25 May 2021

TÌNH NGOÀI - Hồ Đình Nghiêm

Tôi ngồi đợi em ở công viên. Muốn đến cái đồi cỏ thoai thoải ấy, tôi tốn hai đồng bảy lăm xu và mất khoảng một giờ cho chuyến xe buýt chở đầy nhóc bọn học sinh với những công nhân còn nguyên nét ngái ngủ trên các khuôn mặt dường như chưa thích nghi với sinh hoạt đầu ngày.

Đêm qua tôi ngủ chẳng đầy giấc. Bần thần không phải là chữ đủ nghĩa để nói lên cái trạng thái mà tôi hứng lấy. Tựa như trước mỗi một cuộc đi xa, quần áo đã gói ghém có thứ lớp, nhưng ngổn ngang là loại hành lý luôn hiện diện trong tâm tưởng, bừa bộn những cảm giác nửa lo âu nửa thích thú. Người ta có thể đắn đo để sau rốt quyết định vất lại cái khăn tắm, chiếc áo ấm ra khỏi va-ly; nhưng đầu óc thì phải chịu đeo cứng những nỗi niềm chẳng dứt bỏ được, có vẻ như càng lúc càng nặng thêm.

Gió ở công viên mang theo mùi lá mục, chút ẩm thấp. Đồi cỏ hứng lấy vạt nắng vàng, tinh khôi; và nó cho nhãn quan nhận ra sương còn phủ long lanh một lớp mỏng trên màu diệp lục. Yên tĩnh. Vài tiếng chim kêu gần và nơi nào xa gửi theo gió về tiếng còi tàu hú cách khoảng. Tôi chọn một băng ghế gỗ mà khi ngồi xuống tôi có thể dõi trông những bộ hành đi tất bật qua về ngoài con lộ chính. Rồi em sẽ xuất hiện ở hướng đó. Tôi tự nhủ. Mường tượng ra dáng em đi. Khoan thai hay hối hả? Ngó trước trông sau hay cắm cúi bước? Màu áo nào em sẽ chọn mặc vào một sáng lạ thường? Mặt trời chưa lên cao, nó còn ẩn mình đằng sau những khu chung cư, tuy vậy khi đi làm, có những thứ công việc buộc người ta phải rời khỏi nhà khi trời còn nhá nhem. Mưa nắng có thể buồn vui để thay đổi diện mạo cảnh quang, nhưng một cái đồng hồ báo thức thì bao giờ cũng chuyên cần réo gọi, không sai trật một phút giây. Ngoài trời còn tối hay đã sáng? Nó cóc cần. Hà khắc, vô cảm. Một ngày có hai mươi bốn giờ, người ta có được bao nhiêu thời gian để ôm giữ niềm hạnh phúc riêng tư? Tôi không biết. Tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng hồ là thứ tôi chẳng màng tới. Đó có thể gọi là hạnh phúc? Có lần em biểu tôi nên sắm một cái cell phone. Nó thật tiện lợi, anh thấy không? Em nói, đồng thời lấy từ xách tay ra cái điện thoại nhỏ bé hiệu Motorola như thể làm mẫu cho tôi xem. Tôi ậm ừ cho xong chuyện, để em khỏi mắng lạc-hậu-như-người-âm-lịch. Tôi không mấy cảm tình với máy móc và chúa ghét mấy đứa đi ngoài đường nói huyên thuyên qua máy những điều gần như riêng tư tế nhị. Nói điếc con ráy! Chính bọn chúng đã khiến người ta đi tới một biểu quyết không khoan nhượng: Trong những phát minh tai hại của nhân loại, ngoài súng đạn phải kể thêm mobile phone! Nếu tôi đang làm chủ vật quái quỉ đó, không chắc nó sẽ réo lên giờ này. Bởi tôi chẳng quen biết ai. Và em, người thân duy nhất của tôi thì đang bước lại gần. Chẳng được bình thường, điệu bộ kia tựa như một người mẹ nóng ruột đi tìm con thơ mãi nghịch cát ở công viên, quên mất giờ cơm cả nhà đang ngóng đợi.

- Anh đợi có lâu không?

Em hỏi. Mặt em hơi xanh. Tóc đen mượt mà luôn chấm vai, tựa hồ suốt cả cuộc đời thăng trầm nó chẳng chịu dài thêm, và đáng nói là chưa bao giờ tôi nhìn ra một sợi bạc mọc lẫn khuất. Chân tóc luôn chôn dấu một mùi thơm khó giải thích, thủy chung nó khiến tôi mềm lòng khi được vùi mặt mình vào đó. Có lẽ mặt tôi cũng đang xanh, như con nít chơi trò trốn tìm và sơ ý bị đạp mạng, điểm danh, lôi ra ánh sáng.

Em quan sát tôi, rất nhanh, rồi đảo mắt một vòng quanh công viên. Tôi có một kỷ niệm xấu về công viên, dĩ nhiên tôi giấu kín, sống để bụng chết mang theo. Hồi còn ở quê nhà tôi được một chị em ta cho “mở hàng” với giá tượng trưng. Lúc ấy đêm chưa gọi là khuya, nhiều tiếng động còn đồn trú trong công viên, người con gái cỡ tuổi tôi đã trải tấm ny-lông nhỏ nhắn trên cỏ và đắp lên người cô bằng xác thân cứng ngượng của tôi. Ngực cô lớn, mềm mại và ẩm rít. Tay cô mát lạnh, giỏi luồn lách và năng động giúp tôi nhập cuộc. Tôi đi vào cơ thể cô bằng sự vụng dại của đứa con trai vừa vỡ tiếng. Đèn đường ngọn tỏ ngọn lu ngọn bị tháo gỡ, hoặc chúng có chân đã vượt biên? Nói chung ánh sáng ngoài kia không đủ mạnh để lấn soi tỏ tường vào lùm cây bụi cỏ. Và có điều gì đấy mất vệ sinh, mất phẩm giá, chẳng đạt phẩm chất. Niềm sung sướng, tạm gọi thế, qua đi rất mau. Làm tình mất khoảng năm bảy phút nhưng tôi phải tốn cả tháng trời sau đó để nhăn nhó mặt mày chạy đôn chạy đáo tìm mua thuốc trụ sinh trong uống ngoài thoa. Người con gái hào phóng kia đã gieo mầm bệnh cho dương vật tôi vàng vọt. Cô cấy vào người tôi niềm ăn năn khó gội rửa. Thời điểm ấy, mọi người đều sa chân xuống bùn đen, bưng mặt đi làm những việc tồi tệ gớm ghiếc. Tôi tự bào chữa.

- Đi lối này.

Em nói. Lối ấy chẳng phải là con lộ dẫn về nhà. Tôi nghĩ thầm.

- Mình kiếm mua ly cà phê cái đã.

Em bảo với tay dong chỉ hướng. Tôi muốn đan ngón với bàn tay nuột nà kia vô hạn nhưng em từ khước. Em tháo sợi dây thun ở cổ tay và tém vuốt và bó cột một đuôi tóc. Xong xuôi em thu cả hai tay vào túi quần, đi với đôi vai so, cổ rút lại như heo may sang mùa đang làm rét cả phố phường. Tôi không rét. Tôi đang đi trên một sợi giây và điều tốt hơn cả là nên tỉnh trí để khỏi gặp vấn nạn.

Nơi bán cà phê thực ra là một tiệm tạp hóa, em bỏ tôi đứng ngoài bực thềm nhanh chân đi vào vũng sáng ngập ngụa của những ngọn đèn vàng. Tôi ngó những chậu hoa ướt át mà người ta vừa tuần tự mang ra chất đầy hàng hiên như muốn vây phủ lấy tôi. Hoàng Hoa là thứ hoa gì? Sao đấng sinh thành tự dưng dùng nó áp đặt thành tên em?

- Hai đường hai sữa phải không?

Em trao tôi ly cà phê có giấy cứng bọc ngoài cho khỏi nóng tay.

- Thứ bảy này lô độc đắc sẽ lên tới hai mươi triệu. Mua cho anh mười đồng vé số đây.

Em đút tờ giấy nhỏ vào túi áo tôi. Kỳ lạ thay, nó đã yên vị nhưng nó mãi gieo vào lòng tôi những đợt sóng bồi hồi. Khi cột tóc lại, mặt em ngó lạ. Khi trao tấm vé số, ngó mặt em tôi muốn hôn. Không cứ là môi, má cằm mũi mắt, hoặc hàng lông mày cũng được. Nhưng em đã cúi đầu đếm bước.

- Có mua bánh croissant. Về nhà ăn điểm tâm.

Ăn sáng tại sao lại gọi điểm tâm? Điểm tâm. Nghe như em là người luôn hiểu lòng anh, chỉ đúng tim anh. Phải không Hoàng Hoa?

Chỗ em trú ngụ là căn nhà nhỏ nằm ngoài bià, dẫn tới sau đó một loạt nhà có lối kiến trúc giống nhau. Giống hình thù, giống màu sắc, giống vật liệu. Hình như để dễ phân biệt, mỗi gia chủ tự trang điểm cho mặt tiền của mình một chút gì khang khác. Treo chậu cây, treo phong linh, trang trí những mặt nạ bằng gỗ... Tất cả những cánh cửa đều đóng kín. Tất cả đều đi làm, đều đến trường, đều đi nhà trẻ, hoặc thảy còn ngủ nướng. Yên lắng và ngưng đọng tới độ đáng sợ. Tôi lách người qua cánh cửa mở hé khi ly cà phê chỉ mới vơi phân nửa. Có nghĩa là chừng đó dung dịch cà phê đã uống không đủ tác dụng để làm trái tim mình co thắt, đập sai nhịp. Chồng em đã đi làm, tôi biết chắc như đinh đóng cột. Dễ hiểu. Anh ta lao động ở trung tâm thành phố, mất bốn mươi lăm phút lái xe nếu đường sá hanh thông. Và thông thường thì con đường quái đản ấy luôn bị kẹt xe. Mô Phật! Em nói chỗ gì mà việc vàng túi bụi lùng bùng, luôn cày over-time và có khi về nhà đúng mười giờ tối. Anh ta đi tắm, mở TV xem trong khi đợi tóc khô. Nghịch computer nửa giờ rồi lăn đùng ra ngủ. Tôi ngó em lúc đó, lúc em kể chuyện với gương mặt lãnh đạm. Tôi nuốt trôi xuống cổ một lời định thốt ra: Cuộc đời buồn vô hậu!

- Ăn chưa? Chiên trứng gà nhé?

- Thôi, nhọc công.

- Sao vậy?

- Quen rồi. Mỗi ngày ăn hai bữa. Trưa và tối. Và giờ này tuồng như bình minh vẫn chưa bỏ đi.

Tôi đặt đít xuống chiếc ghế nệm chia ba chỗ ngồi cân phân. Đồ vật trang trí không mấy nhiều. Có bức ảnh đóng khung khuôn mặt một người đàn ông đang cười. Ánh mắt linh hoạt như đang ngó về phiá tôi, và trong tất cả những đồ vật bày biện nơi gian phòng này, khung ảnh ấy là thứ xấu nhất. Sự hiện hữu của nó thật khó chịu. Tôi uống hết ly cà phê bắt đầu nguội và đi tìm cái thùng rác để quẳng nó vào. Em đang quây lưng đứng sát bồn nước để rửa tay, thùng rác một bên, bên kia là quầy gỗ chất chứa micro wave, nồi cơm điện, dao thớt, tiêu hành tỏi mắm ruốc xì dầu tương ớt bột ngọt đường muối lu hủ đứng chen chúc có vẻ đề huề. Nửa bừa bộn nửa ngăn nắp. Nó chứng minh căn bếp ấy chưa hề một lần nguội lạnh. Nó yết thị ngầm: nữ chủ nhân chẳng hề từ nan việc bắt tay với ông Táo. Tài nấu nướng của em ra sao? Tôi chưa được cơ may để nếm thử. Hồi học chung lớp ở bên nhà, tai ương ập đến và bọn chúng tôi chỉ biết duy nhất một thực đơn: Bột mì, cơm độn sắn khoai bo bo. Có thánh mới nấu tươm tất ngần ấy vật liệu. Và chưa chắc thánh có đủ can đảm để nếm lại độ mặn nhạt khi thổi tắt củi lửa. Mắt tụi tôi cay, đỏ. Như thường trực phải khóc. Miếng ăn là miếng tồi tàn. Sách thánh hiền dạy, chúng tôi học nằm lòng tự thuở tấm bé và khi lớn khôn chúng tôi đã tàn tệ xuôi tay trút bỏ nhân cách khi ruột réo kêu.

Em vẫn đứng yên, chẳng hoán đổi vị trí. Dường như em đang nghĩ ngợi một điều gì. Vòi nước vẫn chảy, đều đặn, không rỉ rả chẳng xối xả. Những ngón trơn ướt, nước chừng như xâm thực lên tay áo. Tôi ném ly cà phê và sẵn cớ tôi xắn hộ đoạn vải hoen màu ấy lên cao tới lằn mức cuối. Tôi ngửi từ thân nhiệt em một hương mùi. Tôi ngó ngấn cổ trắng để chẳng cầm lòng tôi hôn vào gáy có đám tóc con mọc xoắn xít. Thời sinh viên, tôi lập thệ một nguyện ước, sẽ cố theo em cho đến kỳ cùng. Tất cả những lá thư tôi viết cho em có thể gom lại để thổi lửa mỏi tay nấu chín nồi bánh chưng đêm trừ tịch. Bồng bột, ngây dại, hoang tưởng. Rồi em lặng lẽ vượt biển. Rồi em êm thắm lấy chồng. Rồi một trong sáu câu vọng cổ là cái kết có hậu: Cuối cùng hai đứa gặp lại nhau giữa một tinh cầu cứ ngỡ nó lớn rộng, mênh mông.

Vòi nước vẫn chảy. Chẳng ai rảnh tay để khóa vòi. Vả, tiếng nước rơi khi ấy sẽ nhận chìm những hơi thở gấp. Em quay người lại ôm lấy tôi, hai mắt nhắm nghiền như sợ nhìn thấy hiện thực. Tôi cũng nhắm mắt, tựa kẻ yếu bóng viá đứng ở một nơi quá cao không dám ngó xuống mặt đất đang chòng chành say khướt hụt hẫng dưới đôi chân. Rất vội vã, chúng tôi yêu nhau ngay trong góc bếp chật. Những lọ đựng gia vị run rẩy dời đổi vị trí. Tự thân chúng, mỗi loại có riêng cho nó một hương liệu, góp chúng lại, tạo tác ra một danh xưng: Nhu yếu phẩm. Như nhụy hoa luôn cần thiết cho loài ong. Như da thịt em luôn là thứ ám ảnh tôi, mê muội, bủn rủn tứ chi và sau rốt... trên cả tuyệt vời!

Buông thân xuống thảm, tôi đưa tay cho em gối đầu nằm nghiêng, tay còn lại ve vuốt thân em theo đường lượn từ vai xuống mông. Trắng ngần. Có vẻ mộng mị. Đèo Ngoạn Mục, đèo Rù Rì hay đèo Cù Mông? Một đèo, một đèo, lại một đèo.

- Có điều này Hoa không thể chìu ý anh. Em nói, hơi co thân lại như bị chọc nhột.

- Về điều gì? Tôi mơ màng.

- Về chủ đích buổi hẹn gặp hôm nay. Hoa suy nghĩ rồi, chẳng nên đưa anh mượn Một ngàn đồng.

- Tại sao?

- Nhiều lý do, một trong những lý do đó là Hoa không thích anh về Việt Nam.

- Anh đang thất nghiệp. Đang rảnh. Đang có cơ hội.

- Tự dưng có người cắc cớ hỏi: Số tiền ấy thất thoát đi đâu? Dùng vào việc gì? Xin anh hãy bày cho Hoa một câu trả lời thật hợp lý. Được không?

Em xỏ tay vào áo, chuẩn bị gài kín những hạt nút. Nốt ruồi son đậu bên vú trái lẩn trốn thật nhanh.

- Hãy nói về người đó cho Hoa nghe.

- Ba mươi tuổi. Công nhân viên. Đang theo học ngoại ngữ lớp tối. Cao ráo. Da bầng quân. Ngoại hình cân đối... Anh biết chẳng nhiều, qua miệng bà Dì làm trung gian. Và có thể những tin tức ấy không hoàn toàn là sự thật. Anh muốn về chỉ để nhìn rõ, xác chứng.

- Có kỳ cục không nếu Hoa cho mượn tiền rồi anh bay về xem mặt mũi cô vợ tương lai?

- Hoa không thích anh lập gia đình sao?

- Anh đủ sức để làm điều đó à? Thất nghiệp, quanh năm đi buýt với métro. Thậm chí một cái cell phone cũng chẳng có mà lận lưng. Thỏng tay vào chợ kiểu như anh có ngày u đầu sức trán, đạp bể bánh tráng không có tiền bồi hoàn!

- Là sao? Anh không hiểu.

- Cứ giả thử là mọi chuyện suông sẻ đi. Bảo lãnh sang tới đây ngày một ngày hai cái cô nước da bầng quân đó sẽ cuốn gói chẳng một lời từ biệt.

- Sao Hoa ưa vẽ cảnh vật với toàn cả màu xám?

- Anh chưa đọc tác phẩm của Flaubert sao? Sắc màu của sự thật chính là màu xám.

Tôi muốn hút một điếu thuốc nhưng sợ em cự nự. Chẳng phải vấn đề sức khỏe. Quan trọng hơn, khi đi làm về chồng em sẽ đánh hơi: Uả, vắng anh có thằng nào đến tham quan nhà mình hả honey? Và như thế, hồng thủy dâng tràn, thiên tai bão lụt ập đến, nó hung hãn cuốn trôi cái phao duy nhất mà tôi đang có, đang ôm.

- Tin Hoa đi. Ngay cả màu xanh, nó đã bị đời sống tước đoạt cái ý nghĩa hy vọng mà nó từng tượng trưng.

- Đừng nói thế. Anh hy vọng biết bao về tấm vé số Hoa vừa mua cho. Trái sung rơi ngay vào miệng, anh lồm cồm ngồi dậy để biến thành một thằng triệu phú.

- Nghèo mà ham!

- Nói hay chưa? Nghèo mới ham chứ đã giàu có thì hơi sức đâu nữa mà mơ mòng. Anh ham được cùng Hoa ngủ một giấc tới chiều. Hoặc tham lam, xin được tái hợp chuyện này một vài lần khác.

- Thôi về đi, nếu còn tơ tưởng tới lần sau. Người gì mà bộ phong tróc ảnh!

Em có vẻ thành thật trong việc xua đuổi. Tôi chẳng lạ tính em, cách tốt nhất là nghe lời, chớ cù nhầy kiếm cớ ở nán. Tôi nhét áo vào quần, đầu óc u mê như đi trong đường hầm mãi chưa nhìn ra ánh sáng. Em ơi! Không có tiền chừ anh biết tính làm răng? Em mở cửa đợi tôi. Em vuốt hộ tôi những sợi tóc có lẽ rối rắm, sai lệch đường ngôi, bù xù, ngó không đẹp trai.

- Thứ ba tuần sau Hoa có cái hẹn với bác sĩ để khám định kỳ. Anh đợi ở nhà nhé. Chớ có đi đâu. Một hai giờ gì đó, không chắc.

Vừa nói em vừa vuốt lưng tôi, khi chấm câu em dùng lực ở bàn tay để đẩy tôi ra khỏi cửa. Tôi bước xuống đường, phải nheo mắt lại vì nắng quái vây đầy lối đi. Nếu tôi là bác sĩ tôi sẽ căng mắt ra mà khám kỹ cho em, có nghĩa là Hoa sẽ nằm dang chân trên giường rõ lâu. Tôi từ tốn đeo găng cao su, đưa ngón trỏ thăm dò cửa mình. Cởi khẩu trang, tháo mục kỉnh, rửa đôi tay, kì cọ bằng xà phòng. Lau khô, ném giấy thấm vào thùng rác rồi từ tốn lên giọng: Chuyện hiếm muộn con cái? Tôi không nghĩ vậy. Cô sẽ đẻ con tùy thích nếu gặp đối tượng cùng tầng số. Cớ sự này do đâu thì cô đã hiểu. Xong, cô có thể mặc lại áo quần. Thứ ba tuần sau lui lại tôi cho thứ thuốc này uống thử. Ô kê?

Tới công viên tôi ngồi lại chỗ cũ, bải hoải. Tôi thắp một điếu thuốc, mơ màng cùng khói, cúi đầu ôn lại từng diễn tiến, từng động tác, từng màu sắc, từng âm thanh. Tôi đã khuấy quên đường nét có trên người em lụa là. Chưa đầy mười phút, mới đó mà tôi đã thấy nhớ em. Tôi ngủ trên xe buýt khi trở về chỗ ở đầy trống vắng.

*

Mở computer, tôi vào internet. Tay gõ chậm những mẫu tự, gửi e-mail:

“Giáng Hương thân mến,

Có vài trở ngại vào phút cuối. Hạn kỳ gặp Hương như đã dự định đành phải khất lại. Lỗi này do nhà nước Canada, do chỗ bán vé máy bay làm ăn theo kiểu Việt Nam chẳng tận tâm phục vụ khách hàng và có thể do tôi một phần. Ở xa, xin Hương rộng lòng thứ tha cho khúc ruột ngàn dặm này. Đừng nguyền rủa tôi là con ma nhà họ Hứa, chớ mắng mỏ cái đồ Việt kiều hồi hộp! Nói Hương đừng cười, ai đời mà bỗng dưng tôi tin vô chuyện tướng số. Tôi đi coi bói, xem tử vi. Bà ấy nổi tiếng mát tay, tên Hoàng Hoa. Bả nhỏ thua tôi một tuổi và phát ngôn chắc như bắp: Đương nhiên là anh sẽ lấy được vợ, chậm lắm là sang năm. Vợ anh nhỏ tuổi chừng nào càng quý chừng đó, 30 là hợp với anh nhất. Hai người sẽ sung sướng. Hạnh phúc không khó tìm, dễ như ăn ớt. Nghe phán, tôi thiệt sảng khoái và thiết tha mong sớm được gặp Hương. Xin Hương ráng đợi. Để giúp Hương khuây khỏa phần nào tôi xin cóp nhặt ra đây mẩu chuyện cười mà tôi nghĩ, đàn ông cũng có nhiều hạng rất mực dễ thương: “Ba người bạn chơi thân với nhau và cùng nghi ngờ vợ ngoại tình. Họ rủ nhau ra quán rượu tâm sự. Một người nói:

- Tôi nghĩ vợ tôi ngoại tình với một thằng thợ điện. Một hôm về nhà, tôi phát hiện có chiếc kềm cắt giây điện nằm dưới gầm giường mà nhà tôi thì tuyệt đối không có món đồ đó.

Người thứ hai buồn rầu:

- Còn tôi thì nghi vợ tôi ngoại tình với một thằng văn sĩ. Có bữa bất ngờ tôi tìm thấy dưới giường nguyên cả xấp bản thảo.

Người thứ ba thở dài:

- Không còn nghi ngờ gì nữa, vợ tôi ngoại tình với một con ngựa!

Hai người bạn lộ vẻ kinh ngạc.

- Tôi không đùa đâu - Anh ta gằn giọng. Hôm nọ về nhà tôi bắt gặp một gã nài ngựa trốn dưới gầm giường.

Xin Hương giữ gìn sức khoẻ. Đi đường cẩn thận đề phòng tai nạn giao thông. Đừng cho thằng đàn ông nào ẩn nấp dưới giường, tội nghiệp. Ngày gặp mặt hiện ở phiá trước. Thân mến.

Hồ Đình Nghiêm