Trời đã vào đông và một trận tuyết lớn đã mở màn. Ai cũng
cho trận tuyết này đến sớm quá. Các cụ có biết dân Canada thường ao ước có tuyết
vào ngày nào không? Thưa, vào đêm lễ Giáng Sinh. Năm nào đi lễ nửa đêm ở nhà thờ,
khi ra về mà có tuyết bay bay thì dân ở đây sung sướng lắm vì cho là điềm hên
cho cả năm. Năm nay làng tôi không ai đi lễ nửa đêm, vì sợ gặp cô Omicron bạn của
Cô Vít đang dọa nạt mọi người. Nhưng làng tôi vẫn họp mặt ban ngày vì ai cũng
đã chích đủ 3 mũi đề phòng.
Nơi họp làng là nhà cụ Chánh tiên chỉ. Các tin tức trao đổi lúc đầu vẫn là tin dịch mới đang bành trướng, tin Ông Mỹ ông Tàu và ông Nga đe dọa lẫn nhau, tin Đài Loan sẵn sàng nghênh chiến, tin thế giới đang bảo nhau tẩy chay Thế vận Hội Bắc Kinh 2022…Ông Từ Hòe bảo tin chiến tranh thì nghe mãi nhàm rồi, có một loại tin mà ông hằng chờ nghe mà không hề có báo nào đài nào nói tới, đó là tin sản xuất và bán vũ khí. Không một nước nào công bố mình làm ra bao nhiêu súng đạn, bán cho bao nhiêu nước, và thu nhập bao nhiêu tiền.
Các cụ để ý mà coi, không hề có nước nào nói về việc này cả,
dù họ kiếm được rất rất nhiều tiền. Lý do : ai cũng hô hào hòa bình, mình cũng
hô hào hòa bình, mà chả lẽ miệng hô hào mà tay thì lại sản xuất rồi bán vũ khí
sao ! Nước Mỹ nước Nga nước Tàu và nhiều cường quốc khác luôn im lặng và không
cho giới truyền thông đụng tới việc này bao giờ.
Thấy làng yên ắng thì ông Từ Hòe biết ngay mọi người ngấy
các thứ này nên ông xin không nói về các Cô Dịch và việc bán vũ khí nữa. Ông bảo
chúng ta hãy nói những chuyện khác, chuyện ở ngay trước mặt, như chuyện ly trà
này. Phe các bà xưa nay vẫn mê bồ chữ Từ Hòe nên xin ông nói ngay về trà. Ông
cười hà hà : Chuyện này dễ mà, vì là chuyện lịch sử nước Mỹ mà.
Thấy phe các bà tỏ ra rất muốn nghe, ông kể ngay : Ban đầu,
đế quốc Anh khống chế cả miền bắc Mỹ Châu này, bắt mọi người uống trà và trà phải
từ mẫu quốc Anh đem tới. Dân không chịu. Cơn giận của dân đã lên tới đỉnh vào
năm 1773 khi 3 tàu chở 342 thùng trà từ bên Anh tới cảng Boston, dân chúng đã
xông lên tàu và ném hết mọi thùng trà này xuống biển rồi tuyên bố : Từ nay
chúng ta không thèm uống trà nữa, chúng ta sẽ uống cà phê. Và dân chúng đều
hoan nghênh ý này vì cà phê đã có sẵn từ nam Mỹ.
Rồi cà phê được nhiều danh nhân cổ võ. Tổng thống Jefferson
thúc dục thêm nữa : ‘Cà phê là thức uống của thế giới văn minh ! Tẩy chay trà
là yêu nước !’ Từ đó cà phê đã thay thế trà. Trà chỉ còn phát triển mạnh ở Á
Châu như bên Tàu và VN chẳng hạn. Tổ tiên ta đã chỉ biết uống trà, có công thức
pha trà và cách thức uống trà. Về sau cà phê có mặt ở VN là do người Pháp đem tới.
Ở Mỹ này, cà phê đã xuất hiện khắp nơi. Có những câu quảng
cáo về cà phê mà ai cũng nhớ, như câu của hãng cà phê Folgers : ‘ Đây chính là
phần tốt đẹp nhất khi vừa thức dậy’ ( The best part of waking up ). Hay như câu
của hãng Maxwell House dùng lời khen của TT Roosevelt 1907 : ‘Ngon tới giọt cuối
cùng !’ ( Good to the last drop ). Rồi cà phê Espresso kiểu Ý. Rồi cà phê cái nồi
ngồi trên cái cốc kiểu Pháp. Rồi cà phê Starbucks hiện nay.
Cả làng vỗ tay ca ngợi sự thông thái của bác Từ Hòe. Đợi cả
làng vỗ tay xong thì anh John xin góp ý: Nhưng khi học tiếng Anh, chúng ta cũng
nên để ý tới mấy chữ này :
- Cafeteria tuy có chữ café nhưng không phải là nơi bán cà
phê mà là nơi ăn uống,
- coffee break là thời gian giải lao chứ không phải thời
gian mọi người sẽ uống cà phê.
- ‘ Đi uống cà phê’ trong tiếng VN, không có nghĩa là đi uống
cà phê thật mà là rủ nhau ra quán nước để bàn về một chuyện nào đó, uống chỉ là
cái cớ…
Anh John vừa dứt lời thì Chị Ba Biên Hòa nhắc : Anh hãy kể
chuyện tôn vinh phái nữ của Dì Tám trêu anh hôm qua mà anh không đối đáp được,
anh nói cho làng nghe rồi xin làng giúp đi. Anh John được vợ gợi ý thì thích
quá liền kể ngay : Hôm qua tôi gặp một bà Dì của vợ tôi tên là Dì Tám. Bà xưa
là nhà giáo nay đã về hưu, mỗi lần chúng tôi ghé thăm thì bà thích lắm và hay
trêu cái vốn tiếng Việt của tôi. Sở dĩ bà hay trêu là vì bà cứ nhớ câu chuyện
năm xưa khi bà gặp tôi lần đầu. Bữa đó bà tới thăm, tôi muốn tỏ ra mình biết tiếng
Việt nên đã kéo ghế rồi nói : Mời Dì chơi ngồi ! Vợ tôi mắc cở qúa, liền sửa
ngay : Mời Dì ngồi chơi ! Xin lỗi Dì, nhà cháu mới học tiếng Việt nên đã nói
sai nói bậy Tôi nhớ hoài chuyện mời Dì tám ‘chơi ngồi’ này.
Mới đây Dì Tám có gọi điện thoại chúc mừng Giáng Sinh.Vì Dì
biết tôi chăm học tiếng Việt nên đã đố tôi tìm được bài thơ nào ca tụng đàn ông
tương đương với bài thơ ca tụng đàn bà của Cụ Nguyễn Gia Thiều trong sách Cung
Oán Ngâm Khúc:
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây thi mất vía, Hằng Nga giật mình
Nghe xong bài thơ thì tôi chắp tay chịu thua ngay vì xưa nay
tôi chưa hề nghe có bài thơ nào tán dương đàn ông đẹp cả. Bà Dì thấy tôi chịu
thua thì thích lắm rồi hỏi tôi trong các bài tôi đang đọc tôi thích bài nào nhất.
Cái này thì dễ,tôi đáp liền : Cháu đang đọc một bài mà cháu rất thích, đó là
bài bàn về cái tương đối của cuộc đời có ngay trong chữ viết. Rồi tôi đọc :
- Chữ NHẸ vẫn có dấu nặng
- Chữ VỮNG vẫn có dấu ngã
- Chữ HIỂU vẫn có dấu hỏi
- Chữ NGẮN viết dài hơn chữ ‘dài’
- Chữ TA 2 chữ thì chữ NÓ cũng 2 chữ
- Chữ YÊU 3 chữ thì chữ HẬN cũng 3 chữ
- Chữ CƯỜI 4 chữ thì chữ KHÓC cũng 4 chữ
- Chữ BẠN BÈ 5 chữ thì chữ KẺ THÙ cũng 5 chữ
- Chữ HẠNH PHÚC 8 chữ thì BI THƯƠNG cũng 8 chữ…
Rồi tôi bàn luôn sang tiếng Anh : Trong Anh ngữ cũng giống
tiếng Việt Nam về mặt này, như :
- BELIEVE là tin nhưng ở giữa vẫn có chữ LIE là nói dối
- FRIEND là bạn nhưng ở phần sau vẫn có chữ END là chấm hết
- LOVER là người yêu nhưng chỉ sau chữ L có ngay chữ OVER là
hết
- WIFE là người vợ nhưng ngay ở giữa là chữ IF nghĩa là có
điều kiện
Dì Tám nghe tôi nói đến đây thì vỗ tay khen hay. Tôi bảo bài
tôi đọc chưa xong. Bài có câu kết này : chữ viết tuy tiềm tàng nhiều nghĩa,
nhưng hai chữ DAD và MOM, dù quay ngược đảo xuôi thì cha và mẹ luôn luôn là một,
cha mẹ không hề thay đổi.
Dì Tám khen tôi đã được đọc một bài quá hay.
Ông Từ Hòe thấy ngưng chuyện Dì Tám thì ông nhắc : Còn chuyện
tôn sùng phái nữ anh nói ở đầu chuyện thì sao? Ngoài 4 câu thơ tôn vinh phái đẹp
của Cụ Nguyễn Gia Thiều ra, còn ai tôn vinh nữa không? Cả làng im lặng.
Ông ODP liền nói : Không tôn vinh thì có nhiều : Người Do
Thái không hề tôn vinh, người Ấn Độ không hề. Người Tàu chẳng những không hề mà
còn mỉa mai : Thập nữ viết vô, nhất nam viết hữu…
Để cho không khí lễ Giáng sinh vui, ông Từ Hòe nổi máu tếu,
ông xin bàn về câu nói của người Tàu này. Ông bảo câu nói 8 chữ Hán trên đây
thì ai cũng hiểu là 10 cô gái không có giá bằng 1 cậu con trai. Ông bà VN mình
dư hiểu câu ấy nhưng diễn nghĩa câu ấy sống động và hay hơn nhiều. Tôi đố cả
làng ông bà VN đã diễn nghĩa câu 8 chữ ấy như thế nào. Các bà đáp : Thì các cụ
mình diễn nghĩa như ông vừa nói đó. Ông Từ Hòe cười hà hà rồi bảo : Ông bà mình
nói còn hay hơn nhiều, còn mạnh mẽ hơn nhiều :
- 100 con gái không bằng một hòn..ái con trai !
Lời dịch này hay quá chứ, phải không các cụ? Nó làm phe các
bà nín khe. Lời dịch của ông bà ta làm tôi nhớ ngay tới chuyện lời dịch câu nói
của ông già dê trong chuyện Tắt Đèn của Ngô Tất Tố. Rằng đêm đó ông già dê chủ
nhà mò xuống chỗ cô tớ gái nằm. Cô tớ sợ hãi nói mình đã có chồng và là phận
tôi tớ, ông già dê gạt đi, ông bảo : Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh. Cái
câu nói danh tiếng này đã trở thành danh ngôn và được nhiều người dịch sang Anh
văn, như :
-When candles are out, all cats are grey
-All cats are grey in the dark
Nhưng câu sau đây của một em bán bar dịch cho lính Mỹ ở
trong quán rượu đã được chấm giải nhất vì vừa đúng vừa bình dân sống động :
- No light, number one same same number ten
Cả làng tôi nghe xong liền phá ra cười rũ rượi..
Rồi ông Từ Hòe hỏi anh John : Anh có thấy mấy lời dịch này
hay kinh khủng chưa? Thấy anh John vừa gật đầu vừa vỗ tay, ông Từ Hòe xin anh
nói tiếp về những cái hay của tiếng VN mà xưa nay anh vẫn ca tụng. Ông Từ Hòe
đã gõ trúng cửa. Anh John cười hả hê rồi nói ngay :
Tôi thấy tiếng VN hay từ lâu rồi, càng ngày tôi càng thấy rõ
hơn, nhiều hơn. Nó bắt đầu từ ngày tôi nói sai với Dì Tám câu chơi ngồi với ngồi
chơi ở trên. Tiếng Việt có nhiều điều làm tôi mê vì trong mấy tiếng nước khác
mà tôi học thì không hề có như vậy. Nhiều lắm. Ví dụ nha :
- Nhiều chữ đôi thì một nửa là tiếng Việt một nửa là tiếng
Hán như, : rối loạn, sợ hãi, đơn chiếc, thâm sâu, binh lính, in ấn…
-Nhiều chữ đôi đảo ngược mà vẫn giữ nguyên nghĩa : nhỏ bé=bé
nhỏ, thương yêu= yêu thương, gió mưa=mưa gió, yêu dấu=dấu yêu…
- Nhiều chữ đôi mà đảo ngược thì có nghĩa khác ngay : chánh
quy/quy chánh, quê nhà/nhà quê, khó chịu/chịu khó, người vợ/vợ người…
- Lại còn kiểu nói lái nữa mới hay thần kỳ : Yêu nhiều thì ốm/ôm
nhiều thì yếu, Nguyễn Y Vân/ vẫn y nguyên, Chung Vô Diệm/ chim vô dụng, lộng kiếng/liệng
cống…
Nói đến đây xong thì anh John ngưng rồi anh quay vào ông Từ
Hòe : Xưa nay tôi toàn bị bác bắt kể chuyện về cá nhân tôi, chưa hề nghe bác kể
chuyện cười nào về cá nhân bác, vậy hôm nay xin bác cho nghe một chuyện vui về
bác đi, chuyện nào mà bác còn nhớ.
Ông Từ Hòe bị anh John gây chuyện bất ngờ. Nhưng không sao,
ông luôn có sẵn mà. Ông liền kể : Rằng khi ông mới từ trại tỵ nạn sang Canada
do nhà thờ Cha Paolo bảo trợ, ông đã đi làm ngay. Ở Canada muốn xin được việc dễ
dàng thì phải có kinh nghiệm, ông thì chỉ có kinh nghiệm đánh nhau với VC, sang
đây là đất nước hòa bình nên lúc đầu ông chới với. Mãi rồi ông cũng kiếm được
việc vì ông có sức khỏe và vốn tiếng Anh. Các cụ có đoán được cái việc đầu tiên
của ông Từ Hòe là gì không cơ?
Thưa, lạ lắm, ở VN ông chưa hề làm. Đó là cái việc lau cửa sổ
phía ngoài các nhà chọc trời, người lau sẽ phải đu giây từ nóc nhà xuống từng tầng.
Hôm đầu ông được một chàng da đen tổ trưởng huấn luyện. Tòa nhà cao 90 tầng.
Ông kể : từ nóc nhà cao chót vót này nhìn xuống dưới thì ông thấy xe cộ và dân
qua lại bé tí. Lau cửa được hai giờ thì ông xin lên đi đái. Chàng tổ trưởng da
đen cười hì hì rồi nói nhỏ: Việc gì phải đi lên, anh cứ vạch quần tè thoải mái
vào không trung, nước đái bay qua 90 tầng, chưa xuống tới đất thì nó đã tan vào
không khí hết rồi. Hà hà. Nó nói đúng nhưng nghe kinh quá. Ngay hôm sau ông bỏ
cái job này. Ai lại tè lên đầu thiên hạ bao giờ. Rồi sau đó ông xin được việc rửa
chén ở nhà hàng.
Anh John và cả làng vỗ tay khen câu chuyện này. Cụ chánh lên
tiếng xin ngưng chuyện ‘lau cửa kiếng’. Cụ bảo đó là những chuyện có thực của
cuộc đời. Ai tỵ nạn đến đây đều cũng trải qua, cách này hay cách khác. Mong con
cháu sau này biết được những cam khổ của cha ông để chúng tiến lên, lên nữa.
Canada là đất vàng, không ai là không có vàng. Nói gì đâu xa, làng ta đây này,
ai muốn gì thì đều có hết.
Đến đây, cụ Chánh ngưng, cụ nhấp ngụm trà rồi bàn tiếp: Có lẽ
lão vừa nói quá đà về tiền bạc vì thấy dân làng ta ai cũng hạnh phúc đầy tràn.
Lão lại chợt nhớ tới trang sách mới đọc, nhân dịp năm mới, lão xin chia sẻ với
cả làng : bài viết về 10 thứ mà tiền bạc không mua được : Sức khỏe, Tình
thương, Niềm vui, Sự chính trực, Lòng tôn trọng, Nội tâm thanh tĩnh, Đạo đức,
Kiến thức, Trí tuệ, Giác ngộ tâm linh.
Cả làng ai cũng gật gù : Đúng, đúng quá.
Ông bồ chữ già ODP góp ý : Sống ở đời ai cũng đi tìm hạnh
phúc. Ai cũng biết có Phật có Chúa là hạnh phúc. Tôi thấy nhiều bà con của tôi
cứ nghĩ rằng chỉ đi chùa thì mới tìm ra Phật, tôi đã kể cho họ chuyện ngài
Dương Phủ trong sách Cổ Học Tinh Hoa. Rằng một hôm ông Dương Phủ nghe bên đất
Thục có ngài Võ Tế là đại sư nên đã bỏ cha mẹ già mà lên đường học đạo. Nửa đường
ông gặp một lão tăng. Lão tăng mới bảo ông rằng gặp được Võ Tế chẳng bằng gặp
được Phật.
Ông hỏi Phật ở đâu thì lão tăng trả lời : Ngươi hãy quay trở
về, gặp được ai mặc cái áo sắc thế này, đi đôi dép kiểu thế này thì chính là Phật
đấy. Dương Phủ nghe lời liền trở về, nhưng trên đường về thì ông không gặp một
ai như thế cả. Tới nhà, đêm đã khuya, ông gõ cửa. Mẹ ông nghe tiếng ông thì mừng
quá vội khoác chiếc mền và xỏ vội đôi dép ra mở cửa. Ông thấy mẹ lúc đó đúng y
lời lão tăng đã tả, tức thì ông ngộ ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật, ta
chẳng phải đi tìm đâu xa.
Xong chuyện thấy Phật, ông kể sang chuyện thấy Chúa. Rằng có
một cụ già đêm kia mơ được đi dạo với Chúa trên bờ biển. Mọi cảnh huống trong đời
đều hiện ra trước mắt cụ. Cảnh nào cụ cũng thấy có 4 dấu bàn chân ghi trên cát,
2 của cụ 2 của Chúa. Đến cảnh cuối cùng đau khổ nhất khi ông nhìn bãi cát thì
ông chỉ thấy dấu hai bàn chân, ông buồn bã hỏi Chúa : Chúa hằng bảo con rằng
Chúa luôn đi với con cả cuộc đời, thế mà khi nhìn lại những quá khứ đau khổ,
con thấy trên bãi cát chỉ có 2 dấu chân của con, không có bàn chân của Chúa.
Vậy những lúc ấy Chúa ở đâu? Chúa liền trả lời : Những lúc
bi đát nhất trong đời con thì không những Cha đi bên con mà còn cõng con trên
vai, hai vết chân con thấy là vết chân của cha, hoặc cha đang bế con trong
lòng, hoặc đang cõng con trên vai...
Viết đến đây tự nhiên tôi nhớ tới văn hào Anh Quốc Malcolm
Muggeridge khi nhập đạo Chúa năm 1982. Ông viết trên tờ The Times of London những
lời chân thành và cảm động này : Khi tôi gia nhập đạo Chúa, tôi có cảm tưởng
như đã về tới quê cũ, nối lại sợi dây đã đứt, đáp lại tiếng chuông đã được dóng
lên, tìm thấy được cái ghế trống đã dành cho tôi từ lâu tại bàn ăn của đại gia
đình…
Những lời này làm tôi nghĩ tới GS Vũ Quốc Thúc, một nhà văn
hóa lớn của VN cuối đời sống ở Paris. Cụ đã nhập đạo Chúa khi tròn 100 tuổi
vàng. Cụ vừa qua đời ở Paris ngày 26/11/2021 vừa qua. Bạn bè đều nói GS Thúc
cũng có một tấm lòng giống y như văn hào Muggeridge trên đây.
Năm mới, kính chúc các cụ và gia đình luôn nhìn thấy Phật
trong nhà và nhìn thấy Chúa luôn luôn ở trong lòng.
Trà Lũ