Sự tiến bộ từ cá nhân đến xã hội khó có nếu thiếu những bước
căn bản thuộc phạm vi tri thức như ngạc nhiên, tìm hiểu, so sánh. Và óc con người,
nói kiểu Mỹ, rất có thể không hơn một củ khoai tây nếu không hề biết so sánh.
Nhưng trong so sánh, kết quả thường nói lên tính chất của chính người đưa ra những
so sánh ấy.
Một anh la lớn giữa vườn: “Trời, hoa hồng sáng nay sao đẹp hơn hoa cúc quá vậy ta!”. Người so sánh nhất định có sở hữu một cục… ngớ ngẩn.
Một chị hét vào cái chum: “Mèng đéc ơi, da mặt con nhỏ đó
sao lóng rày đẹp như trứng bóc vậy cà!”. Chịu khó tìm hiểu và xài đúng loại kem
chị đã có thể làm cho “con nhỏ” đó nó cũng phát khùng lên vì chị như chơi. Sự
so sánh của chị, vì thế, đã chẳng những vội vã mà còn hàm chứa cả sự tự ti mặc
cảm.
Một người Mỹ khẳng định: “Một luật sư giỏi là một thằng cha
hàng xóm xấu”. So sánh chứa nhiều kinh nghiệm (lẫn thiên kiến) về giới luật sư.
Nhưng khi bố già Don Corleone dạy con bằng một so sánh khác cũng liên quan tới
cánh luật sư thì nghe lại có vẻ… có lý hơn: “Con ơi, luật sư họ chỉ với cái cặp
táp dưới nách nhưng có thể “nẫng” một món hàng mà cha con mình trang bị súng tới
răng cũng không làm nổi!”.
Mao Trạch Đông là người không bao giờ đánh răng. Sáng ra, với
phong cách rất… vô sản, ông chỉ ngậm miếng nước, đút ngón tay to như quả chuối
mắn vào mồm để chà răng rồi nhổ cái toẹt là xong. Em thiếu nhi quàng khăn đỏ
cũng biết sâu răng là hậu quả tất yếu cho những người giữ vệ sinh răng kiểu ấy.
Mấy lần bị răng sâu hành, sau khi khám ông bị bác sĩ Lý Phục Huy khuyến cáo:
“Chủ tịch phải đánh răng mỗi ngày thôi, không thể tiếp tục như thế này được!”.
Mao đã nổi doá, quát: “Đừng nói thêm một lần nữa. Nhớ là con hổ không bao giờ
đánh răng!”. So sánh như thế thì… hết thuốc chữa.
Tên bà ta: Wafa Sultan.
Tuổi: 47.
Tôn giáo: Hồi giáo.
Quốc tịch: Mỹ.
Nguyên quán: Syria.
Trú quán: Cerritos, California.
Nghề nghiệp: Bác sĩ tâm thần.
Hoàn cảnh gia đình: Chồng, ba con.
Sau này bà kể lại: “Họ bắn nhiều trăm viên đạn vào thầy tôi
trong khi miệng hô lớn: Vì Đấng Allah Cao Cả! Tôi mất tiêu đức tin vào đấng
Allah của họ và bắt đầu đặt câu hỏi vào mọi lời giáo lý của chúng tôi, và việc
này đã dẫn tôi tới quan điểm hiện nay. Tôi đã bỏ đạo Hồi. Tôi đã đi tìm một
Chúa khác”.
Nhưng nếu bà Sultan lặng lẽ đi tìm một Chúa khác thì không
thành chuyện, và bà sẽ chỉ là một bà bác sĩ tâm thần bình thường, khiêm tốn
hành nghề kiếm sống giữa tập thể người Syria tị nạn hoặc di dân trong hạt Los
Angeles, California từ năm 1989. Khổ nỗi sự thật về những trá ngụy của bọn
chuyên nhân danh chính nghĩa để làm điều phi nghĩa đã hành bà chịu không thấu,
vì thế bà đâm nổi tiếng. Và sự nổi tiếng đã khiến bà hiện nay qua mặt cả cụ cựu
Tổng Bush về việc bị thù ghét.
Dù gì có thể ông Bush chỉ bị giới Hồi giáo quá khích thù
ghét thôi, chứ bà Sultan nay thì cầm chắc đã bị gần như toàn thể thế giới Hồi
giáo muốn ném đá bà. Salman Rushdie, Taslima Nascreen đâm ra xoàng. Họ chỉ phê
phán Hồi giáo hay tiên tri Muhammed trên khía cạnh thuần tuý tôn giáo, khởi đi
bằng một sự bất bình trí thức có giới hạn và không có tính phủ nhận về cơ cấu.
Bà bác sĩ này thì khác. Bà thực hiện cuộc ly khai… hoàn toàn và triệt để vì một
quá trình kinh nghiệm thiết thân. Bà bỏ cái cũ đi theo cái mới dựa trên căn bản
lý luận cụ thể vững chắc, không phải kiểu đứng núi này trông núi nọ giống những
trí thức thời ý thức hệ nay đã là cổ tích, mơ mơ màng màng về một thiên đường mặt
đất của ông mác ông dao nào đó rồi chạy theo để biến mặt đất thành chốn tanh tưởi
mà không lâu trước đây, nhân sinh nhật 75 tuổi, Gorbachev đã phải thú nhận lý
do ông chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh là như món quà tặng cho Hoa Kỳ để xây dựng
một thế giới ổn định hơn và an toàn hơn.
Chuyện khởi đi từ khi bà Sultan ổn định được cuộc sống trung
lưu mới tại Mỹ. Sự thật đã bức bách bà đến nỗi bà phải cầm lấy bút. Bà viết. Bà
tham gia vào một website tên là Annaqed (phê phán) do các đồng
hương điều khiển ở thủ phủ Phoenix, tiểu bang Arizona. Do một bài viết sửa lưng
thậm tệ nhóm Huynh đệ Hồi giáo, đài truyền hình Al-Jazeera mời bà tranh luận với
một giáo sĩ Hồi giáo Algeria. Cả thế giới Hồi giáo đã nhảy tưng lên vì bà chém
dao nào ra dao đó.
Bà nêu lên những vấn đề nhức đầu, chẳng hạn tại sao một
thanh niên Hồi giáo đang sống một đời phơi phới đầy hứa hẹn, tự dưng đi làm cái
trò phải tự nổ tung mình lên? Bà xác quyết: “Trong những đất nước Hồi giáo
chúng tôi, tôn giáo là nguồn giáo dục duy nhất và là suối nước duy nhất để khủng
bố đến uống cho tới lúc thoả thuê”.
Dữ dội và khiêu khích hơn, bà khẳng định rằng suốt 14 thế kỷ
qua, người theo đạo Hồi đã là con tin của giới chính trị, những kẻ thánh chiến
và giới tu sĩ. Họ đã câu kết nhau để xuyên tạc giáo lý của tiên tri Muhammed.
Bà bảo, thế giới hiện nay không phải đang chứng kiến sự đụng chạm tôn giáo hay
văn hóa gì ráo trọi, mà đó là một trận chiến đang diễn ra giữa văn minh và man
rợ – một trận chiến mà các lực lượng Hồi giáo bạo động, phản động, có số phận cầm
bằng sẽ thua.
Nhưng phát súng ân huệ bà Sultan dùng kết liễu các đối thủ
trong tranh luận của bà là tung ra một sự so sánh chưa người Hồi giáo nào dám
nghĩ tới: so sánh giữa Hồi giáo và kẻ thù truyền kiếp của họ là Do Thái. Và bà
ca ngợi Do Thái.
Tổng thống Iran từng làm cả thế giới Tây phương bất bình vì
cho rằng Holocaust chỉ là một huyền thoại, và rằng việc dân Do Thái bị Đức tàn
sát chỉ là chuyện phóng đại của các thế lực tư bản thân Do Thái và chống người
Hồi giáo. Nay bà Sultan chẳng những chơi cho ông tổng thống Iran một phát, mà
nhân tiện tát xiếc một loạt tất cả những người Hồi giáo của mọi quốc tịch vốn
có lòng thù hận kẻ thù chung Do Thái.
Thế bà nhận định thế nào về người Do Thái?
Bà bảo: “Người Do Thái từ thảm kịch đi ra và đã buộc được thế
giới phải kính trọng họ bằng kiến thức của họ chứ không bằng khủng bố, bằng
công việc của họ chứ không bằng gào la hò hét. Chúng ta chưa thấy một người Do
Thái nào tự nổ tung mình lên trong một tiệm ăn Đức. Chúng ta chưa thấy một người
Do Thái nào phá hủy một nhà thờ. Chúng ta chưa thấy một người Do Thái nào giết
người”.
Và bà so sánh điều đó với những hành động trái ngược của thế
giới Hồi giáo. Bà tiếp: “Chỉ người Hồi giáo mới bảo vệ đức tin của họ bằng đốt
phá các thánh đường (Thiên Chúa giáo), giết người, và phá hủy các toà đại sứ…. Người
Hồi giáo phải tự hỏi xem họ có thể làm gì cho nhân loại trước khi đòi hỏi nhân
loại kính trọng họ”.
Nhớ hồi vụ tranh đấu cho dân chủ nổ ra ở Trung Cộng, một
thanh niên đã ra giữa đường đứng truy cản nguyên một thiết đoàn đang tiến vào
Thiên An Môn, và đoàn thiết giáp cuối cùng phải ngừng lại trước cái nhìn lom
lom của cả nhân loại. Người can đảm vô danh ấy sau được dư luận toàn cầu ca ngợi
là người mạnh nhất thế giới. Dầu sao người mạnh nhất thế giới này không còn bị
quấy rầy nữa vì không ai tìm ra được tung tích anh ta, và có rất nhiều phần chắc
là nhà nước Trung Cộng đã cho anh đi mò tôm sau đó.
Những tháng ngày qua ở Việt Nam đã liên tiếp nổ ra hàng chục
cuộc biểu tình tự phát của đồng bào nhằm tố giác trước dư luận hành động ngang
ngược xâm lấn hải phận Việt Nam của Trung Cộng. Trong những cuộc biểu tình này,
người theo dõi trên thế giới không khỏi ngạc nhiên và thán phục khi nhìn ra những
nhân vật gan lì nhất, quyết liệt nhất, kể cả khi đã bị công an dùng sức trượng
phu tống đẩy lên xe cây, hùng khí ấy không hề suy giảm, giọng hô chống kẻ thù
truyền kiếp phương Bắc không hề yếu đi, thì đó lại chính là những phụ nữ, những
cô gái yêu kiều Việt Nam.
Nếu bà Sultan dám chọc giận cả khối Hồi Giáo khi đem so sánh
họ với dân tộc thù địch Do Thái và được dư luận tôn vinh lòng can đảm, thì các
người đẹp Việt Nam này xem ra nào có kém cạnh gì. Họ đã dám công khai so sánh cả
đế quốc Trung Cộng xâm lược – bọn mà ngay Mỹ hiện cũng có vẻ gờm – với một đám
cướp biển rác rưởi; họ đã dám thách thức đối đầu bằng khẩu hiệu hô ở cung bậc
cao nhất của sự quả quyết “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh” trong một hoàn
cảnh hết sức oái oăm và nguy hiểm.