Sau vụ nổ kho đạn của Sư Đoàn 18 Bộ Binh tại Long Khánh, một
số tù cải tạo chuyển đến Bù Gia Mập, tỉnh Phước Long để tăng gia sản xuất. Qua
ba tháng ổn định chỗ ăn, chỗ ở là bắt đầu đi phát, đốt, dọn rẫy để trồng mì, bắp
và lúa. Khối của tôi được phân công đi lấy cây mì ở những vùng kinh tế mới khu
Bù Gia Mập.
Buổi sáng bảy giờ, tập họp trước sân của khối chuẩn bị lên
đường. Ông quản giáo Trị phụ trách dẫn đi, có bốn vệ binh đi kèm canh giữ. Ông
quản giáo Trị dõng dạt tuyên bố:- Các anh chuẩn bị lên đô-đờ-ghe để
hành quân lấy cây mì.
Anh em tù cải tạo đều ngơ ngác không biết đô-đờ-ghe là cái
gì. Nguyễn Ngọc Nhựt đứng sau tôi lầm bầm: Ở đây có sông, có suối đâu mà đi
ghe. Bác sĩ Phấn đứng đầu hàng hỏi quản giáo Trị:
- Thưa quản
giáo: Ở đây có ghe đâu mà chúng tôi đi?
Quản giáo Trị quát lớn:
- Sao các
anh ngu thế, xe đô-đờ-ghe trước mặt các anh mà không biết. Dốt thế.
À, té ra xe đô-đờ-ghe là xe Dodge của Mỹ bỏ lại. Các anh em
cải tạo không giám cười, và chấp nhận là ngu cho rồi.
Lên xe đến khu kinh tế mới.
Những người dân đến đây là những người ở quận Bình Thạnh
thành phố Sài Gòn, phần đông là dân không có hộ khẩu, hạ sĩ quan hay binh sĩ của
quân đội VNCH hoặc vợ sĩ quan chồng đi học tập.
Chia nhau mỗi một toán bốn người, hai cây rựa, lựa cây mì tốt,
bỏ ngọn và gốc lấy đoạn giữa khỏang một thước, hai mươi cây bó một bó, vác bỏ
lên xe, đầy xe chở về trại. Toán của tôi gồm có bác sĩ Phấn, bác sĩ Khiêm, Nguyễn
Ngọc Nhựt và tôi. Thời kỳ nầy quân đội quản lý chưa chuyển qua công an nên còn
dễ dãi. Anh em cải tạo đi lao động còn được lặn ra nhà dân lấy tin tức bên
ngoài hoặc cải thiện. Nhà của những người bị lùa đi kinh tế mới trông mà thảm
thương. Bề ngang sáu thước, bề dọc bốn thước, mái lợp bằng tranh, vách bằng cây
sậy, những nhà nầy do thanh niên xung phong đến cất trước để cho dân kinh tế mới
đến ở.
Giờ nghỉ, chúng tôi vào một căn nhà gần chỗ rẫy mì mà chúng
tôi đang lấy cây. Tôi mon men đi trước, đến sân, hai con chó, một con vàng và một
con đen từ trong nhà chạy ra sủa vang trời. Một người thanh niên khoảng ba mươi
tuổi, ốm yếu, nước da xám đen, tóc bù xù, từ trong nhà vừa đi ra vừa la thật lớn:
- Nixon,
Nixon, Thiệu, Thiệu đi vô, đi vô, tau đánh chết.
Hai con chó cụp đuôi chạy vào nhà. Tôi nghe người thanh niên
vừa la hai con chó nói tiếng Quảng Nam, cùng đồng hương với tôi, mà lưu lạc vào
đây, sống trong địa ngục trần gian, tự nhiên tôi xót xa, thương cảm. Anh
nhìn chúng tôi không chào hỏi mà cất tiếng nói:
- Mấy ông là
sĩ quan Ngụy theo Mỹ bắn giết cách mạng, nhân dân bây giờ ở tù là phải, khi nào
tiến bộ thì cách mạng cho về sum họp với gia đình.
Tôi nghĩ anh nầy là đồng hương với mình, bị đày đi kinh tế mới không phải là
dân theo cộng sản chính hiệu, cũng không phải là cách mạng ba mươi tháng tư, chắc
là bị xúi dục theo đuôi. Tôi ôn tồn nói với anh:
- Tụi tôi là
sĩ quan chưa bao giờ cầm súng, hai anh đây là bác sĩ, còn tôi với anh nầy là sĩ
quan chuyên môn, đi lính chưa bắn một viên đạn, làm gì mà có nợ máu với nhân
dân.
- Bác sĩ cũng
giết cách mạng, bắt được cách mạng tiêm thuốc cho chết, còn nhiều nợ máu hơn là
những ông đi tác chiến.
Anh nói đến đây thì ở phía xa khoảng năm mươi mét, một người đàn bà trên dưới
hai lăm tuổi, trông rất bơ phờ, ốm yếu, xanh xao, tay bế một em bé khoảng hai
tuổi, mắt nhắm nghiền, nước da xanh dờn, hơi thở yêu ớt. Chị chạy về nhà la lớn:
- Anh ơi!
anh ơi! chết con mình rồi anh ơi. Bệnh xá không có một y tá nào trực hết, ba bốn
người bịnh gần chết cũng đến đợi từ sáng đến giờ. Làm sao bây giờ anh ơi.
Tôi đoán người chạy về la lớn là vợ người thanh niên cũng là người Quảng Nam.
Tôi cảm thấy thật buồn và xót xa. Tại sao
người Quảng Nam mình cõng cái nghèo đi khắp chân trời góc bể,
kiếm miếng ăn cũng không đủ mà ăn, bịnh hoạn cũng không có thuốc mà chữa. Người
thanh niên ngưng lên lớp, hai tay chống nạnh, khuôn mặt giận dữ, vừa chữi thề vừa
la:
- Đ.M. chúng
nó đem con bỏ chợ, phỉnh gạt, hứa hẹn đủ điều, xuống tới đây nhà cửa trống
trơn, một tháng phát mấy ký bo bo, cái gì cũng tự túc. Bịnh gì đến bệnh xá cũng
phát xuyên tâm liên. Đ.M. tau có súng tau giết hết tụi nó rồi tau đi ở tù.
Tự nhiên tôi cảm thấy thương haị vợ chồng người đồng hương nầy. Tôi nghĩ phải
giúp đỡ để cứu đứa con mà cái chết như sợi chỉ treo mành. Tôi biết bác sỉ Khiêm
là bác sĩ giỏi, trước anh làm ở bệnh viên Nha Trang nổi tiếng, hơn nữa tính anh
cẩn thận đi lao động là mang thuốc theo để phòng thân. Trong trại anh em bịnh
hoạn gì là cho thuốc giúp đỡ. Tôi nói với bác sĩ Khiêm và bác sĩ Phấn:
- Người nầy
là đồng hương với tôi, nạn nhân của chế độ, đáng thương hơn đáng trách, hai anh
có thể cứu giùm đứa bé. Tôi thấy khuôn mặt bác sĩ Khiêm và bác sĩ Phấn rất cảm
động, tôi liền nói với chị vợ:
- Chị để em
bé nằm xuống giường nhờ hai bác sĩ khám và may ra cứu cháu còn kịp.
Người đàn bà đặt em bé xuống giường, bác sĩ Khiêm đến bên em
bé khám thật kỷ, và nói với chị vợ:
- Em bé bị cảm
lâu ngày, không có thuốc uống nên bị yếu sức. Nhưng không sao còn cứu kịp. Bác
sĩ Khiêm lấy trong bị ra một lọ thuốc, anh lấy sáu viên đưa cho người đàn bà và
dặn:
- Chị lấy nước
cho em bé uống hai viên, đắp mền cho em bé ngủ, thấy đổ mồ hôi thì lau sạch, mồ
hôi đổ càng nhiếu càng tốt, nếu em bé tỉnh dậy chị cho em bé ăn cháo và cho uống
tiếp hai viên, đến tối cho uống hai viên nữa thì sẽ đở.
Chị vợ làm theo lời bác sĩ Khiêm, và cảm ơn bác sĩ Khiêm hai ba lần, người chồng
đứng nhìn không nói một lời. Chúng tôi chào hai vợ chồng và trở về rẫy tiếp tục
làm việc vì xe đã đến. Khoảng hai tiếng đồng hồ, chị vợ vác một bao mì thật lớn
đến với chúng tôi, chị cười thật vui và nói:
- Cám ơn hai
bác sĩ và quý anh thật nhiều. Cháu đã tỉnh dậy và ăn được một chén cháo, em cho
uống tiếp hai viên thuốc rồi. Không có quý anh không biết con em thế nào. Chồng
em bảo đem biếu mấy anh một ít khoai mì để mấy anh đem vào trại cải thiện, chồng
em giận cá chém thớt có nói gì lở lời xin các anh bỏ qua cho…
Tôi cảm ơn người đàn bà và nói với chị:
- Chị về nói
với chồng đổi tên hai con chó.
Cả buổi chiều hôm đó, chúng tôi làm việc không biết mệt vì
đã làm một việc rất có ý nghĩa…
***
Hết mùa lao động, mì, bắp và lúa đã trồng xong. Chúng tôi tập
trung lên hội trường học tập chính trị. Xong một bài thì về từng tổ thảo luận
và làm bài thu hoạch. Một buổi sáng quản giáo thông báo tập trung lên hội trường
để cấp trên về đánh giá những bài thu hoạch của anh em. Tất cả tập trung đã ổn
định. Ông Thịnh trưởng quản giáo đứng lên giới thiệu:
- Hôm nay có
đồng chí bí thư trung đoàn về đánh giá bài làm thu hoạch của các anh. Xin các
anh cho một tràng vỗ tay.
Người vừa được giới thiệu, nước da đen, lùn, hai mắt nheo nheo như bị bò lạch
(*), có giọng nói Quảng Nam nặng rất khó nghe, tôi đoán là người miền biển Tam Ấp,
thuộc Tam Kỳ. Ông dõng dạc nói thật lớn:
- Qua quá
trình lao động là vinh quang và học tập chính trị, các anh tương đối có tiến bộ,
nhưng có một số các anh chưa quán triệt đường lối của cách mạng, có những anh
thấu suốt sự anh hùng của nhân dân ta, đã nổi dậy đánh đuổi hai đế quốc đầu sỏ
là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đánh thắng đế quốc Mỹ là nhờ sự lãnh đạo tài
tình của bác Hồ vĩ đại và đường lối sáng suốt của đảng. Bây giờ sạch bóng quân
thù, cách mạng khoan hồng, các anh phải học tập tốt lao động tốt để cách mạng
xét cho về sum họp với gia đình
Ông ta nói một hơi, văng cả nước miếng, bỏ kiếng
xuống vỗ tay trước, anh em cải tạo vỗ tay theo. Ông ta cười khoái tỷ đưa hàm
răng vàng khè, có lẽ hút thuốc nhiều quá. Hết vỗ tay
ông nói tiếp:
- Có một
số anh văn hóa còn quá kém, không đọc sách, không hiểu biết, như anh Nguyễn
Thanh V. lý lịch khai bằng cấp là tiến sĩ, giáo sư đại học mà dốt không biết
tên húy của bác “Hồ” vĩ đại của nhân dân ta. Anh giám viết: thực dân Pháp lùng
bắt những người ái quốc để thủ tiêu. Ái quốc là tên của bác, chúng tôi những
người cách mạng theo bác mà không giám viết tên húy của bác, các anh là ngụy
quân ngụy quyền mà giám viết tên bác. Các anh là tiến sĩ dỏm, Mỹ Ngụy cấp bằng
tiến sĩ để dể sai khiến, không có trình độ. Chúng tôi có những đồng chí học rất
giỏi, rất thông minh được đề cử sang Liên Sô vĩ đại
theo học sáu bảy năm mà về nước mới được cấp bằng phó tiến sĩ. Các anh phải học
tập lâu dài mới tiến bộ được.
Ông ta vừa nói xong, anh em tù nhân đồng loạt vỗ tay thật lớn. Ông ta tưởng ca
ngợi ông nói hay vỗ tay theo, mấy ông quản giáo tham dự cũng vỗ tay. Anh em vỗ
tay lâu lắm, có lẽ ông ta biết anh em cải tạo chơi xỏ lá, đỏ mặt nói thật lớn :
- Các anh biểu
dương như vậy đủ rồi.
Anh em ngưng vỗ tay. Ông ta lại lên lớp tiếp. Thật sự ông nói tiếng Quảng Nam nặng
lắm ít người nghe được, tôi là dân Quảng Nam chính hiệu mà nghe tiếng được tiếng
mất. Ở trên ông nói gì thì cứ nói, anh em ngồi ở dưới nháy mắt nhìn nhau và bảo
thầm trong bụng: Nó ngu vừa vừa để cho người ta ngu với, sao mà giành ngu hết vậy.
Thằng cha nầy chắc hồi trước đi ở giữ bò, rồi theo du kích, tập kết ra Bắc, sau
vào Nam và bây giờ làm chính trị viên trung đoàn. Nghĩ cũng buồn cười…
Hết mùa chính trị, trở lại lao động thu hoạch lúa, bắp, mì
cho kịp thời vụ.
***
Xong mùa thu hoạch. Năm 1979, tôi và một số anh em được cho về. Phần đông là những
người có chuyên môn như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư..và những sĩ quan
có ngành chuyên môn như: công binh, truyền tin, quân nhu, quân cụ, trợ y...
Nhận được giấy ra trại, và năm đồng bạc (?) để đi xe.
Tôi mừng quýnh, tất cả những đồ đạc lỉnh kỉnh lượm mấy năm tôi cho hết bạn bè
thân trong tổ, chỉ mang về một bộ áo quần khi đi học tập đem theo, ba cây lược
bằng nhôm làm còn ở traị Long Khánh, để cho mẹ, vợ và chị hai, một cây đàn làm
khi ở đội thợ mộc với nhạc sĩ Phạm Đức Huyến.
Không biết từ trại ra đến bến xe Phước Long bao nhiêu cây số, tôi và Nguyễn Ngọc
Nhựt vừa đi vừa chạy không biết mệt. Ra đến bến xe, cũng may có một chuyến xe về
Biên Hòa nhưng xe đã đầy khách, tôi, Nguyễn Ngọc Nhựt và ba người bạn đã đến
chen nhau lên xe, xe hết chỗ ngồi nên phải đứng. Tôi chen lên đến giữa xe, gần
một bà già khoảng sáu mươi tuổi, tóc bạc nhiều, nước da đen đúa, lùi xùi, mộc mạc,
miệng ăn trầu bỏm bẻm, trên môi nhận một cục thuốc rê, áo quần cũng đã bạc màu,
giống mẹ tôi. Bà thấy tôi ngơ ngơ, ngác ngác, hỏi tôi:
- Mi học tập
cải tạo mới được thả ra hả?
- Dạ con mới
được ra tù sáng nay.
- Mi về Quảng
Nam hay về mô?
Tôi nghe bà nói giọng Quảng Nam và bà cũng nhận ra tôi người Quảng Nam, tôi mừng
quá chừng vì gặp được người đồng hương giống mẹ mình, cũng ăn trầu răng đen
thui, gầy gò chất phát, quê mùa. Tự nhiên tôi cảm thấy thân thiện, gần gủi. Tôi
trả lời bà:
- Con về Sài
Gòn vì vợ và hai đứa con đang ở Sài Gòn. Về nhà gặp vợ con rồi mới tính được
bác ơi.
- Thôi ở Sài
Gòn luôn đi, ăn mắm, ăn muối gì cũng tìm cách ở trong Nam, về ngoài mình khổ lắm
con ơi. Hơn nữa mi là sĩ quan, tụi nó để ý khó sống lắm.
Tôi nghe bà nói quá chân tình, như bà con hàng xóm láng giềng lâu năm gặp lại.
Tôi hỏi lại bà:
- Ủa, bác
cũng ở Quảng Nam mà vào làm chi trong ni? Bác đi thăm nuôi người nhà hả?
- Tau có ai
đâu mà thăm. Năm bảy lăm, mất Đà Nẵng, gia đình tau chạy hết vô Sài Gon, mất
Sài Gòn gia đình quyết định ở luôn trong Nam, xuống Biên Hòa mua nhà và tìm
cách sinh sống. Ông già mấy đứa nhỏ, ổng nhớ quê hương, mất nhà, mất ruộng,
mất đất, ổng buồn rồi sinh bịnh qua đời cách nay hai năm.
Tôi thấy mắt bà rưng rưng muốn khóc, có lẽ bà nhắc đến người chồng thân yêu, đầu
ấp tay gối mà bỏ đi quá sớm. Tôi hỏi sang chuyện khác:
- Bác xuống
Phước Long làm chi?
- Đói đầu gối
phải bò, tau xuống Phước Long mua khoai mì củ, khoai lang, bắp trái
để về Biên Hòa bỏ mối, và đứa con dâu bán lẻ kiếm lời nuôi cháu.
- Bác được mấy
anh mấy chị? Tôi hỏi trong tình thân thiện:
- Tau có hai
thằng con trai, thằng lớn cưới vợ ra Long Khánh mua đất để sinh sống, mới có được
một cháu trai. Thằng em chạy xe ôm, cưới vợ năm ngoái mới sinh một cháu gái. Tụi
nó khổ lắm tau thương quá mà không biết làm răng.
Gặp bà già đồng hương, tôi nhớ mẹ quá chừng, không biết giờ
nầy mẹ làm gì, những năm ở tù xa mẹ, chợt thức giấc nửa đêm, nhớ mẹ, nhớ vợ, nhớ
con, nước mắt ứa ra đâu có ngủ lại được. Bà mẹ Việt Nam dù nghèo khổ đến đâu
cũng đùm bọc cho con, cho cháu. Miếng ăn, miếng uống cũng giành cho con. Nhất
là những bà mẹ Quảng Nam, một đời chịu cực, chịu khổ, bòn mót, không giám ăn
giám uống cũng để giành cho con…Ước gì có cánh là tôi bay về thăm mẹ…
Hai bác cháu mãi nói chuyện thân tình, xe đã gần đến Biên Hòa. Bà già kéo một
giỏ lát để dưới ghế ngồi, lấy ra một đùm bánh ú, bà tách ra ba cái đưa cho tôi
và nói:
- Bánh ú
khoai mì tau mua ở Phước Long, ngon lắm, mi cầm mấy cái về làm quà cho con. Mi
về vợ con mi mừng lắm đó. Đổi đời rồi, thôi chịu cực chịu khổ kiếm việc gì làm
nuôi con. Hết cơn bỉ cực rồi đến ngày thái lai. Nhớ chớ có về Trung .
Bà nói xong bước xuống xe với chiếc nón cời và cái giỏ lát
đã cũ mềm. Bà không quên chỉ và nhắc tôi:
- Mi tới đằng
kia có xe về Bình Triệu. Nhớ giữ gìn sức khỏe và giữ mồm giữ miệng nghe
con.
***
Tôi cùng với những người bạn chạy đến nơi bến xe về Bình Triệu. Trên đường về
tôi suy nghỉ những năm tháng tù đày Cộng Sản. Cộng Sản chủ trương tẩy não và nhồi
sọ. Nhưng làm sao tẩy não và nhồi sọ được dân miền Nam. Đúng là một lũ dốt đặc
cán mai mà chiến thắng..
Đến bến xe Bình Triệu, tôi chia tay với Nguyễn Ngọc Nhựt và
những người bạn thật bùi ngùi, lưu luyến. Nhựt đi cyclo về Phú Nhuận. Tôi đi xe
lam về Ngã Tư Hàng Xanh và cuốc bộ về nhà ở Cầu Sơn. Vai phải vác cây đàn, vai
trái mang cái túi xách tự may bằng vải kaki lượm được khi ở trại Long Khánh.
Như một kẻ lãng tử đi tìm thi hứng cho cuộc đời.
Bước vào nhà, hai đứa con đang chơi trò làm lính dơ tay lên nhắm bắn đùng đùng.
Thấy tôi về, hai đứa chạy ra ôm tôi mừng rỡ, tôi cũng ôm chúng vào lòng và nói
thầm: đừng chơi trò lính tráng con ơi, ba cũng một thời làm lính để bảo vệ một
chính nghĩa mà phải đi ở tù khổ lắm con ơi. Vợ tôi đứng bên nhìn ba cha con sum
họp, nước mắt chảy dài trên hai gò má đợi chờ…
Lúc đó là năm giờ chiều…
Trần Thế Phong
(từ: tập truyện Bên Đời, BVN sắp xuất bản)
(*) Những người dân ở vùng biển, nhất là biển
Tam Ấp QNam, nhà làm trên những bãi cát, mỗi chiều về gió thổi mạnh cát
bay vào mắt, mắt bị ngứa, lấy tay dụi mắt, những lông nheo quặp vào mắt, nước mắt
chảy hoài, mắt nheo lai. Lâu ngày có thể bị mờ nếu không chữa. Người ta gọi là
mắt bò lạch…