05 October 2021

NHỮNG VIÊN SỎI - Hồ Phú Bông

Lam chuẩn bị đi thư viện thì nghe tiếng gõ cửa. Một thanh niên mặc rất giản dị và lịch sự hỏi nhà Liễu:

- Thưa cô, cô Liễu trước đây ở căn bên cạnh không biết đã dời về đâu? Tôi ở xa về, mất liên lạc nên không biết tin tức. Nếu cô biết xin chỉ giúp. Tôi đã hỏi chủ mới nhưng họ không biết.

- Liễu là bạn tôi. Liễu đi Úc lâu rồi. Tôi có địa chỉ Liễu nhưng không nhớ. Nếu cần, tối anh chịu khó ghé lại tôi sẽ lục tìm cho anh vì bây giờ tôi có việc phải đi ngay.

- Thành thật cám ơn cô. Tôi sẽ trở lại.

Đến thư viện thì Thành đã đợi sẵn ở đó.

- Lam đến trễ một chút vì vừa chuẩn bị đi thì gặp một ông Việt kiều hỏi nhà Liễu.

- Ông Việt kiều là bạn của Liễu? Chưa khi nào Thành nghe Liễu kể cả.

- Lam cũng hơi ngạc nhiên. Tối ổng sẽ trở lại. Thành muốn gặp ổng không?

- Chắc là không rồi.

Ngày trước Thành và Liễu rất thân nhau. Họ có thể là một cặp rất xứng đôi nhưng bạn của chị Liễu, ở Úc về, cuỗm mất Liễu. Thành không ưa Việt kiều từ đó. Thành tiếp:

- Cô nào cũng mơ Việt kiều, Lam có nghĩ vậy không?

- Thành có vẻ không vui phải không? Quên đi một kỷ niệm buồn cũng là điều tốt chứ. Sống hoài với nó có ích gì. Đời sống vẫn còn đang ở phía trước cơ mà!

- Lam đã thành tâm lý “ra” lúc nào đó? Bao giờ đến lượt Lam đây?

- Đố biết, vẫn còn ở phía trước cơ mà!

Rời thư viện trở về nhà thì ông Việt kiều đã đợi sẵn ở phòng khách. Má Lam đang tiếp chuyện.

- Cậu Nhân đang đợi con. Hôm nay con về trễ quá vậy?

- Con phải trú mưa dọc đường. Ướt hết rồi má!

Lam quay qua Nhân:

- Anh chờ chút, Lam sẽ lục tìm cho anh.

- Không sao. Tôi có thể chờ được. Hơn mười năm tôi mới trở về và bạn bè tản lạc hết, không tìm được ai nên cũng không có bận rộn gì. Phố phường thì thay đổi quá nhiều nên tôi cứ đi lòng vòng.

Má Lam hỏi:

- Cậu về chơi được bao lâu?

- Dạ, cháu dự trù một tháng. Cháu cũng cần chút thời gian xả hơi. Từ lúc đặt chân đến đất Mỹ cháu lao vào việc học. Rồi vừa học vừa làm để kiếm chút tiền chi phí. Vất vả lắm bác. Nhưng bây giờ thì cháu khỏe rồi. Cháu mới ra trường và cũng vừa có công việc làm tốt ở thung lũng điện tử Silicon, nhưng khi trở qua cháu mới bắt đầu vì khi bắt đầu công việc thì phải ba bốn năm sau mới có phép nghỉ dài ngày để về Việt Nam được.

- Tuổi trẻ và chịu khó như cậu thì chắc chắn sẽ có một tương lai tốt. Con nhỏ nhà tôi cũng chịu khó lắm. Cháu sắp tốt nghiệp đại học Anh ngữ và gia đình cũng đang tìm cách cho cháu du học tự túc.

Lam từ trên lầu xuống đem theo địa chỉ Liễu. Má Lam nói:

- Cậu Nhân mới tốt nghiệp ở Mỹ. Con muốn tìm hiểu chuyện học hành thì có thể hỏi cậu ấy được.

Lam nhỏng nhẽo với má:

- Điều kiện đầu tiên và khó khăn nhất để họ xét đơn là phải có sẵn trong nhà băng 20.000 đô.

Nhân xen vào:

- Ở Việt Nam bây giờ thì chỉ có gia đình cán bộ may đâu mới có số tiền đó.

- Họ giàu lắm. Thời nào cũng vậy, nhưng thời nay thì gấp trăm lần trước kia. Người dân ở cửa giữa như mình thì phải chịu đựng đủ điều.

Quay qua phía con gái, má Lam nói với Nhân trước khi lên lầu:

- Cháu nó muốn biết gì về chuyện học ở bển, cậu Nhân chỉ giúp cho cháu.

- Thưa bác cứ an tâm.

Nhân lịch sự và khá tế nhị nên thu hút được sự tin cậy của má Lam và Lam rất dễ dàng.

Khi về Việt Nam đa số Việt kiều đều khoe sự giàu có và văn minh nhưng Nhân thì có vẻ ngược lại.

- Bao giờ thì Lam tốt nghiệp trường Anh ngữ?

- Dạ, tháng sáu sẽ thi ra trường. Về văn phạm thì có thể không gặp trở ngại nhiều nhưng nghe và nói thì khó quá anh ạ.

- Nhân thì ngược lại. Bây giờ chỉ sợ quên tiếng Việt nên những ngày nầy Nhân có cơ hội học thêm một số chữ mới. Lam có chịu dạy cho Nhân không?

- Dạ, không dám đâu.

- Ngày thứ bảy, Lam có thể dành cho Nhân chút thời gian làm hướng dẫn viên du lịch được không, nếu bác gái cho phép?

- Nếu anh Nhân không còn ai quen biết ở đây thì Lam sẽ xin phép má đưa anh đi lòng vòng cho biết. Anh cho Lam số phone. Lam sẽ xin phép má và gọi cho anh.

Buổi sáng trời thật đẹp. Được má cho phép. Lam trang điểm chút chút, rồi phân vân đứng trước gương nhìn mình như một người lạ. Hẹn và học chung với Thành bao nhiêu lâu Lam không có cảm giác nầy. Với chút son phấn và nét học trò còn nguyên vẹn, Lam như một đóa hoa còn mọng sương. Cái đẹp tinh khôi. Trong trắng.

Lam chạy xe đến khách sạn gặp Nhân. Nhân muốn mướn taxi, Lam nói:

- Lam chở anh tiện hơn. Anh thấy lượng người đông như thế nầy thì đi xe máy nhanh và tiện hơn chứ không phải Lam muốn tiết kiệm tiền cho Việt kiều đâu.

Cả hai cùng cười. Nhân nói:

- Việt kiều nào chứ Việt kiều như Nhân là tây ba lô mà!

Lam có chút xúc động dù không tin lời nói của Nhân là thật.

Đi với Nhân tự nhiên Lam nghĩ đến Thành. Không hiểu tại sao Lam có sự so sánh giữa Thành với Nhân. Thành cao, vững chãi, khá đẹp trai và tử tế. Lam buồn buồn. Vào Intershop ở góc Nguyễn Huệ-Lê Lợi, Nhân chọn một kiểu đồng hồ rồi ướm vào cỗ tay Lam. Lam cười cười. Từ chối. Nhân gợi ý khác, sợi dây đeo cổ, cái T-shirt, lọ nước hoa. Lam cũng cười cười. Lắc đầu. Nhân lấy thuốc ra hút, có vẻ buồn. Lam đổi ý, nhận cái T-shirt. Nhân chọn cái có lá cờ Mỹ trước ngực với dòng chữ I love America. Lam đổi lại, lấy cái có hình con chim hải âu đang bay trên biển.

- Hải âu có vượt được đại dương không anh Nhân?

- Nhân không biết, nhưng có lẽ là được.

- Nếu không, thì nó cũng có một khoảng trời rộng để bay.

Nhân không đẹp trai, cũng không có gì thu hút đặc biệt nhưng Nhân vẫn là điểm sáng. Nhiều con thiêu thân vẫn muốn lao vào. Cái nghiệp của con thiêu thân với ánh đèn! Lam thèm khoảng trời cao rộng để bay.

Tạm bỏ việc học qua một bên, Lam dành thì giờ để đưa Nhân đi khắp vùng Sài Gòn-Thủ Đức. Buổi tối đi với Nhân qua Thủ Thiêm. Ngồi ở quán nhạc nhìn ngược về thành phố Sài Gòn. Ánh đèn đêm lăn tăn trên sóng nước. Gió đêm lành lạnh. Tiếng sóng vỗ nhè nhẹ dưới sàn. Dòng nhạc thật mênh mông. Bất chợt Nhân choàng tay qua vai, ghì siết lấy Lam. Lam để yên. Nhận chịu. Nụ hôn nồng cháy của Nhân có vị thuốc lá với cà phê. Đăng đắng. Lam không thích mùi thuốc lá nhưng bây giờ lại thấy dễ chịu.

Lam bay. Cánh hải âu trên ngực áo Lam bay.

- Thưa bác, còn hai tuần nữa cháu phải về lại Mỹ để bắt đầu công việc mới. Trong mấy năm đầu cháu không thể có phép dài ngày để về lại Việt Nam.

Nhân vừa nói câu cuối sau khi trình bày sự khó khăn của hoàn cảnh và lời cầu hôn của Nhân, với mong muốn được sớm đem Lam đi để tiếp tục việc học.

Má Lam trầm ngâm. Thời buổi này cái gì cũng đốt giai đoạn. Những câu chuyện về cô dâu Đài Loan dư luận đang rất ầm ĩ. Họ mua bán gần như công khai. Mua món hàng cần phải biết thứ thiệt, thứ giả. Mua cô dâu họ phải kiểm tra cụ thể hơn. Bán buôn là nghề của người Tàu, nên mua cô dâu họ phải chọn lựa kỹ để không bị lầm. Lam, con gái bà không phải như vậy. Họ đến với nhau tự nhiên. Coi bộ cả hai cũng chịu ý nhau rồi. Bây giờ bà mới thấy gả con là đau lòng. Lại gả con đi xa, nơi mà bà chưa bao giờ biết. Bà không vui nhưng thời buổi mì ăn liền biết làm sao đây. Bà tin duyên phận của con gái bà không đến nỗi tệ. Lam không làm dâu Đài Loan hay Đại Hàn. Lam làm dâu Việt tại Mỹ, chắc không đến nỗi nào. Bà biết các cậu Việt kiều Mỹ cũng không vừa. Có thể cũng có vấn đề nên mới không tìm được vợ bên đó nhưng chắc chắn không thể như Đài Loan. Bà tin, vì Nhân không phải thuộc loại đẹp trai, là nguyên nhân chính làm Nhân không thể tìm được vợ bên Mỹ. Chồng đẹp là chồng của người ta, ông bà đã nói như vậy. Việt kiều se sua nhưng Nhân thì đơn giản nên chắc là thực lòng. Kẻ xấu thường sống bề ngoài, người tốt bề trong. Mấy điểm bất lợi của Nhân bây giờ đều trở thành lợi điểm.

Đi chơi với Nhân, Lam khám phá ra một vài điều lạ, nhưng chuyện quá tế nhị, Lam không thể kể lại cho mẹ. Một lần Nhân nói:

- Ở Mỹ các cô ra đường không mặc áo lót bên trong là thường. Cô nào mặc thì coi như không phải thứ thiệt.

Nghe loại ngôn ngữ nầy Lam thấy ngượng. Nhân tiếp:

- Lam đẹp như vậy sao không biết sử dụng cái đẹp của mình. Xấu che, tốt khoe mà.

Lam hoàn toàn không thích thú với câu chuyện nhưng nghĩ người Mỹ thường nói thẳng ý nghĩ, Nhân đã quen với nếp sống ở Mỹ. Lam phản ứng nhẹ nhàng:

- Mặc như vậy chỉ để cho các anh lợi dụng .

- Chẳng có gì là lợi dụng cả nhưng rõ ràng các cô tự tin vì biết giá trị của loại vũ khí thật của mình.

Lam ngượng đỏ cả mặt nhưng nhờ bóng tối che dấu. Lam biết Nhân đang nghĩ đến vòng ngực đẹp và đầy đặn của mình.

Lần khác, Lam đến đón nhưng Nhân cứ lấy cớ bận thu xếp đồ đạc trong phòng và nhờ Lam lên phụ giúp. Lam nghĩ, Lam đâu có khờ dại đến như vậy. Con gái, có thân phải biết lo. Ngu gì!

Con người của Nhân có chút tầm thường nhưng ảnh hưởng đời sống ở Mỹ đã làm Nhân không biết giấu những ý nghĩ của mình, Lam tự bào chữa cho Nhân.

Lam là cánh hải âu vẫn muốn bay vào bầu trời cao rộng.

Má Lam nhận lời. Nhân không có tiền nhiều nên má Lam cáng đáng mọi việc. Tạm thời thuê mấy bộ đồ cưới, tìm dâu phụ, rể phụ, đứng trong phòng khách được chưng bày thịnh soạn, chụp mấy tấm hình tiệc cưới để kịp lo nộp hồ sơ. Nhân nộp hồ sơ theo diện fiancé để Lam được qua Mỹ sớm, tiếp tục việc học.

Lam hẹn gặp Thành và thông báo quyết định của mình. Thành yên lặng, không nói gì. Lại mất thêm một người bạn gái. Thành tự an ủi, may quá Thành chưa ngỏ lời gì với Lam. Lam nhờ Thành đóng vai phụ rể, Thành không muốn nhưng nhìn trong ánh mắt như van xin của Lam, Thành không cưỡng lại được, đành nhận lời.

Đi nộp hồ sơ xong, Lam đưa Nhân về lại khách sạn rồi ghé nhà rủ Thành ra bờ sông Bạch Đằng hóng gió. Thành ngạc nhiên. Lam lấy mấy tấm ảnh chụp hôm trước trao cho Thành:

- Thành phải nói thật, Thành nghĩ gì?

- Tại sao Lam đặt câu hỏi?

- Giữa tình yêu và tương lai, Lam chọn vế thứ hai.

- Có nghĩa là Lam cũng xúc động vì biết trái tim của Thành?

- Đừng tấn công Lam. Lam không giữ được nước mắt đâu. Thành có trách không?

- Không. Nhưng với Nhân, có cái gì đó làm Thành không yên tâm và không giải thích được. Mong là Thành sai.

- Thành đã hiểu được lý do câu hỏi của Lam rồi!

- Sự chọn lựa bao giờ cũng phải trả giá. Lam đã quyết định, Thành tôn trọng. Chúc Lam may mắn.

Những câu đối thoại thật chậm. Rời rạc. Và buồn, như hoàng hôn.

Đêm cuối trước khi Nhân trở về Mỹ, Lam muốn gây chút ngạc nhiên với Nhân. Lam thử mặc cái T-shirt không có áo lót bên trong. Nhìn vô gương, Lam đỏ mặt. Nó trống trống khó chịu. Nó trống trống như có bàn tay của gió mơn trớn. Bức hình con chim hải âu và biển xanh trước ngực như trong suốt. Lam có cảm tưởng nhìn thấy rõ ràng bên trong. Mặt Lam đỏ hơn. Giận mình. Để bàn tay lên ngực che lại. Một cảm giác xôn xao. Lạ. Có cái đam mê không lời. Lam thấy lâng lâng. Lam tự hứa, là fiancé của Nhân rồi, chìu Nhân một chút. Nhân là người Mỹ nên có chút văn minh Mỹ, Lam phải cởi mở hơn. Tình yêu đẹp ở chỗ chìu chuộng nhau. Lam chìu theo ý thích của Nhân, nhưng nhất định, nhất định chỉ đến như vậy thôi, không thể đi xa hơn.

Lam ra phố với Nhân. Hai tay như sẵn sàng che lấy ngực.

Đi ăn tối rồi thả bộ dọc bờ sông. Gió thổi mạnh, áo Lam bó sát lấy gò ngực. Nhân nhìn say đắm. Lam có cảm tưởng mặt vải thô nhám, cọ xát. Nhân nói:

- Trời sắp mưa rồi, về khách sạn của Nhân đi kẻo bị ướt.

Lam thì muốn quay về nhà. Nhân chuyển hướng:

- Hay vào ciné Bến Thành vui hơn, hôm nay có phim Gái Nhảy.

Nhân nắm tay Lam dắt vào. Phim đang chiếu, bóng tối không thấy lối đi, chỉ thấy những dãy ghế trống soi trên ánh sáng màn ảnh. Rạp vắng khách. Cả hai không biết phim đang chiếu cảnh gì. Đôi bàn tay Nhân luồn trong áo Lam. Khá thô bạo. Dày vò. Lam cảm thấy đau. Loại đau tuyệt vời. Nhân nói:

- Cho anh đi. Mình về khách sạn.

- Không. Lam sợ. Đợi đến ngày Lam qua với anh.

Khải vừa quăng người lên giường sau một ngày dài làm thêm giờ thật mệt mỏi thì điện thoại reng. Anh rướn người với cái điện thoại, có chút bực bội:

- A lô . .

Bên kia đầu dây yên lặng. Khải a lô lại lần nữa và định cúp máy thì nghe giọng một ngươì con gái ngập ngừng:

- A lô, dạ xin lỗi có phải nhà ông Khải không ạ?

Khải vừa định cúp máy lần nữa nhưng chợt nhận ra cách nói ngập ngừng, không phải là lối gọi quảng cáo, nên đổi giọng:

- Vâng, tôi là Khải đây. Xin lỗi cô gọi tôi có việc gì không?

Dạ, anh Khải mạnh khỏe không? Anh có biết ai đang nói chuyện với anh không?

Khải ngớ người. Đột ngột quá nên Khải không nhận ra. Khải thú thiệt:

Không. Bất ngờ quá nên tôi không thể nhận ra ai được.

Anh có nhiều người gọi đến lắm hay sao. Lam đây.

Khải ồ lên:

- Có phải Lam là lam nham đó không?

- Dữ không, lúc nầy mà còn gọi Lam là lam nham nữa!

- Ồ, Khải mừng quá nên lam nham, lem nhem hay lọ lem gì cũng được, miễn đúng là mừng rồi.

Người con gái bên kia đầu dây cũng vui:

- Anh thì lúc nào cũng như vậy, chỉ có được chọc ghẹo người khác là thích thôi. Chị có khỏe không? Anh được mấy cháu rồi?

- Ồ, không. Không phải vậy đâu. Chỉ tại mừng quá. Lam thì đâu có biết chắc là Lam nào nhưng mà lam nham thì mới chính xác được. Lâu quá, ngoài những phone quảng cáo ra Khải không có phone của ai nữa cả.

Khải dồn dập nói tiếp:

- Không có chị Khải nào ở đây cả. Cũng không có mấy cháu nào ở đây cả. Nhà chỉ có một cháu lớn duy nhất đang nói chuyện với cô đây thôi ạ, thưa cô.

Rồi tiếp:

- Mà Lam đang ở đâu đó? Cali hả? Qua lúc nào? Khải mừng quá. Giọng Lam có khác đi nhưng bây giờ Khải có thể nhận ra được rồi.

- Lam thì không nhận ra giọng Khải nhưng cách nói chuyện thì cũng giống ngày xưa. Lúc nào cũng dồn dập giống như muốn tấn công người khác.

Khải lúc nầy mới là Khải thật. Khải của mười mấy năm trước đây. Khải của đôi mắt đỏ hoe khi chia tay bè bạn tại Tân Sơn Nhất. Một Khải chọc ghẹo, quậy phá hàng đầu ở lớp nhưng lúc chia tay thì lại không dằn được xúc động. Trong đời sống, mỗi người đều có cái vỏ bọc bên ngoài. Cái vỏ bọc của Khải là quậy phá, hết chỗ nầy đến chỗ khác nhưng bên trong lại là một trái tim nhạy cảm. Đến khi thật sự chia tay, Khải mới để lộ cảm xúc của mình trước đôi mắt to tròn, ngây thơ của Lam, cô em gái của bạn Khải.

Khi máy bay hạ thấp cao độ để chuẩn bị đáp xuống Khải mới thấy hồi hộp. Khải đang lao vào một câu chuyện phức tạp. Cứ tưởng hơn mười năm ở Mỹ, cứ cắm cúi học rồi cắm cúi đi làm, rồi vừa làm vừa học thêm, đời sống của một gã độc thân như Khải đã thành nếp! Bây giờ nếp sống đó đang bị thử thách. Bản tánh độc lập với mọi người, không can dự đến chuyện người khác như một thanh niên My, đang phải thay đổi bất ngờ. Câu chuyện rồi sẽ xoay về đâu, Khải không biết cũng không thể hình dung ra được. Qua mấy lần điện thoại với Lam, Khải thấy phải làm một cái gì. Không phải là kiểu làm vì tình đồng hương, cũng không hẵn cho những kỷ niệm. Khải mơ hồ nhưng là loại mơ hồ có kèm chút đam mê. Khải như con ốc ai đó vừa nhặt lên từ dòng nước, nó thu mình vào bên trong chỉ như một viên sỏi nhỏ nằm trên cát cho đến khi cảm thấy yên lặng hoàn toàn ở chung quanh thì mới bắt đầu chui ra, dò dẫm tìm đường. Phải chăng Khải đang bắt đầu chui ra cái vỏ cô đơn hơn mười năm? Dò dẫm?

Khải có tự tin nhưng mọi chuyện còn ở phía trước. Nhân là người như thế nào? Chắc chắn không phải là mẫu người Khải ưa thích nhưng có được điểm nào tương đồng không để Khải từ đó bắt đầu câu chuyện?

Vịnh San Francisco đã hiện ra bên dưới. Những chiếc tàu chạy êm ả trên biển đang kẻ những đường bọt trắng phía sau. Sóng nước xanh biếc cũng vẽ một đường viền bạc vòng quanh chân núi màu rêu đậm. Thật đẹp. Thật thanh bình. Nhàn nhã. San Francisco đang có một ngày đẹp trời giữa mùa lạnh. Khải thấy lắng dịu cảm xúc phần nào dù chỉ trong chốc lát.

Lấy chiếc xe thuê loại rẻ tiền nhất, quăng túi hành lý vào bên trong, Khải ra 101 rồi xuôi nam về San Jose.

San Jose, thành phố lớn thứ hai của người Việt ở Cali. Tuy lần đầu tiên Khải đặt chân đến nhưng Khải biết khá nhiều sinh hoạt ở đây trên mạng thông tin, báo chí. Mười năm trước San Jose tiến vượt bậc. Thung lũng Silicon là vùng đất hứa của người Á châu về điện toán. Nhà cửa đắt hơn vàng nhưng người Việt trẻ vẫn đổ xô về. Khải cũng đã một lần muốn về đây tìm cơ hội nhưng bây giờ Khải mới thấy mình may mắn. Silicon như chiếc bong bóng vừa nổ, nếu Khải về đây thì bây giờ sẽ ra sao. Mảnh vỡ, từng mảnh vỡ, sẽ bay tới những đâu. Vào Lions plaza, Khải thấy lại thế giới của người Việt. Ở đây người Mỹ trở thành thiểu số nhưng Khải cũng khó thể phân biệt giữa người Việt với người Á châu khác nếu không nghe tiếng nói của họ. Người Việt mà không phân biệt giữa ngươì Việt và những người Á châu khác kể cũng lạ! Bây giờ Khải thấy tính chất Mỹ trong Khải rõ hơn. Mười mấy năm sống với người bản xứ nên Khải quên đi khá nhiều Việt-tính. Ngồi ăn tô phở, Khải vẫn thấy xa lạ với chung quanh. Tình trạng nửa Việt nửa Mỹ của Khải có lợi hay hại khi tiếp xúc với Lam? Và đặc biệt với Nhân? Việt-tính nhiều hay Mỹ-tính nhiều sẽ có lợi hơn cho câu chuyện?

Khải đột ngột muốn gặp Lam ở bên ngoài trước để chuẩn bị tâm trạng khi đối diện với Nhân. Khải gọi Lam nhưng nếu gặp Nhân anh lấy cớ nhờ chỉ đường. Điện thoại vừa reo thì đã nghe tiếng Lam:

- Lam đang đợi Khải gọi. Lam không có phương tiện ra gặp Khải nhưng Khải cứ đến đi. Nhân mới ra khỏi nhà. Lam cũng muốn gặp Khải nói chuyện và đợi Nhân về

- Nhân có biết bữa nay Khải đến không?

- Biết nhưng Lam không rõ phản ứng.

- Thế thì Khải đến ngay. Từ Lions plaza đến nhà Nhân bao lâu?

- Dạ, khoảng 15 phút.

Nhà Nhân hơi khó tìm vì đường trong mobile home park nhỏ hẹp và ngóc ngách. Khải cẩn thận đậu xe thật sát trong parking 2 chỗ của nhà Nhân, để dành chỗ cho xe Nhân. Đôi khi chút cẩn thận nầy cũng giúp đôi chút cho ấn tượng ban đầu với Nhân.

Lam xuất hiện ngay cửa. Chỉ mấy bậc tam cấp bước lên là khoảng thời gian dài mười mấy năm qua được nối lại. Cô bé mười mấy năm trước với đôi mắt to tròn, thơ ngây cứ lướng vướng trong đầu óc Khải bây giờ là một người khác. Một thiếu nữ trầm tĩnh. Mái tóc học trò ngang vai ngày xưa đã cắt ngắn. Nụ cười thơ dại chẩu-môi-chu-mỏ không còn nữa. Lam đứng đó, ánh mắt như dại đi khi nhìn Khải. Cô lặng lẽ kiềm chế cảm xúc. Khuôn mặt, nét môi như cố thu nhỏ lại. Lạnh. Cái lạnh của một miếng pho mát màu trắng sữa. Khải ra khỏi xe, vừa muốn chạy vội lên mấy bậc tam cấp ôm Lam như kiểu người Mỹ nhưng Khải khựng lại. Có thể Lam chưa quen và Khải thì muốn trở lại bản tính giao thiệp bình thường của người Việt. Khải đứng yên, rồi tựa lưng vào xe, vòng hai tay trước ngực nhìn lên Lam, không nói. “Thiếp trong khung cửa, chàng ngoài chân mây”. Không ai lên tiếng trước. Không một tiếng nói để đánh tan cái không khí đặc biệt nầy. Hình như cả hai cũng không muốn khuấy động cái yên lặng lạ lùng của hội ngộ. Một tiếng nói, dù nhỏ, cũng có thể làm tan loãng, làm thay đổi. Mười mấy năm trước là liếng thoắng, là chọc ghẹo, là ồn ào. Trước mắt là yên lặng, cái yên lặng thật mênh mông!

Khải vô nhà, ngồi xuống ghế, dõi mắt theo Lam mở tủ lạnh, lấy nước uống, bưng để lên bàn trước mặt Khải.

- Cám ơn

Khải vừa nói được hai tiếng cám ơn. Âm thanh cũng không phải khách sáo, cũng không phải thân tình, nó như âm thanh từ một cõi xa lắm vọng về trong một u uẩn, muộn phiền.

Lam không ngồi ở phòng khách. Cô ngồi nơi bàn ăn kê sát cửa sổ. Nhìn Khải. Rồi như muốn nhìn qua khung cửa. Căn mobile home nhỏ, hẹp nên khoảng cách cũng gần, nhưng lại có chút cảm giác xa vời. Đôi mắt to, đen của Lam như ngấn lệ. Vui? Buồn? Thất vọng? Hay đang nghĩ đến thân phận? Cá chậu, chim lồng!

- Khải không thể nào ngờ bây giờ Lam đẹp đến như thế nầy! Nếu tình cờ gặp ở ngoài đường chắc chắn Khải không thể nhận ra.

Khải nói với xúc động. Lam khóc. Rồi lấy tay lau vội.

- Lam muốn câu chuyện được giải quyết như thế nào? Nói với Khải đi. Đừng khóc. Mình phải đối diện sự thật và tìm cách tốt nhất để giải quyết. Phải can đảm. Xã hội nầy khác với ở Việt Nam.

- Khải hiểu mà! Lam không thể nào sống với Nhân được nhưng giải quyết như thế nào Lam không biết. Nước Mỹ đối với Lam to lớn và xa lạ quá. Không bám víu vào Khải thì Lam cũng phải bám víu vào một ai đó.

- Khải cũng nghĩ như vậy, nên bay qua đây ngay vì e rằng Lam có thể rơi vào tồi tệ hơn.

Căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp nhưng ngột ngạt mùi khói thuốc. Khải muốn sặc nhưng cố nén lại.

Lam khóc.

- Hôm đầu tiên liên lạc được với Khải là có sự đồng ý của Nhân nên Lam cố gắng thật tự nhiên để Nhân yên tâm. Từ hôm đặt chân đến Mỹ, Lam đã trở thành kẻ nô lệ tình dục của Nhân trong căn nhà nầy. Trong phòng ngủ đang có đủ loại phim và hình ảnh bẩn thỉu. Nhân cưỡng bức Lam phải làm những điều thật bệnh hoạn theo phim ảnh rồi thu hình. Nhân giữ tất cả giấy tờ của Lam. Tình trạng của Lam bây giờ là bất hợp pháp, nếu cảnh sát phát hiện thì sẽ bị trục xuất về nước, vì theo nguyên tắc, sau khi đến Mỹ, trong vòng ba tháng, Lam phải kết hôn với Nhân để được đổi ra quy chế thường trú theo chồng. Nhân nhất định không chịu làm giấy kết hôn để khống chế Lam. Nhân và đám bè bạn là thành phần bất hảo, không có học hành, nghề nghiệp. Lam e rằng Nhân sẽ dùng cuốn băng để quảng cáo, tìm cách bán Lam vào một nơi nào đó để lấy tiền. Tất cả là như vậy.

Khải thấy lạnh cả người khi biết được sự thật. Khải viết vội số phone 1-800-799-7233 và trao cho Lam:

- Tuyệt đối dấu kín. Đây là số phone kêu cứu National Domestic Violence. Khi cấp bách chỉ cần nói Vietnamese thì sẽ có người nói tiếng Việt giúp đỡ, sau đó cho họ số phone của Khải. Khải đã tìm hiểu vấn đề nầy rồi. Lam sẽ được luật pháp bảo vệ. Lam vào lấy cuốn băng đưa ngay cho Khải. Khải sẽ còn ở đây cho đến khi giải quyết xong mọi việc.

Khải vừa dấu cuốn băng vào người thì nghe tiếng xe Nhân về.

Lam ra mở cửa, đón Nhân.

Nhân vào bắt tay Khải, nói:

- Sao em không lấy bia cho anh Khải uống. Mấy cô mới qua nầy cứ nhỏng nhẽo đến mệt anh ạ. Anh đến lâu chưa? Lam nói với tôi, anh là bạn thân của anh họ cô ấy khi còn ở Việt Nam.

Nhân trao Khải hộp bia, rồi cầm gói thuốc kéo ra một điếu chìa lại phía Khải. Khải đưa tay đẩy ngược lại:

- Cám ơn, tôi không biết uống bia và cũng không hút thuốc.

- Anh hiền quá nhỉ. Tôi thì đủ thứ, thứ gì cũng biết cả bởi vậy nên mới nghèo, lại tốn kém nhiều tiền bạc mới đem được Lam qua đến đây.

- Thưa anh, bây giờ anh sắp xếp như thế nào?

- Không biết Lam có nói gì với anh không? Tôi còn nợ nhà băng và bè bạn khá nhiều, lại đang thất nghiệp, nên e rằng không thể lo cho Lam được tốt đẹp. Lam muốn được đi học. Tôi yêu Lam lắm nhưng tình yêu đôi lúc phải chấp nhận hy sinh. Mình là người Mỹ rồi nên nói thẳng với nhau được. Anh có tiền thì có thể cho tôi vay mười ngàn để trả mọi chi phí rồi sau đó mới sắp xếp chuyện tương lai được. Anh Khải không phải là người xa lạ nên tôi mới gợi ý nầy. Lam thì chưa thể tìm được việc làm vì chuyện giấy tờ, nên nếu anh có cơ sở thương mại riêng thì cố gắng giúp cho Lam. Khi tôi tìm được công việc ổn định thì tôi sẽ đón Lam trở về ngay.

Nhân uống một ngụm bia và rít một hơi thuốc dài. Trông thật ưu tư.

- Thưa anh, giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo được. Tôi cũng chẳng giàu có gì nên mười ngàn là số tiền lớn quá.

- Mình ở Mỹ lâu rồi tôi cũng biết như vậy. Vấn đề là nếu anh có thể giúp được thì càng nhiều càng tốt nhưng tối thiểu cũng phải được năm ngàn. Nếu không, cũng chẳng giải quyết được việc gì cả.

Khải suy nghĩ khá lâu, rồi nói:

- Vâng, tôi sẽ cho anh mượn năm ngàn và anh viết cho tôi mấy chữ.

- Như vậy thì thật là tốt. Lam và tôi sẽ biết ơn anh nhiều lắm nhưng anh cho tôi tiền mặt vì tôi không có trương mục nhà băng nên không thể viết check trả cho bạn bè được.

- Tôi sẽ cố gắng. Ngày mai sẽ đem tiền đến anh.

Rời khỏi nhà Nhân, Khải thấy bâng khuâng. Băng đảng người Việt quả thật là điều nhức nhối. Khải biết cần phải có can đảm.

Khải đem tiền đến vào buổi trưa. Nhân đang viết mấy dòng biên nhận thì Khải đề nghị thêm:

- Tôi không muốn bị tai tiếng về sau nầy, nên anh Nhân viết thêm mấy chữ về hoàn cảnh của Lam để tuần sau Lam có thể tạm về sống với tôi chờ đến khi anh ổn định.

Sau khi Khải ra về, Nhân vui mừng, kéo Lam vô phòng nói những lời thật tha thiết. Nhân muốn Lam xúc động để tiếp tục kế hoạch thu hình. Khi khám phá ra cuộn băng đã mất, Nhân nghi ngờ, tra hỏi Lam. Lam khóc:

- Lam không thể chịu sự nhục nhã như thế nầy nữa. Cuộn băng Lam đã kéo bỏ và quăng vào sọt rác rồi.

Nhân tức tối lồng lộn, dở hành vi côn đồ.

Khi nhận được phone từ trung tâm chống bạo hành ở San Jose, Khải biết mọi việc đang xảy ra. Khải chạy ngay đến trung tâm, Lam đang được nhiều người săn sóc. Khuôn mặt mang nhiều vết tím bầm vẫn chưa hết nét thảng thốt ngây thơ. Lần đầu tiên Khải ôm lấy Lam, vỗ về. Lam khóc.

- Anh hủy ngay cuốn băng đi. Lam xấu hổ quá.

Khải nhìn sâu trong đôi mắt Lam, đôi mắt ấy của ngày xưa.

- Tất cả đều là tang chứng của cảnh sát nhưng hoàn toàn được bảo mật. Quên đi. Quên hết mọi chuyện đi.

Như những viên sỏi. Những viên sỏi nhỏ giữa dòng sông. Đẹp và không thể nào bị vỡ được nữa.

Hồ Phú Bông