Không có tiền mua. Nhẹ nhàng đi vào một tiệm sách. Dịu dàng
nhìn chung quanh. Mỉm cười với ông chủ, cô tính tiền và những người canh sách,
kẻo bị trộm. Tìm một cuốn sách vừa ý. Đến một góc hẻo lánh. Im lặng. Ít cử động
để không gây chú ý. Đọc.
Từ lúc trung học đệ nhị cấp, tôi đã là người cọp sách chuyên nghiệp. Khởi đầu,
e ngại, hồi hộp, xấu hổ, đánh liều, những cảm giác đó tạo ra thú vị, không giống
phiêu lưu mạo hiểm, mà giống anh học trò trốn ra khỏi lớp học, đi quán cà phê.
Về sau, còn biết thêm, sự thú vị này khiến cho một số ông chồng đi ngoại tình.
Ngược lại, tôi say mê nội tình với sách. Theo thứ tự, cả đời tôi, thứ nhất yêu
sách, thứ hai yêu đàn, thứ ba yêu rượu. Còn vợ, thuộc vào thượng hạng.
Vào những ngày cuối tuần, tiệm sách đông người người, nhất là mùa tựu trường, sự
hiện diện của những cọp sách gây trở ngại lưu thông, khiến cho chủ tiệm bực bội
và nhớ mặt. Kẻ cọp sách khôn ngoan nên tránh xa. Chỉ đến ngày thường, vào giờ
ăn chiều, cọp cho đến tối. Thông thường các ông bà chủ lên lầu hoặc về nhà ăn
cơm tối. ít khi trở lại trông tiệm. Thay vào đó, là các cô chủ gái hoặc các cậu
chủ trẻ, thường xuyên lơ là hoặc thông cảm. Nhất là các cô, ngây thơ, cả tin
người ham đọc sách có khả năng làm nên sự nghiệp chữ nghĩa. Thực tế, 100 người
cọp, đã 50 người cọp truyện chưởng, 30 cọp chuyện ái tính, 15 cọp sách làm người,
4 cọp tạp lục, chỉ có 1 cọp văn chương, văn hóa.
Ở tỉnh lẻ, cọp sách không phải dễ. Ít người mua, nên kẻ đã không mua, dù hóa
thành kệ gỗ, cũng dễ nhận diện. “Cậu tìm sách gì?” “Thưa bác cho cháu đọc ké cuốn
sách này.” “Chỗ làm ăn mua bán, cậu đừng đến nữa.” Có một lần tôi cảm động, có
lẽ tủi thân thì đúng hơn, muốn ứa nước mắt khi nghe cô gái đứng quầy tính
tiền, nói với ông chủ, “Ba, người ta nghèo. chỉ muốn đọc sách thôi mà.”
Những cô thiếu nữ
băng qua đời tôi,
như những bông hoa nở vội.
Rồi từng cánh phai.
Rồi từng cánh phai.
Trên tay tôi
không còn một ai…
(Kaoru Maruyama)
Tôi nhẹ dạ, đa tình, đền ơn nên yêu thầm cô bán sách cho đến ngày cô đi lấy chồng.
Ở tỉnh lẻ, cọp sách nín thở. Không thể minh họa bằng cử chỉ hoặc âm thanh. Phải
giữ thái độ tử tế, nho nhả, để có thể trở lại đọc tiếp.
Có lần, tôi đọc Alexis Zorba, Con Người Chịu Chơi, của NikosKazantzaki, dịch giả
Nguyễn Hữu Hiệu, đến đoạn Zorba ví mông phụ nữ Nga, nở nang, cứng cáp,
như mông ngựa cái và nó hí lên khi ngửi được mùi ngựa đực. Tôi ngạc
nhiên. Lúc đó, biết mông phụ nữ một cách mù mờ, nhưng biết mông ngựa rất rõ,
thành thử tưởng tượng lẫn chiêm bao đều hấp dẫn. Nhưng phụ nữ Việt ít ai hí, hầu
hết nghe mùi đực phảng phất là bỏ đi. Đôi lúc không kịp giã từ. Đọc hết đoạn
Zorba không thể nói tiếng Nga, nên nhảy ra sân múa máy, nhào lộn. diễn tả câu
chuyện ông muốn kể. Thật là lý thú. Tôi cũng muốn nhảy ra múa máy nhưng kịp
nhìn thấy ánh mắt của bà chủ lăm le chờ bằng cớ.
Về Sài Gòn, nhiều tiệm sách, nhiều sách. Nhất là ở nhà sách Khai Trí, tha hồ đứng
đọc. Những lúc thích chí, có thể bật cười hoặc cúi mặt ngẩn ngơ suy nghĩ câu
nói cao kỳ mà không sợ ai dòm ngó. Tôi cọp hết bộ Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc
Chí ở nhà sách này. Thoạt đầu, cứ tưởng, dân Sài Gòn giàu có, không quan tâm những
cọp quấy rầy. Mãi về sau mới biết, ông chủ Khai Trí là người yêu văn chương.
Ông dành ưu tiên cho người trẻ đọc cọp. Có lẽ, khi xưa, ông cũng cọp. (Mời đọc:
Một Đời Đam Mê Sách của Phạm Phú Minh. https://nguoitinhhuvo.wordpress.com/2014/03/29/ong-khai-tri-mot-doi-ham-me-sach-pham-phu-minh/)
Tôi vẫn mãi ngưỡng mộ và tâm phục ông. Trước khi ông qua đời (2004), đã in một
tập thơ tình chọn lọc, bao gồm thơ trong nước và ngoài nước. Ông làm một chuyến
đi sang Mỹ với mục đích gặp các nhà thơ để xin phép in thơ của họ. Ông hẹn tôi ở
nhà sách của anh Võ Thạnh. Lần đầu tiên, tôi được bắt tay người chủ hào phóng với
cọp. Trò chuyện, Cảm ơn. Kể lại ngày xưa. Cảm ơn. Ký tên vào lá thư đồng ý cho
in thơ. Rồi chia tay. Không bao giờ gặp lại. Sự yêu mến, cẩn trọng, xuề xòa mà
nghiêm túc đối với văn chương của ông Khai Trí, tôi xin nghiêng mình. Cảm ơn một
lần nữa.
Khoảng thập niên 1965-1975, miền Nam Việt Nam không có nhiều sách dịch. Đa số
là truyện dịch. Sách dịch về lý thuyết, nghiên cứu, phê bình văn học, văn
chương rất hiếm hoi. Có thể nói, thời đó, tìm ái tình dễ hơn tìm loại sách này.
Bây giờ, nhớ lại thời thèm sách, cọp sách, không đủ sách để cọp, tôi cho rằng,
người Việt hải ngoại thật may mắn, nhất là ở Hoa Kỳ. Muốn đọc sách nào, cũng có
thể được. Một đề tài, cả ngàn sách để tìm hiểu. Không hiểu thí có sách khác chú
thích, giải nghĩa cuốn sách khó. Nicolaus Copemicus viết: Biết rằng chúng ta biết
những gì chúng ta biết, và hiểu rằng chúng ta không hiểu những gì chúng ta
không hiểu, đó là sự hiểu biết chân chính. To know that we know what we know,
and to know that we do not know what we do not know, that is true knowledge. Sự
hiểu biết xây dựng từ học đường không thể sánh với sách. Học từ nhỏ đến lớn,
nhiều lắm là 50 ông bà thầy. Sách có cả triệu thầy cô.
Bây giờ, đã hơn 20 năm đầu thế kỷ 21, sách dịch ở Việt Nam cũng không nhiều về
nghiên cứu phê bình văn học thế giới. Những cậu học trò, sinh viên thèm sách, cọp
sách chắc cũng hắm hở như tôi, tìm trang tạp chí hoặc cuốn sách văn chương rồi
mò mẫm tra từ điển. Lầy lội, rối mù, lõm bõm, sau cùng là hiểu chưa đúng. Chúng
ta không phải là kẻ mù chữ, chỉ mù cơ hội.
Bên trên, tôi có nói, tìm ái tình dễ hơn tìm sách dịch văn học hay. Đây chỉ là
một cách ví von. Phụ nữ luôn luôn bí ẩn, biến hóa, có nội dung khó hiểu, có cử
chỉ mang nhiều ý khác nhau, dù học suốt đời, vẫn không rành rọt. So với sách
hay, phụ nữ hay gấp bội phần. Vì sách dù hay cách mấy, đọc hoài cũng nhàm. Còn
phụ nữ, đọc lui đọc tới, tuy có mệt nhưng không bao giờ chán.
Ngu Yên
Tháng 4, 2021