Từ nhà tôi lên đến đường mòn khoảng 7km. Tôi đạp xe dọc theo
bờ sông
Nidda hướng ngược giòng. Mùa hè thiên hạ ưa tập trung nướng
thịt, ở những bãi nướng dọc theo bờ sông, hay ăn kem, uống bia lạnh ngoài phố.
Tôi lại thích ngồi dưới nắng ấm áp, đâu đó trên đường mòn Hölderlin, nghe chim
chóc đủ loại hót vang, và ngủ thiêm thiếp, có khi thức giấc sau cả giờ trôi
qua.
Một sự trùng hợp thú vị. Khi tôi nghỉ hưu non, thành phố bắt đầu dựng các bảng thông tin về đường mòn Hölderlin, nối liền Frankfurt và thành phố Bad Homburg. Bảng đặt ở những nơi nghỉ chân trên đừơng mòn, gồm có bản đồ, sự tích của con đường mòn dài 22km, nơi hơn 200 năm trước là con đường hẹn hò, tìm nhau của Thi nhân Hölderlin, và nàng Susette.
Nhờ những tấm bảng này mà tôi cảm thấy gần gũi với Thi nhân.
Tìm đọc cuộc đời của chàng Hölderlin, đọc thơ Thi nhân bằng tiếng Đức. Dĩ
nhiên, không đơn giản để hiểu cho rốt ráo ngôn ngữ thi ca. Tôi vẫn thích ghé
ngang Lauffen, nơi sinh của Hölderlin, để ngắm Susette bằng...đá. Tượng với đường
nét dữ dội. Tôi hiểu vì sao Hölderlin mê mẩn nàng thơ Diotima của ông, hơn hiểu
thơ ông.
Tôi, dân học Toán, sao lại biết Hölderlin, kể cũng lạ. Trăm
sự do tính ham đọc, ngốn ngấu bất cứ sách vở gì chộp được. Những năm Đệ Ngũ, Đệ
Tứ, tôi theo học lớp Pháp văn buổi tối của Thầy Trần văn Thông tại trường Mê
Linh, bên bờ sông An Cựu. Cách dạy của thầy độc đáo. Tôi nhớ cả năm, thầy chỉ dạy
4 chữ : à, de, par, pour.
Học thầy, chúng tôi đứa nào cũng viết tiếng Pháp vững, nhưng
khi có dịp nói thì ngọng nghịu, hay như vừa bước trong sách Mauger ra. Để luyện
tập nói và nghe, tôi hay tìm tới Centre culturel Français ở trên đường Lê Lợi
coi phim và đọc sách. Chắc là tôi đã đọc được ở đó vài bài thơ của Hölderlin
qua tiếng Pháp, rồi đâm ghiền thi sĩ này.
Đến khi lớn lên vô Đại học, là lúc cuốn Ý thức mới trong Văn
nghệ và Triết học của Phạm công Thiện bán chạy. Vóc dáng thời thượng của sinh
viên Huế lúc đó : kẹp nách một cuốn Ý thức mới, đội mũ bêret, hút Bastos xanh,
tóc dài ngang vai...và nói chuyện về Hölderlin,Saroyan, Sartre...y như mình
rành về mấy tay này, trong khi đó nhiều lắm chỉ biết cái tên, qua Phạm công Thiện
vẽ rồng, vẽ rắn. Trong đám cùng lứa với tôi, đứa nào cũng kiếm một bức hình Che
Guevera treo bên bàn học, y như sẽ noi gương ông này đi làm cách mạng.
Đó, cùng với chiến tranh, lý tưởng và trăm thứ đam mê khác,
Hölderlin đã đến với tôi như thế. Và hôm nay ngồi bên đường mòn mang tên ông,
tôi nghĩ vẫn vơ về cuộc đời, tình yêu và trách nhiệm ...nữa chứ.
Gần nhất là trách nhiệm, với tư cách là cha cô dâu, nói lời
mở đầu tiệc cưới của con gái tôi vào tuần tới.
Đám cưới con cái ở đây, cha mẹ rất khỏe. Có muốn mệt, muốn
lo cho con cũng không được. Từ chuyện nhỏ như hoa trên bàn tiệc, thiệp mời...cho
đến chổ tổ chức, trình tự ngày cưới,mọi chuyện đều do hai đứa chúng nó sắp xếp
chi tiết. Cha mẹ chỉ cần cho biết mời bao nhiêu bạn bè quen biết, báo tin đến
người nào, để chúng nó lo gởi thiệp. Tôi chỉ lo ăn mặc đẹp và nói lời chào mừng
quan khách, khai mạc buổi lễ.
Tôi nghĩ ra một câu chuyện thú vị. Tôi ngồi bên đường mòn
Hölderlin, khổ sở với suy nghĩ về lời chào mừng trong tiệc cưới con gái, và
Hölderlin thấy điều đó.
Ông nói :
-những ngừơi yêu thơ ta, chắc chắn có một tâm hồn lãng mạn.
Ta tin con
cũng thế. Hãy làm một bài thơ cho buổi tiệc cưới và ta sẽ
giúp con.
Cùng với Thi nhân tôi chọn các câu thơ, bàn cãi về âm điệu,
và mệt mõi tôi thiếp đi trên băng ghế, chừng một tiếng đồng hồ. Đây là bài thơ,
tôi xin phép quý vị, đựơc đọc lên :
Im Schloss Philippsruhe am Main.
Feiern wir heute die Hochzeit.
Von Nhi LÊ und Alexander STEIN,
dem geliebten Beschützer übergebe ich meine Tochter.
Oh ! Alexander, der wunderbare Schwiegersohn.
Mit Dir ist Nhi glücklich.
Und ich bin vertrauensvoll.
Oh ! Nhi, meine Tochter,
die noch nicht voll 8 Jahren alt war,
als sie nach Deutschland kam.
die ihren ersten Schultag,
ohne Deutschkenntnisse in der 3.Klasse begann.
Und wie sie bis heute gekämpft,
was Sie geschafft und erreicht hat.
Oh ! Nhi. Mit Dir habe ich immense Liebe
und unbeschreibliche Stolz.
Wie der Main zum Rhein.
Und zum Atlantischen Ozean.
Nhi und Alexander Hand im Hand
Zum Ozean der Liebe.
Ab heute und für die Ewigkeit.
Tạm dịch :
Trong lâu đài Philippsruhe bên giòng sông Main
Hôm nay chúng ta vui chơi lễ cưới,
của Nhi LÊ và
Alexander STEIN,
Người bảo vệ đáng yêu, mà tôi sẽ trao đứa con gái tôi
Oh ! Alexander, đứa con rễ tuyệt vời.
Với con, Nhi sẽ sung sướng.
Và Cha đầy tin tưởng
Oh ! Nhi, đứa con gái yêu của Cha,
đứa chưa đầy 8 tuổi khi đến Đức,
đứa ngày học đầu tiên,
không một tiếng Đức trong đầu, bước thẳng vào lớp 3.
Và đến bây giờ đứa con gái đó:
Đã vật lộn thế nào.
Đã thành công tới đâu.
Đã đạt được những gì.
Oh ! Nhi. Với con, Cha có một tình yêu vô hạn,
Và một niềm hãnh diện không diễn tả hết.
Như sông Main chảy vào sông Rhein,
rồi ra Đại Tây Dương,
Nhi và Alexander tay trong tay,
dắt nhau ra Đại Dương Tình yêu,
từ hôm nay đến mãi mãi ngàn sau.
Với ba đoạn thơ này tôi tuyên bố khai mạc buổi tiệc cưới và
mong muốn quan khách có một buổi chiều vui vẽ và thích thú.
Mọi người vỗ tay, một người đứng dậy, hai người, rồi toàn thể
khách mời. Con gái tôi ôm cha, mắt đỏ hoe. Con rễ ôm bố vợ sung sướng.
Một người đàn bà tiến tới siết chặt tay tôi và cám ơn về câu
chuyện đường mòn Hölderlin. Bà thành thật nói, tôi là dân Frankfurt mà không biết
tới, có một con đường mòn tình tự như thế. Rồi hai người, ba người, rồi đám
đông bu quanh. Mỗi người một câu hỏi thăm về con đường mòn. Tôi phải hứa hẹn sẽ
tìm họ nói chuyện, bây giờ phải để cho chú rễ nói vài câu để vào tiệc, kẻo đói
bụng.
Alex đã chuẩn bị năm ba câu tiếng Việt chào mừng và chúc ăn
ngon miệng, nhưng hơi khớp, nên sợ quên phải hỏi ý tôi. Tôi bày cho hắn, cứ xem
như đang biện hộ trước toà. Đoạn nào quên cứ nói tiếng Đức, rồi trở lại tiếng
Việt khi nhớ, và cứ làm uyển chuyển như vậy là mọi chuyện trơn tru. Alex nghe lời
tôi và đã nói rất hay.
Giữa buổi tiệc còn có mục kéo nhau ra bờ sông Main, sân sau
của lâu đài, xem bắn pháo bông, do một người bạn của Alex tặng mừng. Nghe nói
việc xin phép bắn pháo cũng gặp khó khăn vì nhằm mùa vịt trời ở trên sông Main
đẻ, sợ kinh động chúng.
May mà do thời tiết thay đổi, mùa vịt đẻ kết thúc sớm hơn
vài hôm, nên lễ cưới được phép bắn pháo bông. Dĩ nhiên có hãng chuyên môn lo đặt
giàn pháo, bắn, và thu dọn hiện trường.
Khi bó hoa hồng đầu tiên nở trên bầu trời, khúc sông Main
sau lâu đài sáng rực lên. Từng đàn chim từ cụm rừng bên kia sông bay vụt qua
ánh sáng pháo, đẹp tuyệt vời. Lạ mắt hơn là những bông hồng rơi xuống, được chiếu
sáng bởi chùm pháo vừa lên, lóng lánh trên mặt sông, như hoa bập bềnh trên
sóng.
Trở lại phòng ăn, bạn bè chúng tôi, chừng mười cặp, đó là tất
cả khách mời của vợ chồng tôi, cùng hát chung bản Những bước chân âm thầm, và
chúng tôi hát Áo lụa Hà Đông. Tôi chuẩn bị hai bản nhạc, đưa trước cho người
chơi Piano nên phần đệm rất nhịp nhàng, cộng thêm vài câu tiếng Đức giới thiệu
trước nội dung bài hát nên mọi người nghe chăm chú.
Có một em hỏi, có phải hai bài này hay được hát trong tiệc
cưới người Việt không. Tôi thấy khó giải thích dài dòng trong một không khí
hưng phấn, ồn ào, nên hứa sẽ chuyển cho em links có hai bài hát. Khoảng một năm
sau, nghe con tôi kể, đám cưới Lisa vui lắm. Cô dâu hát Áo lụa Hà Đông tuyệt vời.
Hay như ba mẹ hát hôm đám cưới tụi con. Dân học Viện Âm nhạc Đức có khác.
Nhi và Alex rất bất ngờ, ngạc nhiên và thú vị với sự xuất hiện
của chúng tôi, từ bài thơ mở đầu buổi tiệc cho tới phần hát hợp ca, song ca. Tuần
kế tiếp, chúng nó đi hưởng tuần trăng mật ở Bali. Khi điện thoại về, hai đứa
báo tin hôm nay phải tắm ở hồ bơi Hôtel vì biển động dữ dội. Alex còn đùa :
- May
mà hôm trước trong bài thơ, Ba cho Nhi với con tay trong tay đi vào Đại
dương Tình yêu. Nếu vô Đại dương như biển Bali hôm nay, thì không biết điều
gì xảy ra. Chắc chắn là tay không còn trong tay nổi.
Nói chung, buổi tiệc cưới để lại trong lòng mọi người tham dự
một kỷ niệm đẹp.
Con gái tôi lập gia đình đã mấy năm rồi, con nó đã hơn ba tuổi,
nhưng mỗi lần đi ngang đường mòn Hölderlin, tôi vẫn thầm cám ơn Hölderlin.
Chính vì ngồi bên đường mòn, cận kề với bóng dáng của Thi
nhân và nàng Thơ Diotima, đã xui khiến trong tôi ý nghĩ gặp Thi nhân và được
giúp cho làm bài thơ đọc khai mạc tiệc cưới cô con gái.
Tháng Hai năm nay thời tiết kỳ cục. Buổi sáng lạnh, có khi
dưới 0 độ. Nhưng đến trưa ấm lên gần 20 độ. Khoảng cách biệt lớn làm những người
già khó chịu. May mà có nắng, và nắng tuyệt đẹp, nhất là trên đường mòn
Hölderlin.
Buổi trưa, tôi hay đạp xe lên đó ngồi phơi nắng.
Hôm nay, ngồi sẵn ở băng ghế quen thuộc của tôi là một bà Đức
lịch sự, cở ngoài 60. Tôi xin phép được ngồi chung, bà vui vẻ đồng ý và bắt đầu
chuyện trò. Câu đầu tiên, quen thuộc, là câu hỏi ông từ đâu tới. Khi biết tôi
người Việt, bà bắt đầu nói về chiến tranh.
Đột nhiên bà hỏi :
- Ở
quê hương ông có những con đường mòn như đường mòn Hölderlin này không ?
- Dạ !
Như bà biết, thời chiến tranh đường sá hư hại nhiều, nên đường mòn không
thiếu. Nhưng một con đường mòn ghi dấu một cuộc tình, như con đường này,
thì tôi không thấy. Ở Việt nam có một con đường mòn dài gấp trăm lần con
đường này, chạy từ Bắc vô Nam. Con đường này đẫm máu, đầy xương của vài thế
hệ.
Bà ôm vai tôi xin lỗi rối rít, khi thấy tôi nước mắt nhạt
nhoà. Tôi cười lạt :
- Xin lỗi Bà, tôi quá nhạy cảm. Càng già càng mau nước mắt,
nhất là
với những gì đụng tới quá khứ.
Rồi tôi đánh trống lãng :
- Bà biết không ? Hè năm trước tôi đã khóc ngon lành trên đường
phố
ở đảo Fuerteventura, làm nhà tôi phải kêu Taxi về Hôtel gấp,
vì thiên
hạ ngó quá chừng. Tôi khóc vì thấy lại hàng Phượng đỏ sau gần
40
năm, như ở Huế, nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Chúng tôi chuyển nhanh qua chuyện du lịch, và chia tay hẹn
nhau dịp khác, khi mặt trời đã bắt đầu xuống sát mặt sông Nidda, và đường mòn
Hölderlin đã mờ dần trong hoàng hôn.
Lê Quang Thông
Frankfurt, Germany.