Cưới nhau trong đại dịch không thể thiếu khẩu trang. (Hình
minh họa: Cottonbro/Pexels)
Trong đại dịch, có lẽ từ ngữ được sử dụng nhiều nhất trong
truyền thông là “mask” hay “face mask,” có khi là “face covering” hay “cloth
face covering” (vải che mặt).
Chữ Hán là 面具 (diện cụ) (1) hay 假面具 (giả
diện cụ) (2), hay 口罩 (khẩu trang).
Báo chí tiếng Việt thường dùng, khi thì “mặt:” mặt nạ, khi
thì “miệng:” khẩu trang.
“Nạ” là gì? Tìm trên mạng, “nạ” là tiếng Nôm (3). Chữ sau cùng, gồm hai chữ
Hán, 假
(giả) và 面 (diện) ghép với nhau. Ông cha ta xưa có lẽ cũng có ý: “giả”
vừa để chỉ âm mà cũng chỉ nghĩa, “diện” là mặt; chữ “nạ” kết hợp này tự nó đã
bao gồm nghĩa của hai chữ mặt nạ: giả diện = mặt giả.
Gì thì gì, nói mặt nạ, nghe tiêu cực. Mang mặt nạ có nghĩa là che giấu, ngụy
trang, là giả, là lừa phỉnh. Chả thế mà trong tiếng Anh, người ta nói “to throw
off the mask:” lột trần sự giả dối, vạch trần chân tướng, hay “under the mask
of virtue:” đạo đức giả. Nó gợi đến hình ảnh những tên cướp, những kẻ gian, những
người bất chính…
Nhưng nói “khẩu trang” thì nghe tích cực hơn nhiều; nó gợi đến hình ảnh của những
người y tá, bác sĩ đang ngày đêm chăm sóc bệnh nhân, đến những công nhân là việc
trong các nhà máy, công xưởng để sản xuất hàng hóa cho người tiêu dùng.
Riêng tôi, khẩu trang còn gợi đến cảm giác ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy
hình ảnh đường phố Sài Gòn sau mấy chục năm xa cách trở về thăm, nhiều năm trước
đây: mọi người chạy xe gắn máy trên đường phố Sài Gòn đều che kín, không những
chỉ khuôn mặt, mà là toàn thân, từ đầu cho đến chân. Hỏi ra mới hay, rất lâu
trước cơn dịch, khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân khi ra đường, nhất là đối
với phụ nữ Sài Gòn, để bảo vệ… sắc đẹp! Ai ngờ rằng, có ngày nó trở thành vật bất
ly thân của hầu hết mọi người trên hành tinh, để chống lại một kẻ thù vô hình:
con siêu vi Corona.
Khi cơn dịch tràn sang Hoa Kỳ gây nên một chấn động toàn quốc vào đầu năm rồi
(2020), tôi chạy đôn chạy đáo hết cửa hàng này đến cửa hàng khác tìm mua khẩu
trang, nhưng chẳng tìm thấy một chiếc nào. Người ta đã nhanh chân cuỗm hết.
Trong lúc hoang mang và tuyệt vọng, thì nhận được một gói khẩu trang mới toanh
do đứa con gái từ Boston, Massachusetts, gửi sang. Vật cứu tinh đến đúng lúc,
thiệt vui mừng khôn xiết!
Lần đầu tiên choàng chiếc khẩu trang che mặt, tôi cảm thấy bồi hồi. Nó mang lại
cho tôi chút cảm giác yên tâm khi có việc cần, buộc phải đi ra đường. Than ôi,
những con đường yên lành trong một xứ sở yên lành bỗng dưng trở nên đầy đe dọa.
Đó là nơi hoạt động của những kẻ thù vô hình, lúc nào cũng sẵn sàng xâm nhập cơ
thể, cướp lấy mạng sống con người.
Nhưng rồi, khi cơn dịch tiếp tục lây lan tưởng chừng như vô tận, cảm giác cứu
tinh bỗng trở thành cảm giác bị cầm tù. Nó là biểu tượng của một gánh nặng đời
sống, gánh nặng xã hội; là một vật chướng ngại chia cách, ngăn cản tôi đến với
bạn bè, người thân, đến với thế giới, với xã hội bên ngoài.
Mang khẩu trang đâm ra là tránh: tránh cười, tránh hôn, tránh nói, tránh ôm,
tránh bắt (tay), tránh đụng, tránh sờ… Giấu mặt sau chiếc khẩu trang, người tự
cô lập người, tôi tự cô lập tôi.
Trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn hồng, chim vẫn kêu, mưa vẫn rơi, nhưng cả
nhân loại đeo khẩu trang, chơi vơi sống trong những tháng ngày trầm uất. Có
lúc, nó còn là thủ phạm gây ra sự chia rẽ chính trị trầm trọng trong cuộc bầu cử
tổng thống Mỹ.
Đeo hay không đeo khẩu trang trở thành một lập trường chính trị. Một bên thì sẵn
sàng đeo khẩu trang bất cứ lúc nào, kể cả những lúc không cần thiết; một bên
thì nhất định không thèm đeo, đã thế, còn ngồi sít bên nhau y như cơn đại dịch
không hề hiện diện.
Riêng
tôi, cứ mỗi lần đi ra đường, buộc chiếc khẩu trang che mặt, lòng có cảm
giác vừa hoang mang vừa bùi ngùi, nghĩ đến những ngày thanh bình, chưa có dịch.
Cảm khái, tôi bèn xuất chữ thành thơ, những câu thơ (mà tiếc thay!) chẳng mấy
“nên thơ:”
“bao giờ tan cơn dịch
tôi tự phóng thích tôi
bao giờ tan cơn dịch
cởi mặt nạ, đi chơi
tay bắt tay, miễn nhiễm
tôi hết còn sợ người
tôi hết còn sợ tôi” (4)
Thực ra, đó cũng chỉ là mơ ước biến thành… thơ. Đọc đoạn thơ đầy nỗi lòng này,
một người bạn gọi điện thoại đòi thay chữ, bảo: “cởi mặt nạ, thăm nhau;” một bạn
khác: “cởi mặt nạ, chào nhau;” một bạn khác: “cởi mặt nạ, ôm nhau;” một bạn
khác nữa: “cởi mặt nạ, hôn nhau.” Ừ, thì chơi, chào, thăm, ôm, hôn… hay gì cũng
được, miễn là được giải thoát khuôn mặt mình ra khỏi cái mặt nạ chết tiệt này.
Nhưng đến khi nào?
Rồi cũng có ngày.
Đầu Tháng Ba, 2021, tôi hào hứng đón chào thuốc chủng ngừa ra đời bằng cách lại
chạy đôn chạy đáo đi tìm chỗ chích. Và rồi được chích. Sốt ruột vì nghe tin vừa
có thêm một đứa cháu nội vừa mới sinh nên vừa xong mũi thứ hai, nghĩ mình đã có
bửu bối chống dịch, tôi vội vã mua vé máy bay đi thăm.
Trong máy bay, hành khách đầy cả các hàng ghế, ngồi sít bên nhau, ai nấy mặt nạ
đầy đủ, nhưng suốt cả bốn tiếng đồng hồ, lòng tôi phấp phỏng không yên. Nghe tiếng
ai nhảy mũi cũng lo, nghe tiếng ai ho cũng giật mình.
Xuống phi trường Boston, theo đoàn người đi ra khu hành lý, những tưởng sẽ được
tập trung một phòng nào đó để kiểm dịch như đã được chính quyền tiểu bang thông
báo, nhưng chẳng ai hỏi han gì. Phi trường im ắng, hành lang trống trải, các
phòng đợi vắng teo y như chiều 30 Tết ở quê nhà.
Hóa ra, chuyến bay của tôi là chuyến duy nhất đáp xuống phi trường chiều hôm
đó. Dường như sợ dịch, chẳng mấy ai muốn mạo hiểm đi xa. Vả lại, chích ngừa rồi
không có nghĩa là hoàn toàn miễn nhiễm. Mà khổ thay, sau cơn xao xác lúc đầu,
bây giờ rất nhiều người Mỹ lại chần chừ không muốn, thậm chí có người còn chống
lại, chuyện chích ngừa.
Vào ngày 13 Tháng Năm,Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) bất ngờ loan
báo là những ai đã chích ngừa đầy đủ hai mũi không còn cần phải đeo khẩu trang,
cả ở trong nhà cũng như bên ngoài. Bác Sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Nghiên Cứu
Dị Ứng và Dịch Tễ Quốc Gia (National Institute of Allergy and Infectious
Diseases) dè dặt phát biểu: “Điều này không có nghĩa là cơn đại dịch đã chấm dứt
ở Hoa Kỳ nhưng đất nước tiến thêm một bước gần hơn đến cuộc sống bình thường.”
Theo CDC, toàn nuớc Mỹ, chỉ mới có hơn 40% những người Mỹ từ 18 tuổi trở lên,
chích ngừa đầy đủ. Còn đến hơn một nửa dân số người chưa/không được chích ngừa.
Ở chốn công cộng, làm sao biết được ai đã chích ngừa, ai chưa, ai không. Mối đe
dọa lây lan, dù đã bớt căng thẳng, nhưng vẫn còn nằm đó, sống động. Vẫn còn người
bị nhiễm, vẫn còn người chết mỗi ngày. Vẫn chưa có miễn nhiễm cộng đồng (herd
immunity). Khẩu trang vẫn còn trên mặt và vẫn còn trong tâm.
Để khuyến khích người ta đi chích ngừa, chính quyền Mỹ bèn đề ra giải pháp: thưởng.
Ký giả David Perry không ngần ngại gọi đó là hối lộ (bribe) (5). Một cuộc hối lộ
quần chúng công khai và hợp pháp, từ thức ăn, tiền mặt, cho đến bia bọt, vé số,
vé xem thi đấu… nhằm thuyết phục người dân đi chích ngừa.
Tiểu bang West Virginia thưởng $100 bỏ vào quỹ tiết kiệm cho bất cứ cư dân nào
từ 26 đến 36 tuổi chịu đi chích ngừa. New Jersey và Connecticut quyết định cho
cư dân tiểu bang được uống bia thoải mái tại ngày hội bia vào cuối Tháng Năm nếu
họ chấp nhận chích mũi đầu tiên; New York sẽ biếu vé đi xem trận bóng chày giữa
hai đội Yankees và Mets nếu chịu chích ngừa tại vận động trường; Ohio tự động
đưa tên người đi chích ngừa mũi đầu tiên vào một cuộc xổ số với giải thưởng trị
giá lên đến… $1 triệu. Vân vân và vân vân.
Cởi mặt nạ sẽ có hàng triệu triệu người vui, nhưng tôi biết chắc, ít nhất,
có một người có lẽ không mấy vui (biết đâu, lại buồn): Nancy Pelosi.
Trong lúc Tòa Bạch Ốc ra lệnh cho nhân viên đã chích ngừa đầy đủ có thể cởi mặt
nạ khi đi làm, thì bà chủ tịch Hạ Viện này cho biết là bà chưa có ý định bãi bỏ
quy định đeo mặt nạ tại Hạ Viện. Tại sao?
Theo bà, đâu biết ai chích ngừa rồi, biết ai không. Nghe cũng lọt lỗ tai. Thực
ra, với bà, một năm đại dịch là một năm bận rộn, từ chuyện chung đến chuyện
riêng, nhưng bận rộn nhất có lẽ là… chiếc mặt nạ. Bà và mặt nạ. Bà là mặt nạ.
Bà biến mặt nạ thành thời trang. Mặt nạ đủ loại từ vải vóc, kích cỡ cho đến kiểu
cọ, màu sắc. Mỗi lúc, một kiểu; mỗi dịp, một màu.
Theo Elle, một tạp chí thời trang, hầu hết mặt nạ bà đeo được mua ở Donna
Lewis, một cửa hàng thời trang ở Alexandria, Virginia. Chủ nhân, Chris Lewis,
cho biết cửa hàng luôn luôn bán hết sạch bất cứ kiểu mặt nạ nào mà bà mang khi
xuất hiện trước công chúng, đến nỗi, gây ra một hiệu ứng, “hiệu ứng Nancy”
(Nancy-effect).
Chả thế mà Hillary Clinton khen cách trang sức của bà Pelosi là “kết hợp hài
hòa giữa mặt nạ và áo quần” (mask-to-pantsuit coordination). Bà Dân Chủ này
khen ngợi bà Dân Chủ kia. Khẩu trang, nghe ra, cũng nghe có mùi “tính đảng!”
Nhưng đó là việc của các chính trị gia. Riêng tôi, trước sau, chỉ có một ước
mơ:
“Mong tàn cơn đại dịch
Ném hết khẩu trang đi.”
Cả khẩu trang bên ngoài lẫn khẩu trang trong tâm.
Trần Doãn Nho
Chú thích:
(1) Từ điển Hán-Anh online: www.mdbg.net/chinese/dictionary
(2) Từ điển Hán Nôm: https://hvdic.thivien.net/whv/%E5%81%87
(3) Từ điển Hán Nôm: https://hvdic.thivien.net/nom/n%E1%BA%A1
(4) Hè, nóng, phượng, ve và những ngày tự nhốt: www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/he-nong-phuong-ve-va-nhung-ngay-tu-nhot/