Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tàu
- Phạm Duy
Bây giờ là tháng 6, năm dương lịch 2017. Tôi sống ở đất nước
này đã 42 năm. Thời gian tôi sống ở đây, lâu hơn thời gian tôi sống ở cả hai miền
Bắc, Nam cộng lại. Frank (chồng tôi) có tổ chức một buổi nói chuyện di dân với
bạn bè. Anh có một nhóm bạn người Mỹ thuộc nhà thờ St. Louise, nơi chúng tôi tới
dự thánh lễ hàng tuần. Nhóm bạn trên dưới mười người, họ đến nhà chúng tôi, có
khi mỗi tuần, có khi một tháng hai lần tùy theo thời khóa biểu của cả nhóm.
Tuần qua theo thời sự toàn cầu, Frank mời một vài người bạn di dân, một vài người
tỵ nạn như tôi, đến chia sẻ với nhau về kinh nghiệm của một người tỵ nạn. Anh
có hỏi tôi là có muốn chia sẻ không? Tôi lắc đầu, tôi chỉ tham dự, ngồi nghe và
sẵn sàng mời các bạn anh một bữa ăn sau buổi họp.
Tại sao tôi từ chối không nói? Tôi biết tôi dễ xúc động, khi nhắc về những hồi ức
tỵ nạn trước mọi người, thế nào tôi cũng khóc.
Tháng Tư đã đi qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng, nhất là tiếp theo cuối
tháng 5, kỷ niệm ngày Trận Vong Chiến Sĩ. Dù có tiệc tùng hàng tuần, bận rộn cả
ngày thu dọn nhà cửa, nấu nướng cho con, cháu hay mời bạn, hoặc đến nhà bạn,
bao giờ cũng là thời điểm nỗi buồn xa xứ trở về với tôi. Nhớ cha mẹ, nhớ quê
hương, nhớ tuổi trẻ đẹp đẽ thơ ngây ở quê nhà, nhớ những mối tình ngắn, mối
tình dài đi qua trong đời mình. Tất cả những thứ đó làm tôi khóc. Kỷ niệm như
viên kẹo đắng bọc đường, khi ngậm trong miệng, đắng ngọt cùng tan trên lưỡi.
Cả nửa năm nay nước Mỹ xôn xao với những tin tức liên quan đến tỵ nạn. Những
tin xấu cho những người tỵ nạn bất hợp pháp (con số này không nhỏ) và làm hoang
mang không ít những người hợp pháp. Cái hoang mang của chính những người cũng
thuộc thành phần “tỵ nạn” như tôi. Không biết việc mình “chống” có làm tổn
thương những người vô tội và việc mình “ủng hộ” có làm thêm rối việc quốc gia.
Như tuần trước, khi ở chợ ra, trời đang nắng, bỗng dưng mưa xuống, nhìn trời
mưa cám cảnh xa quê, nước mắt tôi cứ ứa ra không sao cầm được, chạy vội vào
trong xe ngồi, một mình thổn thức. Tự nhiên câu thơ viết năm đầu tiên đến Mỹ trở
về trong đầu. Mình em một ngôn ngữ / mình em một màu da / mình em một màu mắt /
mình em một lệ nhòa.
Tôi không phải là người tỵ nạn duy nhất trên đất nước này, tôi biết rất rõ như
thế. Chung quanh tôi, nếu ngay lúc này, tôi níu lại một người vừa ở trong chợ
bước ra, hỏi bạn từ nước nào tới, tôi sẽ gặp ngay một người tỵ nạn giống tôi.
Nước Mỹ là một nước hợp chủng và có thể nói truyền thống của họ là mở cửa đón
người mọi nơi trên thế giới, bằng cách này hay cách khác đã đến định cư trên
quê hương họ. Và chính cung cách mở tay đón nhận này, danh sách nhân tài trên
thế giới trong mọi lãnh vực mang quốc tịch Hoa Kỳ được kể là dài nhất (mặc dù gốc
của họ thuộc về nước khác.)
Mỗi một người bỏ xứ sở của mình, đến định cư trên một miền đất lạ bằng bất cứ
nguyên do nào cũng mang theo bao nhiêu kỷ niệm của quê nhà với mình. Sống xa
quê bao nhiêu năm, miền đất mới bao dung hay hắt hủi mình, mỗi người bằng ngọt
ngào hay cay đắng đều canh cánh mang trong lòng đầy ắp ký ức của kẻ “lưu vong”.
Chị Maria một phụ nữ Mễ Tây Cơ nói, năm đó chị 16 tuổi, chị sang Mỹ qua đường
vượt biên không chính thức, chị được nhét lên một chiếc xe ca, phải đợi 17 năm
mới được hợp thức hóa và có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Trong 17 năm đó chị sống trong một tình trạng bấp bênh, mặc dù một thời gian
sau, chị xin được số An Sinh, chị đi làm, chị đóng thuế, nhưng chị vẫn chưa có
thẻ xanh. Chị vẫn là người sống bên lề Xã Hội. Chị mới được thẻ xanh năm ngoái,
và chị đã trở về quê nhà một lần thăm mẹ và bà ngoại.
Chị nói khi cầm tấm thẻ xanh trên tay, chị bật khóc. Chị nói thêm, tôi không thể
nào quên được cái cảm xúc này, cái kỷ niệm này sẽ theo tôi suốt đời.
Một người khác nói, anh sanh ở Mỹ, nhưng cha mẹ anh là người gốc Canada. Thỉnh
thoảng anh cũng theo cha mẹ về Canada thăm họ hàng, nhưng anh không có một chút
gì quyến luyến với xứ sở đó khi anh chia tay. Anh có sống ở đó ngày nào của thời
thơ dại đâu mà có kỷ niệm. Kỷ niệm tuổi thơ của anh là ở nơi này. Các ngôi trường
anh đi qua, để lại trên sân trường dấu giầy, cái bóng tuổi thơ hắt xuống trên
bãi cỏ của những trận bóng chày, bóng rổ. Những thành phố gia đình anh cư trú,
những liên hệ thâm giao với nhà hàng xóm, rồi mối tình đầu thời mới lớn. Anh kết
luận: Đây mới đích thực là quê hương tôi nhưng thật tình trong thâm tâm tôi vẫn
nhớ ông nội, ông ngoại của mình là người Gia Nã Đại.
Một người bạn gốc Đức ở tuổi 80 cho biết gia đình anh sang Mỹ từ thời ông nội của
anh. Nghĩa là cách đây cả thế kỷ. Vợ anh cũng là người Đức, sang Mỹ từ năm lên
6. Hồi còn cha mẹ, anh có nói một ít câu tiếng Đức ở nhà, bây giờ thì quên hết
hoàn toàn, vì không có dịp thực hành. Anh nói, trong cuộc sống hàng ngày, tôi
quên hẳn tôi là người Đức, mặc dù tôi chưa bị Alzheimer. Nhưng nếu có ai hỏi
tôi về gốc gác của tôi, thì tôi sẵn sàng kể lể cội nguồn, gốc gác mình.
Nước Mỹ có tên là Hiệp Chủng Quốc quả không sai. Những người cư ngụ trên đất
này tùy theo ở vào tuổi nào họ tới để họ có thể hòa mình vào thổ ngơi phong tục,
văn hóa được bao nhiêu. Càng hòa đồng được nhiều họ càng thấy gắn bó, bén rễ với
phần đất này.
Những đứa trẻ lớn lên đầy ắp kỷ niệm với thành phố với trường học, với bạn bè,
làm sao mà bắt nó phải tìm về một nơi khác được, nhất là nơi nó chưa được biết
bao giờ. Nếu cha mẹ nhắc nhở từ nhỏ, rồi dẫn dắt tìm về, thì đó là tìm về nguồn
gốc của tổ tiên chứ không phải tìm về kỷ niệm.
Kỷ niệm là những gì đáng ghi nhớ người ta đã có trong quá khứ, chứ không phải
là điều người ta tưởng tượng ra.
Những cha mẹ lưu vong này mang con về thăm quê, cho con học tiếng nước mình, dậy
con văn hóa, sử, địa của quê hương mình. Nhiều đứa trẻ lớn lên biết yêu mến tha
thiết với nguồn gốc của ông bà, cha mẹ, nhưng chúng cũng lớn lên với kỷ niệm tuổi
thơ của vùng đất chúng trưởng thành.
Sức mạnh của kỷ niệm khuyến khích chúng vững mạnh tiến tới tương lai trước mặt.
Trong nhà chúng tôi ngồi quây quần nói chuyện, những cánh cửa sổ mở rộng ra vườn
sau, một đàn chim không biết từ đâu kéo tới chúng ríu rít vang cả sân. Tiếng gọi
nhau tràn cả vào buồng đang họp mặt, đến nỗi mọi người phải ngưng nói, nhìn ra
ngoài sân. Những con chim tìm về vườn cũ, chúng tìm về kỷ niệm. Chúng xa vườn
lâu quá rồi.
Bao giờ tôi mới lại trở về quê? Tôi nghe tiếng đập cánh của chúng lao xao trong
lồng ngực xa xứ của mình.
Trần Mộng Tú