Quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vào tháng Chín, sau khi
đánh đuổi chính quyền Taliban ra khỏi thủ đô Kabul cuối năm 2001. Các chính phủ
Mỹ giúp xây dựng chế độ dân chủ ở Afghanistan. Nhưng quân Taliban không tan rã
mà ngày càng mạnh hơn. Quân Mỹ sắp rút đi, nước Afghanistan chưa biết số phận sẽ
ra sao.
Nhưng trong gần 20 năm qua, xã hội Afghanistan thay đổi. Thành phố Kabul đã lên tới 6 triệu dân, với các cao ốc, những khu thương mại, các quán cà phê, rạp chiếu bóng và nhà tập thể thao. Điện ảnh, âm nhạc, truyền hình đã bùng phát. Thanh niên sống lối mới, khác hẳn chủ trương Hồi Giáo cực đoan thời Taliban. Nhiều phụ nữ đã bỏ khăn che kín mặt, khi ra đường không cần đàn ông đi kèm; con gái cũng được đi học. Họ dùng Facebook và Instagram, coi các phim ảnh, chương trình văn nghệ, nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng mới như thanh niên khắp thế giới. Các đại học công và tư nở rộ ở thủ đô Kabul, hàng trăm ngàn sinh viên đã tốt nghiệp. Đại học American University of Afghanistan mở lớp đầu năm 2006 với 51 sinh viên, trong đó chỉ có một cô gái. Quân Taliban đặt bom phá đại học này năm 2016. Năm 2021, nữ sinh viên chiếm 40% trong số 250 người tốt nghiệp.
Quân Taliban sẽ chấm dứt lối sống “mới” này. Người dân Kabul
có tiền đang lo mua chiếu khán, visa, qua các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, U.A.E.,
Uzbekistan và Tajikistan. Nhật báo The Wall Street Journal kể chuyện một nữ diễn
viên điện ảnh nổi tiếng 24 tuổi đang đi Australia thăm người chị nghe bà mẹ van
nài “Con đừng về!” Một nữ nhạc sĩ 26 tuổi đã từng đi trình diễn 10 lần ở các nước
Nam Hàn, Đức và Trung Quốc, đang không biết số phận mình sẽ ra sao. Vì trong chế
độ Taliban con gái không được học đàn, không được dậy đàn.
Chúng ta có thể tin rằng những người Afghanistan lớn lên
trong cuộc sống tự do sẽ không thể nào quên được! Họ sẽ nhớ những kỷ niệm của
quãng đời 20 năm ngắn ngủi mãi mãi. Cũng giống các công dân Việt Nam Cộng Hòa
sau năm 1975 nuối tiếc cuộc sống cũ! Khi bị cường quyền áp chế, người ta mới biết
quý hai chữ “Tự Do” dù tự do giới hạn!
Nhưng không phải chỉ những người Việt ở miền Nam mới tiếc nuối
nếp sống trước khi bị “giải phóng,” mà nhiều đồng bào miền Bắc cũng tiếc giùm!
Việt Nam khác Afghanistan ở điểm này! Đám quân Taliban sẽ không thích, không chấp
nhận đám thanh niên lớn lên trong tự do dân chủ. Ở Việt Nam thì khác. Ngay sau
năm 1975, nhiều người dân miền Bắc vào trong Nam, ngoài những ngạc nhiên về tiến
bộ kinh tế, họ còn nhận thấy cuộc sống tương đối dân chủ, tự do tạo nên những kết
quả tốt đẹp trong văn hóa, trong đạo đức mà họ không thấy dưới chế độ cộng sản.
Các nhà văn từ Dương Thu Hương tới Trần Đĩnh đã làm chứng điều
này. Vào Sài Gòn, Trần Đĩnh có lúc sững người khi thấy cảnh đám tang đi qua mà
có người đi đường đã dừng lại, bỏ mũ, cúi đầu ! Phép lễ độ bình thường đó đã biến
mất ở miền Bắc không biết từ bao giờ!
Cho tới 45 năm sau, vẫn còn có nhà văn suy nghĩ về cung cách
ứng xử của một thi sĩ miền Nam, để nhìn nhận rằng những công dân Việt Nam Cộng
Hòa “Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta.”
Ông Vương Trí Nhàn đã thổ lộ điều này khi đọc bài thơ “Ta Về”
của Tô Thùy Yên mà ông biết rất nhiều người thú nhận đã đọc lên rồi thì không
ngưng được. Ông viết bài “Từng Có Một Nơi Hoàn Cảnh Không Thể Làm Hỏng Con Người”
ngày 6 tháng 6, 2020, một năm sau khi nhà thơ qua đời ở Texas, nước Mỹ.
Năm 1975, nhà thơ Tô Thùy Yên bị đi “tù cải tạo” như mọi sĩ
quan Việt Nam Cộng Hòa khác. Được ra tù năm 1985, nhà thơ kể lể tâm sự trong
bài thơ dài “Ta Về.” Vương Trí Nhàn thấy bài thơ “nó cho ta thấy cái cao thượng
của những con người bị rơi vào hoàn cảnh bên thua cuộc và sau đó là tù đày cực
khổ mà vẫn giữ được lòng mình trầm tĩnh,”…
Chắc Vương Trí Nhàn nhớ đến những câu thơ trầm tĩnh, khiêm
cung như:
“Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi”
Vương Trí Nhàn cảm phục thi sĩ, “… con người trong cảnh khốn
cùng tuyệt đối không thấy bộc lộ ra một chút nào gọi là oán thù căm giận trách
móc. Thay vào đó là sự tin yêu trầm lắng mà lại dai dẳng ...”
Con người đó là một tù binh đã chịu 10 năm đầy đọa,
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ
Nhưng vẫn giữ được lòng tin yêu hồn hậu
“Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay”
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này”
Vương Trí Nhàn thổ lộ, “…trong những năm chiến tranh, nhiều
người ở miền bắc chúng tôi thường tự nhủ rằng mình đã đi đến tận cùng của sự
đau khổ; và tự hào là những hoàn cảnh khó khăn không làm gì được mình, trước
sau mình vẫn nguyên vẹn. Hóa ra chúng tôi nhầm…”
Đọc bài thơ “Ta Về,” Vương Trí Nhàn nhớ lại nhiều cuộc tiếp
xúc với con người ở miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng như đọc những
sách nghiên cứu khoa học xã hội xuất bản tại Sài Gòn, ông nhận ra rằng những
người sống ở miền Nam không bị hoàn cảnh chiến tranh làm cho tâm hồn tê cứng,
không sống liều lĩnh bất chấp hậu quả trên người khác. “Tôi hiểu rằng ở xã hội
đó, văn hóa vẫn còn... Cái sức mạnh tinh thần của Tô Thùy Yên... là kết quả của
một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực.”
Từ nhận xét về một bài thơ Tô Thùy Yên, Vương Trí Nhàn so
sánh nền nếp sống của hai miền Nam, Bắc. Ông thấy trong khi ở miền Bắc “Một cái
gì đó rất tốt đẹp đã chết đi trong chúng tôi” thì tại miền Nam “…có những con
người được giáo dục theo kiểu khác, có những niềm tin khác, bị những quy luật
khác chi phối, và nay nhiều người vẫn đứng vững trước mọi biến động để làm ăn
sinh sống rất tử tế.” Ông nêu lên niềm hy vọng, “…trong tình thế ngổn ngang của
cả nước hôm nay những người còn được cái căn bản của con người ấy mới chính là
cái tương lai là niềm hi vọng của cả xã hội.” Ông nói thêm: “Mà điều đó không
phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm
1955-1975.”
Tại sao người dân miền Nam đã “còn được cái căn bản của con
người” khác hẳn các đồng bào miền Bắc như vậy?
Năm 1975 một người bạn tôi từ Sài Gòn về thăm làng cũ ở miền
Bắc. Trở về, anh Nguyễn Văn Lan nhận xét: Hình như không ai còn suy nghĩ bằng
các khái niệm thiện hay ác nữa. Khi làm việc gì, mối quan tâm duy nhất của họ
là có sợ bị công an bắt hay không.
Dân miền Nam may mắn không phải chịu đựng chế độ cộng sản
trong 20 năm. Họ vẫn sống theo nền nếp giáo dục, đạo lý tổ tiên để lại. Nhờ thế
họ vẫn giữ được “cái căn bản của con người” khiến Vương Trí Nhàn cảm động.
Dân Afghanistan chỉ được nếm mùi sống tự do dân chủ trong 20
năm. Chính phủ Mỹ hứa sẽ giúp những thông dịch viên đã cộng tác với họ di tản,
sang nước Mỹ. Không biết trong số đó có bao nhiêu thi sĩ?
Một nhà báo, ông Hamid Haidari đứng đầu ban Tin Tức đài 1TV
đang tự hỏi: Khi quân Taliban chiếm lại Kabul thì chúng tôi sẽ sống thế nào? Có
nên bỏ chạy không? Đi đâu? Làm cách nào đi được? Tháng Giêng năm nay ông bị đe
dọa ám sát, đã chạy qua Ấn Độ, sau ba tháng lại trở về; trong khi các nhân viên
đài truyền hình từ các tỉnh đang chạy về thủ đô lánh nạn. Haidari còn nhớ năm
lên bảy tuổi, 1996, đã chứng kiến cảnh quân Taliban vào chiếm thủ đô. Chúng đi
gõ cửa từng nhà, bắt người, đem ra đường hành quyết.
Chủ nhân đài, ông Fahim Hashimy, đang chuẩn bị đem máy móc
qua một nước khác, Thổ Nhĩ Kỳ hay Uzbekistan. Ông tính sẽ làm một đài truyền
hình “bỏ túi” và “lưu động” để tiếp tục gửi tin tức về trong nước. Sẽ có ngày
dân Afghanistan được coi các chương trình truyền hình đó. Và sẽ có người nhớ lại
cuộc sống cũ, cũng ngậm ngùi như Vương Trí Nhàn, nhận ra “một cái gì đó rất tốt
đẹp đã chết đi trong chúng tôi!
”Không đâu. Những cái gì tốt đẹp sẽ không chết!
Ngô Nhân Dụng