18 May 2021

MỘT CÂU CHUYỆN TỪ LÂU KHÔNG DÁM VIẾT - Trần Thị Nhật Hưng

Tựa đề “Một Câu Chuyện Từ Lâu Không Dám Viết“ nghe hấp dẫn quá, chắc sẽ khêu khích sự tò mò của độc giả. Tại sao thế? Thế sao bây giờ lại dám viết?

  Thưa các bạn, nội dung câu chuyện này nói về một anh bộ đội, hay nói rõ ra ca ngợi và ngưỡng mộ hết lòng của tôi về anh bộ đội giữa khi lòng hận thù của các bạn về cuộc chiến, về người bên kia còn đang ngùn ngụt, chắc chắn sẽ có người chụp cho tôi cái nón cối, rồi tôi bị tẩy chay, ghét bỏ. Nên tôi ngại chứ. Còn bây giờ sau hơn 40 năm...

   Người bộ đội tôi muốn viết về, kể ra, đó là người em họ cùng ngành nhưng hơi xa của chồng tôi. Anh tên là Qui.

   Ngày anh Qui lần đầu tiên gõ cửa nhà tôi tại Sài Gòn sau năm 1975 để thăm cụ Ngọ, bố chồng tôi và nhận họ hàng sau hơn 20 năm xa cách kể từ cụ Ngọ di cư vào Nam năm 1954 cùng Huy, chồng tôi.

  Xui cho anh, anh đến giữa thời điểm tôi chán ngán cuộc sống, suy sụp tinh thần đang rơi xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng. Chồng đi tù (cải tạo) đã ba năm   không biết ngày về, kinh tế nhà ngày càng bế tắc, tương lai mịt mờ không biết xoay sở sống làm sao. Trong hoàn cảnh, tâm trạng luôn lo lắng, buồn phiền tôi không thể hoan hỉ đón chào người “anh em„ từ Bắc vào Nam với chiêu bài gọi là “giải phóng“ cho tôi được?!

   Tôi để anh đứng ngoài cửa lưới, tôi quay vào trong đánh thức bố chồng tôi đang nằm nghỉ trưa:

  • Bố ơi, có khách. Rồi tôi đi thẳng vào trong không màng mở cửa hay quan tâm sự hiện diện của anh Qui.

   Buổi chiều vào bữa cơm tối như thường lệ, dù chán ngán, nhưng khách lại nhà, tôi không thể bày ra một đĩa rau muống luộc chơ vơ như tôi và bố chồng tôi vẫn trường kỳ bấy lâu nay, tôi tom góp tí tiền còm cố gắng bày ra một bữa ăn sao cho coi được. Một bát canh rau muống nấu với tí tôm khô giả nhỏ, vài con cá đối bé tẻo teo bằng ngón tay cái chiên giòn chất chứa bao nỗi niềm ưu tư lo lắng của tôi nằm trong đó.

   Ngồi trong bàn ăn, tôi lặng lẽ và cơm, lòng nặng trĩu lo âu, không nói một lời gì. Bố chồng tôi thì huyên thuyên hỏi thăm, nhắc nhớ bao kỷ niệm tại quê nhà ngoài Bắc. Còn tôi thì cứ thộn mặt ra, thẩn thờ, nỗi ưu tư về kinh tế không làm sao che giấu được. Một lúc thật lâu, độ chừng nửa bữa ăn, anh Qui quay sang tôi nhẹ nhàng hỏi thăm:

  • Chị à, từ ngày anh đi vắng không có lương, kinh tế trong nhà sống ra sao hở chị?

   Câu hỏi của anh như đọc thấu suốt tâm tư tôi bấy lâu, tôi nhìn anh, không trả lời nhưng bỗng từ khóe mắt tôi tự nhiên tràn ra hai giòng lệ lặng lẽ lăn dài xuống má. Tôi đứng dậy rời bàn ăn, òa khóc.

   Khi nước mắt như giòng suối tươi mát nhẹ nhàng len lỏi trong tâm hồn, xoa dịu bao nỗi u uẩn, tôi thấy lòng nhẹ hẳn đi và tự nhiên một cảm giác thân thương gần gũi dành cho anh, người thấu hiểu để cảm thông hoàn cảnh tôi hiện tại, tôi trở lại ngồi vào bàn ăn, vẫn im lặng và cơm. Anh hỏi tiếp:

  • Cá này chị mua bao nhiêu một cân?
  • Dạ, 7 đồng một ký anh ạ.

(Lương cán bộ thời đó 65 đồng một tháng. Bác sĩ thì 100. Công nhân khoảng 40)

  • Mắc thế. Giá nhà nước và cơ quan mua chỉ 2 hào (20 xu) một cân thôi. 

   Rồi anh kể anh đang đóng quân tại Bà Rịa, nơi đó anh quen rất nhiều tàu đánh cá. Mỗi khi tàu cập bến, nhà nước thu mua cá để phân phối khắp nơi, giá rất rẻ và cá rất tươi. Khi nào có dịp tôi xuống Bà Rịa thăm anh, anh sẽ xin giấy cơ quan mua cho vài chục ký cá phơi khô để dành ăn.

   Mấy chục ký cá rẻ của anh không lôi cuốn tôi tí nào  bằng những chiếc tàu anh nói anh quen. Vì từ lâu đã nhen nhúm trong lòng tôi chuyện vượt biên mà tôi luôn thăm dò chờ cơ hội để xa lánh cảnh đời đang sống. 

   Tôi giấu ý nghĩ trong lòng, không nói ra, âm thầm chờ xem sau này ra sao.

   Những lần sau đó, mỗi khi anh về Sài Gòn, anh thường ghé nhà thăm và thường biếu bố chồng tôi khi cân đường, lúc bột ngọt, sữa lon…anh nói nhu yếu phẩm tiêu chuẩn của anh. 

  Với thời gian, cái vẻ chân thành thật thà ăn nói nhẹ nhàng điềm đạm, tuy nói ít nhưng khi nói đâu ra đó rất chính xác, hễ hứa là làm và đặc biệt nhất luôn quan tâm đời sống người khác đã thu hút cảm tình của tôi lúc nào không hay.

   Một hôm, anh ghé nhà, nhắc lại với tôi về “mấy chục ký cá rẻ„ rồi hẹn ngày giờ hướng dẫn tôi xuống Bà Rịa anh sẽ đón và gởi tôi ngủ nhờ nhà những người có tàu đánh cá anh quen. Chà, nghe lại thông tin “có tàu đánh cá anh quen„ và còn được “nằm vùng„ ngay nhà người có tàu, tôi mừng rơn như người được tin trúng số. Sẵn có Hiền, cô em gái từ miền Trung mới vào học tại Sài Gòn mấy tháng nay, tôi rủ Hiền cùng đi. Anh hoan hỉ lo cho cả hai chị em.

   Tại điểm X như đã hẹn, anh lấy honda đón và chở hai chị em tôi về nhà ông bà Tòng, nhà ngay trên bãi nhìn ra biển nước xanh rì gợn sóng vỗ rì rào trắng xóa nhấp nhô. 

   Ông bà Tòng có ba người con: hai gái một trai. Tuổi sắp xỉ 16 đến 20. Lúc tôi và Hiền đến nhà với sự gởi gắm của anh, tôi nhận ra họ niềm nở ân cần và dành cho anh nhiều niềm tin yêu, thương mến. Họ reo vui như gặp người thân bao năm xa cách nay về thăm nhà. Họ quí anh nên tỏ lòng ân cần vui vẻ tiếp đón hai chị em tôi.  Họ hết lời ca ngợi anh ra mặt, nào anh hiền, đàng hoàng, luôn quan tâm đến đời sống người khác và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi hữu sự. 

   Anh gởi chúng tôi xong, anh về cơ quan hẹn sáng hôm sau trở lại.

  Anh đi rồi, vì nhờ cảm tình với anh nên gia đình ông Tòng đối xử rất tốt với chị em tôi. Họ lo cơm nước chu đáo, chúng tôi tha hồ ăn cá tươi do họ đánh bắt và sắp xếp chỗ ngủ nghỉ rất đàng hoàng cho hai chị em.

   Bao năm tù túng ở Sài Gòn với nhiều nỗi ưu tư phiền muộn, nay ra biển, đứng trước trời đất bao la, vùng nước xanh ngan ngát mở rộng; chân trời là khoảng không gian mênh mông hòa trong âm thanh của tiếng sóng vỗ rì rào tôi thấy lòng khoan khoái dễ chịu tưởng như cuộc đời này không còn thú vui nào hơn thế nữa. Nhưng đó không phải là mục đích chính của tôi, viễn ảnh mơ đến một chân trời xa lạ, bên kia đại dương để đổi đời, tìm một cuộc sống mới, đáng sống hơn mới là mục tiêu của tôi.

   Tôi thăm dò đường đi nước bước, vờ vịt hỏi thăm những chuyện vượt biên để rồi thất vọng không tìm ra manh mối hay một lối thoát nào vì ông bà Tòng chỉ là người đánh cá đơn thuần an phận, nhút nhát.

   Tôi định sáng hôm sau trở về Sài Gòn thì anh Qui như đã hứa, khi trở lại, anh hí hửng nói với tôi:

  • Chị à, tôi đã xin giấy cơ quan mua cho chị 30 ký cá rẻ. Chị lên xe, tôi chở chị đi mua.

Tôi lắc đầu ngoầy ngọây:

  • Không, không. Cám ơn anh. Tôi không mua đâu, tôi không mua đâu. 

   Và tôi nhất định không leo lên xe anh. Nài nỉ mãi không được, anh không nói nữa, quầy quả lái xe đi mất. Hơn nửa tiếng sau thấy anh trở lại, eo ơi, tôi không thể tưởng tượng nổi, anh xách về hai bao cá thật lớn rồi nói với tôi.

  • Chị chịu khó mang về, tôi có tí quà biếu bác (biếu cụ Ngọ, bố chồng tôi).

 Tôi thở ra:

  • Trời ơi, làm sao mang về được hỡ trời?!
  • Không sao đâu chị, chị phơi khô nó sẽ nhẹ đi nhiều. Nắng bãi biển chỉ nửa ngày là xong.

Tôi nhăn mặt:

  • Nhưng còn đi đường sẽ bị công an kinh tế tịch thu.
  • Chị an tâm, tôi lo hết cho chị giấy mang đi đường rồi. Cá này là chị mua về cho cơ quan. Mua cho cơ quan thì không bị tịch thu.

   Tôi rũ người thở ra trước sự nhiệt tình và quá chu đáo của anh, không biết sao hơn, hai chị em tôi đành cùng anh và gia đình ông bà Tòng đổ cá ra phơi. Những cái nia được bày ra trải dài trên bãi biển rồi từng con cá được xếp lớp nằm thẳng hàng dưới ánh mặt trời. Đúng như anh nói, chỉ mới chiều tà, những con cá (cá nhỏ bằng đốt tay) đã khô queo quắc. Tôi đành ở lại thêm một ngày để hôm sau mới trở về nhà được. 

(Hôm xách cá lên xe đò về Sài Gòn, tôi hồi hộp vô cùng lo lắng, nếu công an hạch sách về cơ quan nào đó, tôi biết gì để khai, nên lòng cứ đánh lô tô. Cũng may hôm đó không ai xét hỏi, cá của tôi dễ dàng…bơi thẳng về Sài Gòn an toàn)

          Tối hôm ở lại Bà Rịa, sau khi cơm nước xong, anh đưa hai chị em tôi dọc theo bãi biển đi thăm xóm chài, cách nhà ông bà Tòng hơn tiếng đi bộ.

   Biển về chiều, hoàng hôn mát rượi. Ánh mặt trời hạ thật thấp về cuối chân mây, chỉ còn là những tia nắng hiu hắt trên mặt biển xanh. Gió ngoài khơi lồng lộng thổi vào mang hơi hướm mùi muối mặn và âm thanh tiếng sóng vỗ từng lớp, nhịp nhàng như làm nhạc theo từng bước chân chúng tôi đi.

   Khi chúng tôi đến xóm chài, trời đã sụp tối. Nơi đây dân cư khá đông đúc. Dưới những bóng đèn măng xông, tôi nhận ra những chòi gỗ, lợp tôn. Chòi nào cũng chỉ thấy toàn lưới là lưới. Đàn bà lẫn đàn ông đang ngồi vá, khâu lại những chỗ bị rách. Có kẻ thì đan lưới. Cuộc sống họ mộc mạc an nhàn. Trên khuôn mặt ai nấy không hằn vẻ gì lo âu. Họ sống nhờ biển. Biển đã nuôi họ lớn khôn và trưởng thành. Dù bên ngoài vật đổi sao dời, thời cuộc đổi thay nhưng làm như không liên quan ảnh hưởng gì đến họ. Gặp anh Qui đi ngang, ai nấy đều ngưng tay, bỏ công việc, họ reo mừng hớn hở, vui vẻ hỏi thăm anh ríu rít. Tôi nhận thấy họ dành cho anh nhiều tình cảm chân thành. Anh Qui cứ ghé thăm hết nhà này đến nhà kia. Hỏi thăm sức khỏe, công ăn việc làm của họ, rất thân tình làm như có bà con họ hàng gì với nhau, anh thông thạo biết hết từng hoàn cảnh mỗi nhà.

   Khi đêm đã về khuya, chúng tôi trở lại nhà ông bà Tòng, không theo đường bãi biển. Anh đưa hai chị em tôi quẹo trên xóm nhỏ. Hôm đó, trăng tròn sáng vằng vặc soi rõ con đường đất sỏi âm u, soi rõ ba bóng người lầm lũi đi trên con đường vắng. Anh đi giữa, hai chị em tôi đi hai bên. Những lùm cây um tùm hai bên đường trông thật bí hiểm, ma quái. Dưới ánh sáng lạnh lùng mờ ảo của trăng càng trông rùng rợn hơn. Hai chị em tôi vốn sợ ma, không ai bảo ai, tự nhiên đi sát vào anh, đôi chân như quíu lại.

  • Người ta nói, vùng biển không có ma đâu mà chỉ có yêu tinh ghê lắm chị.

Tiếng của Hiền cất lên. Quỉ nà, đang sợ muốn chết mà khi không Hiền còn bươi ra. Trong đầu tôi tự nhiên hình ảnh ma quái yêu tinh ở phim ảnh lại xuất hiện. Những chiếc bóng lờ mờ phất phơ, trắng toát. Tôi lạnh người nhìn về phía trước, lấm lét thăm dò… 

  • Cái gì kìa!

Tiếng anh Qui cất lên vừa nhanh, gọn rồi anh đứng khựng lại. Hai chị em tôi hét lên, cùng ôm choàng anh, cứng ngắc. Anh Qui cười ha hả. Biết là anh chọc chị em tôi, chúng tôi hoàn hồn nhưng chân vẫn bước chân siêu, chân vẹo.

   Sau lần đi Bà Rịa về, bẵng một thời gian dài, không thấy anh ghé nhà, rồi với những bận rộn cuộc sống tôi cũng quên mất anh, không quan tâm đến anh nữa. Nhưng đùng một cái xuất hiện vợ anh từ miền Bắc vào Nam và đến ở nhà tôi. Chị cho hay anh đang bị thương nặng và đang nằm dưỡng bịnh tại bịnh viện quân đội. Chị vào là để thăm anh.

   Những ngày vợ anh ở nhà tôi và đêm đêm nằm ngủ chung giường với tôi. Chị tâm sự, chị là vợ anh do cha mẹ anh cưới hỏi trong lần anh về phép thăm nhà. Anh không yêu chị nhưng miễn cưỡng chấp nhận để cha mẹ vui lòng. Cưới về nhà, đêm tân hôn, anh vẫn ngủ ngoài phòng khách, bị ép vào phòng chị, anh cũng chỉ lạnh lùng với chị thôi.

  Nghe chị kể, tôi cảm thương cho cả hai. Vừa thương anh, vừa thương chị. Cuộc hôn nhân không tình yêu, chỉ khổ cho đôi bên. Nhất là cho chị, một phụ nữ nông thôn, không nhan sắc dù có hiền lành cần cù siêng năng chất phác chinh phục cảm tình của thân sinh anh thôi, chứ không đánh động được trái tim anh. Thật tội nghiệp cho chị, chỉ làm vợ hững hờ trong vài ngày phép của anh, rồi sau đó, phải mang trách nhiệm nặng nề làm dâu, chăm sóc cha mẹ chồng. Còn anh thì đi biền biệt…

   Sau khi lành thương tích, từ bịnh viện trở về, anh lại ghé nhà bố con tôi nghỉ ngơi. Hiền thì lúc này đã vượt biên theo chồng sang Thụy Sĩ.

   Những ngày ở nhà tôi, anh cũng tâm sự nhiều nỗi với cụ Ngọ và tôi sau mỗi bữa cơm. Anh không ngại gì thú nhận, lòng yêu nước, thương dân, thương nòi của anh và của những bạn bộ đội của anh bị chủ nghĩa cộng sản lợi dụng với chiêu bài “Đánh Mỹ cứu nước„ đánh cho “Mỹ cút, Ngụy nhào„ đánh đuổi “bọn xâm lược (Mỹ) và tay sai (ngụy)„ nhưng rồi khi đất nước đã thống nhất, hòa bình đã lập lại trên quê hương ta (danh từ của cộng sản), tại sao còn đẩy anh cùng con dân Việt Nam sang Campuchia xâm chiếm nước người ta để anh phải bị trọng thương và bao thanh niên Việt bỏ xác nơi xứ người. Bấy giờ anh mới nhìn ra tham vọng bá chủ Đông Dương của cộng sản Việt Nam để rồi bị chính người anh em “răng hở môi lạnh Trung quốc„ trừng trị, nhẫn tâm gởi hằng chục ngàn cố vấn sang Campuchia năm 1979 để đối đầu với Việt Nam và đem quân quấy rối biên giới Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn cốt gây khó khăn cho quân đội Việt Nam đang chiếm đóng tại Campuchia phải rút quân về bảo vệ, còn gây bao thảm cảnh chết chóc cho dân lành tan nhà nát cửa. Trung quốc còn tham mưu cho Khmer đỏ quấy rối biên giới Việt Nam, xúi Khmer đỏ rút quân về biên giới Thái Lan để Việt Nam sa lầy tại Campuchia chết vô số kể. Riêng anh may mắn còn giữ mạng nhưng bị trọng thương. 

   Anh càng thất vọng khi thời gian qua sống trong miền Nam, anh chứng kiến sự thoái hóa của các cán bộ cộng sản choáng ngợp trước đời sống sang giàu, vật chất dư thừa của miền Nam. Họ bắt đầu hối lộ, tham nhũng, hủ hóa, cướp đất, cướp nhà….để lòng dân ai oán. Anh còn thốt lên, nếu “ngụy quân, ngụy quyền„ ngay giờ trở về, chắc cộng sản không thắng nổi.

   Trước tình trạng đó, anh còn tâm sự, anh sẽ trả lại thẻ đảng, trả lại quân hàm Đại úy mà cộng sản mới phong cho anh sau khi anh từ Campuchia trở về. Anh xin giải ngũ về quê nhà sum họp với gia đình, chăm sóc cha mẹ già, dù trở về, anh chỉ cày sâu cuốc bẫm với ruộng đồng vườn tược, nhưng anh được sống đời anh muốn sống.

   Nói là làm, thời gian sau anh trở lại nhà tôi, nhờ tôi mua cho anh một chiếc đài (tức radio) mà phải là radio cassette thêm vài băng trống với mục đích, để tại quê nhà, có anh em bộ đội cán bộ nào có cha mẹ hấp hối mà con cái ở phương xa không về kịp thì anh đã thâu lại tiếng nói sau cùng, lời dặn dò của cha mẹ để lại cho con. Tôi nghe thật cảm động, trước tấm lòng tha thiết phục vụ đồng bào với khả năng hạn hẹp về vật chất của anh nhưng tinh thần và tấm lòng thì cao vời vợi. 

   Chiếc đài đó, tôi mua từ món tiền lương anh để dành và từ chiếc nhẫn…kim cương anh tặng tôi.

   Tôi xin kể lai lịch về chiếc nhẫn đó, một hôm anh ghé nhà, lúc trò chuyện, anh đem khoe với tôi chiếc nhẫn, tôi xăm soi đeo thử rất vừa vặn nên anh bảo tặng tôi. Tôi mở tròn mắt:

  • Trời, đây là chiếc nhẫn hột soàn, anh bán đi để xài, sao lại cho tôi?

Anh ngơ ngác hỏi:

  • Hột soàn là cái gì thế?
  • Hột soàn là kim cương đó.
  • Kim cương là cái gì?
  • Kim cương là đá quí, mắc tiền lắm đó, mắc hơn cả vàng.
  • Mắc tiền sao lại có cô Campuchia tặng tôi?
  • Vì cô Campuchia nào đó mếch anh.

    Tôi tin như thế, vì anh Qui vốn khá đẹp trai, khuôn mặt chữ điền cương nghị, nước da hồng mịn màng lại thêm tính tình hiền hậu, hiểu biết dễ thương, anh sẽ dễ dàng chinh phục lòng của các cô gái.

   Anh cười nhẹ rồi anh kể thêm, thời anh ở Campuchia có cô còn tặng cho anh hột to hơn thế nữa, nhưng anh tặng cho người khác rồi. Còn chiếc này anh bảo tặng tôi, nhưng tôi nào nỡ lấy của của anh, tôi cầm lấy và dự định sẽ hỏi thăm và bán đi giúp anh, nếu không, anh lại cho người khác nữa, do vậy khi anh nhờ mua chiếc đài, tôi gom hai khoản tiền để mua cho anh chiếc đài khá hơn.

   Rồi một hôm trước khi về Bắc, anh đến chào bố chồng tôi, anh vui chuyện hỏi tôi:

  • Chị này, trong miền Nam, trai gái yêu nhau họ tỏ tình hay viết thư tình như thế nào, hỡ chị?

Tôi cười:

  • Bộ anh mếch cô nào trong Nam và nhờ tôi viết giúp thơ tình hả? Anh có vợ rồi đó nha.

Anh cười:

  • Không, chỉ thắc mắc cho biết tâm tình của người miền Nam thôi.

   Tôi hẹn anh vài hôm sau trở lại, tôi sẽ trao cho anh bức thư tình như anh muốn.

Tôi viết: 

« Em vô vàn quí yêu của anh.

Hôm nay bầu trời treo lủng lẳng.

Anh nằm nhà thẳng cẳng biên thư.

Buồn tình anh viết lá thư tam tổ.

Gởi cho người quạ mổ, anh yêu.

Thưa em

Mở đầu là bài thơ anh gởi tặng em để làm kỷ vật tình yêu của chúng mình, em nhé.

Em ơi.

   Khẩn trương viết lá thư này đến em, anh hy vọng em sẽ nhận nó với tất cả tấm lòng hồ hỡi và phấn khởi của em. Đột xuất nhận thư khi chưa biết rõ anh là ai, chắc em ngạc nhiên nhỉ ? Vậy anh xin gởi đến em sơ yếu lý lịch số ba của anh để em khỏi thắc mắc.

   Anh tên là Qui, sinh năm 1900…hồi đó, tại nhà thương Thái Bình. Tuổi con…dê (quí mùi).

   Tiểu sử anh, vắn tắt vài hàng chỉ có thế. Còn mục đích chính của lá thư này là anh muốn ngỏ lời anh đã thầm yêu em, yêu em vô vàn cho dù sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình anh đối với em không bao giờ thay đổi. Anh triệt để yêu em, yêu em đến mục tiêu cuối cùng là được đăng ký để quản lý đời em. Đời em sẽ được quản lý một cách chặt chẽ theo mọi chủ trương, đường lối và chính sách cai trị của anh. Không một kẻ lưu manh tệ nạn xã hội có thể xen vào để làm lũng đoạn, quấy rối trật tự trị an của gia đình ta. Nhưng nền tảng hạnh phúc ấy có được xây dựng bền vững hay không còn tùy thuộc vào sự nhất trí của em. Đừng bao giờ thao túng tình yêu mà nên chấp hành tốt mọi chủ trương của gia đình sẽ đưa tình yêu chúng ta tới chỗ bất diệt.

   Em vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của anh.

   Bấy nhiêu lời muốn tỏ cùng em, mong em cứu xét. Nếu cũng nhất trí yêu anh, xin báo cáo sớm để anh được tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thật vững chắc tới ngày đám cưới chúng ta, và để anh còn kịp đăng ký với thủ trưởng cơ quan mua ít bánh kẹo, thuốc lá với giá chính thức nhà nước cho ngày tổ chức ấy.

   Sốt ruột đợi tin em. Mong em khẩn trương trả lời nhé.Và luôn nhớ cho rằng, làm vợ anh, em không phải làm dâu, bởi vì trên đời này không có gì quí hơn độc lập và tự do. 

Anh Qui“

   Đọc bức thư tôi viết, anh cười ha hả, biết là tôi chọc anh. Thế nhưng anh cũng nhận nó và cẩn thận cất vào túi áo.

   Sau lần đó thì anh về Bắc. Tôi không gặp anh nữa rồi với bận rộn cuộc sống và lo toan tìm cách vượt biên, tôi cũng sang được Thụy Sĩ với em tôi.

   Ở xứ người, khi liên lạc về với gia đình, tôi hay tin anh đã có hai cháu bé với người vợ không tình yêu. Làm sao anh có thể phũ phàng quay lưng mãi được với người vợ hết lòng tận tụy, chăm sóc cha mẹ già của anh khi anh vắng nhà. 

   Rồi đến lúc chính sách nhà nước cởi mở cho những “núm ruột ngàn dặm„ quay về thăm quê hương, tôi cũng lấy vé bay về thăm gia đình, không chỉ Sài Gòn, miền Trung mà về tận miền Bắc để biết nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mà tôi chỉ nghe nhưng chưa hề đặt chân đến. Sẵn dịp, tôi về tận quê thăm phía nhà chồng luôn. Sực nhớ đến anh Qui, ngoài việc muốn thăm anh, tôi còn có dự định lập một quĩ từ thiện nhờ anh trông nom để giúp người cơ nhỡ ở quê khi tối lửa tắt đèn hay những bất trắc mà phương tiện ở quê gặp khó khăn, như chở người ra tỉnh cấp cứu khi hữu sự..v.v..Tiếc là lần đó, tôi còn bỡ ngỡ, chưa chuẩn bị, nhà anh lại xa, ở một làng khác, không ai đưa tôi đi, tôi dự định lần về sau quyết tìm gặp anh cho bằng được. Tiếc là, tôi chưa kịp thực hiện thì hay tin anh bị đột quị qua đời khi tuổi còn rất trẻ.

   Hôm nghe hung tin đó, tôi ngơ ngẩn thẩn thờ, bần thần suốt một tuần tiếc cho một đời người đáng sống mà không được sống.

   Hôm nay viết câu chuyện về anh, tôi không quên gởi đến anh một nén hương lòng khi nhắc nhớ đến anh với bao kỷ niệm êm đềm xa xưa mà tôi không bao giờ quên, luôn trân quí, kính trọng. Người ra đi coi như trở về với cát bụi, rồi đời sẽ lãng quên, nhưng với anh, với tấm lòng chân thành, chân thật luôn nghĩ và quan tâm đến đời sống người khác của anh vẫn luôn còn đó qua bài viết này. Giá trị của đời người là như thế.  

    Cầu mong sao, nhiều cán bộ, bộ đội, công an ngày nay hãy dũng cảm nhìn vào thực trạng của đất nước cũng quay về như anh để lo cho dân cho nước với khả năng phong phú dồi dào hơn anh Qui nhiều sẽ kịp cứu dân tộc Việt Nam ra khỏi ách nô lệ, xâm lăng kiểu mới của giặc phương Bắc. Những biệt phủ, dinh thự nguy nga, lộng lẫy với những siêu xe bóng lượn không thể là thước đo để đánh giá sự thành công nếu mất lòng dân. Bài học thời Nga hoàng vẫn còn đó, chính những cung điện lộng lẫy xa hoa huy hoàng đồ sộ kia từ xương máu và mồ hôi nước mắt của dân mà không lo cho dân đã là mồ chôn chế độ và gia tộc Nga hoàng.

Trần Thị Nhật Hưng

2019