04 May 2021

NẾU SÁCH BIẾT NÓI - Hòa Đa

Anh tôi là người mê sách, ngay thời còn đi học, tháng nào anh cũng dành tiền mua một cuốn sách, dù thư viện trường và thư viện quốc gia là nơi anh mất nhiều thời gian nhất trong ngày. Hai tiệm sách quen thuộc của anh là nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi và nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do. Ngày Chúa Nhật, bạn bè muốn tìm anh cứ quanh quẩn ở các tiệm sách, thế nào cũng gặp.

Sau này, khi ra đi làm, ở tỉnh không có tiệm sách lớn, anh đặt mua hai tạp chí Paris Match của Pháp và Life của Mỹ. Trong nhà, số sách báo chất đầy các kệ sách lớn nhỏ, thứ nào theo thứ ấy, như một thư viện nho nhỏ, từ các sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, đến các bộ truyện lừng danh của Trung Quốc như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc, Sử Ký Tư Mã Thiên... Sách tiếng Pháp và tiếng Anh cũng không ít, tiểu thuyết của A. Camus, F. Sagan, E. Hemingway; loại viết về chiến tranh Việt Nam của B. Fall và D. Pike cũng nhiều... Nói chung, thứ nào cũng có, từ triết học Á Đông như bộ Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh... đến các loại sách tham khảo kiểu Bách Khoa Toàn Thư Britanica...

Năm Mậu Thân, nhà nào cũng có một hầm trú ẩn trong nhà, phòng khi giữa lúc tên bay đạn lạc có nơi trú. Ở nhà, Ba tôi cũng dựng một hầm nổi mà một mặt là những giá sách và trên nóc hầm, ông xếp những bao sách thay cho những bao cát. Trong trận tấn công thứ hai vào thị xã, phía trước nhà có cả lô cốt phòng thủ của quân đội; trước khi khu vực nhà tôi lọt vào giữa trận chiến, cả gia đình phải di tản, gần một tuần sau, khi tình hình lắng dịu, tôi mới có dịp quay về thăm chừng nhà; nóc nhà mất một góc, phần mặt tiền coi như tiêu, nhưng kiểm điểm mọi vật trong nhà, tất cả còn nguyên vẹn, kể cả nồi cá kho còn trên bếp và thùng gạo dự trữ trong góc nhà, nhưng tủ sách bị lục tung, hai bộ Tam Quốc Chí và Đông Châu Liệt Quốc được đóng bìa da biến mất, chắc cũng lọt vào tay nào mê sách như anh tôi.

Mấy năm sau, tôi ra trường và chuyển về dạy học ở một tỉnh trong nam. Chịu ảnh hưởng phần nào của anh, tôi cũng bắt đầu tạo dựng tủ sách cho mình. Tuy không có nhiều cuốn giá trị như trong tủ sách của anh tôi, nhưng kể về lượng cũng không kém. Ngoài số sách chuyên môn còn sót lại ở đại học, tủ sách của tôi có vẻ “phổ thông” hơn nhiều. Tôi là thày giáo trung học nên cũng ít nhiều nặng về giáo dục, kệ sách của tôi chiếm nguyên gần trọn một vách của phòng trước, cũng là chỗ tôi kê mấy bàn học cho lớp dạy thêm của tôi, trên đó có mặt gần hết sách của Tự Lực Văn Đàn, Hồ Biểu Chánh ngày trước và mấy mấy tác giả hiện đại như Sơn Nam. Nhã Ca, Mai Thảo, Duyên Anh... Kệ sách còn có cả một phần truyện bằng tranh rất thịnh hành thời bấy giờ: Chuyện Xì Trum, Lucky Luke, Tintin... và một loạt truyện giáo dục thiếu nhi màu xanh, hồng, tím của nhà xuất bản Tuổi Hoa, dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Chẳng là lúc đó vợ tôi là cán sự xã hội, lại chuyên về thiếu nhi. Cô ấy “dụ” con nít hay lắm. Nhà chúng tôi mướn, tuy khang trang và có vòng rào riêng biệt, nhưng lại nằm trong một khu lao động có thể nói là nghèo nhất trong thị xã. Trẻ con trong khu xóm thường ít học dù có vài năm đến trường, thường hay tụ lại trước nhà tôi mỗi chiều, lúc bóng râm của cây mận trước nhà che mát hết sân xi măng. Lúc đầu chỉ có vài trẻ mà vợ tôi mến, rủ tới chơi, hái mận ăn, đưa truyện tranh cho đọc, sau bọn trẻ càng ngày càng đông, nhiều lúc chúng đến và ồn ào trong lúc tôi đang có lớp dạy kèm, nên tôi phải nhúng tay vào việc cô ấy. Tôi có kinh nghiệm về việc này vì ngày trước từng là huynh trưởng Hướng Đạo. Tôi gọi đùa nhà tôi là Phòng Đọc Sách cho trẻ con, mở cửa tuần ba lần vào các chiều thứ ba, năm, bảy, mỗi ngày hai giờ, từ 4 đến 6. Bọn trẻ muốn đọc sách tại đó, phải là “hội viên”. Điều kiện để trở thành hội viên rất đơn giản, do vợ tôi nghĩ ra: (1) không chửi thề, nói tục (đứa nào vi phạm bị cấm mượn sách một tuần); (2) không đánh lộn và (3) phải do một “hội viên” cũ giới thiệu và bảo đảm. Tất nhiên số hội viên cũ ban đầu này là mấy đứa thân thiết với vợ tôi. Mỗi tuần, trẻ có thể mượn mang về nhà một cuốn truyện Tuổi Hoa, và có thể đọc tại chỗ bao nhiêu tùy thích. Công việc này làm biến đổi khu xóm rất nhiều: trẻ con bớt chửi thề nói tục, đánh lộn. Bà con trong xóm cũng nhận thấy điều đó. Có lần, một phụ huynh tìm dến gặp và xin bồi hoàn tiền cuốn truyện do con bà mượn và lỡ bị em nó xé rách; nó nhất định không dám đến vì sợ “ông thầy” la. Trẻ lớn hơn, học trung học cũng có thể đến mượn sách về nhà đọc, có cả đứa mượn cả sách giáo khoa lúc đó tôi có khá nhiều vì năm nào nhà xuất bản hay tác giả cũng gửi tặng thầy giáo sách mới xuất bản để giới thiệu. Phòng Đọc Sách này kéo dài đươc hơn hai năm cho đến ngày tôi phải dọn nơi khác vì hết hạn mướn nhà, chủ muốn lấy lại để ở.

Mấy năm sau, giải phóng!

Anh tôi, lúc đó đang ở Sài Gòn. Gia đình theo lớp người di tản khỏi đô thành trong những ngày hoảng loạn cuối cùng cuối tháng Tư. Tôi hay tin, về Sài Gòn thu xếp. Cái gì mang đươc về dùng thì mang, còn lại thì bán. Riêng mớ sách của anh, mang đi thì nặng mà bỏ không nỡ. Anh tôi về sống ở Sài Gòn hơn chục năm, làm ăn được. Tính đam mê ngày xưa vẫn còn đó nay lại có điều kiện nên tủ sách của anh toàn là những thứ có giá trị. Có những thứ không dễ gì kiếm được ở thị trường thời bây giờ như cuốn Hồi Ký của ký giả Nam Đình, Histoire Du VietNam của P. De Viller hay bộ History of Civilisation của W. Durant... tôi đành phải đóng thùng những sách có giá trị gửi tại nhà ba vợ tôi bên Cầu Chữ Y, phần còn lại, bán ve chai lông vịt. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những sản phẩm của trí tuệ con người nằm lẫn lộn với thau nhôm bể, dép đứt.

Người mua còn chê:

- Anh thấy không, khổ giấy của sách nhỏ bán không được giá, thứ này nặng ký nhưng chỉ dùng để gói tiêu hay thứ gì nho nhỏ, cùng lắm là gói bánh mì. Người ta khoái giấy báo hơn, rộng, dễ xài!

Đúng là thời thế thay đổi làm những giá trị tinh thần cũng thay đổi luôn. Tôi ngẩn ngơ hết mấy hôm vì nhìn thấy những gì anh mình hằng ôm ấp và tự hào nay ra đi như những thứ phế thải. Tư tưởng của bao người trên các trang sách nay chỉ còn giá trị bao bì, thậm chí còn tệ hơn, ô uế hơn.

Một năm sau, đến lượt sách của tôi. Nhà nước phát động phong trào quét sạch nọc độc văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy để lại. Các em học sinh đi theo nhóm càn quét này chỉ cứu được mấy cuốn sách chuyên môn học trình đại học của các Giáo Sư Lê Văn Thới, Chu Phạm Ngọc Sơn. Nguyễn Chung Tú, Lý Công Cẩn, Cao Xuân Chuân... một số sách về Hóa Học và Vật Lý bằng ngoại ngữ, và một số rất ít sách giáo khoa trung học. Còn tất cả, kể cả cuốn tự điển Webster mà tôi hãnh diện khoe với vợ khi mua được nó ở chợ sách cũ và cuốn Tự Điển Pháp Việt của Đào Duy Anh, đều cùng chung số phận: quăng nhào trên chiếc xe ba gác, nằm xiêu vẹo chỏng chơ bên mấy băng nhạc cassette, máy đánh chữ, cả cái máy hình Canon loại đờ-mi bỏ túi cũ kỹ cũng bị tịch thu với lời cảnh cáo đầy hăm dọa:

- Anh dùng máy chữ làm gì, đánh máy truyền đơn chống lại cách mạng? Anh làm gì mà có máy chụp hình, anh dùng máy này để làm gì? Chụp hình mấy cơ quan hả?

Năm sau tôi dọn về sống ở nông thôn, một lựa chọn không mấy dễ dàng để tránh khỏi bị tống đi kinh tế mới. “Nhà” mới của tôi không gần đường bộ, nhưng thuận đường sông. Mấy người bạn Hướng Đạo cũ phụ tôi dọn nhà trên ba chiếc tam bản, vốn có máu tếu trong người, gặp nỗi khó khăn vẫn vui tươi; dọc đường, bắt chước mấy người mua ve chai lông vịt rao “bán” sách: “Ai mua sách cũ hông? — ai mua soong cũ, nồi cũ, sách cũ hông?” làm mấy bà ven sông xớn xác tưởng dân mua phế liệu, kêu vào bán nồi nhôm dép đứt...

Một lần, mưa gió giông bão giật sập căn nhà cheo leo giữa đồng mông quạnh, tôi chịu trận hai ba ngày liền mưa gió để che chắn đậy điệm chút tài sản hiếm hoi còn lại mà phần lớn là sách. Mấy ngày sau nắng lên, bên cạnh mớ quần áo, gạo thóc ít oi là mấy đệm sách, bà con nông dân qua lại lắc đầu cám cảnh, có người hỏi mỉa: “Bộ cha nội thầy giáo này ăn sách mà sống sao chớ? Người ta nhà sập phơi lúa, thằng chả phơi sách!” Có người còn vô tình hơn: “Chèng ơi, sách của ổng hả? cho tui làm giấy vấn thuốc hút, cả đời cũng không hết.” Nghe những bình phẩm kiểu đó, tôi chỉ còn cách duy nhất là cười mếu cho qua buổi.

Một lần khác, có người khách lạ hỏi thăm đường, dáng chừng cũng là cán bộ hưu trí qua cách ăn mặc và tuổi tác, tôi cho thằng con dẫn đường giúp... Lúc trở về, ông ghé nhà, xin miếng nước uống. trong lúc ngồi nói chuyên, ông dảo mắt qua tủ sách tôi, rồi hỏi, giọng nam kỳ rặt:

- Nghe Ba Lâm trong xóm nói ngày trước chú là thày giáo?

- Dạ phải.

- Trước chú dạy ở đâu?

- Dạ ở trung học tỉnh.

- Sao chú lại về làm ruộng?

- Tại lý lịch - bỗng nhiên tôi cảm thấy khó chịu, trả lời nhát gừng - bản thân là sĩ quan biệt phái, em, sĩ quan ngụy! Ty giáo dục cho là thành phần không tốt, tôi không về làm ruộng, phường sẽ đưa đi kinh tế mới...

Khách trầm ngâm một lát rồi nói:

- Như vầy là lãng phí, kiến thức là vốn quí của con người lại bị nằm không trong chòi lá này, mặc dầu biết là không ai lấy của chú được... Bác Hồ nói “...vì kế hoạch trăm năm, ta trồng người.” Chú muốn đi dạy lại không? Tôi có thể can thiệp ở Ty. Tôi có hỏi Ba Lâm tên chú rồi, nếu chú muốn, tôi sẽ can thiệp, chú sống như vầy không sợ mai một ư.

Câu nói trên của nhà tư tưởng nào đó bên Tàu, bác Hồ dịch lại, cán bộ nhà mình từ cao đến thấp đều bảo là bác Hồ nói, nghe thấy mệt.

Mấy năm xa trường, xa lớp, tôi nhớ biết bao khung cảnh trường xưa lớp cũ, tôi thèm biết bao được trở lại với môi trường cũ của mình. Dù không tin vào lời hứa của một người không quen biết, tôi vẫn nuôi hy vọng:

- Được vậy thì còn gì bằng, nhưng có hy vọng gì không?

- Thì chú cũng để tôi thử xem!

Chuyện ngừng ở đó, và tôi cũng không có cơ hội chính thức trở lại trường.

Tuy vậy, cũng có một khoảng thời gian khá dài tôi sống nhờ sách vở, khi dạy cho các nhóm luyện thi đại học, tất nhiên là dạy chui, câu nói chơi của người bạn nông dân “Bộ cha nội thầy giáo này ăn sách mà sống sao chớ?” ngày trước khi nhà sập thế mà đúng. Có lần đang dạy, công an phường “chộp” được, tịch thu hết sách vở mang về phường hẹn ngày mai giải quyết. Đang lang thang buồn rầu thì gặp một học sinh cũ; hỏi, biết chuyện, em nói:

- Thầy ngồi đây uống cà phê chờ em đi lấy về cho.

Một lát sau, em trở lại với túi sách vở của tôi, cười nói:

- Em lại công an phường, thằng tịch thu sách của thầy là học trò trong lớp bổ túc của em, trưởng công an phường cũng học trong lớp bổ túc, em xin lại. Thầy coi có mất gì không? Mấy chả lộn xộn, đọc không hiểu còn đòi để nghiên cứu!

Thời gian cứ lần lửa trôi đi cho đến ngày tôi chính thức đi Mỹ theo chương trình ODP. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, khám sức khỏe... tôi chờ ngày lên đường. Tủ sách tôi vẫn chưa giải quyết ổn thỏa. Tình cờ gặp lại một số học trò cũ, nay đã có đứa nối nghiệp làm thày giáo, có đứa là kỹ sư, tôi chợt nghĩ thôi thì giao cho tụi nó. Hẹn nhau một ngày, năm đứa, vào nhà tôi, tận trong ruộng, tôi cho tụi nó mặc tình muốn lấy bao nhiêu cuốn, loại nào cũng được, tùy ý... tủ sách vơi đi một phần. Phần còn lại, tôi mang ra chợ huyện cân ký lô cho mấy chị bán bánh mì, bán hàng xén, mỗi chuyến chỉ chở được hai giỏ đệm cột sau xe đạp... lần này không còn những bức xúc như trước kia, khi biết số phận những trang sách sẽ thơm mùi tỏi tiêu hay bầy nhầy mỡ heo, miếng thịt... Ít ra, chúng cũng được là cái gì đó dù vô cùng khiêm nhường trước khi vào thùng rác. Cuối cùng chỉ còn mấy cuốn sách tham khảo quí giá về Hóa Đại Cương, Hóa Vô Cơ, Hữu Cơ, Cơ học Thuần Lý, Toán Vi tích phân... của thời tôi còn miệt mài ở Đại học Khoa Học và Sư Phạm, hầu hết đều bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Suy đi nghĩ lại, dù gì mình cũng đã từng lăn lóc trong các ngõ ngách của hai ngôi trường thân yêu này, cũng từng ngày xưa xếp hàng trong các thư viện của trường để chờ sách, bây giờ không còn dịp dùng nữa, sao không tặng lại cho trường, ít ra còn có ích cho kẻ khác. Nghĩ sao làm vậy, nhân lúc phải về Sài Gòn làm giấy tờ, tôi hăm hở nêm chặt sách vào hai túi hai đáy Thái Lan sắm để đi Mỹ. Trên chuyến xe lam từ bến xe miền Tây về nhà, kẻ gian thấy hai túi nặng, tưởng chứa đồ buôn lậu từ biên giới về, rạch một đường. Chắc chúng cũng rủa thầm vì thuốc thơm, dép Lào đâu không thấy, chỉ thấy toàn sách. Cái túi mới tinh bị rạch một đường oan mạng.

Hôm sau, đến trường Khoa Học trước, hỏi xin gặp Hiệu trưởng, bận họp, Phó Hiệu trưởng, không có mặt. Gặp một thầy cũ, nói rõ ý định, thầy nhìn ái ngại, bảo “thôi mai anh đến vậy.”

Lần sang Sư Phạm, mấy cây me tây bây giờ đã trở thành cổ thụ, tàn lá che kín sân trường. Hai dãy lầu ngày xưa nằm song song như hai anh em của hai ban Văn Chương và Khoa Học nay đã rêu phong. Văn phòng bây giờ không còn ở đó nữa mà dời sang trường Sư Phạm bên đường Thành Thái. Lần này may mắn gặp được Giáo sư Hiệu Phó phụ trách Khoa Học của trường.

Sau khi nghe tôi trình bày, giáo sư nói:

- Anh về làm đơn xin tặng sách, nhớ kê rõ tên sách và tác giả, mang ra phường chứng nhận, rồi trở lại, nhé!

- Nhưng, thưa giáo sư, tôi không có hộ khẩu ở thành phố...

- Thì anh về quê, xin xã ấp chứng nhận cho! Vậy nhé!

Tôi lê hai túi sách ra về, lòng nặng trĩu.

Hòa Đa

Houston, tháng 5/2007