Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, song
nàng đã bị chế độ phong kiến vùi vào đống bùn nhơ. Đến nỗi, chịu không nổi,
nàng đã nhảy xuống sông Tiền giang [Mỹ tho] tự vẫn. May thay lúc đó có một bà đảng
viên đi công tác về, bà liền nhảy xuống sông cứu nàng. Sau đó Thúy Kiều giác ngộ
và đi theo con đường cách mạng.”
[Bài thi của một học sinh lớp 9 trường PTCS T.A. Huế – Trích từ báo chí đã phát
hành tại VN]
I
Liu lái xe ra đi lúc ba giờ chiều. Xe Lexus. Đồng hồ Rolex. Dế đời mới nhất.
Liu có một mớ bảo kê về thế lực và tiền bạc. Bố là đại gia. Mẹ Liu là cái tủ
két không bao giờ khóa đối với đứa con yêu quý.
Liu chạy vòng vòng, chở một đám bạn như thường lệ. Mỗi đứa trong bọn được cha mẹ
cho xe riêng. Nhưng bọn chúng thích đi chung xe. Dễ quậy. Quậy tới bến. Hết tiền.
Cầm xe. Không tiền chuộc, thì có các bà mẹ đến nơi cầm đồ chuộc thay. Thông thường,
bọn trẻ quậy ngao du, quậy thời thượng. Có khi năm ba ngày đêm mới hồi trào. Tức
là đáo lai ghế mẫu. Ghế mẫu, tiếng lóng là Mẹ. Chỉ có Mẹ. Mẹ thời xưa mừng đón
các con từ chiến trường lao lung trở về. Mừng con còn lành lặn. Mẹ thời nay thường
tới đồn Cảnh sát rước chúng con về. Mừng con may chưa bể sọ não nơi yêng hùng
xa lộ.
Đường phố kẹt xe tợn. Đám kẹt này chửi quanh: “Đù má chạy xe lấn trái, chiếm đường,
luôn kẹt xe vì cái thứ vô văn hóa này.” Lại cơn mưa lớn. Giữa công viên cỏ xanh
ban trưa giờ là một cái hồ nước lớn. Giữa hồ nước cỏ xanh có tượng đài. Tượng
đài có mái tóc xi măng bạc trắng, miệng râu cười, cánh tay mặt chìa ra như chào
đón, bàn tay năm ngón cứng đơ vì bàn tay cốt sắt.
Chiều lung. Một cái trời vàng nhẹ pha gió. Thằng Liu vừa lái xe vừa ví von:
“Gió có mùi inh ỉnh phải không tụi bây.”
“Không phải inh ỉnh, mà thối. Thằng Cờ Rết trả lời.”
Cả bọn trong xe cười cợt. Xíu Mại ngã người ra phía sau. “Ôm em đi, Rết, em lạnh.”
Rết ôm quàng vai Xíu Mại. Xíu Mại lim dim mắt. Trời rất nóng. Xíu Mại vẫn cảm
thấy lạnh. “Em lạnh từ cha ông lạnh về tới em.”
Thằng Liu nói: “Tao thấy cái xã hội inh ỉnh, mà thằng Rết cho là tới thối. Từ
đâu mà thối thế này? Hỡi triết gia Rết?”
Rết khẳng định: “Thối từ Họ. Bọn Họ làm thối.”
***
Trong cõi người thơm lừng mùi động vật, vật hai chân mang H5N1, bốn chân lở mồm
long móng, rất nhiều chân như con tôm có trong đầu hóa chất độc hại; vâng, nơi
đây cách xưng hô trong gia đình các quan lại triều đình có đặc biệt riêng nó.
Khi vắng mặt cha mẹ, con cái gọi các bậc sinh thành ra mình là Họ. Bọn Họ. Có lần
Đúp-Bờ-Liu buồn bã ta thán:
“Họ làm giàu nhanh siêu đẳng mà lừa mị man trá cũng vi diệu. Cách đây mươi lăm
năm gia đình tớ thuờng trực có gấu ó. Vạch áo, lục bóp nhau. Mấy trăm đồng
lương chó chết ở cơ quan sao anh không mang về đầy đủ nuôi con cái. Nhậu nhẹt,
cho đĩ ngựa hả, đồ khốn nạn. Nhưng bây giờ mày biết, bọn họ có nhiều xe ô tô,
ba ngôi nhà tổ bự, một ở hai cho thuê. Tao được hưởng riêng một khu vườn nghìn
mét vuông đất. Bây giờ, mỗi tối, đàng trai trao cho bên gái dăm bảy chục triệu.
Nhà gái bảo đàng giai: “Chú Bảy gửi trước anh năm cây vàng nhờ anh ưu tiên ký
cho cái hợp đồng xây mấy lô nhà tạm cư. Chỗ vợ chồng em năn nỉ anh ký dùm chú Bảy.
Chú là người biết điều, chỗ phải không.”
I–Cờ- Rết tự sự:
“Nhà tớ cũng giống thế thôi. Thăng quan tiến chức vù vù. Nhưng bọn họ không êm ấm
gì. Một hôm đàng trai mắng bên gái mày là con đĩ ngoại tình. Ghế mẫu mắng trả
anh mới là thằng hèn thằng điếm. Đứa nào ngồi ghế cao hơn anh là anh sẵn sàng
liếm gót giày. Sợ bọn tao buồn, bọn họ thôi ồn ào, nhưng người lầu trên kẻ lầu
dưới nhắn tin qua điện thoại chửi nhau. Chưa đã, thì vào mail oanh tạc tục tĩu
nhau. Một giờ sáng tớ còn nghe bọn họ gây chiến. “Cô là con lừa đảo cả trời.”
“Hay nhỉ, tôi còn có ông trời để lừa đảo, chớ anh thì đã gom cả trời đem bán ve
chai từ khuya.”
***
Trên đây là đám con cái viết trường thiên tiểu thuyết bằng mồm về cha mẹ. Phần
cha mẹ, họ gọi con cái là Nó. Bọn nó.
“Bọn nó hư đốn mất dạy lắm. Cho bao nhiều tiền cũng không đủ. Cho xe chạy vài
tuần thì bán xe, hết chiếc này tới chiếc khác. Chưa tới tuổi thành niên đã rượu
chè, chửi bới vô tội vạ, hút xách, phá thai.”
Trong cái nhân gian mờ tối vì tiền vì danh này, giữa cái chuồng mênh mông thịt-chạy-thây-đi
này, không ít Bọn Họ than phiền Chúng Nó:
“Bố Chúng Nó từ khi bỏ cái cày cây súng, đất nước hòa bình thống nhất, trình độ
học vấn xem như mới biết chữ. Chữ V bố còn lộn hoài với chữ U. Vậy mà chỉ sau
mười năm, vừa làm quan vừa học. Mỗi tuần học sơ qua vài giờ, mỗi giờ năm bảy chữ.
Có khi thầy trò - là ông giám đốc - cùng nhau ra quán vừa nhậu vừa nghe giảng
bài. Thế mà nay bố Chúng Nó đã là một vị Tiến sĩ. Bố vậy còn lũ con học mài miệt
những mười hai năm, bao nhiêu của tiền, thi cái tú tài môn nào cũng toàn con
zéro. Đúng là cha làm anh hùng con bán lựu đạn.”
***
Sau khi quậy discothèque ở Blue Star bọn Nó đến Golden Eye đã một giờ sáng. Nơi
đây cuộc vui thâu đêm. Là con các đại gia bề trên thượng tầng kiến trúc, bọn nó
quen biết nhau cả. Biết cả tin tức bố thằng này mới bị còng, bố đứa kia báo chí
vừa rao tên. Nhưng đó là việc của Bọn Họ. Cuộc chơi là tiến trình nhân văn
không thể đảo ngược.
Trước đây hơn mươi năm có một em nữ sinh 17 tuổi uống độc dược tự tử vì bố mình
mang tội tham nhũng, bao che cho một quán đĩ, bia ôm. Bố phải ra tòa. Em tự giết
mình. Để giữ trong sạch, không chịu được mối nhục trong gia đình.
Bây giờ có khác. Bọn trẻ quá quen với cao trào lưu manh của cha mẹ. Có đứa hãnh
diện vì báo chí rao tên bố mình tham nhũng tiền tỉ, cho gái đĩ một căn nhà hằng
trăm cây vàng, xài trên chiếu bạc mỗi đêm hằng trăm nghìn đô la. “Bố tao có ngồi
trên đầu trên cổ thiên hạ mới tham nhũng được cỡ đó, chớ khố rách áo ôm đạp
xích lô như bố chúng mày thì lấy cái đéo gì mà tham nhũng.”
Bọn trẻ con nhà thế lực hôm nay có sự khoái lạc mù mờ khi bố mẹ chúng là đám
thiêu thân. Ác nỗi, ngọn đèn lý tưởng, hấp lực bọn thiêu thân ấy, nay chỉ còn
là màu đỏ bệnh, một cái chấm máu khô, không hề còn ánh sáng.
Trên bàn ngoài rượu, thuốc lá, thức nhắm, có ba cái xí líp. Con Mica, con
Tigôn, Con Xíu Mại cởi ra đấy. Nóng cái háng chịu không nổi. Liu nhặt một xì
líp tròng lên một phần chóp cái đấu húi cua; cười. Con Xìrô ngồi vào bàn, mệt mỏi
nhâm một ngụm rượu mạnh rồi cởi cái nịt vú. Đèn màu mờ ảo. Ồn ào nhạc cuồng
điên. Rượu mềm người. Chẳng đứa nào chú ý tới đứa nào, trừ trường hợp có đứa gần
như truồng quậy disco thì bọn chúng vây quanh thèm thuồng một cách man dại.
***
Thật ra Bọn Ta có thể giải thích với Chúng Tao như thế này:
Bọn trẻ không phải ngu đần, không biết gì liêm sỉ. Có đứa khá thông minh, là đạo
hữu của máy vi tính, biết vượt tường lửa để ngao du trên mạng; lại đàn hát hay,
yêu cái đẹp, biết bịt mũi trước cái đời mà theo chúng là thum thủm.
Có đứa từng nảy lửa từ chối đặc ân bố mẹ nó dành cho, như chạy chọt để vào được
trường đại học, hoặc cài vào các cơ quan, các ngành béo bở mỗi năm hái ra dăm
ba chục cây vàng. Chúng không muốn ai đó ném thêm một con sâu vào cái chỗ đã đầy
sâu bọ.
Bây giờ bọn chúng khá mệt mỏi. Bị ủ kín dưới một lớp cỏ tranh chờ cháy. Bị đan
lát trong đầu não những răn đe không cần thiết, những tín hiệu lỗi thời. Nền
giáo dục hôm nay cho chúng những bữa ăn khá thịnh soạn nhưng chúng không thể ngửi
trước khi cầm đũa nĩa. Chúng đói mọi ngày. Khi thức ăn tư tưởng đã thiu thối từ
nhiều ngày.
Chúng được cung cấp những phần lịch sử động trời ngay trong sách giáo khoa như
Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo là để bảo vệ môi trường. Chúng miên man trôi
theo những hư cấu anh hùng. Chúng ngập trong bể bơi đầy lăng quăng mà mơ hồ
đóng vai Yết Kiêu yêu nước, đục chiến thuyền quân phương Bắc giữa bao la. Trong
môi trường ấy chúng câm điếc, vô nhiễm quá khứ.
Rất nhiều bài văn lạ lẫm kỳ quặc từ những tâm não ung buớu. Trong một bài thi
Tú tài gần đây, một học sinh trả lời câu hỏi môn lịch sử về thời Phật Giáo Miền
Nam 1963 đấu tranh chống Ngô đình Diệm như thế này:
“Hoàng thượng Thích Quảng Đức đã treo cổ tự vẫn ở Ngã tư Sở Hà nội để chống đối
chế độ độc tài.” Rõ là thú vị. Hòa thượng Phật giáo biến thành Hoàng Thượng.
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại trung tâm Sài Gòn, nay em cho là treo cổ
giữa lòng Hà Nội.
Cái gì đây? Em kém, hay em hiểu biết mà muốn trêu chọc chốn trường thi mà chơi?
Theo cách trả lời này thì thời ấy, chế độ độc tài tàn bạo là ở Hà Nội, còn quân
Giải phóng đóng đô ở Sài Gòn. Quân từ Sài Gòn mới bức xúc năng nổ bổ sung, tiến
ra giải phóng Hà Nội. Cho nên Hà Nội ngày nay giống y chang Sài Gòn thời tư bản
chủ nghĩa trước kia.
***
Năm giờ sáng, Liu gọi bà chủ bar ra cho nó bảo: “Này, chiếc Lexus em đằng kia,
cái thẻ chủ quyền xe đây này, chị cầm lấy và ứng cho em năm nghìn đô.”
Chủ bar khá vui vẻ chuyện này. Mười lần như mười, thằng Liu biến mất, và mẹ nó
mang tiền chuộc xe. Chủ bar lại có thêm vài trăm đô la tiền lời do khoản năm
nghìn đô đã ứng trước nhiều ngày.
Đến Vũng Tàu, chín đứa thuê phòng. Bốn cặp nam nữ làm tình thay đổi. Không đứa
là nào bồ bịch riêng đứa nào. Xã hội hóa giao cấu toàn triệt.
Riêng Xíu Mại, nằm ngồi trong đêm đơn lẻ mỗi mình. Không thằng nào được phép động
tới nó. Xíu Mại xanh mướt như tàu lá, hít thuốc, uống wishky tối ngày. Có khi
khóc rấm rứt. Nó hoang tưởng kiếp trước là một nữ tướng anh hùng, kiếp này
không ai biết đến tên. Nó rất sợ vô danh, lạnh lẽo và muốn bạn bè luôn gọi tên.
Có nhiều lần Xíu Mại bất tỉnh, bạn bè gọi tên, nó mở mắt thoi thóp.
Xíu Mại rất thông minh, nhạy cảm, nhưng nó lăn xuống đồi đọa lạc khá mau chóng.
Con nhà Hồng Chuyên, Xíu Mại mười chín tuổi, phá thai bốn lần. Bây giờ nó oải,
rất sợ làm tình. Nó bảo nó sợ - đực. Đến nỗi nghe trong gió ngàn cái mùi một thắng
tắm truồng bãi biển, nó cũng sợ thụ thai.
Hồi mười bốn tuổi Xíu Mại bỏ nhà đi bụi, ngủ hoang nghĩa địa tám ngày. Ám ảnh
vô danh, nó nghe ngóng dư luận trong đám người chết queo dưới mộ, khùng mơ hỏi
xương khô có từng biết tiếng tăm của nó không.
Bây giờ Xíu Mại nằm ngửa, dang hai tay, người ngây rượu, nghe bốn bề có tiếng
ngựa hí, ngựa voi của Gia Long sắp xé thây người.
Dưới bãi nước sóng vỗ, nắng sớm vàng ươm. Xíu Mại nốc rượu từ sáu giờ sáng. Một
con đường trí tưởng đầy mộng mị, những thác ghềnh xô nhau chạy, không gian đổi
màu lẹ làng như màu trong một buổi biểu diễn nhạc nước. Xíu Mại rùng mình, bất
an. Muốn được quấn lụa quanh mình như Bùi Thị Xuân trước khi bị Gia Long cho
voi xéo dày.
Muốn được làm ấm thân thể lạnh lẽo, dù rơm cỏ.
***
Tigôn ăn vận nghiêm chỉnh cùng đồng bọn ra đi. Nó hỏi Xíu Mại:
“Mày thích lên chùa xem bói không Xíu Mại?”
“Không. Em đang chờ gọi tên ra pháp trường.”
Tigôn vỗ về:
“Vậy mày nằm nhà mỗi mình. Bọn tao đi một lát về nghe. Khoan chết đã nghe. Nhớ
là khoan.”
“Em lạnh lắm. Ôm em đi anh Rết.”
“Theo em là em lạnh từ tổ tiên lạnh về?”
Bọn hiện sinh tám đứa lên chùa.
Đường lên dốc, đá lác chênh vênh.
Biển xanh vỗ trắng dưới vòm.
Chúng rất khép nép vì chùa thiêng và Sư thầy thảy quẻ khá linh.
“Nào, có việc gì đây quý đạo hữu?”
“Xin thầy cho chúng con một lời đoán xem cái tiền đồ.”
“Trẻ thế mà xin xăm đoán số làm gì.”
“Bạch thầy, nhà chúng con việc gì Bọn Họ cũng đi xem bói, cũng ém bùa. Qua tới
Trung quốc mua bia đá về ém nhà cửa, cả việc dựng bia ém tà ma chỗ cơ quan.
Thành quen. Kể cả việc chọn tài xế, người bảo vệ, cha mẹ chúng con cũng tìm thầy
xem xem chúng có mạng sát chủ hay không.”
Chùa rộng. Vườn cây bóng mát. Người viếng chùa kẻ xin tin rải rác. Tiếng chuông
boong. Sư nghiêm chỉnh nhìn nhân dạng khí sắc bọn trẻ, nghe ngóng trong bao la
cái núi sông ngày một lao phổi trụy tim. Rồi Sư lim dim phán:
“Tròn không tròn, vuông không vuông. Không là có. Cũng chẳng không. Ở trong mà
là ngoài. Duới gốc côn trùng trên nóc côn trùng.”
Bọn nhỏ hoảng, không hiểu mô tề. Đồng loạt cầu khẩn:
“Trăm lạy thầy nói cho chúng con dễ hiểu.”
Sư chậm rãi:
“Ác tính rồi. Di căn rồi. Toàn hệ thống cái tiền đồ.”
Một thằng mạnh miệng cật vấn sư bói toán :
“Lạy thầy, vậy ung thư với ma túy thằng cha nào bố láo mất dạy hơn.”
Sư gieo kinh:
“Ma túy có thể từ bỏ. Ung thư là kết thúc. Hiện tại xã hội các người đã ung từ
não tư tưởng. Ung trong máu lưu thông. Bạch cầu nhiều hơn Hồng cầu. Chính Máu
giết Máu. Cái phải thực sự Đỏ bây giờ nó trắng nõn. Lợn cợn màu Bạch vệ. Như tủy
heo inh ỉnh. Cả hệ thống, tim gan phèo phổi ruột non ruột già hôm nay nát nẩm.
Cái này làm thối, chơi bẩn cái kia. Hết thuốc chữa cái tiền đồ này rồi.”
Nghe Sư nói thẳng mạch tàu, Thằng Liu nói nhỏ vào tai Rết:
“Tao chắc nẫm sư này không phải sư quốc doanh. Sư nhà nước không cha nào nói bạo
gan như cha này...”
Bọn nhóc tạ ơn Sư hai trăm đô la. Sư không nhận tiền. Lại hỏi:
“Các cháu Việt kiều hả?”
“Bạch thầy chúng con là Việt kiều nội địa. Là người Việt đi ở nhờ ngay trên quê
hương.”
***
Khách sạn khá ồn ào. Mà như có gì nghiêm trọng. Xíu Mại chết thong dong trong
phòng số 18. Chín nút. Em nằm yên, hiền hòa. Lạy chúa, Gia Long không cho voi
dày em như đã làm với nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Tigôn khóc nức nở:
“Xíu Mại ơi mày chết vì bọn tao bỏ mày một mình. Mày bị đứt thời gian vì không
được gọi tên. Xíu Mại ơi.”
II
Có chuông reo ở cổng biệt thự Hồng Chuyên.
Cánh cổng vừa mở, một chiếc xe vận tải loại vừa chạy vội vào trong sân, trước sự
ngỡ ngàng của người bảo vệ. Trong xe có một chiếc quan tài. Một đứa trai trẻ chạy
ngay vào nhà mở rộng cánh cửa lớn, chính diện. Tám nam nữ hộ tống áo quan đều để
băng tang.
Ngồi đứng rải rác dưới bóng cây, một lúc bọn trẻ hiểu ra rằng trong vuờn Hồng
Chuyên khá rộng này đã vắng chủ. Chỉ một bảo vệ xa lạ và một bà vú già. Một
trai trẻ nói: “Xíu Mại, chính Xíu Mại ở trong quan tài.” Người vú già chăm nom
cô gái từ tấm bé than khóc “Xíu Mại ơi sao ra nông nổi này…”
Người bảo vệ hỏi:
“Xác này từ đâu tới?”
Bọn trẻ không trả lời.
Chúng thiết cái bàn thờ, đặt những vòng hoa, làm những thủ tục cần thiết tiễn
cuộc ra đi. Bà vú nói sao các cháu không đưa xác vào chùa. Xác chết đưa trả về
nhà thế này là xui xẻo cho người thân lắm đó.
Nhưng bà lại suy nghĩ, rồi than van với bọn trẻ:
“Mà thôi, xui xẻo thì đã có rồi. Ông nhà vừa bị bãi chức, bị bắt và bị tống
giam. Nhà cửa, văn phòng bị khám xét. Bà chủ ngày nào cũng phải trình diện nhà
chức trách để khai báo về quá trình tham nhũng, những sai trái của quan chồng.
Người bảo vệ xa lạ này là một nhân viên an ninh được nhà nước phái tới để canh
gác căn nhà. Hãy còn nhiều quan hệ với đường dây mối nhợ phạm tội cần tiếp tục
theo dõi, điều tra thêm.”
Bọn trẻ ngồi buồn bã, lác đác trên bực thềm, dưới những bóng cây trong vườn. Bầu
trời mây mù. Vườn Hồng Chuyên bỗng dưng hoang tàn. Hoa lá héo úa vì không được
chăm sóc. Một số các chậu hoa kiểng bị đào bới nằm nghêng ngả. Bàn ghế xiêu lệch,
những cách tủ áo quần, sách vở hồ sơ, bị lục tung lên, rồi bỏ đó, chưa được sắp
xếp lại. Chừng như nguời ta đã tháo một số máy móc, cái két sắt mang đi…
***
Thế là Xíu Mại lại được nằm yên trong căn nhà quen thuộc của cô. Để đưa Xíu Mại
được nhanh chóng trở về nhà mà không phải trải qua những xét nghiệm rườm rà, những
cuộc điều tra phiền toái, không là chuyện dễ dàng.
Dây chuyền vàng trên cần cổ bọn chúng. Đồng hồ đáng giá trên cườm tay. Những
trăm đô la trong túi. Những khoản tiền rút vội từ máy ATM. Một cuộc gom góp chớp
nhoáng để đóng góp chớp nhoáng cho những câu hỏi gây khó của thẩm quyền đặt ra.
Xíu Mại chết vì bị đầu độc? Ai trong bọn là thủ phạm đầu độc? Tự tử? Vì lý do
gì? Tự động mà chết được ư? Phải mổ xác và khám tử thi? Ai là cha mẹ?
Lúc bọn trẻ cần giấu kín vụ này, giữ trong sạch cho niềm đau riêng, chúng hiểu
là tất cả phải hóa thân để chui qua một lỗ kim luật pháp. Rất may chúng có khá
nhiều thủ thuật trong việc chạy chọt. Đưa con voi chui lọt mọi khe mành cơ chế
này, là do từ kinh nghiệm gia đình, học lóm Bọn Họ.
***
Bà vú già đốt một lò trầm, thắp nến. Dâng hương trên bàn thờ Phật. Cố lục tìm một
số hình của Xíu Mại. Liu chọn một tấm hình đẹp nhất đưa ra tiệm ảnh phóng to để
trước áo quan. Một giọng nhạc nhẹ, khá buồn từ chiếc máy đâu đó. Bà Vú bảo các
cháu thay băng nhạc đi, tôi có một cuốn băng kinh Phật đây. Chao ôi Xíu Mại, Vú
đưa con về Cõi Tây phương. Vú khóc.
Lâu quá, vẫn chưa thấy mẹ Xíu Mại trở về. Kinh nguyện vang động vườn Hồng
Chuyên. Vú nhờ Rết đi mời vài nhà Sư đến gõ mõ. Rết phân vân: “Chùa nào không
có sư quốc doanh?”
Bóng ngã buồn tênh. Những bóng cây cụt đầu. Vì sợ những hàng cây me, sọ khỉ,
nhiêu bóng mát trăm năm ngã đổ trong đường phố, nhà chức trách đã dứt khoát cưa
ngang thân cây. Bỏ ngọn sum sê. Cây Sàigòn mất bóng.
Những bóng cụt đầu ma trơi đổ xuống vườn Hồng Chuyên.
Nhìn những chậu cây kiểng bị bật tung khỏi gốc, những bức tượng mỹ thuật bị
nghiêng đổ trong vườn, Rết hỏi:
“Ai lật tượng, ai đào gốc cây trong chỗ Hồng Chuyên này?”
Bà vú trả lời:
“Hôm khám xét nhà người ta đào xới cả vườn, xem có giấu của cải nơi bí mật
không.”
Một đứa ngạc nhiên nói:
“Có của chìm của nổi thì gửi cho bà con bạn bè thân thiết phòng khi bất trắc ai
mà chôn cất trong vườn.”
Bà vú than tiếc:
“Có đấy. Cậu có thấy cây ngâu quế bật gốc kia không? Người ta đã nhặt được dưới
ấy đến tám mươi lăm lạng vàng ròng. Khu vườn này bị đào xới đến không tiếc
thương cũng vì cây ngâu.”
Liu bỗng bồn chồn, những bờ tường thẳng đứng từ khu nhà đối diện trở nên gãy
khúc, như có khúc xạ ngay trong nắng. Rồi hắn nghe nóng chỗ lồng ngực, mặt đất
như co nhàu lại. Liu nói vội, với lũ bạn:
“Tao đi chút đã nghe.”
“Mày đi đâu?.”
“Tao ghé qua nhà một chút, hình như có chuyện gì rồi.”
Một đứa than thở:
“Hồng chuyên đã trở thành một vườn hoang.”
Một đứa thê thiết:
“Cha mẹ nào chôn cất Xíu Mại đây?”
III
Khu nhà đồ sộ hiện lên từ xa, giữa một khu ngoại ô hãy còn lỗ chỗ những vườn ruộng,
ao hồ. Một nhà máy cổ lỗ bốc khói đen. Một con kênh không còn mùi sình vì mùi
chất thải hóa học thay thế. Bố của Liu mua một nghìn mét đất, xây cất cơ ngơi
này tặng cho Liu. Mẹ Liu thương con, bỏ nhà trong nội thành ra ở chung với con.
Thường ngày Liu ngồi Lexus vọt qua con đường này như một vị quan lớn. Hôm nay
Liu xuống taxi ở đầu đường. Anh đi bộ qua con đường mới trải nhựa. Đám thôn dân
cố cựu bám đất ngồi tụ tập nhậu nhẹt, đánh bài trong những quán tranh lụp xụp.
“Chào cậu Ấm Liu.” Một người chòm xóm, dân lưu cư, chào thân ái.
“Chào bác Bảy, khỏe chứ.”
“Tôi vẫn khỏe, này cậu ấm, mẹ cậu bỏ nhà đi rồi.”
Con Cà Tư xởi lởi khoe với Liu: “Bà nhà trước khi ra đi có cho con nhỏ bị chồng
bỏ này ba triệu đồng làm vốn nuôi con cậu Liu ạ.”
Liu nhận ra anh đã sống cách biệt khá xa với cuộc sống chân quê hiền hòa này.
Cái gì tạo ra ngăn cách, cái gì xua đuổi anh ra khỏi thì anh không rõ. Nhưng quả
thực Liu đã cách biệt. Một cách biệt gần gũi. Tỉ như một con trâu nhốt chung
chuồng với vài con ngựa.
Liu đi qua một cái ao nhỏ nước đục rêu xanh. Vài đứa bé ngồi thả cần câu. Phía
vùng đất cao cỏ tốt bọn chủ ngựa chăm sóc mấy con ngựa đua. Liu nhìn đồng hồ đã
hơn muời một giờ trưa.
Cách vài trăm mét tới cổng nhà có một hàng cây sứ trổ bông trắng. Một ngôi cổ
miếu, nhỏ. Không biết thờ thần gì nhưng khi vùng ngoại ô quê mùa này biến thành
khu phố lác đác nhà không ai dám phá ngôi miếu cổ này. Nhưng cũng chẳng ai lo
cúng kiến thần linh.
Một đám mây nặng bay qua. Bầu trời bỗng mờ tối trong mắt Liu. Một thoáng anh thấy
một cô gái xinh đẹp nhưng gầy mướt. Cô đứng ngay cổng miếu, một bóng sứ hoa trắng.
Rõ ràng là Xíu Mại. Em đứng đây đợi Liu từ bao giờ.
Liu buồn bã hỏi:
“Em về bên kia rồi mà.”
Chiếc Bóng trả lời:
“Thì em đã về. Sao anh không quấn lụa cho em.”
Liu nói:
“Nhưng em đang trong ngôi nhà Hồng Chuyên mà?”
“Thưa vâng, em đã là hồn ma của Hồng Chuyên. Em lạnh lẽo trong một Hồng Chuyên
đang tận mạng suy đồi.”
Liu than vãn:
“Anh nào khác gì em.”
Bóng Hoa sứ miếu cổ năn nỉ:
“Sao anh không hóa vàng cho Hồng Chuyên?”
Liu lưỡng lự::
“Dù lây lất nhưng Hồng Chuyên đang là một Ngự trị.”
Bóng tha thiết:
“Sắp tàn rồi. Đốt vàng mã xuống âm ty cho Hồng Chuyên là vừa.”
Liu quả quyết :
“Đốt vàng mã mà làm gì? Sao phải tử tế với quỷ dữ?”
Bóng trần tình:
“Hóa vàng là thủ tục tống biệt. Là đoa tuyệt. Chôn ngay đi. Là văn hóa Việt. Với
bọn đâm thuê chém mướn, lâu la oan hồn, bà con ta còn cúng rằm tháng bảy kia mà
anh Liu. Vả lại chính chúng ta cũng là bào thai của Hồng Chuyên.”
Liu lưỡng lự:
“Nhưng tro tàn cốt rụi của Hồng Chuyên sẽ thải vào đâu trên nước non vừa điêu
tàn vừa hoa gấm này?”
Bóng dỗi hờn:
“Không có, không còn tro tàn nào đâu. Lịch sử đâu cho lưu giữ. Sẽ không còn vết
tích gì. Hóa vàng đưa ma là hết. Sẽ thanh sạch nếu không còn một vết tích Hồng
Chuyên nào trên nước non này.”
***
Liu qua khỏi hàng sứ. Màu lụa của nắng. Anh nghe trong gió có khói xanh. Xíu Mại
phơ phất. Giờ này mẹ nàng đã về chưa? Ai tống táng Nàng?
Liu bước qua bãi cỏ có bầy ngựa. Tiếng líu lo của bọn nhỏ từ cầu ao vọng lại.
Trong xa xăm hình như còn một bầy trẻ đi tới. Một bầy trẻ đi qua tương lai
không cầu.
Liu buồn bã về.
Cổng vườn khóa kín.
Ngưòi giữ vườn mở cổng, chào Liu và nói:
“Ông đang ngồi trong nhà.”
Liu định quay lui nhưng đã muộn. Anh khá mệt mỏi, cần một chỗ nằm. Để tranh gặp
mặt bố, Liu đi vòng ra lối sau vườn.
Anh nghe mùi thối ngay từ cỏ xanh, từ bất cứ gì gọi là sự sống. Liu nghĩ: “Quả
thật cái thối đang có mặt trùng khắp.” Lại nghĩ tới lời cầu khẩn hóa vàng:
“Không còn tro tàn nào đâu. Đốt vàng mã đưa ma, là hết. Sẽ minh bạch nếu không
còn bi tích Hồng Chuyên.”
***
Bố Liu không ở phòng khách mà ông ngồi trên chiếc ghế mây trong vườn sau. Ông
ngắm những giò phong lan nở. Dưới chân ông con chó nhỏ nằm gọn.
Thoáng thấy Liu ông nói trỗng:
”Tưởng không về căn nhà này nữa chứ?”
Liu bất ngờ chạm mặt bố. Khuôn mặt ông quan sáu mươi tuổi tròn trịa, hồng hào.
Một niềm tự mãn, đắc thắng được dát lên đó như lớp xi măng tô đá rửa, chắc láng
trên một hộc mộ.
“Mẹ tôi đâu?” Liu hỏi.
Quan nhị phẩm triều đình biết mình đang tháo một ngòi nổ.
Từ lâu chỗ công đường ông chưa nói đã có một bọn nô tì chuẩn bị tán dương anh
Hai vô cùng sáng suốt. Nhưng trong căn nhà này ông thường trực chạm phải những
chống đối của vợ con. Một đối kháng mang tính ác ôn, theo ông, của một bọn vô
luân. Bọn vô luân chơi bài lật ngửa với bọn vô thần.
Bây giờ trước mặt Liu, ông cảm thấy cần thiết làm chậm ngòi nổ. Để cuộc đối thoại
khỏi bị hỏng bét như thường lệ. Trong sinh hoạt gia đình lâu nay, những cuộc
trò chuyện lẽ ra thân tình lại chỉ năm bảy phút là tiêu tan. Bọn Họ dạy dỗ, rồi
nóng nảy mắng Bọn Nó nặng lời. Bọn Nó ngỗ nghịch, mắng lại rồi tự động bỏ đi.
Ông bố dịu giọng:
“Ngồi đây bố nói chuyện cái đã.”
“Tôi muốn biết mẹ tôi đâu?”
Ông đằng hắng, cố tỏ ra không vì hối hận, nói tiếp:
“Nên gác chuyện đó lại. Bố muốn nói với con một việc này, đơn giản, không cần
bàn luận nhiều. Hãy bình tĩnh.”
“Tôi hỏi lại. Mẹ tôi đâu. Nhưng việc cần tỏ rõ là việc gì?”
“Bố đã lo cho con hồ sơ đi qua Úc du học.”
Liu yên lặng một lúc, giọng trở nên buồn bã:
“Tôi còn não trạng nào mà học với hành.”
“Không nên nên lặp lại những câu bố từng mắng chửi con như thế. Cay đắng lắm. Hồi
xưa Bố nóng vội...”
Ông ngồi yên nhìn cậu con trai khá lầm lì. Nhiều năm qua dịp may đã đến với ông
như nước lũ. Nhưng cơn lũ thời cơ ấy cũng quét mất đi những niềm thân ái. Đẩy
ông xa cách con cái. Quấy bẩn niềm hạnh phúc vợ chồng. Nay một người thân thiết
là vợ ông đã bỏ đi. Đây là lúc ông nhận ra những mảnh vỡ thấm máu trên thảm đời.
Lúc Liu lọt lòng mẹ, đất nước đã hòa bình. Vợ ông không phải ôm con vượt dưới
làn bom. Ông đã trở về sau những dặm núi rừng, rất mừng vui đã không thành
xương trắng. Không thành xương trắng nhưng quả thực ông đã trở thành cái khung
xương trong nghìn nghìn khung xương trở lại đồng bằng.
Liều thuốc an thần là thực tế vinh quang. Con đường thăng tiến là thời cơ và
quyền lực. Những sẹo thương đã tức tốc nguyên lành. Ông đã hóa thân mau chóng
trong nhân gian mới, có khi bằng mưu thuật, ngụy tạo. Ông đắc thắng ngẫm nghĩ:
“Một thời máu xương, thậm chí số phận chính mình chỉ là cục cứt bón phân cho
cái bãi xanh lý tưởng. Bây giờ cục cứt mình sắp ỉa ra là có ngay một lũ đàn em
tranh nhau khen mừng, rặt mùi thơm định hướng.”
Nhưng đó là chỗ triều đình. Trong gia đình này không có con đường một chiều.
Ông hiểu là con trai mình đã ngoài hai mươi. Một thằng trai trẻ ngang buớng,
khinh thuờng cả bậc sinh thành. Có lần nó bảo nó khinh bỉ cái hiện tại. Nó nhờm
tởm cái phiên bản mọi rợ. Phiên bản ấy được nhân ra nghìn bản. Làm sưng tấy những
giấc mộng ban đầu. Làm cỏ những ban mai.
Bây giờ nó ngồi đây. Lầm lỳ. Như con hổ bị giam cầm. Chờ nổ những thịnh nộ. Bố
chán cách phớt lờ của con. Con nôn mửa những bài giảng thiu hôi từ lớp người gọi
rằng “Lớp trước.”
Lửa đã bùng, thì nước phải sùng sục sôi. Ông nhắm một cốc rượu, cố gắng vượt
khó một lần nữa, ông nói:
“Không học chữ được thì học một cái nghề.”
Liu bất ngờ nổi bão cuộc trò chuyện bằng cách trả lời cộc lốc:
“Tôi không học nghề gì được.”
“Vì sao?”
“Tôi có nghề rồi.”
“Nghề nghiệp gì?”
“Lang thang.”
Ông lặng người. Rồi bật công tắc:
“Khốn kiếp. Một bọn vong ân. Sống một đời không biết mang ơn. Không nuôi một lý
tưởng gì.”
Giọng Liu trở nên nhọn hoắt:
“Lý tưởng đóng đinh lên sọ người. Lý tưởng ông trùm.”
Liu đi vào phòng lấy cái xắc, bỏ một ít áo quần. Trên bàn có một lá thư:
“Mẹ xin lỗi con. Mẹ hy vọng một ngày rất gần mẹ con chúng ta sẽ gặp lại nhau
trong một hoàn cảnh hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Đây là những phút giây tan nát. Trước
khi ra đi, mẹ có chuyển vào tài khoản của con một số tiền lớn. Tiêu pha dè xẻn
một chút. Nếu không núi của cũng hết. Mẹ đã chuộc xe cho con, gửi bên nhà cậu Bảy.
Chuộc xe? Không ai chuộc được linh hồn. Gia đình ta tản hàng. Theo ý của bố con
thì mẹ đi theo trai đây. Con hiểu chứ? Mà con phải hiểu. Mẹ thương yêu của
con.”
Cung Tích Biền