Thân tui giờ già, viễn xứ; nhưng làm sao quên được thời trẻ
trâu cho được chớ? Nhớ xưa, cứ vào tháng Tám tới tháng Chín âm lịch, là dân miền
Tây sinh sống dọc hai bên con sông Tiền, sông Hậu, hoặc vùng Tứ giác Long
Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, lại lục tục khăn gói bỏ nhà ra đi khi lũ lớn tràn về.
Lũ về, xóm làng, Tía má nhộn nhạo lên! Riêng đám con nít ‘ke’ vừa dứt mùa hè mới
tựu trường được vài hôm, lại được nghỉ học nữa (Khoái quá xá!). Cả nhà cụ bị
tom góp đồ đạc chất xuống chiếc ghe tam bản, chèo riết đến rẻo đất cao, đất gò
hay ra chợ xã che chòi ở tạm một hai tháng để chờ cho nước giựt!
***
Đêm quê người, tha thiết nhớ một dòng sông chìm dưới cơn mưa
mùa năm cũ! Nước từ trên Trời rơi xuống và nước từ dưới đất dâng lên! Nhưng mùa
nước lũ năm rồi không về; hậu quả khốc liệt là mùa hạn năm nay nước mặn tràn vô
vùng quê cũ. Lúa chết, cây trái lá úa vàng, bông bụp, bông nở đều rụng hết ráo,
nước ngọt không có để mà uống; nói chi đến tắm giặt.
Ôi nhớ xưa! Nơi mà con sông, đồng lúa, rẫy khoai chỉ một
đêm, sáng ra thành biển nước khi lũ tràn về. Không còn nhận ra đâu là bờ mẫu,
ao cá! Hàng cau trước nhà chỉ còn nhìn thấy mấy ngọn tàu lá dật dờ sóng nước.
Lũ vậy mà bà con mình mừng! Vì ruộng phủ phù sa, kênh rạch thì đầy tôm cá!
Thưa mùa lũ đồng bằng sông Cửu Long dính liền với cá linh.
Cá linh lại dính liền tới chuyện tình tui kể người nghe. Chuyện nọ nó xọ chuyện
kia thành một đám rối nùi trong trí tưởng.
Mùa Thu quê người, đêm nay, bên ly vang đỏ, tui tẩn mẩn gỡ
ra từng cọng nhớ, cọng thương một để bùi ngùi thương cảm một vùng quê, tui đã nỡ
lòng nào bỏ nó đi cho đành đoạn nè Trời!
***
Nhớ mùa lũ năm 1978, nước chụp xuống tràn đồng, tui lon ton
theo một đứa bạn giang hồ sông nước về quê nó mùa nước nổi tận miệt Thơm Rơm,
Thốt Nốt, Cần Thơ để ăn chực bậy mấy bữa cơm! Miền Nam mình sau 75, đang chìm
trong cơn giông bão rách áo đói cơm nhưng ở cái xứ nghèo thôi hết biết vẫn đãi
nhau bằng tấm lòng nhân hậu. Có cá ăn cá; có mắm ăn mắm!
Thằng bạn có đứa em gái thiệt là hoa đồng cỏ nội nhe bà con.
Con gái ruộng vườn rẫy bái làm sao se sua son phấn đẹp như con gái ở thành? Có
điệu hết biết gì chăng nữa chỉ là mái tóc dài chấm lưng thon, xức dầu dừa mướt
rượt và dùng cái kẹp lá giữ cho mấy lọn tóc trước cái trán hơi dồ, khỏi lòa xòa
che khuất hai con mắt ươm màu khói đốt đồng!
Tui chơi ác nhìn sâu vào đôi mắt đó để em quýnh cẳng chơi!
Ôi đôi mắt có bao điều muốn nói, mà em hổng dám nói huỵch toẹt ra, chỉ vòng vo,
để ai muốn hiểu sao thì hiểu vì mắc cỡ quá hè!
“Tình cờ anh Hai về quê em chơi dăm ba bữa, nửa tháng, để
em trổ tài đãi anh Hai vài món quê Thơm Rơm! Hổng phải cao lương mỹ vị gì đâu
nhưng ăn đặng cơm lắm đó; để sau nầy anh Hai rời cái vùng quê buồn như tối đỏ
đèn nầy mà nhớ em nhe!”
Tui cười he he đáp lại:
“Làm liền! Cái gì ăn là tui khoái Cô Út hè!”
(Tổ cha cái thằng dê 'đại lộ'! Thay vị nói 'khoái hè Cô
Út' thì 'giả' đổi thứ tự chỉ một chữ , thành 'khoái cô Út hè'. Ai nói dê hổng cần
nghệ thuật đâu nè?)
Món em Út Thơm Rơm đãi anh Hai, tức là tui năm ấy, là món
canh chua cá linh, con cá quê nghèo nhưng với lời em Út Thơm Rơm thỏ thẻ nó ngọt
như đường cát mà mát như đường phèn!
Tía em đi giăng lưới, dựng đăng, đặt đáy bắt được cá rô, cá
mè vinh nè nhưng cá linh ôi nhiều vô số kể, tươi chong, nhảy soi sói cho một rổ.
Đầu mùa lũ, cá linh con ngon bá cháy; bởi cá chưa lớn quá, nên xương chưa cứng,
bụng cá lại có mỡ nên ăn rất béo. Cá càng non thì thịt càng ngọt, xương càng mềm
ăn nguyên con, không sợ mắc cổ.
Em ra sàn nước cầm kéo cắt ngang rún cá một đoạn nhỏ rồi móc
hết ruột bên trong ra. Cắt đuôi, không cần đánh vảy gì ráo! Sau đó rửa sạch mớ
cá, ướp tỏi, ớt, đường, dằn thêm chút muối, để nấu một nồi canh chua với bông
điên điển. Chặt một trái dừa tươi, thêm vài muỗng nước mắm ngon, đường, ít me dầm
lấy nước cốt đổ vào nồi; rồi nêm nếm sao cho vừa ăn. Sau đó cho tỏi phi thơm,
thêm ít tóp mỡ, rau ngò gai và nấu cho nước canh sôi riu riu lên. Trút nhẹ cá
linh vào nồi. Cho bông điên điển vào rồi vớt ra liền kẻo bông mềm nhũn, hết
giòn và hết ngọt. Rồi múc canh chua ra tộ! Gắp con cá linh vừa chín tới, chắm
vào cái chén nhỏ đựng nước mắm y, thêm vài lát ớt sừng trâu, đưa vô miệng nhai
từ từ. Cầm cái ly hột mít rượu đế quất nghe cái tróc.
Bà con ơi! Ăn từ độ ấy mà mồ hôi trên chân tóc của tui còn ứa
ra tới tận bây giờ. Cơm quê nghèo có canh chua cá linh là phải có món cá linh
kho tiêu. Em gom mớ cá linh đã làm sạch cho thêm chút nước màu, đảo cho nó đều!
Xong cho nước mắm vào nồi đất kho chung với cá, giữ lửa liu riu cái ơ kho cá. Rồi
bỏ tiêu cho ngọt; bỏ hành cho thơm!
Bới cơm, chén đầu chan với canh chua, vừa ăn vừa nhậu. Chén
cơm trắng cuối bữa, ăn với cá linh kho tiêu mà không cần phải chan canh. Mới
ngon!
Bữa cơm mùa nước lũ năm 78, và ánh mắt sáng như sao sa trong
chiều tối đỏ đèn đó theo tui suốt những cơn mơ hằng đêm nơi xứ lạ quê người.
Tía em khề khà cầm ly rượu hỏi tui:
“Nghe thằng Hai mầy có mớ chữ chắc hổng muốn về làm rể miệt
ruộng đâu hả? Nếu muốn, tao gả con Út cho mầy. Về nói Tía Má mầy mang trầu cau
xuống đây, nói láp váp vài tiếng… là xong.”
Tui cười hè hè, thưa:
“Chắc gì cô Út chịu ưng con mà Chú Tư nói như đinh đóng cột
vậy hè?”
“Ối! Tao là Tía, tao biết lòng con cái mà! Mầy đừng có
lo! Con cá linh mình ăn hết mùa là hết. Muốn ăn nữa là phải chờ mùa nước nổi
năm sau. Còn mớ chữ của mầy xài hoài, càng ngày nó càng nở thêm ra chớ không
hao hớt gì thì thử hỏi con gái đứa nào mà hổng khoái có thằng chồng dạy giáo chớ?!”
“Nhưng giờ con bị đuổi rồi chú Tư ơi!”
“Ôi mấy thằng có quyền, nó đuổi mầy vì nó dốt! Nó tị nạnh,
cà nanh; chớ chế độ nào mà không cần chữ? Không chữ thì tụi nó chết cha tụi nó
hết ráo cho coi!”
Quay qua con gái mình mặt đang đỏ bừng như vừa uống hết một
chung rượu đế, hỏi:
“Mà Tía nói vậy có hợp ý con hông vậy Út?”
Em e thẹn, kéo vài sợi tóc mai đút vô miệng nhai nhai mà hỏng
trả lời trả vốn gì hết ráo.
Cuối mùa nước nổi 3 tháng đó, tui xa Thơm Rơm luôn. Út chống
xuồng đưa tui ra mặt tỉnh lộ để đón xe về Cần Thơ, em nói:
“Mùa nước nổi năm sau dù bận bịu tối tăm mặt mũi gì đi
chăng nữa nhớ về Thơm Rơm ăn canh chua cá linh Út nấu và cá linh Út kho tiêu
nhe anh Hai!” ‘
Mến anh, Út chẳng dám thưa?! Hai hàng nước mắt như mưa tháng
Mười!’
***
Thời cuộc biến loạn, đổi thay liền xì bóc; tui không về Thơm
Rơm quê Út nữa mà tui đi luôn ra biển; tới giờ đã 38 năm trời! Để bây giờ đêm
đêm nhớ lại buồn biết bao trong tấc dạ.
Rồi nghe phong phanh thiên hạ nói: “Năm rồi miền Tây vào mùa
nước nổi giờ buồn thỉu, buồn thiu khi con cá linh đã sông dài cá lội biệt tăm!
Phải duyên chồng vợ ngàn năm em cũng chờ”. Bà con miệt vùng trũng tứ giác Long
Xuyên than thở: “Tụi tui ở miệt này muốn kiếm dăm mớ cá linh những ngày cá chạy
theo con nước về để lai rai ba xị… còn trần ai khoai củ nè!”
Thôi rồi con cá linh sẽ ngàn thu yên nghỉ, nằm trong cổ tích
như tình tui một thời với cô Út Thơm Rơm!!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne