24 June 2021

BÓNG MA HÀ TÂY - Dương Như Nguyện

Truyện ngắn Bóng Ma Hà Tây của Uyển Nicole Dương  viết bằng tiếng Anh (The Ghost of Ha Tay) do Linh-Chân Brown dịch sang Việt ngữ. Truyện đã được Ban tổ chức Đại hội Kịch Ảnh Moondance Festival chọn vào chung kết giải thưởng Columbine về truyện ngắn (loại bi kịch siêu thực). Uyển Nicole Dương là một bút hiệu khác của Dương Như Nguyện.

“Ông hãy cho tôi biết về cô ta,”  một giọng nói lơ lớ tiêu biểu cho người Âu châu, vang lên lạc lõng trong căn phòng làm việc tồi tàn sặc mùi hương khói của tôi tại khu downtown thành phố Houston. Tôi đang chống khuỷu tay lên chiếc bàn gỗ cũ rích, thân hình thước sáu không có gì đặc biệt gò lên mặt bàn, thì người đàn ông da trắng cao lênh khênh đưa cho tôi một tấm danh thiếp mang dấu vết của những cuộc hành trình khó nhọc, khác xa với những chuyến du lịch bằng các chuyến bay quốc tế hạng nhất. Tấm thiếp làm tôi nghĩ đến những chuyến tàu ồn ào, chạy uể oải, những chuyến xe lục tỉnh bò xuyên qua các nẻo đường vùng Ðông Nam Á, với những dãy ghế gỗ chở người cùng gà vịt lúc nhúc, thỉnh thoảng chuyến xe lại dừng tại các bến xe dọc đường chen chúc những người bán hàng rong giơ những chiếc bánh đa bụi bặm lên mời chào những khuôn mặt mệt mỏi của hành khách.
Tôi liếc qua những dòng chữ in đậm tưởng sẽ đọc biết danh tính của người khách bất ngờ, nhưng trên tấm thiệp lại là tên một người đàn bà:
Jasmine Khai
Coudert Brothers
Paris. London. Milan. New York City.

Tôi nhận ra tên của một hãng luật sư quốc tế, cái tên làm cho tôi nhớ lại những ngày còn đi học ở trường Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn vào đầu thập niên 70, ngày mà tôi được chính phủ chú ý nhiều và ghi vào sổ đen, coi như một sinh viên phản chiến, trốn động viên, và viết báo chống chính phủ. Hồi đó, tôi có nghe tới một hãng luật sư lâu đời nhất tại Hoa Kỳ, nhưng được thành lập tại Pháp, hãng này chuyên phái luật sư tới Sài Gòn để cung cấp các dịch vụ cần thiết cho những việc có liên quan tới người Mỹ —  từ việc nhận nuôi các trẻ mồ côi vì chiến tranh đến việc mua bán vật liệu và thuê mướn nhân công cho các hãng thầu làm việc với bộ quốc phòng.

Tôi nhìn sâu vào cặp mắt xanh ẩn dưới hàng mi dài, và nghĩ tới biển Ðịa Trung Hải nơi mà ngày còn nhỏ ở Việt Nam tôi đã có lần mơ thấy. Người đàn ông chỉ độ 35 tuổi là cùng, quai hàm vuông vắn, đẹp mạnh dạn, vẻ đẹp của hắn làm tôi liên tưởng tới những minh tinh màn bạc Pháp sống trong những lâu đài vùng Loire, biểu hiện cho những cuộc viễn du qua miền Âu châu cổ kính trong những giấc mộng trẻ thơ của tôi. Những ngày đó tôi cũng đã mơ tới dòng sông Seine loáng nắng vào một buổi sáng mùa Thu, khi những chiếc lá vàng và đỏ lơ lửng nhảy múa trên không trung theo điệu nhạc rộn ràng của Berlioz.

“Anh chắc phải thuộc về típ người của St. Exupery và Hoàng Tử Nhỏ,” tôi nói. Hắn khựng lại một phút, nhăn mặt, có lẽ ngạc nhiên thực sự, trước khi gật gù mái tóc vàng dợn sóng. Trước mắt tôi là cặp mắt ướt át, đầy nhiệt huyết, ngây thơ, cặp mắt của Hoàng Tử Nhỏ nay đã thành người lớn, dong dỏng cao, già dặn hơn mớ tuổi 35, mà vẫn còn đi tìm một bông hồng quý. Bông hồng có tên là Jasmine Khai.

Hắn tự giới thiệu là Jean Paul Lambert, trước làm cho cơ quan truyền thông Pháp Agence France Presse. Tôi hãnh diện tự coi mình cũng là đồng loại với đám người này –  giới báo chí.

“Chắc ông  phải biết cô ta chứ,” hắn nói giọng như van lơn. “Cô ta có nói là ngày trước cô ta sống ở đây, và sẽ chắc chắn trở lại.”

Hắn không quên mục đích chính về chuyến đi của hắn. Ðây là một người đàn ông đi tìm người đàn bà của hắn trong tuyệt vọng. Trong khoảnh khắc, tất cả những ranh giới chia cách hai nền văn hóa đều bị sụp đổ, và tôi nhìn thấy trên khuôn mặt hắn tất cả những khuôn mặt của những người đàn ông Việt Nam đã đến với tôi mong tìm lại được bạn gái hoặc người yêu của họ. Họ đều có nét giống nhau, sự tuyệt vọng mang nặng trên khuôn mặt, và trong tâm hồn của những người đang yêu.

Tôi chộp tấm danh thiếp bằng những gì còn lại của bàn tay phải, đúng ba ngón chuối ngự. Hai ngón đã mất vì đem cúng cho giấc mộng Hoa Kỳ: tôi vẫn hay tự khoe về những kỷ niệm của những ngày đầu tiên trở thành di dân của tôi. Từ trại tỵ nạn, tôi tới thẳng Houston, làm đồ tể cho một lò sát sinh. Sự hiểm nguy của nghề nghiệp đưa đẩy tôi tới một kỷ niệm thích thú về một người luật sư chuyên đuổi theo xe cứu thương – người da trắng đầu tiên tôi quen biết từ khi sang Mỹ, người đã khuyên tôi nên bỏ việc nhận bồi hoàn lao động để đổi lấy một vụ kiện đem lại cho tôi một số tiền đủ để mở văn phòng làm việc. Phòng làm việc của tôi là giá cả của hai ngón tay bị cắt cụt.

Tôi chờ người khách trẻ hỏi chuyện về hai ngón tay cụt, nhưng không thấy hắn đả động gì tới chuyện đó. Hắn cựa quậy, bồn chồn trên ghế, hoàn toàn không để ý tới câu khơi chuyện đã thành nhãn hiệu của tôi – câu chuyện về những ngón tay chuối ngự mất tích của Cậu Mười. Thật đúng là một con người đang ngụp lặn trong biển yêu, không để ý tới sự việc chung quanh mình.

“Một luật sư à?” Tôi chất vấn. «Avocat à la  cours?» Tôi hỏi thêm bằng tiếng Pháp bồi. “Coudert chưa bao giờ mở văn phòng ở Houston.” Tôi chờ phản ứng của hắn. Nhưng không một phản ứng. Tôi tiếp thêm, «Có lẽ chỉ là một người đàn bà nào đó…»

“Cô ta không phải chỉ là một người đàn bà nào đó,” hắn vội vàng ngắt lời tôi, giọng nói thanh nhã có pha chút vội vã, nôn nóng. Tôi ngước nhìn khuôn mặt trẻ trung của hắn một lần nữa. Có lẽ hắn không phải chỉ là một người đàn ông nào đó.

Tôi làm việc trong văn phòng này đã hai chục năm tròn mà chưa hề có một người đàn ông da trắng nào bén mảng tới, huống chi đây lại là một người đàn ông đã làm cho tôi nhớ lại  những giấc mơ thời niên thiếu, những giấc mơ điển hình của những người đàn ông Việt ở tuổi trung niên, những người đã vừa yêu thích vừa không chịu nổi nền văn hóa phục hưng của bọn thực dân Ðông Dương, cũng như họ đã vừa chấp nhận mà vừa chối bỏ tinh thần kinh doanh của người Mỹ. Vào năm 1999, khi mà những con buôn lớn của Texas không còn chỉ làm ăn ở những khu sang trọng đầu tỉnh, dưới phố nữa mà cũng bắt đầu xâm nhập vào những khu nhiều người Việt ở giữa phố. Họ phá tan những mặt phố cũ và trát vữa stucco thành những mặt nhà mới để làm những dãy condo và văn phòng đắt giá.  Bằng cách này, họ đã giúp thay đổi tiền diện của Houston. Tuy nhiên tôi vẫn khăng khăng giữ lại nơi làm việc bé nhỏ của tôi, không chịu để cho họ mua lại trụ sở đã thành một nơi trú ẩn thân thuộc, đã thành một dấu tích của khu buôn bán cư ngụ Việt Nam. Ngoài cổng sắt, tôi khắc vòng âm dương, biểu hiện cho triết lý Ðạo giáo của tôi. Trên tấm cửa gỗ kín đáo, tôi không để tên hay bảng hiệu gì cả, chỉ có hàng rào sắt dày chắc nịch và một hệ thống báo hiệu bắt buộc khách vãng lai phải xưng tên mới được vào căn phòng vuông vức nhỏ nhắn dùng làm nơi hành nghề của tôi. Và cũng là nơi tôi làm văn nghệ.

Tôi muốn nghĩ là bản tin cây nhà lá vườn tôi đơn thương độc mã in ra và tất cả những việc linh tinh gắn liền với nó, là một nghệ thuật chính cống. Nghệ thuật bói người và sáng tạo sợi dây huyền thoại gắn bó với quê hương cũ. Bản tin của tôi là một tờ báo bằng tiếng Việt duy nhất kể lại những mẩu chuyện kỳ lạ của một nền văn hóa tha hương, gồm những truyền kỳ không ai minh chứng hay bác bỏ được. Ðã có hồi tôi đánh máy các mẩu chuyện và sửa lỗi chính tả bằng bút mực đen, sao chép lại bằng máy in Xeroc cà-tịch cà tàng, và đem phân phát tại các chợ Á châu khắp nơi trong thành phố. Hình dạng, dung nhan của tờ báo đã có khá hơn với ngày tháng qua, tôi đã thay thế chiếc máy chữ IBM cũ rích tự xóa, mua từ thập niên 70, bằng một máy điện toán để bàn, gắn liền với một máy in laser, điển hình cho kỹ thuật của thập niên 90. Và mua một máy in Xeroc mới. Nhưng nội dung tờ báo vẫn giữ nguyên đặc tính của nó. Một số người Việt cho rằng việc tôi làm chỉ là một sự ngồi lê đôi mách bẩn thỉu. Có những người khác thì lại thán phục hết cỡ, coi tờ báo là một chiếc cầu nối khoa học với tâm linh. Những người hâm mộ đều biết tên tuổi của tôi – danh tiếng tôi nổi như sóng cồn, tôi là Cậu Mười, ông đồng nổi danh, nguyên phóng viên nơi quê hương cũ, nhà kinh doanh tự lập, nhà xuất-bản độc cô, tiên tri người Việt độc nhất của Houston, kiêm thám tử tư, và kiêm bách nghệ. Tất cả những doanh nghiệp lớn nhỏ của người Việt tại Houston đều đã từng là nguồn quảng cáo cho tôi, phụng sự cuộc sống thanh nhàn của tôi và làm cho tờ báo đơn phương độc mã của tôi tăng trưởng – người Việt vốn khoái những chuyện dị kỳ, tréo cẳng ngỗng. Bản tin cũng gần như là cùng tuổi đời với lịch sử định cư của người Việt tại Houston, tiểu bang Texas, từ khi cộng sản chiếm đoạt Sàigòn năm 1975.

Ðối với người Việt thì Văn phòng Cậu Mười mang những ý nghĩa khác nhau, tùy từng người. Nhưng chưa một người da trắng nào đặt chân vào ngưỡng cửa này. Cho đến hôm nay.

“Ðốt cho một nén hương đi chứ,” cậu Hoàng Tử Nhỏ đã thành niên thúc giục. Cậu ta hẳn là đã từng nghe đến thông lệ của tôi. Hắn đã soạn bài thật kỹ.

Thế rồi tôi đốt một nén hương, và sửa soạn ngồi thiền.

o O o

– “Nước, nhiều nước lắm, nước thật trong, nhìn thấy đáy nước, sỏi nhẵn và đá trắng nằm im lặng, đang chứng kiến,” tôi nói, mắt lim dim. Tất cả các màn cửa đã được khép lại. Trong những giờ thiền của tôi, ánh nắng không được soi tới. Trong hương khói mờ mờ, nét trẻ trung của người đàn ông da trắng đã biến mất. Khuôn mặt đăm chiêu nghiêm trọng của hắn xác nhận là tôi đã đi đúng hướng.

Tôi tiếp tục miêu tả đặc tính toát yếu của một người đàn bà Á châu toàn mỹ. Eo nhỏ, vừa tầm tay ôm của một người đàn ông da trắng. Cặp mắt hạnh nhân long lanh ngấn lệ hy sinh, như những con thuyền đưa mộng trong đêm dài. Miệng nhỏ xinh, không đủ cỡ để trách móc hay than phiền. Thân người như lá liễu lả lướt trong gió, nhưng đủ dẻo dang để chịu đựng sự phũ phàng của đàn ông và của số mệnh. Tôi đã tả Madame Buttterfly theo dáng dấp người trong mộng của tôi.

– “Lan rừng. Màu môi và màu da là màu hoa cà,” Tôi bật nói, và da mặt người khách trẻ bỗng thành trắng bệch, trắng hơn cả màu khăn trải giường.

– “Cánh đồng soan,” tôi nói tiếp, và thấy hắn nhắm mắt lại. Tôi bảo hắn khi màu hoa cà thành màu xanh, môi hồng và da thịt thành tím sẫm. Tất cả hoà lẫn vào vườn soan. Hình như tôi nhìn thấy một giọt nước mắt rơi từ hàng mi dài che giấu màu mắt xanh của người đàn ông đa cảm.

– “Vậy là ông có biết nàng,” hắn nói. Tôi cố tình ngồi im, không phủ nhận mà cũng không xác nhận. Tôi là Cậu Mười, người của vũ trụ. Tôi phải biết tất cả mọi sự. Ai cũng hiểu điều đó.

Khi hàng mi dài mở lên và đôi mắt xanh chiếu vào mắt tôi một lần nữa, tôi nhìn thấy những cảm giác xao động của một kỷ niệm đang được sống lại, và biết là tới lượt hắn lên tiếng.

– “Nàng có chìa khoá vào phòng tôi,” hắn nói. “Và đó là nguyên do chúng tôi gặp nhau. Ở khách sạn Metropole tại Hà Nội. Một nghìn chín trăm chín mươi tư, năm Mỹ hủy bỏ cấm vận tại Việt Nam.”

o O o

“Ðó là lần đầu tiên tôi tới Ðông Dương và nhận thấy mảnh đất này kỳ lạ. Ý nghĩ và hình ảnh mỗi ngày in vào trí óc tôi như chuyến tàu suốt trong một đêm giông bão, xuyên qua sấm sét và mưa gió. Ngay cả những đồ đạc sang trọng nhưng buồn tẻ của khách sạn Metropole tân trang cũng gợi cảm giác hồi tưởng trong tâm trí tôi – tối đến tôi hay cảm thấy như mình đang mơ ngủ, nhất là vào khoảng 10 giờ đêm, khi tôi lướt qua hành lang của khách sạn về phía quầy nhạc. Ðó là nơi tôi nhâm nhi ly rượu mạnh sau bữa ăn và duyệt lại những ghi chép trong ngày, tỉnh táo như một quan sát viên, mà cũng mơ mơ màng màng như một người dự cuộc.

“Tôi chưa bao giờ phân tách, mổ xẻ được tình trạng nửa tỉnh nửa mơ đó.

“Tình trạng này hiện hữu ngay cả giữa ban ngày khi tôi bước vội qua những ngõ hẻm của một Hà Nội yên tĩnh, khi ra vào những ngôi nhà và biệt thự cũ của chính phủ, nơi ảnh Hồ Chí Minh với nụ cười cha chú nhìn xuống đám con cháu quan lại của  xã hội chủ nghĩa. Nụ cười đặc thù của bác Hồ, không thay đổi, trong thời chiến cũng như thời bình.

“Tình trạng nửa tỉnh nửa mơ này cứ dai dẳng mãi trong cả những buổi hoàng hôn, khi tôi chạy vòng quanh bờ hồ mờ sương khói của Hà Nội, và qua ngôi đền quê mùa, thu nhận vào cặp mắt dấu vết nước Pháp còn sót lại ở đất Ðông Dương cổ xưa này. Ông biết không, tôi sinh ra ở Paris, vào năm 1965, con trai của một người đàn ông đã có tuổi, lấy vợ muộn và đã sống một thời gian ở Ðông Dương. Thuộc địa đối với tôi hồi đó chỉ là những tấm ảnh đen trắng, những hình ảnh chỉ thành sinh động khi tôi bắt đầu nhận làm việc với hãng Agence France Presse. Tất cả đều khởi sự khi nước Pháp vừa trở lại với thuộc địa sở thích của nó bằng cách mua và tân trang khu vực mà nó suýt trở lại làm sở hữu chủ sau gần một thế kỷ qua: khách sạn Metropole, một mốc lịch sử tại trung tâm Hà Nội.

“Tôi lấy Metropole làm nơi tạm cư, và rồi cũng phải tập quen với những thông lệ hàng ngày, chấp nhận trạng thái nửa tỉnh nửa mơ của mình, thỉnh thoảng đến với tôi một cách bất chợt. Tôi coi đó như là một tình trạng không tránh khỏi mà vùng đất Ðông Dương đã xâm nhập vào người tôi.

“Cứ mỗi đêm Thứ Tư, lại có một ban nhạc bốn người chơi đàn tại quầy nhạc của Metropole; ban nhạc gồm có dương cầm, sáo, vỹ cầm, và hồ cầm. Họ chơi cả nhạc cổ điển cũng như nhạc mới. Ban nhạc bốn người này chơi từ bản Pachebell’s Cannon in D cho đến nhạc khúc Le Docteur Zivago. Các nhạc sĩ người Việt mảnh khảnh này đã làm cho tôi thán phục, với cung cách họ điều khiển nhạc cụ nhiều hơn là với tiếng nhạc do nhạc cụ gây ra. Họ điều khiển nhạc cụ của họ với một sự chịu đựng não nuột chỉ so sánh được với linh hồn sầu mộng của mảnh đất Ðông Dương  mà thôi.

“Rồi một đêm Thứ Tư, một đêm đã trở thành bất diệt, khi tôi ngửng lên nhìn thì thấy một   người đàn bà trẻ tuổi đang hát với ban nhạc. Trong chiếc áo đầm tây phương, trông nàng thật là lạc lõng – chiếc áo dạ hội màu đen bó sát thân hình mảnh mai, bên ngoài là áo len cùng màu. Nàng không phải là tuyệt sắc giai nhân, nhất là trong xứ sở đầy rẫy những người đàn bà đẹp dáng dấp thanh tao như những cánh bướm trong chiếc áo dài của họ.  Tôi không thấy họ quyến rũ đối với tôi. Mảnh mai và ngây thơ quá, như những cánh tay non nớt của trẻ thơ, hay như những bình hoa quý dễ vỡ. Tôi rất sợ phải nâng niu những vật dễ vỡ, nhất là trong trạng thái mơ màng của tôi.

“Chính chiếc áo dạ hội màu đen, đôi mắt sâu sắc và suối tóc bồng bềnh của người đàn bà đó đã biểu hiện cho con người của nàng. Tất cả những gì còn lại trên người chỉ là những viễn ảo qua con mắt đỏ ngầu của tôi vào lúc mười một giờ khuya đêm ấy, giữa đám khói thuốc xì-gà Cuba của những du khách tụ tập tại khách sạn mốc điểm Metropole. Tuổi nàng chừng 26, 27 gì đó, chủ nhân của cặp mắt đang nhìn thấu suốt linh hồn tôi, vậy mà tôi không có ấn tượng đầu tiên nào khác đáng ghi nhớ. Ngay cả giọng hát trong trẻo yếu ớt, không khác gì giọng của ca sĩ Hy Lạp Nana Mouskouri, tràn vào tai tôi nối tiếp nhau không rõ rệt thành chuỗi âm thanh rung động không lời. Nàng hát bằng tiếng Việt. Trong bài ca, ngôn ngữ không nghe như một độc âm nữa, không còn chát chúa sắc bén nữa, mà trở nên dịu dàng, vỗ về, du dương hơn. Người ta nói nàng là một ca sĩ địa phương, nhưng không hiểu sao trông nàng vẫn có những cử chỉ lạc lõng, xa lạ như không phải là người của nơi này.

“Tôi uống vội ngụm whisky cuối cùng rồi sửa soạn định trở về phòng thì cặp mắt giữ tôi lại. Tôi cầm chùm chìa khóa lên. Ðịnh mệnh len vào, và tôi đánh rơi chìa khoá. Tôi cúi tìm dưới mấy cái ghế, nhưng không thấy.

“Ông đang tìm cái này phải không, Monsieur?”

“Nàng hỏi bằng tiếng Pháp, giọng nói như một dân Paris thực thụ.

“Tôi ngước lên nhìn từ đôi săng-đan đen bóng loáng, ôm đôi chân nhỏ như bàn tay của tôi, móng chân sơn một màu đỏ cám dỗ. Lên chút nữa là viền áo màu đen. Tôi đang khom người xuống sàn lót thảm, nàng đứng trước mặt tôi, gần gũi quá làm tôi ngạt thở, người ca sĩ Việt Nam, một thân hình bó sát trong chiếc áo dạ hội màu đen, suối tóc bồng bềnh. Nàng đang cầm chìa khoá phòng tôi.

“Ông biết không, mặc dù tôi đang ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nhưng không hiểu sao, màu sắc, hình ảnh, đường nét, góc cạnh của đêm hôm đó lại trở thành một thực trạng ghi sâu vào tâm trí tôi. Ðó là hình ảnh ngày chúng tôi gặp nhau.

o O o

”Tâm trí tôi những ngày ấy không khác gì chuyến tàu ðêm chạy nhịp nhàng qua một không gian đầy sấm sét in trên một nền chân trời đen tối. Chỉ có nàng là thực giữa nền trời hư ảo đó. Tối thứ Tư nào chúng tôi cũng gặp nhau, sau khi nàng trình diễn xong. Nàng cho tôi xem sổ thông hành Mỹ của nàng và đưa tôi tấm danh thiếp mà ông đang cầm trong tay. Nàng nói nàng là một luật sư từ Houston, Texas, đến Hà Nội để tái thiết một văn phòng cho Coudert Brothers sau mười chín năm bẵng đi không làm việc ở đây. Luật sư hãng Coudert mà sao lại đi hát tiếng Việt ở khách sạn Metropole này? Ðã có lần tôi hỏi nàng, thì nàng đáp lại bằng một câu hỏi: Một phóng viên trẻ tuổi Pháp có việc gì mà lại ở quầy rượu vào lúc một giờ đêm và nghe nhạc tình ca Việt Nam dù chẳng hiểu gì cả?  Tôi định trả lời: Le cauchemare, mon pere, et L’Indochine, (vì cơn ác mộng, vì cha tôi, và vì đất Ðông Dương) nhưng dĩ nhiên nàng chẳng cần biết chuyện đó, và tôi cũng chẳng cần biện bạch làm chi. Nàng bảo, Agence France Presse và Coudert Brothers đã mang chúng ta lại với nhau, và tôi sẵn sàng đồng ý.

“Tôi có một cảm giác lạ lùng khi thấy một người mới gặp, một người đàn bà Việt Nam lại cầm chìa khóa phòng mình, mở cửa lách vào, rồi nằm duỗi ra trên giường của mình. Từ giây phút đó, nàng như hơi nóng từ một ấm trà, không màu sắc nhưng có hương vị rõ rệt. Hơi nóng tỏa ra khắp không gian, quyện vào thân thể, linh hồn tôi, không nhượng bộ mà cũng không chiếm đoạt. nhưng không buông thả. Khi làm tình với nàng tôi tưởng như là tôi đã đi sâu vào tâm điểm của chính mình, dù không nhìn thấy lối đi.  Tôi trở về với tâm mạng của mình, tuy không hiểu rõ đã tới được bằng cách nào.

“Dĩ nhiên là sau một thời gian như vậy, những đêm Thứ Tư tại khách sạn Metroplole trở thành trọng tâm cuộc sống của tôi trong thời gian tôi ở Hànội, và khi nào vắng nàng thì thế giới của tôi trống trải, rỗng tuếch. Ðời sống tại Paris trước kia của tôi đã xa xôi quá rồi hầu như không còn có thực nữa. Trong tâm trạng đó, một đêm kia tôi khám phá ra là nàng không chỉ nắm chìa khoá phòng tôi mà thôi.

“Có lần tôi theo dõi nàng ra khỏi khách sạn Metropole qua những hẻm đường tráng xi-măng của Hànội. Chúng tôi rảo bước dưới ánh trăng Hànội, nàng chạy trước và ngoái lại cười vang, bằng cái giọng trong trẻo vẫn thường hát lên những bài ca tôi không hiểu vào những đêm thứ Tư thường lệ của chúng tôi.

“Nhanh lên, Jean Paul,” nàng nói, và tôi rảo bước tới gần gót giầy cao bóng loáng dưới ánh trăng. Chúng tôi tiếp tục bước đi, tôi theo sau nàng, như thể đêm vừa bắt đầu.

“Chúng tôi ngừng lại trước một bức tường gạch đỏ đầy rêu phong, buồn thảm như một chứng nhân của những bách niên hiện diện trong những khu phố cổ kính của Hà Nội. Tôi ngẩng nhìn và nhận ra một tòa nhà thật xấu xí, nền kiến trúc Pháp quen thuộc không còn vẻ quyến rũ của nó nữa.  Nàng dựa thân hình bó sát trong chiếc áo đen vào bức tường ẩm lạnh, và thì thầm. “Chúng mình đã về tới nhà rồi, phải không, Jean Paul?”

“Linh hồn anh chắc đã tha thẩn quanh đây cả trăm năm rồi,” nàng nói, vẫn trong tiếng cười vang vang.

“Có lẽ,” tôi phụ họa với nàng. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ của miền Ðông Dương này, cái gì cũng có thể có xảy ra được.

“Chúng mình tới đây để làm gì hở Jasmine?” Tôi ép người nàng vào tường, vừa hỏi vừa đặt vào môi nàng một nụ hôn.

– ‘Hỏa Lò,’ nàng nói. “Cái tên này có nghĩa là lò đốt lửa,” nàng thì thầm bên tai tôi. Nàng cho tôi biết chúng tôi đang dựa tường căn nhà ngục ô nhục của Hà Nội, do người Pháp xây để giam những người Việt yêu nước. Về sau, nơi này thành địa ngục trần gian của những phi công Mỹ.

“Tôi cúi xuống khuôn mặt trái xoan và nhìn đôi môi đượm những tia ánh trăng, đầy khêu gợi, căng màu lan rừng tím nhạt. Tôi dùng ngón tay cái định xóa vết son, nhưng môi nàng không thoa son. Nàng bảo môi con gái Việt Nam đều có màu hoa cà. Trong thời kỳ Pháp đô hộ, những thiếu nữ Việt Nam bị bắt giam trong Hỏa Lò, và ở đó môi họ thành tím đậm.

‘Thành màu cánh đồng hoa sim,’ nàng nói.

“Tôi lại nhìn vào những tia ánh trăng trên mặt nàng, và tự nhủ quả thật màu lan rừng trên môi nàng cũng đã thành một màu tím xanh sậm.

“Trong khoảnh khắc, tôi đã thấy dáng người thanh thanh lướt chạy về phía hẻm tối, gót giầy bóng loáng của nàng khéo léo nhảy tránh những vũng nước mưa trên đường phố, cái bóng in xuống đường tung tăng như nhảy múa. Tôi lại chạy theo nàng và chúng tôi băng qua nhiều ngõ hẹp và những vỉa hè lát gạch tăm tối nữa, rồi mới đến trước cổng một căn nhà gạch cũ. Nàng nắm tay tôi, vừa kéo tôi vào, vừa bảo đây là căn nhà gia đình nàng đã có lần sinh sống. “Gần cả trăm năm nay rồi,” nàng nói.  Nàng nói liến thoắng. Không nói bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoàn hảo nữa mà bằng tiếng mẹ đẻ của nàng, thứ ngôn ngữ độc âm líu lo. Nàng nói như trút hết tâm sự của mình.

“Hình như nàng dúi vài đồng đô-la Mỹ cho đám trẻ và những người tò mò để họ bỏ đi nơi khác, cho chúng tôi được tự nhiên trong căn nhà âm u ẩm ướt đó, để tôi được ngắm nàng ngồi khỏa thân trong sân, dưới ánh trăng tháng Tám. Trong mảnh sân gạch chỉ độ mười bộ vuông, đầy rêu phong, gần cống rác, nàng dùng ống bơ múc nước từ một vại sành nhẵn nhụi, và giội lên người. Nếu tôi là hoạ sĩ, tôi đã vẽ hình ảnh khỏa thân của nàng, nhưng vì tôi không phải là họa sĩ, tôi chỉ còn biết bế bổng thân hình còn ướt đẫm của nàng lên và tôi bế nàng vào bên trong ngôi nhà, đặt nàng lên chiếc võng tre có màn rủ quanh, ẩn sau một tấm màn bằng vải hoa đã sờn cũ. Tôi nín thở, tất cả các thớ thịt trong người căng lên, nín lặng. Trong khoảng không gian bé nhỏ đó, tôi ngửi thấy mồ hôi của chính mình và mùi dơ bẩn của kiếp nghèo đô thị, hơi nóng tựa như vô tận, và mỗi giọt nước còn đọng lại trên da thịt nàng trở thành một cơn gió thoảng mang tôi ra khỏi những ngõ hẻm ô uế, oi bức và tồi tàn của kiếp nghèo Hà Nội. Ðến một thế giới khác. Thế giới của tình yêu xác thịt. Tôi chu du trong những khoảnh khắc quý báu – những khoảnh khắc không thể bị kiềm chế trong những ngăn kéo để chỉ còn là những kỷ niệm cằn cỗi với thời gian.

“Ngày trước có một cô gái sống trong căn nhà này,” nàng nói vào lúc tôi vừa thiu thiu ngủ. “Người ta bắt ba của cô gái và đem giam ở Hỏa Lò, ông ta chết tại đó. Bà mẹ đưa con gái về làng, xa khỏi nơi này, nhưng sau này lúc gần cuối chiến tranh cô cũng bị chuyện gì đó, tránh cũng không khỏi số phận,” giọng nàng nhỏ dần.

“Trong lúc mơ mơ màng màng đó, tôi vươn người tới bên nàng, tìm hôn đôi môi đang chuyển từ màu hoa cà sang màu tím ngắt. Tôi đang lặn lội qua vũng lầy của miền Ðông Nam Á, và tôi đang phải gánh chịu tất cả những gì người ta đã bắt những người Việt yêu nước và những phi công Mỹ bị bắt giam tại Hỏa Lò phải gánh chịu. Mọi dây thần kinh trong người tôi co dãn liên tục và tôi ngụp lội trong niềm đau đớn pha trộn với khoái lạc thay phiên nhau đến tê dại cả trí óc.  Thoang thoảng bên tai tôi vẫn nghe thấy tiếng nàng, Hãy chia sẻ với em bí mật của tình yêu đi. Chu kỳ đau đớn và khoái lạc chỉ ngưng lại khi tôi vặn mình hé mắt về phía những tia sáng đầu tiên của buổi bình minh báo hiệu cho một ngày mới bắt đầu.

“Nàng đang đứng khỏa thân trước cái cửa sổ duy nhất của căn nhà cổ, thì thầm hát. Voi que sapete che cosa amor. Donne vedete s’io l’ho nelcor…Em đã biết câu trả lời, em nắm chìa khóa vào đời, chia sẻ với anh, bí mật của tình yêu. Em ơi, anh van xin em hãy chia sẻ niềm yêu. Trời chưa sáng rõ bên ngoài và bóng nàng in lên tấm màn ren mỏng mảnh cũ kỹ đã vàng vọt với thời gian. Nhưng trong ánh sáng mờ xám của bình minh, mảnh màn ren trông trinh trắng như mới. Tôi lặng lẽ ngắm nàng đứng đó, thân hình cân đối rung động với từng hơi thở, tựa như bóng của một chiếc hồ cầm in trên nền màn ren mờ ảo của phòng cô dâu.

“Từ phía giường, tôi thấy nàng quay lại ngưng hát và nhìn tôi, bộ ngực căng phồng và đôi mắt đẫm lệ. Sau lưng nàng, sau bóng hồ cầm in hằn lên tấm màn ren, trời dần dần sáng rõ. Em ơi anh van xin em hãy chia sẻ niềm yêu…Jasmine, em có bí mật nào vậy hở em? Tôi mong đợi, mong đợi. “Rồi anh sẽ biết,” nàng nói.

“Cho tới ngày hôm đó, tôi chỉ gặp nàng vào ban đêm mà thôi. Tâm hồn tự nhiên nặng trĩu trong khi ánh sáng ban mai rọi lên khuôn mặt mờ mờ nhợt nhạt. Không hiểu sao tôi biết là tôi đã bị gắn liền với khuôn mặt đó. Chắc là tôi đã yêu nàng.

– “Tại sao anh lại đến đây, Jean Paul?” đôi mắt hạnh nhân đẫm lệ hỏi tôi.

“Nàng chậm rãi bước tới gần bên tôi rồi nhào người lên ngực tôi, và tôi dang tay ôm chặt lấy nàng, để mặc giòng nước mắt nóng hổi của mình rơi lên suối tóc lạnh như sương. Tôi nức nở trong không gian đen tối đã tù hãm tôi bấy lây nay. Em ơi anh van xin hãy chia sẻ với anh, dư âm câu ca vẫn còn văng vẳng, và tôi kể cho nàng nghe điều tôi vẫn giữ kín về một người Pháp già nua kể lể không ngừng một câu chuyện đã xảy ra trên cánh đồng đầy hoa sim, nơi người lính trẻ đã giơ súng nhắm trúng vào vầng trán giữa đôi mắt đen lánh ngây dại, tuyệt vọng và đầy kinh hoàng của cô gái. Trong khi đó, đôi môi hé mở của cô không biết đã chuyển màu tím từ lúc nào. màu của đồng hoa sim hoang dại. Tôi ngừng kể, nhưng cơn ác mộng vẫn đeo đuổi không tha.

o O o

“NHỮNG TUẦN SAU ÐÓ, CUỘC ÐỜI VẪN TRÔI, VÀ TÔI TRỞ LẠI VỚI cuộc sống tẻ nhạt tạm bợ của tôi tại Hà Nội, với những công tác thông tin, viết báo tại Khách Sạn Metropole, nàng không đến với tôi vào những đêm thứ Tư nữa. Ban nhạc bộ tư vẫn chơi, nhưng nàng như đã biến mất. Tôi khắc khoải, đợi chờ tin nàng.

“Sau cùng thì cũng có tin của nàng qua một mảnh giấy viết tay gửi đến phòng tôi. Nàng dặn tôi phải thuê một chiếc xe có tài xế, hẹn tới gặp nàng, rồi cùng nhau lái về miền đồi núi phía tây Hànội. Nàng gọi nơi đó là thôn Ðoài, có nghĩa là làng phía Tây của thành Hà Nội. Công việc của nàng ở Việt Nam đã làm xong và nàng sẽ trở về Houston, Texas, nơi định cư của người Việt tỵ nạn cộng sản. Trong mảnh giấy, nàng ghi rõ tất cả những con đường cho tài xế lái theo để chúng tôi gặp gỡ tại thôn Ðoài.

“Chúng ta phải có một ngày với nhau, xa Hànội, để từ biệt cho đàng hoàng,” đó là dòng chữ cuối cùng trong mảnh giấy.

“Chiếc xe chở tôi qua những đồi đất đỏ gần đê Yên Phụ nhìn ra sông Hồng, qua cầu Phụng Thượng rồi ngừng lại ở một chân đồi gần rặng núi Tản Viên, từ nơi này xe không đi vào con đường đất được nữa. Nàng đang đứng đợi tôi bên lề đường, mặc quần sa-tanh đen và áo cánh lụa trắng như một cô gái Việt của ngày cổ xưa vẫn thường mặc. Chiếc khăn lụa đen quàng lên đầu, che nửa khuôn mặt và rủ xuống bờ vai. Trời hôm đó gió thổi lồng lộng mà tôi không nhìn thấy mái tóc dài bồng bềnh của nàng.

“Ðó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nàng trong ánh sáng ban ngày.

“Tôi xuống xe và nàng nắm tay tôi dẫn tôi đi vào một vùng đồi thoai thoải, màu đất đỏ in trên nền nắng buổi trưa. Nàng bảo nơi chúng tôi đang đi là thuộc tỉnh Hà Tây, miền đất của những chiến sĩ đấu tranh cho tự do, và của những thi sĩ. Một chiếc xe bò lạch cạch đi qua mặt chúng tôi khuấy lên chút bụi đỏ, như cố đua đòi với những chiếc xe máy phóng lọc cọc qua mặt, và những người lái xe máy đi qua còn ngoái cổ nhìn chúng tôi, một cặp khác lạ – một anh chàng Tây Phương tóc vàng cao lênh khênh và một thiếu nữ Việt Nam ăn mặc như một cô gái đồng quê. Tôi bỡ ngỡ nhìn những xóm làng Bắc Việt trải ra trước mắt, rồi rảo bước theo đôi gót giầy tung tăng của người bạn đồng hành. Tôi bước đi như người mất hồn trên vùng đất xa lạ của những cánh đồng, đây đó rải rác vài khuôn mặt nâu sạm nắng của những con người đang cúi thân hình gầy guộc trên ruộng mạ xanh.
Chúng tôi tiếp tục đi cho đến khi tôi nghe thấy tiếng thác đổ.

“Ðây rồi, Jean Paul,” nàng vừa chỉ tay vừa kéo khăn quàng xuống cho tôi nhìn thấy trọn vẹn khuôn mặt.

“Tôi nhìn khuôn mặt trái xoan và đôi môi màu hoa cà mà tôi đã yêu, ngay lúc cặp lông mày vòng nguyệt nhướng lên như ẩn một sự thách đố kỳ dị. Tôi theo ngón tay nàng chỉ về phía chân trời xa thì nhìn thấy một vùng nước, óng ánh như sa-phia dưới ánh nắng hồng. Ðó chỉ là một cái ao, hoặc một dòng suối, chứ không phải là một thác nước như tôi tưởng, mặc dù tôi vẫn nghe thấy tiếng nước róc rách chảy qua những hòn đá cuội, hòa với tiếng chim hót líu lo. Bên kia dòng nước là một khu rừng tím ngắt, in trên nền trời xanh nhạt điểm mấy vạt nắng hồng.

“Cảnh đẹp đến ngạt thở.

“Một nơi lý tưởng để yêu nhau. Nàng và tôi, tôi nghĩ thầm.

“Nàng thấp hơn tôi nhiều, và nhón gót với lên mặt tôi, tay choàng lấy cổ tôi. Môi màu tím của lan rừng thoắt chạm nhẹ lên môi tôi. Tôi nếm vị chua ngọt phảng phất mà tôi cho rằng chắc đó là mùi vị của trái sim nàng có lần nhắc đến.

– “Anh xem kìa, Jean Paul, đồng hoa sim tím. Sim Việt Nam. Sim Tím,’ giọng nàng ngọt ngào rót vào tai tôi.

“Nàng bỏ tay, rời tôi và bước về phía chân trời tím xanh.

‘Jasmine,’ Tôi gọi theo nàng. Nàng dừng bước ngoảnh lại, và giọng nói ngọt ngào tiếp tục cùng với tiếng chim hót líu lo:

– “Cô gái đó họ Khai, Jean Paul. Nó đang giặt áo bên dòng suối. Gần cánh đồng sim.’

“Tôi bước tới. Nàng để tuột khăn quàng. Chiếc khăn bay lại phía tôi, ngược chiều gió. Tôi vẫn còn nghe thấy tiếng nàng trong khoảng không loãng khí.

“Ba tên lính lê-dương Pháp nhìn thấy nó. Bọn chúng xé toạc quần áo con bé và tóm chặt chân tay nó. Chúng nó thay phiên nhau, anh biết không, Jean Paul.’

“Chiếc khăn phất vào mặt tôi. Nhẹ, rất nhẹ. Nhưng tôi khuỵu người xuống đau đớn.

“Ðáng lẽ bọn chúng bỏ nó lại đó. Nhưng một tên Pháp nhấc súng lên.’

“Chiếc khăn bây giờ che kín mắt tôi và tôi không còn nhìn thấy mặt nàng nữa. Nhưng vẫn còn nghe thấy tiếng nói, rõ rệt như một bản án.

– ‘Máu trào trên trán con bé và nó ngã ngửa xuống. Vào dòng suối. Dòng nước trong vắt mọi khi bây giờ đã chuyển thành màu đỏ tàn nhẫn. Môi nó bầm giập, nhưng vẫn còn màu hồng pha tím nhạt.’

– ‘Không, Jasmine,’ tôi kêu lên, tuyệt vọng. Qua chiếc khăn quàng, tôi nhìn thấy mặt nàng. Khuôn mặt càng ngày càng to lên khác thường. Tôi liếc nhìn đôi môi hình như có màu tím nhạt.

– ‘Hai ngày sau, một người dân làng thấy nó trôi xuôi dòng suối, về phía đồng sim. Môi nó đã thành màu tím sậm, Jean Paul ạ.’

“Tôi quào tay lật chiếc khăn voan đang vướng che mặt mình và thả  cho khăn bay theo gió. Khi tôi nhìn về phía chân trời nơi có đồng sim tím thì không còn nhìn thấy mặt nàng đâu nữa.

‘Vĩnh biệt, Jean Paul.’ Ðó là lời cuối cùng của nàng mà tôi nghe thấy.

“Mặt trời gần lặn. Bóng tối dần dần phủ xuống chân núi Tản Viên, và tôi thấy chỉ còn một mình, đứng trơ trọi cô độc giữa cánh đồng sim. Không thấy nàng đâu. Và cũng không còn vết tích gì của nàng nữa, trừ chiếc khăn đang phất phơ bay mà thôi.

o O o

“TRONG SUỐT BA NĂM TRỜI SAU ÐÓ, TÔI ÐI KHẮP NƠI TRÊN ÐẤT VIỆT để truy tìm sở hữu chủ của chiếc khăn quàng ấy. Tôi quằn quại nhớ mầu tím hồng quen thuộc chuyển mầu hoa cà rồi thành tím ngắt vào ban đêm.

“Tôi không tìm thấy nàng đâu cả. Và cũng chẳng bao giờ gặp lại những màu sắc, hình dạng đã ám ảnh tâm trí tôi từ dạo đó.

“Rồi tôi sang Hoa Kỳ. Tới quận Cam bên Cali, rồi xuống Houston, tiểu bang Texas, miền đất của những di dân người Việt.”

o O o

“CỐ TÌM RA NÀNG CHO TÔI, S’IL VOUS PLAIT,” CẬU HOÀNG TỬ NHỎ đã thành niên của tôi nói, cặp mắt xanh nhìn tôi khẩn khoản đợi chờ một lời hứa.

Tôi vốn là Cậu Mười, người của vũ trụ. Ðáng lẽ tôi phải hứa với hắn. Nhưng tôi không hứa hẹn.

Hắn rời văn phòng của tôi, tuy vậy, với một tia hy vọng mong manh, biểu lộ trong nắm tay bắt chặt và mái tóc vàng quay lại khi hắn đã ra đến cửa. Cặp mắt xanh vẫn còn khẩn khoản tìm kiếm một niềm tin.

o O o

Còn lại một mình trong văn phòng, tôi thở dài, lòng thật trĩu buồn. Ðáng lẽ tôi phải cho hắn biết rằng cánh đồng hoa sim chỉ là một lời văn ẩn dụ để diễn tả một mối tình thời loạn ly, viết bởi một thi sĩ tên hiệu là Hữu Loan. Tất cả những người Việt có học, lớn lên sau thời Pháp đô hộ đều biết thế. Có lẽ cậu Hoàng Tử Nhỏ đã thành niên của tôi cũng biết. Hay hắn không biết? Những cánh đồng sim chỉ hiện hữu trong bài thơ, do một người lính Việt lãng mạn viết ra khi chàng thi sĩ phải cầm súng trong những chiến trận như Ðiện Biên Phủ hãi hùng. Người chiến-sĩ kiêm thi sĩ đề tặng bài thơ cho một vị hôn thê trẻ đẹp đã bỏ mình trong chiến tranh Pháp Việt được sử gia đặt tên là Chiến Tranh Ðông Nam Á.

Lớn lên ở Việt Nam mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cánh đồng sim. Sở dĩ tôi nhắc đến nó trong mấy phút đầu gặp Jean Paul là hoàn toàn dựa vào một bản năng tự nhiên, và cũng vì tôi đã thả tâm hồn theo một mộng tưởng huyền thoại mà thôi.

Dù sao, tôi cũng là Cậu Mười, người của vũ trụ duy nhất tại  thành phố Houston.

Lời nói thêm của cậu Mười, thay lời kết

Tôi thở dài. Hơi thở đến từ thiên thu. Không ai ngạc nhiên vì đâu tôi có hơi thở rất dài thườn thượt ấy.  Lý do:  Tôi là cậu Mười, người của vũ trụ mà.

Tia nắng mặt trời cuối cùng đã tàn ngoài khung cửa sổ. Thế nhưng tôi vẫn ráng ngồi lại ở cái bàn đã lủng nhiều lỗ, hai khuỷu tay cá mắm của tôi ép xuống mặt bàn cổ lỗ sĩ ấy. Tôi lại mơ mộng nữa, tơ tưởng về những đồi hoa sim…

Nhưng rồi thì tôi cũng sẽ về nhà, nơi chốn mà gã luật sư da trắng đã dựng nên theo ý tôi để vinh danh hai ngón tay bị nghiền nát của tôi, món quà thịt xương tôi đã tặng cho giấc mơ Hợp Chủng Quốc trong những ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Mỹ…

Trên đường về nhà, nơi mà gã luật sư da trắng đã khắc lên cửa lời tôi căn dặn: tên họ tôi và mấy con số đó, tôi nhận ra chân tướng và tông tích của mình… Chao ôi, mấy con số với mấy chữ cái nhận từ Ông Cố Ðạo Alexandre de Rhodes, người đã đem cho tổ tiên tôi cái vốn liếng gọi là Mẫu Tự La Tinh. Mấy con số và mặt chữ ấy chả có nghĩa gì ở Mỹ, nhưng với bác mẹ tôi thì là tất cả. Bác mẹ tôi thì cũng đã nằm nghỉ lâu rồi, đang chờ tôi thôi, ở ngoài ruộng đồng và trong đất đỏ phù sa sông Hồng, sông Cửu chín con rồng gác cửa bể. Ôi thôi bao nhiêu là ruộng lúa đất đai và không biết bao nhiêu thứ nữa đã tạo nên cái gọi là Tình-Hoài-Hương-hướng-về quê-cha-đất tổ…

Thiên hạ cứ nhìn vào cái bê-tông bằng đá vữa ấy, cố gắng đọc mấy chữ cái với mấy con số ngày-tháng-năm đó, thì không biết còn ai tìm hiểu rằng đó là nhà của cậu Mười, đại ký giả, tiên tri gia, chuyên viên đủ thứ nghề tay trái, nổi tiếng bậc nhất của cộng đồng người Việt tại thành phố cao bồi Houston này, cái tên độc nhất Cậu Mười không ai có, của ngày nào, năm nao…

Cuối cùng thì tôi cũng phải đứng dậy, rời bàn giấy, đóng cửa văn phòng, rồi phóng theo gió về nhà như cơn lốc. Băng qua màn đêm…

Ngoài kia, thì chàng Jean Paul Lambert và đoá Hoa Nhài mang tên Jasmine Khai của Chàng Hoàng-Tử-Nhỏ xứ Phú Lãng Sa đang đứng đợi… để tôi không phải độc hành.

Cả ba chúng tôi đều cưỡi gió…

Dương Như Nguyện