Từ trái: Trần Mộng Tú, Linh Bảo, Ngô Nhân Dụng, Doãn Quốc
Sỹ. |
“Người
Trăm Năm Cũ” là tên một cuốn tiểu thuyết của Hoàng Khởi Phong, kể chuyện lịch sử
thời Đề Thám chống Pháp. Tôi nhớ cái tựa đề này khi đến thăm nhà văn Linh Bảo, gặp
cả nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã tới trước. Hai người đều gần 100 tuổi. Bà Linh Bảo
thì còn trẻ, mới 95. Ông Doãn Quốc Sỹ mấy lần nói mình đã 100 tuổi. Doãn Cẩm
Liên cải chính: Bố mới 98. Cụ cứ nói mình đã 100, mấy lần, cô con gái đành chịu
thua!
Linh Bảo trí nhớ còn tốt nguyên. Năm 18 tuổi bà đã bỏ nhà đi sang Trung Quốc. Nhưng bây giờ nói “tiếng Huế” vẫn còn rất đúng giọng. Tôi đọc cuốn Gió Bấc của bà khi 15 tuổi, bây giờ vẫn còn nhớ mấy chuyện vui, đem kể lại cho tác giả nghe.
Doãn Quốc Sỹ bắt đầu quên từ hơn 10 năm nay. Trí nhớ cụ được
xóa bớt dần dần những chuyện vụn vặt. Mươi năm trước, gặp nhau cụ còn hỏi: “Màu
Tím Hoa Sim của Hữu Loan hay Hoàng Cầm nhỉ?” Hoặc, “Quê Toàn ở Bắc Ninh phải
không? Bà mẹ cụ Nguyễn Du cũng quê Bắc Ninh.” Doãn Quốc Sỹ nhớ bút hiệu Tô
Giang Khách, vì nhà ở gần sông Tô Lịch. Rồi kể sau này về thăm, con sông Tô đã
biến mất. Lại đọc thơ Trần Tế Xương: “Sông kia nay đã nên đồng – Chỗ làm nhà cửa
chỗ trồng ngô, khoai ...” Trong mười mấy năm, trí nhớ cứ thế nhẹ dần, nhẹ dần;
giờ không nghe Doãn Quốc Sỹ hỏi đến Màu Tím Hoa Sim, đến Bắc Ninh nữa.
Nhưng có một chuyện Doãn Quốc Sỹ lâu lâu vẫn nhắc lại. Đó là
hai câu thơ của Tú Mỡ có đủ tên tám người con. Doãn Quốc Sỹ lấy người con thứ
ba của nhà thơ trào phúng trong Tự Lực Văn Đoàn. Trước ngày cưới, ông bố vợ hỏi
nhỏ chàng rể: Anh có biết lễ không? Câu thơ Tú Mỡ viết: “Năm trai, ba gái, tám
con – Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường.” Doãn Quốc Sỹ ngậm
ngùi: “Bây giờ chỉ chú Cường còn sống, ở Hà Nội.” Mấy năm sau, ngậm ngùi hơn:
“Chú Cường cũng mất rồi.”
Ngày hôm
qua thấy Doãn Quốc Sỹ còn nhớ nhiều lắm. Tôi hỏi trong hồi ký Cát
Bụi Chân Ai “Tô Hoài nói anh đã dùng tên hiệu Quan Sơn, đúng không?”
Ông nhớ liền: Quan Sơn. Dương Quan Sơn, vì có ba chữ DQS giống như tên thật. Tô
Hoài kể “Doãn Quốc Sỹ người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới
cầm bút.” Thời 1970 Tô Hoài phụ trách một mục “địch vận” mang tên “Thư Hà Nội”
trên đài phát thanh. Tô Hoài viết thư cho Quan Sơn, đó là tên Doãn Quốc Sỹ ký
trên báo Tiểu Thuyết Thứ Năm khi đăng truyện ngắn đầu tiên.
Tô Hoài viết cuốn hồi ký năm 1990, đặt câu hỏi về Doãn Quốc
Sỹ: “Chẳng biết cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với gia đình … này không, tin
là không, thế mà sao Doãn Quốc Sỹ viết chửi cộng sản hăng thế?” Đọc mà buồn cho
Tô Hoài. Sống kiểu cộng sản lâu năm quá nên nhiễm cái thói suy nghĩ hẹp hòi.
Bao nhiêu người chống chế độ cộng sản, nêu ra những sai lầm
của chủ nghĩa cộng sản, đâu phải vì thù oán cá nhân. Doãn Quốc Sỹ bài bác cộng
sản, ông không “chửi.” Chưa bao giờ nghe ông chửi ai một tiếng nào. Ông đúng là
một nhà giáo. Thấy cái gì tốt thì khen, cái gì xấu thì nói cho mọi người biết để
tránh. Không chửi bới. Những người trăm năm cũ vẫn được ông bà cha mẹ tập cho
thói quen đó.
Đọc Tô Hoài kể chuyện Tú Mỡ thì thấy hai người, nhà thơ bố vợ
và nhà văn chàng rể, tính tình, tư cách rất giống nhau.
Tô Hoài kể những đợt “chỉnh huấn” từ 1951 “theo phương pháp
Hoa Nam” của Trung Cộng; rồi tới đợt các văn nghệ sĩ đi “đấu tranh cải cách ruộng
đất” hồi 1954. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tham gia đợt đấu tranh giảm tô ở Thái
Nguyên. Cả tuần lễ Nguyễn Tư Nghiêm không “bắt rễ” được một bần cố nông nào, chỉ
lo bị phạt “ngồi chuồng trâu kiểm thảo.” Hoảng quá, phát dại, ông không nhớ đường
về xóm mình ngụ, “Suốt ngày ở ngoài đồng bắt cào cào châu chấu ăn.”
Tô Hoài làm tổ trưởng một nhóm có những Phan Khôi, Tú Mỡ,
Nguyễn Công Hoan, Văn Cao, Trần Đức Thảo, Bác sĩ Đặng Vũ Hỉ. Phải đấu tranh, kiểm
thảo gắt gao trong nhóm. Tô Hoài kể, “Người khó đánh đổ không phải bác Phan
Khôi ương bướng mà … lại là bác Tú Mỡ hiền lành, củ mỉ, ít nói.”
Được “học tập” kết án Nguyễn Tường Tam về những tội hại dân
hại nước, lập đảng Đại Việt, phản bội, kẻ thù dân tộc, vân vân, Tú Mỡ nói,
“Nhưng tôi không quên được Nguyễn Tường Tam đã có ơn với tôi. Nói thẳng, không
có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ!” Cứ như thế mãi, sau cùng, Tú Mỡ đấu dịu,
“Các anh phân tích thế thì tôi đã nghe ra …” Nhưng, nếu mai sau có bắt được
“cái thằng chết chém” ấy mà tình cờ có Tú Mỡ ở đấy thì… xin chính phủ đừng cử
Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam! Tô Hoài viết: “Nghiêm nghị, Tú Mỡ nói, không
nhìn ai: ‘Tôi đề nghị các anh thế.’”
Giữa
thế kỷ trước, Bà Linh Bảo cùng các thanh niên Việt Nam qua bên Trung Quốc “làm
cách mạng.” Họ được chính phủ Tưởng Giới Thạch cấp học bổng chín năm, học Đại học
Quảng Châu. Khi Cộng sản chiếm hết Trung Quốc, bà chạy qua Hương Cảng. Ở đó bà
gặp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, đưa ông coi tập nhật ký của mình. Nhất Linh đem
xuất bản. May mắn, bà không sống trong chế độ cộng sản để phải chịu trận như Tú
Mỡ.
Sống giữa một thế giới tàn ác, gian trá, quỷ quyệt, Tú Mỡ vẫn
suy nghĩ, nói năng, cư xử với tấm lòng chung thủy, thật thà, đôn hậu. Ông bà,
cha mẹ dạy như thế từ thuở ấu thơ. Sau khi đình chiến Tú Mỡ trở về Hà Nội và được
đề nghị “kết nạp” vào đảng; nhưng “ở trên” không cho. Tô Hoài có nhiệm vụ báo
tin buồn này; còn đề nghị Tú Mỡ “lên gặp trên” nữa. Nhưng “Tú Mỡ bắt tay tôi, về
hể hả.” Ông ở hiền gặp lành, trước khi chạy khỏi Hà Nội đi kháng chiến, ông gửi
căn nhà ở Cầu Giấy cho một gia đình ở. Lúc trở về, người ta trả lại, theo Tô
Hoài thì “nhà cửa, vườn tược gần y nguyên.”
Tôi lại nhớ câu chuyện một người trăm năm cũ khác. Thân phụ
một người bạn tôi, làm công chức từ thời Pháp thuộc. Năm 1945 Nhật đảo chánh,
người Pháp bỏ Hà Nội đi tị nạn. Ông thân sinh bạn tôi được một người Pháp trong
sở đem tới nhà nhờ giữ một cái hộp. Cụ nhận lời. Mấy năm sau, người “sếp cũ” trở
về, đến thăm. Cụ đưa trả cái hộp, còn niêm kín. Lúc đó người chủ hộp mới cho biết
trong hộp đầy vàng bạc, châu ngọc, và tiền mặt. Cụ không bao giờ nghĩ đến chuyện
mở ra coi, và cũng không nhận một món quà đền ơn nào.
Những người trăm năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Doãn Quốc Sỹ nhiều lần nhắc lại tác giả hai câu thơ trên, Vũ
Đình Liên, là một thầy giáo dạy mình thủa nhỏ.
Thực ra không cần đi đâu tìm linh hồn những người trăm năm
cũ. Họ vẫn còn sống. Chúng ta vẫn thấy họ, ở quanh mình. Lắm lúc tôi nhìn trong
gương, tự hỏi trên mặt mình có những nét nào giống bố lúc về già không. Năm tôi
30 tuổi mẹ tôi vẫn xoa đầu tôi nói, “Hói, lại giống Thầy ngày xưa.” Nhưng tôi
nhớ bố nhất mỗi khi đắn đo trong việc cư xử trong cuộc đời. “Mình làm như vầy
thì bố mình có vui hay không? Hay là sẽ buồn?”
Người Việt mình không dành mỗi năm một ngày mừng “Ngày Của
Cha” như phong tục người Mỹ. Tôi không đếm coi mỗi tháng, mỗi năm tôi nhớ đến bố
mình bao nhiêu lần, nhưng chắc là nhiều. Tôi mồ côi khi chưa đầy 5 tuổi nên biết
rất ít về cụ. Mẹ tôi thường kể chuyện. Mẹ không bao giờ nói về thầy như “ông ấy,”
“ông cụ,” hay “thầy các con;” mà lúc nào cũng như chúng tôi, gọi là Thầy. “Với
các con lớn bao giờ Thầy cũng gọi là anh, là chị. Thầy không bao giờ mày, tao,
thằng này, con kia. Nói chuyện với ai Thầy cũng “vâng,” và “dạ.”Khi gặp những
người gần 100 tuổi mà tôi quen gọi là anh, là chị, như anh Doãn Quốc Sỹ, chị
Linh Bảo, ngẫm cuộc đời họ đã sống, nhìn cách họ nói năng, cư xử, tôi vẫn yên
tâm. Những người trăm năm cũ sẽ còn với chúng ta mãi mãi.
Ngô Nhân Dụng