Khánh Ngọc Ảnh chụp năm 1957
Ca sĩ Khánh Ngọc, nữ ca sĩ ngọt ngào và đầy quyến rũ của
nền âm nhạc miền Nam, khi ra đi ở tuổi 85, người ta mới có dịp nhìn lại một
cách trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của bà. Nếu một miền Nam rộng lòng hơn, cuộc
sống của những năm 50-60 không quá khắc nghiệt thị phi, thì chắc nền văn nghệ tự
do Việt Nam lại có thêm nhiều tác phẩm hay, nhiều câu nhiều độc đáo hơn với sự
góp mặt của người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn này.
Tại miền Nam California, Hoa Kỳ, ngày 14/5, tin về việc bà ra đi đã làm không ít người trĩu nặng thương tiếc.
Cần phải nói rằng, vào thời của bà, thập niên 50, việc tìm
thấy được một ca sĩ giỏi, đẹp và chấp nhận cuộc đời là đứng trên sân khấu là
không phải dễ. Phải trải qua một nền Tây học, mạnh mẽ về tinh thần và có đủ khả
năng thu hút công chúng mới có thể trụ nổi. Hơn thế, ban hợp ca Thăng Long khi
có mặt bà trong gia đình nghệ sĩ của mình, đã tỏa sáng thêm bội phần, từ lúc bà
trở thành vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào năm 1953.
Vốn có dòng máu nửa Hoa, nửa Việt (cha của bà là người Minh
Hương) nên sắc đẹp của nữ ca sĩ Khánh Ngọc đậm đà và sắc sảo, một lợi thế vô
cùng khiến khán giả ca nhạc lẫn người hâm mộ điện ảnh thời ấy đều yêu mến.
Tiểu sử của bà được ghi chú khá đơn sơ: tên thật là Hàn Thị Lan Nam, sinh năm 1936 (có nơi ghi là 1937). Từ thuở bé, lúc mới năm 12 tuổi, Khánh Ngọc là học trò của đôi nghệ sĩ danh tiếng thời đó là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang. Nhận ra khả năng ca hát và trình diễn của cô học trò cưng, cả hai ông bà đã tìm cách giới thiệu Khánh Ngọc hát trên Đài Phát Thanh Pháp Á, vốn lúc đó họ có công việc là dựng chương trình ca nhạc hàng tháng.
Tâm tình lúc sinh thời, năm 2006, ca sĩ Khánh Ngọc nói rằng
“một năm sau khi học với nhạc sĩ Dương thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang, tôi được
hát trên đài phát thanh. Cuộc đời ca hát của tôi kể như bắt đầu từ đó”.
Bà cũng kể rằng bài hát đầu tiên mà bà bước ra hát trước
công chúng là bài “Tiếng Hát Lênh Đênh” của nhạc sĩ Từ Pháp, hát ở rạp Nam Việt,
Sài Gòn. Lúc đó, các rạp chiếu phim thường không chiếu chỉ một suất một ngày.
Và trước giờ chiếu phim, thì các chủ rạp thường tổ chức thêm các chương trình
ca nhạc ngắn với những giọng ca ăn khách để thu hút người tới. Bà Khánh Ngọc kể
rằng nhiều rạp lúc đó đã mời bà hát như vậy trong tuần. Nói một cách nào đó,
người đắt show, và “chạy show” liên tục đầu tiên vào thập niên 1950, có quảng
cáo tên trước rạp như Nam Việt, Nam Quang, Văn Cầm, Đại Nam… chính là ca sĩ
Khánh Ngọc.
Bối cảnh miền Nam sau 1954, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra sức
dùng văn nghệ để nói cho người dân hiểu sự khác biệt chính trị giữa hai miền,
nên đã mời các đoàn làm phim, đạo diễn nước ngoài đến Việt Nam, dựng lên các
tác phẩm về việc xây dựng một chế độ có chính nghĩa quốc gia. Năm 1955, đạo diễn
người Phillippines là ông Gerardo De Leon đến Sài Gòn để tuyển diễn viễn chính
của bộ phim Exodus, tên tiếng Việt là Ánh sáng Miền Nam. Bà Khánh Ngọc cho biết
là đoàn đã thử với rất nhiều diễn viên nhưng chưa vừa ý, cuối cùng, khi đến xem
chương trình nhạc cảnh “Được mùa” của ban Hợp ca Thăng Long tại rạp Việt Long,
thì đạo diễn Gerardo đã xin cho gặp mặt ca sĩ Khánh Ngọc ngay, và mời bà vào
vai chính phim đó.
Sự tham gia của ca sĩ Khánh Ngọc và tài tử Lê Quỳnh đã đem lại
thành công rực rỡ cho phim đó. Đại hội điện ảnh Phi Luật Tân vào năm 1956 đã bầu
chọn Exodus là phim xuất sắc nhất. Đây là cũng là bộ phim tái dựng lại khung cảnh
hàng hàng lớp lớp người không muốn ở với chế độ Cộng sản Miền Bắc để vào Nam.
Quảng cáo cho phim này, đạo diễn Gerardo nói đã có đến 800.000 người tham gia
vào những đại cảnh xuống tàu.
Ngay sauđó, ca sĩ Khánh Ngọc nhận được lời mời với 3 phim nữa,
là Đất lành (giải thưởng Danh dự ở liên hoan phim Tây Đức -1957), Chim Lồng và
Ràng buộc. Tâm tình trên Tuần báo Truyện Phim số 46, 1958, bà kể lại rằng “giấc
mơ điện ảnh đã đến với tôi trong một đêm đẹp trời giữa lúc tôi không ngờ nhất”.
Poster phim Ánh sáng Miền Nam
Điện ảnh đã cất cánh cho ca sĩ Khánh Ngọc một khung trời mới,
nhưng điện ảnh cũng là lối rẽ, khiến đời bà gặp muôn vàn trắc trở về sau.
Năm 1958, khi cùng nhạc sĩ Phạm Duy đi sang Hồng Kông để thực
hiện phần âm thanh hậu kỳ cho phim Đất Lành, tình cảm của đôi nghệ sĩ này đã nảy
sinh. Trong giới nghệ sĩ nhỏ bé của Sài Gòn và trong thế giới văn nghệ còn nhỏ
hẹp của người Việt, câu chuyện này đã khiến nhạc sĩ Phạm Đình Chương, chồng của
ca sĩ Khánh Ngọc im lặng đau khổ, và cuối cùng thì muốn làm rõ chuyện một lần
cuối.
Rồi trong một lần nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Khánh Ngọc cùng
nhau, đi xe hơi ra Nhà Bè, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã cho chiếc xe traction của
mình đuổi theo chiếc xe của Phạm Duy, Khánh Ngọc, và ép đầu xe dừng lại, để chấm
dứt mọi thứ đúng nghĩa của nó. Cuộc chạm trán định mệnh đó đã khiến một ca sĩ,
diễn viên điện ảnh tài danh của Việt Nam chia tay chồng, rời bỏ nước và mang
theo con trai đến sống tại Hoa Kỳ. Và kết thúc đó cũng mang lại hai ca khúc bất
hủ của âm nhạc Việt Nam là Nửa hồn thương đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương,
cùng Tôi còn yêu của Phạm Duy.
Một bên là bài hát tím thẫm muộn phiền, mà những bạn bè của
nhạc sĩ Phạm Đình Chương nói là cột mốc biến đổi đời ông, khiến đến 10 năm sau
này của một nhạc sĩ tài hoa và thơ mộng, chỉ tràn ngập những nốt nhạc đau đớn lặng
lẽ. Còn Phạm Duy thì chưa bao giờ dám nói mình là kẻ đúng, nhưng lại chân thành
thố lộ, vì biết rõ cung đời của mình, tính cách của mình hoang dại ra sao,
khi cất tiếng hát “tôi còn yêu, tôi cứ yêu”.
Và nếu không có một bóng hồng tài sắc mang nặng ngang
trái trong đời mình như nữ ca sĩ Khánh Ngọc, thì làm sao âm nhạc có thể đẹp đẽ
và ngất sầu trong ý nhạc của Hoài Bắc Phạm Đình Chương “Tình vui trong phút
giây thôi, ý sầu nuôi suốt đời. Thì xin giữ lấy niềm tin, dẫu mộng không bền”.
Giờ thì cả ba nghệ sĩ đó, với lại gặp nhau ở đâu đó rất xa.
Hình bóng, tiếng hát và cả tính cách của họ in đậm trong lịch sử âm nhạc Việt
Nam. Trên các trang bình luận, cũng có không ít lời khen tiếng chê về cuộc đời
của họ. Nhưng có sao đâu, mọi thứ đã như tro bụi đi qua. Họ đã sống và chấp nhận,
gánh chịu bằng chính cuộc đời của mình – mà giờ đây cả ba đã hằn lên thời gian,
thành bức tranh vô giá về tình yêu, hoang dại và nỗi buồn của đời nghệ sĩ.
Xin ngã mũ chào, Ở đâu đó, vào tuổi 85, người nữ minh tinh
điện ảnh đầu tiên của Miền nam Việt Nam tự do, đã thong thả cất bước ra đi.
Tuấn Khanh