vị quốc vong thân khi
tuổi đời còn quá trẻ, nghe LVC
nói mà thương “tui chưa kịp có bồ
thì vào lính rồi nên đâu có ai viết thư tình cho mình đọc, phải đọc
ké thư bồ thằng Q cho đở buồn”. Hèn gì tới bây giờ có người còn
thuộc thư tui hơn tên bồ cũ!?
Rồi 75 tan hàng, mới biết mấy ông nhạc sĩ phản chiến chỉ
viết nhạc tuyên truyền “..rồi xong
chiến tranh anh sẽ quay về, rồi xong chiến tranh anh trở về quê..về
lại trường xưa cây xanh đường dài, về lại dòng sông nơi ta hẹn hò..” (nhạc
LQD) tàn cuộc chiến lính tráng không đi tù cải tạo thì cũng trốn chui trốn nhủi,
đứa nào lý lịch sạch sẽ hầu
hết đều nhào vô sư phạm, ra trường về quê đi dạy, chuyện cơm áo lận đận, cuộc sống khốn khổ trăm bề
còn tâm trí đâu mà hẹn hò như trong thơ trong nhạc thanh bình, có chăng
là sự nuối tiếc chuyện ngày xưa, những mối tình thơ dại thời học
trò đều phôi pha theo năm tháng, “tình
chỉ đẹp khi còn dang dở”thật ra là lời an ủi cho cuộc tình tan thôi,
các cặp đôi trong nhóm tui có đứa nào tròn duyên với nhau đâu, tuổi
mới lớn thường hay mơ mộng vậy mà, hình- như –là- Tình -Yêu chứ không
phải Tình Yêu, trái tim chỉ rung rinh xao động chút xíu mà sao kỹ
niệm đẹp đó khiến ta nhớ hoài...
Riêng thằng bạn
tui cứ thổn thức về “mối tình con
cò” này suốt mấy mươi năm, chắc hắn ray rức vì sao ngày xưa mình
nhát gan đến thế? Thậm chí một lời tỏ tình dễ thương cũng không dám
nói, để nàng lặng lẽ ra đi biền biệt...Mà đâu phải mình hắn tình
câm đâu, hầu hết đám bạn trai của tui đều
chôn chặt nỗi lòng để sau này nhìn lại người xưa mà ngẩn ngơ
làm thơ tình muộn “ai biểu hổng nói chi! Ừ ai biểu”
Mỗi lần có
dịp về quê nó lại chở tui đi vô con hẻm nhỏ nhà nàng, đứng tần ngần
dưới cây trứng cá rồi lầm bầm “ lạ thiệt, mình có người bạn mà
bổng dưng biến đi đâu mất tiêu, hỏi tìm hoài mà không ai biết..”. Rồi
trong lúc trà dư tửu hậu, LVC thương cảm nỗi lòng của V bèn hứa sẽ
truy tìm con cò ốm trên Facebook,
tấm hình thẻ học sinh của nàng được post lên với đôi dòng tiểu
sử...Thời đại internet thật tuyệt vời, sau hai hôm thông qua nhiều dây
nhợ quen biết đưa tin , LVC bên Mỹ đã thức trắng đêm để canh me bắt cho
được con cò đang làm tổ bên Úc,
dĩ nhiên nàng đã có chồng có con và cuộc sống yên ấm, thời gian có
chờ ai bao giờ, đứa nào cũng tóc bạc như nhau, cũng có gia đình riêng
tư hạnh phúc, mối tình học trò ngày xưa (nếu có ) chỉ là kỹ niệm đẹp của một thoáng
xao lòng, con cò con vạc gặp nhau
trên FB tha hồ líu lo sau gần 40 năm mất dấu, chỉ cần nghe tiếng bắc kỳ nhỏ nhẹ của nàng thôi,
chắc thằng bạn tui cũng thấy ấm áp thân tình..Nếu có cái đồng hồ
quay ngược thời gian của Doremon, không biết bạn bè tui có còn ngọng
nghịu như ngày nào...
Ngọc Ánh