Tên bài như trên chẳng qua là đặt cho gọn thôi. Nó mơ hồ, thiếu sót, có thể gây ngộ nhận. Tôi không từng “nghiên cứu”, cũng chưa đọc được bao nhiêu bản thảo của Nhất Linh, để phát giác ra điều nào đáng kể trong sự nghiệp trước tác của ông.
Sự thực Nhất Linh đã viết nhiều sách, bản thảo những tác phẩm xuất bản
trước 1954 không nghe nói có lưu giữ được không? nhiều hay ít? hiện tàng trữ ở
đâu? Còn lại là cái phần được in ở Sài Gòn sau đó. Trong phần bản thảo ấy tôi
cũng chỉ có dịp đọc qua một số ít - rất ít - mà thôi.
Dù vậy sự tiếp xúc với những trang chữ của bậc tiền bối lỗi lạc từng
sống một đời đầy dông bão và kết thúc đau thương, sự tiếp xúc ấy gây xúc động
và nghĩ ngợi. Ở đây chỉ là dăm ba ý nghĩ căn cứ vào một số trang bản thảo may
mắn được xem qua thôi.
Niềm vui
Thoạt tiên người đọc để ý đến điều này: là Nhất Linh thường ghi thời
điểm bắt đầu viết mỗi tác phẩm, thậm chí có khi mỗi phần trong tác phẩm:
- Ở trang đầu bản thảo Giòng sông Thanh Thủy, có dòng chữ: “Khai bút
ngày 26 tháng 11 năm 1960”. Dưới đó, bằng nét chữ nhỏ hơn, màu mực khác hẳn,
lại có câu: “Bắt đầu viết 28-11-60. Viết xong 28-1-61”.
- Ở bản thảo cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, nơi trang ghi phác sơ lược
thứ tự dàn dựng toàn tác phẩm - từ “mấy lời nói đầu” đến “kết luận” - ông đề
ngày 21-4-52. Nơi trang 1 (Mấy lời nói đầu) ông đề ngày 10-5-52 (1). Nơi trang
21 (nói về Các nhân vật) đề ngày 26-6 v.v...
Ghi ngày ghi tháng: Chưa đủ. Có những trường hợp Nhất Linh còn ghi kỹ cả
giờ, cả phút nữa!
- Ở trang đầu cuốn Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) có hàng chữ: “Trên Núi, ngày
16 tháng 10 năm 1949, 1 g 30 trưa”.
- Ở trang phác họa bìa cuốn truyện dài Hai con mắt có dòng chữ: “Vụt
nghĩ ra 26-4-1961 - 11 giờ (12 tháng 3 năm Tân Sửu)”.
“Trên Núi” là một chỗ ở Hương Cảng. “Trên Núi”, hai chữ ấy đưa ra thêm
một chuyện nữa: Là, ngoài thời điểm, lắm khi Nhất Linh còn ghi địa điểm sáng
tác:
- Ở trang phác họa bìa cuốn truyện dài Vui buồn (trong bộ Xóm Cầu Mới)
bản thảo viết lại lần thứ ba, có lời ghi: “Hàng Bè. 1951”. Rồi ở trang đầu tiên
cũng bản thảo này, bấy giờ lại mang tên Xóm Cầu Mới, có lời ghi: “Saigon -
1951. Viết lại lần thứ 4”. Thì ra cùng trong một năm tác giả đã hăm hở viết lại
đoạn sách này hai lần, ở hai nơi, và đã quyết định đổi cả nhan sách.
Bao nhiêu ghi chép ấy trên các bản thảo có ích lợi như thế nào? Ngày
tháng, giờ giấc viết, nơi chốn đích xác mình từng ngồi viết ra câu nọ chuyện
kia, những cái ấy một khi ghi nhớ rõ sẽ có đóng góp nào cho giá trị tác phẩm,
cho công việc sáng tác? Tất nhiên những ký chú về hoàn cảnh biên soạn có ích
lợi cho việc nghiên cứu văn học về sau; nhưng đối với chính tác giả thì tôi
không có cơ hội nhận thức được cái ích lợi. Họa chăng có nhận thấy cái gì như thể
một sự hài lòng, hứng chí, của tác giả khi bắt đầu và khi hoàn tất một tác
phẩm.
Dù sao, những dòng chữ nói trên của Nhất Linh đã đưa tôi đến sự liên
tưởng tới mấy sự kiện trong đời ông. Chẳng hạn:
- Trước 1945 cứ mỗi lần Nhất Linh in xong một cuốn truyện mới, dù bà có
bận rộn công việc đến mấy ông cũng yêu cầu bà bỏ hết mọi việc để cùng ông đi
bãi biển Sầm Sơn, cùng sống với nhau riêng biệt một thời gian; trong cảnh sống
của những ngày vui thú ấy ông tập cho bà hút thuốc, uống rượu, uống trà
tàu (2);
- Một bức ảnh Nhất Linh nằm võng giữa rừng, chụp để “kỷ niệm ngày khai
bút Xóm Cầu Mới bên giòng suối Ða Mê, ngày 23-10-57” (3);
- Hôm 7-7-1963 ông tự tử. Việc làm đầu tiên trong cái ngày cuối cùng của
mình là đích thân mang gói bản thảo tác phẩm chót đến nhà in Trường Sơn (do một
người bạn văn chủ trương) để lo việc xuất bản (4) v.v...
Ðọc những dòng chữ li ti ghi trên bản thảo của ông, rồi nghĩ lan man về
chuyện nọ chuyện kia đã xảy đến trong đời ông, tôi mường tượng ra hình ảnh ông
Nhất-Linh-cầm-bút: Một Nhất Linh hớn hở thấy rõ.
Việc vừa xuất bản được cuốn sách liền mang vợ (hay người yêu) đi Sầm
Sơn, đi Ðà Lạt, Vũng Tàu v.v... mấy hôm, việc ấy hồi còn trẻ chúng ta phần đông
cũng có thể đã làm. Việc long trọng đề ngày “khai thần bút” viết tác phẩm đầu
tay cũng vậy. Nhưng cái sôi nổi của tuổi trẻ qua rồi, công việc viết lách dần
dần thành thói quen, có khi là thói quen nhạt nhẽo, buồn chán, có khi (tệ hơn)
là lao tác nhọc nhằn (như mấy trang bắt buộc mỗi ngày phải nộp cho nhật báo);
bấy giờ chắc không mấy ai còn hứng thú ghi nhớ đoạn văn này viết tại đâu, vào
giờ nào phút nào. Chắc thế.
Nhất Linh khi phải rời tòa báo ở 80 đường Quan Thánh Hà Nội ra đi, thì
đã có hàng tá nhan sách ra đời, đã có hẳn một sự nghiệp văn học lẫy lừng. Thế
mà gần như mỗi lần cầm cây bút lên ông đều hăm hở, đều lấy làm quan trọng. Ý
này nẩy sinh trong đầu ông lúc mấy giờ, ngày nào, đoạn văn nọ viết ra vào hôm
nào..., ông đều ghi nhớ. Ông mừng dòng chữ đầu tiên, ông mừng dòng chữ cuối
cùng của mỗi tác phẩm. Trong xây dựng công trình kiến trúc thì đặt viên đá đầu
tiên là chuyện long trọng, rồi vui mừng khánh thành càng long trọng. Trong xây
dựng tác phẩm văn nghệ ở Nhất Linh, mỗi bước mỗi như thế.
Vừa rồi có nói đến những người thấy viết lách lâu ngày thành thói quen
nhàm chán. Ðó chẳng qua là một phương diện của thái độ tiêu cực. Lại có phương
diện khác, ngược lại. Của các vị nhận thấy viết văn là việc cực quan trọng: là
nhiệm vụ, là sứ mệnh, là cái nghiệp, là nghiệp vụ, nghiệp dĩ, nghiệp ... chướng
v.v... Một số các vị khác thấy trước tác là cái lớn lao, thiêng liêng, nhưng là
việc cực nhọc, nguy hiểm (!), đòi hỏi sự hy sinh: trong văn có lửa trong thơ có
thép có máu, cầm bút cũng như cầm gươm cầm súng...
Trước các bản thảo của Nhất Linh, không thể hình dung ra một con người
uể oải chán ngán vì thói quen, cũng không thể nghĩ đến vẻ thê thảm của kẻ mang
nghiệp chướng, và cũng không thấy ra hình ảnh một chiến sĩ lừ đừ... Tôi lại
tưởng tượng ra một người đang khoái chí.
Khoái chí, tiếng ấy nghe có chỗ hỗn láo? Nó gợi một ý hồn nhiên của trẻ
thơ, ít ra cũng một vẻ mừng rỡ trẻ trung. Ðàng này, Nhất Linh bấy giờ đã thuộc
lớp tuổi cao niên, trên đường văn nghiệp ông đã đến cái đỉnh của danh vọng. Thế
nhưng mỗi lần viết ông còn náo nức. Ông viết mà sung sướng thấy rõ. Cảnh tượng
ấy thật cảm động.
Vả lại trẻ trung hay trẻ thơ, náo nức hay sung sướng, thì có gì ngại phô
bày? Ông Thánh Thán hể hả la lối om sòm khi gặp bất cứ niềm vui cỏn con nào,
sao ta lại dè dặt vì niềm vui sáng tác? Năm 1950, ngày 13 tháng 3, Nhất Linh
viết xong chương XII của bộ Xóm Cầu Mới. Bốn mươi hôm sau, ông ghi lên bản thảo
mấy chữ: “Sáng 23-4 đọc lại: I am satisfied with me.” Câu Anh văn ấy, nếu dịch
ra giọng Thánh Thán thì là: “Bất diệc lạc hồ”. Cùng câu ấy, nếu đem ra diễn nôm
theo giọng bình dân Nam bộ sẽ thành ra: “Tôi khoái tôi quá chời!” chứ còn gì
nữa? Tự nhiên thôi.
Nhất Linh nhiều lần nói đến cái sung sướng ở kẻ khác. Cô Mùi là một
trong mấy “cục cưng” của Nhất Linh. Ông thấu hiểu hết ruột gan của cô gái ấy.
Lúc cô ta bắt gặp mấy chữ trong bức thư của Siêu bộc lộ tình yêu, Mùi bị một
“cái sung sướng đột ngột nó như từ ở một nơi xa nào ùa vào tràn ngập cả tâm
hồn”. Nỗi sung sướng còn phát ra... mùi thơm! “Trong gió thoảng mùi lúa chín
thơm và nỗi sung sướng của nàng, Mùi thấy cũng thơm như mùi lúa.” (5)
Tôi tưởng tượng ngày 12 tháng 3 năm Tân Sửu lúc 11 giờ, khi cái ý về
cuốn truyện Hai con mắt vụt thoáng qua trí Nhất Linh và ông cũng “vụt” ghi ngay
lên giấy sự việc ấy; lại tưởng tượng lúc 1 giờ 30 phút trưa ngày 16 tháng 10
năm 1949 ở chỗ “trên núi” tại Hương Cảng khi ông ghi mấy lời vào trang đầu bản
thảo Xóm Cầu Mới, thì hẳn là nỗi sung sướng trong lòng ông cũng đột ngột thơm
lên chăng?
Ở đời lắm kẻ bảo mình có duyên tiền định đối với chữ nghĩa, không sao
rời được văn thơ; tuy vậy gặp được một chứng cứ viết lách hào hứng mê say như
Nhất Linh không dễ đâu.
Trong trường hợp ông, chứng cứ là bộ Xóm Cầu Mới. Khi bắt đầu đăng báo,
tác giả viết “Mấy lời nói đầu”, cho biết bộ trường giang tiểu thuyết ấy dài gần
vạn trang, hiện đã thảo sáu cuốn, mong sẽ viết độ hai chục cuốn nữa, trong đó
có truyện dày tới nghìn trang, có truyện hai ba trăm trang (6). Dự định
một vạn trang sách rồi không thực hiện được. Mười năm sau khi tác giả qua đời,
bộ Xóm Cầu Mới được ấn hành làm hai cuốn, dày 713 trang.
Chừng ấy trang sách đâu phải thảo ra một hơi là xong. Xóm Cầu Mới lần
đầu viết năm 1940 tại Hà Nội; lần thứ hai năm 1943 tại Quảng Châu (Trung Hoa),
lần thứ ba năm 1949 tại Hương Cảng (Trung Hoa), lần thứ tư năm 1951 tại Hà Nội,
lần thứ năm năm 1957 tại Fim Nôm (Ðà Lạt) (7).
Trong lịch sử văn học ở nước ta có được bao nhiêu câu chuyện viết văn
làm thơ mà năm lần bẩy lượt như vậy? Ðến lần thứ năm, cái viết vẫn còn đầy hứng
thú. Cứ trông tấm hình kỷ niệm và dòng chữ bên dưới thì biết.
Ðến đây có lẽ nên dừng lại chút xíu trước một chi tiết: Từ 1940 đến 1957
là 17 năm. Chừng ấy thời gian cho một pho truyện: lâu quá. Thật ra Xóm Cầu Mới
là một chứng cớ mê say của Nhất Linh, không phải một chứng cớ viết chậm.
Chúng ta đã biết tác giả có ghi trên bản thảo Giòng sông Thanh Thủy rằng
bộ truyện này bắt đầu ngày 28-11-60, viết xong ngày 28-1-61: Hai tháng. Bộ
truyện gồm ba cuốn: cuốn đầu (Ba người bộ hành) dày 192 trang, cuốn sau (Chi bộ
hai người) 135 trang, cuốn chót (Vọng quốc) 147 trang. Non năm trăm trang sách
ấy viết trong một hoàn cảnh đặc biệt: Trước khi Nhất Linh bắt đầu bộ sách 17
hôm là ngày xảy ra chính biến 11-11-60. Truyền đơn Mặt trận Quốc Dân Ðoàn Kết
do ba nhân vật đứng tên: Phan Khắc Sửu, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Tam. Mặt
trận thất bại, Nhất Linh bỏ nhà trốn lánh, hơn một năm trời nay đây mai đó, gia
đình không rõ tung tích.
Xóm Cầu Mới là sách viết chạy, Giòng sông Thanh Thủy là sách
viết chui. Tình cảnh cùng gian truân cả. Cuốn sách viết nhanh lại là cuốn được
tác giả thích ý. Ông ước mong sách được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Trên
trang đầu của bản thảo, ngoài bốn chữ Giòng sông Thanh Thủy ông
còn tự mình dịch sẵn nhan sách ấy ra ba thứ tiếng khác: Thanh Thủy hà (chữ
Hán), La rivière claire (Pháp) và Limpid water river hay Clear
water river, hay Clear river (Anh).
Eudora Welty là một tiểu thuyết gia Hoa Kỳ đồng thời với Nhất Linh; bà
vừa mới qua đời. Ngày nhỏ, bé Eudora chưa viết được truyện (dĩ nhiên!), chỉ ham
nghe kể truyện, nghe mê mẩn. Lớn lên, khi được bảo cho biết rằng truyện là do
có kẻ viết ra chứ không phải tự nhiên sinh ra như cỏ dại, bà kinh hãi và thất
vọng quá chừng.
Bà Welty ấy nếu được biết luôn đến trường hợp viết truyện của Nhất Linh
- viết đi viết lại, viết chụp giựt trong cảnh trốn lén - thì bà còn hồn vía còn
bụng dạ nào dám viết tiểu thuyết nữa!
Nỗi khổ
Nhất Linh, hễ cứ viết là ông thấy vui sướng. Như vậy ông phải là kẻ sung
sướng nhất đời, sung sướng không ai can nổi.
Ðòi có nhà lầu xe hơi tiền muôn bạc triệu mới thấy sướng, đòi có quyền
cao chức trọng mới thấy vui thì khó. Chứ đối với người chỉ cần một gian nhà nhỏ
bên suối, với cơm ba bữa mỗi ngày, một cái võng, một ống tiêu, với một cây bút,
thì họa chăng có ông Tần Thủy Hoàng sống dậy mới bắt người ấy khổ được thôi.
Ngoài ra, ai bắt được?
Ấy vậy mà Nhất Linh rất khổ. Trong văn giới xưa nay hiếm ai khổ bằng ông.
Hoàng Xuân Hãn lần đầu biết Nguyễn Tường Tam vào dịp hai vị cùng tham dự
vào phái đoàn Việt Nam trong cuộc họp với Pháp ở hội nghị Ðà Lạt. Bấy giờ - năm
1946 - Nguyễn Tường Tam là bộ trưởng bộ Ngoại Giao, chủ tịch phái đoàn Việt Nam
(Võ Nguyên Giáp là phó trưởng đoàn). Nhận xét về phong độ Nguyễn Tường Tam, ông
Hoàng Xuân Hãn viết: “Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chàng, trong buổi xã giao hội
họp với kẻ chức trách, hoặc phái viên Pháp, ảnh đã có thái độ cử chỉ đoan
nghiêm và đúng mức, không làm thẹn chức vụ bộ trưởng Ngoại Giao và chủ tịch
phái đoàn Việt Nam” (8). Về ngoại dạng, ông chú ý đến “đôi mắt to nhưng ra vẻ mệt nhọc hay
chán chường”.
Trong năm 1946 Nguyễn Tường Tam rời Việt Nam sang Trung Hoa ở cho đến
1951. Tình trạng tệ hơn. Ông Nguyễn Tường Bách nhận xét: “Anh Tam hồi ấy có lẽ
vì mệt mỏi nên mắc bệnh suy nhược thần kinh. Mọi người chủ trương anh phải tịnh
dưỡng một thời gian, không nên tham gia những hoạt động có thể đưa lại những
kích thích quá mạnh” (9).
Năm 1954, Nguyễn Ngu Í đến gặp Nhất Linh để thực hiện một cuộc phỏng
vấn, ở Sài Gòn. Nhớ lại bức ảnh in trong một cuốn sách Ðời Nay trước kia, so
với ông Nhất Linh bây giờ trước mặt mình, Ngu Í “bùi ngùi vô hạn”. “Anh dường
như yếu nhiều, và chẳng những tay anh hơi run, mà phía dưới hai gò má anh cũng
giựt lia, giọng anh liu líu, hơi nói chẳng được dài. Và cả người anh một cái gì
mệt mỏi, chán chường.” (10) Run rẩy, giựt lia, liu líu v.v...: Bùi ngùi vô hạn là phải.
Các vị trên đây dẫu sao chỉ ghi nhận cảm tưởng qua các cuộc gặp gỡ.
Người con trai út của Nhất Linh - anh Nguyễn Tường Thiết - từng sống bên cạnh
cha một thời gian dài sau 1951 đã biết thêm những điều thầm kín đau đớn. Tháng
4-1951, Nhất Linh với anh là Nguyễn Tường Thụy vào ở Sài Gòn. Anh em cùng ở một
nhà. Nguyễn Tường Thiết kể: “Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. Những
khi giật mình thức giấc nửa đêm tôi thường thấy, qua khe cửa, đèn trong phòng
ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì có tiếng khóc trong
phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ
chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau (...). Sau này tôi biết ông đã khóc âm thầm nhiều
đêm vào những dịp khác. Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ
tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ
của tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ.
Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc
ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm.” (11)
Năm 1954 Nhất Linh sang Pháp chữa bệnh. Từ Pháp về, sống ở khu phố chợ
An Ðông ít lâu, rồi ông lên Ðà Lạt ở luôn mấy năm. Vẫn theo lời Nguyễn Tường
Thiết thì dạo này ông khỏe mạnh.
Tuy vậy cái khóc của Nhất Linh thì vẫn còn.
Sau 1975, cùng sống với nhau ở tiểu bang Minnesota (Hoa Kỳ) vài năm, tôi
được nghe ông Vũ Khắc Khoan nhắc đến một kỷ niệm về Nhất Linh: Một buổi chiều ở
Sài Gòn ông Vũ có dịp ngồi nói chuyện với Nhất Linh, trong phòng chỉ có hai
người. Bấy giờ là đầu thập niên 1960, Sài Gòn xôn xao không khí chính biến. Ông
Vũ tỏ ý lo ngại tới sự an toàn của Nguyễn Tường Tam. Ông Nguyễn bảo rằng thực
ra lúc này ông không trực tiếp hoạt động chính trị, chẳng qua bạn bè và đồng
chí cũ có điều gì hỏi đến thì ông góp ý thôi. Ông Vũ nói mình biết có những
người hoặc bị tù tội hoặc đã hi sinh tính mạng vì sự tin tưởng vào ông (Nguyễn)
đấy. Không nghe đáp lại. Lát sau, ông Vũ quay nhìn, thấy ông Nguyễn đang khóc
lặng lẽ.
Niềm đau khổ âm thầm của Nhất Linh, trước kia người thân trong gia đình
không thấu hiểu nguyên do. Về sau, nguyên do tự hé lộ: gốc nguồn là từ những
hoạt động chính trị.
Năm 1946 tại hội nghị Ðà Lạt, một hôm Nhất Linh ốm, nằm trong phòng,
Hoàng Xuân Hãn đến thăm, trò chuyện. Nhất Linh bảo: “Những việc chính trị, thôi
để các anh làm. Còn tôi thì về với văn hóa mà thôi.” (12) Ðộ mười
năm sau, khi sống tại Ðà Lạt, có hôm bỗng nhiên ông buột miệng nói ra và Nguyễn
Tường Thiết ghi nhớ: “có một lần hiếm hoi ông đã tiết lộ với chúng tôi là thời
gian khổ sở nhất trong cuộc đời của ông là lúc ông đảm nhận chức vụ bộ trưởng
bộ Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp.” (13)
Với Hoàng Xuân Hãn, Nhất Linh bảo anh làm chính trị tôi làm văn hóa
thôi. Sau đó, chính Hoàng Xuân Hãn về với văn hóa mà Nhất Linh lại dây dưa dính
mãi vào chính trị. Với con, Nhất Linh bảo ông khổ nhất là lúc làm bộ trưởng.
Sau đó cái khổ nhất lại đến với ông lúc ông đứng ngoài chính quyền, không còn
giữ một chức vụ gì cả. Khổ nhất hẳn là việc tự hủy mình.
Văn nghệ với chính trị là hai yếu tố chính trong đời Nhất Linh. Ngày
7-7-1963, vào khoảng 4 giờ chiều ông uống thuốc độc thì 11 giờ trưa trong lúc
cha con trò chuyện lần sau cùng, Nguyễn Tường Thiết (không biết đến ý định
quyết liệt của cha) đã gợi ý ông viết hồi ký; ông bảo chuyện ấy ông có nghĩ tới
hồi 1958 ở Ðà Lạt: “Cậu dự tính viết ba quyển: cuộc đời làm báo và viết văn của
Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu viết
về hoa phong lan. Nhưng về đây cậu bận vì tờ Văn Hóa Ngày Nay nên chỉ viết được
cuốn Viết và Ðọc tiểu thuyết, sau đó lại dính vào những rắc rối chính trị,
không có tâm đâu mà viết (...) Chuyện chính trị nhiều khi cái không khí nó bắt
buộc mình phải tham gia, như cái tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu
không đứng ra làm việc nước thì trong lòng áy náy chẳng làm được chuyện gì
khác. Nhiều khi người ta bị đẩy tới guồng máy hoạt động một cách rất giản dị
không ngờ, rồi như những bánh xe ăn khớp nhau, họ bị đẩy dần vào vòng trách
nhiệm. Ngay cả hồi chơi hoa phong lan ở Ðà Lạt, cậu vẫn thấy mình không thể
đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động lại ở Sài Gòn. Chính vì
thế làm chính trị lúc tiến thì dễ lúc rút thì khó.” (14)
Cách cái chết năm tiếng đồng hồ, Nhất Linh tóm tắt đời mình vào ba việc,
trong đó phong lan là cái chơi, hai việc kia là cái làm: văn chương và chính
trị. Một bên là niềm vui, một bên là nỗi khổ. Một bên muốn tiếp tục mà không
được, một bên muốn rút lui lại không khỏi. Một bên đưa tới bộ Xóm Cầu
Mới, một bên đưa tới bộ Giòng sông Thanh Thủy, hai tác
phẩm cuối cùng của ông.
Xin trở lại mấy trang bản thảo.
Năm 1958, khi cho đăng Xóm Cầu Mới trên báo, tác giả
viết “Mấy lời nói đầu”, trong đó có câu: “Cứ đọc những truyện dài trên kia, các
bạn cũng đã lĩnh hội được phần nào cái ý chính của toàn bộ, nghĩa là không có ý
chính gì cả ngoài cái ý tả cuộc đời về đủ mọi mặt.” (15)
Sau đó, viết Giòng sông Thanh Thủy, Nhất Linh lại lấy làm
quan trọng về cái ý truyện. “Sau đó”, tức ba năm sau: ngày 10 tháng 1 năm 1961.
Hôm ấy ông đắn đo suy đi nghĩ lại, ông viết “ý truyện” một lần thứ nhất, rồi
không vừa ý, ông gạch bỏ đi, lại viết “ý truyện” một lần thứ hai. Lúc ấy là 5
giờ sáng. Lần trước gạch bỏ bằng bút mực đen, xong lại gạch nữa bằng bút chì
đỏ. Lần sau chỉ có nét gạch bằng bút chì đỏ thôi. Ðến khi sách xuất bản, cả hai
đoạn ý đều không được in ra.
“Ý truyện”, viết đi viết lại nội dung gần như nhau. Xin lấy bản viết
sau: “Mỗi người đều có một “kiếp” (karma); mọi hành động đều do những
sức ngấm ngầm trong bản thân thúc đẩy. Cuộc đời mình đi vào con đường nào đều
do sức thúc đẩy mà mình không tự biết ấy tuy mình vẫn tưởng là chính mình tự
chọn. Khi đã đi vào con đường ấy, mình bị một “guồng máy vô hình” lôi cuốn, khó
lòng thoát khỏi, chỉ việc noi theo, không nhận định được đâu là xấu đâu là tốt,
đâu là sự thực đâu là sai lầm.”
Mặc dù “ý truyện” không được in vào sách, ý truyện vẫn hiển lộ rõ ràng
trong Giòng sông Thanh Thủy (Có lẽ chính vì sự hiển lộ quá rõ,
quá đầy đủ trong truyện mà nó không cần được tách ra nêu ở đầu sách). Những ý
tưởng (và cả từ ngữ) như kiếp, karma, xấu tốt đúng sai khó phân, guồng máy...
đều có mặt trong truyện nhiều lần. Chữ “guồng máy” được nhắc đến khoảng ba chục
lần. Ở “ý truyện”, guồng máy chỉ lôi cuốn thôi, trong pho truyện guồng máy còn
hung tợn hơn: nó là guồng máy khốc liệt (trang 55, cuốn III), nó kẹp nát nhừ
(trang 145, cuốn I), nó nghiền nát (trang 12, cuốn II)...
Người đọc có cảm tưởng sau Xóm Cầu Mới Nhất Linh bị họa
chính trị ám ảnh nặng. Nó uy hiếp cái viết của ông.
Sau vài chục năm viết truyện, Nhất Linh dần dần tìm ra, dựng nên, một lý
thuyết về tiểu thuyết. Bướm trắng (1939) được viết theo một
quan niệm mới, khác các cuốn trước. Ðến năm 1942 ông bắt đầu viết hẳn ra một
cuốn sách về các nguyên tắc hướng dẫn cách đọc và viết tiểu thuyết. Công trình
sáng tác qui mô mà ông dự định bấy giờ được căn cứ trên những nguyên tắc
ấy: Xóm Cầu Mới sẽ không có ý chính gì cả: trong hàng vạn
trang sách sẽ chỉ có cuộc đời với nhân vật được mô tả cặn kẽ, thật đúng, thật
sống động.
Dự định Xóm Cầu Mới vừa thực hiện non một phần mười thì
ý truyện Giòng sông Thanh Thủy tràn tới, choáng hết tâm tư đầu
óc ông. Ở đây có hẳn một ý chính, một quan niệm nhân sinh: mỗi người một kiếp,
sức ngầm thúc đẩy, guồng máy lôi cuốn không thoát nổi, xấu tốt đúng sai không
nhận định được...
Tư tưởng chỉ đạo ấy ám ảnh tác giả, khống chế tác phẩm. Giòng
sông Thanh Thủy ba cuốn (Ba người bộ hành, Chi bộ hai người, Vọng
quốc) vừa xong, ý truyện Hai con mắt lại vụt đến. Cuốn sau
này chưa viết được bao nhiêu, nhưng ở mấy trang bản thảo đầu đã thấy Thanh và
Ngọc: câu chuyện của các nhân vật Giòng sông Thanh Thủy được
tiếp tục.
Cuốn Viết và Ðọc tiểu thuyết viết từ 1952 đến 1960,
bộ Xóm Cầu Mới viết lại rồi cho in lên báo năm 1958. Ðến giai
đoạn này Nhất Linh vẫn giữ một quan niệm. Theo quan niệm ấy, tiểu thuyết muốn
viết về gì cũng được: xã hội, luận đề, trinh thám, ái tình, luân lý, tình cảm,
triết lý... Ðược tất. Nhưng trước hết phải lo viết cho hay. Viết hay là tả đúng
các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống, tìm cho nhiều
chi tiết về người và việc để tạo được những nhân vật sống động.
Sau giai đoạn nói trên, ở những tác phẩm viết sau 1960 người đọc có cảm
tưởng luận đề nó xông vào ám ảnh tác giả, làm chủ tác phẩm. Người viết luôn
nghĩ tới cái nghiệp của nhân vật này nhân vật nọ, cái guồng máy nó lôi cuốn anh
này chị kia. Luận đề lại đóng vai trò lớn; biện giải, chứng minh, thành mối bận
tâm lớn. Người làm chính trị khổ sở quay ra quấy phá người làm văn nghệ, quấy
mạnh.
Nhất Linh gọi tên thủ phạm là cái guồng máy, tôi ngờ không hẳn vậy.
Không chừng thủ phạm chính thị là...nạn nhân thôi. Ông vui sướng do tài năng,
ông vừa viết vừa vui: đó là một phương diện của Nhất Linh. Về một phương diện
khác, ông vừa làm vừa khổ, càng làm càng khổ: làm đây là làm chính trị, cái làm
không thoát ra nổi.
Sự thực máy nó cuốn ông cách nào? Tôi nghĩ những lời ông thốt ra với con
sát kề cái chết của mình là những lời tâm can, rất mực chân thành: “như cái
tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu không đứng ra làm việc nước thì
trong lòng áy náy chẳng làm được chuyện gì khác.” Rồi máy nó cuốn vào, vì sao
mà ông không rút mình ra được? - “Ngay cả hồi chơi hoa phong lan ở Ðà Lạt, cậu
vẫn thấy mình không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động
lại...” Nói cách khác, ấy cũng tại vì lòng ông lại “áy náy”.
Trong đời Nhất Linh đã xẩy ra nhiều chuyện phù hợp với những lời thốt ra
cuối đời ấy. Chẳng hạn chuyện ông thi vào trường Mỹ Thuật, đậu đầu, mà học
chẳng bao lâu lại bỏ học vẽ. Ba chục năm sau, Nguyễn Ngu Í hỏi lý do, Nhất Linh
cho biết vì khi mang giá, cọ, màu về quê, thấy đời sống thôn quê khổ quá, tối
tăm quá, cần phải làm gì giúp họ. Giá, cọ, mầu không giúp kiến hiệu bằng báo
chí. - Ấy là áy náy chứ còn gì nữa. (16)
Lại chẳng hạn những tiếng khóc đêm đêm trong phòng riêng tại nhà người
anh, tiếng khóc một chiều trước mặt Vũ Khắc Khoan... Ấy cũng do áy náy thôi.
Còn vượt xa hơn sự áy náy.
Nhất Linh không thể không làm cái này, không thể rút lui khỏi việc kia,
là do lòng ông cả, do cái tâm của ông cả. E không vì máy móc nào. Trong hoàn
cảnh Pháp thuộc ông không đành lòng vui với cái vẽ cái viết; nhưng đâu phải
xung quanh ông ai nấy đều bị máy nó hút cả? Hoạt động đã suy nhược người ra, đã
lâm bệnh, mà ông không thể tự tách ra ngoài vòng trách nhiệm; nhưng đâu phải
bấy giờ thiếu kẻ trùm chăn kín mít “cao thượng” quá trời, hay lánh ra nước
ngoài thần trí thảnh thơi quá cỡ.
Ở Nhất Linh, chẳng qua cái tâm nó gây lụy cho cái tài. Chính ông hại
ông, gỡ sao cho khỏi.
Một lần nọ tôi có dịp biết câu chuyện đã xảy ra cho anh Nguyễn Tường
Thiết cách đây khoảng bốn mươi năm. Anh thi tú tài, vào khẩu vấn, môn Việt văn.
Ông giáo sư xem thẻ học sinh, cho anh thí sinh họ Nguyễn Tường được chọn nói về
tiểu sử một trong các nhà văn của Tự Lực Văn Ðoàn. Bạn tôi chọn ngay Nhất Linh.
Rồi anh tịt luôn, không nói được câu nào. Nói theo sách? Thì anh có học tiểu sử
Nhất Linh trong sách giáo khoa bao giờ đâu? Còn kể lể về những kỷ niệm của đời
sống gia đình thân mật giữa không khí cuộc vấn đáp ở trường thi thì kỳ cục quá.
Giả sử có cuộc khẩu vấn về tiểu sử mỗi người trước cửa thiên đình, chắc
Nhất Linh - chính ông - lẫn lộn trong đám nhân vật lao nhao của mình, sẽ ấp úng
than thở về nỗi kẹt máy liên miên, đến tàn đời. Các phán quan nhà Trời không
thể không có cảm tình đối với một phát biểu khiêm tốn như thế. Nhưng chuyện ấy
rối rắm, các ngài hẳn lấy làm khó tin.
Còn như bảo Nhất Linh chính bị mắc kẹt ngay vào cái tâm của mình, thì éo
le quá. Nói vậy được sao?
Nói về Nhất Linh, bất giác nghĩ tới một tiểu thuyết gia khác, của Tây
phương, hồi thế kỷ trước.
Mùa hè năm 1836 cậu bé Gustave Flaubert, bấy giờ 15 tuổi, tình cờ gặp bà
Schlésinger. Hình ảnh người thiếu phụ ấy ám ảnh cậu ta mãi. Bà Arnoux - một
nhân vật chính trong Giáo dục tình cảm (L’éducation sentimentale) -
là biến dạng của bà Schlésinger. Năm 1843 Flaubert bắt đầu viết cuốn Giáo
dục tình cảm, bản thứ nhất. Năm 1845, truyện viết xong, cất đấy. Nhưng G.
Flaubert thì chưa thoát khỏi sự ám ảnh của đề tài này. Ông tiếp tục đào sâu,
thu thập tài liệu, đọc sách dữ dội, tích tụ những quan sát, ghi chép hàng ngày.
Tháng 9-1864 ông khởi công viết một cuốn Giáo dục tình cảm khác.
Ngày 15 tháng 5 năm 1869, lúc 8 giờ sáng, ông ngồi vào bàn, viết luôn một mạch
tới 5 giờ kém 4 phút sáng hôm sau, tức ngày 16-5-1869, thì xong tác phẩm. Sách
được xuất bản ngay cuối năm ấy: kể từ ngày bắt đầu viết nó là năm năm, kể từ
khi bắt đầu viết cuốn Giáo dục tình cảm thứ nhất (1843) là hăm
sáu năm, kể từ ngày gặp Schlésinger phu nhân (1836) tức ngày đề tài được “thai
nghén”, ôm ấp, là ba mươi ba năm. (Bản viết xong năm 1845, tác giả bỏ qua luôn;
mãi ba chục năm sau khi ông qua đời mới có người cho in). Cuốn Giáo dục
tình cảm bản chính thức được ấn hành trong lúc sinh thời thì mỗi lần
tái bản đều có sửa chữa thêm bớt liên miên. Ngay ở ấn bản cuối cùng trước khi
G. Flaubert từ trần vẫn còn thấy nhiều ghi chú tu chỉnh của ông, chuẩn bị dành
cho kỳ in tới: những chuẩn bị dở dang.
Từ nhân vật này nghĩ sang nhân vật nọ, không phải do một so sánh nào.
Giả sử có thấy kẻ này xem ra say mê hơn người kia, tận tụy hơn, làm việc hết
mình hơn v.v..., thì cũng không thể kết luận giản dị và dứt khoát. Hoàn cảnh
mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, tình hình xứ sở mỗi nước mỗi khác, người
cầm bút đâu có thể cùng một cách thế như nhau được. Muốn so sánh, họa chăng chỉ
có thể nhặt nhạnh nêu lên một số sự kiện cụ thể thôi.
Chẳng hạn về việc sửa chữa của G. Flaubert. Hồi truyện viết xong, tác
giả có đưa bản thảo cho Maxime Du Camp xem. Ông bạn này nêu ra 251 chỗ góp ý.
Ðối chiếu với bản in, thấy có chỗ Flaubert nghe theo, có chỗ ông bỏ qua. Theo
dõi từng phản ứng có thể nhận ra lắm điều lý thú trong thái độ, trong quan niệm
viết của ông.
Ba mươi năm sau khi G. Flaubert qua đời, D. L. Dumorest kiểm điểm và
thấy qua các bản in cuốn Giáo dục tình cảm có cả thảy 495 chỗ
sửa chữa. Có người cho rằng con số ấy còn thiếu sót. Dầu sao cái quan trọng
không ở số lượng sửa chữa mà ở nơi xu hướng sửa chữa: Flaubert thêm vào 11 chỗ,
lại bớt đi 420 chỗ; ông bỏ đi 125 chữ mais (nhưng mà), 39 chữ alors
(bấy giờ), 32 chữ et (và), 31 chữ puis (rồi
thì) v.v... Suy nghĩ về những chỗ con con như thế, có thể nhận ra đặc điểm của
một văn phong; rồi không chừng phân tích những thêm bớt, chọn lựa nọ có thể
thấy chúng hàm chứa một xu hướng đưa tới các diễn biến mới trong quan niệm tiểu
thuyết v.v. và v.v... Ðây đó không phải có kẻ từng cho rằng G. Flaubert đã báo
hiệu phong trào tiểu-thuyết-mới sao?
Nhất Linh ra đi đã bốn mươi năm.
Ở đây không có ý so sánh người này với người nọ, nhưng tránh sao khỏi sự
nghĩ ngợi về thái độ của mỗi tập thể văn giới đối với mỗi văn nhân, về thái độ
mỗi thể chế chính trị đối với văn nghệ. Sau bốn mươi năm, sách của Nhất Linh có
lúc bị cấm đoán chê bai, có lúc được cho phép xuất hiện. Nhưng xuất hiện giới
hạn, từng phần. (Hiện nay ở trong nước phần được in sau 1945 vẫn bị chôn).
Còn khối bản thảo của Nhất Linh mà bảo rằng đã được đọc, được nhận xét
thì... Tôi thấy việc làm của mình chỉ là khều vào, chứ đã xem xét suy cứu gì
đâu. Thật nhảm nhí, hài hước. Cho nên ở đầu bài viết đã có lời phân bua, đến
cuối bài vẫn còn “áy náy”, lại kè nhè. Tôi mơ ước: Giá có ai đọc kỹ, đọc thực
sự...
Võ Phiến
(Tháng 8 – 2001)
Chú thích
1. Hay ngày 20-5-52? Chúng tôi không đọc được (V.P.)
2. Nguyễn Tường Thiết, “Nhất Linh, cha
tôi”. Bài viết ở Sài Gòn, trước 1975, đăng lại trên tạp chí Văn Học Nghệ Thuật,
California, Hoa Kỳ, bộ mới, số 3, tháng 7-1985.
3. Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật số đã dẫn.
Sự thực về ngày chụp ảnh; đây không phải là ngày khai bút, mà là ngày bắt đầu
viết lại lần thứ 5 cuốn Xóm Cầu Mới (Theo “Lời nhà xuất bản” Phượng Giang ở
cuối quyển II bộ sách này, trong bản in lần đầu ở Sài Gòn).
4. Theo thơ của bà Nguyễn Thị Vinh viết ngày 2-6-2001.
5. Xóm Cầu Mới, Xuân Thu tái bản ở Hoa Kỳ, trang 17
6. Tạp chí Văn Hóa Ngày Nay, Sài Gòn, số 1, ngày 17-6-1958
7. “Lời nhà xuất bản”, trong bộ Xóm Cầu Mới, Phượng Giang xuất bản ở Sài
Gòn
8. Hoàng Xuân Hãn, Một vài kí vãng về Hội nghị Ðà Lạt (Trích tập san Sử
Ðịa số 23 và 24) Sài Gòn 1971. Tái bản tại Pháp do AVAC, năm 1987, trang 44.
9. Nguyễn Tường Bách, Việt Nam, những ngày lịch sử, 1981
10. Nguyễn Ngu Í, Sống và viết, Ngèi xanh xuất bản, Sài Gòn, 1966.
11. Nguyễn Tường Thiết, “Nhất Linh, cha tôi”, trong Văn Học Nghệ Thuật ,
tạp chí xuất bản ở Hoa Kỳ, bộ mới số 3, tháng 7-1985.
12. Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, trang 59.
13. Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, số đã dẫn, trang 295.
14. Nguyễn Tường Thiết, “Nhất Linh, những giờ phút cuối”, bài báo đăng lại
trên tạp chí Ngày Nay, Texas, Hoa kỳ, số 28, tháng 6-1983.
15. Tạp chí Văn Hóa Ngày Nay, tập I, ra ngày 17-6-1958, tại Sài Gòn.