Lời phi lộ:
Trước khi vào bài, tôi xin bàn về chữ ZEN MASTER.
ZEN MASTER có bạn đã dịch là Tăng Sư, theo tôi nên
dịch là Thiền Sư, vì nếu dịch ra Tăng Sư thì không chính xác lắm:
Tăng Sư / Thầy Tu, thuộc giới Tăng Lữ, người đã xuất gia, gia nhập Tăng
Đoàn/ Giáo Hội. Thiền Sư có thể tu tại gia (gọi là Cư sĩ), có thể
xuấ́t gia tự mình tu Thiền nơi núi động nào đó, hoặc là gia nhập
Tăng Đoàn tu tại chùa. Tăng Sư có thể không tu theo Thiền phái, mà tu
theo các phái khác.
Cư sĩ thì như người thường, có vợ con, không cần ăn
chay nếu muốn. Theo tôi hiểu, các nhà sư trụ trì Nhật Bản cũng có
vợ con như Mục Sư bên Tin Lành. Còn về vấn đề ăn mặn, Phật Giáo chỉ
khuyên nhưng không cấm. Các tu sĩ Nam Tông vẫn ăn thịt. Gần nhà tôi,
Garland, Texas, các sư chùa PQ thường ra chợ ăn phở bò – thịt bò thật
chứ không phải thịt bò chay – và hút thuốc, do các tín đồ biếu
tặng. Các nhà sư Tây Tạng cũng ăn thịt, thịt con York, một loại dê
núi; chắc vì khí hậu quá lạnh nên không trồng được rau.Giờ xin mời các bạn tìm hiểu 2 Thiền Sư, 2 Zen
Masters sau đây: một Nhật Bản, một Việt Nam.
.
THIỀN SƯ RYOKAN TAIGU
1. Tiểu sử
Ryokan Taigu ra đời trong năm 1758 (ngày chính xác không
rõ), tại ngôi làng hẻo lánh ven biển Izumozaki, thuộc tỉnh Echigo, bây giờ gọi
là Quận Niigata, Nhật Bản. Cha của Ryokan là Inan Taigu (1738—95), là người
được kế thừa cha truyền con nối làm trưởng làng, và là một tu sĩ Thần Đạo. Inan
Taigu cũng là một nhà thơ mà vài người ghi nhận là có liên hệ xa với trường
phái thơ hài cú Basho. Dưới đây là một bài của ông Inan:
Liên tục cứ biến đổi,
Các đám mây hè lên lười biếng,
Cao trên các ngọn đồi
Tên thời thơ ấu của Ryokan là Eizo. Một cậu bé lặng lẽ,
siêng năng, yêu thích sách, cậu ghi danh ở một trường Khổng Giáo khoảng năm lên
mười, và nơi đó được nền học vấn căn bản của sách thánh hiền Trung Quốc và Nhật
Bản. Vị thầy đầu tiên của Ryokan là Omori Shiyo (chết năm 1791), ông đã làm
bài thơ – trích đoạn – cảm động này để tưởng niệm:
Một nấm mộ cũ nằm ẩn dưới chân đồi hoang vắng,
Tràn ngập bởi cỏ rậm năm này qua năm kia;
Không còn ai để chăm sóc ngôi mộ,
Và chỉ một bác tiều phu thỉnh thoảng đi ngang.
Một thời con là học trò của thầy, cậu bé có tóc tua tủa,
Học thâm sâu từ thầy bên Dòng Sông hẹp.
Một sáng, con khởi hành trên chuyến đi cô đơn
Và nhiều năm trôi qua lặng lẽ giữa thầy trò.
Bây giờ con về, thầy đã an nghỉ nơi đây.
Làm sao con tưởng niệm hương linh thầy?
Con rưới chút nước trong lên trên bia mộ thầy
…
Bản chất lương thiện và hoà giải, Ryokan không ưa tranh chấp,
cực kỳ ngây thơ, sau khi trải qua một khủng hoảng tâm linh, chàng Ryokan 17 tuổi
quyết định rời nhà và trở thành một nhà sư.
Ryokan trong 10 năm sau đó tu tại chùa Entsu-ji. Lúc đầu khi thọ giới, sư được
đặt tên là “Ryokan Taigu.” Chữ “Ryo” có nghĩa là “tốt lành, thiện” và “kan”
nghĩa là “quảng đại” trong nghĩa rộng lượng và đại bi. Còn chữ “Taigu” nghĩa là
“Đại Ngu,” chỉ vào tính thơ ngây trẻ dại và thiếu vắng cái giả hình. Kokusen gợi
tới các phẩm chất này trong tờ inka trao cho môn đệ hàng đầu của thầy. Năm
1790, khi 32 tuổi, Ryokan được bổ nhiệm làm thủ chúng tu viện này, và được trao
tặng một inka (chứng nhận giác ngộ)
Vài năm sau đó, và Ryokan rời Entsu-ji để đi chuyến du phương dài, lang thang
với mây và trôi với nước. Ryokan như dường hầu hết là ghé vào các miền quê
trong suốt thời kỳ năm năm, ngủ trên các cánh đồng hay ngả lưng trong các căn lều
dã chiến, và tránh các trung tâm đô thị và tu viện lớn.
Thi ca và thư pháp là trọng tâm Thiền của Ryokan, và thơ của sư được dùng làm
các bài giảng Phật Giáo kín đáo. Về mặt kỹ thuật, Ryokan bị ảnh hưởng bởi kinh
điển thi ca Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng sư phần lớn viết những khi nào sư
thích và nói chung thì bỏ lơ các luật về thơ.
Ai nói thơ ta là thơ?
Thơ ta không phải thơ.
Sau khi ngươi biết thơ ta không phải thơ,
Thì chúng ta có thể bàn về thơ!
Ryokan viên tịch sáng sớm ngày 6 tháng giêng, năm 1831. Tang
lễ của sư, được làm lễ bởi các vị sư thuộc đủ mọi tông phái nhà Phật, được tham
dự bởi mọi người trong làng và các làng kế bên.
Cái gì sẽ vẫn là di sản của ta?
Hoa mùa xuân,
Chim cu mùa hè,
Và lá đỏ
Của mùa thu.
Có nhiều câu chuyện lý thú kể về ông, nhất có lẽ là chuyện
ông muốn tặng mặt trăng cho tên trộm.
Chuyện kể rằng:
Một buổi tối, Ryokan quay về túp lều ở dưới chân núi sau một ngày đi khất thực
mệt mỏi, và ông nhìn thấy một tên trộm trong nhà. Nhưng căn nhà trống trơn
không có gì để tên trộm lấy. Lúc đó, ông đã nói với hắn ta: “Bạn đã đi một
quãng đường dài để đến thăm tôi, và bạn không nên trở về tay không. Hãy lấy quần
áo của tôi làm quà.” Tên trộm ngơ ngác, vội vơ lấy quần áo rồi phóng đi.
Ryokan khỏa thân ngồi ngắm mặt trăng đang hiện ra bên khung cửa sổ. “Anh ta thật
tội nghiệp,” ông trầm ngâm, “Ước gì tôi có thể tặng anh ấy vầng trăng đẹp thế
này”. Ngay sau đó ông đã viết một bài haiku:
The thief left it behind:
the moon
at my window.
Tạm dịch:
Tên trộm bỏ lại cho tôi:
– Vầng trăng
Ngay bên khung cửa.
(Nguồn : Thư Viện Hoa Sen)
.
2. Hai bài thơ thiền
Đây là 2 trong những bài thơ nổi tiếng của Thiền Sư
Ryokan Taigu [Từ bản dịch tiếng Anh trong The Sky Above, Great Wind, The Life
and Poetry of Zen Master Ryokan. Nguyên tác thơ của Ryokan Taigu (良寛大愚,
Lương Khoan Đại Ngu, 1758-1831)].
THE PATH
The path is hidden
by snow
invisible
but thoughts of you
lead me onward
Nguyên Lạc phóng dịch:
CON ĐƯỜNG
Tuyết phủ con đường [*]
Hướng đi không thấy
Quán tưởng về Người
Dẫn tôi đi tới
………..
[*] Ý nghĩ riêng: Theo tôi chữ quan trọng nhất trong bài là The Path
: CON ĐƯỜNG/ ĐẠO và chữ YOU: NGƯỜI/ PHẬT – tôi viết hoa.
– Snow là Vô Minh che lấp Con Đường/ Đạo, nhờ quán tưởng đến Người,
nhớ “ngón tay” chỉ Trăng/ những lời dạy, ta biết phương hướng đi tới
Trăng/ An lạc/ Giác ngộ…
.
DOWN IN THE VILLAGE
Down in the village
the din of
flute and drum,
here deep in the mountain
everywhere the sound of the pines.
Nguyên Lạc phóng dịch:
DƯỚI KIA NGỒI LÀNG
Dưới kia ngôi làng [*]
náo động sáo trống
sâu trong rừng thẳm [**]
Thông reo muôn nơi
………
[*] Theo người dịch, ý ngầm bài thơ như sau:
– Down in: Dưới kia/ ngoài kia/ ngoài ta là ta bà, nhân sinh ồn ào,
bảt nháo đầy sân si
[**] Here deep in: Sâu đây/ trong tâm êm đềm, an lạc; ý nói hãy hướng
vào trong thân tâm mình.
.
HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ
1. Niên đại và con người
Theo sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Hương Hải người
làng Án Độ huyện Chân Phúc tỉnh Nghệ An sinh năm 1627, vốn là người thông minh
xuất chúng, lịch lãm về nho học, đỗ Hương Cống (cử nhân) năm 18 tuổi, được chọn
vào phủ Chúa Nguyễn. Sau đó cử nhận Tri Phủ huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Vào
năm 25 tuổi ông rất hâm mộ đạo Phật, đã từng đàm luận với các vị Thiền Sư Trung
Hoa đang hành đạo tại Quảng Trị.
Ba năm sau (1655) ông từ quan đi xuất gia với ngài Viên Cảnh thiền sư, ngài đặt
cho pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải, ngày nay
chúng ta thường gọi ngài là Hương Hải. Sau đó ngài ra vân du ở đảo Tiêm Bút La,
cảnh trí nơi đây thích hợp cho việc tu trì nên ngài lập am để chuyên tu. Đạo hạnh
của ngài cao thâm, quan dân thảy đều ngưỡng mộ. Có lần quan trấn thủ Thuần Quận
Công thỉnh ngài về đất liền tụng kinh cầu an cho phu nhân, và cả gia đình quy y
theo. Và quan Tổng thái giám Hoa Lệ Hầu cung thỉnh ngài về đất liền lập đàn sám
hối, cầu cho hết bịnh mà quan Tổng đã mắc phải. Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Chu
1691-1752) nghe tiếng bèn cử người ra cung đón, khi ngài về đến nội địa đích
thân chúa Nguyễn ra đón tiếp, hỏi thăm, ủy lạo, rồi sau đó lập Thiền Tĩnh Viện ở
trên núi Qui Cảnh để ngài ở. Các quan trong triều và đủ mọi tầng lớp nhân dân
các tỉnh đến quy y học đạo rất đông.
Sau vì sự đối đãi kèm theo nghi kỵ của chúa Nguyễn, Hương Hải quyết chí ra Bắc.
Năm 1682 Thiền Sư cùng với 50 đồ đề vượt biển ra Bắc đến trấn Nghệ An, thuyền
ghé bến ngài đến trình diện ở đồn Trần Lao do Yên Quận Công Trịnh Gia trông
coi. Sau đó ông mới tâu về triều Chúa Trịnh cho người đón tất cả về kinh hỏi
han mọi việc. Sau đó chúa sai quan Trấn Thủ Sơn Nam lấy đất lập chùa mời ngài
trụ trì ở đó.
Những tháng năm bập bềnh sóng gió đã trôi qua, ngài bèn dùng thời gian còn lại
trong việc tu tập và nghiên cứu sáng tác, dịch thuật hơn 30 tác phẩm để lại cho
đời. Trong số những tác phẩm bị thất lạc chúng ta chưa tìm ra đầy đủ.
Hương Hải Thiền Sư vốn đã uyên thâm về Nho học trước khi đi
xuất gia, hầu hết lúc bấy giờ theo đường công danh cử nghiệp bút nghiên phải
thông nho mới mong đỗ đạt. Hương Hải quan niệm sự dung hòa giữa Nho giáo và Phật
giáo có thể bổ túc cho nhau trên phương diện trị an.
“Lên tận nguồn Nho trông bát ngát
Vào sâu biển Pháp thấy mênh mông”
(Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát
Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm)
Qua hai câu thơ trên, Hương Hải quả có cái nhìn muốn kết hợp
hai tôn giáo lúc bấy giờ, đàng nào cũng có cái mênh mông bát ngát của nó, chúng
ta chỉ là kẻ đứng ngắm sự rộng lớn nầy, không thể dùng con mắt mà đo lường được
Năm Ất Mùi 1715, sáng ngày 13 tháng 5, sau khi tắm xong thiền sư khoác y, đeo
tràng hạt, đội mũ trang nghiêm ngồi kiết già tịch, hưởng thọ 88 tuổi. Đệ tử đắc
pháp của ngài rất đông, có vị được phong chức Tăng Thống. (Nguồn : Thư Viện
Hoa Sen)
2. Một bài thơ thiền
Đọc được bài thơ của Hương Hải Thiền sư hay quá,
lòng đầy cảm xúc, tôi xin thoát dịch bài thơ:
NHẠN ẢNH
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý.
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
(Hương Hải Thiền Sư – Trích “Kiến văn tiểu lục”- Lê Quý Đôn)
Nguyên Lạc phóng dịch:
BÓNG NHẠN
Nhạn bay qua trời không
Bóng hiện lòng nước lạnh
Chim … đâu màng lưu dấu
Nước … giữ bóng chẳng mong
.
Nguyên Lạc