Khi Nguyễn Huỳnh bị động viên vào Thủ Đức ắc ê, Huỳnh nhờ
chúng tôi coi nhà hộ. Một hôm buổi trưa nóng nắng giữa khu Bàn Cờ, tôi và một
lô bằng hữu đang ở trần ôm bia băm ba nghe nhạc Khánh Ly thì có tiếng gõ cửa,
dù cửa không đóng.
Một ông cụ trông hiền lành đứng đó hỏi :
-Thưa các ông, đây có phải nhà của thằng Huỳnh không ạ?
Tụi tôi nhanh như chớp bật dậy, vì biết ngay ông cụ là thân
sinh của Huỳnh từ Đà Nẵng vào thăm con. Sau khi mời cụ ngồi, đứa thì lo thu dọn
chiến trường la de, băng nhạc, sách báo, đứa thì lo rót nước hầu chuyện cụ. Sau
một hồi, ông cụ chỉ từng đứa “Thế ông này làm gì? Ông kia làm gì?” Chúng tôi
khai cả lũ từ Ngô Đình Vận đến Du con, Nguyễn Bá Quyền đều làm báo cả, ông cụ
trầm ngâm :
-Thế ra các ông đều là nhà báo. Ờ, lúc thằng Huỳnh nó đỗ xong tú tài, tôi bảo nó học sư phạm, học y khoa, nó lắc đầu, đi học văn khoa, văn khiếc gì đó. Cử nhân văn khoa là cử nhân gì vậy các ông? Học xong thì làm gì để sống? Đã vậy học xong nó lại đi làm báo với các ông mới khổ chứ. Thế hàng xóm họ hỏi tôi, tôi trả lời làm sao? Không lẽ lại bảo tôi nuôi con tôi khổ cực cho nó đi ăn học để rồi làm ông nhật trình à? Mà nó có sung sướng gì đâu. Nhà này tôi gửi tiền vào mua cho nó. Tháng tháng tôi vẫn phải chu cấp thêm. Thế tại sao các ông cũng làm báo vậy?
Giọng cụ đều và trầm, rõ từng tiếng một. Cả lũ ú ớ kể cả những
tên già mồm lớn miệng nhất. Ông cụ nhìn lên tường thấy phó bản của viện bảo
tàng Louvre in bức họa nổi tiếng Mona Lisa, bỗng thở dài :
- Tôi thật không hiểu các ông. Nhà tôi đạo Phật mà nó lại
đem hình Đức Mẹ to thế kia về treo giữa phòng khách. Chúng tôi lâm vào ngõ bí,
vội vàng thu vén, đưa chìa khoá nhà cho cụ rồi dọt mất.
Nguyễn Huỳnh tử nạn ngay vài ngày sau 30/4 và cái chết mờ ám
của anh đã gây một mối đau lòng không chỉ cho người thân trong gia đình. Bằng hữu
làm báo của anh còn lại ở Sài Gòn hôm đó đã tề tựu đủ để tiễn anh. Nguyễn Huỳnh
cũng như đa số người làm báo trẻ tuổi lúc đó đã phải vượt nhiều khó khăn để lao
vào một nghề luôn bị nhìn bằng con mắt dè bỉu và bằng những lời dị nghị.
Giống như Nguyễn Huỳnh, tôi và những bạn đồng lứa bỗng như bị
đẩy vào thực tại của cuộc chiến sau một thời gian êm ấm của Đệ Nhất Cộng Hoà.
Suốt từ hiệp định Geneva đến khoảng 1960, miền Nam tương đối có một không khí
thanh bình. Thiên hạ nửa đêm vẫn có thể lái xe từ Sài Gòn ra Vũng Tàu không sợ
bị mìn, bị đắp mô. Xe đò chạy liên tục 24/24 từ thủ đô lên mạn ngược như
Kontum, Ban Mê Thuột và ra Trung như Đà Nẵng, Huế, hoặc xuôi xuống miệt đồng bằng
Cửu Long. Không khí yên lành đó thực ra chỉ là cơn lặng trước khi có giông bão.
Nhưng ở tuổi học đường, chúng tôi chưa để ý đến những vấn đề lớn của quốc gia
cho đến khi anh em tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại.
Cả một lớp thanh niên sinh viên như chợt tỉnh ngủ, lao vào
cuộc sống chung với tất cả sự đa dạng của thời cuộc. Thời ông Diệm, Tổng Hội
Sinh Viên hoặc nói rộng ra thanh niên sinh viên chỉ có một hoạt động "nổi
tiếng" là vụ biểu tình trước khách sạn Majestic phản đối Ủy Hội Quốc Tế Kiểm
Soát Đình Chiến. Sau 1963, chúng tôi có quá nhiều đoàn thể, hội đoàn và đủ thể
loại sinh hoạt. Từ những cuộc bầu cử phân khoa cho Tổng Hội Sinh Viên, từ
Chương Trình Hè, CPS, Thanh Sinh Công, Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Thanh Niên
Chí Nguyện, Thanh Niên Thiện Chí… cho đến một số các tổ chức có màu sắc chính
trị hơn nữa như Sinh Viên Tự Do. Chúng tôi chóng mặt, say sưa lao vào cuộc sống
trong cái ám ảnh của cuộc chiến đang mỗi lúc một lan rộng và cường độ cũng mỗi
lúc một tăng.
Rồi cuộc chiến được quốc tế hoá – nói một cách văn vẻ – hoặc
Mỹ hoá với một đạo quân 500 ngàn lính Mỹ tham chiến. Xã Hội Việt Nam vào những
năm sau 1963 quả đã chịu những cơn lốc khốc liệt nhất. Báo chí Việt Nam tất
nhiên cũng bị cuốn theo.
*
Hình ảnh trước 1963 của báo chí Việt Nam cũng giống như đời
sống của thanh niên sinh viên. Nó phẳng lặng như cái thanh bình giả tạo đang
có. Mọi công việc đã có văn phòng Nghiên Cứu Chính Trị của bác sĩ Tuyến, có bộ
Thông Tin của ông Trần Chánh Thành, ông Ngô Trọng Hiếu lo. Báo chí phần nào chỉ
là cánh tay nối dài của chính sách và đường lối của chính phủ. Những tin lớn nhất
trong giai đoạn này còn được nhớ là vụ án cô Gần ở Rạch Dừa, vụ Khỉ Cà Mau của
tờ Sài Gòn Mới, vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt át xít… Số báo xuất bản cũng khá giới
hạn, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nổi bật nhất có lẽ là các tờ Tự Do, Ngôn
Luận, Tiếng Chuông, Dân Đen, Sài Gòn Mới, Thần Chung, Tia Sáng.
Những người làm báo đa số đã già, đã quen với nếp yên ổn do
chính quyền vạch ra. Nhưng khi sợi dây trói bị đứt tung, làng báo Việt Nam như
mất định hướng. Điển hình và phản ánh rõ nhất có lẽ là lời “thú nhận” của ba
nhà báo nổi tiếng Hiếu Chân, Chu Tử và Từ Chung khi ba vị này công khai thú rằng
họ đã không đảm đương đúng vai trò nhà báo suốt thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Trong bối
cảnh đó, báo chí Việt Nam còn bị choáng ngợp vì đạo quân báo chí quốc tế đổ vào
Việt Nam và lượng tin tức dồi dào liên quan đến chiến cuộc. Tin tức Việt Nam
lúc đó luôn luôn xuất hiện trên trang nhất củabáo chí thế giới.
Nhìn lại lớp ký giả kỳ cựu của Miền Nam có thể tạm phân ra :
• Hàng đầu là những nhà trí thức, học vấn uyên thâm như các
ông Từ Chung, Trần Tấn Quốc, Nguyễn Kỳ Nam, Chu Tử, Như Phong, Hiếu Chân ...
• Một loại nhà báo khác có mặt là những người đấu tranh, những
phần tử đảng phái từng lăn lộn suốt quá trình từ tiền chiến – tức trước 1945.
Điển hình có thể là các ông Thái Lân, Thái Linh, Ngọa Long, Trần Việt Sơn, Cao
Dao ....
Những người nêu trên đã xông vào nghề báo vì họ chọn báo chí
như phương tiện đấu tranh cho quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy mà đa số bài viết
của những vị ký giả nổi tiếng trên là những bài quan điểm, bình luận thời cuộc,
tham luận chính trị. Những nhà báo đáng kính đó vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh bằng
ngòi bút cho đến cuối đời. Có những kết thúc ngạo nghễ như của Từ Chung. Có những
kết thúc vô lý như của Chu Tử. Có những kết thúc âm thầm, lặng lẽ như của Ngọa
Long, Hiếu Chân, Trần Việt Sơn… nhưng họ đã để lại những tấm gương cho lớp trẻ
nhìn vào.
Nhưng báo chí có một nhiệm vụ quan trọng là thông tin. Đây
có lẽ là lỗ hổng lớn nhất của báo chí miền Nam. Những ký giả săn tin và viết
tin hiếm hoi vì Việt Nam chưa có trường đào luyện và hơn nữa, dưới chế độ của tổng
thống Ngô Đình Diệm, báo chí không thấy có nhu cầu cần đến loại ký giả này.
Nhìn lại, chúng ta có các ông Phan Nghị, Trực Ngôn, Hoàng Hải
Thủy, Trần Việt Hoài ... Tất cả những vị trên sau 1963 vẫn hiện diện và nổi tiếng
trong làng báo, nhưng không trên lãnh vực săn tin, viết tin. Ông Hoàng Hải Thủy
trở thành nhà văn ăn khách nhất với hàng chục tác phẩm đủ thể loại. Ông Trần Việt
Hoài được nhớ vì vở kịch thơ Tro Tàn Điện Ngọc. Ông Phan Nghị sau loạt bài Vượt
Trường Sơn đã bị nghi dính líu vào các hoạt động ngoài phạm vi báo chí, nhất là
sau khi ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Nhân Dân.
Điều đáng để ý nữa là nhiều ký giả săn tin đều đã “trọng” tuổi
và họ vào nghề báo với nhiều nhiệm vụ khác nhau, cần gì làm đó nên khả năng săn
và viết tin của họ chỉ là một phần nhỏ, đôi khi rất nhỏ trong nghiệp báo. Cái lỗ
hổng của làng báo Việt Nam đó cần được trám bằng những người trẻ tuổi hơn.
Ký giả, nhà báo là tiếng khá chung chung để chỉ người viết
báo. Nhưng, như trong mọi ngành nghề, ký giả cũng được phân biệt tùy theo lãnh
vực chuyên biệt. Ông Sức Mấy Đinh Từ Thức là một ký giả nổi tiếng nhưng chỉ viết
một mục thường trực có màu sắc nhất định và không bao giờ đi săn tin. Làng báo
Việt Nam phải ghi nhận rất nhiều vị ký mục gia (columnist) hoặc như tiếng chúng
tôi gọi là những vị viết film (film du jour) như Chu Tử với Ao Thả Vịt, Hiếu
Chân với Nói hay Đừng. Có những vị vừa là văn sĩ, vừa là ký giả mà những Hoàng
Hải Thủy, Dương Hùng Cường, Nguyễn Đình Thiều, Lê Tất Điều… là những khuôn mặt
điển hình. Ông Lê Tất Điều không bao giờ viết một bản tin nào trong cái nghĩa
tin tức báo chí. Ông Trần Tấn Quốc, ông Cao Dao, ông Trần Việt Sơn nổi danh vì
các bài nhận định, phân tích thời sự, nhưng các ông này không theo binh sĩ ra mặt
trận hay mò mẫm để truy ra đầu mối một tin đồn, tìm hiểu, phối kiểm xem đúng
hay sai… Họ không thuộc loại ký giả săn và viết tin. Ông Phan Lạc Phúc có bút
hiệu ký giả Lô Răng là một khuôn mặt đáng kính trong làng báo, nhưng nhất định
ông không bao giờ là phóng viên cả. Cái thiếu của làng báo Việt Nam chính là
vai trò phóng viên.
Săn tin và viết tin có kỹ thuật riêng, cần các kiến thức
chuyên biệt. Viết nhận định, người viết đưa ra ý kiến riêng. Viết ký mục hàng ngày
không cần đến yếu tố khách quan. Nhưng viết tin tức thì bắt buộc cần những qui
luật báo chí như tính chính xác, sự viện dẫn nguồn tin và tất nhiên cần khách
quan trình bày sự việc đúng như đã xảy ra. Tin tức phải nêu rõ các yếu tố căn bản
như thời gian, nơi chốn, sự việc diễn ra như thế nào, tại sao... Người phóng
viên không thể tự tung tự tác bịa chuyện, đưa nhận xét chủ quan, viện dẫn chứng
cớ mơ hồ và tin vào các nguồn tin vô căn cứ. Cách viết một bản in cũng có những
qui luật rõ rệt như mở đầu (lead) thế nào, khai thác, mở rộng chi tiết sao cho
gãy gọn, mạch lạc và kết thúc bản tin theo khuôn mẫu nào. Bản tin báo chí có thể
cắt bỏ một hay nhiều phần mà vẫn giữ đủ tính chất thông tin về các tình tiết chủ
yếu.
Ký giả săn và viết tin – xin được dùng chữ phóng viên – cần
có đức tính cần cù, nhẫn nại, nhưng xông xáo, biết ngửi tin, biết phải hỏi nơi
đâu, gõ cửa nào để có tin tức xác thực và phải nhanh – yếu tố quan trọng của
tin tức. Một yếu tố lớn để tồn tại trong nghề nghiệp phóng viên là phải biết tự
giới hạn khi khai thác tin tức. Bất cứ ai muốn trở thành phóng viên đều hiểu
các yếu tố căn bản của nghề nghiệp mà những điều nêu trên phản ảnh một phần rất
nhỏ. Sự kiện đáng chú ý là làng báo Việt Nam thiếu phóng viên, thiếu trầm trọng.
Lỗ hổng này kéo dài cho đến khi miền Nam sụp đổ.
*
Tất nhiên có cầu thì có cung. Trước đòi hỏi cấp thiết của
làng báo Việt Nam liên quan đến việc săn tin và viết tin, một số giải quyết cấp
thời đã được thực hiện mà đa số là từ phía chính quyền.
Viện Đại Học Sài Gòn không có phân khoa báo chí. Đại Học Văn
Khoa – với chữ Văn Khoa cần được nhấn mạnh – không có một chứng chỉ nào liên
quan đến báo chí. Mãi sau này viện Đại Học Vạn Hạnh với phân khoa Báo Chí, và
viện Đại Học Đà Lạt có trường Chính Trị Kinh Doanh với một phân ngành báo chí.
Những cơ sở đào luyện lâu dài, có giáo trình, có giáo sư đủ khả năng ở cấp Đại
Học không có, nên chỉ thấy một số khoá đào luyện cấp tốc được thực hiện, đáng
chú ý nhất là các khoá đào luyện của Đài Phát Thanh Sài Gòn và Việt Nam Thông Tấn
Xã.
Để lọt vào được các khoá học này, thí sinh ít nhất phải có bằng
tú tài và bài thi còn nhấn mạnh đến khả năng sinh ngữ. Hai khoá học này thu hút
một số rất đông người dự tuyển và đa số đều có trình độ đại học. Lúc đó áp lực
động viên đè nặng trên tất cả thanh niên sinh viên và hơn nữa tốt nghiệp xong
các phân khoa nhân văn như Luật, Văn Khoa, các ông cử cũng khó kiếm được việc
làm. Nghề báo xem ra có phần hấp dẫn, nhất là có tin đồn rằng họ có thể được
chuyển sang ngoại giao để làm “tùy viên báo chí.” Nghe thật lôi cuốn. Cả hai
khoá này đều được Asia Foundation tài trợ và có giáo sư ngoại quốc giảng dạy
cùng một số ký giả lão thành của Việt Nam. Xin ghi nhận nơi đây nỗ lực của hai
ông Nguyễn Ngọc Linh và Nguyễn Ngọc Phách trong cố gắng đào tạo lớp người làm
báo trẻ lúc đó. Ông Nguyễn Ngọc Linh là giám đốc Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam
rồi sau đó là Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã.
Phía quân đội cũng có một khoá huấn luyện nhưng thiên về
truyền hình. Một số cameraman đã từ khoá này xuất thân và về sau là một lực lượng
rất lớn trong công tác ghi lại hình ảnh chiến cuộc. Các đài truyền hình quốc tế
đã tận lực khai thác nguồn nhân lực này.
Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt cũng tổ chức một khoá tu nghiệp
với sự yểm trợ của Liên Đoàn Ký Giả Quốc Tế. Vì là khoá tu nghiệp – tức chỉ
dành cho những ký giả hành nghề – và lại quá tổng quát nên không gây ấn tượng
sâu trong làng báo Việt Nam.
Các khoá học của Đài Phát Thanh và VTX thực ra chỉ nhằm đáp ứng
nhu cầu của hai cơ quan này, nhưng đã gián tiếp cung ứng một phần nhân lực phóng
viên khá hữu hiệu cho cả báo chí tư nhân. (1) Những phóng viên của hai cơ quan
này vừa làm cho cơ quan chính phủ, vừa làm thêm cho các báo tư nhân. Đây là một
giải pháp có tính cách thoả hiệp. Các cơ quan chính phủ đều biết lương bổng của
phóng viên rất thấp – bắt đầu là 6000 đồng một tháng. Họ cần thêm lợi tức và được
nhắm mắt làm ngơ, để nuôi thân và nuôi gia đình. Phía báo tư nhân thì nguồn
nhân lực có học vấn và được huấn luyện này đáp ứng đúng sự thiếu vắng trong nghề
nghiệp nên đã hoan nghênh các ký giả nhà nước về cộng tác. Về lập trường chính
trị, chính quyền yên tâm vì những người trên dù viết báo tư nhân cũng không bao
giờ quên được gốc gác nhà nước của mình. Báo tư nhân cũng yên tâm vì nguồn tin
của những phóng viên này thường rất chính xác, phát xuất từ nhà nước.
Nhưng cái lỗ hổng của làng báo Việt Nam vẫn rất lớn. Số ký
giả được huấn luyện từ phía chính quyền không đông đảo lắm, chỉ khoảng trên dưới
50 người. Một giải pháp được đa số báo áp dụng là tuyển phóng viên từ những cộng
sự viên, những người thỉnh thoảng viết bài, viết tin nhất là tin địa phương. Cả
hai phương cách này cung cấp cho làng báo Việt Nam một số phóng viên đáng đồng
tiền bát gạo. Từ các khoá của chính quyền, có những Trần Công Sung, Dương Phục,
Vũ Ánh, Phan Thanh Tâm, Bích Thu, Lê Hùng... Từ phía quân đội có những Ngô Đình
Vận, Nguyễn Thế Tuấn Hải ...Từ phía các toà báo đào luyện có những Trần Quang,
Huyền Anh, Nguyễn Hoàng Đoan, Đường Thiên Lý... Từ phiá trường Chính Trị Kinh
Doanh Đà Lạt có Trần Trọng Thức, Trần Đại, Anh Điển...
Làng báo Việt Nam có những lúc lên đến hai, ba chục tờ với đủ
mọi màu sắc khuynh hướng từ đảng phái tôn giáo cho đến tả, hữu và cả trung lập.
Đáp ứng nhu cầu lập trường và khuynh hướng này thuộc phần vụ của người viết
bình luận, phân tích thời cuộc.
Báo chí còn có một nhiệm vụ khác nữa : giải trí. Nhiệm vụ
này khiến hình thành đội ngũ các nhà viết phơi-ơ-tông, có truyện ma quái, kiếm
hiệp, phóng sự tiểu thuyết, có truyện trinh thám, truyện dịch từ các tác phẩm
ngoại quốc… Lực lượng này khá đông để đáp ứng đòi hỏi. Nhưng nhu cầu tin tức
thì quả thiếu nhân lực.
Điều này phản ảnh rất rõ ngay trên mặt báo. Vào giữa thời điểm
cao độ nhất của cuộc chiến và những rối rắm về lãnh đạo, về chính sách đường lối
của miền Nam, độc giả chờ đợi các tin tức nhanh, chính xác. Nhưng làng báo Việt
Nam lại dựa vào tin tức của các hãng thông tấn và đài phát thanh ngoại quốc. Hiện
tượng này có thể được giải thích theo nhiều khía cạnh khác nhau. Làng báo Việt
Nam và độc giả vẫn “tin” vào các nguồn tin ngoại quốc, cho rằng họ có thẩm quyền
hơn, có khả năng hơn. Một cách nữa là chính chính quyền và các nguồn tin chính
trị nghĩ rằng tin tức được báo chí ngoại quốc đăng tải sẽ có ảnh hưởng sâu rộng
hơn. Ngoài ra, do áp lực của chính sách thông tin, báo chí Việt Nam có thể bị
đưa ra toà, bị đóng cửa, tác giả bài báo có thể gặp rắc rối đến bản thân khiến
chính các toà soạn thích xử dụng nguồn tin ngoại quốc.
Đến bây giờ thì tất cả đều rõ ảnh hưởng tai hại của dư luận
quốc tế và hậu quả đối với sinh mạng của miền Nam. Nhưng vấn đề ngoài mục tiêu
của bài viết này. Một hiện tượng nữa rất đặc thù và có lẽ chỉ xảy ra cho làng
báo Sài Gòn. Một phóng viên cùng một lúc làm việc cho nhiều tờ báo và trên mỗi
tờ báo ký một bút hiệu khác nhau. Ông Đường Thiên Lý viết cho Chính Luận, Sóng
Thần và đôi khi ở một vài báo khác. Các ông Tiến Sơn, Hà Túc Đạo, Nguyễn Tuyển
luôn luôn làm tin cho vài ba tờ báo khác cùng một lúc. Tùy theo thỏa thuận, có
khi phóng viên phải viết một tin dưới hai dạng, hai nhập đề (lead) hoặc văn
phong khác nhau. Đôi khi họ chỉ kê thêm tờ carbon và giao cho nhiều báo cùng một
bản tin.
Chữ nghĩa của chúng tôi hồi đó có hơi ví von mỉa mai khi hỏi
nhau “Dạo này đi khách cho tờ nào vậy?” hoặc
“Mày tay khăn tay chậu nhiều thế coi chừng chết sớm.”
“Đi khách” cho các báo cùng khuynh hướng, lập trường thì dễ,
nhưng có những phóng viên làm việc ở hai tờ báo hoàn toàn khác, có khi đối đầu
nhau. Đi dây kiểu này rất mệt và thường không bền lâu. Nạn khan hiếm phóng viên
còn thấy rõ nơi nhân lực của một số báo. Có những báo không có cả phóng viên vì
không cần. Tin tức quấy quá nơi trang nhất cho có, còn nỗ lực của ông chủ nhiệm,
chủ bút là đẩy mạnh các tiểu thuyết ăn tiền cùng với truyện giải trí. Trong trận
Mậu Thân, khi đa số báo Sài Gòn lo tường thuật chiến sự thì tờ Tin Sáng lẳng lặng
in 8 trang, 4 trang trong là 10 tiểu thuyết đủ dạng kiếm hiệp kỳ tình, xã hội
thời thượng ... Vì chiến tranh, Sài Gòn bị giới nghiêm lúc đó, và khi không thể
đi đâu, người dân bèn đọc báo và hết tin thì đọc tiểu thuyết. Bỗng đâu số phát
hành của Tin Sáng dẫn đầu làng báo lúc nào không biết.
Trong thực trạng khan hiếm như vậy, làng báo Việt Nam lại đụng
phải một đối thủ nặng ký là báo chí ngoại quốc. Họ cần người, không hẳn để viết
lách, nhưng là một loại nửa thông tín viên, nửa thông dịch. Nếu biết ngoại ngữ,
dù giới hạn nhưng đang làm phóng viên cho báo Việt Nam thì bạn được hoan nghênh
nhiệt liệt. Tất cả văn phòng báo chí ngoại quốc – không chỉ Mỹ mà còn Úc, Đại
Hàn, Nhật Bản, Tây Đức – đủ mọi quốc gia đều cần người. Họ trả lương gấp đôi, gấp
ba mà làm việc lại không có nhiều trách nhiệm như với báo chí Việt Nam.
Chính vì vậy rất đông phóng viên kha khá, có trình độ đã bị
báo chí ngoại quốc thu dụng. Cái khó bó cái khôn. Nhìn dưới một khía cạnh nào
đó, báo chí Sài Gòn là những cơ quan đấu tranh. Đấu tranh hiểu theo nghĩa rộng,
có thể là đấu tranh chống Cộng, đấu tranh cho một miền Nam dân chủ, đấu tranh
chống sự can thiệp của người ngoại quốc, và kể luôn đấu tranh cho trung lập,
cho bè nhóm, đảng phái, tôn giáo hoặc ngay cả Cộng Sản. Phần đấu tranh đó đã lấn
đi vai trò thông tin theo nghĩa đẹp của chữ thông tin. Tin tức trừ trường hợp
được vo tròn bóp méo để phù hợp với chủ trương đấu tranh, hiểu theo nghĩa khách
quan, vô tư, nhanh chóng, khả tín... đã không thực sự là ưu tư hàng đầu của đa
số báo chí Sài Gòn. Lý do của nhận xét trên thể hiện rõ nơi trang nhất. Khi bài
bình luận, quan điểm được chạy tít 8 cột trang nhất kiểu “Thư ngỏ gửi Tổng Thống
Thiệu”, “Phương cách tận diệt tham nhũng” hay “Hãy chú ý tới đời sống của
Thương Phế Binh”..., tin tức chắc chắn sẽ bị nhấn xuống hạng nhì hay hạng ba.
Có thể vì là cơ quan đấu tranh, có thể vì tránh né trách nhiệm
nên xử dụng tin tức từ các nguồn tin ngoại quốc, có thể vì tình trạng tài chính
eo hẹp và có thể vì nguồn nhân lực hạn chế, làng báo Việt Nam thiếu phóng viên —
hoặc như chữ trong nghề là chân chạy.Chân nằm là những người làm việc có giờ giấc
đàng hoàng như công chức. Đó là các vị ký giả ngồi ở toà soạn lo dịch tin, lo
biên tập, đặt tít, lo mise... Họ cũng có thể là người phụ trách các mục thường
xuyên khác như phụ nữ, gia chánh, văn học, trang của lính vv... Họ cũng có thể
là các nhà văn viết truyện dài. Công việc của ký giả chân nằm được minh định rõ
ràng, có khuôn mực, không như chân chạy.
Chân chạy, hay phóng viên, là người phải đi ra ngoài, phải
tiếp xúc, phải xông xáo. Họ phải mở được những đường dây, những ngõ ngách để
săn tin. Họ phải nhanh mắt, thính tai để nhìn, để nghe ngõ hầu tìm ra, khai
thác tin tức theo qui luật nghề nghiệp đôi khi rất tế nhị. Để làm được nhiệm vụ,
họ cần có kiến thức tổng quát tương đối, cần khả năng chuyên môn thụ đắc qua học
hỏi từ trường ốc tới thực tế.
Nếu nhìn như vậy và thực tế phần nào đã chứng minh được cái
nhìn đó, quả thật làng báo Sài Gòn trước 1975 có một lỗ hổng khá lớn là thiếu
phóng viên, hoặc thiếu chân chạy vậy.
Nghề phóng viên thật sự không phản ảnh những huyền thoại như
kiểu Lê Phong phóng viên của Thế Lữ. Làm phóng viên báo chí miền Nam không phải
là nghề có thể làm giàu. Hình như tất cả phóng viên cùng lứa chúng tôi đều rất
rách. Vinh dự nghề nghiệp thì hiếm hoi vì ít được công chúng chú ý tới. Độc giả
miền Nam e khó có người nào nhớ đến tên một phóng viên. Họ nhớ các ông viết
film như Kiều Phong, Sức Mấy, Chu Tử… Họ nhớ những vị viết bình luận chính trị
như Trần Việt Sơn, Nguyễn Văn Huy, Từ Chung, Cao Dao, Trần Tấn Quốc, Ngọa Long
... Họ có thể nhớ thơ đen Tú Kếu hay Tuýt, Choé với những bức biếm họa. Họ nhớ
Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Thẩm Thệ Hà ... Ai có thể nhớ đến tên một phóng
viên? Có thể là phóng viên Việt Nam chưa đủ tầm cỡ. Có thể là phần tin tức chưa
được chú ý đúng mức. Có thể là tinh thần trọng ngoại đã khiến người như Peter
Arnett được nhớ đến trong khi những người như Nguyễn Mạnh Tiến, Dương Phục, Ngô
Đình Vận … thì giống như bất cứ anh cha căng, chú kiết nào đó.
Nguyễn Huỳnh đã không đáp ứng được cái ước mơ của thân phụ
anh, không chịu thi vào Y Khoa, Sư Phạm, theo học Văn Khoa để đi làm phóng
viên, để làm chân chạy cho báo chí Việt Nam. Chọn lựa của Nguyễn Huỳnh dù rất
khó khăn, chọn lựa của riêng anh và của đa số chúng tôi, những người cùng lứa
xem ra vẫn không đủ để trám vào cái lỗ hổng thiếu chân chạy của làng báo Sài
Gòn vậy.
Lê Thiệp