(Bài viết tặng nhà văn, người lính Trần Hoài Thư)
Khi đi sâu vào đọc, nghiên cứu văn học miền Nam, nhất là
trang sách của những người lính cho ta nhiều điều thú vị về cả nội dung tư tưởng
lẫn hình thức nghệ thuật. Sự phong phú về thể loại, ngôn ngữ, cùng tính thẩm mỹ
mang dấu ấn cá nhân độc đáo ấy, như một luồng gió mới làm dịu đi cái không khí
hừng hực của chiến tranh. Tuy còn một số hạn chế về kiểm duyệt in ấn, song tư
tưởng, tính chân thực của nhà văn, và tác phẩm (hầu như) vẫn giữ được những giá
trị ban đầu. Thật vậy, không phải đến khi chiến tranh bước vào giai đoạn khốc
liệt, ta mới bắt gặp tư tưởng cùng cái nhìn khác về chiến tranh của những Trần
Hoài Thư, hay Nguyễn Bắc Sơn… mà ngay từ đầu cuộc chiến nó đã đậm nét trên
trang văn của người lính, nhà văn Thảo Trường: “Nói năng tiếp xúc với
nhau mà lúc nào cũng phải giữ thế thủ, lúc nào cũng phải đề phòng…Đời sống
chúng ta đã bị chi phối bởi vật chất và nhất là đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc
chiến tranh xảo trá này… Trong hoàn cảnh hiện nay nhìn đâu chúng ta cũng thấy địch.
Địch như bủa vây chung quanh ta, địch đôi khi luẩn quất ngay trong chính ta” (sđd).
Sự hoài nghi, mâu thuẫn ấy, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng Thảo Trường. Do vậy, tuy trực tiếp cầm súng nơi chiến trường, nhưng với ông đây là cuộc chiến vô nghĩa, và bẩn thỉu. Từ đó, Thảo Trường bóc trần bộ mặt thật từ ông Nga, Tàu cho đến cả ông Mỹ và sổ toẹt tuốt tuồn tuột nó: “Bộ cứ của Mỹ là không giả sao…Ông có vẻ tin tưởng vào mấy thằng cha đó hơi nhiều. Ông có biết không, Mỹ nó làm được… người giả nữa là rượu…Nó có thể chế ra được bất cứ cái gì. Nó có thể chế ra người máy, vệ tinh, phi thuyền, mà nó lại còn có thể chế ra tự do, dân chủ, độc lập. Nó chế ra được hết. Nó có thể chế ra được nó nữa…Ông đừng có tin ở tụi nó kỹ quá, có ngày nó chế ra được ông đấy”. (sđd)
Sinh năm 1936 với cái tên cúng cơm Trần Duy Hinh tại Nam Định,
một trong những chiếc nôi của văn học dân gian. Cho nên, ngôn ngữ dân dã đi thẳng
vào trang văn Thảo Trường như một lẽ tự nhiên vậy. Và cái chất trào phúng là một
trong nghệ thuật xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của ông. Với những mâu thuẫn hiện
thực ấy, Thảo Trường đưa vào tác phẩm của mình, tạo nên tiếng cười đau đớn, sự
cảm thông sâu sắc, hay mỉa mai, châm biếm một cách chua cay. Có thể nói, Thảo
Trường là một trong những giọng văn trào phúng tiêu biểu nhất của nền Văn học
miền Nam, kể từ năm 1954 cho đến cả năm tháng tị nạn sau 1975. Với 17 năm cầm
súng, cùng 17 năm tù cải tạo sau 1975 là vốn sống, là nguồn thực phẩm phong phú
đã đẻ ra, và nuôi dưỡng những tác phẩm giá trị hiện thực Thảo Trường. Mất bởi
ung thư gan vào mùa thu năm 2010 tại Hoa Kỳ, Thảo Trường để lại 22 tác phẩm, với
nhiều thể loại cho nền Văn học Việt Nam. Có thể nói, đó là một gia tài đồ sộ của
một đời văn. Thảo Trường viết văn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những
truyện ngắn: Hương Gió Lướt Đi, Đò Dọc, hay Làm Quen… là thẻ thông hành đưa ông
đến với làng văn. Nhưng phải đến tác phẩm: Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng
Tháp, mới thực sự khẳng định tên tuổi Thảo Trường trên văn đàn. Tuy nhiên, những
tác phẩm cũng như thân phận Thảo Trường được chia cắt ra từng giai đoạn, gắn liền
với những biến động cùng nỗi đau của đất nước. Với tôi, ba truyện ngắn (đều có
tính trào phúng) tiêu biểu nhất về tư tưởng cũng như bút pháp cho những giai đoạn
sáng tạo ấy của ông là: Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp, Những Đứa
Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào và Hộ Khẩu Ở Ngoại Thành.
*Nhà văn người lính một góc nhìn về chiến tranh.
Là người lính cầm súng, ngay từ những ngày đầu cuộc chiến,
Thảo Trường đã thấy được đêm đen đang trùm lên hình đất nước. Bởi mảnh đất, con
người nơi tận cùng của sự khốn khổ ấy đang bị chính những học thuyết, đảng phái
ngoại lai quái đản giằng xé, và cưỡng hiếp: “Nhưng rồi những anh cán bộ
lại ẩn hiện, lại mò mẫm rỉ tai trong đêm tối. Rồi đồn dân vệ lại nổ súng và
cháy trụi. Ấp chiến lược thành ấp chiến đấu…Chị Tư lúc này đã trở nên một người
biết tới hai chủ nghĩa: cộng sản và nhân vị. Chị có thể nói rất trôi chảy về những
chủ nghĩa đó vì chị đã được nghe quá nhiều lần.“ (sđd). Vâng! Có thể
nói, cái tư tưởng phản đối cuộc chiến ý thức hệ này của Thảo Trường được in đậm
nét nhất trong truyện: Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp. Nó là một
trong những truyện ngắn hiện thực về chiến tranh hay nhất của ông. Bằng biện
pháp tu từ - hoán dụ, hình ảnh (chị Tư) người phụ nữ có chồng tập kết, bị lôi
kéo vào công việc binh vận và bị có thai, Thảo Trường đã mở ra cho ta thấy, cuộc
chiến ý thức hệ xảo trá đi đến tận cùng của sự tàn nhẫn, và bẩn thỉu: “Chị
tự hỏi “nó” là của ai? Của anh cán bộ hay anh binh sĩ truyền tin? Chị thẫn thờ
cả người và chị muốn rời ngay cái chốn đó…Cái thai của ai cũng được, nhưng chị
phải biết chắc là của người nào…“. Không dừng lại ở đó, sự khốn nạn ấy được
đẩy lên cao hơn nữa, khi người cán bộ CS buộc chị Tư phải trèo lên treo khẩu hiệu
và gài mìn. Nếu ta đã đọc Sông Sương Mù và Những Cơn Mưa Mùa Đông của Lữ Quỳnh
viết về hậu phương ở miền Trung xứ Huế, thì sẽ hiểu và đồng cảm hơn cho thân phận
con người ở mảnh đất xôi đậu miền Tây Nam Bộ này. Thật vậy, sự hoài thai của
Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp dù có mang dòng máu Cộng Sản, hay Cộng
Hòa thì đó cũng là nỗi đau, sự giày vò thân xác người mẹ, hay thân xác của cả
dân tộc này. Và trích đoạn dưới đây, không chỉ chứng minh tính hiện thực ấy, mà
còn làm cho ta bật ra tiếng cười mỉa mai, chua xót về thân phận đất nước, con
người, qua giọng văn trào phúng, hài hước của Thảo Trường:
“Chị tuột xuống thang trở vào nhà thay quần áo khác rồi
trở ra ngồi ở bậc cửa nhìn lên tấm bảng khẩu hiệu “Đả đảo Đế quốc Mỹ.” Anh
cán bộ mang hộ chị chiếc thang vào sau nhà…Chị Tư ứa nước mắt nhìn tấm bảng,
nhìn anh ta, rồi chị dắt anh ta vào giường. Chị Tư đè ngửa anh cán bộ xuống rồi
chị khóc nấc lên thành tiếng: “Tôi đây, tôi là của anh, nhà của tôi là
của anh, cái bào thai này cũng là của anh. Nó phải là của anh!” Anh
cán bộ ú ớ dưới ngực chị: “Nó là của Đảng! Tất cả là của Đảng!”
Và sự giằng xé, và mâu thuẫn đã đẩy bi kịch lên tột cùng,
khi người Sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa trở lại, bắt chị Tư, người đàn bà mang thai
phải tự trèo lên gỡ mìn, tháo cờ. Sự xâu xé, và hành hạ con người, đất nước
trong cái vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát như vậy, làm cho người đọc phải
giật mình kinh sợ. Là kẻ sinh sau đẻ muộn, rất may mắn không phải lao vào cuộc
chiến này, cho nên cái bi hài đó, nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Và dường
như, không thể tin vào điều đó, nên có những giả thiết gợn lên trong tôi: Lẽ
nào, Thảo Trường đã nhân cách hóa tính cách, hành động của nhân vật? Nhưng có một
người lính viết văn bảo: Chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra… Và tôi cứ tin
là vậy. Rồi Thảo Trường đã làm nguội chiến tranh, khi mở thắt nút của bi kịch bằng
hình ảnh người Sĩ quan Cộng Hòa tự tay đỡ đẻ, và khai sinh cho đứa trẻ mang
dòng họ của mình, làm cho tôi thở phào nhẹ nhõm. Cảm ơn Thảo Trường đã mở ra một
lối thoát, và cho ta thấy tình người vẫn lóe lên ở đâu đó ở trong cuộc chiến
này:
“Chị Tư bị động thai. Người sĩ quan bế chị vào nhà đặt nằm
trên giường săn sóc cho chị…Gần sáng chị Tư sinh một đứa con trai thiếu tháng.
Người sĩ quan đỡ đẻ cho chị, anh ta làm công việc đó rất chăm chỉ. Đứa bé khỏe
mạnh khóc lên những tiếng làm cho anh ta vui ra mặt. Hắn luôn luôn sờ trán chị
Tư. Chị đã tỉnh và mỉm cười với hắn. Hắn cười lại... Mấy hôm sau, người sĩ quan
đến hội đồng xã…làm khai sinh cho đứa bé. Hỏi cha nó đâu, chị Tư lắc đầu trả lời
không có, nên người sĩ quan bèn khai cho nó mang họ của ông ta…”
Không dừng lại ở đó, lời nhắn thay cho đoạn kết của: “Người
Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp” đã mở ra một thiên truyện khác,
mang tên Khẩu Hiệu vào năm 1993, với cái chết sau 15 năm của người sĩ quan ấy, ở
nhà tù cải tạo miền núi phía Bắc, bằng tài năng liên tưởng độc đáo của Thảo Trường.
Có thể nói, ở những năm đầu thập niên sáu mươi Thảo Trường
viết khỏe, có nhiều truyện ngắn hay với cùng một đề tài này. Nhãn Hiệu Mỹ, cũng
một truyện ngắn như vậy. Vẫn đi sâu vào khai thác đề tài về cuộc chiến ý thứ hệ,
đưa đến nỗi thống khổ cho đất nước, và con người. Lời văn tuy mộc mạc, hồn
nhiên trong sáng, nhưng Thảo Trường đã gợi cho độc giả nhiều suy nghĩ. Cũng như
nhà văn Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, hay một số nhà văn khác, với đề tài trên, ở thời
điểm đó được cho là nhạy cảm, phạm húy. Do vậy, khi in ấn xuất bản Nhãn Hiệu Mỹ
của Thảo Trường đã bị đổi tựa thành: Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục, và cắt bỏ một số
từ ngữ, câu văn. Tất nhiên, sau này tái bản ở nơi hải ngoại, các bác đều trả nó
về nguyên gốc. Và coi đó là một vết thương đã đóng sẹo trên một tác phẩm văn học
thời chiến vậy thôi, như có lần nhà văn Trần Hoài Thư đã nói vậy với tôi. Viết
ra điều này để thấy rằng, văn thơ trên xứ Việt ta kể cũng lạ, ở thời kỳ nào, chế
độ nào cũng vậy, không ít thì nhiều, kiểu chó gì cũng bị sờ nắn, cắt thiến.
*Thân phận tù đày, với những khát vọng, tính nhân bản qua
giọng văn trào phúng.
Khi đọc, và nghiên cứu về các nhà văn miền Nam mặc áo lính,
thấy sau 1975 bác nào cũng bị tù đày cải tạo mút mùa cả. Với 14 năm của Phan Nhật
Nam, tưởng thế đã kinh, song không ngờ, 17 năm (đến kịch đường tàu) của bác Thảo
Trường làm cho người đọc vãi cả linh hồn. Chẳng biết, cái “nhà trường” ấy có gọt
rửa, tẩy não được gì các bác không? Chứ riêng Thảo Trường sau 17 năm “tốt nghiệp
ra trường” cái chất trào phúng trong văn chương còn đặc sắc, sâu cay hơn là đằng
khác. Thật vậy, Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào là một truyện ngắn như vậy
của ông. Với tôi, đây là truyện ngắn hay nhất trong số những tác phẩm của ông
mà tôi đã được đọc. Và nó cũng là một trong những truyện ngắn hay nhất viết về
tâm lý, thân phận người tù của các nhà văn sau 1975. Đây là câu chuyện có nhiều
tình tiết, nhân vật đủ chất liệu làm nên một trường thiên tiểu thuyết. Tuy
nhiên, Thảo Trường đã nén thành một truyện ngắn, song người đọc vẫn không cảm
thấy chật chội. Âu đó là cái tài của nhà văn vậy. Dù có bị đày đọa nơi địa ngục,
sức sống khát khao của con người vẫn nhen nhúm ở đâu đó. Và cái tình yêu, sức mạnh
ấy cho nữ tù nhân đủ can đảm gieo một mầm sống con người. Đoạn văn mang tính
trào phúng trong “Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào” dưới đây, không chỉ cho
thấy trí tưởng phong phú, với những hình ảnh so sánh sinh động, mà Thảo Trường
còn buộc ta phải bật ra tiếng cười chua chát:
“Thế rồi chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ
lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn
giây thun nhẹ. Chị thử kéo lên tuột xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử
khom khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều
kiện thuận tiện nhất cho anh hành sự. Thời gian không có nhiều. Tất cả chỉ
trong nhấp nháy. Chớp mắt là phải xong. Thời giờ là vàng bạc. Cái này cũng giống
như chiến thuật mà các anh cán bộ cách mạng hay khoe: “đánh mạnh, đánh mau, rút
lẹ”. Phải dùng sách của các anh mới được. Sách của giới giang hồ chúng tôi là bắn
chậm thì chết. Lớ ngớ còn đang thập thò mà các anh bắt được thì tù mọt gông. Chị
cũng bàn trước với anh để về phần anh cũng phải chuẩn bị không để một cái gì cản
trở, như Mỹ họ lắp ráp phi thuyền trên vũ trụ ấy, như pháo binh nhanh chóng,
chính xác và hiệu quả, như cán bộ vẫn leo lẻo “tư tưởng thông hành động đúng” ấy,
anh hiểu chưa, khổ quá! Phải tập cho thuộc để khi có dịp là bập liền nghe chưa
anh yêu!”
Thành thật mà nói, đọc “Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa
Hàng Rào” với những từ ngữ câu chửi của kẻ quản giáo, khi nữ tù nhân
đã mang thai, dù có bịt tên Thảo Trường đi, tôi vẫn nhận quê quán, sinh trưởng
của tác giả. Bởi, cái lời văn, ngữ điệu hơi bị đanh đá, dường như chỉ có ở vùng
quê Nam Định, Thái Bình. Câu cú, và cái ngữ điệu địa Phương này, làm cho truyện
tăng thêm tính chân thật và sinh động hơn: “Đ... mẹ mày, mày có biết
mày đang ở tù không? Cái thân mày nhà nước còn phải nuôi, bây giờ mày nói mày
nuôi con mày. Vậy lấy cái máu đẻ mà nuôi à? Mày có biết mày sướng có một tý mà
bao nhiêu người khổ vì mày không?”. Vẫn trong vai trò người dẫn truyện,
Thảo Trường đi sâu vào trần thuật, với từ ngữ dân dã, thông qua hình ảnh ẩn dụ
đôi dép của người quản tù: “Hắn đạp dép bình trị thiên lên mặt chị… hắn
giẫm cái dép kháng chiến vào bụng chị”. Nó bóc trần cái bộ mặt thật của cái
chủ thuyết huyễn tưởng bấy nay hòng che đậy. Tôi đã đọc khá nhiều trang sách đủ
loại viết về những năm tháng tù đày sau 1975, nhưng rất ít tác giả viết trần trụi
như truyện ngắn này của Thảo Trường. Và hình ảnh tra tấn tàn nhẫn, đê tiện, bỉ ổi
của gã quản giáo dường như vượt quá sức tưởng tượng, cũng như sức chịu đựng của
con người:
“hắn để cái đèn pin đứng chĩa thẳng lên trần, ánh sáng
đèn dội xuống đủ cho chị nhìn thấy hắn là cán bộ giáo dục, hắn cũng đội mũ kết…
cũng phù hiệu đỏ của ngành công an nhân dân… cũng sao thượng uý trên cổ áo… cũng
mang dép râu ở chân… Hắn đạp dép bình trị thiên lên mặt chị… hắn giẫm cái dép
kháng chiến vào bụng chị… chị co mình ôm lấy bụng che chở cho cái bào thai, hắn
bèn đạp thí mạng lên người chị, chỗ nào cũng được. Đau quá chị la lên hắn bèn
cúi xuống vả vào mồm chị, đấm vào mắt chị nẩy đom đóm, hắn nhổ nước bọt vào mặt
chị, hắn chửi “địt mẹ” um sùm. Rồi hắn vạch quần chĩa cái dương vật đen đủi lủng
lẳng đái tè tè vào mặt chị làm chị sặc sụa. Chị lợm cổ ói mửa ra nước mật đắng.
Chị ngộp thở và khóc oà nức nở. Hắn vẩy vẩy con cu cho những giọt nước đái chót
văng xuống rồi mới nhét vào trong quần.”
Có thể nói, tính nhân bản là một trong những đặc điểm làm
nên tên tuổi nhà văn Thảo Trường. Dù trong lao tù đói khát, cái tình thương bác
ái, sự sẻ chia vẫn in đậm trên trang văn, và trong cuộc sống của ông. Hình ảnh
những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong tù dưới ngòi bút Thảo Trường dường như,
không dừng lại là những nạn nhân, mà nó đã mở ra một khát vọng, sức sống của
con người, mà không có chủ thuyết nào, chế độ nào có thể giam cầm và dập tắt.
Và đó cũng là chữ “nhân” cao cả nhất trong tư tưởng, và thơ văn của Thảo Trường
muốn chuyển tải đến người đọc. Ta hãy đọc lại đoạn kết của truyện ngắn “Những Đứa
Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào” có lời văn rất đẹp, với cái tâm tĩnh của nhà văn,
người tù đi qua 17 năm:
“Kẻng vào phòng đổ hồi, ba đứa trẻ cũng rảo bước chạy
nhanh về phòng giam của chúng như những tù nhân khác trong trại. Cái bị cói ông
ngoại xách thấy nặng thế mà mấy đứa trẻ mang như bay. Bác già cầm quạt nan che
lên đầu dù là trời sắp tối, chậm chạp đi vào phòng bệnh. Bác ở tù đến năm thứ
mười bảy và vì là tù binh không có án cho nên bác cũng không biết đến bao giờ mới
hết. Bác không thuộc một chế độ nào nữa cả, bác thuộc về lịch sử.”
Sau những năm tháng tù đày, tuy sức lực không còn như những
năm đầu cầm bút, nhưng tư tưởng, bút pháp của Thảo Trường sâu sắc, và dường như
đến gần hơn với cái thuyết hiện sinh. Và dù ông không thuộc về chế độ nào nữa,
nhưng văn thơ cũng như con người ông sẽ thuộc về lịch sử. Đúng như những trang
văn của ông đã dự báo vậy.
*Hiện thực xã hội sau chiến tranh.
Có thể nói, lúc nào cũng vậy, văn thơ Thảo Trường luôn gắn
liền với thân phận đất nước và con người. Những hiện tượng xã hội đã và đang xảy
ra là chất liệu để ông vẽ nên những bức tranh chân thực và sinh động. Nếu cuộc
chiến ý thức hệ ở: Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp đã kết thúc bằng
tháng 4-1975, thì đến với truyện ngắn Hộ Khẩu Ở Ngoại Thành, Thảo Trường cho ta
thấy: “Thua chưa hẳn đã là thất bại”. Đây là một trong những
truyện ngắn độc đáo, tiêu biểu nhất về tư tưởng, bút pháp ở thời điểm này của
Thảo Trường. Thông qua những mảng ghép thân phận con người và cuộc sống, nhà
văn cho ta thấy giá trị con người và đạo đức xã hội đã bị đảo lộn tùng phèo sau
1975. Tình yêu, sự chiếm hữu đoạt, hay bán mua của nữ bộ đội (đã có chồng) với
một cựu sĩ quan tù cải tạo (VNCH) dưới bút pháp phúng dụ ta có thể thấy, chiếm
đoạt không phải đã là chiến thắng trong trận chiến này: “Bắt được tù
binh mà để sổng thì uổng lắm. Chiến thắng mất cả ý nghĩa. Phải giữ cho bằng được
thì thắng lợi mới toàn diện và triệt để… Anh nên ở lại đây với em, anh mà ở lại
đây thì em sẽ cung phụng anh theo tiêu chuẩn Trung Ương Đảng, còn hơn cả tiêu
chuẩn hưởng thụ của các đồng chí trong Bộ Chính Trị nữa cơ. Chúng ta sẽ là
Trung Ương Đảng và là ông bà ngoại của các cu tý tiến sĩ thời đại.”. Không
dừng lại ở đó, bằng phép so sánh, hình ảnh rừng rú, vô học của người chiến thắng
hiện lên một cách trào lộng. Và ngưng tiếng súng không hẳn đã hết chiến tranh,
mà cái mâu thuẫn ấy, dường như nó vẫn còn luẩn quất đâu đó trong lòng người: “Em
cũng đâu có muốn bỏ tù anh, nếu quyền bính trong tay, thì em đã giam giữ anh ở
nhà em cơ”. Đọc những lời thoại, câu văn trào phúng nhẹ nhàng, sâu sắc
này của Thảo Trường, chợt làm tôi nhớ đến giọng văn trào phúng Trần Kỳ Trung,
người Hội An. Đây là hai nhà văn có những tác phẩm mang tính trào phúng hay, và
cho tôi nhiều cảm xúc trong thời gian gần đây. Và đoạn trích mang tính tự sự dưới
đây của người nữ bộ đội về tình nhân (một Sĩ quan VNCH vừa tù cải tạo ra),
không chỉ chứng minh điều đó, mà còn cho ta thấy lối kể chuyện độc đáo, xen lẫn
tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của Thảo Trường:
“Bà nhìn người tình nhân nằm bên cạnh đang lim dim đôi mắt
nhìn lên con nhện chăng tơ trên trần nhà. Đôi mắt chàng ôi chao sao mà quyến rũ
mê hồn, bà chưa thấy đôi mắt nào có hấp lực với bà như thế. Bà chợt nhận ra rằng
đôi mắt của chồng bà và cả những gì khác nữa của ông cũng đều…tầm thường không
thể chịu được. Bà đã không nhìn ra những cái vô duyên của chồng. Cái mặt hô vô
duyên, cái tóc bù xù vô duyên…Bà thấy chồng bà in hệt các anh lớn ở trên, từ
bác cho đến các anh cả, anh hai, anh ba…anh mười, anh nào cũng giống nhau tai
tái, vô duyên… Anh thì xuất thân là một tay hoạn lợn, anh thì làm bồi phòng dưới
tầu thủy, anh cạo mủ cao su trong các đồn điền Tây thuộc địa, anh thì đi ở, thế
mà các anh ấy nhảy lên ngôi vị đứng đầu cả nước”.
Những tình tiết, nhân vật đan xen, chồng chéo làm cho nhiều
tình huống trở nên bất ngờ. Song Thảo Trường vẫn giữ được lời văn tự sự sâu sắc,
nhẹ nhàng. Do vậy, cùng với những hình ảnh ẩn dụ tác phẩm Hộ Khẩu Ở Ngoại Thành
không chỉ chuyển tải được nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội, mà còn cho người đọc
có sự tưởng tượng và suy luận đa chiều. Thật vậy, với nghệ thuật phúng dụ, hình
ảnh anh bộ đội giải phóng mù lòa, phải vịn vào vợ người lính VNCH đã tử trận dẫn
dắt là khung cảnh xã hội đã đi đến sự bần cùng của bế tắc. Và nó chứng minh cái
tư tưởng (thua chưa hẳn đã thất bại) như Thảo Trường đã hình tượng hóa:
“Nghĩ cho cùng, mọi tội lỗi cũng chỉ do đôi mắt sáng. Vì
có mắt anh thành tên xâm lược, vì có mắt anh thành kẻ buôn lậu, cũng vì có mắt
anh mới là một tên ma cô theo đuôi những tên ma cô ăn chơi đàng điếm. Nay đôi mắt
sáng không còn, anh không nhìn thấy gì nữa, anh không còn khả năng tác yêu tác
quái, anh bị lùa về một góc cuộc đời và anh trở thành người hiền lành an phận.
Anh trở thành người tình đáng yêu của chị. Chị xoa xà phòng thơm cho anh, thứ
xà phòng ngoại của khách Việt kiều cho, anh sẽ thơm tho, anh sẽ đẹp đẽ…“
Viết nhiều và đầy nội lực như vậy, song dường như những tác phẩm của Thảo Trường rất hạn chế phổ biến, đăng tải trên mạng, sách báo điện tử. Vì khoảng cách địa lý, do vậy rất khó khăn cho độc giả, hoặc những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu về ông. Do vậy, tôi hoàn toàn chưa có ý nghĩ sẽ viết ngay về ông. Nhưng đọc đến truyện ngắn Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào, và Hộ Khẩu Ở Ngoại Thành đột nhiên cái chất trào phúng Thảo Trường cho tôi một cảm xúc rất lạ. Mỗi mảnh vỡ của chiến tranh, của con người như đang được ông tìm bới và ghép lại vậy. Và tôi buộc phải cầm bút, không thể không viết. Có lẽ, đây chỉ là một vài cảm xúc nhỏ lọt vào cõi văn Thảo Trường mà thôi. Cái cảm xúc bất chợt ấy, chưa hẳn đã chạm đến được tài năng, và tư tưởng, hồn vía Thảo Trường. Song nó như một lời tri ân gửi đến ông của kẻ hậu sinh vậy.
Leipzig ngày 19-4-2021
Đỗ Trường