Tôi tình cờ tìm được ấn bản Lá Thư Về Làng của nhạc
sỹ Thanh Bình, do nxb Lúa Mới phát hành, năm 1956. Vào thời điểm đó, tuy chưa đủ
tuổi để cắp sách đến trường nhưng tôi cũng đã thuộc lời của nhạc phẩm này rồi
vì nghe mấy bà chị và radio hay hát:
Nhà văn Nguyễn
Đình Toàn bình luận:
Trong sinh hoạt âm nhạc của chúng ta, thỉnh thoảng lại thấy
xảy ra hiện tượng: Không vì lý do nào cả, bỗng nhiên một ca khúc hay một tác giả
nào đó, bị quên lãng, không thấy ai hát hay nhắc tới nữa. Sự việc có thể kéo
dài hay chỉ trong một thời gian ngắn.
Thanh Bình không hẳn ở trong trường hợp ấy.
Nhưng, trong số các băng, đĩa nhạc được thu ở hải ngoại
trong mấy chục năm rồi, hình như chỉ thấy có một bài, do Khánh Ly hát, đó là
bài “Tình Lỡ”.
Nhớ lại những năm sau 54, bài “Lá Thư Về Làng” của Thanh
Bình đã gây xúc động trong lòng bao người vừa rời bỏ miền Bắc trong cuộc di cư
vào Nam. Càng cảm nhận ra rằng mình được bao dung, yên ổn, trong vùng đất mới,
người ta càng xót xa nhớ thương quê cũ.
Thanh Bình từ trần vào ngày 23/05/2014 tại Sài Gòn. Tháng 5
vừa qua, FB Lâm
Ái có ghi lại đôi ba chi tiết (đau lòng) về những tháng ngày cuối cùng
và cái chết của ông:
Ở cái tuổi 80, ít ai tin rằng một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng
không nhà không cửa, lang thang xin ăn ở chợ, bến xe. Các anh công an đưa ông về
trại dưỡng lão thì phát hiện ra là nhạc sĩ Thanh Bình và đưa ông về ở với cháu
gái (con gái của chị ruột).
Vợ chồng cháu gái làm công nhân, làm thuê đời sống hết sức
khó khăn. Đầu năm nay ca sĩ Ánh Tuyết đã tổ chức đêm nhạc cho ông, chị cũng đã
làm được 2 sổ tiết kiệm. Nhưng vì ông đột ngột mất, con gái đang đi tù nên
không thể rút được tiền làm đám tang.
Ca sĩ Ánh Tuyết lại là người bên ông, lo cho đám tang của
ông. Điều đáng buồn, dù ca sĩ Ánh Tuyết có kêu gọi hỗ trợ nhưng dường như số tiền
vẫn không đủ để lo cho đám tang, đành xin quan tài lục giác của chùa để an nghỉ.
Đồng nghiệp (và đồng thời) với Thanh Bình, có những người
tuy không đến nỗi sa chân đến bước đường cùng nhưng lắm kẻ cũng rơi vào cảnh bẽ
bàng tương tự. Lúc rời bỏ “phần đất quê hương tù đầy,” Hoàng Anh Tuấn và Phạm
Đình Chương (tác giả của nhạc phẩm Mưa Sài Gòn
Mưa Hà Nội) cũng đều thiết tha mong chờ một ngày hồi hương với
… mây trắng vui tươi và tự do phơi phới. Giấc Mơ
Hồi Hương của Vũ Thành an vui không kém: Tắm nắng hồng của một sớm
mai/ Say hương thanh bình khắp nơi.
Nay thì làng quê ở miền Bắc Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác,
theo như ghi nhận của một nhân chứng thế giá – nhà văn Nguyễn Khải:
“Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối
xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng
vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc
phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có…”
Thị thành cũng thế, cũng đã đổi thay ngoài sức tưởng tượng của
bất cứ ai. Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường, dường như, không còn nữa. Bây giờ chỉ
toàn là những đường phố lạ:
- Đột
Nhập Động Mãi Dâm Trên Đường Phạm Văn Đồng
- Bắt
Kẻ Giao Hàng Trắng Dọc Đường Trường Chinh
- Trộm
Vàng Táo Tợn Trên Đường Xuân Thuỷ
- Phóng
Viên Truy Đuổi Đối Tượng Trộm Cắp Trên Đường Phạm Hùng
- Dàn
Cảnh Cướp Xe Trên Đường Hồ Chí Minh
- Xe
Buýt Lại Tông Người Trên Đường Lê Duẩn
- Xuất
Hiện Hố Tử Thần Trên Đường Trần Quốc Hoàn
Chả trách mà nhà thơ Cao Tần cảm thán: Với
danh thiếp những tên đường đã đổi/
Những số nhà chớp mắt bỗng tang thương.
Điều an ủi là Phạm Đình Chương, Vũ Thành, Hoàng Anh Tuấn
… đều đã qua đời trước khi “Bún
Mắng Cháo Chửi Đang Ngày Càng Phổ Biến Ở Hà Nội” – theo như (nguyên
văn) tiêu đề bản tin của báo Dân
Trí, số ra ngày 21/01/2016.
Tuy “phát triển” nhưng nước Việt – xem ra – mỗi lúc một
thêm khó sống với rất nhiều người. Hai mươi năm trước, sau khi biến
động xẩy ra vào tháng 2 năm 2001 tại Cao Nguyên Trung Phần, thanh niên
Y Bion cùng 905 người dân bản địa khác đã rời bản làng để ra nước ngoài lánh nạn.
Khi được hỏi về dự tính của mình cho tương lai, Y Bion cho
biết: “Khi vùng Tây Nguyên được tự do, tôi sẽ quay về.” (“Người Thượng Sẽ Đi Mỹ
Định Cư Nhưng Trở Về Khi Quê Hương Tự Do.” Nhật báo Người Việt – 02/05/2002).
Y Bion không phải là người Việt tị nạn đầu tiên (hay cuối
cùng) đến Mỹ. Anh cũng không phải là người duy nhất (vừa bước chân đi) đã ôm mộng
trở về xây dựng lại quê hương. Tâm sự của Y Bion, chắn chắn, đã làm nao lòng rất
nhiều người – những người vượt biên vào cuối thập niên 70 (và đầu thập niên 80)
khi phong trào vuợt biển tìm tự do lên đến điểm cao nhất, cũng đã cắn răng rời
bỏ quê hương, và cũng đều đã nhủ lòng rằng: “Mai
này chúng ta cùng về Việt Nam.”
Từ đó đến nay, hàng triệu người đã “cùng về Việt Nam” nhưng
phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, đều chỉ về qua (hay về chơi) chút xíu
thôi!
Kẻ ly hương mới nhất, B.S Hồ
Hải, cũng vừa phát biểu (qua livestream) vào hôm 19 tháng 5 năm 2021 rằng:
“Tôi sẽ về và đem đến những gì tốt đẹp đến với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn
của mình trước khi tôi trở về với cát bụi.”
Lời lẽ gan ruột của ông lại khiến tôi nhớ đến “Thư Về Làng”
của Thanh Bình và “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành. Hết thế hệ này đến thế hệ
khác, những kẻ đành đoạn quay lưng đều tự xoa dịu nỗi đau bằng những ước vọng rất
chân thành.
Với thời gian, mọi ước vọng đều trở nên những niềm hoài vọng
xa xăm trong khi cái mảnh đất quê hương khốn khổ (và bao người ở lại) thì
vẫn ngóng trông … mỏi cổ!
Tưởng Năng Tiến