Chàng bắt gặp đôi mắt ấy một vài lần trên khoảng đường mòn
quanh co dẫn lên đồi Tôn Giáo. Cô gái thường thắp nhang trên ngôi chùa mọc
chênh vênh trên đỉnh đồi. Chàng nhớ cả cái lần cô hát một bản nhạc buồn trong
buổi trình diễn văn nghệ đón chào xuân lưu lạc. Chất khàn khàn của giọng ca cô
và những lời day dứt của bản tình ca hôm ấy đã làm lòng chàng nao nao. Rồi cô bặt
tông tích giữa cái khối mười mấy ngàn dân lưu xứ trên hòn đảo mọc hoang những
thân dừa nghễu nghện.
Mãi đến hôm nay chàng mới có dịp gặp cô, mặt đối mặt, trong phòng khám ngoại chẩn
trại tỵ nạn. Da trắng xanh. Con mắt nhìn xa xôi, trống vắng. Cô xin thuốc nhức
đầu. Chàng ngỡ ngàng hỏi cô bị gì mà xin thuốc nhức đầu.
Con mắt vẫn ngại ngần nhìn quanh quất bức tường mầu xanh nhạt. Môi hồng mấp
máy, “Bố mẹ em sắp bị đi kinh tế mới. Em trai em sắp đi nghĩa vụ quân sự…”
Chàng ngạc nhiên nhìn cô rồi liếc vội xuống cái tên viết nắn nót trên đầu tấm
phiếu sức khỏe.
“Tại cô lo lắng quá chứ gì?”
“Em cũng không biết nữa.” Giọng cô hơi khàn, như lúc hát bản tình ca bữa hôm
nào.
“Cô ngủ được không?”
Chàng hỏi những câu thông thường. Cô chậm rãi trả lời. Tia nhìn vẫn lẩn khuất
đâu đó trên khoảng tường chữ nhật dán đầy những bích chương của Cao Ủy Tỵ Nạn
Liên Hiệp Quốc.
Chàng ghi vài chú thích thông thường lên tấm phiếu. Rồi chàng lật qua trang kế
tiếp của cái hồ sơ bệnh lý còn mới tinh.
“Em muốn được thử máu, thử nước tiểu. Em muốn biết… mình có bệnh tật gì không…”
Cô nói một tràng.
Chàng xoa xoa chiếc ống nghe vào lòng bàn tay cho cái vòng kim loại ấm lại. Cô
tháo hờ những nút áo cho chàng đặt cái loa ống thính chẩn lên khoảng ngực vun đầy.
Tim cô đập có hơi nhanh chút xíu, có thể vì cô xúc động cũng có thể do thiếu
máu.
Chàng trấn an, “Cô ở trại ba năm mấy rồi mà không ốm đau gì hết thì tạm coi như
khỏe mạnh rồi.”
Cô lại hớt hải, “Lâu quá không được định cư, em sợ bệnh tật nọ kia.”
Rồi cô khai mất ngủ, hay chóng mặt, ăn không ngon, nhức đầu, đau bụng… Bao
nhiêu là triệu chứng. “Em muốn biết mình có sức khỏe tốt để mong sớm được định
cư, mới giúp đỡ được ba mẹ em bên nhà…” Giọng nói nhừa nhựa của cô nhão xuống
như tẩm nước mắt. “Em ngại đi khám bệnh. Kẹt lắm mới phải đi…”
Cái sụt sùi của cô làm chàng quyết định gấp rút, “Cô qua phòng xét nghiệm thử
máu, thử nước tiểu nghe.”
Cô gái ngước lên nhìn chàng. Nước mắt hoen vành mi. Bây giờ cô mới nhìn người
thầy thuốc trẻ ngỡ chừng hơn cô cùng lắm là năm bảy tuổi. Chắc cô có chuyện buồn.
Chàng thầm nghĩ. Nhưng ở đây ai mà chẳng có chuyện buồn.
“Liên ngại mấy người làm bên phòng xét nghiệm.”
Cô xưng tên làm lòng chàng mềm xuống. Chàng ngần ngừ suy nghĩ. Trong cái phòng
xét nghiệm bé tí teo ấy chỉ có một cô chuyên viên tóc vàng người Tân Tây Lan.
Cô này lại đang nghỉ phép ba ngày ở Kuala Lumpur. Còn lại toàn những tay ngang
làm thiện nguyện. Coi kết quả bệnh của người ta xong, về kể lại cho cả khu, cả
xóm biết.
“Thôi, nếu Liên chờ được, tôi sẽ thử cho.” Chàng dịu dàng nói, và nghe lòng
mình ấm lại, bởi vì lâu lắm chàng mới lại có một cái tên con gái để gọi; và biết
đâu còn để nhớ, để mong.
Cô ra ngồi trên chiếc ghế vênh vẹo ở góc phòng, tay lật vu vơ những trang giấy
của một tờ báo chằng chịt tiếng Mã Lai. Con mắt rụt rè của loài chim lạc tổ.
Khám xong người bệnh cuối cùng, chàng dẫn cô lại phòng thí nghiệm. Ðích thân
chàng đo huyết áp, thử máu, thử nước tiểu cho cô. Lòng ngà ngà cơn say của ngụm
rượu nếp than thuở còn ở quê nhà, chàng hỏi chuyện trên trời dưới đất; chuyện định
cư, chuyện bài tình ca cô hát bữa hôm văn nghệ mừng xuân. Cô dạ, dạ, thưa, thưa
như người ngồi chờ phái đoàn phán quyết.
“Liên chả có bệnh gì cả.” Chàng vừa nói vừa bấm cái đồng hồ đếm hồng huyết cầu.
“Chỉ hơi thiếu máu một chút.”
Rồi chàng ngước lên nhìn cô. Cô ngồi ngoan trên chiếc ghế đẩu kê ở góc phòng.
Hai tay đặt hờ trên đầu gối. Chàng thấy cô giống con bé học trò mới đổi qua trường
lạ, chờ gặp ông hiệu trưởng. Năm ngón tay thon mân mê ngón trỏ của bàn tay kia;
chỗ dán băng keo, che vết đâm kim hồi nãy chàng lấy máu để thử.
“Cô hơi thiếu máu chút xíu thôi.” Chàng nói, đầu óc nhập nhằng hình ảnh những hộp
cá mòi Cao ủy phát cho dân tị nạn. “Tại thiếu ăn đó.”
Mắt cô sáng lên, “Bệnh thiếu máu có… lây không vậy?”
“Không.” Chàng cười.
Cô mừng ra mặt. Cô cười bằng hai con mắt có đuôi, “Bác sĩ bảo đảm nghe.”
Chàng gật đầu tới tấp. Lâu lắm chàng mới lại xôn xao được vì một nhan sắc. Trong
cái nóng hừng hực của xứ sở nhiệt đới. Mười tám tháng chờ phái đoàn phỏng vấn.
Những người đàn bà xuề xòa, thỗn thện thịt da. Những cặp tình nhân đeo dính lấy
nhau ngày đêm bất kể. Thân xác phơi bày, diễu hành, phô trương trước mắt chàng.
Rồi còn biết bao nhiêu đêm dài trăn trở. Người, chứ có phải thần thánh gì mà
cơn thèm muốn thể xác không rạo rực trên từng phân vuông da thịt cho được. Và
bây giờ thì chàng quen được cô. Trời ơi là mừng. Tại cô dễ thương, nhỏ nhắn,
đoan trang, hay tại giọng hát khàn khàn đêm văn nghệ hôm nào đã cuốn chàng vào
một khúc tình ca não lòng.
Chàng ghi tấm phiếu yêu cầu chụp phim phổi rồi dẫn cô qua phòng quang tuyến.
Phim phổi coi không thấy gì bất thường, nhưng muốn chắc ăn, chàng cũng cầm
theo, lặn lội đi với cô qua những khu xóm lụp xụp, đầy những hình người lôi
thôi, lếch thếch, đến tận một bác sĩ tỵ nạn chuyên khoa quang tuyến nhờ coi
dùm.
Lúc chàng trở ra, cô vẫn lấp ló ở đầu dãy nhà chờ chàng. Chàng cầm tấm phim,
báo tin vui cho cô. Trong ánh nhìn của cô, chàng thấy lao xao cái tương lai cô
sớm được đi định cư, đi làm, dành dụm, gửi tiền về chạy chọt cho mẹ, cho ba khỏi
đi kinh tế mới.
“Thôi, em phải về!” Cô rụt rè chào chàng rồi dáng nhỏ quay lưng ra về. Không một
lời cám ơn; không dấu vết gì của một hẹn hò tao ngộ.
Chàng ngơ ngác nhìn theo. Gió lùa tấm phim phổi lạch phạch trong tay chàng. Chỉ
còn biết mong cho cô bệnh thôi. Chàng thầm nghĩ. Ngày xưa đi học, chàng và lũ bạn
trẻ con cũng thường mong cho thầy giáo bệnh, nhất là những khi không thuộc bài.
Nhưng đây là lần đầu tiên chàng mong cho người khác bệnh. Hãy cứ cho cô bệnh;
nhẹ thôi, và bệnh thường xuyên hơn một chút, để chàng được nhìn thấy đôi mắt và
vóc dáng mảnh mai dấu trong bộ quần áo thùng thình do Cao ủy xã hội cấp.
Dễ thương, đơn sơ và trong trắng biết chừng nào. Chàng thầm gọi Liên ơi, Liên
ơi và nghe lòng mình rộn ràng cái cảm xúc của thời còn đi học.
Rồi chàng nghĩ đến một đoạn tình lãng mạn. Chàng nghĩ tới những buổi chiều dắt
cô đi dạo trên bãi biển khu C, trên Ðồi Tôn Giáo. Chàng nghĩ đến một ngày có
tên trong danh sách định cư xứ người. Tên chàng bên cạnh tên cô. Hai người ghép
chung hồ sơ. Cô dễ thương, hiền hòa, đoan trang, nhỏ bé. Chàng thấy cô thắp
hương vái lạy trên chùa Từ Bi bao nhiêu lần rồi!
Buổi tối, chàng ngồi hoài trên phiến đá còn ấm hơi nắng, bên con dốc quanh co dẫn
lên đồi Tôn Giáo, mắt dõi ra biển khơi. Trời lấp lánh ánh sao. Gió dịu dàng mơn
trớn. Ngoài khơi xa, biển thẫm đen rì rào sóng vỗ. Những cặp tình nhân dán vào
nhau, đi lướt qua bên chàng, thì thầm to nhỏ. Tiếng chuông chùa trong veo thả
vào không gian dạt dào gió biển cái thảnh thơi, siêu thoát. Từ sau dãy núi đen
ngòm dấy lên một vũng mầu pha vội, đỏ loang một khoảng trời; chỗ của vầng trăng
mọc muộn. Ơi, chàng thương những vầng trăng lưu lạc biết bao nhiêu!
Gần tới giờ giới nghiêm thì tiếng loa réo lên. Chàng nghe tên mình nhắc đi nhắc
lại hai ba lần. Người ta gọi chàng tới trình diện tại văn phòng Lực Lượng Ðặc
Nhiệm Mã Lai ngay bây giờ; nhớ mang theo ống nghe và những dụng cụ khám bệnh cần
thiết. Vậy là chàng vẫn không gặp được cái trinh nguyên của vầng trăng lưu lạc.
Lại một trường hợp cấp cứu. Nhưng sao không phải bệnh viện mà lại văn phòng
viên chức Mã Lai. Lòng thắc mắc quẩn quanh nhưng đầu óc không có thì giờ suy
nghĩ, chàng hối hả chạy ngang phòng khám, quơ vội cái ống nghe, rồi tất tả đi về
phía văn phòng Lực Lượng Ðặc Nhiệm Mã Lai. Viên đại úy cảnh sát – trưởng trại –
triệu hồi chàng lên giữa đêm khuya hẳn có chuyện quan trọng.
Gã đàn ông cao lớn như đô vật, râu quai nón rậm rì, đón chàng ở cửa văn phòng
riêng của gã.
“Uống bia nghe bác sĩ.”
Chàng đặt cái ống nghe xuống mặt bàn gỗ bóng, e dè từ chối.
Viên sĩ quan sôi nổi nhập đề, “Mấy chứng bệnh kín, khám ngoại chẩn có tìm ra bệnh
được không?”
“Cái đó còn tùy loại bệnh nào.” Trí óc chàng mau mắn ôn bài. “Nhưng nói chung bắt
buộc phải khám lúc có triệu chứng thì mới mong tìm ra bệnh, còn không thì phải
thử nghiệm, lấy bệnh phẩm soi dưới kính hiển vi…”
“Nhờ bác sĩ một chuyện,” Người đàn ông hạ giọng. Cặp lông mày sâu róm vểnh lên.
Tròng con mắt láo liên. “Tôi có cô bạn gái, nhờ bác sĩ khám kỹ dùm xem nó có bệnh
gì không. Bác sĩ ở đây chắc cũng thiếu lắm phải không? Tối ngày nhìn chỗ ấy của
đàn bà thì chịu gì nổi.” Gã nhếch mép sau câu nói, bàn tay lông lá đẩy đĩa trái
cây về phía chàng.
Tôi cũng sắp có một cô bạn gái. Hình ảnh cô lướt qua trong trí chàng. Người con
gái đoan trang còn sót lại giữa chốn nhiễu nhương. Viên đại úy cảnh sát kéo
chàng về với thực tế căn phòng có máy điều hòa không khí và cái tủ lạnh đầy
bia, thịt và trái cây tươi. Trong đời chàng, đến bây giờ chàng mới nhìn thấy
trái nho tươi, mới được sờ vào lớp da căng mọng mầu tím…
“Nhờ bác sĩ khám dùm coi. Nhớ khám cho kỹ. Tôi mà bị lây, rồi đem về truyền cho
bà xã tôi là bác sĩ khỏi có mong mà đi định cư.”
Chàng nghe tiếng con gái cười rúc rích bên trong. Gã đại úy dẫn chàng vào phòng
ngủ của gã. Gã bật thêm công tác đèn. Ánh sáng chói chang làm chàng hoa mắt. Lần
đầu tiên chàng đặt chân đến đây. Căn phòng thoang thoảng mùi nước hoa. Bàn tay
sần sùi của gã thân thiện đặt lên vai chàng, đẩy chàng bước tới. Hai cô gái tóc
đen đang cắm cúi lật những trang sách hình ảnh, mầu sắc lòe loẹt. Chiếc giường
trải khăn mầu hồng nhạt. Suốt một đời nằm giường tre, giường gỗ, chàng chả bao
giờ hình dung trên thế gian này có nơi lại có được chiếc giường rộng thênh
thang như thế. Chiếc giường bồng bềnh trước mắt chàng. Hai cô gái ngước lên
cùng một lúc. Ðúng gái Việt Nam rồi. Ôi Trời! Liên đây chứ ai. Cô gái kia chàng
không quen nên chẳng nhằm nhò gì; nhưng còn Liên; Cô làm gì ở đây thế này! Cô
ngọ ngoạy cái đầu cho tóc đùa trên miếng vai thon. Cuốn sách hình rơi xuống nền
nhà không gây một tiếng động nào. Liên ngồi bên mép chiếc giường vương giả, bên
cạnh con bạn gái chỉ khoác trên người chiếc khăn lông mầu gạch cua. Mắt Liên chớp
vội. Cô không nói một câu, cũng chả thèm gật đầu chào chàng.
“Ai khám trước?” Viên đại úy hỏi.
“Ổng nói gì vậy, bác sĩ?” Người con gái lạ lăng xăng.
Chàng thờ ơ, “Nó hỏi ai khám trước.”
“Me first, me first!” Cô gái đứng bật dậy, tíu tít.
Chàng thấy đau nhói trong lòng. Nhưng gã đại úy kêu Liên khám trước. Gã phát âm
tên cô thật đúng, thật gọn. Vậy mà chàng ngỡ cái tên Liên dịu dàng ấy chỉ có
mình chàng được gọi. Gã đàn ông bụng phệ ngoắc cô gái choàng khăn tắm ra ngoài.
Cánh cửa khép lại. Cô cởi bỏ áo quần. Thản nhiên như người ta thay đồ trong
phòng riêng. Chàng quay mặt đi. Những bức tranh khỏa thân treo trên tường đập
vào mắt chàng. Chàng quay lại, bắt gặp cái eo thon bập bềnh của pho tượng trắng
trinh ngọc thạch. Ðầu óc chàng quay cuồng. Liên có bệnh gì đâu mà khám. Chàng
muốn gào lên như thế. Mới khám tổng quát, chụp hình phổi, thử máu, thử nước tiểu
hôm qua đây chứ đâu!
Hai người không dám nhìn mặt nhau. Chợt gã đại uý mở cửa, ngơ ngác thấy cô vẫn
ngồi im trên mép giường. Gã nói vọng vào, “Nhớ khám lẹ để bác sĩ còn… sớm được
đi định cư.”
Tiếng cười rồ rồ tuôn ra khỏi cuống họng gã như nước thoát khỏi khúc ống cống hẹp.
Mí mắt chàng giật giật. Chao ơi là câu khôi hài nhạt nhẽo!
Cô lặng lẽ nằm xuống nệm. Không dám nhìn cô, nên con mắt chàng dán vào miếng vải
khăn trải giường mầu hồng nhạt. Tấm khăn trải giường nhăn lại dưới thân thể trắng
muốt của cô. Cô gối đầu lên chiếc gối sa tanh bóng loáng. Ðôi chân khép lại.
Hai con mắt nhìn thẳng lên trần nhà. Như không thấy chàng. Như chàng không có ở
đó. Như chàng là con ruồi con muỗi vô nghĩa nhất trần gian. Tiếng thở dài thườn
thượt phát ra từ chỗ cô nằm. Chàng chỉ nghe được thấp thoáng cái não nuột trong
hơi thở mỏng teo ấy, rồi tai chàng ù đi. Cô co hai đầu gối lại, mở rộng đôi
chân trước mặt chàng. Cái bụng thon thon. Miếng đùi trắng xanh ngọc thạch đổ
dài từ đầu gối xuống vũng tối nhập nhòe. Cô chói lòa trước mắt chàng. Chàng lảo
đảo đá cuốn sách hình mẫu thời trang qua một bên. Chàng bấm những ngón chân xuống
chiếc dép cao su cho khỏi ngã. Những đầu ngón chân tê buốt. Giọng nói của cô,
nghe như vọng về từ cõi khác, “Bác sĩ làm ơn khám kỹ dùm!”
Ðầu óc chàng nát bấy. ý tưởng trong trí chàng băm vằm; nát như cám, như tương.
Chàng nuốt nước miếng khó khăn. Chàng hít vào, thở ra vất vả. Hương thịt da cô
thoang thoảng không gian. Ngực chàng thắt lại.
“Liên mặc quần áo lại đi. Liên có bệnh gì đâu mà khám.”
Ðôi môi cô mấp máy và chàng nghe tiếng cô thì thào như sóng biển xa xăm. “Vậy
bác sĩ làm ơn nói dùm…”
Chàng bước hẳn ra khỏi cái khoảng vuông mầu hồng ngột ngạt mùi nước hoa và – trời
ơi là trời – hương da thịt người con gái đồng chủng chàng vừa mới đem lòng mơ
tưởng. Ðứa con gái kia đang ngúng nguẩy trên đùi con đười ươi lông lá. Lòng
chàng quặn thắt. Ai đâu dạy chàng mấy câu lục bát khốn khổ tiếc thay cây quế giữa
rừng, để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo vậy nè!
“My turn!” Ðến phiên tôi. Cô gái tíu tít nhảy ra khỏi lòng viên sĩ quan cảnh
sát, chạy ào về phía chàng. Cái ống nghe nặng trĩu trên tay chàng. Liên đã biến
đi đâu mất – chắc là trốn đâu đó trong nhà tắm – để chỗ cho cô bạn gái ngổ
ngáo.
Cô gái nhảy tót lên giường, nằm phơi trên mặt nệm. Duỗi duỗi, co co theo ý
chàng. Chàng nghe tim, nghe phổi; nghe trước, nghe sau. Chàng khám trong, khám
ngoài; khám trên, khám dưới. Chàng mở chỗ này, vạch chỗ kia. Chàng là người thầy
thuốc có lương tâm nhất thế gian. Nhưng đầu óc chàng âm u, tăm tối.
Những vết nhăn hằn sâu trên trán chàng. Tiếng tim người con gái nhập nhằng như
tiếng hò hét của viên cảnh sát Mã Lai vẫn thường đi giật đứt dây phơi quần áo của
dân tÿ nạn. Tiếng phổi nàng cuồng nộ âm thanh gào thét của viên giám thị trại
người Hoa lúc bắt tất cả phụ nữ trong trại xếp hàng đi diễu hành theo sau một
người đàn bà đưa cao miếng băng vệ sinh quăng bừa bãi trong nhà tắm. Tiếng ruột
gan nàng chuyển động như tiếng rên rỉ, gào thét của đám thanh niên bị bắt, bị
đánh đập và bị cạo trọc đầu vì ăn thịt heo trong trại. Tất cả mọi thứ tiếng tàn
khốc trên thế gian đổ vào tai chàng qua cái ống nghe cũ kỹ. Vậy mà người con
gái này leo lên lòng con đười ươi lông lá để vòi những đồng đô la xanh đỏ. Vậy
mà người con gái này để cho gã khổng lồ đổ lên thân thể mình cái khối thịt da bầy
nhầy, núng nính.
“Thôi, cô mặc đồ vào đi!”
“Em hổng có bệnh gì hết phải không bác sĩ?”
Chàng lắc đầu.
“Cả con nhỏ bạn em cũng hổng có bệnh gì hết phải không?”
Chàng lại lắc đầu.
“Ô, vậy là tui giầu rồi. Mai mốt mấy đứa bên ban nhân lực tàu biết tay tui… Tui
cho tụi nó khỏi đi định cư luôn!”
Viên đại uý cảnh sát chờ chàng ngoài phòng khách, lon bia trong tay. “Ngồi đây
đi. Xong hết rồi phải không? Hai con nhỏ thơm quá phải không? Lại khiêu gợi
không tả được. Tôi thích gái Việt Nam. Nhỏ nhắn dễ thương mà da thịt có cái mùi
quyến rũ không thể nào cưỡng lại được.”
Gã mở lon bia Hòa Lan dúi vào tay chàng. Lon bia lạnh buốt lòng bàn tay. Lon
bia lạnh buốt tới tận cùng gan ruột. Bọt vàng trào ra tay chàng, nhỏ giọt xuống
nền nhà loang lổ. Cô gái chạy tọt ra phòng khách. Cô không còn choàng khăn tắm.
Chiếc váy ngắn mầu vàng khoe hờ cặp mông cong. Còn Liên đâu không thấy.
Viên đại úy cảnh sát vẫy tay xua cô gái ra phía sau. Con mắt chủ cả; cái nhìn
quan quyền, nghiêm khắc. Cô gái trề môi, phụng phịu rồi đỏng đảnh bước đi. Hình
ảnh ấy, những ngày còn ở quê nhà, dễ thương biết bao nhiêu. Và chàng đã từng mơ
có một người yêu nồng nàn, nóng bỏng như thế không biết từ thuở nào. Hình ảnh ấy,
bây giờ đây đang diễu trước mặt chàng, vô tâm, vô tính.
“Con gái Việt Nam cái gì cũng nho nhỏ, dễ thương. Cả cái chỗ đó nữa.” Gã đại úy
nheo mắt với chàng. Cái chỗ đó nữa. Trời ơi, lúc khám chàng còn không dám đặt
hai ngón tay vào cho đúng sách vở. Chàng sợ người ta đau. Vậy đó. ở đâu rồi quyền
lực và tiền bạc cũng giết đi được bao nhiêu thứ trên cõi đời. Thành ra ở đâu
cũng có những người con gái như Liên, như con nhỏ bạn gái của Liên…
Nhưng sao lại là Liên chứ!
“Năm ngoái tôi có con bồ Việt Nam. Giờ này nó ở bên Mỹ rồi. Ôi, nó chặt ơi là
chặt!” Gã đàn ông suýt soa, lim dim hai mắt thưởng thức phút giây khoái lạc hàm
thụ. Rồi bỗng dưng gã nghiêm trang hẳn lại như đang bàn chuyện an ninh của
vương quốc Mã Lai, “Sao, hai con nhỏ này có sạch không?”
“Không!” Câu nói bật ra khỏi miệng chàng như viên đạn bay khỏi nòng súng.
Da mặt người đàn ông tối lại. Những nếp nhăn đùn ra từ khóe mắt, từ hai vành
tai, từ hai khóe miệng. Gã già đi mười tuổi. Giọng gã ồm ồm như tiếng sóng biển
vỗ vào bờ trong một ngày giông bão. “Tụi nó bệnh thật sao?”
Chàng cứng cỏi gật đầu. Rồi chàng đứng bật dậy, “Tôi về được chưa ạ?”
Gã đại úy gật đầu.
Chàng mạnh bạo chìa tay ra bắt tay gã. Chàng không dám nhìn nét thất vọng não nề
trên vừng trán bóng lưỡng, trên những nếp thịt nhàu nhò xám ngoắt. Chàng bước
vùn vụt ra cửa như chạy trốn.
Nhưng giọng nói ồm ồm của tên khổng lồ níu chân chàng lại, “Tụi nó bị bệnh gì vậy?
Sao bên ngoài coi ngon lắm mà!”
“Bệnh ghê lắm.” Chàng ngần ngừ. Ðầu óc chàng xào xáo. Trí thông minh chàng làm
việc cật lực. Sự minh mẫn chàng lật vội hàng ngàn trang cuốn sách Nội Khoa dày
cộm. Chàng quên mất tiêu chuyện chàng còn phải đi định cư ở đệ tam quốc gia.
Chuyện chàng đang chờ phái đoàn phỏng vấn. Miệng chàng nói một hơi, “Bệnh siêu
vi trùng. Bên ngoài bình thường. Phải khám bên trong mới thấy. Lây dễ sợ lắm!”
“Thôi được rồi.” Gã đại úy xua tay. “À mà đem thêm lon bia về uống cho mát
doctor!”
Chàng nhớ luật cấm uống rượu trong trại tỵ nạn. Chàng nhớ tới quyền lực tuyệt đối
của cảnh sát, tới sức mạnh vô song của Lực Lượng Ðặc Nhiệm. Chàng nhớ đôi chân
ngọc thạch của người con gái mà mãi tới sáng hôm nay chàng mới biết tên; mà từ
biết bao lâu chàng vẫn mong được trộm nhìn vóc dáng thân quen trên đồi Tôn
Giáo, bên cổng chùa Từ Bi. Chàng nhớ đến những lời tâm huyết ngọt bùi ai đó viết
để xướng ngôn viên ban thông tin đọc mỗi ngày trên hệ thống loa của trại, nhắn
nhủ những đứa con Việt Nam giấy rách phải giữ lấy lề. Chàng nhớ luôn cả lời hát
dạt dào của bản tình ca Liên hát đêm văn nghệ tha hương độ nào. Chàng gượng cười
lắc đầu với lon bia Hòa Lan tươm mồ hôi lạnh. Và chàng lảo đảo ngã vào vũng
trăng bạch tạng.
Trăng nhiệt đới. Trăng hoang đảo. Trăng lưu lạc. Trăng lấp ló sau những ngọn dừa.
Trăng cười hay trăng khóc làm sao chàng biết được. Và biển ngoài kia vẫn rì rào
sóng gió. Chàng lầm lũi lết đi trên con đường về khu trại quanh co thân rắn.
Chợt chàng điếng hồn vì ai đó níu lấy vai áo chàng. Người con gái ăn mặc xốc xếch.
Tóc tai rũ rượi. Liên đó chứ ai. Còn ai dám lang thang trên trại đảo đêm hôm
khuya khoắt thế này ngoài những người như Liên.
“Tại sao vậy?” Người con gái hổn hển, bằn bặt những nhịp thở đứt quãng. Tay
nhùng nhằng vai áo chàng. “Bác sĩ nói em chỉ… thiếu máu chút ít mà.” Rồi cái giọng
khàn khàn đã giết chàng trong một bản tình ca đêm văn nghệ mừng xuân độ nào ấy
nhão đi vì xúc động. Nước mắt loang lổ hai hố sâu lấp loáng bóng trăng của đôi
con mắt có đuôi. Vệt máu đen thẫm rụt rè bò ra từ một bên của chiếc mũi tượng nữ
thần Hy Lạp. “Chính bác sĩ nói… thiếu máu… không… lây mà… Từ trước đến giờ…
chưa có ai… tát em… mạnh như thế…”
Ðôi chân chàng mềm nhũn. Người con gái vẫn đeo nặng một bên vai chàng.
“Ba mẹ em đi… kinh tế mới… mẹ em lại… ốm đau… thằng em sắp đi… nghĩa vụ… Em bắt
đền… bác sĩ… Bệnh thiếu máu… đâu có lây… Bác sĩ… bảo đảm với em… mà… Bệnh thiếu
máu… đâu có… lây…”
Trong một thoáng, chàng thấy mình hẹp hòi, nhỏ bé ngay trong cõi đời vốn đã quá
đỗi nhỏ bé, hẹp hòi. Chiếc ống nghe rơi xuống đất, xoắn lại rồi bật ra như con
rắn giẫy chết dưới trăng. Chàng không dám nhìn vào mặt cô. Chàng nhìn xuống chiếc
bóng con gái nhỏ bé mảnh mai nhập nhằng bên cái bóng gầy nhom lỏng khỏng của
chàng, miệng chàng thều thào cái tên vừa mới nắn nót ghi vào dòng đầu một trang
trong trí nhớ, “Liên ơi, Liên ơi…”
Hoàng Chính