25 December 2021

CẦU NGUYỆN - Song Thao

Bữa 22/10 vừa qua, có trận đấu giữa hai đội bóng chày Astros của Houston và Red Sox của Boston trong giải Bóng Chày Quốc Gia Mỹ (The American League Championship Series). Bóng chày tiếng Mỹ là baseball. Tôi phải thú thật ngay là tôi không hảo với môn thể thao này. Coi chán ngắt. Tôi có đi coi vài lần nhưng chỉ là thi hành bổn phận.

Các cháu của tôi chơi và tôi đi coi cổ võ. Gọi là cổ võ nhưng tôi đâu có biết luật chơi ra sao, chỉ có mặt cho cháu vui. Nhưng các sơ Việt Nam thuộc tỉnh dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm tại thành phố Houston, Texas lại thích coi bóng chày. Họ được một fan của đội bóng là ông Jim McIngvale, chủ tiệm nệm Mattress Mack mua vé mời đi coi. Khán giả trên sân đã “phát cuồng” khi thấy các bộ áo dòng xuất hiện trên khán đài. Họ còn…cuồng hơn khi nữ tu Mary Catherine Đỗ Minh Thư được mời xuống sân ném trái bóng khai mạc trận đấu. Bài báo của phóng viên Đoan Trang ghi lại như sau trên báo Người Việt: “Hôm ấy, sơ Đỗ Minh Thư bước ra sân cỏ, dưới ánh đèn rực sáng, chuỗi tràng hạt màu đen đung đưa theo từng bước chân vui vẻ, để nhắc nhở các cầu thủ Astros rằng “đây là thời điểm của chúng ta”. Rồi sơ chỉ tay lên trời, quay lại đối mặt với người bắt bóng, sau một vài giây đứng yên như phút giây cầu nguyện và truyền nhiệt cho quả bóng, sơ thực hiện cú ném thành công”. Sơ Bề Trên Dòng, sơ Nguyễn Kim Hồng, nói với phóng viên báo Người Việt:

Các nữ tu Dòng Đa Minh cổ động cho đội bóng chày Houston Astros (Hình: Sr. Maria Theresa Kim Hồng Nguyễn cung cấp)

“Bóng chày là môn thể thao lành mạnh. Các chị em trong nhà dòng rất hâm mộ đội bóng Houston Astros nên thường cầu nguyện cho họ. Và khi được mời tới cổ vũ cho đội nhà thì chúng tôi rất phấn khởi tham dự”. Các nữ tu cũng cho phóng viên đài truyền hình ABC13 biết: trước đó họ đã có những khoảnh khắc yên lặng suốt ngày để cầu nguyện trong tu viện cho đội bóng họ ưa thích.

Đọc bài báo của Người Việt, tôi nể phục tinh thần thể thao của các sơ dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm quá chừng chừng. Những người tưởng chỉ biết tu hành hóa ra lại tinh thông môn bóng chày hơn tôi. Tôi không nghĩ nhiều người trong chúng ta thông hiểu luật lệ của môn bóng chày nên không rõ cú ném đầu của sơ Mary Catherine Đỗ minh Thư được diễn ra như thế nào. Hai đấu thủ của một đội, một đeo găng tay đứng bắt và một đứng trước cầm trái banh. Xen giữa hai đấu thủ này là một đấu thủ của đội bóng đối phương, trong thế nửa quỳ nửa ngồi, tay cầm một cây gậy giống như cái chày giã vào cối mà người ta dùng trong bếp nhưng to hơn nhiều. Người ném là sơ Thư phải ném nhanh lẹ làm sao cho đối phương đứng ở giữa không dùng chày vụt kịp để banh tới tay đồng đội đứng phía sau dùng găng chụp. Nếu đối phương đứng giữa dùng chày đánh trúng trái banh thì đội hình của cả hai bên chạy lăng xăng cốt làm sao chụp được trái banh để dành điểm.

Nếu đọc đoạn mô tả trên của tôi mà độc giả không hiểu thì là lỗi của tôi, một người không thông hiểu luật bóng chày. Thắc mắc này của tôi làm nảy ra thắc mắc khác: các sơ cầu nguyện cho đội Houston Astros ra sao? Tôi đồ chừng là cầu nguyện cho đội này thắng. Nếu vậy thì kẹt cho Chúa vô cùng. Thứ nhất, thời Chúa sống đã làm chi có môn bóng chày, vậy thì Chúa không biết luật chơi, làm sao mà giúp cho đội được các sơ cầu nguyện thắng được? Thứ hai, nếu Chúa theo phe của các sơ thì Chúa đã lỗi phép công bằng, bênh bên này, hại bên kia, đời nào Chúa lại hành động như vậy!

Cầu nguyện như vậy là xin xỏ Chúa làm lợi cho mình. Hồi nhỏ, khi còn ở Hà Nội, tôi thường tháp tùng bà nội đi lễ ở Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Trước lễ, một cha đứng trên bục giảng đọc các ý cầu xin của giáo dân trong thánh lễ này. Không hiểu sao người ta xin nhiều đến như vậy. Mỗi ý xin có tới hàng trăm người. Cha dõng dạc đọc như đọc kinh: 134 người xin ơn đi đường bằng an, 345 người xin ơn lành bệnh…Ngoài chuyện xin khá chính đáng như xin ơn bình an, ơn an ủi cho người bệnh nặng, ơn chết lành, còn có những ơn xin khá vụ lợi. Khi tôi đang sửa soạn thi bằng tiểu học, bà tôi giục tôi viết giấy xin ơn thi đỗ. Tôi đã xin. Nhưng trên đường về, hồi đó toàn đi bộ, tôi hỏi bà tại sao lại xin như vậy. Muốn thi đỗ thì phải học chứ sao lại xin Chúa. Bà tôi giảng giải: phải có Chúa soi sáng cho thì mới học mà thi đỗ được! Nghe vậy biết vậy, thắc mắc vẫn cứ thắc mắc. Thắc mắc từ hồi còn con nít theo tôi tới khi hết còn con nít. Mới đây, đọc trên trang Viet Christian, tôi vớ được một bài kinh cầu nguyện trước khi thi cử. Bài kinh ngắn thôi: “Kính lạy Chúa, trước giờ thi nầy, con xin trao phó tâm trí con cho Ngài. Xin thần linh khôn ngoan ban cho con sự sáng suốt để hiểu và làm bài một cách tốt đẹp. Xin Chúa giúp con luôn giữ được bình tĩnh, cho con biết nhận thức rằng kết quả của thi cử dù thế nào cũng không quan trọng bằng giữ tấm lòng ngay thẳng trước mặt Chúa. Nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-su. A-men”. Lời cầu xin này khác xa với ý xin cho được thi đỗ.

Trong thể thao chuyện cầu nguyện còn tấp nập hơn. Đã tranh đua, ai cũng muốn thắng. Mỗi khi một đấu thủ tạo được một bàn thắng, chúng ta thấy họ làm dấu thánh giá. Có người ngước mắt lên trời, làm như đấng tối cao tít trên mây đã dẫn dắt họ đưa trái banh vào lưới đối phương. Đó là thói quen của những người mộ đạo thường làm trong cuộc sống hàng ngày. Chuyện chi cũng nhờ Chúa giúp sức mới làm được nên phải cám ơn Chúa.

Tháng 8/2021, huấn luyện viên người Đại Hàn của đội bóng đá Việt Nam, ông Park Heng-seo, đã cùng đội tuyển sang thi đấu tại Saudi Arabia. Trong một buổi tập trên sân Shabab, ông Park đã lui vào một khu vực khá kín đáo để cầu nguyện. Ông này luôn cầu nguyện như vậy. Ông thầm thì với Đấng Tối Cao nên không biết ông cầu nguyện những gì.

Một ông Đại Hàn khác, ông Shin Tae-yong, huấn luyện viên của đội bóng Indonesia, còn cầu nguyện dữ dội hơn. Không những tự ông cầu nguyện, ông còn kêu gọi toàn thể dân Indonesia cầu nguyện cùng ông. Ông nói: “Xin người dân trên khắp Indonesia hãy cầu nguyện và dành sự ủng hộ để chúng tôi có thể thi đấu tốt hơn”. Hai ông huấn luyện viên Đại Hàn đều thích cầu nguyện. Phiền một nỗi là trong giải bóng đá Á Châu Asean Football Federation Championship vào cuối năm nay, đội Indonesia sẽ nằm chung bảng với đội tuyển Việt Nam. Lúc hai đội tranh tài với nhau, hai ông huấn luyện viên Đại Hàn đồng thời cầu nguyện cho hai phía, Việt Nam và Indonesia, thì Đấng Tối Cao biết quay mặt qua bên nao?

Chuyện cầu nguyện trong thể thao nhiều khi rất rắc rối. Tháng 9/2019, huấn luyện viên Rick Rice của đội banh trường trung học Rockvale ở Tennessee đã bị cho là vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ khi tổ chức cầu nguyện cùng các cầu thủ nhí. Theo tổ chức Freedom From Religion Foundation, tổ chức đứng ra kiện huấn luyện viên Rice thì việc quảng bá và tán thành tôn giáo cho học sinh là trái với hiến pháp Hoa Kỳ. Ông Rice đã ngỏ lời xin lỗi. Tuy nhiên người dân ở Rockvale đã cho là ông không có lỗi chi vì cầu nguyện trong thể thao là truyền thống của Rockvale. Cư dân Drew Kilgour nới với phóng viên đài News 4: “Chúng tôi luôn cầu nguyện trước các trận đấu. Đó chỉ là một phần những việc chúng tôi phải làm”. Cư dân Ronquera Simmons-Duke tiếp lời: “Đó là điều bạn nhìn thấy trên sân, trong phòng thay đồ, trong các lớp học, trong các nhóm nhỏ khi nói tới bất kỳ môn thể thao nào. Nhưng đặc biệt là trong bóng đá, chúng tôi luôn có chuyện cầu nguyện”. Cô Nowacki, một cư dân có anh trai trong đội bóng, nhấn mạnh thêm: “Tôi tin rằng việc khiếu nại là không cần thiết nên cảm thấy rất khó chịu. Đó là lời cầu nguyện giúp các cầu thủ thêm phần mạnh mẽ. Những người của chúng tôi trên sân, với sự hướng dẫn của Chúa, chúng tôi tin rằng họ sẽ làm được điều đó để chơi tốt hơn, mạnh mẽ và thông minh hơn”.

Dành Chúa cho mình đôi lúc là một thứ mê tín. Cầu thủ túc cầu khét tiếng Kaka, khi còn đá cho đội Milan, mỗi khi ghi một bàn thắng đã giơ hai tay lên trời để lộ dòng chữ xâm: “I belong to Jesus”. Rubin, cựu cầu thủ của đội Torino, chọn số áo 33 vì “đó là số áo của Jesus”. Chắc cần phải ghi thêm là Chúa sống ở trần gian được 33 năm. Có lần Liên Đoàn Bóng Tròn Thế giới FIFA đã cấm các cầu thủ Brazil cầu nguyện tập thể trên sân trước trận đấu. Brazil là một nước hầu như toàn tòng Thiên Chúa Giáo. Những mê tín của các cầu thủ Brazil bị lợi dụng ngay. Năm 1981, một tổ chức có tên là “Athletes For Christ” (Vận Động Viên Vì Chúa) được hai thể thao gia theo đạo tin lành Baptist là tay đua xe hơi Alex Dias Ribeiro và cầu thủ Joao Leite thành lập và được nhiều thể thao gia trong nhiều bộ môn gồm túc cầu, quyền anh, đua xe hơi, bóng rổ, quần vợt, thể dục dụng cụ tin theo. Nhưng phong trào mạnh nhất trong môn túc cầu. Tính đến nay đã có khoảng 65 ngàn vận động viên tham gia phong trào này. Trong giải túc cầu thế giới World Cup được tổ chức tại Los Angeles, Hoa Kỳ, vào năm 1994, các cầu thủ Brazil gồm Muller, Tafarrel, Jorginho, Mazinho và Paulo Sergio đã nhân cơ hội một cuộc tranh tài có con số người xem khoảng hơn 2 tỷ người trên khắp thế giới, đã truyền bá phong trào “Athletes For Christ”. Khi kết thúc trận đấu chung kết, họ cùng với các cầu thủ Brazil khác kết thành một vòng tròn cám ơn Chúa vì đã cho họ thắng giải này lần thứ tư. Năm 2002, tại World Cup được tổ chức tại Đại Hàn và Nhật Bản, đội Brazil lại đoạt cúp vô địch và họ lại tái diễn hành động này. Chúa của phong trào này có cái giá khá cao. Các thể thao gia tham gia phong trào phải tặng 10% lương để “tăng cường quảng bá hình ảnh của Chúa” trong giới thể thao.

Cầu nguyện chỉ là…đề nghị. Chấp nhận hay không là chuyện của Chúa. Thánh Tông Đồ Jean giải thích: “Này là điều chúng ta dạn dĩ trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta”. Thánh tông đồ Jacques giải thích: “Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được vì cầu xin trái lẽ để dùng trong tư dục mình”.

Trong bài “Phật giáo và Cầu Nguyện trong Thể Thao” của Minh Thanh, tác giả viết:v“Không nên thấy các fan bóng đá châu Âu, châu Mỹ cầu Chúa, thì chúng ta có hành động tương ứng, là cầu nguyện với Phật để mong được phù hộ, đoạt cúp. Đức Phật không phải là thượng đế, nên hiểu đúng về Ngài. Đức Phật không ban phúc giáng họa như một vị thần linh. Trong các tôn giáo khác, việc cầu nguyện trong thể thao cũng không thích hợp, huống nữa là đối với đạo Phật, tôn giáo đặt sự thành bại nơi vai trò con người chứ không phải sự phù trợ từ một đấng nào đó”.

Cùng với việc tìm được bài kinh cầu nguyện trước khi đi thi, tôi cũng gặp một bài kinh cầu nguyện trước khi thi đấu thể thao. Bài kinh nguyên văn như sau: “Kính lạy Chúa, giờ nầy chúng con sẽ thi đấu với anh chị em con. Xin Chúa ở với mỗi người chúng con cho chúng con giữ được tinh thần thoải mái bình tĩnh trong thi đấu. Xin Chúa giúp chúng con đem hết khả năng nghệ thuật để tạo được sự thành công tốt đẹp. Xin Chúa cũng nhắc nhở chúng con luôn nhớ rằng thắng bại không phải là điều quan trọng mà tấm lòng thanh thản vui tươi, hòa nhã, khiêm nhường trong mọi cảnh ngộ mới là điều đẹp lòng Ngài. Trong danh Đấng hạ mình và hi sinh trên thập tự giá vì con. A-men”.

Lời cầu nguyện này không xin xỏ chi, chỉ cầu xin Chúa giúp cho được hòa nhã, khiêm nhường trong thi đấu, thắng bại không phải là chuyện quan trọng. Tôi nghĩ Chúa sẽ ừ tút-suỵt khi nhận được lời cầu nguyện này.

Đương kim Giáo Hoàng Francis I cũng là một fan bóng đá có hạng. Ngài là vị giáo hoàng thứ 266 của giáo hội Công giáo. Ngài là fan cứng của đội bóng San Lorenzo de Almagro từ những ngày còn là một linh mục. Khi lên tới chức Hồng y, cha Jorge Mario Bergoglio vẫn thường xuyên tới coi đội bóng ruột của ông thi đấu tại sân vận động Gasometro, nằm giữa một khu phố nghèo. Đội bóng San Lorenzo do linh mục Lorenzo Massa thành lập vào ngày 1 tháng 4 năm 1908 với mục đích tạo điều kiện cho các trẻ em có một sân đá banh ngay trong khuôn viên nhà thờ, thay vì phải chơi ngoài đường phố rất nguy hiểm. Đội bóng sau này đã 12 lần đoạt chức vô địch Argentina.

Khi nhậm chức Hồng y và cư ngụ tại thủ đô Buenos Aires, Ngài nổi tiếng là có lối sống giản dị và gần gũi với dân chúng. Ngài vẫn thường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để đi lại hàng ngày. Ngôi vị cầm đầu giáo hội tại thủ đô Buenos Aires rất bận rộn nhưng ngài hồng y say mê thể thao này ít khi vắng mặt khi đội banh ruột của Ngài thi đấu. Ngay khi Ngài được suy cử lên ngôi Giáo hoàng tại Rome vào năm 2013, trang web của đội banh San Lorenzo đã post tấm hình chụp thẻ hội viên câu lạc bộ của Hồng Y Bergoglio và một tấm hình khác chụp Ngài đang giơ cao chiếc áo màu xanh đỏ của đội nhà. Một cổ động viên của San Lorenzo, ông Walter Nieto, cho biết ông không bao giờ quên được câu nói của Hồng Y Bergoglio khi Ngài tới làm lễ tại nhà nguyện của đội banh: “Cuốn kinh thánh thứ hai của tôi chính là quyển Sách Vàng của câu lạc bộ San Lorenzo”.

Biết thóp Giáo Hoàng mê bóng đá và là fan cứng của danh thủ Messi, nên khi sang gặp Ngài tại Vatican vào cuối tháng 10/2021, Thủ Tướng Pháp Jean Castex đã tặng Ngài chiếc áo số 30 với chữ ký của danh thủ Messi, người đồng hương của Ngài, hiện đang chơi cho đội Paris Saint Germain của Pháp. Ngài ít khi bỏ qua các trận đấu của danh thủ này và có lần tuyên bố gây tranh cãi khi cho rằng Messi xuất sắc hơn Maradona và Pelé!

Từ năm 2013, Vatican có tới hai giáo hoàng. Chuyện hiếm có. Thường thì giáo hoàng tại vị cho tới khi về với Chúa. Sau đó hội đồng hồng y mới bầu giáo hoàng mới. Nhưng 8 năm trước, Giáo Hoàng Benedict XVI, người Đức, từ nhiệm. Giáo Hoàng Francis I, người Argentina, lên kế vị. Chuyện vui vui là cả hai giáo hoàng đều mê môn túc cầu. Vui hơn nữa là năm 2014, hai đội vào chung kết giải World Cup lại là Đức và Argentina. Hai giáo hoàng dĩ nhiên đều ủng hộ đội nhà. Giáo Hoàng Benedict XVI đã theo dõi trận đấu trên truyền hình tại lâu đài Castel Gandolfo ở ngoại ô Rome. Giáo Hoàng Francis I đã cùng các hồng y thân cận coi tại nhà nghỉ Santa Marta. Dù là giáo hoàng thì khi đã là fan cứng của hai đội tuyển quê nhà, ai cũng muốn đội của quốc gia mình ôm chiếc cúp quý giá.

Tin tức không nói chi tới chuyện hai Ngài có cầu nguyện cho đội nhà không. Nếu có, chắc Chúa sẽ bối rối dữ!

11/2021

Song Thao

Website: www.songthao.com