ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH THEO THỜI GIAN
Sau đây là phần tổng hợp các điều chúng tôi đã bàn trong
các bài viết trước về nguồn gốc của tiểu thuyết Kim Vân Kiề̀u
Truyện để chuẩn bị cho các bài sau bàn rõ về Kim Vân Kiều Lục, áng
văn chương hàn lâm giải thích thơ truyện Kiều và so sánh nó với Kim
Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân, quyển tiểu thuyết thương mại tầm
thường phá hỏng giá trị Truyện Kiều.
Nguyễn Du dựa vào tích sử triều Minh, Vương
Thúy Kiều của Dư Hoài (dài khoảng 3, 4 trang giấy), Tình sữ Phùng
Mộng Long, và các hý kịch/ hát bộ nhà Thanh- như Thu Hổ Khâu, ông thêm
vào các nhân vật đệm sáng tác ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh/
Truyện Kiều. Xuất hiện sau Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều => Kim Vân
Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú … tuồng Kim Vân Kiều,
Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện
Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân(. Duy Minh Thị)
=> Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (.Tàu).) – (Xem phần ghi chú ở
cuối bài)Quá trình diễn tiến từ Truyện Kiều đến Kim Vân Kiều truyện
và các tác phẩm kế thừa trải qua khoảng hơn 100 năm, kể từ năm 1820, năm cụ
Nguyễn Du qua đời, đến năm 1925.
Theo đó Kim Vân Kiều Lục kế thừa Đoạn Trường Tân Thanh,
Thanh Tâm Tài Nhân Truyện kế thừa Kim Vân Kiều Lục, Kim Vân Kiều Truyện (.
Duy Minh Thị) VN kế thừa Thanh Tâm Tài Nhân Truyện và rồi Kim Vân Kiều
Truyện (.Tàu) kế thừa Kim Vân Kiều Truyện (.Duy Minh Thị) VN.
Sơ đồ biểu diễn sau đây cho dễ nhớ:
ĐTTT => KVKL=> TTTNT=> KVKT(.DMT)=> KVKT (.TÀU)
Bản văn Kim Vân Kiều Lục là đứa con song sinh của Nguyễn Du.
Đây là một bản văn của một người rất thân cận với Nguyễn Du, ông đã được chính
Nguyễn Du chia sẻ từng ý trong từng câu thơ lục bát truyện Kiều của mình, cho
nên mới viết được lời văn như thế. Hạo Như và Phạm Quý Thích là hai ứng viên
sáng giá. Theo nhà nghiên cứu Laiquangnam: Người đó không ai khác hơn là Hạo
Như Nguyễn Tứ, người con trai trưởng nam hay chữ mà ông đã quyết tâm đào tạo
thành người nối nghiệp dòng họ Tiên Điền. Hạo Như đã theo ông như hình với bóng
trong suốt 14 tháng trên đường đi sứ. Còn theo nhà nghiên cứu Lê Nghị thì
cũng có thể Lãng Đường Phạm Quý Thích viết ra, để giải nghĩa thêm
Truyện Kiều rồi dạy cho các học sinh của mình: Kim Vân Kiều Lục là
tập hợp những bài văn xuôi giảng thơ Kiều.
Nhưng dù là ai chăng nữa thì Kim Vân Kiều Lục là của Việt Nam, vẫn phải có
thời Minh Mạng, trước năm 1825. (Hạo Như Nguyễn Tứ mất trước 1820, vì khi cụ
Nguyễn Du chết thì Nguyễn Ngũ – người con trai khác – lo tang ma. Phạm Quý
Thích mất 1825)
.
.
Vai trò của Kim Vân Kiều Lục là giảng Truyện Kiều: Nội dung giảng tập trung vào
mục đích chính là làm rõ tình tiết và tâm lý nhân vật diễn đạt trong các câu
thơ Kiều; vì khi đọc câu thơ độc giả có thể thắc mắc một số việc; đồng thời
có lúc với một từ đa nghĩa, độc giả biết nên chọn nghĩa nào.
“Nhiều người chưa đọc Kim Vân Kiều Lục cứ ngỡ rằng nó là
cách gọi khác của Kim Vân Kiều Truyện. Hai cuốn này khác nhau. Kim Vân Kiều Lục
xuất hiện chính xác năm nào chưa rõ, (Theo nhà nghiên cứu Laiquangnam thì
khoảng năm 1815) nhưng chắc chắn nó được viết trước khi Mộng Liên Đường
Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880) viết Đào Hoa Mộng Ký, vì trong tác phẩm này Mộng
Liên Đường nói nhân vật Lan Nương và Huệ Nương mê truyện Đoạn Trường Tân Thanh
và Kim Vân Kiều Lục.
Còn Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử do Duy Minh Thị viết khoảng 1872,
nhưng không công bố. Lý do là ông copy thơ của Kim Vân Kiều Lục, lời thoại từ vở
tuồng Kim Vân Kiều của Ngụy Khắc Đản , cả tên Vương Tùng (tên kiếp sau của
Vương ông trong Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển) nâng lên
kiếp trước thành tên Vương Lưỡng Tùng trong Kim Vân Kiều Truyện. Mà Mông Liên
Đường thì sống quá dai. Mãi đến năm 1876 Duy Minh Thị mới cho xuất hiện
quyển Thanh Tâm Tài Tử này” – (Theo nhà nghiên cứu Lê Nghị)
.
Nước ta thời Pháp thuộc, người Hoa kiều Chợ Lớn vào nửa cuối thế kỷ thứ 19
đầy uy lực, họ ăn nên làm ra cho nên họ có nhu cầu đọc sách giải trí lớn hơn so
với người Việt nhiều lần. Đọc quyển Kim Vân Kiều Lục bằng văn ngôn mỏng quá
không đã, thế nên do đòi hỏi của thị trường chữ nghĩa, nhóm Duy Minh Thị, dưới
con mắt con buôn, họ đã hình thành sự thai nghén cho bản văn Kim Vân Kiều Truyện
(Chúng tôi gọi là Kim Vân Kiều Truyện .DMT) dày hơn. Nó phải được viết ở
dạng bạch thoại, loại diễn nghĩa chương hồi mô phỏng văn phong Tam Quốc Chí, chắc
chắn sẽ ăn khách hơn.
Duy Minh Thị lấy người này một câu thơ, tỉ như lấy câu thơ
của Phong Tuyết Thập Thanh Thị ở chỗ này, ở chổ kia lấy trọn một bài thơ, cũng
như lấy trọn một bài tứ tuyệt trong Kim Vân Kiều Lục- bài thơ tuyệt mệnh của Kiều
trước khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường vì ân hận; hay “copy” lấy thứ tự tình
tiết, hành vi của vở tuồng Kim Vân Kiều của Tiến sĩ Đình Nguyên Ngụy Khắc Đản
(1817–1873) (Sẽ nói rõ thêm ở các bài sau). Duy Minh Thị đã “copy trọn
gói” mô thức viết của Kim Vân Kiều Lục, khi quyển sách này triển khai từ thi phẩm
Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều sang văn ngôn. Duy Minh Thị từ lam bản
này (bản văn nguồn) viết dài thêm ra, bằng một thứ văn phong của người kinh
doanh chữ nghĩa, dạng bạch thoại chương hồi, ngôn ngữ luận viết theo kiểu Tam
Quốc Chí diễn nghĩa sao cho phù hợp với thị hiếu của đồng bào ông đang có nhu cầu
đọc sách giải trí và đang ăn nên làm ra so với đại đa số người Việt bản địa tại
vùng Saigon- Chợ Lớn. Duy Minh Thị đã biến Kim Vân Kiều Lục, quyển sách
văn chương hàn lâm giải thích truyện Kiều thành quyển tiểu thuyết
thương mại tầm thường, theo nhà nghiên cứu Laiquangnam: “Đã làm nhiểm
bẩn Truyện Kiều, phá hỏng giá trị Truyện Kiều”.
Ta thử xem vài đoạn Duy Minh Thị “chỉnh sửa” Kim Vân
Kiều Lục, để thỏa mãn người đọc, biến nó thành Kim Vân Kiều Truyện
(.DMT) A 953:
— Trong bài học mà Tú bà dạy cho nàng Kiều Nguyễn Du đã
viết
1209 Này con thuộc lấy nằm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẫn đời
Kim Vân Kiều Lục chỉ giải thích:
[…Kiều nói:
Thiếp là chút phận bèo tàn, nghìn tầng sóng đánh, vạn trận gió
xuôi. Chiếc thân như thế còn tiếc gì nữa?
– Cố nhiên là như thế̃ rồi, nhưng uốn theo được mọi tình trạng thì
mới gọi là tay cừ.
Mụ bèn dạy cho nàng trăm ban kỹ nghệ. Kiều cười, nói:
– Trời sinh thông minh một đời mà bài học vỡ lòng thật khéo, làm
gương cho đời há chẳng lớn sao?]- (Kim Vân Kiều Lục – Phạm Tú Châu
dịch)
Trong Kim Vân Kiều Truyện (.DMT) A 953, vì tính thương
mại, để thỏa mãn độc giả ông ta “tán” thêm (Do đó cũng có trong Kim
Vân Kiều Truyện . Thanh Tâm Tài Nhân (.Tàu), vì Hoàng Nhật Cầu dịch
sang Trung văn)
– VÀNH TRONG TÁM NGHỀ:
Tám nghề gồm:
1. Nếu khách làng chơi người nhỏ thấp thì dùng phép: Kích cổ thôi hoa
(đánh trống giục hoa)
2. Khách to lớn thì dùng: Kim liên song tỏa (sen vàng khóa chặt hai vế)
3. Khách có tính vội vàng hấp tấp thì dùng: Đại triển kỳ cô (mở cờ
tung trống)
4. Khách có tính nhẫn nha chậm chạp dùng: Màn đã khinh xao (chậm đánh khẽ
rung)
5. Nếu khách không nại chiến dùng: Khẩn soan tam trật (ôm chặt ba chân)
6. Nếu khách ham chiến dùng: Tả chị hữu trì (tạy mặt ôm, tay trái giữ)
7. Khách say tình dùng: Tả tâm truy hồn (khóa lấy tâm, theo dõi thần hồn)
8. Khách tham sắc thì dùng: Nhiếp thần siểm tỏa (thu hết tinh thần làm ra vẻ
rún rẩy)
– VÀNH NGOÀI BẢY CHỮ bao gồm các kỷ năng lôi kéo khách làng
chơi. Bảy phương pháp đặc biệt để áp dụng hàng ngày là 7 chữ: Khóc,
Tiễn, Thích, Thiêu, Giá, Tẩu, Tử.
Rồi Kim Vân Kiều Truyện giải thích rõ từng chi tiết bảy chữ này
.
(Hình các trang sách giải thích 7 chữ 8 nghề
của A 953 – Tú Nam Nguyễn Đình Diệm dịch).
Độc giả thấy trong A 953 Duy Minh Thị kéo dài ra, thêm
nhiều chi tiết tình dục, theo phong cách Kim Bình Mai- truyện “dâm thư”
Trung Quốc vào Kim Vân Kiều Lục. Vì thế nên Truyện Kiều bị hiểu lầm,
mới có câu:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều
— Về Kiều báo ân báo oán
– Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Thúy Kiều tha tội hoàn toàn
cho Hoạn Thư, còn trong Kim Vân Kiều Truyện, Kiều tha tội chết nhưng ra lệnh
đánh Hoạn Thư một cách dã man.
– Trong Đoạn Trường Tân Thanh Nguyễn Du chỉ tả cảnh xử tội Tú Bà, Mã Giám Sinh,
Sở Khanh, Bạc Hãnh, Bạc Bà, và Ưng, Khuyển một cách vắn tắt, chứ không chi tiết
và tàn nhẫn như trong Kim Vân Kiều Truyện
Hãy đọc đoạn báo ân báo oán gớm ghê mà Duy Minh Thị đã
thêm vào Kim Vân Kiều Truyện (.DMT) A 953, nó không có trong nguyên tác
Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều Lục mà chúng tôi đã nói
trong các bài trước:
[… Phu nhân nói: Bạc bà đẩy người xuống giếng, Bạc Hạnh
bán người lương thiện vào nhà xướng ca. Nay theo đúng lời thề trước của Bạc Hạnh,
lấy dao vằm nát thân thể, rồi cho ngựa ăn, còn Bạc bà thì đem chặt đầu bêu lên
cây. Đao phủ nghe lệnh dạ ran một tiếng, tức thì lôi Bạc bà ra chặt đầu, còn Bạc
Hạnh thì dùng chiếu cỏ bó như bó củi, ngoài quấn dây thừng thật chặt, rồi hai
người giữ, một người cầm dao, chặt từ chân lên đầu thành hơn trăm đoạn. Ghê
thay một con người mới đó mà trong giây lát biến thành một đống thịt như bùn,
người coi ai cũng hoảng hồn chết ngất. Bọn đao phủ vào bẩm đã thi hành xong,
phu nhân truyền đem đống thịt trộn lẫn với cỏ để cho ngựa ăn
…
Bèn lệnh cho quân sĩ, lôi mụ Tú ra, lấy dầu bách tưới đẫm vào người, rồi dựng
ngược cho đầu xuống đất, chân chổng lên trời, như ngọn đèn trời để làm tròn lời
thề ngày trước. Còn tên Mã Bất Tiến thì kẹp chân tay vào mảnh gỗ cho thẳng căng
ra, rồi rạch da và moi gân khiến cho tứ chi rời rạc, để ứng lời thề của nó. Lại
nấu một nồi tùng hương trộn lẫn với vỏ cây gai, đun thật sôi và lấy chum nước lớn
để bên, đem Sở Khanh ra, lột hết áo xiêm, một người thì múc dầu tùng hương đun
sôi tưới vào mình hắn, một người thì lấy nước lạnh dội theo.Quân sĩ
được lệnh lôi ba phạm nhân ra ngoài. Trong chốc lát, mụ Tú đã cuốn thành một
cây sáp lớn, phía dưới chỉ lộ cái đầu. Mã Bất Tiến thì bị căng xác. Sở Khanh
hóa thành một thỏi sắt nguội.
Đoạn rồi phu nhân hô to: “Đốt sáp”, quân sĩ đứng lên cao châm lửa vào chân mụ
Tú. Mụ mới bị châm một mồi lửa đã kêu đau ầm ĩ. Phu nhân mắng rằng: Mi cũng biết
đau ư? Cớ sao ngày trước mi nỡ lòng hủy hoại da thịt người khác? Mụ Tú chết ngất,
không trả lời được nữa.
Kế đến Phu nhân hạ lệnh rút gân, xẻ thịt Mã Bất Tiến, lại lệnh cho quân sĩ lột
da Sở Khanh.
Nghe lệnh, quân sĩ tìm chỗ chùm gân, lấy mũi dao nhọn khoét da, rồi dùng lưỡi
câu móc vào đầu gân, dùng sức lôi mạnh một cái. Mã Bất Tiến lập tức chết tươi.
Quân sĩ rút thêm ba bốn cái gân nữa làm cho thi thể Bất Tiến rời ra từng mảnh.
Phu nhân bèn sai quẳng xác ra biển cho cá ăn để đền tội bạc tình…] -[Trích
từ Kim Vân Kiều Truyện, Thanh Tâm Tài Nhân hồi thứ 18:“Gươm Thúy Kiều giết
quân vô nghĩa: Vàng Từ Hải tặng người có ơn”]
Khiếp chưa cái ác. Sao giống như cảnh tàn ác vô nhân
của Võ Tòng khi xử tội Phan Kim Liên; chém giết gia nhân, gia quyến Trương
Ðô giám trong Thủy Hử?
Đọc Truyện Kìều rồi Kim Vân Kiều Lục, chúng ta
đồng tình với Thúy Kiều khi nàng tha bổng Hoạn Thư, nên không phê phán nàng nặng
nề khi nàng trả thù những nhân vật khác. Trái lại, khi đọc Kim Vân Kiều Truyện
(.DMT) A 953, người đọc phải chau mày và chán ghét Thúy Kiều trước cách trừng
trị dã man, tàn bạo, thiếu nhân tính khi nàng áp dụng đối với kẻ thù.
Chính những điều nêu trên, nhà nghiên cứu Laiquangnam
mới kết tội Kim Vân Kiều Truyện (.DMT) A 953 “đã làm nhiểm bẩn Truyện
Kiều, phá hỏng giá trị Truyện Kiều”.
(Truyện Kiều có độ dài: 22.778 chữ. Kim Vân Kiều Lục khoảng:
15.000 chữ. Kim Vân Kiều Truyện khoảng 100.000 chữ. Kim Vân Kiều Truyện là một
tiểu thuyết văn xuôi, chứ không phải một cuốn giảng thơ)
Duy Minh Thị là ai? Mời các bạn đọc những lời dưới
đây của nhà nghiên cứu Laiquangnam đăng trên Facebook, nhóm Tình Tự Dân
Tộc [1]
.
.
NHÓM DUY MINH THỊ
Nhân thân và hành tung của Duy Minh Thị
Do Duy Minh Thị không được sử sách thời Nguyễn nhắc tới tên
cho nên hiếm người biết hành tung và tầm vóc của ông. Mãi đến cuối thể kỷ thứ
20, tại Pháp có Lê Sơn Thanh (tức Alexandre Lê), một học trò cũ của cụ Hoàng
Xuân Hãn, là người đang làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Paris và
cũng là người Việt duy nhất chuyên sâu về nghiên cứu công trình của nhóm Duy
Minh Thị. Chính Lê Sơn Thanh đã gởi cho chúng tôi (lời gs Nguyễn Tài Cẩn) bản
văn phocopy chụp từ bản gốc Kiều Nôm 1872 tại thư viện của cụ Hoàng Xuân Hãn.
Phải thông qua giáo sư Nguyễn Tài Cẩn vào sau năm 2010 , chúng tôi
(Laiquangnam) lần ra manh mối Duy Minh Thi;̣ cho dù trước đó gần 10 năm chúng
tôi đã rất quan tâm về hiện tương Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân kỳ lạ ở
đất nước VN chúng ta.
.
Tầm kích nhóm Duy Minh Thị
Nhóm Duy Minh Thị gồm có 10 người. Đa số đều tự xưng bằng
biệt hiệu rất có ý nghĩa: Duy Minh là “riêng sáng suốt”, Minh Đức là làm cho “tỏ
cái đức”, Minh Chương là làm cho “sáng tỏ khuôn phép lễ chế”.
Thói quen của họ là ghi thêm chữ “thị” hay chữ “hiệu“ vào sau cùng . Hăng hái
nhất là ba người này: Duy Minh Thị, Minh Chương Thị và Phước Trai tiên sinh.
Họ đã thuê ở Quảng Đông 10 cơ sở khắc ván in sách (tức khoảng 10 nhà xuất bản)
đó là: Kim Ngọc Lâu, Cận Vân Đường, Bửu Hoa Các, Thiên Bửu Lâu, Văn Ngươn Đường
(Ngươn là Nguyên).
Trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ thứ 19 (1870-1899) họ đã công bố được hơn 50 bộ
sách. Nhóm này chúng tôi (Nguyễn Tài Cẩn) đặt tên là nhóm DUY MINH THỊ.
Trong nhóm, Duy Minh Thị là người tiêu biểu nhất. Từ năm 1872 đến 1883 ông đều
in sách hàng năm. Riêng năm 1874 ông in đến 6 cuốn. Ông thuê đến 6 nhà xuất bản
và sơ bộ đã in tính ra được 19 cuốn sách đã được công bố.
.
Duy Minh Thị
Duy Minh Thị tên thật là Trần Quang Quang( ?-?) sống thời
vua Tự Đức (1848-1883), , nhưng tên nổi tiếng của ông là “ Nam Việt Gia Định
thành cư sĩ Duy Minh Thị“ – cụm từ này ông thường ghi cuối sách. Bản Kiều Nôm
1872 cũng có cụm từ này. Duy Minh Thị là người Tàu Minh Hương, sinh quán
Vĩnh Long, miền Nam VN; trú quán tại xóm An Bình Chợ Lớn thời Pháp thuộc.
Duy Minh Thị là người biên tập lại bản Đại Nam Thực Lục Chính Biên dưới thời
vua Tự Đức sau đó đem thuê khắc tại Phật Sơn Trấn, tỉnh Quảng Đông năm 1873 .
Ông là người đã in nguyên dạng các chữ húy chính của vua Gia Long mà không hề
né tránh, không sợ kỵ húy.
Năm 1872, xem như Pháp đã chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh, và từ đó Nam kỳ luc tỉnh
được xem như là vùng đất hải ngoại của người Pháp. Dân Nam kỳ chịu một thể chế
riêng từ chính quốc. Do không phải làm quan dưới triều vua Tự Đức, và cũng có
thể vua Tự Đức thật sự cầu cạnh; Duy Minh Thị xem mình là một người Tàu vốn được
nhiều ưu đãi, nên chả việc gì phải sợ vua quan “An nam”. Với công vụ mà vua Tự
Đức nhờ cậy, biên tập lại tập sách lịch sử của triều đại nhà Nguyễn, nên Duy
Minh Thị có toàn quyền xem tất cả sách vở của các nhân vật trong triều đương đại,
từ nhân thân đến sách vở do họ sáng tác khi Duy Minh Thị có nhu cầu làm sách
công vụ . Chính vì điều kiện thuận lợi này ông đã có cơ hội tiếp cận với nhiều
nguồn sách mà không một người Việt Nam nào khác có thể.
Duy Minh Thị trong quá trình viết bản văn Kim Vân Kiều Truyện, ông đã tiếp cận
Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều của Nguyễn Du, đã tiếp cận bản văn Kim Vân Kiều
Lục. Ông ta cũng đã tiếp cận các bản văn từ hai người có liên quan đến sự ra đời
Đoạn Trường Tân Thanh và rồi từ truyện thơ này các ông viết ra các truyện
Hậu Đoạn Trường Tân Thanh, Hậu Kim Vân Kiều Lục: Đó là các ông Mộng Liên Đường
Nguyễn Đăng Tuyển và Phong Tuyết Thập Thanh Thị.
(Cả hai ông Petrus Trương Vĩnh Ký và Abel des Michels đều đã được Duy Minh
Thị đưa cho bản Kim Vân Kiều tân truyện thơ, bản Nôm do chính ông ta sửa lại
thơ của Nguyễn Du và cho lưu hành).
Duy Minh Thị đã biên tập, bổ sung, sửa chữa- mà ông tự gọi là “trùng
san” thơ Nôm Truyên Kiều của Nguyễn Du năm 1872.
Hãy xem 2 câu đầu tiên của truyện Kiều trong bản “trùng san”:
1 Trăm năm trong cõi người ta,
2 Chữ tài chữ sắc khéo là cợt nhau
𤾓𢆥𥪝𡎝𠊛些
𡦂才𡦂色窖僥
(Truyện Kiều -bản Duy Minh Thị 1872)
Trong khi các bản khác xưa hơn
1 Trăm năm trong cõi người ta,
2 Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
𤾓𢆥𥪞揆𠊛些
𡦂才𡦂命窖恄饒
(Truyện Kiều – bản Tự Đức 1870, Liễu Văn Ðường 1871)
Độc giả nghĩ sao?
Ông Trương Minh Ký (không phải Petrus Trương Vĩnh Ký) là
người hổ trợ và phát tán văn bản Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử của
Duy Minh Thị nói trên. Abel des Michels, một người Pháp chuyên gia về Đông
Phương Ngữ qua Nam kỳ theo lời mời của Phủ Thống soái Nam kỳ, để theo dõi việc
Petrus Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) chuyển Kim Vân Kiều từ chữ Nôm sang chữ Quốc
ngữ. Ông Trương Minh Ký {Trương Minh Ký (1855-1900); là nhà báo, nhà văn, nhà
soạn tuồng Việt Nam; nguyên tên là Trương Minh Ngôn, học với thầy Trương Vĩnh
Ký, vì kính phục và muốn noi gương thầy nên đã lấy chữ Ký thay chữ Ngôn, đổi
tên thành Trương Minh Ký} đã trao cho Abel des Michels bản Thanh Tâm Tài Tử
Duy Minh Thị này, từ tay nho sĩ Phước Bình Lê năm 1884. Ông Abel des
Michels luôn nghĩ rằng “chắc Nguyễn Du cũng dùng một truyện Tàu“ để viết ngược
thành truyện thơ Kiều như kiểu Hoa Tiên, khi nhận ông chắc đây là quyển
sách mình luôn nghĩ đến.
(Hình trang sách Abel des Michels)
.
Thật ra sách Kim Vân Kiều Lục Thanh Tâm Tài Tử này đã được in năm 1876
.
Bản 1884 ông Abel nhận này được lưu trữ ở Thư Viện
quốc gia Hà Nội (chụp microfilm, ghi Thanh Tâm Tài Tử. Viện Viễn Đông Bác cổ
chụp từ Paris Pháp, thời Pháp thuộc) như đã nói trong các bài trước.
.
Hình bản Thanh Tâm Tài Tử 1884 lưu tại Paris
.
Ta cũng nên chú ý là nho sĩ tên Phước Bình Lê sao
tương tự với tên Phước Trai tiên sinh trong nhóm Duy Minh Thị quá (?)
………
Chính bản văn Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử (Sau được dịch
sửa tên lại là KVKT Thanh Tâm Tài Nhân A 953) của Duy Minh Thị mà giáo
sư Dương Quảng Hàm đã phát biểu tiêu cực trong giáo trình Việt Nam Văn Học Sử
Yếu (ghi ở phần dưới) và “ai đó” lợi dụng – hoặc tiếp tay hạ bệ đại
thi hào VN, kết án Nguyễn Du “đạo văn”, dịch truyện KVKT Thanh Tâm Tài
Nhân Tàu ra truyện thơ Nôm: Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều.
.
VỤ ÁN TRUYỆN KIỀU
Các bài trên chúng tôi đã bàn rõ về vụ án nầy
rồi, nay lập lại sơ lược để đẫn đến các bài sau: Bàn về Kim Vân
Kiều Lục, so sánh với Kim Vân Kiều Truyện.
Hầu như 99, 99% người Việt từ các học sinh cho đến các tiến sĩ văn chương đều
tin vào tín điều tiêu cực mà giáo sư Dương Quảng Hàm phát biểu trong giáo trình
Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Chính câu tiêu cực, mà Dương Quảng Hàm đúc kết, hiện
nay cũng vẫn còn đang là “câu bùa chú” khởi đầu cho phần nhập đề bất cứ bài luận
văn nào của học sinh, sinh viên, giáo viên và kể cả giáo sư tiến sĩ. Đó là đoạn
văn này- trong quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu:
.
.
“Lâu nay, ở nước ta, vẫn có một bản truyện Kiều chữ Hán
chép tay (4) nhan đề là Kim Vân Kiều truyện mà các học giả vẫn cho là một cuốn
tiểu thuyết Tàu do đấy Nguyễn Du đã soạn ra cuốn truyện nôm.
Khi ta so sánh nguyên văn quyển Kim Vân Kiều truyện này với nguyên văn truyện
Kiều của Nguyễn Du thì ta thấy rằng đại cương tình tiết hai quyển giống nhau:
các việc chính, các vai nói đến trong truyện Kiều đều có cả trong cuốn tiểu
thuyết Tàu.
Sự so sánh ấy lại tỏ rõ rằng Nguyễn Du không phải chỉ dịch văn xuôi của Tàu
ra văn vần của ta mà thôi. Tác phẩm của ông thật có phần sáng tạo đặc sắc: ông
sắp đặt nhiều việc một cách khác để cho hợp lý hơn hoặc để tránh sự trùng điệp;
ông thay đổi nhiều điều tiểu tiết để tả cảnh ngộ hoặc tình hình các vai trong
truyện một cách rõ rệt hơn; ông lại bỏ đi nhiều chỗ thô tục (như đoạn kể rõ
“vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”) và nhiều đoạn rườm, thừa, không bổ
ích cho sự kết cấu câu chuyện.
Vậy nguồn gốc truyện Kiều của Nguyễn Du là quyển tiểu thuyết Tàu nhan là Kim
Vân Kiều truyện (….) do một tác giả hiệu là Thanh tâm tài nhân (….) soạn ra về
cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ XVII và do một nhà phê bình có tiếng là Kim
Thánh Thán bình luận. “- (Việt Nam Văn Học Sử Yếu- Dương Quảng Hàm)
………
Chú giải của Dương Quảng Hàm:
(4) Ở PQVĐHV. Thv., hiện có một bản truyện Kiều chữ Hán chép tay ấy (A 953) ,
Sách gồm có 4 quyển và chia làm 20 hồi. Đầu quyển thứ nhất (tờ 5a). Đầu quyển
sau, cũng đề y như thế, chỉ khác số quyển đổi đi – Bản Kiều chữ Hán này ông
Hùng sơn Nguyễn Duy Ngung đã dịch ra quốc văn nhan đề là Kim Vân Kiều tiểu
thuyết Tân dân thư quán x. b. Hà nội, 1928 .
Độc giả có chú ý sách “chép tay A 953” trong chú
giải của GS Dương Quảng Hàm không? Có giống với sách Abel des Michels
nhận không? Ông Dương đã “vội vàng” cho là sách Tàu. Than ôi! (NL)
Câu dài dòng trên đã được vi-wikipedia đúc kết gọn là:
“Kim Vân Kiều (tiếng Trung: 金雲翹; bính âm: Jin Yún Qiăo) là một
tác phẩm tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả đời nhà Minh,
Trung Quốc biên soạn vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Nguyễn Du nhân đọc
quyển tiểu thuyết này đã cảm hứng viết Truyện Kiều – một tác phẩm được xem là
áng văn chương bất hủ của Văn học Việt Nam.”
.
Các sự kiện cần chú ý:
– Nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho biết ngay cả một số học
giả Trung Quốc cũng xác nhận: từ trước những năm 1980, tất cả các bộ sách, giáo
trình về lịch sử Trung Quốc, bao gồm cả Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn
đều không đề cập đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Lỗ Tấn trong
vòng 5 năm lục tung cả Trung Hoa mà không tìm thấy Kim Vân Kiều Truyện, hay
Tứ Khố Toàn Thư của ba vua Thanh danh giá là Khang Hy- Ung Chính- Càng Long đều
không hề ghi lấy một chữ; nhân thân của Thanh Tâm Tài Nhân thì không xác
định được: Khi thì Từ Vị, khi thì Kim Thánh Thán… Năm 1981, một học
giả người Mỹ tên Charles Benoit, tên Việt: Lê Vân Nam, với tinh thần nghiêm
túc, tính tự trọng, liêm sĩ của người cầm bút khi viết luận văn tiến sĩ, đã
phủ nhận.
Lâm Thanh Sơn khẳng định là Trung Quốc không có tác giả Thanh Tâm Tài Nhân nào
cả.
– Năm 1923 truyện Kiều nổi tiếng nhiều nơi trên thế giới.
Năm này Nguyễn Văn Vĩnh và Famechon soạn kịch bản điện ảnh Việt- Pháp từ thơ
Nguyễn Du, làm phim Kim Vân Kiều công chiếu tại Hà Nội và Pháp 1924.
– Năm 1925, Nguyễn Duy Ngung , không rõ lý lịch biên dịch
cuốn Kim Vân Kiều Truyện, bản A 953 nói trên, tự động đổi tên Thanh Tâm Tài Tử
thành Thanh Tâm Tài Nhân. Đồng thời ông ghi thêm lời bình của Kim Thánh
Thán và đưa 20 bài thơ vịnh Kiều của Chu Mạnh Trình lên đầu 20 hồi như đã
nói ở phần 1. Khi sách truyện tái bản, có Nguyễn Đỗ Mục người dịch lời
bình gọi là của Kim Thánh Thán ngoại thư .
– Năm 1958, Giáo sư Hoàng Dật Cầu ở Học viện Sư phạm Hoa Nam
tại Quảng Châu, trong vai một giáo sư Trung văn sang trợ giúp cho Hà Nội, đã
bỏ nhiều công sức để dịch truyện Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Nhân Việt Nam -A
953 sang Trung văn hiện đại. Sách được đưa vào Tùng thư Văn học Á – Phi và do
Nhà xuất bản Nhân dân văn học xuất bản tháng 8 năm 1959.[GS Nguyễn Huệ Chi]
– Năm 1981 ông Lý Chí Trung – China- công bố cuốn Kim Vân Kiều ghi tên Thanh
Tâm Tài Nhân, dài khoảng 208 trang, 20 hồi, cho là viết từ đời Khang Hi
(Khang Hi năm thứ nhất là 1667), văn phong hiện đại, kiểu chữ “giản thể” đã
được phát hiện tại thư viện đại học Đại Liên.
Tuy nhiên, khi so sánh bản Đại Liên với cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh
Tâm Tài Tử ở Việt Nam (bản A953), nhà nghiên cứu Lâm Thanh Sơn cho rằng nó giống
nhau khoảng 99%.
Khi bản Đại Liên được công bố, Đổng Văn Thành bắt đầu tấn công hạ bệ
Nguyễn Du như chúng tôi đã viết ở các bài trên.
Xin được nhắc lại vài lời của ông Đổng Văn Thành đã nói trong các bài
trước:
“Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề tài của tiểu thuyết
Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […] Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo
mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài
Nhân…” [ Theo Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt
Nam”] [2]
“Nguyễn Du còn thêm chân cho rắn khiến chúng mâu thuẫn với hoàn cảnh và tình
tiết trong toàn bộ nguyên tác”[Nguyễn Huệ Chi -Trở lại câu chuyện so sánh
Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành]
– Theo Laiquangnam: Bản văn lam bản (bản nguồn) viết tay của
ông Duy Minh Thị chúng tôi gọi là Kim Vân Kiều Truyện(.DMT), đó là bản văn mà
Tố Nam Nguyễn Đình Diệm mang dịch và in ra tại Nam Việt Nam vào năm 1971. Từ bản
văn này, Lý Trí Trung và Đổng Văn Thành ” tút” lại và tung ra bản văn gọi là bản
văn đại học Đại Liên. Nay Đổng Văn Thành gọi bản văn này là bản phồn, tức là bản
văn đầy đủ. Bản phồn là bản văn Đại Liên họ tự bịa. Bản văn Việt nam mang mã số
A 953 xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới với thứ văn phong bạch thoại Nam bộ
, vùng ngã tư quốc tế vào thời Pháp thuôc (1850-1900 ) họ gọi la bản trung
(Laiquangnam)
Những thắc mắc của tôi:
— Vì lý do gì mà từ lâu Văn học sử Trung Hoa không hề nhắc đến
Kim Vân Kiều Truyện? Nó đã bị thất truyền? Tại sao nó bị thất truyền?
Trước năm 1925, trong Văn học sử Trung quốc không có tên Thanh Tâm Tài Nhân
và Kim Vân Kiều Truyện. Năm 1925 Nguyễn Duy Ngung ở Việt Nam in cuốn Kim Vân
Kiều Truyện bằng chữ quốc ngữ, ông dịch từ A 953 thì đúng một năm sau,
1926 China ghi Thanh Tâm Tài Nhân và Kim Vân Kiều Truyện vào sách Văn học sử,
không chú thích nguồn gốc tác giả.
— Khi năm 1958, Hoàng Dật Cầu sang Hà Nội dịch truyện Kim
Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Nhân Việt Nam – A 953 sang Trung văn đem về China,
đến năm 1981 Lý Chí Trung nói là phát hiện truyện Kim Vân Kiều Truyện Thanh
Tâm Tài Nhân ở thư viện Đại Liên rồi in nó ra, lập tức nó ồn ào nổi
tiếng còn hơn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng (ra đời vào khoảng giữa thế kỉ
XVIII, đời nhà Thanh, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết). Nếu thật sự China
có viết cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện này, và nổi tiếng như
thế thì sao không người China nào giữ, để Lỗ Tấn trong vòng 5 năm lục
tung cả Trung Hoa mà không tìm thấy? Cả Tứ Khố Toàn Thư của ba vua Thanh
danh giá là Khang Hy- Ung Chính- Càng Long đều không hề ghi lấy một chữ?
Đây chính là lời của Đổng Văn Thành nói: “Ngoảnh
đầu nhìn tiểu thuyết Truyện Kim Vân Kiều của Trung Quốc, số phận của nó cũng
như số phận Vương Thúy Kiều – nhân vật chính trong truyện, bấy lâu nay đã bị đối
xử rất không công bằng. Trước hết, cuốn sách của tác già Thanh Tâm Tài Nhân bị
vùi lấp hàng mấy thế kỷ trong văn học sử Trung Quốc; từ cuối đời Thanh cho tới
những năm 50 của thế kỷ XX, cuốn tiểu thuyết ấy hầu như được ít người biết đến. Trong
tất cả các sách về lịch sử tiểu thuyết, lịch sừ văn học, kể từ cuốn Sơ lược lịch
sử tiếu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn đến nay, đều không có đến nửa chữ giới thiệu
về nó (…) -(So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam -Đổng
Văn Thành, Phạm Tú Châu dịch)[3]
— Cuốn tiểu thuyết văn xuôi Kim Vân Kiều Truyện, nếu có
thật, đã thất truyền, đã “mất tăm” như Đổng Văn Thành đã nói vậy sao
mà vài ông tiến sĩ, Gs Việt xác quyết rằng Nguyễn Du đã mua nó khi
đi sứ Thanh rồi đem về Việt Nam “dịch” ra văn vần, thơ Nôm Truyện Kiều?
Tôi nghi là các ông này ngồi uống rượu “bồ đào” trong Salong rồi tán
gẫu hay mơ mộng chơi.
— Lại nữa, nếu Thanh Tâm Tài Nhân có thật sao không
người China nào xác minh được nhân thân của ông như đã nói trên? Hay
tại vì hồn ma của ông ta bay qua sống ở xóm An Bình Chợ Lớn, Việt Nam thời
Pháp thuộc?
….
Qua trên là những điều tóm lược các bài viết trước,
giờ mời độc giả lần lượt đọc các bài viết về Kim Vân Kiều Lục của
nhà nghiên cứu Lê Nghị,
Nhà nghiên cứu Lê Nghị đã có phát biểu bài tham luận “Nguồn gốc Truyện Kiều”
tại Hội thảo Minh họa Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt, do Trung tâm Văn hóa
Pháp tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2020. [3] và đã công bố bản văn, dạng
pdf: Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện trên
trang Chim Việt Cành Nam . [4]
.
(Bài tiếp: Phụ lục 1, Tầm Ảnh Hưởng Của Kim Vân Kiều Lục)
.
Nguyên Lạc
……………..
Ghi chú
– Bài viết Vương Thúy Kiều – Trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí của Trương Trào
(1650-1707), của Dư Hoài (1616-1696)
– Phong Tình Lục (Tình Sử) của Phùng Mộng Long: Bộ tập hợp gồm 804 câu chuyện
tình trong cổ thư Trung Hoa; từ Tây Thi đến Chiêu Quân, đến Tiểu Thanh, đến
Vương Thủy Kiều, Trác văn Quân Thôi Oanh Oanh … đều có đủ. Sách rất phố thông
như Liêu Trai Chi Dị .
– Kịch hài = hý kịch (tuồng hát bộ Tàu) như Thu Hổ Khâu của Vương Long trước
tác 1676, và Hổ phách trủy (Thi). Nguyễn Du được xem khi đi sứ sang Thanh.
Nguyễn Du đã xử dụng những văn bản nguồn trên, thêm
thắt chi tiết, các nhân vật phụ như Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Thúy
Vân, Vương Quan … để hư cấu, sáng tạo ra Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện
Kiều.
Nguồn:
[1] Trang Facebook “Tình Tự Dân Tộc”, tác giả Lai Quang Nam.
[2] So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam -Đổng
Văn Thành, Phạm Tú Châu dịch)
[3] 200 năm, hậu thế nhớ Tố Như – Kỳ cuối: Thử ‘giải mã’ lại
Truyện Kiều- Lê Nghị
[4] Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện
Xem thêm: